Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Bùi Thanh Hiếu - Đàn em.

Link : http://nguoibuongio1972.blogspot.com/


Thỉnh thoảng những câu chuyện tôi viết lại mang bóng dáng của nhà tù. Một số bạn sẽ phát ngán về điều ấy. Nhưng sòng phẳng mà nói thì tôi viết cho mình, không phải là bắt ép các bạn phải đọc như những điều tôi viết.

 Nếu ai đã trải qua nhà tù, hay những năm tháng khó khăn dài. Bạn sẽ hiểu dù nó đã xa hàng chục năm, đôi khi bạn vẫn bị ám ảnh. Bạn đi trên đường nhìn một góc phố nào đó, tự nhiên bạn sẽ nhớ lại những ngày bạn xếp hàng giữa mùa đông chờ mua thứ gạo hôi rình, đầy sạn ở cửa hàng lương thực nhà nước ở góc phố đó. Bạn nhìn quán kem , nước dừa, chè đỗ đen nào đó, bạn sẽ nhớ lại cô bạn gái thời học trò ngay cả khi tóc bạn đã ngả màu muối tiêu.

Tuổi trẻ thường hay chán ngán khi nghe các cụ già động tí lại bảo ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia....

Bây giờ ở tuổi trẻ đã qua, già chưa tới. Đôi khi tôi bần thần nghĩ đến chuyện của ngày xưa và chuyện của ngày nay, mọi thứ đan xen lẫn nhau.

Tôi ở trong trại tù, trong trại tù các phạm nhân thường kết hợp với nhau thành từng nhóm. Nhóm đó góp đồ ăn chung, bảo vệ nhau, giúp đỡ nhau. Nhóm như thế gọi là '' quẫy ''. Mỗi '' quẫy '' đều có một đàn anh cầm đầu, chỉ đạo việc trong '' quẫy''. Các '' quẫy '' va chạm với nhau thường xuyên, đâm chém, đánh lộn...Những lần như thế cán bộ phải dùng biện pháp giải tán '' quẫy ''  hay gọi là '' di cả quẫy ''. Nghĩa là phân tán các thành viên của '' quẫy '' đi các nơi khác nhau. Chuyển đi đội khác, nếu mâu thuẫn quá nặng nề có khi phải chuyển đi trại tù khác để cách biệt hẳn.

 Tôi ở một mình mặc dù nhiều '' quẫy '' rất muốn tôi ở cùng họ. Tôi tự bảo vệ được mình nên không cần đến anh em, nhiều khi có anh em ăn ở cùng nhau, họ gây sự với ai thành đánh lộn. Mình trong '' quẫy '' họ không thể đứng ngoài. Không chỉ chuyện đánh nhau mà còn bao nhiêu chuyện khác ví dụ như tìm kiếm vật chất phục vụ cuộc sống cho cả nhóm. Tìm củi , tìm nhựa làm chất đốt, tìm xoong nồi, tìm rau củ...rồi tìm cách xoay sở sao cho được chỗ nằm tốt, lo lót sao cho có được công việc tốt cho nhóm của mình.

Các tù nhân chỉ làm theo những việc có sẵn, tuỳ theo từng việc lo giá tiền để làm việc đó. Người cắt cỏ cá, người chăn trâu, người nuôi lợn, người phục vụ cán bộ, người làm đội trưởng, nhóm trưởng...tiền ít thì cuốc đất, gánh nước tưới. Các công việc có sẵn và có giá tiền sẵn. Việc '' lẻ '' là những việc tự do, không bị quản thúc chặt, tự giác làm và đóng tiền cao.

Có lẽ điều tôi tự hào nhất trong tù là tôi tự nghĩ ra việc cho mình, và ông quản giáo chấp nhận điều đó. Một ngoại lệ chưa từng có, tôi chả mất đồng nào mà vẫn làm tự giác.

Công việc của tôi là hàng ngày đi khắp đồng ruộng của đội tù, quan sát xem những việc nào cần làm, ví dụ như chỗ đất này mai phải cuốc để trồng gì, chỗ ruộng rau kia cần làm cỏ hay phun thuốc sâu. Bờ nào cần đắp, chỗ nào cần thêm người..cả đội tù có đến 60 con người và chục mẫu ruộng, mấy chục sào rau, bốn cái ao cá, ba con trâu, một đàn vịt hai trăm con, một đàn gà trăm con và tám con lợn. Tha hồ mà phải tính toán hợp lý, trong khi ông quản giáo chỉ thích ngồi đánh chẵn ăn tiền với các đồng nghiệp, còn đội trưởng chỉ lo chích cho phê rồi vừa nhắm mắt vừa phân công việc cho tù.

Tôi cải tạo theo đúng nghĩa tích cực nhất, không chạy chọt tiền nong, không nịnh bợ, không làm chỉ điểm. Ngày tôi ốm thì quản giáo lo sốt vó, còn đội trưởng thì cắt người chăm sóc tôi. Ông quản giáo bỏ đánh chẵn để đi sắp xếp việc, liên tục ông hỏi tôi đỡ chưa, đi làm được chưa. Hài hước là tôi được trại tặng bằng khen là phạm nhân xuất sắc của trại kèm tiền thưởng.

Cái mác phạm nhân xuất sắc khiến tôi đi lại tự do trong trại, thậm chí đi thẳng từ trong buồng giam qua ba lần cửa gác ra bên ngoài nhà dân để mua thứ gì mà không phải cần có cán bộ nào ký giấy bảo lãnh. Nguyên tắc canh gác của trại rất chặt chẽ, tù qua cửa phải có cán bộ ký nhận giấy và đưa ra, lúc về cũng ký trao trả. Tôi qua các cửa gác chỉ cúi chào và nói - thầy cho em ra ngoài. Lính gác nào cũng gật đầu, mặc dù họ là lính vũ trang, lính nghĩa vụ có thời hạn.

Tôi chả cần gì đến đàn em hay đàn anh, trong đội tù của tôi chẳng ai gây sự với tôi. Các đội tù khác cũng thế, họ luôn thân thiện để còn đôi lúc nhờ vả tôi chút gì, như nhắn tin, gửi thư hay mua hộ gì đó.

 Một ngày nọ, đội tù tôi có thêm mấy lính mới, trong đó có hai thằng chỉ mười tám tuổi phạm tội trấn lột. Cả hai thằng cùng vụ, mặt non choẹt. Chúng vào được đội mấy hôm thì gia đình chúng thăm. Mẹ thằng Tuấn Còi xin quản giáo cho gặp tôi, bà nói.

- Chúng tôi xin anh cho em nó ở cùng anh, có gì anh dạy bảo. Thưa với anh tôi là giáo viên, chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi không biết nói thế nào, chỉ mong anh giúp bảo ban em nó. 

Tôi lắc đầu từ chối, tôi nói tôi không tốt đẹp gì, nếu tôi dạy chúng được những điều tốt thì tôi đã không phải ở đây. Trong đội này có nhiều nhóm, cô bảo nó thấy hợp nhóm nào thì xin ở cùng để bảo vệ, giúp đỡ nhau. Còn cháu không nhận đàn em bao giờ cả.

Tôi quay đi, thấy ánh mắt bà mẹ nhìn theo đầy vẻ van xin.

Hơn tháng sau, lại có một thằng mới về đội, nó là cháu của một anh bạn. Tôi để nó ở cùng tôi, mẹ Tuấn Còi đến thấy vậy lại gặp và nói tôi cho Tuấn ở cùng. Bà nói.

- Anh ở đây trước có kinh nghiệm, anh bảo ban coi nó như em anh, chúng tôi mang ơn anh nhiều.

Tôi nói.

- Kinh nghiêm ở đây đều trả giá đắt, cháu không tự nhiên mà có, tại sao cô cứ bắt em nó về với cháu, ở đây còn đầy người mà.

Bà mẹ giãi bày, bà thăm con, gặp quản giáo biếu tiền rồi ngỏ lời xin ông dạy bảo con mình. Ông quản giáo bảo tốt nhất để tù dạy tù, chứ ông không ở với tù 24 tiếng mà bảo ban được. Bà lân la hỏi cậu lính vũ trang trẻ, cậu ấy bảo cho ở với thằng Hiếu là tốt nhất.

Cậu lính vũ trang trẻ cũng tên là Tuấn, cậu chẳng hút thuốc lá bao giờ, nhưng gia đình phạm nhân gặp biếu gói thuốc nào là cậu đút túi. Sau đó dúi lại cho tôi. Chưa bao giờ cậu xưng mày tao với tôi mà chỉ gọi tên tôi và xưng tôi. 

Tôi nhận thằng Tuấn, thêm cả thằng Khiêm đồng vụ với nó, với thằng Cường. Tôi bỗng có ba thằng đàn em.

Chúng tôi sống chan hoà với nhau, không rượu, không cờ bạc, xăm trổ, không chích choác, không gây sự với ai, tiết kiệm không hoang phí những đồng tiền gia đình gửi. Cả ba thằng đều tuổi 18, khi chúng quen với nhà tù rồi mới thật khó khăn. Chúng đều muốn chứng tỏ sự ngang tàng, khệnh khạng để làm '' giá cả ''. Bọn tù là thế, lúc đầu thì nơm nớp, sợ hãi mọi thứ. Thời gian sau thấy quen rồi là muốn xưng hùng bá , xưng anh chị. Chỉ có những tay anh chị thật sự như Thành Xăm ở bến Long Biên, Dũng Gỗ ở Giảng Võ...thì họ vào tù thế nào ra thế ấy. Còn lại đa phần là bọn ma cũ bắt nạt ma mới, hay bọn tù tiền, tức là có tiền lo lót cho quản giáo để dương oai.

 Cả quãng dài khó khăn để ngăn cản, rồi dàn xếp với các nhóm khác. Cuối cùng thì chúng cũng lần lượt hết án tù ra về mà không bị kỷ luật, được xét giảm đầy đủ.

Hôm tôi hết án về, Tuấn còi đứng đón ngoài cổng trại.

Cuộc sống ngoài đời cho kẻ nhiều năm trong tù ra thật khó khăn, nhiều lúc thấy bơ vơ mất thăng bằng còn hơn ở trong nhà tù. Ở trong tù có vị trí, có công việc, có sự cần thiết cho nhiều người. Ra tù ai cũng lảng tránh, có lúc thấy mình như con nợ của gia đình, có lúc thấy cuộc đời này không có chỗ cho mình. Tôi lúc đi làm giao hàng, lúc đi làm bảo vệ, lúc làm thợ hàn, thợ xây ngay cả lúc lao động bằng sức lực cũng bị phân biệt đối xử vì là kẻ ở tù ra, những dè bỉu nghiệt ngã, ngờ vực ...

Cuộc sống quá bươn chải, công việc thay đổi liên tục,  không còn dịp gặp lại những anh em trong tù cũ nữa.

 Đến ngày tôi mở công ty quảng cáo, nhận được nhiều hợp đồng, tôi tìm đến những cậu bé đã ở cùng tôi trong tù. Tôi muốn chúng làm cùng tôi.

Cả ba đều trở lại nhà tù, đứa 8 năm, đứa 10 năm, đứa 18 năm.

Giá như tôi có điều kiện sớm ngay lúc ra tù, tôi sẽ khiến cuộc đời chúng khác đi. Vì ý nghĩ như thế nên bao nhiêu năm rồi tôi vẫn tự trách mình. 

Tôi không trách chúng, khi tôi trở về vật lộn lại với cuộc sống đời thường, nhiều lúc phẫn nộ tôi đã có ý tìm lại con đường cũ. 

Nhiều lúc đương đêm tôi tỉnh dậy, nhớ đến chúng tôi khóc. Tôi thương chúng và khóc thương cho cả mình nữa. Vì tôi thấu nỗi cay đắng khi ra tù về lại xã hội. Tôi chỉ may mắn hơn chúng chút ít, còn không được may thế, có lẽ tôi cũng quay về trại giam như chúng mà thôi.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Bùi Thanh Hiếu - Đại Vệ Chí Dị

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 70
Vệ Kính Vương năm thứ tư.

Nhà Sản cai trị đất nước 70 năm, trải qua bao binh biến cơ đồ vẫn vững như bàn thạch. Đến năm Vệ Kính Vương thứ tư nhà Sản một mặt thuần phục nước Tề láng giềng phương Bắc, mặt khác kết giao với Cờ Hoa phương xa. Thế đứng càng vững chắc.

 Trong nước dân tình đói khổ, điêu linh. Tầng lớp trọc phú nhờ và quan lại cấu kết với nhau thống trị thâu tóm tài sản trong thiên hạ thành một lớp quý tộc mới, lại có một lũ hầu hạ bọn quý tộc này được ban chút bổng lộc cũng đủ thành lớp trung lưu.

Các phường nghệ sĩ, con hát, văn sĩ cũng gia sức hầu hạ bọn quý tộc để thành lớp trung lưu.

Bấy giờ nước Vệ trong dân đen loạn lắm, giết người cướp của xảy ra như cơm bữa. Thiên hạ ngày đêm làm đồ giả, bán đồ gian, bày đủ mưu kế lường gạt dẫm lên nhau mà sống. Người Vệ có lúc ban ngày không dám ra khỏi cửa.

Nghĩa binh nổi lên khắp nơi, nhưng sức yếu, thế cô chỉ như ngọn lửa bùng lên rồi lại tắt.

Nhà Sản vẫn vững như bàn thạch. Quan lại nhũng nhiêu trắng trợn, công sai giết người thẳng tay. Nước Vệ vô pháp lẫn vô đạo.

Mỗ là kẻ vô học, từ nhỏ quen thói lưu manh, chớp được cơ hội bèn khăn gói tót khỏi nước Vệ chạy tít sang trời Âu. Thỉnh thoảng nhớ quê cũ biên vài chuyện cho vơi nỗi nhớ nhà. Người trong thiên hạ gọi là Lái Gió, ý chỉ kẻ chuyên bịa chuyện hươu vượn mua vui.

Ngày nọ có nhân sĩ Vệ qua nơi mỗ ở, họ ghé thăm rồi hỏi.

- Nước Vệ sẽ thế nào.?

Mỗ chắp tay xá.

- Nước Vệ kẻ sĩ nhiều vô kể, bên trong có đến hàng vạn, bên ngoài cũng đến hàng ngàn. Nữ nhi nước Vệ oai chả kém San Cửu Kỳ nước Miến, thiếu niên anh dũng chả kém Hoàng Chí Phong khu Hồng. Bên ngoài nhóm Hoàng Kỳ nghe nói cũng tinh thông, thao lược, uyên thâm. Hỏi chuyện nước Vệ phải hỏi những người như thế mới rõ. Còn hỏi chuyện ăn chơi, đàng điếm, hút xách, hoang đàn thì mỗ có thể kể ngọn ngành các ngón.

Nhân sĩ điềm nhiên nói.

- Kẻ sĩ  đã từng gặp nhiều, hỏi qua gần hết. Giờ tiện đây muốn hỏi kẻ lưu manh như ngươi. Nước Vệ sẽ thế nào.?

Mỗ đáp.

- Ngài hỏi nước Vệ sẽ thế nào, không hỏi nhà Sản ra sao. Phải chăng ý ngài muốn nói sau khi nhà Sản mất nước Vệ sẽ thế nào.?

Nhân sĩ mỉm cười gật đầu nhẹ.

Mỗ tiếp.

- Tôi thân phận hèn mọn, nghĩ không quá xa bãi nước tiểu của mình. Sợ lời nói nông cạn làm nản lòng kẻ sĩ, xin cho được nói chuyện khác.

Nhân sĩ nói.

- Nước Vệ sau thế nào.?

Mỗ thấy nhân sĩ kiên quyết, lòng muốn cáo từ, nhưng thấy khó, bèn nói bừa cho qua chuyện.

- Nước Vệ ngày trước đói khổ, gạo không có mà ăn, phải độn khoai sắn. Nhưng lúc ấy hàng xóm tối lửa, tắt đèn tương thân, tương ái với nhau. Đến khi nhà Sản hội ước với Tề ở Thành Đô nhận làm chư hầu. Người Vệ có dư dật hơn, nhưng đạo đức ngày càng xuống cấp. Con giết cha, vợ giết chồng, anh em lừa hại lẫn nhau, tớ phản chủ, thầy thông dâm với trò. ...như thế không có gì khiến nhà Sản phải sụp đổ cả, đừng nói chuyện nước Vệ ngày sau.?

Nhân sĩ ngừng tay quạt, nghiêm mặt hỏi.

- Nhà Sản cai trị, nước Vệ vô đạo. Trời không dung, đất không tha. Tại sao vô đạo mà không thể sụp đổ. ?

Mỗ đáp.

- Phàm vô đạo do u mê như Trụ Vương, Đường Minh Hoàng, Lê Long Đĩnh đều phải sụp đổ. Nhà Sản khiến thiên hạ vô đạo là do chủ trương chiến lược của họ. Cho nên nước càng vô đạo thì nhà Sản càng vững chắc. Đó là kế tiêu thổ đao đức của nhà Sản.

Nhân sĩ hoài nghi.

- Xưa nay chỉ nghe nói đốt kho tàng, thành quách, nhà cửa, chưa từng nghe tiêu thổ đạo đức bao giờ.?

Mỗ đáp.

- Người xưa chú trọng cái ăn, cho nên ngày xưa tiêu thổ cái ăn, chỗ ở. Ngày nay thế giới tiến bộ, cái ăn đã nhiều hơn xưa. Giả dụ có lật đổ được một triều đại, dù vườn không, nhà trống cũng chả phải là mỗi lo lớn cho kẻ đến sau. Nhà Sản được Tề chỉ cho bí kíp cai trị là tiêu thổ đạo đức người dân. Chuyện người dân tự tiện mở lòng tốt làm từ thiện phát gạo, cấp nước cho dân là chuyện nhỏ với đời, nhưng là chuyện lớn với nhà Sản. Bởi thế ta hay thấy người làm việc thiện không được tuỳ tiện mà phải trình qua quan phủ địa phương, phải biếu xén, nịnh bợ quan lại địa phương để làm từ thiện. Qua việc biêú xén, nịnh bợ tự nhiên tư cách cũng bị xói mòn đi. Còn không biêú xén hay nịnh bợ lập tức bị cản trở, tịch thu đồ từ thiện. Người làm từ thiện là người tốt, bị ép đến khi nào trở thành người không tốt mới được làm từ thiện. Như thế  còn ai dám làm người tốt.

 Nhân sĩ trầm ngâm nói.

- Chuyện rông dài, chưa thấy liên quan gì.

Mỗi kiên nhẫn đáp.

- Người tốt không có, bởi thế nghĩa quân nổi lên năm lần bảy lượt mà không có hưởng ứng. Tất không thành đại sự.

Nhân sĩ nói.

- Tức nước vỡ bờ, như các cuộc cách mạng khác, chỉ cần mồi lửa là bùng thiêu cháy hết bọn tham tàn.

Mỗ chắp tay không dám nhìn nhân sĩ, cúi đầu đáp.

- Dân nước Vệ vô đạo, nhà Sản triệt tiêu đạo đức là có ý tiêu thổ nhân cách con người.  Con người không có nhân cách thì không có lòng tự trọng, không có lòng tự trọng thì không biết phẫn uất. Đã không biết phẫn uất thì không thể nào làm cách mạng. Nhà Sản đã thành công huấn luyện tiêu thổ đạo đức con người nước Vệ, tức là cách phòng thủ hữu hiệu nhất để triệt tiêu mầm mống phản kháng của con người. Đội quân tiêu thổ đạo đức con người của nhà Sản tinh nhuệ, hùng hậu, tiền bạc dồi dào từ ban tư tưởng, tuyên giáo, ban tôn giáo tổng cục chính trị, bộ văn hoá, thông tin, giáo dục, tuyên truyền viên, dư luận viên...ngày đêm ra sức triệt tiêu ý chí của con người. Không những thành công khiến họ mất ý chí phản kháng mà còn khiến họ thành những kẻ vô đạo, thủ lợi riêng tư, chỉ mong mưu cầu lợi ích cho bản thân. 

Xưa nay những kẻ đại ác trong thiên hạ chỉ nghĩ đến tiêu thổ vật chất, còn tiêu thổ tính cách nhân phẩm con người thì chỉ có nhà Sản mới dám làm mà thôi. Chưa có cách nào phá được kế sách ấy thì đừng nói đến chuyện nhà Sản sụp đổ, huống chi là nói chuyện Nước Vệ sau này ra sao.

Nhân sĩ đứng lên, không buồn nghe nữa, ngài đi thẳng.

Mỗ đứng nhìn theo, khi ngài khuất xa sau hàng cây. Ngẩng nhìn trời phía Nam thấy sao các tướng, quan lại nhà Sản vẫn sáng rõ, chỉ có đám dân đen là mờ mịt như muốn rụng.


Tỉnh dậy mới biết là mình mơ, bỗng tự trách mình mang bụng tiểu nhân mà luận chuyện nước nhà.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Bùi Thanh Hiếu - Lòng tham đến tình thương.


Một vụ trộm tiền được miêu tả trong sách, bối cảnh vụ trộm diễn ra trong thời thực dân Pháp có mặt ở Việt Nam. Người có tiền cẩn thận đặt bọc tiền dưới một cái nồi, anh ta ngồi lên trên và chắc mẩm không kẻ nào lấy trộm được tiền của anh ta.

Nhưng những tên kẻ trộm láu cá, chúng đánh vào lòng tham của anh ta. Một tên trộm đi trước giả vờ đánh rơi ít tiền lẻ. Người có tiền nhổm dậy với tay nhăt, lại một tờ tiền nữa rơi ra xa hơn, khiến anh bước thêm bước nữa để nhặt. Chỉ cần thế, tên trộm đồng bọn phục đằng sau anh ta nhấc cái nồi lên và lấy mất bọc tiền.

 Đến thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thời kỳ bao cấp ở Việt Nam. Những tên trộm Việt Nam thường sử dụng việc giả vờ một tên đánh rơi nhẫn vàng, dây chuyện vàng. Một tên nhặt được, cố ý cho nạn nhân trông thấy, một tên khác giả vờ người đi đường chứng kiến nhảy đến đòi chia, kéo cả nạn nhân vào cuộc với vai trò người làm chứng. Vòng vèo thì trị giá dây chuyền được ước lượng để chia chác. Giá của nó sẽ khoảng gấp hai lần chiếc xe đạp mà nạn nhân đang đi. Sau hồi dẫn dụ nạn nhân mê hoặc với lòng tham bỗng dưng cũng được chia phần. Hai tên trộm sẽ đổi cái dây chuyền lấy cái xe đạp của nạn nhân. Đường ai nấy đi, nạn nhân ra về mang vàng ra thử mới biết là vàng giả. 

Màn kịch dây chuyền diễn đi diễn lại nhiều, được dân chúng kể lại cảnh báo với nhau nhiều, nhưng vì lòng tham mù quáng mà nhiều người vẫn mắc bẫy. Đến từ những năm 90 trở đi thì trò lừa đảo này kết thúc vì nó quá cũ.

Trên đây  là những điển hình các vụ trộm cắp, lừa đảo đánh vào lòng tham của nạn nhân.

Sau này có vô vàn màn lừa đảo, trộm cắp đa dạng đánh vào mọi yếu tố tâm lý của nạn nhân. Các phương thức cực kỳ đa dạng và phức tạp như một trận đồ. 

Nhưng có một điều mà những tay trộm sừng sỏ huyền thoại của thời thực dân chiếm đóng hay thời bao cấp nếu còn đến ngày nay chắc phải lắc đầu bái phục. Đó là trộm cắp bằng thủ đoạn đánh vào sự nhân ái của con người.

Có lần tôi và một người đàn ông rất từng trải đứng ở sân ga Châu Âu, tôi hỏi anh ta đứng trông hành lý thế nào khỏi bị mất cắp. Anh ta trả lời anh sẽ chú ý, không lơ là. Tôi kể câu chuyện về tên trộm đánh rơi tiền thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Anh ta cười và nói mình sẽ gọi người đánh rơi chứ không nhặt. Chúng tôi đều cười vang, anh ta là người tử tế, con người như anh ta sẽ chẳng bao giờ làm điều như vậy. Nhưng khi cười dứt, anh ta nhìn tôi hoài nghi. Chắc anh ta nghĩ tôi còn có điều gì nữa, vì ví dụ đánh rơi tiền của tôi chắc hẳn không dành cho anh ta. Tôi lấy ví dụ . Giả sử bây giờ có một người phụ nữ bế đứa bé đi qua anh, người phụ nữ trượt chân, ngã lăn quay cùng đứa bé, anh có nhao ra đỡ không.?

Anh ta tái mặt rồi gật đầu.

Tôi nói chẳng sự từng trải nào cho đủ. Anh ta lắc đầu và thú nhận, nếu bất chợt gặp tình huống ấy anh sẽ lao tới đỡ hai mẹ con người kia.  Tôi an ủi người đàn ông hơn mình gần 20 tuổi ấy rằng, không phải anh kém cỏi đâu, nếu là tôi thì cũng vậy. Nhưng may ở Châu Âu này điều đó chưa xảy ra. Những tên trộm cắp lừa đảo ở đây chỉ đáng hàng nhãi nhép so với bọn trộm cắp Việt Nam về thủ đoạn, đến bây giờ vài ba tên trộm vẫn dùng cách tì đè, chen lấn ở cửa tàu điện để móc túi. Một vài tên trộm ở Pari thì lừa tàu điện sắp đóng cửa giật điện thoại nhảy ra, hoặc vài tên khác thì thầm bán điện thoại đểu như ra vẻ vừa lấy được.

Người vì lòng tham mà bị lường gạt, họ giận mình, trách móc mình ngu dại, tham lam, họ sẽ dằn vặt mình để lần sau cảnh giác. Thậm chí họ còn phổ biến cho người khác cảnh giác.

Nhưng nếu họ bị lường gạt vì lòng tốt thì sao.? Chả lẽ dằn vặt mình vì mình làm điều tốt, chả lẽ nhắc nhở mình lần sau không làm điều tốt để khỏi bị lừa. Rồi đi phổ biến cho mọi người thân quen đừng làm điều tốt nếu không sẽ bị thiệt thân. Bạn nghĩ thế nào khi bạn dặn con bạn rằng, nếu con thấy một người già ngã. Trước tiên con phải cảnh giác nhìn quanh, nếu con xô vào đỡ thì sẽ có một số kẻ lu loa còn làm ngã cụ già, rồi có khi chính cụ già cũng bảo con làm ngã, sau đó họ bắt con bồi thường tiền. Hoặc khi con đỡ cụ già ấy dậy, chính cụ sẽ móc ví của con.

Nếu ở thủ đoạn của bọn trộm cắp đánh vào lòng tham, bạn sẽ còn cao giọng dạy bảo con mình phải từ bỏ thói xấu tham lam thì mới tránh được tai hoạ. Cái triết lý ấy có ở nước Việt này cả ngàn năm theo trào lưu của Phật Giáo, Khổng Tử. Nhưng khi mà thủ đoạn của bọn trộm cắp đánh vào tình thương, lòng nhân ái, trắc ẩn của con người. Dạy thế nào cho phải, dạy quay mặt đi, dạy đừng đưa người khác đi cấp cứu khi thấy họ tai nạn, đừng chỉ đường, đừng giúp đỡ ai.

 Vừa rồi trên báo chí xuất hiện hai clip những tên trộm xe giả vờ hỏi đường, những người tử tế đã trở thành nạn nhân bởi sự tận tình muốn giúp đỡ người khác. Hai clip ấy là điển hình cho thủ đoạn đánh vào lòng nhân ái, tính tốt của con người. Những tên lưu manh ngày nay đã vượt xa tiền bối ngày trước về khai thác tâm lý con người. Lợi dụng tâm lý nhân ái để bày ra thủ đoạn trục lợi là tận cùng của giới lưu manh. Trong xã hội Việt Nam ngày này, lưu manh đã đi đến cái tận cùng của sự táng tận như vậy. Đáng nói là thủ đoạn như thế càng ngày càng lan rộng. Hậu quả của nó sẽ là không ai dám động lòng trắc ẩn, muốn giúp đỡ người khác nữa.

Hôm qua tôi cũng xem ông chủ tịch tỉnh Sơn La nói rằng xây khu quảng trường, tượng đài Hồ Chí Minh hết 1400 tỷ đồng là để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân Sơn La. http://thoidai.com.vn/Lanh-dao-Son-La-noi-xay-tuong-dai-1400-ty-la-dap-ung-tinh-cam-cua-dong-bao-15-16805.html


Đừng nói rằng chỉ có lưu manh mới lợi dùng lòng tốt, tình cảm của con người để trục lợi. Cũng đừng vội nhận định rằng sự táng tận lương tâm lợi dụng tình cảm, lòng tốt của con người để trục lợi là từ lưu manh mà ra.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Rafael Zoehler - "Khi cha ra đi" - Những lá thư xúc động cha gửi con sau khi đã chết

Người cha chết ở tuổi 27, khi đứa con trai còn rất bé. Nhưng không ngờ, những lá thư ông gửi cậu bé ngay cả sau khi ông đã chết, chính là những hướng dẫn cậu bé cần cho cả cuộc đời.


Đăng lúc 18:16 ngày 07/08/2015 Bởi Khải Đơn
Cái chết lúc nào cũng bất ngờ cả. Chẳng ai đón nó đúng lúc.  Ngay cả bệnh nhân nan y cũng không bao giờ nghĩ họ sắp chết trong vài ngày tới.  Có chết thì chắc cũng phải cả tuần chứ.  Nhưng ai dè được cái “tuần” ấy chính là tuần sau.
Chúng ta chưa bao giờ sẵn sàng. Chẳng thể nào biết chính xác thời điểm đó. Khi cái chết ập đến, ta thường chưa hoàn thành những gì mình muốn làm. Sự ra đi luôn đến bất ngờ, trong khoảnh khắc đầy nước mắt của người góa phụ, là cảm giác lơ ngơ của những đứa con chưa kịp biết tang lễ có ý nghĩa gì (Cảm ơn Chúa!).

Cha tôi cũng không là ngoại lệ. Trong thực tế, cái chết của ông còn bất ngờ hơn cả. Ông mất khi 27 tuổi. Cùng cái tuổi mà rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng qua đời. Cha còn trẻ. Rất trẻ. Cha tôi không phải một nhạc sĩ và cũng chẳng nổi tiếng. Bệnh ung thư không chọn nạn nhân. Cha mất khi tôi còn nhỏ, và đó là lúc tôi hiểu một đám tang nghĩa là gì. Lúc đó tôi 8 tuổi rưỡi, đủ lớn để nhớ ông suốt cuộc đời dài sau này. Nếu ông mất trước đó, có lẽ tôi chẳng có ký ức gì nhiều. Có lẽ tôi sẽ không cảm thấy đau đớn. Nhưng nếu thế tôi sẽ không có một người cha sẽ ở bên mình cả đời. Thật vậy, tôi đã có một người cha.
Tôi có một người cha vừa vững chãi, vừa hài hước. Người sẽ luôn nói một câu gì đó hài trước khi ôm tôi. Bằng cách đó, tôi sẽ cảm thấy không khó chịu lắm để ông ôm. Người sẽ luôn hôn vào trán tôi khi tôi đi ngủ. Một thói quen mà sau này tôi đã làm y hệt với những đứa con của mình. Cha bắt tôi phải cổ vũ cho đội bóng mà ông ủng hộ, và cha cũng giỏi giải thích mọi thứ rõ ràng hơn mẹ. Bạn có hiểu ý tôi nói không? – Một người cha như vậy mình không thể nào quên được.  
Cha chưa bao giờ nói ông sẽ chết. Ngay cả khi ông đang nằm trong bệnh viện với dây nhợ quanh mình, cha cũng không nói đến chuyện đó. Cha đã lên kế hoạch cho năm tới dù thậm chí ông biết ông sẽ không sống qua tháng sau. Năm tới, chúng ta sẽ đi câu cá, sẽ du lịch, nhà mình sẽ đến thăm những nơi mình chưa từng đến. Năm tới sẽ là một năm tuyệt vời. Tôi và cha ở trong cùng một giấc mơ.
Tôi tin rằng – thực ra, tôi chắc chắn rằng – ông nghĩ cách này sẽ đem lại may mắn. Ông là người hơi mê tín. Nghĩ về tương lai là cách mà cha giữ lại hi vọng cho chính mình. Ông già đã làm tôi cười với ông đến tận những ngày cuối cùng. Ông biết. Ông không nói thật với tôi. Ông không thấy tôi khóc.
Thình lình, cái năm tới ấy đã kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.
Mẹ đón tôi ở trường, đưa tôi đến bệnh viện. Bác sĩ báo tin với cơn xúc động dường như đã chai sạn qua nhiều năm làm việc. Mẹ tôi khóc. Dường như trước đó mẹ đã có chút hy vọng. Như tôi đã nói, mọi người đều hi vọng. Tôi thấy mình sụp đổ. Thông báo này có nghĩa là gì? – Đây không phải một bệnh thông thường, thứ bệnh mà bác sĩ tiêm một mũi là khỏi sao? Con ghét cha, cha ạ. Con cảm thấy bị phản bội. Con đã gào lên tức giận trong bệnh viện, cho đến khi con nhận ra cha không còn đó để ôm con nữa. Con đã khóc.
Sau đó, cha tôi lại một lần nữa trở lại làm người cha của tôi. Cô y tá đến và an ủi tôi, cầm theo một hộp đựng giày. Cái hộp đầy những phong bì dán kín, với những câu viết trên dòng địa chỉ. Tôi không hiểu chính xác đó là gì. Cô y tá đưa cho tôi một lá thư. Lá thư duy nhất nằm ngoài hộp.
“Cha con nhờ cô đưa cho con bức thư này. Ông đã dành thời gian suốt cả tuần để viết, và ông muốn con đọc nó. Hãy mạnh mẽ lên.” – Cô y tá nói, và ôm tôi.
Ngoài phong bì đề chữ KHI CHA RA ĐI. Tôi mở lá thư ra.

Cha khiến tôi ngưng khóc ngay với mấy dòng viết tay nguệch ngoạc. Thời đó in ấn chưa dễ dàng lắm. Cha viết chữ xấu, nhưng tôi cũng đọc được, và cảm thấy bình tĩnh lại. Lá thư làm tôi mỉm cười. Cha luôn làm mọi việc như vậy. Như một câu đùa trước khi ôm lấy tôi.
Chiếc hộp trở thành báu vật quan trọng nhất trên đời của tôi. Tôi dặn mẹ không được mở nó ra. Cha viết thư này cho tôi, nên không ai được phép đọc chúng. Tôi đinh ninh tất cả những thời khắc trong đời ghi trên phong bì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng cần phải có thời gian mới đến từng chuyện một. Và tôi quên mất mớ thư.
Bảy năm sau, mẹ con tôi dọn về nhà mới, tôi không nhớ đã cất cái hộp ở đâu. Tôi quên mất rồi. Khi chúng ta không nhớ điều gì đó, nghĩa là ta không còn quan tâm đến nó nữa rồi. Nhưng nếu điều gì đó mất đi trong trí nhớ của mình, không có nghĩa là mình mất nó. Điều đó chỉ đơn giản là không còn tồn tại nữa. Cứ như tiền lẻ bạn để quên trong túi quần vậy.
Chuyện đó đã xảy ra. Những năm tuổi dậy thì của tôi và bạn trai mới của mẹ kích thích khiến tôi nhớ lại những gì cha đã dự đoán nhiều năm trước. Mẹ có nhiều bạn trai, và tôi luôn hiểu cho mẹ. Mẹ không bao giờ kết hôn. Tôi không biết tại sao, nhưng tôi thích tin rằng cha tôi chính là tình yêu của đời bà. Nhưng gã bạn trai này của mẹ thì khác. Lão hoàn toàn vô dụng. Tôi nghĩ bà đã tự hạ mình khi yêu lão. Ông ta chẳng hề tôn trọng mẹ. Mẹ xứng đáng với một ai đó tốt đẹp hơn là một gã vớ vẩn gặp trong quán rượu.  
Tôi vẫn còn nhớ mẹ đã tát tôi sau khi tôi phát âm từ “quán bar”. Quả thật, tôi xứng đáng ăn cú tát ấy. Tôi đã hiểu thêm nhiều điều theo thời gian. Lúc đó, khi da mặt tôi rát bỏng vì cú tát, tôi nhớ đến cái hộp và thư. Tôi nhớ có một lá thư, đề rất rõ “KHI CON CÓ MỘT TRẬN CÃI NHAU TỆ NHẤT VỚI MẸ”
Tôi đã lục tung phòng ngủ để tìm cái hộp, khiến mẹ tát tôi thêm một cái nữa. Tôi tìm thấy cái hộp bên trong một chiếc va-li nằm trên đỉnh tủ quần áo. Một cõi khác. Tôi nhìn qua những lá thư, và nhận ra tôi đã quên không mở lá thư đề “KHI CON HÔN LẦN ĐẦU TIÊN”. Tôi tự ghét mình vì đã quên, nên tôi quyết định mở lá thư đó ra. Lá thư  “KHI CON MẤT ZIN” xuất hiện ngay sau đó, hi vọng là tôi có thể mở cái thư này sớm. Cuối cùng, tôi cũng tìm được lá thư kia.

Cha tôi không phải một người viết giỏi, ông chỉ là một kế toán ngân hàng. Nhưng từng từ ông viết có tác động rất lớn đến tôi. Đó là những từ ngữ khôn ngoan hơn cả 15 năm tuổi đời của tôi cộng lại. (Thực ra cũng không khó để làm được vậy!)
Tôi chạy đến phòng mẹ, và mở cửa phòng. Tôi khóc khi mẹ quay đầu lại nhìn tôi. Bà cũng đang khóc. Tôi không nhớ mẹ đã hét lên câu gì vào mặt tôi, đại loại ý “Giờ con muốn gì?” – Và tôi nhớ mình đã đi lại gần bà, tay cầm lá thư cha viết. Tôi ôm bà bằng hai cánh tay của mình. Tay tôi vò nhàu nát tờ giấy. Mẹ ôm tôi. Mẹ con tôi đứng đó trong im lặng.
Lá thư của cha đã làm mẹ cười chỉ sau đó vài phút. Mẹ con tôi làm hòa và nói một chút về cha. Mẹ kể về một vài sở thích kỳ dị của cha, như ăn xúc xích Ý với dâu tây. Tự dưng, tôi cảm thấy ông đang ngồi cạnh mẹ con tôi. Tôi, mẹ và một phần của cha, một phần mà cha để lại cho chúng tôi, một mảnh giấy. Thật dễ chịu.
Chẳng lâu sau, tôi đã đọc đến bức thư “KHI CON MẤT ZIN” 

Cha đã theo tôi suốt cuộc đời. Cha luôn ở bên tôi, ngay cả khi ông không còn gần tôi nữa. Những từ ông nói đã làm được điều không ai có thể làm, đó là tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua vô số khoảnh khắc gay cấn trong đời. Ông luôn tìm ra cách để đặt một nụ cười lên môi tôi khi mọi thứ trở nên tối tăm, hoặc giúp tâm trí tôi thông suốt mỗi khi giận dữ.
Lá thư KHI CON KẾT HÔN khiến tôi xúc động. Nhưng không xúc động bằng lá thư KHI CON TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI CHA.

Lá thư đau đớn nhất tôi đọc trong suốt cuộc đời  lại là lá thư ngắn nhất cha viết. Khi ông viết 4 từ đó, hẳn ông đã đau đớn hệt như tôi. Phải mất một thời gian chần chừ, nhưng cuối cùng tôi cũng mở lá thư KHI MẸ CON MẤT ra.

Một câu đùa. Một anh hề buồn lúc nào cũng giấu nỗi buồn của mình sau nụ cười nở trên lớp trang điểm. Đó là lá thư duy nhất khiến tôi không cười, nhưng tôi hiểu lý do.
Tôi đã luôn giữ lời với thỏa thuận giữa hai cha con. Tôi không bao giờ đọc lá thư nào trước khi thời điểm đến. Chỉ có một lá thư ngoại lệ KHI CON NHẬN RA CON LÀ GAY. Vì tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ mở lá thư này, nên tôi quyết định đọc luôn cho xong. Đó là một trong những lá thư hài hước nhất.

Tôi luôn chờ đến khoảnh khắc để mình được đọc lá thư kế tiếp, kế tiếp. Bài học nào cha sẽ dạy tôi sau đấy. Thật tuyệt vời khi một người đàn ông 27 tuổi có thể dạy một đứa to đầu 85 tuổi như tôi.
Giờ tôi đang nằm trong bệnh viện, với dây nhợ trên mũi và cổ cũng vì căn bệnh ung thư chết tiệt. Tôi di những ngón tay lần tìm tờ giấy bạc màu của lá thư duy nhất tôi chưa mở ra. Ngoài thư đề “KHI THỜI KHẮC CỦA CON ĐẾN”, nét chữ dù phai đi, vẫn còn có thể nhìn rõ.
Tôi không muốn mở lá thư. Tôi sợ. Tôi không muốn tin rằng thời khắc của tôi sắp đến. Bạn biết không, tất cả là tại hi vọng. Chẳng ai tin rằng mình sắp chết cả.
Tôi thở sâu, mở lá thư ra.

Rafael Zoehler  

(Dịch từ Medium.com)

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

(tinhhoa.net) - KHI BỊ BẮT VÀO VIỆN TÂM THẦN, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỨNG MINH BẠN LÀ NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

Tại một bệnh viện tâm thần của nước Ý, do tài xế chuyên chở bệnh nhân lơ là nhiệm vụ mà bắt nhầm ba người bình thường. Ba người đó bị nhốt trong viện ròng rã suốt 28 ngày trời, hai người trong số đó còn suýt chút nữa vì điều này mà biến thành bệnh nhân tâm thần thật sự. Và làm thế nào họ đã thoát ra được?
Grey Back, ký giả của tạp chí Toread của Mỹ đã đến nước Ý để mà tiến hành phỏng vấn ba người bất hạnh vừa mới được cứu thoát này.
Nguyên ban đầu, một tài xế phụ trách vận chuyển những người mắc bệnh tâm thần, trên đường đã để cho ba người bệnh bỏ chạy mất. Để không bị mất việc, ông ta lái xe đến một trạm xe buýt, bảo với mọi người rằng ông lái xe miễn phí. Cuối cùng, ông đã “dụ” được 3 người lên xe, rồi gắn mác “bệnh nhân tâm thần” vào những vị khách này.
Như mọi người chúng ta đều biết, một người bị bệnh tâm thần nếu muốn ra khỏi bệnh viện thì cách duy nhất chính là chứng minh bản thân mình không bị bệnh tâm thần. Ba người họ đã làm được điều đó như thế nào?
Theo báo cáo của Grey Back, hai người trong số họ đã dùng đủ mọi cách để mà chứng minh với nhân viên y tế rằng mình không phải người điên. Tuy nhiên, họ nói càng nhiều nhân viên y tế càng tin chắc rằng họ chính là người điên.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn của anh với A
Grey: Khi ông bị nhốt vào trong bệnh viện tâm thần, ông đã nghĩ ra cách gì để mà giải cứu mình vậy?
A: Tôi nghĩ rằng, nếu muốn đi ra, trước hết cần phải chứng minh rằng bản thân mình không có bị bệnh tâm thần.
Grey: Vậy ông đã chứng minh như thế nào?
A: Tôi nói: ‘Trái đất hình cầu’, câu nói này chính là chân lý. Tôi nghĩ, người nói ra chân lý sẽ không bị xem là bệnh tâm thần.
Grey: Cuối cùng ông có thành công không?
A: Không, khi tôi nói câu này đến lần thứ 14, nhân viên y tế đã chích một mũi kim vào mông tôi.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn với C
Grey: Ông đã ra khỏi bệnh viện tâm thần như thế nào?
C: Tôi và A được B cứu ra ngoài đấy. Anh ấy đã thành công mà ra khỏi bệnh viện tâm thần, sau đó liền đi báo cảnh sát.
Grey: Lúc đó, chẳng phải ông cũng tìm cách để ra khỏi đó?
C: Đúng vậy, tôi nói với họ rằng tôi là nhà xã hội học. Tôi nói rằng tôi biết tổng thống nhiệm kỳ trước của nước Mỹ là Clinton, thủ tướng nhiệm kỳ trước của nước Anh là Blair. Khi tôi nói đến tên các vị lãnh tụ của các đảo quốc thuộc Nam Thái Bình Dương, họ liền chích cho tôi một mũi. Tôi không còn dám nói tiếp nữa.
Grey: Vậy B đã giải cứu các ông ra ngoài như thế nào?
C: Sau khi anh ấy bị bắt vào trong đó, cái gì cũng không nói. Lúc cần ăn cơm thì ăn cơm, lúc nên ngủ thì đi ngủ, những lúc cần xem sách đọc báo thì xem sách đọc báo. Khi các nhân viên y tế cạo mặt cho anh, anh ấy sẽ nói cảm ơn. Khi đến ngày thứ 28, họ đã để anh xuất viện.
Người B sau khi thoát ra liền đi báo cảnh sát, nhờ vậy mà giải cứu được hai người bạn kia.
Thì ra là đơn giản như vậy, biện pháp tốt nhất lại chính là không cần phải chứng minh gì cả.
Grey Back đã phát biểu cảm khái như vậy trong bài viết của mình: một người bình thường muốn chứng minh sự bình thường của chính bản thân mình, đó là điều vô cùng khó khăn. Có lẽ chỉ có những ai không cố gắng để chứng minh bản thân mình, mới được xem là người bình thường vậy.
Về sau, nhiều người khác đã để lại những lời bình luận liên quan đến bài viết này trên trang mạng.
Có lời bình khá sâu sắc…..
Những người dùng đủ các loại phương thức nào đó để chứng minh rằng bản thân mình đang nắm chắc chân lý trong tay, những ai dùng đủ các phương thức để chứng mình bản thân mình tri thức vô cùng phong phú, bao gồm những người dùng các phương thức để chứng minh rằng bản thân mình rất giàu có, đều có thể bị xem là người điên, chỉ có điều là chính bản thân họ không biết mà thôi. Tỷ như những người trong lòng không chín chắn mới hết lần này đến lần khác muốn chứng minh và biểu hiện với người khác mình trông rất chín chắn, vì họ lo sợ rằng bản thân sẽ bị người khác cho là mình vẫn chưa chín chắn.
Càng là người bình thường thì càng không cần phải chứng mình với người khác rằng bạn là người bình thường, còn với những tay cao thủ thì tất nhiên cũng không cần  phải chứng minh với người khác rằng mình đã là cao thủ.
Theo: tinhhoa.net

Qua câu chuyện này, suy rộng ra ta nhận ra rằng: bạn vốn không cần phải giải thích với người khác về bản thân mình, vì đối với những người yêu mến bạn thì việc đó vốn dĩ không cần thiết, còn đối với những người không yêu mến bạn thì cho dù bạn có nói thế nào thì họ cũng sẽ không tin. Vậy nên nếu muốn chứng mình bản thân là người bình thường, thì tốt nhất là không nên làm quá nhiều thứ và nói quá nhiều lời. Hãy sống cuộc đời mà bạn muốn, đừng quan tâm quá nhiều tới lời gièm pha của những người khác bạn nhé!