Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2018

Nguyen Dat An: Nguyên nhân cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm.


Hầu hết những người Việt Nam ở tại miền Nam trước năm 1975 đều nhớ đến vụ ám sát hèn hạ và thảm khốc hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm - Cố vấn Ngô Đình Nhu của nền Đệ nhất Cộng hòa, lúc 10g sáng ngày 2/11/1963 tại góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thượng Hiền, trước là đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn.
Lịch sử hiện đại sẽ ghi nhận lại một sự thật như thế này: Sau các triều đại phong kiến dài đằng đẳng, vị Tổng thống đầu tiên của một nền Cộng hòa Dân chủ đã bị chính các tướng tá người Việt Nam của mình giết chết.
Tôi sẽ không viết dài dòng để mô tả những diễn biến và âm mưu kế hoạch, vì đã có khá nhiều nhân chứng, thông tin và sử liệu được công bố từ cả phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa. Có hai bài viết khá chi tiết về sự kiện này, được đăng trên trang nhà của:
Bác Michael Le:
Anh Đặng Vũ Nam Phong:
Anh chị em cũng nên đọc cả cuộc phỏng vấn của phóng viên Mặc Lâm với ông Bùi Kiến Thành - một nhân chứng lịch sử bên cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm - trên đài RFA.
Nếu đọc kỹ và phân tích thấu đáo, chúng ta sẽ nhận ra các sự thật sau đây:
1. Chính người Mỹ và CIA đã dùng thủ thuật gián điệp và đánh lận con đen để hạ lệnh giết chết hai ông Diệm - Nhu.
2. Lý do thứ nhất của lệnh ám sát: vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa không cho phép Hoa Kỳ nhúng tay quá sâu vào việc của nước Việt Nam, không cho quân Mỹ vào lãnh thổ Việt Nam, và hoàn toàn mong muốn người Việt tự quyết định đường đi và chính sách của mình.
3. Lý do thứ hai của lệnh ám sát: hai ông Diệm - Nhu đã cố gắng liên lạc với Cộng sản Bắc Việt để hai miền Nam Bắc có thể cùng ngồi lại thương thảo, tránh được cảnh nội chiến đẫm máu và sự nhúng tay của hai cường quốc Mỹ - Trung. Thậm chí đứng sau cuộc "đi đêm" này còn có sự hỗ trợ của Tướng Charles De Gaulle (Pháp).
Vào khoảnh khắc CIA ra lệnh giết chết Tổng thống Ngô Đình Diệm - một con người sáng suốt và chân thành với lợi ích của chính dân tộc Việt Nam, họ cũng châm ngòi cho cuộc chiến Việt Nam tiến thêm nhiều bước tàn khốc hơn nữa, đẩy miền Bắc vào thế không thể lùi, cố sống cố chết đánh nhau với miền Nam, và khiến lính Mỹ sa lầy ở chiến trường khốc liệt nhất Đông Dương. Tính sắt máu của cuộc chiến đã khiến các bên mù quáng và sẵn sàng làm mọi cách để đạt được mục tiêu. Nếu hai ông Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu bị giết, thì phía bên kia chiến tuyến, số phận của những người cùng thời như Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp cũng chẳng hơn gì. Họ bị phe chủ chiến Lê Duẩn cô lập, giám sát và loại khỏi ảnh hưởng quyền lực. Thậm chí hình tượng của ông Hồ Chí Minh còn bị lạm dụng để Đảng Cộng sản Việt Nam sử dụng như một công cụ mỵ dân cho đến ngày hôm nay.
Vụ ám sát ông Diệm - Nhu dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác ngay cả trên bản thân chính trường nước Mỹ. Phe chủ chiến quyết tâm làm tất cả để đẩy cuộc chiến Việt Nam đi thêm nhiều bước kế tiếp. Người Mỹ đã ám sát ngay cả Tổng thống Kennedy của mình chỉ 21 ngày sau khi ông Diệm - Nhu nằm xuống. Họ lại còn cố gắng dò xét trong nội bộ lẫn nhau, để rồi cuối cùng xảy ra vụ Watergate, khiến Richard Nixon phải từ chức và cùng lúc ấy, đóng sầm cánh cửa viện trợ của Quốc hội Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng Hòa. Sau đó, chính nước Mỹ đã phải bán cái gánh nặng Việt Nam Cộng Hòa cho Bắc Kinh, đánh đổi lợi ích Đông Âu và Israel với Việt Nam bằng một cuộc đi đêm giữa Henry Kissinger và Chu Ân Lai. Và cho đến ngày hôm nay, cuộc buôn bán này dẫn đến một Trung Hoa hùng mạnh về mặt kinh tế, khiến Donald Trump phải gây chiến tranh thương mại, và Mike Pence phải tuyên bố: "Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ". Chẳng ai biết kết thúc của cuộc chiến này là gì, nhưng thông thường, khi hai kẻ thù cạnh tranh nhau về miếng ăn, thì cũng dễ gây ra việc "hạ cẳng tay, thượng cẳng chân". Nếu hai kẻ này còn sử dụng thêm vũ khí hạt nhân nữa, thì biết đâu số phận của Mỹ lẫn Trung Quốc cũng sẽ kết thúc như cái chết của ông Ngô Đình Diệm.
Ông Bùi Kiến Thành trong cuộc phỏng vấn với RFA có nói thế này: "Khi chính phủ Ngô Đình Diệm thấy cái nguy cơ lính Mỹ đổ bộ lên Việt Nam rồi mà không rút ra được thì chiến tranh sẽ tràn lan, mà chiến tranh khi đã tràn lan rồi thì dù cho quân đội Mỹ có đánh thẳng tới Hà Nội đi nữa thì chúng ta vẫn thua như thường tại vì quân đội Trung Quốc nó sẽ vào vì nó không để cho mình tiến qua biên giới của nó. Vì vậy Miền Bắc sẽ chiến đấu đến cùng để không cho quân của Trung Quốc qua chiếm đóng Việt Nam." Điều dự đoán này được chứng thực bằng một hiện thực lịch sử khác tương tự, trong cuộc chiến tranh đẫm máu ở Triều Tiên từ năm 1950 - 1953, khi miền Bắc dưới sự chống lưng của Liên Xô (cũ) và Trung Quốc đánh vào miền Nam, rồi quân Mỹ và đồng minh đánh bật miền Bắc trở lại, vượt qua vĩ tuyến 38, để rồi cuối cùng Trung Quốc chính thức nhảy vào tham chiến, đẩy miền Nam và Mỹ trở lại sau vĩ tuyến 38. Chỉ trong 3 năm, cuộc chiến đã giết chết 5 triệu người Triều Tiên, cả Nam lẫn Bắc, tỷ lệ thương vong của thường dân cao hơn cả Đệ nhị Thế chiến. Đã có lúc người Mỹ tính triển khai cả vũ khí hạt nhân trên bán đảo này, bất chấp sự đe dọa của khối Cộng sản.
Ngày hôm nay, 2/11/2018, sau đúng 55 năm nhìn lại lịch sử và bạch hóa cứ liệu lịch sử của vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm, tôi thiết nghĩ người Việt Nam nên cay đắng và hối hận khi nhìn thấy cuộc bắt tay và ôm choàng thân thiết giữa Chủ tịch Đảng Cộng sản Bắc Hàn Kim Jong-un và Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in. Trong suốt lịch sử nội chiến của người Triều Tiên, họ đã cố gắng hết sức để hỗ trợ nhau, không cho ngoại bang lấn lướt quyền hành và quyết định số phận của họ. Lúc thì miền Nam cứu trợ miền Bắc, lúc thì miền Bắc dùng chiến lược vũ khí hạt nhân để cân từng khoảnh khắc tự lập với Trung Quốc và cả răn đe Hoa Kỳ chớ có nhúng tay quá sâu vào hiện trạng chính trị của người Triều Tiên - Hàn Quốc. Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, thì chính Tổng thống Nam Hàn đã nỗ lực sắp xếp một cuộc hội kiến lịch sử, tự bước chân qua ranh giới phân chia ý thức hệ để gặp gỡ, kết nối và hàn gắn. Chính Tổng thống Moon Jae-in là người nối lại cuộc gặp lịch sử giữa Donald Trump và Kim Jong-un tại Singapore.
Tôi cho rằng, cả hai miền Triều Tiên đã có một trò chơi khá thú vị - và họ đã thành công một phần trong việc giữ cho mình độc lập khỏi ảnh hưởng của đế quốc. Dĩ nhiên, để làm được chuyện đó, họ cũng phải nếm mùi cay đắng, học những bài học từ máu và nước mắt, và quyết định sử dụng vũ khí nguyên tử để cầm chân và răn đe ý muốn của kẻ ngoại bang.
Ông Diệm và ông Nhu đã có cái nhìn về tương lai rất chính xác và hai ông đã bị giết vì chuyện đó. Trong ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm nằm xuống, tôi mong tất cả người Việt - ở cả hai phía, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt - hãy mở to đôi mắt để nhận ra lý do thật của cuộc chiến Việt Nam, và nhìn về phía trước không phải chỉ trong 1,2 năm, mà 20 năm, 30 năm và 50 năm kế tiếp.
Thực ra, lý do dẫn đến cuộc chiến ở Việt Nam nằm ở gốc rễ của sự mâu thuẫn ý thức hệ giữa chủ nghĩa tư bản và cộng sản - là mâu thuẫn của hàng trăm năm về trước, khi chủ nghĩa thực dân - tư sản bóc lột người dân trong nước và thuộc địa, khiến các giai cấp thấp hèn trong xã hội phải vùng lên bằng một lý thuyết cực đoan của cộng sản. Chẳng có khói, làm sao tự nhiên có lửa.
Tương lai 20 năm, 30 năm, 50 năm sắp tới đối với Việt Nam là rất đen tối. Cho dù Mỹ có thành công trong cuộc chiến với Trung Quốc, bằng thương mại hay bằng biện pháp gì đi nữa, thì sự thay đổi phải được trả giá bằng rất nhiều máu và nước mắt. Nhưng trước khi người Việt Nam được giải thoát khỏi ách Cộng sản bằng phương pháp chiến tranh (thương mại/vũ khí), thì đất nước này đã bị tàn phá rất nhiều về mặt kinh tế, giáo dục, môi trường và ý thức hệ. Chỉ trong 20 năm sắp tới, với chính sách đóng cửa biên giới quốc gia, áp thuế lên mọi mặt hàng gây thâm hụt thương mại, đe dọa và gây chiến với đối thủ, rút khỏi mọi thỏa thuận cắt giảm khí thải CO2, thì người Mỹ cùng với Trung Quốc - trước là cộng sự (partner), nay là kẻ thù - đã phá hoại bầu khí quyển thành công, gây ra thảm họa biến đổi khí hậu. Và Việt Nam còn lại những gì, sau khi nước biển dâng do băng tan sẽ nhấn chìm hai vùng đồng bằng Sông Cửu Long và Sông Hồng, các cơn siêu bão thổi bay nhiều hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông, nền nhiệt tăng sẽ đốt cháy nhiều cánh rừng, và ít nhất 2/3 dân số sẽ tiếp tục bỏ nước ra đi vì một lẽ đơn giản: không thể sống được với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Chúng ta được gì với một đất nước đã bị tàn phá như thế?
Với đòn đánh của khí hậu và môi trường thiên nhiên, các cường quốc trên thế giới,đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang hiện nguyên hình là những kẻ ích kỷ, chỉ sống vì mối lợi của mình, và sẵn sàng chi phối thế giới để phục vụ cho tính toán của mình. Thực ra, bản chất cốt lõi của hoạt động chính quyền và cấu trúc kinh tế bên trong các cường quốc này chính là lợi ích tư bản đa quốc gia. Thế kỷ 20 đã chứng kiến một phần lớn nhân loại bị bóc lột vì lợi ích này khi mô thức sản xuất tư sản được đưa ra khỏi biên giới các quốc gia, và loài người đã phải trả giá cho hành vi tham lam của mình bằng một ý thức hệ cộng sản cực đoan và phi nhân, gây diệt chủng và tàn sát hàng chục triệu người. Thế kỷ 21 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bóc lột chuyển hướng về mặt môi trường thiên nhiên ở cấp hành tinh, và loài người sẽ phải trả giá đắt khi hệ sinh thái bị sụp đổ, kích hoạt cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 và đe dọa xóa sổ cả con người. Loài người sẽ thoái hóa thành những phiên bản biến dị kỳ quái và bất bình thường, tự giam mình trong các cỗ máy (vì không thể sống được ở bên ngoài môi trường khắc nghiệt), tự gắn kết mình thành một phần của cỗ máy (người máy sinh học), hoặc sống lưu vong ngoài vũ trụ để tìm kiếm một hành tinh khác có các điều kiện hỗ trợ cho sự sống.
Giờ đây, thật nực cười khi có những người Việt vui mừng, sung sướng, biết ơn, ủng hộ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại đánh Tập Cận Bình. Việc quái gì phải làm thế, khi mà chỉ trong vòng 3 thập kỷ, người Mỹ đã biến Trung Quốc thành "công xưởng của thế giới", bơm thêm dòng máu tư bản cho gã Cộng sản độc tài, toàn cầu hóa các thương hiệu của Mỹ nhờ những dây chuyền sản xuất của Bắc Kinh, cung cấp sức mạnh công nghệ để hỗ trợ người Hoa Đại Lục hoàn thành nhiệm vụ "làm thuê" của mình. Nay thì thằng thợ trở mặt vì nó thấy giá trị kinh tế quá lớn của mọi sản phẩm, thương vụ và quan hệ thương mại, và nó muốn "hất cẳng" ông chủ đã thuê mướn nó. Đấy là lẽ đương nhiên ở đời trong việc làm ăn. Và người Mỹ đã tạo ra một Trung Quốc như thế - giống mình y hệt về mặt động lực kinh tế tư bản - thì lẽ đương nhiên là họ phải giải quyết để tránh "bị hất đổ chén cơm". Vậy thì có gì mà phải vui mừng với biết ơn? Bản tính của người Việt là như thế, vẫn muốn dựa dẫm, vẫn muốn lợi dụng, vẫn muốn làm "trò vặt", dù đã đi khỏi quê hương của họ, và được tá túc ở một cường quốc có nền "dân chủ" và "giáo dục" thuộc hạng tốt nhất thế giới.
Một lần nữa, ngày hôm nay, trong cuộc tưởng niệm cái chết của vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hòa ở mảnh đất hình chữ S này, tôi muốn nhấn mạnh sự sáng suốt, thông thái, sâu sắc trong tầm nhìn của ông và người bào đệ. Tôi cũng muốn nhấn mạnh chủ thuyết và chính sách NHÂN VỊ của ông, tìm kiếm và khôi phục những giá trị cổ truyền làm nền tảng cho giải pháp canh tân quốc gia trong khi những người khác lại đi tìm những học thuyết ngoại lai và cổ súy cho ý chí xâm lược của ngoại bang. Ông Diệm ao ước thực hiện một nhà nước được xây dựng trên những giá trị cổ truyền tốt đẹp nhất của Á Châu và Tây Phương, những đặc điểm đúng đắn và khả thi nhất để phục vụ quyền lợi chung và tôn trọng nhân phẩm. Ông Diệm cho rằng Xã Hội Chủ Nghĩa và Tư Bản Chủ Nghĩa đều là những học thuyết cực đoan cần có một hình thức trung gian, một lực lượng đứng giữa, nhằm tổng hợp được những giá trị ưu tú nhất của cả hai để phục vụ cho lợi ích chung: công bằng với người nầy là tự do của kẻ khác, cũng như loại bỏ độc tài toàn chế và tinh thần vô trách nhiệm của Chủ Nghĩa Cá Nhân.
Trong buổi lễ nhậm chức Thủ Tướng vào tháng 7 năm 1954, với lời lẽ tràn đầy hy vọng ông Ngô Đình Diệm đã long trọng xác nhận và trấn an dân chúng: “Dân tộc Việt Nam đã bị lạm dụng từ lâu, nay đang tìm lối đi, một đường lối chắc chắn dẫn họ đạt tới những lý tưởng nồng nhiệt khát khao từ lâu. Tôi cương quyết vạch đường lối ấy cho dân tộc, bất chấp mọi chông gai gian khổ.”
Mong mọi người Việt Nam - nhất là những người có ảnh hưởng ở trong và ngoài nước - mở to đôi mắt của mình ra để nhìn thấy sự lạm dụng này, và cũng có thể chấp nhận dự báo về số phận của đất nước dân tộc này trong chỉ 20 năm kế tiếp, qua lời cảnh báo và các thông số về biến đổi khí hậu của 97% giới chuyên gia khoa học trên toàn thế giới và nhiều cơ quan khoa học uy tín như NOAA, NASA, IPCC...
Chỉ bằng cách đó, người Việt Nam mới thoát khỏi ý thức hệ của mình và được tự do hoàn toàn, như ông Ngô Đình Diệm đã ước mơ.
Tôi sử dụng tấm ảnh cuộc gặp gỡ giữa hai người - Tổng thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm và Henry Cabot Lodge, đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam - để mô tả một sự thật: Dù có tầm vóc thấp hơn, ông Diệm đã không hề ngước lên để nhìn vị đại sứ này, và viên đại sứ cao lớn bắt buộc phải nhìn xuống khi chào hỏi và nói chuyện với ông. Đó là tư thế khiến cộng sự và đối thủ phải tôn trọng và kiêng nể. Sau này, có lẽ Henry Cabot Lodge ra lệnh giết ông Diệm cũng vì lý do đó. Như thói quen lịch sử, người Mỹ không thích kẻ khác đứng bên trên họ - dù là về mặt tinh thần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét