Hình ảnh: Các cuộc biểu tình lớn tại Đông Âu vào năm 1989
"...Trong
lịch sử của các dân tộc, những cuộc đổi đời lớn đều là thành quả của những nhóm
nhỏ đã có đủ trí tuệ để nhìn thấy hướng đi phải có cho xã hội và đã kiên trì
đấu tranh, chấp nhận mọi cố gắng và hy sinh cho lý tưởng của họ. Sau cùng họ đã
đánh bại được những tập đoàn cầm quyền nhiều lần mạnh hơn họ về cả phương tiện
lẫn số lượng bởi vì họ là hiện thân của một tương lai bắt buộc phải đến trong
khi tập đoàn cầm quyền là hiện thân của một hiện tại phải qua đi. Và vì họ đã
có đủ quyết tâm, dũng cảm và kiên trì, để vượt qua mọi thử thách. Sự hưởng ứng
của quần chúng sau cùng đã đến như là phần thưởng của thắng lợi." -
Tháng 4/2010
*****
Người
dân chủ nào không có cảm tình với Nguyễn Văn Lý khi nhìn tấm hình ông bị bịt
miệng giữa phiên toà? Nguyễn Văn Lý đã sống bất khuất trong tù và chỉ được tạm
phóng thích trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, điều này lại càng làm tăng
thêm sự kính phục đối với ông. Vậy mà chỉ sau một vài lời tuyên bố mới đây của
ông đa số những người tôi quen biết, ở Việt Nam cũng như tại hải ngoại, trước
đây từng ủng hộ Nguyễn Văn Lý rất nhiệt tình đã tỏ ra thất vọng về ông; trong
một vài trường hợp tôi có cảm tưởng họ không chỉ thất vọng với Nguyễn Văn Lý mà
còn ngoảnh mặt luôn với Khối 8406 mà ông là linh hồn. Sự kiện này chứng tỏ một
điều: uy tín là điều khó có nhưng lại dễ mất.
Nói
chung người ta phê phán Nguyễn văn Lý đã nhận xét quá hời hợt về tiến trình dân
chủ hoá tại các nước trong vùng, đã nói cuộc đấu tranh cho dân chủ chỉ có ý
nghĩa và chỉ có hy vọng nếu có một chủ thuyết hoàn chỉnh, một lãnh tụ tài đức
vẹn toàn và một tổ chức "phải hội đủ nhiều điều kiện lắm". Chắc chắn
đây là những điều Nguyễn Văn Lý đã suy đi nghĩ lại nhiều lần trong tù. Trước
đây có lẽ ông cho rằng đấu tranh chính trị không phức tạp, chỉ cần có tấm lòng
và sự dũng cảm, không cần tư tưởng chính trị, thành lập và lãnh đạo một tổ chức
đấu tranh chính trị cũng không khó. Ông liên tục đưa ra những tuyên ngôn, tuyên
cáo, thành lập trong vòng vài tháng ba tổ chức - Đảng Thăng Tiến Việt Nam, Liên
Minh Dân Chủ và Nhân Quyền, Liên Đảng Lạc Hồng - với cùng một số người thân tín
ít ỏi và bắt đầu vận động quần chúng ngay từ khi chưa có chuẩn bị nào.
Những
thất vọng của các thân hữu nói trên đối với Nguyễn Văn Lý đều đúng cả, tuy
nhiên riêng tôi thì lúc này tôi lại có cảm tình với ông hơn trước. Nguyễn Văn
Lý đã "giác ngộ đấu tranh". Dù chưa nhìn ra giải pháp, các vấn đề
Nguyễn Văn Lý nêu ra: tư tưởng chính trị (mà ông gọi là chủ thuyết), tổ chức và
lãnh đạo đều là những vấn đề có thực và cho tới nay chưa được tiếp cận một cách
nghiêm chỉnh. Người ta vẫn vội vã vận động quần chúng đứng dậy đấu tranh trong
khi chưa mảy may chuẩn bị những điều kiện tối cần thiết để có thể động viên
quần chúng và để lãnh đạo quần chúng trong trường hợp vạn nhất quần chúng hưởng
ứng. Hậu quả chỉ là những tranh đua gây tiếng vang, rồi gây thất vọng. Manh
động hơn là hành động. Nguyễn Văn Lý, bằng những phát biểu mộc mạc đã góp phần
cảnh tỉnh đối lập dân chủ Việt Nam.
Chung
quanh chủ đề đấu tranh chính trị - và vận động quần chúng để giành thắng lợi -
đã có rất nhiều thảo luận, nhiều đến nỗi người ta dễ quên những điều cơ bản
nhất, những điều mà một người đấu tranh cho dân chủ không được quyền quên hay
không biết nếu muốn thực sự hành động thay vì chỉ manh động. Hình như ít ai
biết rằng đây là những đề tài đã được nghiên cứu và đã có kết luận. Nhiều tác
giả rất nghiêm túc và có thẩm quyền thuộc các đại học danh tiếng đã công bố
nhiều công trình nghiên cứu rất có giá trị. Điểm nổi bật của những nghiên cứu
này là các tác giả có thể có những ý kiến khác nhau trên tầm quan trọng tương
đối của các yếu tố của đấu tranh chính trị nhưng họ đều kết luận giống nhau,
điều này lại càng làm tăng lên tính khả tín của những kết luận. Vả lại những
kết luận này đều được thực tại xã hội và lịch sử kiểm chứng.
Những kết luận của họ là gì?
Trước
hết là kết luận quan trọng nhất: nếu tranh thủ nhân tâm cho cố gắng đổi mới xã
hội, để thay đổi một chế độ và một chính quyền không còn lý do tồn tại bằng một
chế độ và một chính quyền khác là điều lúc nào cũng có thể làm và phải làm thì
ngược lại động viên quần chúng đứng dậy đấu tranh chỉ là giai đoạn cuối cùng
của một tiến trình tranh đấu kiên trì, vào lúc những mâu thuẫn giữa chính quyền
và xã hội đã chín muồi và những điều kiện cho một cuộc cách mạng đã hội đủ.
Những
mâu thuẫn đó tựu trung có ba loại. Có những mâu thuẫn tâm lý do sự kiện đảng
cầm quyền không do dân, vì dân mà là dụng cụ áp đặt của một thành phần ưu đãi
và thành phần này có nếp sống và những quan tâm khác hẳn phần còn lại của dân
tộc; sự khác biệt trong lối sống và trong các quan tâm đó dần dần tạo ra thế
tách biệt kình địch. Có những xung đột quyền lợi do sự kiện một thiểu số chiếm
đoạt hết những điạ vị thuận lợi và bóc lột hoặc ngăn cản sự thăng tiến của đa
số còn lại. Và cũng có những nguyên nhân thuộc về căn cước xã hội. Người ta đấu
tranh vì căn cước bị xúc phạm, vì bị coi là thuộc loại công dân hạng thứ, bị từ
chối những quyền tự do và những địa vị dành riêng cho một loại người. Tất cả
những nguyên nhân xung đột này chỉ đủ mạnh để làm nảy sinh ra ý chí đấu tranh
nếu những người bị thua thiệt cảm thấy ràng buộc với nhau trong một thân phận
chung. Các cá nhân riêng lẻ không bao giờ là một sức mạnh.
Nhưng
ngay cả như thế, nghĩa là mọi người thấy chế độ không thể chấp nhận được và
muốn thay đổi, cũng chỉ mới là điều kiện đầu tiên trong bốn điều kiện cần và đủ
cho một cuộc cách mạng, hiểu theo nghĩa một thay đổi chế độ. Điều kiện thứ hai
là đảng hay tập đoàn cầm quyền, vì mất lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã
chia rẽ, phân hoá và khả năng tự vệ đã yếu đi; điều kiện thứ ba là đại đa số
quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới;
điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước
của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.
Điều
kiện thứ ba, đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới, là
điều kiện khó khăn nhất vì không thể có được bằng thiện chí, cố gắng và hy
sinh, thậm chí ngay cả hiểu biết chuyên môn. Đây là một cố gắng trí tuệ trong
đó các nhà tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng chính trị, có vai trò trung tâm và
quyết định. Lịch sử cho thấy các dân tộc thiếu tư tưởng chính trị thường sa lầy
rất lâu trong bế tắc. Linh mục Nguyễn Văn Lý có lẽ đã cảm nhận được như vậy khi
ông nói phải có một chủ thuyết hoàn chỉnh. Ngày nay các chủ nghĩa đã lỗi thời,
nhưng sự cần thiết của một tư tưởng chính trị - hiểu theo nghĩa một hệ thống
các giá trị nền tảng được hiểu thấu đáo trong ý nghĩa của từng khái niệm và
trong quan hệ của chúng với nhau trong hoàn cảnh quốc gia - vẫn còn nguyên vẹn.
Nguyễn Văn Lý ít ra đã đã ý thức được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị.
Những cuộc thảo luận lý thuyết gần đây về các khái niệm tự do, dân chủ, nhân
quyền và phát triển cho thấy chúng ta vẫn còn cần nhiều tiến bộ. Những ngộ nhận
nhiều khi bộc lộ ngay nơi những trí thức hàng đầu.
Và
vẫn còn điều kiện thứ tư, nghĩa là sự xuất hiện một tập hợp - một tổ chức hay
một liên minh có lãnh đạo thống nhất của nhiều tổ chức - được nhìn như là có
vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh đổi đời. Nguyễn Văn Lý tỏ ra đã nhìn thấy những
đòi hỏi lớn để có được tập hợp này khi ông nói nó "phải hội đủ nhiều điều
kiện lắm".
Nhưng làm thế nào để xây dựng
ra tập hợp đó?
Lịch
sử của các nước, các thời cũng đã chứng tỏ rằng mọi kết hợp đấu tranh cách mạng
muốn thành công đều phải qua năm giai đoạn rõ rệt:
1.Xây
dựng một cơ sở tư tưởng;
2.
Xây dựng một đội ngũ cán bộ nòng cốt;
3.
Xây dựng và kiểm điểm phương tiện;
4.
Xây dựng cơ sở quần chúng;
5.
Tiến công giành thắng lợi.
Trong
thế giới văn minh hiện nay, khi giải pháp vũ trang đã bị loại bỏ, tiến công
giành thắng lợi đồng nghĩa với động viên quần chúng đứng dậy đấu tranh áp đặt
thay đổi chế độ, hoặc bằng cách giành lấy chính quyền để thay đổi, hoặc bằng
cách buộc chính quyền phải nhượng bộ và chấp nhận thay đổi.
Tiến
trình năm giai đoạn này, trong đó xây dựng cơ sở tư tưởng chính trị là bắt buộc
đầu tiên, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của tư tưởng chính trị. Một tổ
chức chính trị đúng nghĩa phải được quan niệm như một dụng cụ để thể hiện một
tư tưởng chính trị và thực hiện một dự án chính trị.
Một
nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và
hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một
cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sở tư tưởng đúng đắn, lành
mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với
vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có
bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu
tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất
nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng.
Tiến
trình này cũng cho thấy vận động quần chúng chỉ là cố gắng cuối cùng của giai
đoạn cuối cùng của đấu tranh chính trị, dù là điều bắt buộc. Tuy vậy điều bắt
buộc không nhất thiết phải là điều quan trọng nhất. Lấy thí dụ một sinh viên đi
học và đi thi để lấy bằng tốt nghiệp. Thi là điều bắt buộc nhưng không phải là
điều quan trọng nhất, điều quan trọng nhất là học. Nếu đã học kỹ thì thi chỉ là
một thủ tục, còn nếu không học mà đi thi thì kết quả đã hiển nhiên từ trước.
Nhưng
quần chúng là gì? Quần chúng phải được hiểu là khối đông đảo những người không
phân biệt trình độ hiểu biết không dành cho hoạt động chính trị một quan tâm
bền bỉ nào và cũng không tham gia một tổ chức chính trị nào. Đặc điểm của quần
chúng là không gắn bó, mỗi người sống riêng lẻ, bình thường bất lực, khi được
động viên thì ứng xử giống như một đám đông, nghĩa là một khối nhiều người
không biết nhau đi theo sự hướng dẫn của những người cầm đầu.
Trong
cố gắng động viên quần chúng, một số ngộ nhận cần được cảnh giác.
Ngộ
nhận thứ nhất là cho rằng quần chúng là tất cả, quần chúng có thể động viên
được một cách nhanh chóng và khi đã có quần chúng là sẽ thành công. Ngộ nhận
này khiến người ta hăm hở vận động quần chúng (rải truyền đơn, căng biểu ngữ,
kêu gọi biểu tình v.v.) dù chưa có chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức. Có những tổ
chức ra đời chỉ để sách động quần chúng.
Ngộ
nhận thứ hai là cho rằng nếu quần chúng phẫn nộ vì ý thức được rằng mình bị đàn
áp và bóc lột thì họ sẽ đứng dậy đánh đổ chính quyền. Sự thực thì mọi kinh
nghiệm đều cho thấy là một khối người dù đông đảo tới đâu và hoàn toàn đồng ý
rằng mình bị áp bức cũng không đứng dậy tranh đấu. Họ chỉ đứng dậy tranh đấu
nếu có một tổ chức lãnh đạo và tổ chức này phải đủ mạnh và gắn bó để khiến họ
tin chắc vào thắng lợi.
Tâm
lý đám đông của quần chúng cần được đặc biệt lưu ý vì có hai hệ quả rất quan
trọng: một là quần chúng đòi hỏi lãnh đạo, do đó quần chúng chỉ có thể động
viên được nếu có một tổ chức mạnh khởi xướng; hai là, cũng như một đám đông,
quần chúng được động viên do bị kích thích. Không có sự kích thích nào có thể
kéo dài được, bởi vậy quần chúng chỉ có thể động viên được trong một thời gian
ngắn. Tổ chức lãnh đạo vì vậy phải chuẩn bị trước kế hoạch để lợi dụng tối đa
và tức khắc thời điểm thuận lợi này để đạt những kết quả dứt khoát không thể
đảo ngược. Do hai đặc tính này giai đoạn động viên quần chúng là giai đoạn hết
sức căng thẳng và sôi nổi. Các nhà nghiên cứu chính trị dùng cụm từ chiến tranh
động viên (war of mobilization, guerre de mobilisation).
Một
cách cụ thể, nếu bỏ qua những hành động khủng bố, hầu như trong mọi cuộc cách
mạng bất bạo động tại mọi quốc gia cuộc chiến tranh động viên diễn ra như sau:
-
Một bên là phe đối lập cố gắng thuyết phục quần chúng rằng phải thay đổi chế độ
chính trị và tổ chức xã hội để tìm một lối thoát cho cả dân tộc; một bên là
đảng cầm quyền cố gắng trấn an quần chúng rằng mỗi người có thể tìm giải pháp
thăng tiến cá nhân cho mình trong khuôn khổ chế độ. Đối lập hô hào thay đổi xã
hội trong khi chính quyền đề cao sự linh động trong xã hội. Đối lập hô hào một
giải pháp chung cho đất nước trong khi chính quyền hứa hẹn những khả năng thăng
tiến cá nhân. Tóm lại đối lập kêu gọi đoàn kết để cùng nhau đấu tranh cho một
giải pháp quốc gia trong khi chính quyền khuyến khích tâm lý luồn lách để tìm
giải pháp cá nhân.
-
Đối lập tố giác những sai phạm của chính quyền và những thiệt hại gây ra cho
quần chúng. Để chống trả, một chính quyền khôn ngoan không bao giờ nói là tất
cả đều rất tốt và không có gì phải thay đổi, vì như thế là vô tình tiếp tay cho
đối lập bởi vì khiến người dân thấy là họ không có gì để hy vọng ở chế độ; trái
lại nó luôn luôn nhìn nhận là có nhiều sai lầm và tỏ ra cố gắng sửa sai, dù
những biện pháp sửa sai chỉ nhằm duy trì hiện trạng.
-
Đối lập kêu gọi hoà giải và hoà hợp dân tộc để có đoàn kết và sức mạnh dân tộc,
trong khi chính quyền cố hết sức để khơi động những tị hiềm để giữ quần chúng
trong thế chia rẽ bất lực. Cuộc nổi dậy nào của quần chúng cũng bắt đầu từ một
biến cố khởi động xẩy ra cho một tập thể quần chúng, nếu tập thể này không được
sự hưởng ứng của các tập thể khác, thậm chí còn bị chống đối, thì biến cố này
không thể trở thành khởi điểm cho một cuộc nổi dậy của toàn dân. Một thí dụ cụ
thể, trong nhiều thí dụ khác, là khi người công giáo tranh đấu, như biến cố Tam
Toà tại Quảng Bình năm 2009, chính quyền cộng sản đã khơi động tinh thần bài
Công Giáo để huy động những phần tử quá khích hành hung các linh mục và giáo
dân. Các tập đoàn độc tài không cần người dân thương yêu chúng, chúng chỉ cần
người dân đừng thương yêu nhau để tiếp tục bất lực trong sự chia rẽ.
-
Đối lập cố gắng thống nhất đội ngũ lãnh đạo vì đó là điều kiện bắt buộc để động
viên quần chúng; quần chúng không thể đứng dậy nếu nhận được những lời kêu gọi
mâu thuẫn từ nhiều nguồn. Chính quyền cố gắng phân tán và chia rẽ tối đa đối
lập bằng mọi phương tiện, kể cả khuyến khích cách làm chính trị nhân sĩ, mua
chuộc một số thành phần đối lập hay thành lập những tổ chức đối lập giả hiệu.
-
Đối lập cố gắng trấn an những người trong bộ máy chính quyền rằng sự thay đổi
chế độ sẽ không đe doạ họ trong khi chính quyền cố gắng tạo tâm lý lo sợ những
trả thù báo oán để đoàn kết nội bộ trong phản xạ tự vệ. Hoà giải và hoà hợp dân
tộc là ngôn ngữ bắt buộc của một đối lập thông minh. Bằng ngôn ngữ ôn hoà và bao
dung đối lập cố gắng thuyết phục và tranh thủ những thành phần tiến bộ trong
đảng cầm quyền bởi vì những tiếng nói phản kháng từ trong nội bộ có sức tàn phá
đặc biệt; chính quyền cố gắng giữ vững hàng ngũ bằng cách phủ dụ và mua chuộc
những người bất mãn, nếu không được thì trừng trị một cách thật nghiêm khắc để
làm gương.
Cố gắng động viên quần chúng
chỉ thành công nếu hội đủ ba điều kiện :
Điều
kiện thứ nhất là quần chúng cảm thấy mình là một thành phần bị một thành phần
khác chà đạp và bóc lột. Cần có sự hiện hữu của hai tập thể có căn cước rõ
ràng, một tập thể ta trong đó mỗi người cảm thấy mình là thành viên gắn bó và
có trách nhiệm phục vụ, đồng thời cũng cảm thấy được hỗ trợ; và một tập thể
địch mà tập thể ta nhìn như nguyên nhân của những đau khổ mà mình và các đồng
cảnh là nạn nhân.
Tập
thể địch có thể được tạm định nghĩa là thành phần thượng lưu trong chế độ. Tập
thể ta phải là toàn dân hoặc đại đa số dân chúng. Như vậy muốn xây dựng tập thể
này, không có giải pháp nào khác hơn là củng cố lòng yêu nước và đề cao hoà
giải và hoà hợp dân tộc. Không có lòng yêu nước thì không thể nói tới dân tộc,
yêu nước mà chia rẽ và thù ghét lẫn nhau thì cũng không phải là một lực lượng
và sẽ tiếp tục bất lực trong sự chia rẽ.
Điều
kiện thứ hai là phải có những hứa hẹn cụ thể. Quần chúng không đủ hiểu biết và
suy luận để có thể được hoàn toàn thuyết phục và động viên vì những phúc lợi
của đạo đức chính trị, lòng yêu nước, tự do, dân chủ v.v. Họ phải nhìn thấy
cuộc cách mạng đem lại cho họ những kết quả cụ thể nào. Các cuộc cách mạng Hoa
Kỳ và Pháp cuối thế kỷ XVIII có nguồn gốc là chống thuế. Các đảng cộng sản tại
Nga, Trung Quốc và Việt Nam đã có một hứa hẹn rất cụ thể là nếu nắm được chính
quyền họ sẽ tiêu diệt giai cấp chủ nhân (hoặc địa chủ) và lấy của người giàu
chia cho người nghèo.
Điều
kiện thứ ba là quần chúng phải chắc chắn là cuộc đấu tranh sẽ thành công. Quần
chúng không lãng mạn. Cũng không thể đòi hỏi sự dũng cảm và kiên trì nơi quần
chúng. Dũng cảm và kiên trì là đặc tính của những tổ chức. Nhưng khi nào thì
quần chúng tin chắc vào thắng lợi? Câu trả lời của những kinh nghiệm lịch sử và
những công trình nghiên cứu là khi quần chúng thấy có một tổ chức vừa đáp ứng
đúng nguyện vọng của họ vừa có đủ sức mạnh để giành thắng lợi. Một lần nữa đấu
tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh có tổ chức và không bao giờ là đấu tranh
của những cá nhân. Sức mạnh của tổ chức được hiểu là phương tiện, trí tuệ, đội
ngũ nòng cốt, uy tín của lãnh đạo, và nhất là sự gắn bó vì quần chúng nhìn một
tổ chức như một người. Một tổ chức yếu về lực lượng hoặc chưa có uy tín dĩ
nhiên không động viên được quần chúng. Một tổ chức không có nhất trí dưới mắt
quần chúng giống như một người chưa biết mình muốn gì và do đó cũng không thể
động viên được quần chúng. Và vì tổ chức lãnh đạo quần chúng phải vừa mạnh vừa
gắn bó, nó chỉ có thể là thành quả của những cố gắng thông minh và kiên trì
trong hàng thập niên. Một tổ chức vừa mới thành lập được vài năm, chưa nói vài
tháng, không có hy vọng nào động viên được quần chúng.
Điều
quan trọng cần được nhắc lại và nhấn mạnh là một khi đã được động viên thì lực
lượng quần chúng phải được sử dụng ngay tức khắc để đạt thắng lợi. Quần chúng
không kiên nhẫn, nếu thắng lợi không đến nhanh chóng khí thế đấu tranh sẽ
nhường chỗ cho thất vọng.
Tóm
lại, quần chúng chỉ động viên được vào lúc mà mọi cố gắng và hy sinh để thành
công đã làm xong, thắng lợi đã chắc chắn và quần chúng không còn chọn lựa nào
khác hơn là ủng hộ.
Còn
một lấn cấn: một cuôc cách mạng có thể hoàn toàn bất bạo động trong mọi trường
hợp được không? Những thay đổi chế độ trong hoà bình tại Đông Âu và Liên Xô cũ
phải chăng chỉ là do may mắn?
Quả
thực động viên quần chúng là để buộc chính quyền phải nhượng bộ trước đe doạ
của những hành động mãnh liệt như biểu tình lớn trên toàn quốc, chiếm đóng và
làm tê liệt các cơ quan xí nghiệp, cuối cùng chiếm chính quyền dưới áp lực của
đường phố, thậm chí nổi dậy võ trang nếu cần. Điều rất quan trọng cần được nhấn
mạnh là trong đại đa số các trường hợp những hành động này không cần thiết. Một
đối lập sáng suốt có thể không dùng tới những hành động này trong mọi trường
hợp. Chỉ cần có khả năng lật đổ chính quyền bằng áp lực quần chúng là đủ. Chính
quyền nào, dù ngoan cố và lì lợm đến đâu, cũng sẽ thoả hiệp thay vì đối đầu nếu
biết trước đối đầu sẽ thảm bại.
Như
thế tranh thủ và động viên quần chúng là điều phải làm, nhưng đưa quần chúng
vào hành động là không cần thiết. Chỉ cần chứng tỏ có khả năng điều động quân
chúng nổi dậy là đủ chứ không cần quần chúng thực sự nổi dậy.
Lời cuối: Những
ngộ nhận về vận động quần chúng chủ yếu do quan sát hời hợt không khí tưng bừng
của những cuộc cách mạng đã thành công, người ta tưởng rằng các cuộc cách mạng
này đã thành công vì được quần chúng ủng hộ, trong khi thực ra quần chúng chỉ
ủng hộ các cuộc cách mạng đó vì chúng đã thành công. Trong lịch sử của các dân
tộc, những cuộc đổi đời lớn đều là thành quả của những nhóm nhỏ đã có đủ trí
tuệ để nhìn thấy hướng đi phải có cho xã hội và đã kiên trì đấu tranh, chấp
nhận mọi cố gắng và hy sinh cho lý tưởng của họ. Sau cùng họ đã đánh bại được
những tập đoàn cầm quyền nhiều lần mạnh hơn họ về cả phương tiện lẫn số lượng
bởi vì họ là hiện thân của một tương lai bắt buộc phải đến trong khi tập đoàn
cầm quyền là hiện thân của một hiện tại phải qua đi. Và vì họ đã có đủ quyết
tâm, dũng cảm và kiên trì, để vượt qua mọi thử thách. Sự hưởng ứng của quần
chúng sau cùng đã đến như là phần thưởng của thắng lợi.