Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

"ĐÊM QUAN HỌ BÃO TÁP VÀ CÁI KẾT"

 Copy từ Facebook Pham Mylan.

"ĐÊM QUAN HỌ BÃO TÁP VÀ CÁI KẾT"

- Đả đảo văn công! Hạ màn xuống!

- Cất hết đi! Lãng mạn! Suy đồi!

- Đả đảo hòa bình chủ nghĩa! Đả đảo hưởng lạc!

- Chim chuột nhau trên sân khấu đấy! Đả đảo!

- Mèo mả gà đồng! Hạ màn xuống ngay!

Đấy là tiếng thét kinh người mà nhà thơ Hoàng Cầm ở tuổi 85 (năm 2007) - 9 năm trước khi vĩnh viễn nằm lại "Bên kia sông Đuống" nhớ lại. Những âm thanh kinh người kia là để phản đối ông trong tư cách Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị - phản đối 20 phút quan họ mà ông trưởng đoàn này "dám" đưa lên sân khấu ngay trong đêm liên hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Hôm ấy Hoàng Cầm quyết định chọn 10 tiết mục, trong đó nhất thiết phải có một tiết mục về tình yêu, vì theo ông "như thế nó mới trọn vẹn". Hoàng Cầm kể lại: "Sau hàng loạt các bài hát khí phách, khiến hội trường cảm kích, vỗ tay rào rào như " Hò kéo pháo", "Quê em miền trung  du", "Trường ca sông Lô", "Du kích sông Thao"..., sân khấu cất lên môt màn quan họ. Tôi bảo tốp nữ hát phải thật bay bướm, cái nón quai thao phải thật e ấp, nửa thẹn thùng bỡ ngỡ, nửa mở ra tròn trịa mời đón người tình: " Yêu nhau cởi áo cho nhau/Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay...". Mặc dù đã dè chừng, đã tiên liệu thái độ của những vi sĩ quan vừa trở về từ khói lửa, nhưng đến câu thơ đỉnh điểm chót vót của tình yêu nam nữ: "Gió giục cái đêm đông trường/Nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai..." thì hàng thứ tư xuống đến vài ba hàng nữa, các vị cán bộ trung đoàn đã bắt đầu ghé tai nhau bàn về một cái gì đó hơi nghiêm trọng. Đến khúc hát thứ ba, từ hàng ghế thứ tư phía bên trái sân khấu nhìn xuống, một tiếng sét đã nổ ra, dữ dội đến mức tôi giật thót người, chân tay run lật bật: Hạ màn xuống! Đả đảo!/Đả đảo văn công! Hạ màn xuống...".

Cùng với những tiếng kết tội đanh thép đến kinh người ấy, một góc hội trường xôn xao khiến Hoàng Cầm phải run run giơ tay ra hiệu cho người phụ trách hậu đài hạ màn ngay tức khắc.

Bây giờ, hơn 60 năm sau nhìn lại chúng ta có thể bất ngờ với màn đả đảo quan họ mà Hoàng Cầm gọi là "Đêm quan họ bão táp" này. Thế nhưng trong bối cảnh mà chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc, mùi khói súng lẫn vào mùi liên hoan, trong bối cảnh mà bữa tiệc khao quân còn bừng bừng khí thế của những con người vừa bước ra trong máu lửa huy hoàng của một cuộc chiến thì cái logic "đả đảo quan họ", "đả đảo lãng mạn suy đồi", "đả đảo anh anh  - em em, chim chuột nhau trên sân khấu" là điều dễ hiểu. Càng dễ hiểu hơn nếu biết rằng người phát súng lệnh cho màn đả đảo đó là Trung đoàn trưởng, phụ trách tác chiến thuộc Bộ tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ - Thái Dũng, người tham gia đánh chiếm đồi A1, người đã cụt một tay sau một trận chiến với địch năm 1946, ngừơi thường xuyên xuất hiện trên những trang báo nóng hổi ở Paris, Hà Nội, Sài Gòn trong hình tượng của một ông "quan năm cụt tay" cực kỳ lẫm liệt. 

Sau này, ông "quan năm cụt tay" lý giải cho hành động đả đảo quan họ của mình: "Từ năm 15 tuổi tôi theo cách mạng, 17 tuổi đi đánh trận, cứ liên miên trận mạc, rồi kiểm điểm, rồi tập luyện, rồi chỉnh huấn, chỉnh quân, tôi chưa thấy đoàn văn công nào hát những lời thế bao giờ. Quanh năm tôi chỉ lo sao cho trận nào mình chỉ huy cũng phải thắng. Cấp dưới mà có anh nào lơ là, nhớ nhà, nhớ vợ con là tôi "chỉnh" ngay, có khi đuổi ra khỏi đơn vị. Vì thế cái tính thẳng thắn, cứng ngắc ấy nó quen đi rồi, nên tôi mới quát to như thế, thành ra có lỗi. Nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Đúng nó là dân ca từ xưa, nhưng anh Hoàng Cầm cố tình đưa ra lúc này, khi mà Bác Hồ vừa nhắc nhở toàn quân, toàn dân rằng chiến thắng Điện Biên mới là bước đầu. Chúng ta còn phải gian khổ chiến đấu đến khi thống nhất đất nước, thì cái màn hát đó chỉ làm giảm ý chí chiến đấu quân đội. Rõ ràng đây là sự tỏ tình thô lỗ, "yêu nhau cởi áo cho nhau", rồi con gái chờ con giai về nửa đêm, nửa chăn nửa chiếu nửa giường để đó chờ ai. Thật là như xúi dục chuyện trai gái nhảm nhí, có phải là giảm ý chí chiến đấu của bộ đội không?".

Nếu cứ theo cái suy nghĩ và cái logic "đả đảo quan họ" của ông Thái Dũng, người mới chỉ là Trung đoàn trưởng thì chúng ta có thể tưởng tượng xem những vi tướng có mặt trong lễ khao quân hôm đó như Tổng tư lệnh - Bí thư Tổng quân ủy Võ Nguyên Giáp và Phó bí thư Tổng quân ủy - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh cũng sẽ "đả đảo", sẽ giận dữ, sẽ nổi trận lôi đình như thế nào? Vậy mà bất ngờ thay và "phi logic" thay, trong khi các đại biểu ngồi im lặng thì tướng Thanh bước lên sân khấu nói to:

"Các ông làm loạn đấy à? Kia, có phải ông Thái Dũng không? Các ông toàn là quân đội lâu năm, các ông vô kỷ luật đến thế à? Tổng cục nuôi đoàn văn công để văn công nuôi lại các ông, nuôi toàn quân đội bằng những món ăn tinh thần. Vậy mà các ông chưa chi đã đả đảo người nuôi mình. Các ông vừa chiến thắng xong một trận lớn thật đấy, nhưng vẫn là nhỏ so với công lao xây dựng quân đội của dân. Đáng lẽ tôi thi hành kỷ luật các ông ngay lập tức, nhưng thôi, đây là tiệc mừng, các ông vừa chiến thắng, các ông hách dịch, ra oai tôi tạm tha. Vậy bây giờ ông nào không ưa văn công nữa, xin mời các ông về mà ngủ, ông nào muốn xem tiếp thì ở lại, nhưng phải trật tự, kỷ luật. Nào ai về thì về đi".

Trích: Nguyễn Chí Thanh những góc nhìn từ hậu thế.

Ảnh: Một buổi biểu diễn văn nghệ tại mặt trận Điện Biên Phủ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét