Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Nguyễn Thùy Dương - CHIM TRỜI (Phần 4)


             Tan Nát
          Năm 1998, mẹ tôi sinh thằng Tư Tí. Thằng Ba Nghĩa cách tôi 2 tuổi cái tuổi gần quá để tôi có thể trông em đàng hoàn. Nhưng Tư Tí cách tôi 8 tuổi nó đúng nghĩa là em bé. Bữa mẹ tôi sanh thằng Tí, ba tôi ko về kịp, ông đánh trúng một bầy chim rất lớn. Bầy chim lớn bao nhiêu thì sự đau thương lớn bấy nhiêu nó như báo trước sự chia ly cho tất cả. Ba tôi về chạy vội ra trạm xá coi thằng Tí rồi đem bọc nhao thai về chôn ở bụi chuối sau nhà. Ba ngày sau, mẹ tôi bế cu Tí về nhà. Cái đầu nó quá trời tóc luôn, da nó thì đỏ hỏn à, mắt ti hí như mắt lươn vậy. Chính đôi mắt nó báo hại năm học lớp 5 tôi bị cô giáo phạt vì văn mẫu tả đôi mắt em bé như hai hạt nhãn đen lay láy. Tôi lại tả mắt em Tư ti hí dễ thương. 
    Tư Tí bệnh từ nhỏ hễ sốt là nó động kinh, nó bám tôi như đỉa, hễ chị hai đi học thì thôi. Chị Hai về là nó đòi, tôi hay ẵm nó đi chơi tùm lum chỗ hết, có bữa ẵm tểnh đi đạp châu chấu ngoài mấy bãi cỏ. Tư Tí chậm nói, bữa đầu nó kêu được tiếng A là do tôi tập. Ba mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng cãi nhau, li thân như trước kia. Tới bây giờ thỉnh thoảng, tôi vẫn tự hỏi tại sao họ sống chết lấy nhau, để rồi sống chết bỏ nhau. Có bữa thằng Tư động kinh nhà ngoại phải chạy về nội tìm ba tôi cắt tay lấy máu nhỏ vào miệng nó. Nó cũng đu bám ba tôi lắm mỗi lúc ba đi lâu ko về là nó lại khóc đêm. Những ngày ba đi là tôi ăn đòn lia lịa. Lý do là mẹ tôi giận ba tôi còn tôi thì giống ông như hai giọt nước. 
   Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, ba tôi đi mang theo hết đồ nghề. Ngoài đường ko thiếu chỗ chứa ông, ba tôi thời trẻ rất đẹp trai, lại hái ra tiền, hát hay, dẻo miệng. Số lượng những cô gái si tình bên ông ko thiếu. Thỉnh thoảng, ông cũng về nhà cho tiền vợ con. Thật sự trong mỗi cuộc tranh cãi, cả ba và mẹ đều có cái lý của mình. Sau này khi chúng tôi hỏi về chuyện xưa thì người này lại đổ lỗi cho người kia. Còn hỏi ai theo đuổi ai thì y như rằng hai người đều đổ cho đối phương. 
    Đến năm 2002, ba mẹ tôi chính thức li hôn. Con cái ở với mẹ, ba tôi về bên nội. Tôi với thằng Ba ăn đòn nhiều hơn ăn cơm. Hai chị em khờ câm, đi học ko bao giờ dám ngẩng đầu. Trong mắt bạn bè chúng tôi rất lập dị và là trò vui cho bạn bè. Nhưng tội nhất có lẽ là thằng Tư, nó chậm nói, khờ khạo, lủi thủi. Nó chờ ba, chờ trong hi vọng, rồi tuyệt vọng, dần dần nó ko chờ nữa. Mọi vui buồn của nó đều quay quanh một người là chị Hai. Ba vẫn thi thoảng ghé trường thăm tụi tôi nếu xét lại cả hai người tôi ko biết nên thương hay giận, ba mẹ tôi kết hôn quá sớm, mỗi người đều ko tự buông cái tôi của mình xuống. 
    Những ngày đó, ba tôi vẫn đánh chim . Địa bàn có phần bị thu hẹp do Công Nghiệp Hoá và giải toả tuy nhiên ko đáng kể.  Ba tôi giỏi nghề giỏi nhiều thứ lại ko giỏi nhìn người, ông liên tục bị lính phản bội, họ dùng tên ông đi đánh lẻ trên chính sân ông. Trước kia ông uống vài li đã say, sau này ông uống vài chai. Lúc thấy mấy người trong xóm chết vì sơ gan , ba tôi chuyển qua uống bia
        Đẻ ra mày thà đẻ ra trứng vịt  ! 
Từ nhỏ dù lớn lên trong vui buồn bất thường, đói khổ thường xuyên, bệnh tật thì triền miên, lại thêm học dốt. Năm lớp 1, tôi học dốt lắm. Đến cuối năm đánh vần vẫn khó khăn, mẹ tôi giận quá đánh tôi bể đầu máu chảy ròng xuống mặt. Hè năm lớp hai, tôi quơ được một cuốn kinh cũ trong hốc nhà. Cuốn kinh ai đó cho ông bà cố tôi hồi trước. Nhà ko ai rành chữ nghĩa nên cứ bỏ vô bao, nhét vô trong hốc. Tôi bén duyên với đạo Phật từ quyển kinh đó. Từ đó đụng gì tôi cũng đọc, đọc đủ thứ trên trời dưới đất. Có điều theo nhận xét của giáo viên tôi viết văn cực tệ. 
    Sau khi ba mẹ li dị, tôi lên học cấp hai và học chuyên Văn. Tôi học rất khá, thông minh hẳn ra nhưng lại lười học. Mỗi lần đi thi Văn đều rớt, khi ở trường thì rất tốt. Đặc biệt khi ngồi buồn viết viết về nhân vật nào đó. Tôi từng khiến giáo viên bộ môn và bạn bè khóc khi viết về Lão Hạc của Nam cao. Dĩ nhiên tôi vẫn lén lút đọc kinh sách nhà Phật. Tôi siêng đọc sách hơn học, năm tốt nghiệp lớp 9 vẫn dư một mớ điểm. 
    Một lần về nội thăm ba, tôi đã nói với ông bỏ đánh chim đi, làm vậy tội lắm. Ông trừng mắt với tôi: " không nhắc lại chuyện này nữa". Tôi ko chịu hỏi chèn vô: " ba à! Nhà mình đánh chim tới đời ba là 4 đời rồi. Có giàu nổi hông ba , ba nhìn đi anh em ba thì chết thảm, nhà mình thì li tán. Bỏ đi ba!
  Ba tôi giận lắm, ông nói: " mày chê nghề ông bà mà cái nghề này cứu đói mày ko biết bao nhiêu lần, cứu sống mày, ko là chết vì ko có tiền đóng tiền nhà thương. Nghề này là nghề ông bà. Đẻ ra mày tao thà đẻ ra trứng vịt luộc ăn cho nhanh"Kể từ đó tôi thường xuyên phá đám việc ông đi đánh chim, lẽ dĩ nhiên cha con tôi khó nhìn nhau đôi chút.
        Ám ảnh giấc mơ hoang
Sau khi tôi sinh con Cò, tôi kêu hai thằng em cùng cha, cùng mẹ của mình lại nói chuyện. Tôi nói với nó về chuyện đánh chim. Cuối cùng , chị em tôi thống nhất bắt ba bỏ nghề và phải đốt lưới tổ. Lúc ba chị em ra nội, ba tôi đã đoán được phần nào. Ông trầm ngâm, tôi hỏi ông: "Ba , ngừng nha ba. Đừng đánh chim nữa, trước là thương nó, sau ba thương dùm tụi con đi ba. Bao nhiêu đó đủ rồi."
Ba tôi ngồi nhìn chằm chằm vào bàn thờ tổ tiên rồi nhìn vào bao lưới. Cả tuổi thơ, tuổi thiếu thời, đến lúc lập gia đình, rồi đổ vỡ, lưới tổ đã bao lần dàn trận. Dù sau này có mua cái lưới mới, thì lưới tổ vẫn còn đó. Mỗi trận đánh lớn, đem theo lưới mới lẫn lưới tổ để lấy hên. Ba tôi hỏi hai thằng em tôi: " có đứa nào muốn làm nghề không? " Hai đứa đều trả lời không. Ba biểu tụi tôi về đi ,14 ra tính. Sáng 14, ông ăn mặc chỉnh tề vào đình Thần Bình Trưng bái lạy xin bỏ nghề. Ông về nhà lạy tổ tiên, ông khóc. Bên ngoài tôi đã chuẩn bị 10 lít xăng để sẵn. Ba tôi đem hết đồ nghề ra để đống, chính tay ông châm xăng đốt. Lạ thay lúc đốt ông không khóc , ông chỉ nói : "vậy cũng tốt. " Lúc đó, người khóc lại là tôi, tôi cố kiềm nén mình lại. Một cảm giác mất mác khó tả, một phần của ông cha đã mất, một phần tuổi thơ tôi, em tôi và nhiều lắm.
     Sau khi đốt lưới, mỗi đêm ba tôi đều mơ thấy ác mộng. Ông kể ông thấy ông bà về mắng chửi mình, tôi an ủi ông rằng đó chỉ là cảm giác day dứt khi ông bỏ nghề. Nhưng rồi đêm đó, ba tôi mơ thấy ông Cố của mình và một người đàn ông Campuchia gọi ông. Tiếng gọi thân lắm, ông ngồi dậy lấy xe đạp chứ ko đi xe máy. Ông đạp miết, đạp miết tới một cánh đồng. Ở đó, tiếng gió, tiếng chim kêu , trong ánh trăng tờ mờ ông nhận ra một bầy chim hơn 2 thiên ở rẫy mía. Ông nghe tiếng gọi bên tai: "Út ! Đánh bầy này đi con" . Ba tôi dợn hết người. Người đàn ông bao lần sinh tử với nghề, bao lần nghe tiếng khóc khi băng giữa đồng đêm, bao lần quơ trúng thằng chỏng..... Lần đầu tiên ông dợn người. Ông lặng lẽ đạp xe về, ông im lặng hơn, nhậu nhiều hơn. Rồi một đêm nọ: ông mơ thấy những người đàn ông đã khuất trong gia đình mình về nói chuyện với mình. Họ kể về sự mê say những cánh chim trời bay lượn, chim én lượn chảo, dòng dọc về lát đát, gió thổi đầu trên, bung lưới lùa, họ còn nói về những cánh đồng xa đang có bao nhiêu chim, loại nào, giờ đi về của chúng?  
   Ba tôi tỉnh dậy toát hết mồ hôi. Ông đạp xe đến những nơi như trong giấc mơ nói, lạ kì sao đúng y như vậy, số chim, hướng bay, loại chim. Ba tôi lại nhậu tiếp, ông nhậu liên tục. Tối ông mắc võng trước bàn thờ Phật ngủ. Rồi một ngày , ông đốt nhang rì rầm khấn vái. Ông nói rõ sẽ không đánh chim nữa. Xin ông bà bỏ lỗi cho ông. Đời ông cha mình khổ phải lấy triệu mạng sống nuôi con, nuôi anh em, cha mẹ bao nhiêu đó là đủ khổ rồi. Chiều hôm đó, ba tôi đi mua một bao lúa về rải xung quanh nhà . Vài con dòng dọc đáp xuống ăn, ông cười biểu tụi nó: ăn cho no rồi về, để người nhà mày đợi!Từ đó , ông ko còn thấy những giấc mơ lạ lùng ấy nữa . 
       Hai năm sau, hai vị giảng sư nổi tiếng miền Nam là Thích Thiện Thuận và Thích Phước Tiến chính thức lên tiếng về vấn đề thả chim phóng sinh. Tiếp theo, Phật giáo miền Nam lên án mạnh mẽ việc mua bán chim phóng sinh. Các vị bàn sâu về nổi khổ của loài chim khi bị giam cầm, dẹp bỏ các khu vực mua bán chim phóng sinh quanh chùa. Nhà chùa mua toàn bộ chim đem phóng sinh và nghiêm cấm bán chim phóng sinh.  Hiện nay tình trạng mua bán chim phóng sinh vẫn còn ít so với trước. Thị trường chim trời dần bị thu hẹp. 
     <Phần tiếp theo: Chợ chim Sài Gòn một thời>
Theo FB Nguyễn Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét