- Bài viết của tác giả Nguyễn Gia Việt.
Vì sao Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc, Đà Lạt, Nha Trang có đường Lê Thánh Tôn nhưng Hà Nội có phố Lê Thánh Tông?
Cái chuyện rần rần đòi đổi tên đường Lê Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Tôn Đản ở Sài Gòn thành Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tông Đản không phải mới được bàn tán gần đây.
Đó là hai cách nhìn nhận lịch sử và hai quan điểm, hai cách sống của Miền Nam và Miền Bắc.
Ai cũng biết nhân vật lịch sử nhà Hậu Lê là Hoàng đế Lê Thánh Tông mà viết ra Lê Thánh Tôn là theo kiểu Nam Kỳ Lục Tỉnh, kiểu Đàng Trong, kiểu của nhà Nguyễn. Ngô Thì Nhậm viết kiểu Nam thành Ngô Thời Nhiệm.
Đất Miền Nam rất tuân theo lề luật của nhà Nguyễn, kiêng chữ kị húy "tông"đọc trại thành "tôn" (Vua Thiệu Trị tên là Nguyễn Phước Miên Tông. Vua Tự Đức tên là Nguyễn Phước Hồng Nhậm tự Nguyễn Phước Thì).
Người Miền Nam có họ Tôn chứ không có họ Tông. Lịch sử Miền Nam có ông Phủ Ba Tôn Thọ Tường (1825 - 1877) nổi tiếng với những bài thơ bút chiến cùng ông Phan Văn Trị:
"Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mãnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi thẹn với non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng"
Đô thành Sài Gòn có tới 2 đường Tôn Thọ Tường và đều bị xóa tên sau 1975. Đường Tôn Thọ Tường đi qua quận 5 và quận 11 mà sau 1975 là Tạ Uyên, còn đường Tôn Thọ Tường của tỉnh Gia Định nay là đường Phan Văn Hân ở Bình Thạnh.
Đường xá Sài Gòn, Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc, Đà Lạt,Nha Trang từ trước 1975 mang tên Lê Thánh Tôn. Nhưng Hà Nội và các đô thị Miền Bắc thì cứ Lê Thánh Tông.Tại các đô thị Miền Nam bạn thấy tên đường Lê Thánh Tông hay Trần Thái Tông gì đó là sau 1975 và những năm gần đây đặt cho.
Nhà Nguyễn cai trị toàn Việt Nam từ Nam ra Bắc từ năm 1802 nhưng sao xứ Bắc không "sợ" kị húy và không tuân theo lệ này?
Đặt tên không kiêng dè tức là không tôn trọng và có mòi thách thức.
Thiệt ra xét lịch sử lệ kị húy không riêng nhà Nguyễn. Các triều đại phong kiến VN đều có kị húy.
Nhà Nguyễn cấm xài chữ kị húy nhưng cho xài chữ đọc trại qua, thí dụ chữ "hồng" thành chữ " hường" chữ "chu" thành "châu, chữ "hoa" thành "hóa"...
Nhưng các triều khác, thí dụ nhà Trần thì cấm xài luôn chữ kị húy đó.
Năm 1232, vua Trần Thái Tôn ban bố các chữ quốc húy và miếu húy. Đồng thời vì muốn dân quên nhà Lý, Trần Thái Tôn bắt đổi triều Lý thành triều Nguyễn. Lý do là bị kị húy tên của ông tổ là Trần Lý.
Sang đời vua Trần Anh Tôn năm 1294, vua ban bố các chữ quốc húy: Chữ húy của vua là Thuyên, của Nhân Tôn là Khâm, của Thánh Tôn là Hoảng, của Thái Tôn là Cảnh, của Thái Tổ là Thừa, của Nguyên Tổ là Lý. Các chữ nội húy: Thánh Từ hoàng hậu là Phong, Thuận Từ hoàng hậu là Diệu, Hiển Từ hoàng hậu là Oanh, Nguyên Thánh hoàng hậu là Hâm.
Năm 1298, niên hiệu Hưng Long, nhà vua ban thêm hai chữ húy là Ngụy và Châu.
Năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hưng Long 1290, nhà vua ban thêm các chữ húy của là Liễu, là Nguyệt.Hai chữ Liễu và Nguyệt khi làm văn không được dùng đến.
Các chữ Ngụy, Thấp, Nam, Càn, Tô, Tuấn, Anh, Tảng khi làm văn, phải viết bớt nét.
Nhà Hậu Lê cũng quy định kị húy. Đời Lê Lợi có 5 chữ dân không được xài là: Đinh, Quách, Khoáng, Thương, Lợi, Học.
Dân thường tên Lợi phải viết và đọc là Lị.
(Thời Nguyễn vẫn giữ cái chữ kị húy này.Có một nước nhỏ tên là Bà Lị (Bà Lợi) ở Miền Đông mà dân Nam Kỳ đọc thành Bà Rịa)
Vua Lê Thái Tôn năm 1435 quy định ai có họ tên trùng với chữ húy Trần phải đổi thành Trình.
Đời Lê Thánh Tôn năm 1462 ra lịnh: Chữ húy của quốc triều nếu hai chữ liền nhau thì đều không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng thay chữ khác.
Tại sao dân Bắc Hà kị húy cũng nhiều, nhưng với nhà Nguyễn thì gần như "thách"?
Nho sinh, có học như Cao Bá Quát khi mà tánh khiêm cần phải thể hiện mà còn ngông và tỏ ý "thách thức" thì đủ biết sĩ phu Bắc Hà họ sống kiểu gì.
Có giai thoại nói Cao Bá Quát là người kiêu căng, ngạo mạn, khi nghe những bài thơ của Mạc Vân Thi Xã (Tùng Vân Thi Xã) do Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Tuy Lý Vương Miên Trinh sáng lập ở Huế,ông bịt mũi lại và ngâm "Ngán thay cái mũi vô duyên, Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An".
Xưa dân Nghệ An hay chở mắm và nước mắm vô Huế đi bán, trong các loại mắm thì mắm Nghệ An có mùi thúi kinh khủng nhứt. Đọc giai thoại thấy sự khó lòng rõ rệt.
Nhưng thực ra Cao Bá Quát có thể bị "nhét" giai thoại, tức là bị gán chưa có sự thực chứng minh. Cái miệng của sĩ phu Bắc Hà dễ sợ lắm.Tuy nhiên giai thoại ngông nghinh này của sĩ phu Bắc Hà chứ của ai tạo ra và cho chúng ta thấy rõ cái "bố đời" và không ưa nhà Nguyễn trong xã hội thời đó.
Trong lịch sử Việt Nam ta nhớ chuyện cái váy Bắc.
Sau khi thống nhứt Việt Nam năm 1802 vua Gia Long chưa có thì giờ để ý đến xứ Bắc ăn mặc.Tới đời Minh Mạng thì vua ra chiếu cấm đàn bà Bắc Kỳ mặc váy,bắt buộc phải mặc quần hai ống như dân Đàng Trong bấy lâu.
Tuy nhiên Bắc Hà chống đối dữ dội và không hề tuân lịnh vua, triều đình nhà Nguyễn bó tay.
“Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan”
Tới những năm Pháp qua Hà Nội ta vẫn thấy áo tứ thân, váy đen đầy đường.
Tới những năm 1954 nhiều người Bắc di cư vô Nam vẫn mặc váy, áo tứ thân, đầu vấn rí. Phần đông người Bắc nông thôn đều mặc váy. Chỉ có dân quý tộc nhà giàu sống ở phố tại Hà Nội, Hải Phòng thì mặc áo dài và quần hai ống.
Lịch sử VN từ hồi Trịnh Nguyễn đã có sự bất phục nhau rồi.
Sĩ phu Bắc Hà lúc nào cũng nhà Lê, vua Lê là nhứt, họ không thích vua Gia Long là người Đàng Trong.
Người Miền Bắc lúc nào cũng muốn họ là anh cả thì họ phải ra lịnh cho các vùng khác dù Miền Bắc là cái nơi dân quá đông,làm hao tốn tiền của nhiều nhứt của nhà Nguyễn.
Thành ra Bắc không hề có vụ kiêng húy tên vua chúa Nguyễn như người Trung và Nam Kỳ, họ cứ Hoàng, cứ Mệnh, cứ Long, cứ Hoa, cứ Nhậm miết.
Phạm húy được quy định trong điều 62 của bộ luật Gia Long:
"Kẻ nào trong một bài viết tấu hay trình gì với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 gậy. Nếu tội phạm húy ấy mắc phải trong các giấy tờ khác thì hình phạt sẽ là 40 gậy. Kẻ nào phạm tội ấy mà lại dùng tên ấy làm tên chính sẽ bị phạt 100 gậy".
Nhưng nhà Nguyễn hầu như không khiển nổi nông thôn và sĩ phu Bắc Hà phạm húy.
Vua Gia Long đã trung hưng nhà Nguyễn là nhờ thế lực trong Nam Kỳ, các đệ nhứt công thần đều là dân Miền Nam,tiền của Miền Nam tạo ra nhà Nguyễn.
Những giai đoạn đầu cai trị Thăng Long là các quan Miền Nam bình định, tiểu trừ Miền Bắc là quan người Nam, điều này khẳng định nhà Nguyễn gắn với lợi ích của Miền Nam, thành ra người Bắc rất ghét.
Suốt hơn 150 năm Đàng Trong và Đàng Ngoài là hai nước khác nhau với ý thức hệ,quyền lợi khác nhau giữa Trịnh-Nguyễn đã tạo ra sự khác biệt lớn giữa Nam và Bắc.
Gia Long là kẻ thù của nhiều sĩ phu Bắc Hà.
Câu hỏi là vì sao Bắc Hà lại thần thánh hóa Nguyễn Huệ với trận Đống Đa dù ông Huệ gián tiếp đạp đổ nhà Lê ?
Vì Nguyễn Huệ là đối thủ của Gia Long, kẻ thù của người ta ghét sẽ là bạn của ta chăng?
Sĩ phu Bắc Hà tha thứ cho cái xuất thân dân Đàng Trong và cái tội lật đổ nhà Lê, vét kho tàng, bỏ mặc Bắc Hà loạn lạc của ông Huệ.
Bắc Hà làm ngơ cho những câu chửi, coi thường dân Bắc Hà ra mặt của Nguyễn Huệ.
Nguyên nhân dễ thấy rõ lắm là để che đậy cái sĩ của xứ này,che đậy cái nhục thời cuộc, cái bất lực về thân phận của chính họ. vớt vát thể diện để che đậy một giai đoạn lịch sử Bắc Hà cuối Lê Trịnh u ám bằng cách họ nâng chiến công đánh Thanh lên của Nguyễn Huệ.
Còn đối với Miền Bắc sau 1954 thì khỏi nói. Những tên đường kiểu Lê Thánh Tông đều đặt sau 1954.
Sách Lịch sử Việt Nam do Viện Khoa học Xã hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà xuất bản 1971 viết rằng:
“Triều Nguyễn là vương triều phong kiến cuối cùng dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài.
Gia Long lên làm vua lập ra triều Nguyễn sau khi đàn áp cuộc chiến tranh cách mạng của nông dân.Triều Nguyễn là vương triều tối phản động"
Đặc tánh hai miền khác nhau, ai kêu nước dùng thì cứ kêu, còn ai kêu nước lèo cũng cứ giữ. Nhưng con kinh Miền Nam lại bị thành con kênh, cầu Gành thành cầu Ghềnh, Tân Sơn Nhứt thành Tân Sơn Nhất là thấy rõ
Đúng nhận, sai cãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét