75 năm nghiên cứu, qua 4 đời khoa học tiếp nối - cuối cùng, con
người cũng chứng minh được thứ gì là quan trọng nhất để có một cuộc sống hạnh
phúc.
Thế nào là hạnh phúc? Là có nhiều tiền? Là được sống an nhàn
hưởng thụ? Có một người để dựa vào, nâng niu và bảo vệ? Hay đơn giản chỉ cần
một công việc để cống hiến hết mình cho nó?
Thực ra, con người đã đi tìm
câu trả lời cho vấn đề này trong hàng ngàn năm. Thời phong kiến, tầng lớp nông
dân sống nghèo khổ và thấy không hạnh phúc - rồi họ vùng lên, trở thành tầng
lớp giàu có. Nhưng người giàu thì phải bon chen địa vị, cũng
không phút nào được nghỉ ngơi, để rồi tiếc nuối về thuở hàn vi, cơ cực chút
nhưng thoải mái, dễ chịu.
Nêu vậy để thấy, hạnh phúc không phải dễ kiếm tìm và cũng không
có câu trả lời rõ ràng. Cũng bởi vậy mà khi các chuyên gia từ ĐH Harvard quyết
định thực hiện nghiên cứu về nền tảng của hạnh phúc, họ cũng biết rằng đó sẽ là
một quá trình dài hơi.
Chỉ có điều, chẳng ai ngờ được đây lại là cuộc nghiên cứu dài
nhất trong lịch sử loài người.
Đại nghiên cứu (Grant Study) - 75 năm và 4 đời
khoa học để tìm ra nền tảng của hạnh phúc
Cuộc nghiên cứu bắt đầu từ
năm 1938, khi các chuyên gia theo dõi cuộc sống của những người được cho là "hạnh phúc nhất thời điểm hiện tại" - như tổng thống đương thời John F.
Kennedy và Ben Bradlee - cựu tổng biên tập Washington Post. Tất cả mọi yếu tố
trong cuộc sống của họ đều được đưa ra xem xét.
Nhưng như vậy thì chưa đủ, vì họ vốn là những người thành đạt.
Mà hạnh phúc thì không thể chỉ tồn tại ở tầng lớp này.
Trong cùng
giai đoạn đó, khoảng giữa những năm 1940, một nghiên cứu khác tương tự cũng
được thực hiện tại Boston, nhưng đối tượng là các chàng trai trẻ. Đến thập kỷ
70, hai nhóm nghiên cứu cộng tác cùng nhau, qua đó so sánh thêm được các yếu tố
như địa vị xã hội và nền tảng giáo dục.
Thời gian trôi với nhiều giả định được đưa ra, nhưng rốt cục vẫn
chưa thể đưa ra kết luận. Đến năm 2003, nghiên cứu được Robert Waldinger - một
nhà tâm thần học của Harvard tiếp nối, và cũng là nhà khoa học thứ 4 kế thừa
nó.
Từ thời của Waldinger, sức khỏe, tâm trạng và tình hình tài
chính là 3 yếu tố được xem xét kỹ nhất. Ông thậm chí còn đưa vào yếu tố di
truyền, do công nghệ gene thời kỳ này đã có những bước phát triển vượt bậc.
Nhưng cuối cùng, Waldinger
nhận ra tất cả những người cảm thấy hạnh phúc về cuộc sống của họ, bất kể độ
tuổi hay giới tính, đều có một điểm chung duy nhất: Họ sở hữu những mối quan hệ bền vững, tốt đẹp.
Kết luận được đưa ra vào năm 2012, đặt dấu chấm hết cho một Đại
nghiên cứu kéo dài 75 năm và qua tới 4 đời khoa học tiếp nối.
Duy trì những mối quan hệ tốt
đẹp là cách để hạnh phúc hơn, đơn giản vậy thôi
"Những người sống tách biệt, cô đơn trái
với mong muốn thường cảm thấy kém hạnh phúc. Sức khỏe giảm sút rất sớm khi đạt
trung tuổi, chức năng não bộ cũng giảm nhanh hơn, và tuổi thọ của họ cũng ngắn
hơn," - trích lời Waldinger trong một bài chia
sẻ trên TedTalk được hơn 6,3 triệu lượt xem vào năm 2015.
"Trong khi đó, các mối quan hệ tốt đẹp
dường như giúp con người quên đi gánh nặng của tuổi tác."
Theo Waldinger, mọi người cần sớm nhận ra rằng những thứ tưởng
như đem lại một cuộc sống tốt đẹp - tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp - rốt cục
cũng chỉ là phù phiếm. Chúng có thể giúp bạn sống tốt, nhưng không phải thứ
quyết định đến sức khỏe hay mang lại hạnh phúc cho bạn. Ngược lại, việc nỗ lực
duy trì các mối quan hệ thân thiết, bền vững lại làm được điều đó.
Tuy vậy, mối quan hệ sẽ cần
phải được chọn lọc."Chất lượng cuộc sống của bạn không chỉ được quyết định bởi
số lượng bạn bè bạn có, mà còn liên quan đến việc bạn có sở hữu một mối quan hệ
cam kết lâu dài hay không. Chất lượng mối quan hệ là vấn đề chính", ông Waldinger khẳng định.
Nghiên cứu của Waldinger chỉ ra rằng vào cuối thập niên 30, hầu
hết nam giới đều tin rằng sự nghiệp chính là thước đo quan trọng nhất để làm
nên một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng theo Waldinger, các mối quan hệ của bạn cũng
đóng vai trò quan trọng tương đương. Và nếu để đem lại hạnh phúc, quan hệ còn
vượt trội hơn.
"Tôi luôn biết điều này là
sự thật, và có lẽ mọi người cũng vậy. Nhưng nhìn xung quanh xem, con người làm
như thể điều đó chẳng là gì," - Waldinger cho biết. "Giờ tưởng tượng đi, sẽ thế nào nếu bạn
trở nên cô đơn, và chẳng còn ai xuất hiện trong đời bạn nữa?"
Những lời của Waldinger thực sự cũng tác động đến chính bản thân
ông. Là một nhà khoa học, ông chịu đựng rất nhiều áp lực khi nghiên cứu và công
bố thành quả của mình. Nhưng sau đó, ông nhận ra mình phải thay đổi, và ông đầu
tư thời gian vào công việc giảng dạy - nơi kết nối con người, thay vì vùi mình
vào sách vở.
Còn bạn thì sao? Hãy nhớ, nền tảng của hạnh phúc là các mối quan hệ tốt
đẹp. Đó là gia đình, là bạn bè thân thiết, là tri kỷ.
Đầu tư thời gian để xây dựng điều đó, đừng để phải hối hận.
Nguồn: The Washington Post, Ed Talk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét