Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Nguyễn Thùy Dương - Chim trời (Phần 3)


           Nghề không dành cho ai sợ ma!
Từ nhỏ, ba tôi đã theo ông nội đi làm đồng, đi đánh chim. Ba tôi được sinh ra đã có ruộng lúa, có lưới, lồng, lóc lách, lẹm, cột, dây...... Từ thưở thiếu niên , ba đã thay gia đình đi coi chim rất sớm. Có những lần coi được bầy chim lớn, đem đồ nghề tới bủa lưới, thấy chim về rõ ràng khi úp lưới lại là lưới không. Có những lúc lội sông gặp “ thằng chỏng” , lội băng đồng nghe tiếng nói thì thào, lâu lâu ngó lên đầu thấy xác chết treo cổ trong rừng, nhiều lần coi chim ở Miếu Ông Địa ( Thủ Thiêm ) còn bị “ ghẹo”. Ba tôi nói : “ kệ người ta, mình không sợ người ta, mình đừng ghẹo, vô xin đàng hoàn. Người ta hông làm gì mình đâu”. Có lần ba tôi đi coi chim dẫn theo thằng em kế tôi.  Ba đồng đồng nó trên cổ, qua khúc sông bị hụt giò, thằng con bùm xuống sông, quơ quào kiếm con , quơ trúng ngay “ thằng chỏng” ( xác chết trôi sông). Ba tôi đẩy ra rồi lại lặn hụp vớt em tôi em. Thằng nhỏ uống nước xém chết. Từ đó, ông không dám dẫn em tôi đi theo khi qua sông nữa. Mấy đợt đánh chim phải đi xuồng qua sông lớn. Tôi đòi đi theo chơi, ông cũng không cho. Thời còn sông suối, rừng lau sậy, rừng đồng đan xen ngút ngàn , ba tôi đã một mình xuyên đêm lội đồng. Nhiều người hỏi ông có sợ không? Ông nói : “hông, đi từ nhỏ rồi sợ cái gì mà sợ. Mà sợ rồi lấy gì sống, nhà 14 anh em, cha mẹ nữa.”
              Bủa lưới
      Sau hai ngày đi coi chim dọ đường, ba tôi dẫn quân đi đánh chim. Nếu chim nhiều thì đi 6-7 người, chim ít thì 4 người là đủ. Đôi khi bầy chim lớn quá, đi đánh chim còn phải đổ máu vì những chủ lưới vùng khác cũng muốn đánh lén. Thường thì họ tuân thủ luật đánh, kéo quân tới gặp đúng chủ lưới của vùng mình, họ sẽ tự lui. Nhưng cũng có những chủ cố tình dàn trận lúc đó chỉ có đánh nhau. Nên chủ lưới luôn luôn phải là người giỏi võ. Đồng tiền đổi bằng cả mồ hôi, máu của mình và anh em.
    Lưới tổ nhà tôi lớn lắm! Dài 47m, ngang 25m. Có lần đánh chim xong , ba tôi đem lưới ra giũ, vừa phơi, vừa vá. Tôi chui vô lưới ngủ ông tìm không ra, tới khi giũ lưới mới thấy con nằm trong lưới. Ông hỏi : mày ngựa chứ có phải chim gà gì đâu mà chui vô lưới?
   Đúng 4 h chiều , lính đánh chim tập hợp đủ mặt. Mỗi người một chiếc xe đạp chở theo lồng dây, đồ nghề . Đặc biệt là 5 cây tầm vong già, dài tầm 9-10m. Hai người khoẻ nhất sẽ người chạy trước, người chạy sau, thẳng hàng đạp xe vác tầm vong. Tay ko vịn vào bó tầm vong mà nó ko hề rơ, chỉ thỉnh thoảng chỉnh nó lại chút ít. Đoàn quân đạp xe có khi hơn chục cây số để đi làm.  Nếu đường xa quá, đoàn quân xuất phát lúc 2h, giở theo cơm. Đúng 6h chiều phải có mặt ở cánh đồng. 6h 30 bủa lưới, 15 phút sau phải bủa xong lưới. Chủ lưới phải đón đúng hướng gió thổi, lưới giăng như mái nhà 1 mái. 4 cây trụ tầm vong chính cắm 4 gốc, cây thứ năm cắm ở giữa 2 cây đầu lưới hướng gió thổi lên. Khi chim đã nằm yên trong bãi mía, sậy, lúa.... mới căng lưới. Lưới căng cao 8m, trên đầu mỗi cây trụ cột một con lóc lách( dạng ròng rọc), một bên là con lóc lách trống, một bên là lóc lách mái dùng để kéo lưới lên. Trụ giữa thường là lóc lách mái. Lưới giăng một đầu cao, một đầu thấp trùm lấy toàn bộ bãi đáp như một chiếc lồng khổng lồ. Đầu lưới phía thấp sụp xuống trước vừa cuốn lưới vừa kéo dây thừng lùa chim. Theo thói quen, chim bay lên hướng gió thổi cao. Đầu lưới trên hạ lóc lách dần cho lưới hạ xuống, ko sớm, ko muộn phải đúng thời điểm. Sau đó úp dồn, kéo lưới. Cả bầy chim lúc này sẽ nằm trong lưới. Đoàn thợ nhanh chóng bắt chim vào lồng để giảm thiểu việc chim bị ngợp chết. Xong xuôi đâu đó, mọi người mới dọn dẹp đồ nghề, đạp xe về nhà. 
   Mỗi đêm chờ ba, tôi chỉ cần nghe tiếng chim kêu từ xa là biết ba về tới. Về tới nhà , ông mới thay lồng đếm chim để khuya mang đi bán. Cả đời ông , trừ những khi bể lưới , thất trận chưa bao giờ ông coi sai số lượng chim. Ông coi xong bầy chim, nhắm hướng đánh. Dự đoán gần như chính xác số lượng chim sẽ đánh được. Một bộ lưới đánh tối đa 9.000 con chim nhưng ba tôi không bao giờ đánh hết. Ông nói đánh thì dễ , bắt cho nó không ngợp thì khó. Đánh xong chim trong lưới bắt vô lồng không kịp nó chết hết. Nên đánh ngọn chờ 1 tháng sau êm bầy mới đánh gốc.
 ( Còn tiếp)
Theo FB Nguyễn Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét