Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Thymianka Thảo Nguyên (Berlin): KHI CẢ XÃ HỘI ĐỒNG LÒNG DỐI TRÁ

“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật là sự dối trá”.

Đến nay thì cô bé ấy đã là một sĩ quan cảnh sát của CHLB Đức, được đào tạo chính quy tại chính mảnh đất này, nơi em đã sinh ra và lớn lên.

Mình không bao giờ quên những ngày này cách đây hơn chục năm, khi N. được mẹ cho quay trở về Hà Nội, bắt đầu đi học từ năm lớp năm để chuẩn bị cho công cuộc hồi hương.

Phải kể sơ qua về hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt của N. mới hiểu tại sao, mặc dù được sinh ra ở Đức, có quốc tịch Đức, em lại về Việt Nam. 

Mẹ em sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đã gia nhập đoàn quân 40 ngàn người sang xuất khẩu lao động tại CHDC Đức thời thập niên 80, rồi trong một lần về phép, chị cưới người yêu cũ, một sĩ quan an ninh. Cuộc tình của họ sẽ không có gì đáng nói nếu không có vụ Bức Tường Sụp Đổ.

Một đằng là tư bản vốn đang giãy chết trói quá chặt, một đằng là ngành an ninh không cho phép nhân viên của mình xuất cảnh, dù chỉ là du hí đôi ngày, đôi Ngưu Lang Chức Nữ thời @ cứ sống cảnh chồng Đông vợ Tây như thế suốt ba thập kỷ. Ba đứa con lần lượt ra đời sau những lần về phép. N. cũng như các em đều đi học trường Đức. Học lịch sử German, văn hóa Goethe, xài luật Deutschland. Nhưng rồi cũng đến lúc cha mẹ các em tính đến chuyện phải quay trở về, vì bố mẹ không thể xa nhau suốt cả đời.

Rất nhiều thống kê cho thấy, trẻ em Việt Nam học tại quê nhà có điểm số vượt trội hơn hẳn trẻ em sống ở nước ngoài. Điều đó tất nhiên chúng ta có quyền tự hào, theo một khía cạnh nào đó. Nhưng sự rắc rối nhất không nằm ở đây. N. là một cô bé rất thông minh. Em nói và viết tiếng Việt như người Việt vì từ lúc sinh ra hè nào mấy mẹ con cũng về Việt Nam với bố. Vấn đề rắc rối nằm ở chỗ, em luôn nói những gì mình nghĩ, phản ứng tất cả những gì trái với chính kiến của em.

Giáo dục Đức hoàn toàn khác với giáo dục Việt Nam. Ở Đức, trẻ em có quyền nói tất cả những gì mà chúng nghĩ và không ai quy tội như thế là “vô lễ”, “mất dạy”. Chúng chỉ được dạy dỗ để làm một người lịch sự, có giáo dục, nhưng không ai bắt chúng phải lễ độ theo kiểu nói những gì thầy cô muốn được nghe. Con bé xinh xắn, rạng rỡ, hiếu động và tự tin bao nhiêu thì ở môi trường Việt Nam, lại càng là cái gai trong mắt giáo viên bấy nhiêu. Mẹ N. tâm sự, vấn đề lớn nhất không phải là con bé không hòa hợp được, mà là, con của chị... không biết nói dối như các bạn.

Không đi học thêm, N. bị cô giáo cố tình chấm điểm sai, em lên gặp Ban Giám hiệu, bị “đì” là hớt lẻo. Bạn cóp bài, em phản đối, bị tố là phản bội. Em phản ứng và thắc mắc những gì trái với những điều em được học ở Đức một cách rất hồn nhiên ngây thơ, cô giáo cho em là “mất dạy”, vì trò không được phép hỏi vặn cô như thế. Em bị cô lập ở chính nơi người ta dạy dỗ em bằng tiếng mẹ đẻ. Cứ thế, sau hai tháng, N. bỏ học, tuyệt thực và bố mẹ phải cho em quay trở lại Đức.

Mình nhớ hồi học lớp hai, một lần “cấp trên” xuống cơ sở kiểm tra, thế là cả trường nhốn nháo tổng vệ sinh rất rôm rả. Chúng mình tham gia tích cực lắm. Đang hoan hỉ sung sướng thì cô giáo dặn: “Không em nào được nói hớ một câu gì nhé. Chỉ cần lỡ mồm “trường mình hôm nay sạch thế” là chết rồi! Nếu có ai hỏi, các em phải nói là trường mình ngày nào cũng quét dọn y như hôm nay!”.

Hồi đó, mình may mắn được học một thế hệ các thày cô rất ôn hòa, mực thước, tuy đời sống hết sức đạm bạc nhưng đều cố gắng tôn trọng, giữ gìn phẩm cách của nhà giáo. Suốt cả quãng thời gian cắp sách, trong mình chỉ là những hồi ức êm đềm, tràn ngập lòng biết ơn kính trọng đối với các thầy cô. Nhưng “bài học nói dối tập thể đầu tiên” ấy, mình vẫn nghi nhớ đến tận bây giờ. Nó là vết gạch đầu tiên lên tờ giấy trắng ngây thơ của tâm hồn con trẻ. Tuy không có gì to tát nhưng cũng là một hạt sương buồn giữa vùng trời ấm áp mang tên nghề giáo.

Bài học nói dối ấy chỉ là một hạt cát trên sa mạc nếu đem so với 
vụ nói dối tập thể của giáo viên và học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên. Khoan nói đến động cơ bị thúc ép, bị vận động, sợ bị đuổi học, bị nghỉ dạy... v.v, nói dối là nói dối. Chỉ từ chiếc taxi đâm gẫy chân em học sinh lớp hai tại sân trường, đến những tờ khảo sát trơ trẽn và láo xược, diễn biến vụ việc cho chúng ta thấy, Ban Giám hiệu trường Nam Trung Yên đang thách thức pháp luật, thách thức lương tâm của không chỉ gia đình nạn nhân, mà còn của toàn thể học sinh và phụ huynh trường Nam Trung Yên cũng như tất cả chúng ta.

Sự phẫn nộ của công luận và tiếng nói của lương tâm, dù là yếu ớt, đã khiến nhiều cô giáo bắt đầu rời khỏi trò chơi “nói dối tập thể” mà họ đã hoặc đang tham dự. Lương tâm, cần bắt đầu bằng sự chiến thắng nỗi sợ hãi.

Đến đây thì hồi kết chắc không có gì bất ngờ nữa. Trừ khi có cái ô thật to, phong bì thật dầy, vụ việc mới có thể chìm xuống như bảy năm trước, cô 
“hiệu trưởng ăn cắp Tạ Thị Bích Ngọc” vẫn ung dung tại vị và chỉ sau khi bị cáo buộc có bằng chứng tái phạm mới được nhẹ nhàng thuyên chuyển đi nơi khác, tiếp tục rao giảng và phát tán môn đạo đức giả cho cả một thế hệ.

Thầy cô dối trá và ăn cắp, sẽ sản sinh ra những lớp học trò như thế nào? Điều đó hẳn ai cũng biết. Nhưng tại sao họ vẫn được hành nghề được, tiếp tục dạy dỗ con em chúng ta? Phải chăng, chính là vì sự im lặng và thỏa hiệp trong đó có phần đóng góp không nhỏ của từng phụ huynh.

Được đào tạo chính quy tại Đức, N. sẽ trở thành một sĩ quan cảnh sát, một nghề được tuyển chọn cực kỳ khắt khe chỉ dành cho những thanh niên ưu tú về phẩm cách, khỏe mạnh về thể chất và vượt qua được những cuộc trắc nghiệm tâm lý cũng như kiến thức. Nhưng, một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của ngành cảnh sát Đức đó là lý lịch phải tuyệt đối trong sạch: không trộm cắp và không dối trá! 

Nếu hồi đó, cô bé xinh đẹp này hội nhập được vào môi trường của xã hội Việt, tức là biết im lặng để yên thân, biết chấp nhận nói dối tập thể để khỏi bị cô lập, thì nước Đức đã không có một gương mặt nữ cảnh sát hiếm hoi gốc Việt.

Nói dối chưa bao giờ dễ đến như thế ở Việt Nam. Vì người ta đồng lòng nói dối, rủ nhau nói dối. Một cá nhân nói dối thì lương tâm còn nhúc nhích nhưng cả tập thể nói dối thì lại là sự đoàn kết nhất trí cao. Mọi giá trị bị đảo lộn, mọi khái niệm đều bị đánh tráo. Chúng ta không còn niềm tin vào bất cứ điều gì, bất cứ ai, kể cả chính bản thân mình. Trong một xã hội dối trá, người nói thật sẽ bị coi là kẻ phản bội.

Trẻ em Việt Nam cần được quyền nói lên điều mà chúng nghĩ. Các em có quyền làm văn hồn nhiên coi mèo là bạn mà không sợ bị cô giáo cho điểm kém. Chúng cần được dạy dỗ cách miêu tả sự việc mắt thấy tai nghe từ chính những nhà giáo biết nhận biết và đánh vần hai chữ “sự thật”, thay vì bắt buộc phải uốn lưỡi bịt mắt vờ không nhìn thấy chiếc xe taxi to hơn con trâu cán gãy xương bạn ngay trên sân trường như thế nào.

Nếu hôm nay đi học, chúng mới chỉ bị dụ dỗ điểm chỉ vào tờ khai dạy nói dối tập thể thì lớn lên, chúng tất sẽ sáng chế ra những siêu phẩm mang tên dối trá. Không chỉ nói dối để yên thân, bao che cho lợi ích nhóm, chúng còn nói dối để ru ngủ cả một đám đông giống như những con đà điểu ngờ nghệch tự rúc đầu vào cát để lừa dối chính mình và bầy đàn.

Con cháu chúng ta còn phải nghe những phiên bản dối trá cũ mèm như biển bị đầu độc sau mấy tháng tự làm sạch, không có cái gọi là đàn áp nhân quyền và đất nước ta nhìn chung, đã bao giờ được như thế này chưa, điều đó hoàn toàn phụ thuộc ở thái độ của chính chúng ta, hôm nay.

Nói thật rất dễ vì bạn không bao giờ lo sợ bị phát giác.

18.2.2017

Thymianka Thảo Nguyên

Học giả TQ nói về Chiến tranh biên giới 1979 và thói nực cười của người TQ khi bàn chuyện lịch sử

LTS: Phùng Học Vinh, sinh năm 1979, người Dương Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông được đánh giá là tác giả ưu tú của Trung Quốc, tốt nghiệp Học viện Luật trường Đại học ngoại ngữ ngoại thương Quảng Đông; hiện sinh sống tại Hồng Kông.
Ngày 9/4/2015, Phùng Học Vinh đăng tải một bài luận tựa đề "Mấy điều nực cười về cách nhìn lịch sử của người Trung Quốc". Bài viết thách thức lịch sử quan thông thường của đại bộ phận quần chúng và xã hội Trung Quốc nói chung, gây ra các cuộc tranh cãi quyết liệt trên mạng xã hội nước này.
Một số tác phẩm của ông xuất bản tại Trung Quốc đại lục được hoan nghênh như "Lịch sử thực ra rất kinh người", "Từ Cộng hòa đến nội chiến: Chứng kiến 17 năm Bắc Dương"...
Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới độc giả bài viết "gây bão" trên.

Bởi [tôi] là người viết sử, thường đàm luận lịch sử với bạn hữu nên đương nhiên không tránh khỏi những lúc cãi nhau"đỏ mặt tía tai". Ban đầu cho là việc tiếp nhận thông tin lịch sử của các bạn có vấn đề, nhưng lâu dần tôi nhận thấy vấn đề không chỉ nằm ở tiếp thu thông tin, mà do bản thân phương thức tư duy có vấn đề.
Tối nay nhàn rỗi viết mấy lời bàn về việc này. Cái gọi là bằng hữu dám nói thẳng, không có gì biết mà không nói ra. Hy vọng giúp quốc dân (ở đây chỉ người dân Trung Quốc - ND) mở mang đầu óc, thông minh hơn và đừng tự dối mình, dối người nữa.

Điều nực cười thứ nhất:
“Tôi có thể chống đế cuốc
nhưng anh không được độc lập”
Trung Quốc có rất nhiều người được gọi là nhà văn hóa, người yêu thích lịch sử. Mỗi khi bàn đến giai đoạn lịch sử mà Mông Cổ giành độc lập thì thường "tư tưởng lớn gặp nhau" mà phát biểu hai quan điểm thế này:
1. Chính phủ Quốc dân (chính phủ Trung Hoa Dân Quốc - ND) bất lực, để mất Ngoại Mông Cổ.
2. Nước Trung Quốc mới (CHND Trung Hoa - ND) vì sao lại đi ủng hộ Ngoại Mông Cổ độc lập.
Những người được gọi là "nhà văn hóa" này, khi họ nói những điều như vậy, rõ ràng là có một giả thiết tiền đề: Mông Cổ từ thời cổ đến nay thuộc về Trung Quốc, sự độc lập của nhân dân Mông Cổ là bất hợp pháp.
Vậy sự thực như thế nào?
Sự thực là, Ngoại Mông dưới triều Minh và cả thời kỳ trước đó đều không phải địa bàn của người Trung Quốc. Ngoại Mông quy thuận đế quốc Đại Thanh do e sợ sức mạnh của Thanh.
Khi hoàng đế nhà Thanh thông qua "Chiếu thư Thanh đế thoái vị" năm 1912 và đem Ngoại Mông "chuyển nhượng" cho Trung Hoa Dân Quốc, thì sự kiện này cũng không được sự đồng thuận của người dân Ngoại Mông. Nhân dân Ngoại Mông hiển nhiên có quyền không chấp nhận. Nói cách khác, người dân Ngoại Mông có quyền độc lập. Lập luận này rất thuyết phục.
Một chủ đề chính trong lịch sử Trung Quốc cận đại là: Chống đế quốc cứu nước, độc lập tự chủ. Người Trung Quốc phải phản đối thực dân, phải đấu tranh giành độc lập. Có đúng hay không? Rất đúng.
Nhưng hễ bàn đến nhân dân Ngoại Mông muốn giành độc lập thì những thanh niên "ái quốc" của chúng ta lập tức trở mặt. Tại sao trở mặt? Bời vì những người trẻ "yêu nước" này cho rằng: Chỉ có người Trung Quốc chúng ta mới có thể độc lập. Người Ngoại Mông các anh cũng muốn độc lập? Nằm mơ đi.
Tôi có thể chống đế quốc, anh thì không thể độc lập. Quan có thể phóng hỏa, dân thì thắp đèn cũng không được. Đây chính là luận điệu của một số người "ái quốc" yêu lịch sử.
Người Ngoại Mông từ trước là người Ngoại Mông, sau này thì là người Thanh, nhưng họ chưa bao giờ là người Trung Quốc. Họ cũng có quyền chọn lựa không làm người Trung Quốc. Nhân dân Trung Quốc có quyền đấu tranh giành độc lập, nhân dân Ngoại Mông cũng có quyền đấu tranh giành độc lập. Mọi người cùng là người, người người bình đẳng.
"Tôi có thể chống đế quốc, anh không được độc lập" là một kiểu tiêu chuẩn "kép", là logic cường đạo. Cần phải tỉnh táo nhìn nhận vấn đề này, bằng không người Trung Quốc hễ không cẩn trọng sẽ rơi vào tình thế giống như chủ nghĩa đế quốc mà mình vẫn phê phán.
Một số nhà văn hóa "ái quốc" nếu có thời gian thì nên soi lại mình, nhìn xem người ở trong gương có giống phát xít Nhật năm xưa hay không? Cả hai [nhóm] đều theo chủ nghĩa bành trướng, nhưng kẻ chạy 50 bước cười người chạy 100 bước. Có vậy mà thôi.

Điều nực cười thứ hai:
“Tôi có thể đánh ra
Nhưng anh không được tấn công vào”
Nghiên cứu Chiến tranh nha phiến (1840-1843 và 1856-1860, ND) khó tránh bàn đến một vấn đề: Các biện pháp cấm thuốc phiện của Lâm Tắc Từ (quan triều Thanh, được vua Đạo Quang giao chức Khâm sai đại thần kiêm Tiết độ thủy sư tỉnh Quảng Đông năm 1838, phụ trách chống thuốc phiện - ND) có chỗ nào bất hợp lý?
Nhưng khi bàn đến đây, thường một số người "ái quốc" yêu lịch sử sẽ nhảy dựng lên mà phản đối rằng: "Điều này có gì phải bàn? Người Anh đem quân đánh vào biên giới nước ta là họ sai. Dù với bất cứ lý do nào cũng không được tấn công vào. Một khi đánh vào nghĩa là họ trở thành kẻ xâm lược."
Mỗi khi luận điệu như sau xuất hiện thì một số người không đủ kiến thức sẽ bị chèn ép đến "phát khùng": Nước A không được đưa quân đánh nước B, nếu không thì nước A chính là kẻ xâm lược.
Nhưng khi phản bác lại họ rằng "Nếu căn cứ lập luận của anh thì năm 1979 Trung Quốc đưa quân sang đánh Việt Nam. Như thế Trung Quốc có phải là kẻ xâm lược hay không?", thì đối phương sẽ đổ mồ hôi, không biết đối đáp thế nào, tay chân quýnh quáng, ngượng ngùng trăm bề.
Nếu theo lý luận của nhóm "yêu nước" này, bất kể vì lý do gì nước A cũng không được điều binh tới nước B, nếu không sẽ trở thành kẻ xâm lược, thì rõ ràng trong lịch sử Trung Quốc từng đóng vai "kẻ xâm lược" tới n lần.
Năm 1918, chính phủ Bắc Dương (chính phủ trung ương của Trung Hoa Dân Quốc giai đoạn đầu, mà phái Bắc Dương Mãn Thanh do Viên Thế Khải đứng đầu chiếm vai trò chủ đạo trong cục diện chính trị - ND) điều quân sang Nga, tấn công vào lãnh thổ Nga, vậy có phải là xâm lược không?
Năm 1950, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc vượt sông Áp Lục (trong cuộc chiến mà Bắc Kinh gọi là "kháng Mỹ viện Triều": hỗ trợ Triều Tiên chống Mỹ - ND), khiến dân tộc của người ta bị phân tách thì gọi là gì?
Năm 1979, trong [cái mà Trung Quốc gọi là] tự vệ phản kích, quân đội đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam thì gọi là gì?
Đừng quên rằng trong cả hai lần điều binh "xuất ngoại" 1950, 1979, dư luận quốc tế ngập tràn lời chỉ trích. Nếu không tin? Cứ tìm tư liệu xem.
Mọi người có biết không? Trung Quốc-Hàn Quốc xây dựng quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Trong cuộc họp báo ở Seoul, Đại sứ Trung Quốc nhiệm kỳ đầu tiên đã vấp phải câu hỏi khó từ phóng viên Hàn khi bị yêu cầu xin lỗi về "hành vi xâm lược" năm 1950. Vậy thử hỏi trong mắt người Hàn Quốc, hành động của Trung Quốc năm 1950 mang tính chất gì?
Năm 1979 khi quân ta tấn công sang lãnh thổ Việt Nam, thì trong con mắt người dân Việt Nam, chúng ta chính là "kẻ xâm lược". Vào năm ấy, người Trung Quốc chúng ta là "giặc phương Bắc". Chúng ta bị người Việt Nam xem như quân xâm lược. Vì chúng ta đã tấn công vào lãnh thổ của họ.
Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc đúng là chủ yếu đóng vai trò người bị hại. Nhưng ở một số thời khắc của lịch sử, chúng ta cũng đóng vai kẻ xâm hại. Chỉ có điều anh không hiểu, không thừa nhận, không dám đối diện mà thôi.
Khi đàm đạo về lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể chỉ trích đế quốc xâm lược, nhưng luận điểm "nước A đưa quân sang nước B thì là kẻ xâm lược" không thành lập. Bởi vì chúng ta cũng từng đưa quân sang quốc gia khác đánh người ta. Tảng đá này nếu không cẩn thận thì sẽ tự đập vào chân mình (ý nói lập luận không thận trọng sẽ bị "gậy ông đập lưng ông" - ND).
Không phải tôi muốn nói mọi người đừng lên tiếng, mà tôi khuyên hãy nói một cách thông minh. Trên thế giới này thực ra không có ai trong sạch hoàn toàn, không bao giờ được nhận định người khác là lang sói, còn chỉ có bản thân là thiên thần.

Điều nực cười thứ ba:
“Của anh cũng là của tôi
Tự cổ chí kim vẫn là của tôi”
Một số nhà văn hóa "yêu nước" của Trung Quốc mỗi khi bàn về vấn đề lãnh thổ thì thường dùng một câu nói là "thuộc về Trung Quốc tự cổ đến nay". Thế nào gọi là "tự cổ"? Phải "cổ" đến mức nào mới xem là "cổ"?
Còn khái niệm "Trung Quốc" xuất hiện từ khi nào? Hàm nghĩa của "Trung Quốc" là động hay tĩnh"? Thực ra ở đây còn rất nhiều chuyện phải bàn.
Tôi lấy ví dụ về đảo Đài Loan. Các thanh niên "ái quốc" của chúng ta thích nói nhất là "Đài Loan từ cổ đến nay thuộc về Trung Quốc".
Vấn đề ở chỗ đây là một câu nói dối. Đảo Đài Loan vốn không phải thuộc Trung Quốc từ thời cổ. Có thông tin vào thời kỳ Tam Quốc, quân đội của Tôn Quyền từng tới Đài Loan, nhưng điều này cũng không chứng minh được Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Marco Polo còn từng tới Trung Quốc, như vậy cũng chứng tỏ Trung Quốc thuộc về Italia hay sao?
Ngoài ra, thời kỳ triều Minh có lập ra Ti tuần kiểm Bành Hồ nhưng phạm vi chỉ bao phủ quần đảo Bành Hồ, chứ chưa thể bao phủ chính đảo Đài Loan. Người Trung Quốc thi hành biện pháp thống trị hiệu quả trên đảo Đài Loan trên thực tế phải từ thời vua Khang Hy triều Thanh. Trước Khang Hy, người Trung Quốc chưa hề cai trị Đài Loan.
Vậy câu chuyện là thế nào?
Thì ra, đảo Đài Loan trong lịch sử vốn dĩ thuộc địa bàn của dân bản địa. Trên đảo này từng tồn tại các quốc gia kiểu bộ lạc như "Vương quốc Đại Đỗ". Sau này thực dân Hà Lan tới đây và lập chính phủ thực dân. Sau đó nữa thì Trịnh Thành Công (nhà quân sự nổi tiếng cuối triều Minh đầu triều Thanh, sử Trung Quốc ghi nhận là "danh tướng kháng Thanh, anh hùng dân tộc" - ND) chiến thắng người Hà Lan giành lại Đài Loan. Tiếp sau này mới là nhà Thanh đánh bại vương triều họ Trịnh, chính thức thu nạp đảo Đài Loan vào bản đồ Trung Quốc.
Nói cách khác, đảo Đài Loan hoàn toàn không phải là "thuộc về Trung Quốc từ thời cổ" mà do người Trung Quốc chủ động đánh chiếm lấy, thậm chí nói khó nghe một chút là cướp lấy.
Nếu cứ nhất định nói Đài Loan tự cổ thuộc về ai, vậy thì đầu tiên nó phải thuộc về người bản địa trên đảo, sau đó đến người Hà Lan, cuối cùng mới đến người Trung Quốc.
Lịch sử đảo Đài Loan thực ra là một ví dụ rất hay. Nó làm rõ một sự thật lịch sử chính xác nhưng cũng tàn khốc: Trên thế giới này, không có bất kỳ địa bàn nào là thuộc về một quốc gia nào từ thời cổ. Địa bàn của người Trung Quốc cũng như các dân tộc khác trên thế giới đều giống nhau, phải do họ tự chiếm về.
Trong lịch sử, người Trung Quốc vì muốn bành trướng địa bàn của mình đã không ngừng phát động chiến tranh, không ngừng làm diệt vong nước khác, ví dụ như Đại Lý (tỉnh Vân Nam), Nam Việt (địa phận Quảng Đông, Quảng Tây... do Triệu Đà lập nên - ND), Hãn quốc Zunghar (vùng Tây Nam Trung Quốc ngày nay), Trung Sơn (tình Hà Bắc, Trung Quốc), Ba Quốc (tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam)...
Danh sách các quốc gia bị Trung Quốc xóa sổ vẫn còn rất dài. Người Trung Quốc, trong công cuộc bành trướng không ngừng bằng vũ lực, từng bước làm lớn mạnh không gian sinh tồn của mình.
Do đó, các nhà văn hóa "yêu nước" của chúng ta xin đừng cho rằng người khác đều là lang sói, còn chỉ có ta là thiên thần. Tất cả mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới này, về bản chất đều ích kỷ. Người Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Lời nói tuy trần trụi nhưng rất thực tế.
Không có cái gì gọi là "từ thời cổ đến nay". Địa bàn sinh tồn của loài người trong lịch sử luôn ở trạng thái biến động. Hôm nay của anh, ngày mai là của tôi. Diễn biến lịch sử của bất kỳ vùng địa bàn nào đều có dấu vết để tìm lại.
"Từ cổ đến nay" không phải là chân lý gì, mà chỉ là chốn tị nạn của những kẻ lưu manh. Chỉ thế mà thôi.

