Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

FB Peter Pho: Đạo và Tiền

 Đạo và Tiền

Một học sinh nhắn tin cho lão, mong lão cho một chỉ dẫn về kiếm tiền. Em nói :”Khó quá thầy ơi, không biết bắt đầu từ đâu!”. Lão nói em phải nắm được Đạo, không nắm được thì không thể kiếm tiền. Không nắm được Đạo thì như mầy mò trong hầm tối không thoát được ra, như người mù sờ vào thân con voi nói rằng voi như bức tường, sờ vào chân voi nói rằng voi giống cột đình làng, sờ vào đầu voi nói voi giống cái đấu. Không có Đạo, không có thực lực, không có bản năng, không đủ đức độ để kiếm được tiền.

Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Thế giới ta bà bắt nguồn từ Đạo. Kẻ nào nắm được cái “Đạo” vô hình này thì có được tất cả. Trên đời có hai thứ gần nhất với phẩm chất của “Đạo”. Đầu tiên là "nước" và thứ hai là "tiền". Trong kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, thì Thuỷ đại diện cho “tiền”.  Bởi hai thứ này gần nhau nhất về chất lượng và hợp khẩu vị nhất. Người Hồng Kông hay gọi tiền là “Sủi” (nước). Ví dụ :”Hey, nỉ dảu kỷ tố sủi”, ( Này, anh có bao nhiêu tiền). Thủy vị tài, nên nhiều học trò thường đến xin lão phóng bút tặng bức thư pháp “ Trường lưu thủy”, ý nói tiền vào như nước. 

Cái gọi "Đại đạo là vô hình”, nước cũng vậy, nó không có hình dạng cố định, cho vào bình chứa hình gì thì thành hình ấy, trong hồ là hồ nước, ra sông thành dòng sông, ra biển thành đại dương. Dù đặt ở đâu cũng có thể hòa vào nhau nuôi dưỡng lẫn nhau. Nó chảy vào nơi trũng nhất, nơi nào cỏ cây khát nhất, nó làm tươi tốt vạn vật đến quên mình. 

Đồng tiền cũng vậy, nó chảy từ nơi này sang nơi khác, từ túi này sang túi khác, không bao giờ câu nệ chủ nhân của nó, ai xứng đáng nhất và ai thực sự cần nó nhất mà có duyên với nó, nó sẽ chảy đến tay ai. Nó luôn ở đó, luôn được khám phá bởi những người hiểu rõ đạo và tiền.

Đạo sinh ra vạn vật, và tiền cũng có thể sản sinh ra vạn vật. Tiền có thể thay đổi mọi thứ trên đời, chẳng hạn như hạnh phúc, sung sướng, mãn nguyện, danh vọng, địa vị, quyền lực, nhưng cũng sinh ra mưu toan, đau đớn, đấu đá, giết chóc, tù tội, tàn phá, hủy diệt…

Kiếm tiền, kiếm tiền, trên thực tế, nhiều người đã sai! Tiền không phải kiếm, mà là sau khi bạn giúp người khác giải quyết vấn đề của họ, họ trả công cho bạn. Bạn giúp được bao nhiêu người thì bấy nhiêu người cho bạn tiền. Bạn giải quyết được bao nhiêu vấn đề, thì có thể nhận được bấy nhiêu tiền. Những người chỉ nhất tâm kiếm tiền mà bỏ đi đạo lý làm người thì càng không kiếm được tiền. Bởi họ đã rơi vào cạm bẫy của đồng tiền. Đôi mắt mở to loé sáng chỉ lăm le vào tiền, nhưng họ không bao giờ nghĩ đến giá trị mà mình có thể mang lại cho người khác thì làm sao những người như vậy có thể kiếm tiền được?

Mỗi chúng ta nên suy ngẫm ba câu hỏi:

Giá trị và sứ mệnh tồn tại của bạn là gì? Bạn có thể giúp đỡ người khác bằng cách nào? Bạn có thể giúp thế giới giải quyết những vấn đề gì? Khi nào ba câu hỏi này được trả lời thích đáng, hợp lý, thì khi ấy bạn thực sự có thể bắt đầu kiếm tiền!

99% vấn đề trong cuộc sống có thể được giải quyết bằng tiền, duy chỉ 1% vấn đề không thể giải quyết bằng tiền.Tuy nhiên, chính 1% vấn đề này tạo ra 99% vấn đề còn lại. Điều đó có nghĩa là: chỉ bằng cách giải quyết vấn đề 1% thì vấn đề tiền bạc mới có thể được giải quyết.Tuy nhiên, người ta luôn đổ lỗi cho nhiều nỗi đau do “không có tiền”, ba chữ này thực sự mang quá nhiều oan trái. "Không có tiền" là một kết quả, và nó thường là kết quả của sự thiếu giá trị và nhận thức.

Con người thường chỉ chú trọng đến bản thân “tiền” mà không nghĩ đến những trở ngại về tư duy của bản thân và giá trị khiếm khuyết, chỉ muốn có lợi trước mắt mà không bao giờ muốn khắc phục nhược điểm của mình. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn ác tính là bạn càng muốn kiếm nhiều tiền thì ngược lại bạn càng kiếm được ít tiền. Giống như các thầy dậy kiếm tiền nhanh trong nghề đa cấp, trên bục giảng thao thao bất tuyệt, nói thánh nói gió, hô hồn nhập thể, khiến các học viên từ rạo rực đến bùng cháy. Cứ như kiếm tiền dễ như trở bàn tay, thò tay vào túi lấy kẹo. Thực ra các thầy đang đói meo bụng, khát cháy họng, thèm thuốc lá đến chết nhưng có tờ 100 hôm qua mua mẹ nó con đề. Không kiếm được tiền vì không phải đạo, không thực sự giúp được mọi người, chém gió cũng đòi có tiền? Không dễ à!

Đằng sau tiền phải là sản phẩm và dịch vụ, nếu bạn làm ra sản phẩm và dịch vụ đến mức cực điểm, tiền sẽ đến một cách tự nhiên. Như dồi lợn của vợ chồng Thành Hoa, như giò chả của Nhàn Giò Chả, những sản phẩm ngon cực kỳ thì tiền tự nhiên sẽ đến. 

Đằng sau những sản phẩm và dịch vụ là “Nhân tâm”, dù xã hội có thay đổi thế nào thì nhân tâm vẫn vậy. Đằng sau nhân tâm là “Đạo”, sau khi “đắc Đạo” thì rất dễ “hái ra tiền”.

Sự thật luôn nằm trong tay một số ít người - nói theo cách khác là: đại đa số người đều là những kẻ ngốc nghếch, không thể nắm bắt được chân lý, và do đó cuộc sống cả đời của họ bị chi phối bởi nhiều hình dạng thương mại khác nhau.

99% số người trên thế giới suốt ngày chỉ mơ tưởng một đêm đã phát tài, họ thích tất cả các loại kích thích phát tài ngắn hạn, họ không thích suy nghĩ và học hỏi, thích sổ số, lô đề, cờ bạc, thích đầu tư cổ phiếu trái phiếu, thích cả những thể loại kinh doanh đầu tư hút vốn tiền vào nhanh. Bản chất của nhà kinh doanh là dựa vào những điểm yếu này của con người để kiếm tiền. Nhất là các mô hình kinh doanh phi pháp.

Tất nhiên, có một tiền đề quan trọng ở đây, đó là trước hết bạn phải có khả năng khắc phục những điểm yếu này, chỉ khi khắc phục được những điểm yếu này, bạn mới có thể tránh cho mình bị vướng vào những hành vi kinh doanh đầy hầm hố, và bạn có thể đi lại tự do, ứng xử thoải mái trong xã hội con người.

Vì vậy, kinh doanh cũng là một loại tu dưỡng, là một quá trình để tâm mình ngày càng trưởng thành và hoàn thiện hơn. Để kiếm tiền, bạn phải liên tục từ bỏ những khiếm khuyết khác nhau trong bản chất con người.

Vậy đạo đức lớn nhất trong kinh doanh là gì? Chính là để thỏa mãn nhân tính. Có rất nhiều người trên thế giới này còn chưa chín chắn, thiếu lý trí và không thích suy nghĩ. Họ giống như những đứa trẻ khổng lồ chờ sữa mẹ. Bạn có thể đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người như vậy, và bạn có thể khiến họ sống trong bình yên vô sự và mình thì thu được về những khoản tiền chính đáng. Đấy là đạo đức, thậm chí là một công đức.

Tại sao hầu hết mọi người đều không thích hợp để phát tài? Mặc dù lợi ích của đồng tiền là rất lớn nhưng sự phản xung lực của nó còn dữ dội hơn, nếu một người không có đức hạnh cao, không có cống hiến, không trí tuệ thì khó có thể chống chọi được với phản ứng dữ dội này. Hãy nhìn xung quanh chúng ta, khi nhiều người kiếm được một số tiền nhất định, họ bắt đầu nông nổi, ra oai tác quái, họ kiêu ngạo, ngông cuồng, bỏ qua các quy tắc và đạo đức, phá hoại trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục. Sự giàu có cả đời của một người có một vạch giới hạn. Khi thói hư tật xấu của họ bị tiền bạc bộc lộ ra ngoài, cũng là lúc giới hạn tài phú đã hết. 

Hãy ghi nhớ năm câu sau:

Một: Khi bạn không có tiền, hãy chăm chỉ làm việc rồi cơ hội sẽ đến. Đấy gọi là “Thiên Đạo Thù Cần”. Đạo Trời sẽ đền đắp xứng đáng cho sự cố gắng nỗ lực của bạn.

Hai: Cơ hội đến, hãy thành tín đón nhận, tiền sẽ đến. Đấy gọi là thành tín vị bản. Lấy chữ “Tín” làm vốn cho mình.

Ba: Khi bạn có tiền rồi nên làm điều công đức, cho bớt đi một ít, mọi người ta sẽ tìm đến bên bạn. Đây được gọi là tán tài tích phúc.

Bốn: Khi có người rồi, nên san sẻ yêu thương, thì sự nghiệp sẽ đến, đó gọi là “Thượng thiện nhược thủy, hậu đức tải vật”. 

Năm: Sự nghiệp đến lại dùng trí tuệ thì hạnh phúc sẽ đến. Đây được gọi là “Đức hạnh thiên hạ”.

Tại sao các thánh nhân như Khổng Tử và Lão Tử không cần tiền? Trên thực tế, cái gọi là cần "tiền" của con người chỉ là cái cớ để cần những thứ khác, và nó là biểu hiện của sự khiếm khuyết bên trong chúng ta, chẳng hạn như nhu cầu cấp thiết muốn được chấp nhận ngay, hố sâu của lòng tham không lấp đầy, tính tự ti, mặc cảm cực độ. Thánh nhân thường là những người có nội tâm viên mãn, vì họ viên mãn nên họ không có gì để đòi hỏi. Không có ham muốn trần tục, thì có thể đạt được cảnh giới của sự đại nghĩa chính trực đáng kinh ngạc.

Tiền bạc chỉ là công cụ và thủ đoạn, có thể giúp chúng ta qua sông. Nhưng thánh nhân có thể qua sông chỉ bằng một ý nghĩ, một ý nghĩ vừa thoáng thì họ đã ở bờ bên kia. Thậm chí một ý nghĩ thôi, họ đã ở bên kia bờ Đại Tây Dương, trở về New York yêu thương…kkk

Mọi người luôn nghĩ rằng hạnh phúc là phải sở hữu một cái gì đó, nhưng ít ai nhận ra rằng “không có gì” cũng là một loại hạnh phúc, chẳng hạn như không ốm đau, không lo lắng, không hoảng sợ, không bất an ...

Thánh nhân không phải thanh cao, mà vì họ đã “đắc Đạo”. Bản thân họ là Đạo, cũng là tiền, nên họ không cần "tiền" nữa. Giống như sư phụ mà lão PP đã được gặp trên núi Long Hổ. Người đã là tiên, muốn gì chả biến ra được. Nhưng Người vẫn ẩn dật, đi theo đạo Kim Cương của mình, ở cõi trần nhưng sống thanh bạch như một đám mây, khi ẩn khi hiện, có không không có, thâm sâu nan tả. 

Bản thân thánh nhân sống như nước chảy muôn nơi. Giống như tiền bạc, họ được tất cả chúng sinh cần đến và được cúng dường. Thánh chỉ cần có giá trị, không cần kiếm tiền. Có giá trị quan trọng hơn nhiều so với việc kiếm tiền, bởi vì có giá trị là "tiền cầu người", còn kiếm tiền là "người cầu tiền", hai ý nghĩa hoàn toàn khác. Ví dụ, chỉ có lão PP mới viết được những lời quảng cáo hắc búa thu hút khách hàng nhất. Vậy là có các nhà kinh doanh tự động tìm đến nhà xin ra tay. Lão chẳng cần đi tìm tiền, tiền tự tìm đến nhà…kkk

Loại thuế đắt nhất trên thế giới được gọi là "Nhận thức” (Cognition), và mọi người phải trả cho nhận thức cả đời. Nhưng hôm nay, bài viết chứa đựng nhiều lý thuyết quý báu này xin dâng cho các bạn mà không phải đóng xu thuế nào. Hãy trân trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét