Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Huỳnh Thục Vy - Bàn về lòng dũng cảm

Bạn thấy dạy cho học sinh lớp 1 đi trên thuỷ tinh là sai? Bài viết dưới đây có thể giúp bạn chút manh mối khi con trẻ hỏi bạn: vì sao dạy như thế là sai.
Cách đây vài tháng, cộng đồng facebook sửng sốt vì vụ sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1, do ông tiến sĩ Phan Quốc Việt làm chủ biên, có bài dạy học sinh đi trên thuỷ tinh để đo lòng "dũng cảm”. Tuy tất cả chúng ta đều biết dạy học sinh đi lên thuỷ tinh là một chuyển vô bổ, ngớ ngẩn mà bản chất điều này cũng không nằm trong nội hàm của khái niệm “dũng cảm”; thế nhưng, tôi dạo khắp không gian tiếng Việt trên mạng, chưa tìm được một luận bàn nghiêm túc và cặn kẽ về khái niệm này. Hôm nay, xin viết xuống vài cảm nghiệm cá nhân để con trẻ của chúng ta hay các thanh niên mới lớn có một chút manh mối để hiểu hơn về “lòng dũng cảm”.
Con người mang nhiều nỗi sợ hãi từ tiềm thức nên sợ hãi là bản năng, là phản ứng vô điều kiện của chúng ta trước những tình huống bất lợi. Sợ hãi gần như hiện hữu trước cả khi chúng ta có nhận thức về thế giới ngoại tại. Sợ hãi chỉ chuyển từ dạng thô thiển sang vi tế song hành với sự trưởng thành về nhận thức của chúng ta mà thôi. Nghĩa là, hầu hết các nỗi sợ hãi không biến mất khi con người ta trưởng thành mà chỉ chuyển từ dạng “trẻ con” sang dạng “người lớn”; ví dụ như, trẻ con thì sợ bóng tối, đến khi lớn lên thì không sợ bóng tối nữa mà chuyển sang sợ nghèo, sợ thất bại. Một số nỗi sợ hãi cố hữu sẽ giữ nguyên, về bản chất, dù ta có lớn bao nhiêu tuổi chăng nữa; ví dụ như, lúc trẻ chúng ta sợ bị cha mẹ bỏ một mình, đến lớn chúng ta sợ bị bạn bè, cộng đồng bỏ rơi, sợ cô đơn. Có thể nói, nó làm ta mỏi trí nghĩ khi nói về sự sợ hãi, vì bàn về sợ hãi cũng khó khăn và không manh mối tương tự như bàn về tiềm thức con người.
Bàn về lòng dũng cảm luôn dễ dàng hơn. Sự sợ hãi như một đại dương rộng lớn, ta không biết nó bắt đầu từ đâu và kết thúc ở điểm nào. Trong khi đó, sự dũng cảm lại dễ phân tích và nắm bắt hơn, nó là phương tiện để vượt qua sợ hãi, như con thuyền vượt qua đại dương sâu rộng vô tận, để con người không chỉ lớn lên về thể xác vật lý mà còn trưởng thành về ý chí.
Theo tôi, lòng dũng cảm là một năng lực tinh thần có khả năng giúp người ta đứng vững trước những thách thức của sự sợ hãi. Nó là sức mạnh ý chí được bồi đắp từ niềm tin vào sự thiện hảo và lý tưởng đạo đức. Dũng cảm không có nghĩa là sự không sợ hãi hoàn toàn mà là khả năng chế ngự sợ hãi trước nghịch cảnh. Đặc biệt, lòng dũng cảm, một yếu tố đạo đức tích cực, nên được liên tưởng đến và gắn kết chặt chẽ với những yếu tố đạo đức tích cực khác như: lòng nhân ái, sự vị tha, tinh thần trách nhiệm, liêm sỉ và sự cân nhắc lợi ích chung và điều tốt đẹp cho cộng đồng… Tâm lương thiện, kiến thức và phương tiện đúng đắn là các yếu tố nền tảng cấu thành và cũng là động lực không thể thiếu để xây dựng và biểu hiện lòng can đảm. Bất cứ sự vượt qua sợ hãi nào thiếu một trong ba yếu tố trên không thể được xem là dũng cảm theo nghĩa đúng đắn và tích cực nhất của nó.
Vượt qua sợ hãi mà không có tâm lương thiện, không có động cơ tốt đẹp, và không vì mục đích ích lợi cho nhân quần… thì đó là sự liều lĩnh “cố đấm ăn xôi”, một sự toan tính lợi hại cá nhân, một mưu đồ không hơn không kém; ví như việc các lãnh đạo cộng sản như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh…vào hang, rừng, bưng để lôi kéo, sách động những cuộc chiến đẫm máu để giành quyền lãnh đạo độc tài cả đất nước. Vượt qua sợ hãi mà thiếu hiểu biết về hành động mình đang làm, về mục tiêu cuối cùng của nó cũng không phải là dũng cảm; ví dụ những trường hợp các thành niên miền Bắc bị cộng sản lừa dối hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mạng để “giải phóng miền Nam”. Cũng như thế, việc dùng các phương tiện phi nhân để đạt được mục đích, dù khó khăn đến mấy, cũng không phải là can đảm; ví dụ như những người Hồi giáo mang bom cảm tử.
Vậy, lòng dũng cảm được biểu hiện dưới nhiều hình thái và tình huống khác nhau, nhưng theo tôi, các đặc điểm nổi bật để phân biệt nó khỏi những dạng tính cách hao hao khác đó là: (1) nó hướng đến sự thiện hảo, lợi ích nhân quần; (2) nó xuất phát từ sự sáng suốt của tâm trí và lòng vị tha; và (3) nó dùng các phương tiện tốt đẹp để đạt đến mục đích cuối cùng.
Quay trở lại với bài học “bước đi trên thảm thuỷ tinh” trong chương trình học của các em lớp 1, tất cả chúng ta đều thấy rõ sự nhảm nhí của việc thử thách này, và chắc chắn đó không phải là cách thể hiện lòng dũng cảm mà chúng ta muốn con cái mình tiếp thu. Vì đơn giản thôi, nó thách thức sự sợ hãi bằng một việc làm vô bổ, không mang lại ích lợi cho bất cứ ai. Trước khi cho một đứa trẻ 6 tuổi thực hành những thử thách chỉ dành cho chiến binh này, nhà trường nên dạy cho các em các đức tính nền tảng để xây dựng lòng dũng cảm như liêm sỉ, trách nhiệm, nhân ái... Khi các em đã có đủ động lực đạo đức nội tại, lo gì các em không hành xử một cách can đảm? Ngược lại, dù các em có kinh nghiệm bước đi trên thảm thuỷ tinh không chảy máu, nhưng có gì chắc chắn lớn lên các em sẽ giẫm qua thuỷ tinh để cứu bạn gặp nạn, nếu như các em thiếu thiện tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng vị tha? Xin nhớ, kỹ năng không nhằm tạo ra hành vi tốt và mang lại lợi ích thiết thực là kỹ năng vô bổ; và kỹ năng thiếu động lực tinh thần và tính đạo đức thì kỹ năng đó cũng đáng vứt đi.
Như đã nói ở trên, lòng dũng cảm là một năng lực tinh thần nên nó cần những động lực tinh thần để xuất phát, cần thời gian để trui rèn và cần bối cảnh để phát triển. Việc huấn luyện lòng dũng cảm, vì thế, không giống như dạy cắm hoa, dạy sử dụng máy tính… Rèn luyện lòng dũng cảm không phải là rèn luyện một kỹ năng mà là một sự bồi dưỡng tinh thần, kiến thức và ý chí. Nếu nhà trường không dạy các em cách tràu dồi đạo đức và tu dưỡng ý chí thì việc dạy cho các em các kỹ năng bất thường như “đi trên thuỷ tinh” chỉ để các em trở thành diễn viên xiếc hay người phiêu lưu mạo hiểm mà thôi.
Thực tế, hoàn cảnh giáo dục và bối cảnh xã hội ở Việt Nam hiện nay không hề bồi đắp cho giới trẻ lòng dũng cảm đích thực, mà có chăng chỉ là sự liều lĩnh bản năng nhằm xả bỏ những căng thẳng và ức chế tinh thần. Một thanh niên có thể không màng đến sinh mạng bản thân, hạnh phúc của gia đình, phóng xe như điên trên đường quốc lộ; nhưng anh ta sẽ không bao giờ có thể vận dụng sức khoẻ và sự nhanh nhẹn đó để cứu một em bé trong căn nhà cháy; đơn giản, vì thứ anh ta có không phải là một năng lực tinh thần và ý chí đạo đức mà là một sự rối loạn cảm xúc dù anh ta có thừa kỹ năng. Tương tự, một người không ngại mưu toan làm chuyện phạm pháp hại người để bị rơi vào vòng lao lý, có thể trả giá bằng 20 năm trong tù; nhưng ta/chị ta không bao giờ có đủ động lực tốt đẹp và sự sáng suốt để lên tiếng cho nhân quyền và tự do của chính mình chứ chưa nói là để bảo vệ người khác.
Bởi vì giáo dục ở nhà trường, môi trường gia đình và bối cảnh xã hội Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để hun đúc và trao dồi những tính cách tiêu cực như ích kỷ, vô trách nhiệm, lười biếng, hèn nhát, tham lam, và độc ác. Đó là những tính xấu đối ngịch với lòng dũng cảm đích thực như đã phân tích ở trên. Nếu không có sự thay đổi toàn triệt về chính trị, luật pháp, văn hoá, giáo dục, và các định chế xã hội…, tôi tin rằng nhân cách con người Việt Nam sẽ ngày càng lụn bại không thể cứu nổi.
Dũng cảm là nhận lấy trách nhiệm hành động của mình trước nghịch cảnh, có năng lực chấp nhận nghịch cảnh một cách tạm thời và có tri thức để đạt được lối thoát tốt đẹp trong tương lai được thúc dục bởi liêm sỉ, từ tâm và trách nhiệm. Như thế, dũng cảm là khi một người chấp nhận sự nghèo khổ và hoàn cảnh khó khăn bất lợi chứ không chịu khuất phục kẻ mạnh ác. Dũng cảm là khi một người tù chấp nhận biệt giam để đấu tranh lấy mảnh chăn cho một người bạn tù khốn khổ. Dũng cảm là khi ta dám bảo vệ lẽ phải dù điều này có thể đẩy chúng ta đến sự thù hằn. Dũng cảm là khi chúng ta tự công nhận lỗi lầm đã qua của mình vì tinh thần trách nhiệm và vì lợi ích dài hạn của cộng đồng. Dũng cảm đôi khi còn là sự tiết chế các bản năng xấu của bản thân để không lâm vào rắc rối khi mình đang gánh vác trách nhiệm cộng đồng…
Nói dài dòng như thế cũng chỉ mong trong không gian tư duy tiếng Việt của chúng ta có nhiều bàn luận hơn về các khái niệm đạo đức căn bản. Vì tôi tin sự bàn luận nghiêm túc về lý thuyết sẽ đặt nền tảng cho những thực hành trong tương lai. Chúng ta có tất cả các khái niệm mà người phương Tây có, nhưng chúng đơn giản chỉ là khái niệm suông, hay chính xác hay là một từ ngữ có nghĩa tương đương dùng để dịch một khái niệm nào đó trong nền học thuật khổng lồ của phương Tây thôi. Bài viết này chỉ hy vọng có thể góp những manh mối nhỏ để bạn trả lời cho con trẻ của mình khi chúng hỏi: Thế nào là dũng cảm? Tại sao đi trên thuỷ tinh không phải là dũng cảm?

Huỳnh Thục Vy
Buôn Hồ, 10/10/2015

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Tôi thấy hoang tàn trên tuổi xanh

Đó là một buổi chiểu của năm 1987. Một buổi chiều mà tôi cứ hay bị ký ức lôi về căn phòng tối thăm thẳm không lời đáp.
Đó là năm thứ 2 trung cấp, tôi đang theo học ở Nhạc Viện TP. Buổi chiều với giờ học Trích giảng Âm nhạc của thầy Trương Hữu Lang. Cả lớp bỗng sững lại. Gương mặt ông thấy cũng bối rối khi bà bí thư Đảng Uỷ Nguyệt Anh dẫn theo một công an viên đến lạnh lùng gọi tên một người bạn của tôi bước ra khỏi lớp. Anh Trịnh Bằng Phi, học contrabass, luống cuống nghe thông báo rồi quay lại bàn gom sách vở ra về. Từ đó về sau, tôi không bao giờ gặp lại anh được nữa. Anh Phi bị đuổi học bất ngờ vì người ta tìm thấy ba anh là một sĩ quan của chế độ VNCH. Khi ấy anh chưa được 25 tuổi, nhưng đã là một trong những tay chơi contrabass hiếm hoi đủ thể chất và trình độ của miền Nam, thế nhưng anh bị xô ngã một tương lai, vì lý lịch.
Trong suốt những năm theo học ở các trường đại học, tôi học khôn được một chuyện là ở quê hương mình, lý lịch có thể giúp một người đi xa đến bao nhiêu, và ngược lại, có thể tàn phá hành trình đến tương lai nhanh đến nhường nào.
Cho đến hôm nay, khi câu chuyện về anh thanh niên 30 tuổi nhận chức giám đốc Sở ở tỉnh Quảng Nam bị đưa vào các cuộc tranh cãi, tôi lại đọc thấy các phát ngôn trên các trang báo của Nhà nước bảo vệ cho vị giám đốc Sở trẻ trung ấy bằng những lời lẽ nhân ái mà tôi và thế hệ tôi chỉ có mơ mới thấy.
Trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nói rằng người tài không cần xét là con ai. Còn độc giả Vu Gia thì viết trên VietnamNet rằng “nhắc đến lý lịch làm gì?”.
Tôi chúc phúc cho anh giám đốc Sở 30 tuổi ấy. Và hy vọng rằng nếu anh may mắn được bảo vệ ở đủ chiều cho chức vị ấy, hãy cố gắng chứng minh khả năng của mình với đất quê Quảng Nam nghèo khó. Anh hãy chứng minh là một người lãnh đạo minh bạch và tử tế để vượt qua mọi cái nhìn ghẻ lạnh của dân chúng lúc này.
Anh ta may mắn hơn những người bạn của tôi, của thế hệ tôi.
Những ai từng học qua ở Nhạc Viện vào cuối thập niên 90 chắc đều còn nhớ tay chơi viola tài hoa Phúc Hải. Anh được nhận học ở Nhạc Viện bởi ngay từ lúc thi tuyển, các thầy cô chuyên môn đã nhận ra đó là một tài năng hiếm có. Những năm cuối của bậc đại học, Phúc Hải được các chuyên gia âm nhạc của Nga đến nghe và lập tức chọn để cho học bổng tu nghiệp ở Moscow. Cũng như mọi câu chuyện lãng mạn về âm nhạc, như Đặng Thái Sơn, sinh viên Phúc Hải có thể thử sức mình ở một môi trường thử thách với tài năng của anh.
Thế nhưng vào buổi chiều hôm đó, Phúc Hải được tin anh không được nhận học bổng đi du học, vì ba của anh là thành phần của chế độ cũ. Thầy tôi, giáo sư Đinh Sơn, một đảng viên có hơn 30 tuổi đảng, là người ra sức bảo vệ sinh viên Phúc Hải nhưng rồi thất bại. Ông buồn bã nói với tôi rằng có lẽ ở đất nước này, chuyện lý lịch là một cái bẫy công khai nhưng ai cũng phải bị vướng một lần.
Tôi chúc cho tất cả những bạn trẻ làm quan ở tuổi thanh xuân phơi phới hôm nay, sẽ không có những ngày tháng hoang tàn như bạn bè tôi. Dù bên tai tôi nghe vẫn vo ve những xảo ngữ về chuyện lý lịch không quan trọng, tôi vẫn mong đất nước này người tài có thể cống hiến, và tham vọng cha truyền con nối chức vụ chỉ hiếm hoi ở bọn đê tiện.
Buồn chán, anh sinh viên Phúc Hải tài năng mà tôi biết đã bỏ trường và bỏ hẳn đàn. Sau đó ít lâu anh đi nước ngoài theo diện H.O. Anh là một trong nhiều trường hợp không may về lý lịch.
Lý lịch không phải là chuyện của hôm qua hay hôm nay mới trở thành chuyện bàn cãi, mà Việt Nam đã từ lâu ghi nhận câu chuyện của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với lý lịch có cha Đặng Đình Hưng, là một nghệ sĩ bị chỉ định cư trú kèm theo dõi của công an vì đã tham gia các phong trào Trăm Hoa Đua Nở, Nhân Văn Giai Phẩm. Nếu không có nghệ sĩ dương cầm người Nga Issac Katz ra sức bảo vệ và tìm đủ mọi cách để mang ra khỏi Việt Nam vào năm 1974, thì chưa chắc thế giới đã có một Khôi nguyên người Châu Á giải Chopin quốc tế tại Warsaw, Ba Lan vào 1980.
Chúng ta không muốn nói về lý lịch. Thật vậy. Nhưng rõ ràng lý lịch đã là một hiện thực bất khả biện trên đất nước này, và đã gieo không ít hoang tàn lên tuổi trẻ của chúng ta và nhiều người khác. Vậy hãy đối diện với nó, trò chuyện với nó, chứ đừng tảng lờ và giả nhân giả nghĩa.
Tháng 9/2015, tôi gặp lại anh Nguyễn Hoàng Phương, từng là một trong những tay chơi Oboe xuất sắc của khoa kèn và dàn nhạc giao hưởng của Sài Gòn. Năm 1993, anh Phương cũng từng được cử dự tuyển đi du học ở Nga, như một trong những hạt nhân xuất sắc của dàn nhạc giao hưởng thành phố. Thế nhưng trước vài giờ vào phòng thi tuyển với chuyên gia người Nga, anh được thông báo của bên giáo vụ cho biết anh không đủ tư cách dự tuyển, cũng do có ba là sĩ quan VNCH – dù ba anh đã rời trại cải tạo và về nhà vài năm trước đó.
Còn rất nhiều người mà tôi chưa thể kể hết ở đây. Còn rất nhiều những câu chuyện mà thỉnh thoảng, khi chúng tôi ngồi lại, buồn ngơ ngác vì chỉ thấy hoang tàn trên tuổi xanh của thế hệ mình. Chẳng bao giờ chúng ta có thể thấu hiểu được mất mát nếu cứ giả vờ như những kẻ bại liệt lương tri và ý thức.
Mất mát sẽ là một bài học gần gũi và nhân ái nhất để nhận ra rằng lý lịch chỉ là chuyện vặt cần phải bước qua, nếu tuổi trẻ sớm được trao cho cơ hội để cống hiến danh dự, trách nhiệm cho tổ quốc. Nhưng tuổi trẻ sẽ mãi mãi hoang tàn, nếu chỉ biết nhìn quê hương như những phần ăn giấm giúi cho nhau dưới gầm bàn quyền lực. Tuổi trẻ đó, thời đại đó, sẽ không khác gì dành cho loài dã thú.

————————————————-
(cho H.)

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Cái kết bất ngờ sau 20 năm của cậu bé lừa tiền cơm

Cậu bé lang thang thường xuyên lừa tiền cơm của chủ quán, cho đến khi hành vi đó bị con trai bà chủ phát hiện. Những gì xảy ra 20 năm sau đó khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.


Đôi khi, một câu nói có thể làm thay đổi cuộc đời của một con người. Đôi khi, chỉ có lòng tốt và sự hiền lành thôi thì chưa đủ. Đôi khi, cuộc sống sẽ cho mỗi người một cơ hội nữa…
Một ngày, sau khi hết tiết giảng và trở về văn phòng, bảo vệ đưa đến cho tôi một số tiền cùng hóa đơn thanh toán. Cả chục triệu đồng tiền nợ…
Tôi thấy rất kỳ lạ, không nhớ nổi là đã cho ai mượn số tiền này. Nhìn vào cột người gửi, tôi thấy viết “Cậu bé ăn xin của 20 năm trước”… mọi kỷ niệm chợt ùa về. Tôi tự hỏi, chẳng lẽ là cậu bé đó sao?
20 năm trước, hồi đó mẹ tôi còn làm nghề bán hàng cơm cho học sinh ở cổng trường học. Bà thấy nhiều đứa trẻ rất khổ và đáng thương nên luôn làm những hộp cơm ngon hơn mà chỉ bán với giá rẻ. Vì thế học sinh đến mua cơm rất đông.
Hồi đó mẹ tôi còn làm nghề bán hàng cơm cho học sinh.
Tôi vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ được phân công tác, nên đã ra phụ mẹ bán cơm. Trong một lần bận rộn phục vụ những em học sinh vừa tan học, tôi bỗng nhiên cảm thấy ai đó đi qua quệt phải lưng mình.
Đó là một cậu bé chừng 10 tuổi, mặc một bộ quần áo mỏng, rách tả tơi, trong khi trời đã bắt đầu vào đông.
Khi đó, như đã rất quen thuộc, mẹ tôi liền mỉm cười rồi đưa cho cậu bé một hộp cơm. Không đợi tôi cầm hộ, cậu bé vội giật lấy cơm, ném tiền vào hộp rồi chạy mất.
Một học sinh bên cạnh tức giận nói: “Thằng ăn mày này toàn lừa tiền cơm, rất nhiều lần đều như vậy, nếu lần sau còn thế thì phải dạy cho nó một trận!”. 
Tôi ngạc nhiên kiểm tra lại hộp tiền, thì thấy quả thực là cậu bé chỉ đưa có 1 tờ 200 đồng.
Khi tôi trách mẹ quá sơ ý, bà nói: “Mẹ biết mỗi lần thằng bé chỉ bỏ vào đó 1 tờ 200 đồng. Chỉ có điều ta cũng nên giữ đạo nghĩa. Đứa trẻ này đã mất cả cha lẫn mẹ, rất đáng thương, mẹ cũng chỉ có thể giúp nó đến như vậy.”
Mẹ tôi luôn làm những hộp cơm ngon hơn mà chỉ bán cho những đứa trẻ với giá rẻ bèo
Tôi không đồng ý nói: “Mẹ thật quá hồ đồ, đây mà là giúp cậu ta sao?”. Nhưng tôi chưa kịp nói xong thì đã bị mẹ la mắng.
Tôi biết rõ là dù có nói gì cũng vô dụng, mẹ suốt ngày niệm Phật, chỉ một lòng muốn giúp người khác, nhưng lại không nghĩ sâu hơn. Thế là tôi đột nhiên muốn xử lý thật tốt chuyện này.
Ngày hôm sau, cậu bé ăn xin lại tới. Cậu ta vẫn giành lấy cơm như những lần trước, ra vẻ rất vội vàng và chuẩn bị ném tiền vào hộp. Lúc đó tôi thình lình nắm lấy tay cậu… tờ tiền ít ỏi rơi ra ngoài.
Mọi người đều quay lại nhìn, làm cậu bé rất bối rối, xấu hổ, và chực khóc. Lúc đó tôi cười nói: “Mua như vậy thì không đủ ăn đâu! Em cứ lấy cơm đi, phần còn thiếu sau này hãy trả”. Nói xong tôi thả tay cậu ra.
Cậu bé sợ hãi cầm hộp cơm, ánh mắt tràn đầy nghi hoặc. Tôi lại bảo: “Đi đi, anh biết rõ em nhất định sẽ trả! Nhớ nhé! Sau này phải trả cả vốn lẫn lãi!”
Cậu bé suy nghĩ mất một lúc, rồi sau đó im lặng quay người, đi thẳng từng bước một, chứ không còn chạy như trước kia nữa.
Kể từ đó, cậu vẫn thường đến ăn, và trả 200 đồng…
Đang suy nghĩ miên man thì anh Trương lại vội vã quay lại nói với tôi: “Tôi quên! Còn một phong thư nữa!”
Nhận lấy phong thư, tôi vội vàng mở ra đọc. Trong thư viết:
“Tôi cuối cùng đã tìm được địa chỉ của anh. Suốt bao năm tìm kiếm, tôi mới có thể đem tiền trả lại, mới có thể hoàn lại ân tình 20 năm về trước.
Lúc đó tôi đã lang thang khắp nơi, thường xuyên chịu đói rét. Một lần tôi tới cổng trường học giả vờ mua một hộp cơm. Tôi ném thử tờ 200 đồng vào hộp rồi nói xin mua cơm.
Lúc đó tôi nghĩ, dù có bị phát hiện đi nữa thì dì bán cơm cũng rất hiền lành, sẽ không trừng phạt tôi. Nhưng dì cũng không phát hiện ra, tủm tỉm cười rồi đưa tôi một hộp.
Sau đó tôi bắt đầu dựa vào thủ đoạn và mánh khóe để có được bữa ăn. Tôi cảm thấy người tốt trong xã hội rất dễ bị lừa. Tôi thường xuyên nói dối, và trộm đồ trong hành lang, còn định trộm cả trong cửa hàng nữa.
Lần đó khi bị anh tóm lấy, tôi đã nghĩ mình vậy là xong rồi, bị đánh rồi. Nhưng tôi đã không phải chịu trận đòn nào, mà lại còn được anh thả đi.
Những lời nói của anh đã bảo vệ danh dự cho tôi, khơi dậy trong tôi mong muốn làm người tốt thực sự. Trong những năm sau này, mỗi khi nhớ đến ánh mắt của anh, tôi lại có thể tránh xa những điều xấu.
Và dù phải tìm kiếm khắp nơi, dù phải đi bao xa, mất bao nhiêu thời gian, tôi vẫn muốn hoàn thành lời hẹn ước cũ.”
Và sự thành thật của cậu bé ăn xin cuối cùng đã được đền đáp …
“Một ngày nọ, khi nhìn thấy tôi ngồi co ro vì giá rét, một phụ nữ đã trở về nhà mang cho tôi mấy chiếc áo.
Sau đó tôi phát hiện trong túi áo có rất nhiều tiền. Lúc đó tôi rất đói, rất muốn giữ lại số tiền này, nhưng ánh mắt của anh lại hiện lên làm tôi thay đổi ý nghĩ.
Tôi phải mất cả ngày mới tìm được nhà người phụ nữ nọ. Hai vợ chồng họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi tới trả lại tiền.
Họ khóc nức nở ôm tôi vào lòng, rồi liên tục nói tôi là đứa trẻ tốt. Khi đó con gái hai vợ chồng vừa bị bệnh mà qua đời, tôi may mắn trở thành con nuôi của họ.
Cuộc sống từ đó trở nên tốt hơn, tôi được cha mẹ nuôi thương yêu hết mực, được đi học. Giờ tôi đã trở thành giáo viên…”
Đúng là cậu ta! Quả là một niềm vui ấm áp. Tôi thầm cảm thấy may mắn vì đã không vô tình hủy hoại một con người. Cậu bé ăn xin học được đức tính thành thật ngay thẳng, vì vậy mà đã gặp một gia đình tốt.
Giờ đây đứng trên bục giảng, chắc chắn cậu bé ăn xin năm xưa sẽ nói với học sinh của mình rằng: “Chỉ có thành thật mới mang lại hạnh phúc!”

*Tiêu đề bài viết đã được thay đổi