Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019

FB Chu Mộng Long : KHI NHÀ VĂN CÒN BÚ TÍ MẸ


Nguồn : FB Chu Mộng Long
(Bài giảng tiếng Việt cho học sinh lớp Hai. Ai chưa học tới lớp Hai thì đừng đọc rồi cãi ngu nhé!)
Bài trước tôi mắng thẳng thừng nhà văn ngu tiếng Việt, vì họ không biết tiếng Anh không sao cả, vả lại không ai bắt phải khoe tiếng Anh cho lòi ra sự ngu tiếng Việt.
Và tôi cũng nói, lỗi không ở thằng dịch, vì ngay cả thằng Google không não cũng không tách từ ghép “Sông núi” thành hai từ đơn “Sông và núi” (Sông núi trên vai = Mountains and rivers on the shoulder).
Tôi có vẻ hồ đồ khi nói ngu không ở một người mà cả làng.
Đến khi các nhà văn trong cái hội thỏ ấy nhảy ra cãi thì quả không oan!
1. Từ ghép tiếng Việt cho học sinh lớp Hai
Bài này nhắc lại, từ ghép tiếng Việt ghép từ hai từ đơn theo quan hệ đẳng lập như: Sông núi, đất nước, trời đất, trăng sao, ông bà, con cháu, xe cộ, nhà cửa, chó mèo, trắng đen… luôn mang nghĩa tổng quát. Nghĩa tổng quát không đồng nghĩa với phép cộng của hai từ đơn: Sông và núi, đất và nước, trời và đất, ông và bà, con và cháu, xe và cộ, nhà và cửa, chó và mèo, trắng và đen. Tổng quát ở đây là nghĩa đã mở rộng ra, các từ ghép ấy vừa chứa đựng cái vật thể ban đầu lại vừa chứa đựng tất cả những gì tương cận và đặc biệt đã thành một hoán dụ sang dạng tinh thần.
Vì giảng cho đứa trẻ chưa qua lớp Hai tập tò làm văn nên bài này tôi buộc phải đi từ ví dụ đơn giản, dễ hiểu nhất.
- “Đêm giao thừa người ta làm lễ cúng ông bà”. “Ông bà” ở đây bao gồm tất cả những người bề trên đã chết, khác với cúng “ông và bà” là chỉ cúng cho ông và bà.
- “Nhà cửa tan nát hết”. “Nhà cửa” ở đây không phải chỉ “cái nhà” và “cái cửa” tan nát mà cả gia đình, gồm nơi ở, vật dụng, và cả con người thể xác lẫn tinh thần.
- “Xe cộ qua lại trên đường” không phải nói cái xe và cái cộ mà nói tất cả các phương tiện giao thông.
-“Chó mèo cãi nhau” không phải là con chó và con mèo cãi nhau mà cho cả lũ người mang bản chất chó mèo.
- “Trắng đen lẫn lộn” không phải là màu trắng và màu đen lẫn vào nhau mà là chuyện phải trái, đúng sai lẫn lộn.
Các cháu lớp Hai có thể cho ví dụ và phân tích những trường hợp tương tự khác, nếu không phải là lớp thiểu năng.
2. Hình tượng hay "chất thi ca" nào khi tách “Sông núi” thành “Sông và núi”?
Dẫn dụ trên để đi đến từ “Sông núi” như một hệ thống của những tương đương về từ loại.
“Sông núi” trong “Sông núi trên vai” mà nhà văn đang sử dụng hiển nhiên là từ ghép, trừ phi nhà văn hay lỗi thằng đánh máy viết thiếu dấu phảy hay thiếu chữ “và”: “Sông, núi trên vai”, “Sông và núi trên vai”. Còn nếu cố tình viết “Sông, núi trên vai”, “Sông và núi trên vai” để dịch thành Mountains and rivers on the shoulder thì sẽ xuất hiện cái ngu nghiêm trọng khác sẽ nói ở phần sau.
Trong tiếng Việt, từ “Sông núi” (gốc Hán là Giang sơn, Sơn hà), cũng như từ “đất nước” (thuần Việt, không có tương đương gốc Hán là Thủy thổ vì Thủy thổ mang nghĩa khác) vừa chứa hai vật thể “sông” và “núi”, “đất” và “nước”, nhưng lại chứa cả vạn vật và con người cư trú trong và quanh cái vật thể ấy, và đặc biệt trong quá trình sử dụng, hai vật thể ấy khi ghép lại đã mang giá trị tinh thần.
Đây là hiện tượng hoán dụ tri nhận trong tư duy ngôn ngữ của người Việt, lấy cái trực quan hình thể núi và sông, đất và nước làm cái đại diện thay thế cho cả lãnh thổ và sự sống trên lãnh thổ ấy. Hiện tượng này cũng có ở ngôn ngữ khác, vì dân tộc nào cũng bắt đầu từ trực quan tiến đến dùng cái trực quan làm cái đại diện để biểu đạt tinh thần. Và tiếng Anh không phải chỉ có những từ trừu tượng, chuyên gia Tạ Quang Đông hay nhà văn Nguyễn Quang Thiều khoe rành tiếng Mỹ ạ. Các từ motherland/homeland/fatherland đều là hiện tượng ghép hai từ đơn trực quan thành hoán dụ tri nhận, dịch tương đương sang tiếng Việt là “đất mẹ”, “quê cha đất tổ”, “nơi chôn nhau cắt rốn” với giá trị tinh thần lớn lao.
Một cách nghiêm ngặt, bản thân từ ngữ là kí hiệu, người ta lựa chọn và quy ước võ đoán một hình thức âm hoặc chữ để biểu đạt cho một ý niệm về sự vật, hiện tượng, không có từ nào là mang hình ảnh thật để các nhà văn gọi là “tính hình tượng”, trừ những từ tượng cổ, từ tượng thanh, tượng hình (quan hệ có lý do ban đầu).
Để khắc phục tính trừu tượng của kí hiệu ngôn ngữ, ngoài cách diễn đạt với những cú pháp đặc biệt, con người đã ghép các từ đơn biểu thị vật chất thành từ ghép để biểu ý hay biểu thị tinh thần, và trong khi biểu thị tinh thần, nó lại khêu gợi trạng trái vật chất ban đầu. “Núi sông” hay “đất nước” vừa biểu thị đầy đủ ý niệm về quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn và cả cội nguồn cùng hình thể sông núi hay đất nước của người dân vùng sông nước.
Hình tượng không thể hiểu đơn giản chỉ là cái biểu thị vật chất. Bản thân khái niệm hình tượng phải là cái vừa gợi hình ảnh vật chất vừa mang giá trị tinh thần. Khi nói “Chó mèo cãi nhau”, “Trắng đen lẫn lộn” thì có tính hình tượng. Còn nói “Chó và mèo cãi nhau”, “Trắng và đen lẫn lộn” thì không có tính hình tượng nào vì chúng thuần túy biểu vật. Tương tự, các cụ nói “nợ núi sông”, “giang sơn một gánh” là có tính hình tượng, còn nói “nợ núi và sông”, “giang và sơn một gánh” đã không có tính hình tượng mà còn vô nghĩa như trẻ con tập nói.
Khi Nguyễn Du viết “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” thì cả “gươm đàn” và “non sông” đều là từ ghép, giàu hình tượng, biểu đạt người anh hùng lấy kiếm cung làm thú vẫy vùng, lấy núi sông làm nơi rong chơi phóng túng. Thực chất đó là câu thơ dịch của Hoàng Sào bên Trung Quốc: "Bán kiên cung kiếm bằng thiên túng. Nhất trạo giang sơn tận địa duy". Chữ "đàn" khi thành chữ Nôm thời Nguyễn Du không có nghĩa là từ “đàn” (chỉ cây đàn) đi với từ “gươm” thành hai từ đơn mà là cây cung (âm đọc khác là "đạn", vật bắn ra từ cây cung) ghép với "gươm" thành "gươm đàn", dịch từ “kiếm cung” trong điển tích.
.
3. Đã ngu lại càng thêm ngu
Tôi tưởng nhà văn và cả mấy ngài “chuyên gia Anh ngữ” (dỏm) cãi ở phần tiếng Việt, vì bài của tôi chỉ luận tiếng Việt, không ngờ họ cứ nhè vào cụm từ tiếng Anh "Mountains and rivers on the shoulder" để cãi như thể họ giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.
Hữu Thỉnh thì nói “Tiếng Anh hiện đại phức tạp lắm” cho xong chuyện, Nguyễn Quang Thiều thì nói phải dịch “sông và núi” thì mới “có hình tượng”, “có chất thơ”. Còn Đỗ Minh Tuấn, phần bình luận trong bài trước, thì khoe cả vốn văn hóa dân tộc để bình (tán như sáo) rằng, dịch như vậy là hay, đúng tư duy độc đáo Việt, vì có chữ “và” tách sông và núi ra làm hai, câu thơ như nhảy múa lên và hình ảnh sông và núi như quấn quýt lấy nhau trên vai người nghệ sĩ. Ôi, không phải từ "sông núi" mà chính cái từ “và” vĩ đại, đầy hình tượng, đầy chất thơ. Từ nay các cháu viết: “Cày và cuốc trên vai bố” thì người đọc sẽ hình dung cái cày và cái cuốc như nhảy múa lên và quấn quýt trên vai bố nhé!
Hóa ra, theo họ, từ ghép "sông núi" trừu tượng, phải tách ra thành từ đơn "sông và núi" thì mới trực quan sinh động và giàu hình tượng, đầy chất thơ?
Với cách biện luận ấy, thì ra chủ ý của Hội anh Thỉnh là “Sông và núi trên vai” chứ không phải “Sông núi trên vai”. Điều này càng khẳng định không phải lỗi tiếng Anh mà vẫn là lỗi tiếng Việt, lỗi ở thằng đánh máy thiếu dấu phảy hay chữ “và” ở phần tiếng Việt. Nếu viết đúng tiếng Việt như mấy ông này luận: “Sông và núi trên vai” hay "Sông, núi trên vai" thì sao nhỉ? Thì theo cách xác định hình tượng đúng nghĩa, câu văn không có hình tượng nào và hoàn toàn vô nghĩa, vì sông và núi không thể chất lên vai như củ khoai, củ mì hay cái cày, cái cuốc. Trừ phi các nhà thơ của Hội anh Thỉnh lên diễn đàn đọc thơ một cách vênh váo mà tự tưởng tượng theo sự hoang tưởng của thời huyền thoại hay thời thổ dân, rằng mỗi nhà thơ là một ông thần khổng lồ gánh quả núi đồ sộ và dòng sông hung dữ trên vai. "Chất thơ" đấy chăng, khi nhà thơ hiện đại tự hào mình còn tư duy ăn lông ở lỗ hay còn bú tí mẹ?
Cho hay, khi nhà thơ sống đến trên 70 tuổi mà vẫn còn bú tí mẹ thì tư duy trẻ con hay thổ dân cũng phải. Không chừng đứa bé cao tuổi chưa biết mặc quần đó đủ khả năng gánh cả núi và sông đi bán để ăn dần. Mà cũng có thể, vì núi thì bị đào khoét và trọc đầu, còn sông thì cũng cạn kiệt và nhiễm độc hết cả rồi. Đến lượt người ta thô thiển hóa và đầu độc luôn cả ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ mới đau!
Chu Mộng Long
----------
Bài bào chữa của giới nhà văn và chuyên gia Anh ngữ: https://congluan.vn/song-nui-tren-vai-dich-the-nao-cho-dung-post57004.html