Điều nực cười thứ tư:
“Tôi có thể bắt nạt anh
Anh không được bắt nạt tôi”
Giáo dục lịch sử cận đại của Trung Quốc tuân theo việc nhồi nhét cho con trẻ quan niệm như thế này: Trong lịch sử cận đại, Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, đồng thời là một nước bị hiếp đáp.
Hôm nay, xin cho phép tôi nói một câu thật lòng: Sự thật là bắt đầu từ cuối triều Thanh, Trung Quốc đã bước lên con đường chủ nghĩa đế quốc. Sở dĩ bước không thành chỉ do vấn đề nội loạn, do không nỗ lực. Tôi lấy ví dụ:
Ví dụ thứ nhất: Năm 1882, nhận thấy người Nhật hiện diện ngày càng nhiều ở thuộc quốc Triều Tiên (Joseon - ND) của mình, đế quốc Đại Thanh cảm thấy địa vị vượt trội ở Triều Tiên bị đe dọa bởi đế quốc Nhật Bản nên đã gia tăng kiểm soát đối với Triều Tiên.
Nhà Thanh yêu cầu Triều Tiên ký kết điều ước bất bình đẳng "Chương trình mậu dịch thủy lục giữa thương dân Trung-Triều", trong đó quy định người Trung Quốc ở Triều Tiên được hưởng trị ngoại pháp quyền (quyền được miễn trừ trách nhiệm trước cơ quan tư pháp bản địa, thường là kết quả đàm phán ngoại giao - ND).
Ngay sau đó Thanh triều lại đòi Triều Tiên thành lập một loạt tô giới của nước Thanh tại Incheon, Busan, Wonsan... Đồng thời, đế quốc Thanh tăng quân đồn trú ở Triều Tiên.
Trị ngoại pháp quyền, tô giới, quân đội đồn trú... là những hành vi điển hình của "chủ nghĩa đế quốc". Đừng nói với tôi rằng hành động của Đại Thanh có khác biệt gì về bản chất so với chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Nhật Bản.
Ví dụ thứ hai: Năm 1911, tại Mexico bùng phát sự kiện bài xích người Hoa. Triều đình Thanh lập tức ra lệnh tàu tuần dương Hai Chi của Hải quân tới Mexico bảo vệ kiều dân Thanh. Chính phủ Mexico đã chọn thỏa hiệp trước sự uy hiếp từ súng pháo của đế quốc Thanh, sau đó nhận lỗi và bồi thường cho Bắc Kinh.
Vậy, việc lập tức điều quân đội đe dọa nước khác khi kiều dân của mình bị "bắt nạt" trên nước họ là hành động gì? Đây là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Xin đừng nói với tôi rằng hành động của Đại Thanh có khác biệt gì về bản chất so với chủ nghĩa đế quốc ở Anh, Nhật Bản.
Ví dụ thứ ba: Cách mạng tháng Mười bùng nổ ở Nga năm 1917, nước Nga Xô Viết thành lập. Các cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc ở phương Tây quyết định động binh can thiệp.
Năm 1918, chính phủ Bắc Dương của Trung Hoa Dân Quốc điều binh tham gia chiến dịch tấn công Nga của các đế quốc, can thiệp quân sự vào nước Nga Xô Viết. Sự kiện này được lịch sử gọi là "vụ can thiệp Siberia". Mọi người không hề nhìn nhầm, Trung Quốc từng đưa quân vượt qua biên giới Nga, can thiệp vũ trang vào nội chính của Nga. Đó chính là sự thật lịch sử được ghi chép giấy trắng mực đen, chỉ là nó đã bị lãng quên.
Đưa quân sang nước khác, can thiệp hoạt động nội bộ của họ chính là hành vi điển hình của chủ nghĩa đế quốc. Xin đừng nói với tôi là không phải.
Còn có một sự kiện lịch sử mà ai ai cũng biết: Hải chiến Giáp Ngọ (1894). Khác với nhận thức của chúng ta, trận Giáp Ngọ thực tế không phải một cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, mà là xung đột bùng phát giữa đế quốc Đại Thanh và đế quốc Nhật Bản do tranh chấp quyền kiểm soát ở Triều Tiên.
Chí ít trong mắt người dân Triều Tiên, hải chiến Giáp Ngọ chỉ là một cuộc chiến "chó cắn chó" giữa đế quốc chủ nghĩa Thanh và Nhật Bản. Nhật kiểm soát Triều Tiên là sai, nhưng Thanh kiểm soát Triều Tiên có đúng hay không? Đổi góc độ tư duy sẽ thấy ngay.
Nói thêm một sự thực ít người biết: Khi chiến tranh Giáp Ngọ bùng nổ, mọi người có biết dư luận quốc tế nghiêng về bên nào không? Đáp án sẽ khiến anh phải tròn mắt: Dư luận quốc tế thời điểm ấy ngả theo Nhật Bản. Đa số người phương Tây nhận định đế quốc Thanh vô lý. Thật bất ngờ phải không?
Những ví dụ như trên còn có thể nêu ra rất nhiều. Từ các ví dụ này chúng ta thấy được trong trào lưu chủ nghĩa đế quốc thời kỳ đó, chính phủ Trung Quốc giai đoạn cuối Thanh đầu Dân Quốc đã gia nhập hàng ngũ đế quốc, đồng thời bước lên con đường chủ nghĩa đế quốc.
Những hành động ức hiếp người mà đế quốc thực hiện ở Trung Quốc thì chính phủ Thanh hay chính phủ Bắc Dương đều đã bắt đầu làm, thậm chí còn hành động "ra trò".
Lịch sử nói cho chúng ta biết: Người Trung Quốc "không ăn chay". Đừng bao giờ cho rằng người Trung Quốc đều là "dì Tường Lâm" đầy bạc nhược (nhân vật trong tiểu thuyết "Chúc phúc" của Lỗ Tấn - ND). Người Trung Quốc không phải là không muốn đi con đường đế quốc chủ nghĩa, chỉ là nội loạn nên bất thành mà thôi.
Trong lịch sử, dù là ngay thời cận đại, việc người Trung Quốc ức hiếp người khác là một sự thật lịch sử. Không phải là không có, mà chỉ là anh không biết thôi.

Điều nực cười thứ năm:
“Tôi luôn luôn đúng
nhưng không biết vì sao”
Tôi từng bàn luận với một tài xế taxi ở Thâm Quyến về vấn đề đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku - ND). Tài xế nói với tôi rằng Điếu Ngư là của Trung Quốc, phải giết sạch đám "tiểu Nhật Bản".
Tôi nửa đùa nửa thật hỏi lại: Vì sao đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc? Anh lái xe bị tôi hỏi vậy thì sững lại một chút, rồi đáp: Đương nhiên là của Trung Quốc, còn phải hỏi sao?
Tôi tiếp tục truy vấn: Đúng là tôi không biết, xin được chỉ giáo. Tài xế im lặng rất lâu mới bật ra một câu: Tôi cũng không biết là tại sao, tóm lại [Điếu Ngư/Senkaku] là của chúng ta.
Câu chuyện này đã nhiều năm. Mỗi lần nhớ lại anh taxi Thâm Quyến nọ là tôi lại thấy buồn cười. Anh ta hoàn toàn không phải trường hợp cá biệt.
Nhớ lại những thanh niên "yêu nước" đập phá xe (sự kiện tháng 9/2012, sau khi Nhật quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - ND) năm nào, nếu hỏi họ "vì sao đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc", tôi tin 99% người được hỏi không đáp được. Cứ đập xe đã rồi tính, đừng hỏi tôi tại sao.
Anh tin rằng tiền trong ví anh là của anh. Tại sao vậy? Bởi vì anh vừa được phát lương. Anh tin rằng căn nhà của anh thuộc về anh bởi vì anh bỏ tiền ra mua nó. Anh tin rằng vợ anh là của anh, bởi vì anh và cô ấy có giấy đăng ký kết hôn.
Khi anh tin rằng bất kỳ một sự vật nào thuộc về mình, anh tất nhiên sẽ nói ra được lý do. Nếu như anh không nêu được lý do, chứng minh anh cũng không dám chắc vật đó thuộc về anh. Mà nếu anh không biết một sự vật vì sao lại thuộc về mình, nhưng trong ngôn hành lại khăng khăng tuyên bố nó thuộc về anh, thì chứng minh tư duy của anh có vấn đề. Đây là bệnh, cần phải chữa trị.
Một trăm năm trước phụ nữ còn bó chân. Người ngoài hỏi vì sao bó chân thì cô cũng không biết, bởi vì mọi người đều nói bó chân là đúng, cho nên cô cảm thấy nó đúng. Khoảng bảy, tám chục năm trước, người dân Nhật Bản xếp hàng tiễn con em rời quê hương đi chinh phục Trung Quốc. Nếu anh hỏi bọn họ vì sao thì họ cũng không biết. Họ chỉ biết rằng "chiến đấu vì quốc gia là đúng". Những hiện tượng này cũng là bệnh, cần được chữa trị.
Những người lý trí một chút nên biết rằng: Nếu anh không hiểu được vì sao đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc thì anh nên im lặng. Còn nếu quả thực anh lo lắng vì nước vì dân, vậy anh nên thu thập ngay các tài liệu lịch sử về đảo Điếu Ngư để hiểu rõ ràng quan điểm và chứng cứ của cả hai bên. Sau khi xác tín "đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc" rồi, thì lúc đó anh mới đi khắp nơi tuyên bố "đảo Điếu Ngư của Trung Quốc" được.
Vấn đề là khi anh không hiểu về lịch sử của đảo Điếu Ngư mà khăng khăng nói "đảo Điếu Ngư là của Trung Quốc", nhưng khi người khác hỏi lý do anh lại không trả lời được, thì lúc đó trong mắt người ta anh đã thoái hóa thành một con khỉ rồi.
Một người "đủ tư cách", đầu tiên phải là người thành thực, chính trực. Đối với bất kỳ việc gì, anh biết nghĩa là biết, không biết nghĩa là không biết. Một đồ vật gì, thuộc về anh tức là thuộc về anh, không thuộc về anh tức là không thuộc về anh.
Khi anh không dám chắc một thứ gì có thuộc về mình hay không thì đáp án phù hợp nhất là: Tôi không biết.
Còn nếu anh đã không biết nhưng lại nói chắc như đinh đóng cột rằng món đồ thuộc về mình, thì lúc này xét về phương diện tinh thần, anh đã bị xếp vào hàng trộm cướp.


Phùng Học Vinh

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2017

Loài gà đã thống trị thế giới như thế nào?

Thành viên <ndminhduc> trên diễn đàn tinhte.vn
Để từ những con gà rừng làm tổ trên cây, biến thành một trong những món ăn phổ biến nhất thế giới, xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, trải dài qua các nền văn hóa, được xem như một biểu tượng của ẩm thực, nông nghiệp, công nghiệp hóa, kinh tế và hội nhập toàn cầu, loài  đã trải qua hàng năm lịch sử, viết nên một câu chuyện đầy bi tráng. Nhân dịp năm gà, mời anh em cùng tham gia hành trình 10.000 từ những con gà trong rừng châu Á tới ngay hôm nay với “dân số gấp 3 lần loài người”, có mặt trong hầu hết các nhà bếp trên khắp Trái Đất nhé.

Hai con gà chọi nhau trên đường hành quân của vị tướng Hy Lạp

Chuyện kể rằng vào thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, vị tướng Themistocles của thành Athen, Hy Lạp đang trên đường hành quân chống lại quân Ba Tư xâm lược, bỗng dừng lại trước cảnh 2 con gà trống đá nhau. Khi đó ông đã bảo quân lính lại và nói rằng: “Này anh em, những con gà này không phải đánh nhau cho vị thần hộ vệ trong nhà, cho lăng mộ tổ tiên họ, cho vinh quang, cho sự tự do hoặc sự an toàn của con cái họ, nhưng đơn giản chỉ vì một trong số chung không nhường đường cho kẻ khác.” 
Mặc dù truyền thuyết này không kể tiếp con gà nào sẽ thắng và thua, cũng không giải thích tại sao binh linh lại nghe câu nói đó mà được truyền cảm hứng, nâng cao tinh thần chiến đấu thay vì cảm giác thất vọng hoặc chán chường. Tuy nhiên lịch sử ghi nhận rằng binh lính Hy Lạp đã nhờ đó mà có tinh thần lên, tiếp tục đẩy lùi quân xâm lược, tiếp tục giữ vững nền văn minh của họ, lan tỏa mạnh tới các nước phương Tây ngày nay, bao gồm cả việc duy trì những con gà làm thức ăn với đủ kiểu chiên, luộc cùng đủ thứ loại sốt. Có lẽ những con gà trống khi xưa cũng không nghĩ rằng vai trò của chúng lại quan trọng như vậy, tuy nhiên, hậu duệ của chúng cho tới ngày nay sẽ tự hào vì điều đó. 


Gà là lại thức ăn cực kỳ phổ biến trong thời đại của chúng ta, trải dài qua nhiều nền văn hóa, nhiều quốc gia, đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Với hương vị thịt nhẹ nhàng, kết cấu đồng nhất, gà có thể dễ dàng chế biến theo nhiều cách, với nhiều loại thức ăn khác nhau. Tại nhiều nơi mà người ta còn tin rằng các món ăn có liên quan tới gà đã trở thành đặc trưng của quốc gia họ, thí dụ như món cà ri gà, gà tikka masala hoặc món gà rán Kentucky. Đã từ rất lâu rồi người ta đã bắt gặp hình ảnh hầu như gia đình nào cũng có nuôi vài con gà chạy trong sân, sau đó tới lúc cần thì ra bắt để chuẩn bị cho bữa ăn tối. Thịt gà tại nhiều nơi còn là món ăn gắn liền với những kỷ niệm, đặc biệt là gợi lên nhiều liên tưởng cho hầu hết người Mỹ. 

Loài gà: biểu tượng của sự may mắn, linh vật biết tiên tri hay là dấu chỉ của sự phản bội?


Vậy làm thế nào bọn gà có thể thống trị về mặt văn hóa lẫn ẩm thực của chúng ta? Sẽ thật đáng ngạc nhiên bởi nhiều nhà khảo cổ học tin rằng khi xưa, tổ tiên chúng ta đã thuần hóa gà không phải để ăn, mà là để cho chúng đá nhau. Cho đến khi có sự ra đời của sản xuất trên quy mô công nghiệp vào thế kỷ 20, sự đóng góp kinh tế và dinh dưỡng của loài gà mới trở nên phổ thông. Trong cuốn “Súng, vi khuẩn và thép”, Jared Diamond đã liệt loài gà trong danh sách “những động vật có vú cỡ nhỏ trong nhà, chim và côn trùng nuôi nhà”, hữu ích cho con người nhưng khác với ngựa hoặc bò vốn đã cùng với con người thay đổi tiến trình lịch sử.
Tuy nhiên, loài gà đã truyền cảm hứng cho nhiều nền văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, khoa học và tôn giáo trong suốt thiên niên kỷ. Loài gà đã và vẫn là một con vật linh thiêng trong nhiều nền văn hóa. Tại nhiều nơi trên thế giới, chúng vẫn là biểu tượng của sự nuôi dưỡng và sinh sản. Những quả trứng gà từng được treo trong các đền thờ Ai Cập để cầu chúc cho sự dồi dào của nước sông, của những gì mà cơn lũ mang lại. Những con gà trống mạnh mẽ từng được sử dụng như một biểu tượng của nam tính và thậm chí trong đạo thờ thần lửa của Ba Tư cổ đại còn tin rằng gà chính là hiện thân của một vị thần, cất tiếng vào lúc bình minh để báo hiệu cho một nước ngoặt trong cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng. 

Đối với người La Mã cổ đại, dụng cụ giết gà là vật may mắn, đặc biệt là trong thời chiến. Gà đồng hành cùng vứi quân đội La Mã và hành vi của chúng được quan sát cẩn thận trước trận chiến, khi đó họ cho rằng gà ăn ngon miệng nghĩa là điềm báo của chiến thắng. Theo ghi chép của sử gia La Mã Cicero, khi một con gà không thèm ăn trước trận thủy chiến vào năm 249 TCN, một lãnh tụ đã tức giận ném nó xuống nước. Sau đó, ông đã thua cuộc. 

Trong đoạn Kinh Thánh Cựu Ước liên quan tới nghi lễ hiến tế đã cho thấy đấng Yahweh có sở thích đặc biệt đối với thịt đỏ hơn là gia cầm. Trong Sách Lêvi 5:7 nói rằng nếu người phạm tội không có đủ tiền mua chiên dê để dâng lễ, họ có thể mang tới một cặp chim gáy hoặc bồ câu để thay thế và được chấp nhận. Sách Matthew 23:37 có một câu chó thấy Chúa Jesus ví việc Ngài yêu thương bảo vệ con người tại Jerusalem giống như gà mẹ chở che gà con dưới cánh. 
Hình ảnh con gà dù nhỏ nhưng lại cực kỳ quan trọng trong Phúc Âm Công Giáo, giúp hoàn thành lời tiên tri rằng Thánh Phêrô sẽ chối Chúa Jesus 3 lần “trước khi gà gáy”. (Vào thế kỷ thứ 9, Đức Giáo Hoàng Nicholas I đã ban hành một sắc lệnh quy định hình ảnh gà trống phải đặt trên đỉnh của các nhà thờ để nhắc nhở về sự kiện này. Đây cũng là lý do truyền thống mà cho tới ngày nay vẫn còn nhiều nhà thờ có tượng gà trên đỉnh, thí dụ như Nhà Thờ Con Gà ở Đà Lạt chẳng hạn.) Dù con gà trống không thật sự liên quan nhưng có vai trò đánh dấu thời điểm, có thể là dấu chỉ của sự phản bội nhưng vẫn chưa thật sự thúc đẩy vai trò của con gà trong nền văn hóa phương Tây. Trong ngôn ngữ Mỹ bình thường, từ con gà thường dùng để chỉ tính nhát gan, có vấn đề thần kinh và dễ sợ hãi.

Trên thực tế, giống đực của những loài vật đa phần là hung dữ, đặc biệt là khi được nuôi dưỡng và huấn luyện chiến đấu. Tự nhiên đã trang bị cho gà trống cặp chân với xương chắc chắn, con người đã bổ sung thêm những chiếc cựa kim loại hoặc những mảnh dao sắc vào chân chúng để phục vụ cho những trận chiến một mất một còn. Đá gà là bất hợp pháp tại nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ và được liệt vào hành vi vô nhân đạo. Nhưng vẫn còn nhiều nơi còn tục đá gà, hợp pháp lẫn bất hợp pháp và thậm chí có nơi còn tuyên bố đó như một môn thể thao liên tục lâu đời nhất thế giới. Các tác phẩm nghệ thuật thời cổ đại cũng nhiều lần miêu tả tới hình ảnh chiến binh gà trống. Tại thành phố Pergamum, Hy Lạp cổ đại thậm chí còn thành lập cả một lò đá gà, huấn luyện chúng trở thành những con gà chiến. 

Một chút về lịch sử thuần hóa gà và “thịt khủng long có vị thế nào?"

Việc thuần hóa loài gà cũng có cả một gia phả phức tạp kéo dài từ 7000 cho tới 10000 năm và theo nghiên cứu công bố gần đây thì có liên quan tới ít nhất 2 giống gà hoang dã tổ tiên, nhiều hơn 1 sự kiện thuần hóa ban đầu. Các bộ xương hóa thạch sớm nhất được xác định tại vùng đông bắc Trung Quốc, sống vào khoảng năm 5400 TCN, nhưng đây lại là vùng đồng bằng lạnh, khô và không thể là nơi sinh sống của tổ tiên loài gà. Do đó, nếu đây thực sự là xương gà thì chúng tới từ nơi khác, thí dụ như Đông Nam Á.
Thuyết tiến hóa mở rộng của Charles Darwin cho rằng tổ tiên của gà là loài gà rừng lông đỏ Gallus gallus và điều này đã được khẳng định sau này bởi phép phân tích DNA. Loài gà Gallus gallus cũng có ngoại hình giống với gà hiện đại ngày nay với chiếc mào và yếm đỏ, cựa dưới chân để chiến đấu và tiếng gáy để kêu gọi bạn tình. Tương tự như vậy, tổ tiên gà mái hồi xưa cũng có màu nâu, có nhiệm vụ đẻ trứng và cũng kêu cục cục như gà mái hiện đại ngày nay. Trong môi trường sống trải dài từ Ấn Độ tới Philippines, loài G. gallus tìm sâu bọ, hạt và trái cây dưới đất rừng làm thức ăn, sau đó bay lên tổ trên cây vào ban đêm. Người ta cho rằng khả năng bay hạn chế chính là đặc điểm giúp con người dễ dàng bắt giữ, nuôi nấng và thuần hóa chúng sau này. 

Tuy nhiên G. gallus không phải là tổ tiên duy nhất của gà hiện đại. Các nhà khoa học đã xác định được 3 loài khác có dòng dõi với loài gà rừng lông đỏ. Tuy nhiên, chính xác có bao nhiêu vật liệu di truyền từ các loài này còn được lưu giữ ở loài gà hiện đại vẫn còn là vấn đề phỏng đoán chứ chưa thật sự được xác định. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng loài gà hiện đại đã thừa hưởng ít nhất một đặc điểm chính là bộ da màu vàng có nguồn gốc từ loài gà rừng xám ở miền nam Ấn Độ.
Vậy có phải những con gà G. gallus được thuần hóa, sau đó lan từ Đông Nam Á tới phía Bắc Trung Quốc hoặc Tây Nam Ấn Độ. Hay là có tới 2 quá trình thuần hóa gà hiện đại diễn ra một cách độc lập tại Ấn Độ cổ và Đông Nam Á? Đó là 2 kịch bản có thể xảy ra và đã khiến các nhà khoa học đau đầu trong suốt khoảng thời gian dài. Nguyên nhân chính là khi truy ngược nguồn gốc đặc điểm DNA của gà hiện đại, các nhà khoa học đã mắc phải những đứt đoạn và rối rắm trong lịch sử, chủ yếu do loài gà thuần hóa và chim hoang dã có sự lẫn lộn với nhau về mặt di truyền.

Tuy nhiên tới năm 2004, mọi chuyện đã dần sáng tỏ khi một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia đã xác lập bản đồ gen hoàn chỉnh của loài gà. Từ đó, họ xác định rằng gà là loài động vật đầu tiên được thuần hóa, cũng là loài chim đầu tiên, đồng thời cũng là hậu duệ của loài khủng long,… được con người thuần hóa. Không chỉ thế, bản đồ gen còn cho phép các nhà nghiên cứu có được cái nhìn toàn cảnh trong suốt quá trình thuần hóa một loài kéo dài cả thiên niên kỷ. Trong một dự án tiến hành bởi Đại học Uppsala, Thụy Điển, các nhà nghiên cứu đã tìm kiểm sự khác nhau giữa gà rừng lông đỏ và hậu duệ của nó là gà hiện đại. 

Qua đó, họ còn xác định được sự khác nhau về mặt di truyền giữa loài gà chuyên đẻ trứng và loài gà dùng để lấy thịt. Cụ thể, họ xác định được đột biến quan trọng trong một gen quy định TBC1D1 với chức năng điều hòa quá trình chuyển hóa glucose. Một đột biến khác bắt nguồn từ chọn lọc giống là gen quy định hormone kích thích tuyến giáp TSHR. Ở động vật hoang dã, gen này giúp tái định vị chiều dài ngày, hạn chế sự sinh sản vào từng mùa cụ thể. Đột biến vô hiệu hóa gen này sẽ cho phép con gà có thể nuôi và đẻ trứng trong suốt cả năm. 

"Những đầu bếp La Mã đã phát hiện rằng con gà trống bị thiến sẽ tự béo lên mà không cần nuôi ép như gà thường"

Một khi những con gà đã được thuần hóa, các mối quan hệ văn hóa, thương mại, di cư và những cuộc xâm lược đã liên tục đưa những con gà đi tới nhiêu khu vực khác nhau trên thế giới trong suốt hàng ngàn năm qua. Mặc dù vẫn chưa có kết luận cuối cùng nhưng một số bằng chứng cho thấy nguồn gốc xuất phát của loài gà về hướng Tây có thể là từ nền văn minh lưu vực sông Ấn, nơi các thành phố của nền văn minh Harappan đã hình thành nên con đường giao thương với khu vực Trung Đông từ 4000 năm trước.
Khi đó, người Ai Cập đã xây dựng nên những khu phức hợp ấp trứng với hàng trăm lò. Mỗi lò là một căn phòng lớn, được kết nối với nhau bằng hàng loạt các hành lang và lỗ thông hơi, kết nối tới một lò trung tâm. Tại đây, rơm và phân lạc đà sẽ được đốt để cung cấp nhiệt một cách có kiểm soát tới các lò ấp. Kỹ thuật này đã được người Ai Cập sử dụng và lưu giữ một cách bí mật qua nhiều thế kỷ. 

Tại Địa Trung Hải, các nhà khảo cổ học đã khai quật được xương gà có niên đại từ khoảng 800 năm TCN. Gà khi đó đã trở thành món ăn của người La Mã với nhiều cách chế biến khác nhau, bao gồm cả món trứng chiên và các món gà nhồi. Những người nông dân bắt đầu phát triển nên phương pháp vỗ béo gà, có người sử dụng bánh mì ngũ cốc ngâm trong rượu vang, có người lại sử dụng hỗn hợp hạt giống thì là, lúa mạch và mỡ thằn lằn. 

Tuy nhiên, có thời điểm chính quyền cấm tiến hành các kỹ thuật nói trên. Tuy nhiên nhận thấy xu hướng theo đuổi lối sống xa hoa của một bộ phận dân chúng Cộng hòa La Mã, cộng với sự suy thoái đạo đức, một đạo luật ban hành năm 161 TCN quy định rằng mỗi bữa ăn chỉ có thể dùng 1 con gà cho toàn bộ bàn ăn, không phải mỗi người và chỉ dùng những con gà không vỗ béo. Khi đó, những đầu bếp La Mã đã phát hiện rằng con gà trống bị thiến sẽ tự béo lên mà không cần nuôi ép như gà thường. 

Gà tới Mỹ, công nghiệp hóa và những lợi ích kinh tế

Theo dòng lịch sử, khi La Mã sụp đổ, vai trò của loài gà cũng trở nên mờ nhạt tại Châu Âu. Kevin MacDonald, giáo sư khảo cổ học tại Đại học London cho biết: “Tất cả mọi thứ đều tuột dốc. Trong thời kỳ hậu La MÃ, kích thước của những con gà quay trở về giống như thời đồ sắt vào 1000 năm trước.” Là người có nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này, ông cho rằng những nông trại lớn, có tổ chức của người La Mã khi xưa rất thích hợp để nuôi dưỡng lượng lớn gà, đồng thời bảo vệ chúng khỏi những loài thú ăn thịt. Qua nhiều thế kỷ, tới thời Trung Cổ, những loài khác như ngỗng hoặc gà gô cũng bắ đầu được mang lên bàn ăn.
Khi người châu Âu đến Bắc Mỹ, họ phát hiện ra một lục địa mới với đầy ắp gà tây và vịt, nguồn thức ăn dồi dào tại đây. Một số nhà khảo cổ học tin rằng hơn 100 năm trước chuyến đi của Columbus, những con gà đã được mang tới Tân thế giới bởi những người Polynesia. Cho tới thế kỷ 20, mặc dù những con gà có giá trị thực phẩm, là nguồn trứng dồi dào cho các bữa ăn,… nhưng vẫn có vai trò tương đối nhỏ trong chế độ ăn uống lẫn nền kinh tế Mỹ. Rất lâu sau khi bò và lợn được đưa vào các nhà máy giết mổ công nghiệp thì việc sản xuất thịt gà cùng các sản phẩm của nó vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, địa phương và không thường xuyên. 

Và một sự kiện đột phá đã xảy đến, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp gà với những nông trại lên tới trên 250 ngàn con chính là nhu cầu nuôi gà để chế thuốc kháng sinh và vitamin. Từ đây, người ta nghĩ tới chuyện nuôi những đàn ga trên quy mô công nghiệp trong nhà. Giờ đây, những con gà được bảo vệ bởi điều kiện thời tiết bất lợi bên ngoài, tránh những loại động vật ăn thịt, đồng thời được nuôi dưỡng bởi chế độ ăn uống có kiểm soát thay vì phải đi loanh quanh tự tìm thức ăn như hồi đầu thế kỷ 20. Các nông trại công nghiệp nhanh chóng mọc lên, đưa gà trở thành một trong những nguồn cung cấp protein dồi dào cho con người.
Cho tới đầu những năm 1990, gà đã vượt qua bò, trở thành loại thịt được dùng nhiều nhất tại Mỹ (kết quả khảo sát dựa trên sản lượng tiêu thụ) với sản lượng hàng năm đạt khoảng 9 tỷ con, tương đương khoảng 36kg gà tính trên đầu người. Những con gà hiện đại biến thành một cỗ máy được thiết kế để chuyển hóa hạt ngũ cốc thành protein với hiệu quả đáng kinh ngạc. Chỉ cần cho ăn 0,91 kg thức ăn để sản xuất ra 1 con gà nặng 0,45 kg (trọng lượng sống), chỉ bằng 1 nửa tỷ lệ thức ăn/cân nặng gà hồi năm 1945. 

Trong một phép so sánh, người ta phải mất khoảng 3,18 kg thức ăn để tạo nên 0,45 kg thịt bò và cần thêm 1,36 kg thức ăn nữa mới cho ra 0,45 kg thịt lợn. Những thế hệ nông dân càng về sau càng có kinh nghiệm trong việc nuôi gà và thậm chí, họ chỉ mất khoảng 6 tuần để biến một con gà con 1 ngày tuổi thành con gà 2,3kg. Đồng thời, kỹ thuật phối giống một cách có chọn lọc còn tạo nên những con gà ngoan ngoãn tới độ mà khi thả ra bên ngoài, chúng vẫn tập trung vào khu vực máng ăn để chờ cho ăn. 

"Tôi thích gà gầy còm biết bói toán, không cần gà mập mạp nhiều thịt!"

Có lẽ người cổ đại sẽ khó lòng mà tưởng tượng được những con gà mà họ huấn luyện để chọi nhau hoặc xem như một linh vật lại trở thành loài vật được chăn nuôi trên quy mô lớn, chỉ biết chờ ăn, còn nào cũng giống nhau, đợi cho tới khi lớn và chờ tới lượt giết thịt, luộc chín hoặc chiên giòn. Tuy nhiên, có vẻ vẫn còn nhiều nơi không thể đón nhận những con gà kiểu Mỹ nhiều thịt, mập chắc, hấp dẫn. 

Thí dụ như trường hợp tại Mali, các nhân viên cứu trợ phương Tây đã cố gắng đưa giống gà Rốt đỏ vào để thay thế cho việc sử dụng loài gà gầy nhôm, ít thịt ở đây nhưng thất bại. Theo truyền thống, dân làng dự đoán tương lai bằng cách cắt cổ một con gà và đợi xem nó ngã về hướng nào. Nếu ngã về bên trái hoặc phải nghĩa là thuận theo câu hỏi của người cầu, còn nếu ngã về phía trước là không được. Bởi thế, những con gà Rốt đỏ vốn là giống gà thịt sẽ luôn đổ về phía trước do cấu trúc ngoại hình của nó và chắc chắn, người dân tại Mali sẽ không chịu chấp nhận một con gà chỉ biết nói không khi họ cầu mong điều gì đó. 

Một ví dụ khác như Santería, tôn giáo hình thành tại Cuba với nhiều yếu tố vay mượn từ Công Giáo, nền văn hóa Carib và cả tôn giáo Yoruba của Tây Phi,… đều có tục dùng gà, lợn, dê, cừu, rùa cùng nhiều loài vật khác để hiến tế thần linh. Những người sùng đạo Santería và chính quyền thành phố đã tranh cãi xem có nên giữ hay bỏ lại tục hiến tế gà hay không. Cuối cùng thì họ đã giành được chiến thắng, tiếp tục được giữ tục tế gà. 

Khi gà là những con pet!



Cô kể lại trước đó có nuôi một con gà giống Silkies với ngoại chắc chắn, lông rậm rạp và đẹp mắt. Tuy nhiên da của chúng lại có màu xanh đen, gần như là thịt và xương cũng đen. Chắc chắn đây không phải là thứ mà thực khách sẽ thích khi nhìn thấy trên bàn ăn. Whitacre kể cách đây 2 năm, cô đã miễn cưỡng lấy 2 con gà trống Silkies: “Tất nhiên, thịt của chúng mềm và ngon, chỉ có điều là mang màu xanh xám và ngả đen. Những chiếc xương càng kỳ cục hơn với một màu đen. Có thể nó không phù hợp với chúng tôi nhưng hóa ra đối với nhiều nơi ở châu Á, nó lại được dùng như một loại thực phẩm quý và thậm chí là chữa bệnh."

Thịt gà, thịt gà, thịt gà ở khắp nơi

Chưa hết đâu, không chỉ có lợi ích kinh tế hay nuôi làm thú cưng hoặc những quả trứng đẹp mắt với giá hàng trăm đô la, những con gà còn có giá trị ở thành phần cơ bản nhất: món gà rán giòn tan hoặc dĩa gỏi gà ngon miệng! Vâng, gà, một linh vật của sự toàn cầu hóa, một biểu tượng phổ quát của nền ẩm thực thế giới! Thịt gà đã xuất hiện trong cả đĩa salad Caesar, nằm trong miếng sandich, băm ra thành viên ăn cùng với những sợi mì ống, xé ra thành từng thớ trộn với bắp chuối làm gỏi hoặc phủ bột chiên giòn lên trong chuỗi cửa hàng ẩm thực. Rõ ràng thịt gà đã trở thành một trong những món ăn quyền lực nhất thế giới, tiếp cận được tới mọi tầng lớp khác nhau, từ người bình dân cho tới các nguyên thủ quốc gia


Nãy giờ nói nhiều về chuyện phương Tây nhưng tại châu Á, loài gà cũng có vai trò quan trọng trong nền ẩm thực phong phú và đa dạng nơi đây. Nghe có vẻ vô lý nhưng với dân số cực đông, lượng cửa hàng KFC ở Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới. Và không nói ai cũng biết, món chính của KFC là gà! Từ khi những chiếc cánh gà đầu tiên được rán tại KFC Bắc Kinh vào năm 1987 cho tới nay, chuỗi cửa hàng này đã đạt con số 3000 trên khắp Trung Quốc, thu về lợi nhuận còn nhiều hơn ở Mỹ. Thành công đó không chỉ dựa vào dân số địa phương mà còn phụ thuộc vào chiến lược bản địa hóa chuỗi cửa hàng một cách thông minh. Điều đó thể hiện qua việc các món ăn kèm ở từng địa phương như mì, cơm hoặc bánh bao cũng được đưa vào KFC để ăn kèm với gà. Mà gà lại là lựa chọn dễ ăn, dễ chấp nhận đối với nhiều người dân ở đây. 

Đã nhiều ngàn năm kể từ cuộc chiến của tướng Themistocles và có lẽ, ông cùng cả đội quân hùng hậu cũng không ngờ rằng 2 con gà chọi bên đường giờ đây đã trở thành biểu tượng của sự toàn cầu hóa, của nền kinh tế phương tây, là dấu chỉ của sự công nghiệp hóa và là một trong những loại thịt phổ biến nhất thế giới. Loài gà đã bao trùm khắp thế giới, viết lên cả một câu chuyện sử thi hùng tráng của tiến hóa, của nền nông nghiệp, công nghiệp và thật trớ trêu, số lượng giờ đây vượt quá loài người với tỷ lệ 3:1. Câu chuyện về hành trình thống trị thế giới của loài gà xin tạm dừng ở đây, dừng vào những ngày đầu của năm con gà. Và nhớ, nếu có đứa bé nào đó giống như nhỏ cháu 6 tuổi của mình thắc mắc rằng “thịt khủng long như thế nào?” thì có lẽ, câu trả lời các bạn đã biết rõ rồi đấy. Chúc anh em vui vẻ bình an trong năm mới và cám ơn đã đọc bài viết dài hơi này nhé.