Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Nguyễn Thùy Dương - CHIM TRỜI (Phần 4)


             Tan Nát
          Năm 1998, mẹ tôi sinh thằng Tư Tí. Thằng Ba Nghĩa cách tôi 2 tuổi cái tuổi gần quá để tôi có thể trông em đàng hoàn. Nhưng Tư Tí cách tôi 8 tuổi nó đúng nghĩa là em bé. Bữa mẹ tôi sanh thằng Tí, ba tôi ko về kịp, ông đánh trúng một bầy chim rất lớn. Bầy chim lớn bao nhiêu thì sự đau thương lớn bấy nhiêu nó như báo trước sự chia ly cho tất cả. Ba tôi về chạy vội ra trạm xá coi thằng Tí rồi đem bọc nhao thai về chôn ở bụi chuối sau nhà. Ba ngày sau, mẹ tôi bế cu Tí về nhà. Cái đầu nó quá trời tóc luôn, da nó thì đỏ hỏn à, mắt ti hí như mắt lươn vậy. Chính đôi mắt nó báo hại năm học lớp 5 tôi bị cô giáo phạt vì văn mẫu tả đôi mắt em bé như hai hạt nhãn đen lay láy. Tôi lại tả mắt em Tư ti hí dễ thương. 
    Tư Tí bệnh từ nhỏ hễ sốt là nó động kinh, nó bám tôi như đỉa, hễ chị hai đi học thì thôi. Chị Hai về là nó đòi, tôi hay ẵm nó đi chơi tùm lum chỗ hết, có bữa ẵm tểnh đi đạp châu chấu ngoài mấy bãi cỏ. Tư Tí chậm nói, bữa đầu nó kêu được tiếng A là do tôi tập. Ba mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng cãi nhau, li thân như trước kia. Tới bây giờ thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi tại sao họ sống chết lấy nhau, để rồi sống chết bỏ nhau. Có bữa thằng Tư động kinh nhà ngoại phải chạy về nội tìm ba tôi cắt tay lấy máu nhỏ vào miệng nó. Nó cũng đu bám ba tôi lắm mỗi lúc ba đi lâu ko về là nó lại khóc đêm. Những ngày ba đi là tôi ăn đòn lia lịa. Lý do là mẹ tôi giận ba tôi còn tôi thì giống ông như hai giọt nước. 
   Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, ba tôi đi mang theo hết đồ nghề. Ngoài đường ko thiếu chỗ chứa ông, ba tôi thời trẻ rất đẹp trai, lại hái ra tiền, hát hay, dẻo miệng. Số lượng những cô gái si tình bên ông ko thiếu. Thỉnh thoảng, ông cũng về nhà cho tiền vợ con. Thật sự trong mỗi cuộc tranh cãi, cả ba và mẹ đều có cái lý của mình. Sau này khi chúng tôi hỏi về chuyện xưa thì người này lại đổ lỗi cho người kia. Còn hỏi ai theo đuổi ai thì y như rằng hai người đều đổ cho đối phương. 
    Đến năm 2002, ba mẹ tôi chính thức li hôn. Con cái ở với mẹ, ba tôi về bên nội. Tôi với thằng Ba ăn đòn nhiều hơn ăn cơm. Hai chị em khờ câm, đi học ko bao giờ dám ngẩng đầu. Trong mắt bạn bè chúng tôi rất lập dị và là trò vui cho bạn bè. Nhưng tội nhất có lẽ là thằng Tư, nó chậm nói, khờ khạo, lủi thủi. Nó chờ ba, chờ trong hi vọng, rồi tuyệt vọng, dần dần nó ko chờ nữa. Mọi vui buồn của nó đều quay quanh một người là chị Hai. Ba vẫn thi thoảng ghé trường thăm tụi tôi nếu xét lại cả hai người tôi ko biết nên thương hay giận, ba mẹ tôi kết hôn quá sớm, mỗi người đều ko tự buông cái tôi của mình xuống. 
    Những ngày đó, ba tôi vẫn đánh chim . Địa bàn có phần bị thu hẹp do Công Nghiệp Hoá và giải toả tuy nhiên ko đáng kể.  Ba tôi giỏi nghề giỏi nhiều thứ lại ko giỏi nhìn người, ông liên tục bị lính phản bội, họ dùng tên ông đi đánh lẻ trên chính sân ông. Trước kia ông uống vài li đã say, sau này ông uống vài chai. Lúc thấy mấy người trong xóm chết vì sơ gan , ba tôi chuyển qua uống bia
        Đẻ ra mày thà đẻ ra trứng vịt  ! 
Từ nhỏ dù lớn lên trong vui buồn bất thường, đói khổ thường xuyên, bệnh tật thì triền miên, lại thêm học dốt. Năm lớp 1, tôi học dốt lắm. Đến cuối năm đánh vần vẫn khó khăn, mẹ tôi giận quá đánh tôi bể đầu máu chảy ròng xuống mặt. Hè năm lớp hai, tôi quơ được một cuốn kinh cũ trong hốc nhà. Cuốn kinh ai đó cho ông bà cố tôi hồi trước. Nhà ko ai rành chữ nghĩa nên cứ bỏ vô bao, nhét vô trong hốc. Tôi bén duyên với đạo Phật từ quyển kinh đó. Từ đó đụng gì tôi cũng đọc, đọc đủ thứ trên trời dưới đất. Có điều theo nhận xét của giáo viên tôi viết văn cực tệ. 
    Sau khi ba mẹ li dị, tôi lên học cấp hai và học chuyên Văn. Tôi học rất khá, thông minh hẳn ra nhưng lại lười học. Mỗi lần đi thi Văn đều rớt, khi ở trường thì rất tốt. Đặc biệt khi ngồi buồn viết viết về nhân vật nào đó. Tôi từng khiến giáo viên bộ môn và bạn bè khóc khi viết về Lão Hạc của Nam cao. Dĩ nhiên tôi vẫn lén lút đọc kinh sách nhà Phật. Tôi siêng đọc sách hơn học, năm tốt nghiệp lớp 9 vẫn dư một mớ điểm. 
    Một lần về nội thăm ba, tôi đã nói với ông bỏ đánh chim đi, làm vậy tội lắm. Ông trừng mắt với tôi: " không nhắc lại chuyện này nữa". Tôi ko chịu hỏi chèn vô: " ba à! Nhà mình đánh chim tới đời ba là 4 đời rồi. Có giàu nổi hông ba , ba nhìn đi anh em ba thì chết thảm, nhà mình thì li tán. Bỏ đi ba!
  Ba tôi giận lắm, ông nói: " mày chê nghề ông bà mà cái nghề này cứu đói mày ko biết bao nhiêu lần, cứu sống mày, ko là chết vì ko có tiền đóng tiền nhà thương. Nghề này là nghề ông bà. Đẻ ra mày tao thà đẻ ra trứng vịt luộc ăn cho nhanh"Kể từ đó tôi thường xuyên phá đám việc ông đi đánh chim, lẽ dĩ nhiên cha con tôi khó nhìn nhau đôi chút.
        Ám ảnh giấc mơ hoang
Sau khi tôi sinh con Cò, tôi kêu hai thằng em cùng cha, cùng mẹ của mình lại nói chuyện. Tôi nói với nó về chuyện đánh chim. Cuối cùng , chị em tôi thống nhất bắt ba bỏ nghề và phải đốt lưới tổ. Lúc ba chị em ra nội, ba tôi đã đoán được phần nào. Ông trầm ngâm, tôi hỏi ông: "Ba , ngừng nha ba. Đừng đánh chim nữa, trước là thương nó, sau ba thương dùm tụi con đi ba. Bao nhiêu đó đủ rồi."
Ba tôi ngồi nhìn chằm chằm vào bàn thờ tổ tiên rồi nhìn vào bao lưới. Cả tuổi thơ, tuổi thiếu thời, đến lúc lập gia đình, rồi đổ vỡ, lưới tổ đã bao lần dàn trận. Dù sau này có mua cái lưới mới, thì lưới tổ vẫn còn đó. Mỗi trận đánh lớn, đem theo lưới mới lẫn lưới tổ để lấy hên. Ba tôi hỏi hai thằng em tôi: " có đứa nào muốn làm nghề không? " Hai đứa đều trả lời không. Ba biểu tụi tôi về đi ,14 ra tính. Sáng 14, ông ăn mặc chỉnh tề vào đình Thần Bình Trưng bái lạy xin bỏ nghề. Ông về nhà lạy tổ tiên, ông khóc. Bên ngoài tôi đã chuẩn bị 10 lít xăng để sẵn. Ba tôi đem hết đồ nghề ra để đống, chính tay ông châm xăng đốt. Lạ thay lúc đốt ông không khóc , ông chỉ nói : "vậy cũng tốt. " Lúc đó, người khóc lại là tôi, tôi cố kiềm nén mình lại. Một cảm giác mất mác khó tả, một phần của ông cha đã mất, một phần tuổi thơ tôi, em tôi và nhiều lắm.
     Sau khi đốt lưới, mỗi đêm ba tôi đều mơ thấy ác mộng. Ông kể ông thấy ông bà về mắng chửi mình, tôi an ủi ông rằng đó chỉ là cảm giác day dứt khi ông bỏ nghề. Nhưng rồi đêm đó, ba tôi mơ thấy ông Cố của mình và một người đàn ông Campuchia gọi ông. Tiếng gọi thân lắm, ông ngồi dậy lấy xe đạp chứ ko đi xe máy. Ông đạp miết, đạp miết tới một cánh đồng. Ở đó, tiếng gió, tiếng chim kêu , trong ánh trăng tờ mờ ông nhận ra một bầy chim hơn 2 thiên ở rẫy mía. Ông nghe tiếng gọi bên tai: "Út ! Đánh bầy này đi con" . Ba tôi dợn hết người. Người đàn ông bao lần sinh tử với nghề, bao lần nghe tiếng khóc khi băng giữa đồng đêm, bao lần quơ trúng thằng chỏng..... Lần đầu tiên ông dợn người. Ông lặng lẽ đạp xe về, ông im lặng hơn, nhậu nhiều hơn. Rồi một đêm nọ: ông mơ thấy những người đàn ông đã khuất trong gia đình mình về nói chuyện với mình. Họ kể về sự mê say những cánh chim trời bay lượn, chim én lượn chảo, dòng dọc về lát đát, gió thổi đầu trên, bung lưới lùa, họ còn nói về những cánh đồng xa đang có bao nhiêu chim, loại nào, giờ đi về của chúng?  
   Ba tôi tỉnh dậy toát hết mồ hôi. Ông đạp xe đến những nơi như trong giấc mơ nói, lạ kì sao đúng y như vậy, số chim, hướng bay, loại chim. Ba tôi lại nhậu tiếp, ông nhậu liên tục. Tối ông mắc võng trước bàn thờ Phật ngủ. Rồi một ngày , ông đốt nhang rì rầm khấn vái. Ông nói rõ sẽ không đánh chim nữa. Xin ông bà bỏ lỗi cho ông. Đời ông cha mình khổ phải lấy triệu mạng sống nuôi con, nuôi anh em, cha mẹ bao nhiêu đó là đủ khổ rồi. Chiều hôm đó, ba tôi đi mua một bao lúa về rải xung quanh nhà . Vài con dòng dọc đáp xuống ăn, ông cười biểu tụi nó: ăn cho no rồi về, để người nhà mày đợi!Từ đó , ông ko còn thấy những giấc mơ lạ lùng ấy nữa . 
       Hai năm sau, hai vị giảng sư nổi tiếng miền Nam là Thích Thiện Thuận và Thích Phước Tiến chính thức lên tiếng về vấn đề thả chim phóng sinh. Tiếp theo, Phật giáo miền Nam lên án mạnh mẽ việc mua bán chim phóng sinh. Các vị bàn sâu về nổi khổ của loài chim khi bị giam cầm, dẹp bỏ các khu vực mua bán chim phóng sinh quanh chùa. Nhà chùa mua toàn bộ chim đem phóng sinh và nghiêm cấm bán chim phóng sinh.  Hiện nay tình trạng mua bán chim phóng sinh vẫn còn ít so với trước. Thị trường chim trời dần bị thu hẹp. 
     <Phần tiếp theo: Chợ chim Sài Gòn một thời>
Theo FB Nguyễn Thùy Dương

Nguyễn Thùy Dương - Chim trời (Phần 3)


           Nghề không dành cho ai sợ ma!
Từ nhỏ, ba tôi đã theo ông nội đi làm đồng, đi đánh chim. Ba tôi được sinh ra đã có ruộng lúa, có lưới, lồng, lóc lách, lẹm, cột, dây...... Từ thưở thiếu niên , ba đã thay gia đình đi coi chim rất sớm. Có những lần coi được bầy chim lớn, đem đồ nghề tới bủa lưới, thấy chim về rõ ràng khi úp lưới lại là lưới không. Có những lúc lội sông gặp “ thằng chỏng” , lội băng đồng nghe tiếng nói thì thào, lâu lâu ngó lên đầu thấy xác chết treo cổ trong rừng, nhiều lần coi chim ở Miếu Ông Địa ( Thủ Thiêm ) còn bị “ ghẹo”. Ba tôi nói : “ kệ người ta, mình không sợ người ta, mình đừng ghẹo, vô xin đàng hoàn. Người ta hông làm gì mình đâu”. Có lần ba tôi đi coi chim dẫn theo thằng em kế tôi.  Ba đồng đồng nó trên cổ, qua khúc sông bị hụt giò, thằng con bùm xuống sông, quơ quào kiếm con , quơ trúng ngay “ thằng chỏng” ( xác chết trôi sông). Ba tôi đẩy ra rồi lại lặn hụp vớt em tôi em. Thằng nhỏ uống nước xém chết. Từ đó, ông không dám dẫn em tôi đi theo khi qua sông nữa. Mấy đợt đánh chim phải đi xuồng qua sông lớn. Tôi đòi đi theo chơi, ông cũng không cho. Thời còn sông suối, rừng lau sậy, rừng đồng đan xen ngút ngàn , ba tôi đã một mình xuyên đêm lội đồng. Nhiều người hỏi ông có sợ không? Ông nói : “hông, đi từ nhỏ rồi sợ cái gì mà sợ. Mà sợ rồi lấy gì sống, nhà 14 anh em, cha mẹ nữa.”
              Bủa lưới
      Sau hai ngày đi coi chim dọ đường, ba tôi dẫn quân đi đánh chim. Nếu chim nhiều thì đi 6-7 người, chim ít thì 4 người là đủ. Đôi khi bầy chim lớn quá, đi đánh chim còn phải đổ máu vì những chủ lưới vùng khác cũng muốn đánh lén. Thường thì họ tuân thủ luật đánh, kéo quân tới gặp đúng chủ lưới của vùng mình, họ sẽ tự lui. Nhưng cũng có những chủ cố tình dàn trận lúc đó chỉ có đánh nhau. Nên chủ lưới luôn luôn phải là người giỏi võ. Đồng tiền đổi bằng cả mồ hôi, máu của mình và anh em.
    Lưới tổ nhà tôi lớn lắm! Dài 47m, ngang 25m. Có lần đánh chim xong , ba tôi đem lưới ra giũ, vừa phơi, vừa vá. Tôi chui vô lưới ngủ ông tìm không ra, tới khi giũ lưới mới thấy con nằm trong lưới. Ông hỏi : mày ngựa chứ có phải chim gà gì đâu mà chui vô lưới?
   Đúng 4 h chiều , lính đánh chim tập hợp đủ mặt. Mỗi người một chiếc xe đạp chở theo lồng dây, đồ nghề . Đặc biệt là 5 cây tầm vong già, dài tầm 9-10m. Hai người khoẻ nhất sẽ người chạy trước, người chạy sau, thẳng hàng đạp xe vác tầm vong. Tay ko vịn vào bó tầm vong mà nó ko hề rơ, chỉ thỉnh thoảng chỉnh nó lại chút ít. Đoàn quân đạp xe có khi hơn chục cây số để đi làm.  Nếu đường xa quá, đoàn quân xuất phát lúc 2h, giở theo cơm. Đúng 6h chiều phải có mặt ở cánh đồng. 6h 30 bủa lưới, 15 phút sau phải bủa xong lưới. Chủ lưới phải đón đúng hướng gió thổi, lưới giăng như mái nhà 1 mái. 4 cây trụ tầm vong chính cắm 4 gốc, cây thứ năm cắm ở giữa 2 cây đầu lưới hướng gió thổi lên. Khi chim đã nằm yên trong bãi mía, sậy, lúa.... mới căng lưới. Lưới căng cao 8m, trên đầu mỗi cây trụ cột một con lóc lách( dạng ròng rọc), một bên là con lóc lách trống, một bên là lóc lách mái dùng để kéo lưới lên. Trụ giữa thường là lóc lách mái. Lưới giăng một đầu cao, một đầu thấp trùm lấy toàn bộ bãi đáp như một chiếc lồng khổng lồ. Đầu lưới phía thấp sụp xuống trước vừa cuốn lưới vừa kéo dây thừng lùa chim. Theo thói quen, chim bay lên hướng gió thổi cao. Đầu lưới trên hạ lóc lách dần cho lưới hạ xuống, ko sớm, ko muộn phải đúng thời điểm. Sau đó úp dồn, kéo lưới. Cả bầy chim lúc này sẽ nằm trong lưới. Đoàn thợ nhanh chóng bắt chim vào lồng để giảm thiểu việc chim bị ngợp chết. Xong xuôi đâu đó, mọi người mới dọn dẹp đồ nghề, đạp xe về nhà. 
   Mỗi đêm chờ ba, tôi chỉ cần nghe tiếng chim kêu từ xa là biết ba về tới. Về tới nhà , ông mới thay lồng đếm chim để khuya mang đi bán. Cả đời ông , trừ những khi bể lưới , thất trận chưa bao giờ ông coi sai số lượng chim. Ông coi xong bầy chim, nhắm hướng đánh. Dự đoán gần như chính xác số lượng chim sẽ đánh được. Một bộ lưới đánh tối đa 9.000 con chim nhưng ba tôi không bao giờ đánh hết. Ông nói đánh thì dễ , bắt cho nó không ngợp thì khó. Đánh xong chim trong lưới bắt vô lồng không kịp nó chết hết. Nên đánh ngọn chờ 1 tháng sau êm bầy mới đánh gốc.
 ( Còn tiếp)
Theo FB Nguyễn Thùy Dương

Nguyễn Thùy Dương - Chim trời ! (Phần 2)


     Những mắt lưới oan nghiệt!
    Lúc ông nội tôi sắp mất, ông nội để giàn lưới lại cho ba tôi. Khi ông mất , ba tôi chính thức đốt nhang cúng ông bà kế nghiệp. Một đời ông nội tôi đánh chim thiên nhưng chết trong nghèo khổ. Căn nhà lá sụp xệ buồn không tả nổi. 
     Anh em trong nhà không phục, ba tôi thứ 12, trên có anh trai, dưới cũng có em trai. Dù không phục nhưng cũng để đó không nói gì nhau. Một ngày , Bác tôi mài một cái chét thiệt bén, rồi ngồi cạo lông chân. Ba tôi đi ngang qua hỏi: “Ông mài chét chi dzậy? “. Bác tôi trả lời: “ tao mài chém mày”
   Ba tôi không tin bỏ đi , cho là Bác nói nhảm. Một lát sau Bác bất ngờ chém thật. Một nhát lên đầu em trai mình. Xong Bác cầm can xăng chế lên người mình, tự thiêu. Lửa phựt nóng quá, Bác tôi nhảy xuống con mương sau nhà. Gia đình đưa đi nhà thương, nằm gần cả tháng trời. Vì một bộ lưới có đáng hay không?
   Ba tôi sau đó vẫn đánh chim, kỹ thuật đánh chim của ba tôi rất điêu luyện.  Đối với ông ngoài sinh nhai, đánh chim là cả một đam mê như người đi tàu đánh cá. Mỗi lưới chim đánh được vàng đựng bằng lon để rồi sau đó bán vàng mua thuốc cho hai đứa con. Năm tôi bị mù, ba mẹ tôi đã phải bán gần hai chỉ vàng cuối cùng để đổi thuốc cho tôi. Kì lạ thay sau khi trắng tay thì mắt tôi dần hồi phục.  Có một sự thật dù rất phủ phàng nhưng phải nhìn nhận ngoài hết tiền vì con, ba tôi còn hết tiền vì những người nịnh nọt. Có những kẻ là bà con ,thật sự muốn ba tôi thôi mẹ tôi vì họ nghĩ ông hái ra tiền. Trong tất cả anh em , kĩ thuật đánh chim của ba là tốt nhất . Ba có duyên với nghề nhất, nhiều khi ông cho anh em mượn lưới, mượn sân đi đánh nhưng đều vỡ trận, bung lưới. Thời điểm đó , rất nhiều người tiếp cận ông. Quan hệ ba mẹ tôi xấu đi rất nhiều , nó mở màng cho bi kịch về sau của gia đình tôi . 
       Cho đến khi ba tôi đốt lưới, ông và anh trai mình mới hoà thuận với nhau. Có những bi kịch tôi ko đủ can đảm viết ra trên sân chim đến độ tôi không nhìn mặt ba mình trong một thời gian dài. Hãy tưởng tượng khi ba mẹ tôi li hôn, chúng tôi ở với mẹ. Giữa cánh đồng sậy, phi lao, lính của ba tôi dám vung tay cản mẹ tôi đánh một bầy chim rất ít. Lúc đó, bà cần tiền vì con bệnh. Họ cậy thế ba tôi làm càn trên chính sân chim của dòng họ tôi. Lúc đó, ba đang bận say. Tôi không lạ gì với cảnh dao phay, phản mác để dành sân, bảo vệ địa bàn của mình. Chỉ có điều tôi chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có một ngày là lính của ba tôi và đội quân do mẹ tôi dẫn đi lại làm điều đó. Những gì họ rót vào tai ông khiến ông nói ra câu lính ông làm đúng. Trận đó, dù tôi ko thích việc đánh chim nhưng tôi đã cãi nhau với ông rất dữ dội về luật sân chim. Vợ chồng rạn nứt, cha con đối mặt. Năm đó, tôi còn chưa  biệt được gà, vịt, chim én, bồ câu, sáo đen. Lần đầu tôi phi dao về cái kẻ dám nạt mẹ mình.
 (Còn tiếp)
Theo FB Nguyễn Thùy Dương

Nguyễn Thùy Dương - Gửi những ai còn đang mải miết bắt chim trời! (Phần 1)


Trong thời kì Pháp, Việt Nam - chính xác là miền Đông Nam Bộ có 2 gia tộc được một người đàn ông Campuchia dạy cho kĩ thuật đánh chim. Một trong hai gia tộc đó chính là gia đình nhà nội tôi. Từ hai gia tộc tới năm 1990 giới đánh chim có 5 gia tộc lớn tại miền Đông Nam Bộ. Mỗi gia tộc có sân chim riêng, lấn sân là đổ máu. Cuộc chiến bảo vệ và mở rộng sân chim của mỗi Vua sân chim vô cùng khốc liệt. 
   Tôi lớn lên quen với tiếng chim kêu trong lồng. Mỗi lồng khoảng 500-1000 con chim. Đến mùa đánh chim, chiều ba tôi đi đến tối, 4 giờ khuya lại đi. Giới đánh chim gọi là đi coi chim: coi đường chim bay, hướng bay và đếm, coi hướng bủa trận. Cuối cùng là đưa quân đi đánh.  Mỗi đoàn quân đánh chim gồm khoảng 4-6 người. Đồ nghề gồm có lồng chim,  5 cây tầm vong già, dây thừng, lưới, lóc lách. Một lưới đánh ít nhất là 1000 con chim. 
Vậy mà cái nghề đánh chim nó bạc lắm! Tiền thì nhiều mà nó vào cửa trước, ra cửa sau. Có đợt ba đánh hơn 5000 con chim, ra lưới ko kịp, chim chết ngạt đen lưới. Cái đám sống kêu inh ỏi. Lồng chim làm bằng tre và thiếc, cứ coi nào lòi đuôi ra là bé Dương giật trụi lông đuôi. Một phần niềm vui tuổi thơ của bé Dương là giật lông đuôi chim 
Năm bé Dương 5 tuổi , ba dạy đánh cờ tướng. Năm 8 tuổi dẫn ra đồng coi chim. Sau ba buổi đi theo cha ra đồng. Ba nói : “Mày ko làm được nghề này đâu con”. Từ đó, ba ko dẫn đi nữa. Lý do học ko vô, đếm hoài ko được. Nghề này phải có khiếu. Nhưng ba sợ tôi lớn lên ko biết làm gì nên vẫn âm thầm dạy. 4 năm sau tôi chỉ phân biệt được gà, vịt, sáo đen , chim én. Còn hai con căn bản là dòng dọc và sắc ô vẫn còn là sự nan giải. Ba tôi bỏ hẳn ý định dạy tôi về nghề chim. Ba tôi nói :” có ai ngờ con của Vua sân chim một xứ mà ko biết được ít nhứt tên mấy chục loại chim ai trong nghề cũng biết ko?”
   Một lần nọ, ba tôi nhìn thấy tôi dốc hết túi mua một lồng chim mấy chục con của chú bẫy chim lưới nhỏ. Chỉ để thả - ba tôi trợn mắt, hỏi : Mày làm gì vậy con? 
Tôi rất thật lòng : Ba à! Mấy con này nó ko về con nó làm sao? Cũng giống như ba bị gì con cái sao ba? Ba tôi bỏ đi không nói gì. 
   Sau này, ba mẹ tôi li dị, anh em bệnh đau. Tôi vẫn nghĩ về những lồng chim. Thật ra 3 lần theo ba ra đồng nhìn đường chim bay. Tôi bận tự hỏi mình mấy con này nó mất nhà, nó sống ra sao? Ba bắt nó , con nó sống ra sao? Nó chết ngợp nó có tức không? Tiếp theo là tin em trai của một Vua sân chim muốn dành Lưới tổ của anh mình thừa kế , lập mưu giết anh. Người em đi tù 20 năm. Tôi lại tự hỏi liệu đây có phải là nhân quả.
    Mười năm sau đó, đứa con gái  có khuôn mặt giống với người tiếp nối nghề đánh chim đã mua 10 lít xăng về đòi ba mình thiêu rụi Lưới Tổ , tới đình thần thề bỏ nghề đánh chim, đốt sạch lồng, cột. Kết thúc cái nghề 4 đời của một dòng họ.
                       Chim trời , cá nước
            Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá!
( còn tiếp)
Theo FB Nguyễn Thùy Dương