Thanh Hùng (thực hiện)/ Infonet
Chỉ những người đã học ở
nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều
mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa
chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.
Để giải đáp thắc mắc độc
giả về việc trong số 13 quán quân Olympia hiện chỉ có duy nhất 1 người lựa chọn
quay trở về Việt Nam, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Mai
về vấn đề này.
Là cố vấn lâu năm của
chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", ông có thể cho biết quan điểm
của mình trước thực trạng là có đến 12/13 quán quân Olympia ở các năm quyết
định làm việc hoặc mong muốn ở lại làm việc tại nước ngoài sau thời gian du học?
Sau kì chung kết
"Đường lên đỉnh Olympia "
lần thứ 14, có những nguồn thông tin cho biết 12/ 13 nhà vô địch đã quyết định
ở lại. Số liệu ấy không rõ có chính xác hay không chưa kiểm định, vì ít nhất
phải học xong đại học mới có thể có điều kiện xin ở lại định cư tại Úc hay
không.
Nhưng theo tôi, thực ra
không chỉ những “nhà leo núi Olympia ”
mới như vậy, nhiều bạn khác có tài năng sau khi đi du học cũng thế thôi. Tôi là
cố vấn "môn" Hiểu biết chung của chương trình này trong suốt 14 năm.
Cũng có dịp gặp gỡ, quen biết nhiều người được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên
cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Và tôi biết chắc một điều rằng hầu hết họ đều
muốn ở lại nếu thực hiện được.
Được biết, tính đến thời
điểm hiện tại, chỉ có bạn Lương Phương Thảo-quán quân mùa thứ 3, là nhà vô địch
duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Vậy số còn
lại, họ có chia sẻ với ông nguyên nhân vì sao sau thời gian du học, đều muốn ở
lại nước ngoài, cụ thể ở đây là Úc?
Theo họ, có mấy lý do sau:
Ở Úc hay bất cứ nước tiên tiến nào (như Canada , Thụy Điển, Na Uy hay Mỹ)
đều có một cuộc sống ổn định, đầy đủ hơn. Đấy là điều mong ước của tất cả mọi
người lao động. Không nói những người có học thức mà thậm chí những người đi
làm công, có tay nghề cũng đều xin ở lại nếu đủ tiêu chuẩn.
Nhưng đối với những người
có tri thức, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thì họ muốn ở lại không
chỉ vì đời sống vật chất. Họ còn có một thực tế phải đối măt khi về nước, đó là
phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót
"đầu tiên"- tiền đâu. Mà nhiều khi vẫn thất nghiệp.
Xin được việc làm rồi, họ
lại không thể phát huy được sở học. Bởi làm giảng dạy, làm khoa học thì thiếu
thiết bị, thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa, “cá mè một
lứa”...
Làm trong cơ quan thì bị
các thủ trưởng thiếu tri thức sử dụng vào những việc chẳng cần đến những điều
đã học. Rồi sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp về... Họ e ngại tất
cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột.
Đấy là chưa kể về nước,
lương lậu có thể không tương xứng với cống hiến, thậm chí không nuôi được mình
và gia đình....
Ngoài ra, họ còn chịu
những áp lực nào khác về tư tưởng nữa không, thưa ông?
Thêm một điều nữa, chỉ
những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với
mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của
mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.
Vậy thử hỏi, nếu bạn là
người như họ, là người trong cuộc, thì bạn quyết định như thế nào? Xin đừng nên
trách họ là được hưởng ưu ái nọ kia mà không yêu nước, là chỉ muốn hưởng thụ...
Xin nói là, họ biết rất rõ,
muốn sống ở nước ngoài cũng không dễ đâu, phải lao động thực sự, phải có tài,
chứ không thể dựa vào chạy chọt, dựa dẫm được đâu. Chỉ trừ những con nhà đại
gia, con quan tham có tiền để ra nước ngoài sống cuộc sống hưởng thụ do tiền
của dư thừa mà thôi.
Có thể kể đến một số
gương mặt như: Phan Mạnh Tân- quán quân năm thứ 3 hiện đã đi làm ở công ty IBM,
Melbourne, Australia .
Hay Huỳnh Anh Vũ-quán quân năm thứ 8 là một trong hai sinh viên hiếm hoi được
giữ lại trường trở thành giảng viên ngành kinh tế tại ĐH Swinburne,… Vậy theo
ông, thực trạng này có phải đang báo hiệu việc"chảy máu chất xám" của
nước ta hiện nay và thời gian tới?
Nói là "chảy máu chất
xám" thì to tát quá, nhưng đó thực sự là một xu thế. Các nhà leo núi Olympia là những học sinh
giỏi, nhưng cũng chưa phải là những tài năng ghê gớm. Tuy nhiên họ có tiềm năng
trở thành người tài. Nước Úc không vô cớ mà cấp học bổng, ưu ái cho họ đến học
đâu. Họ sẽ hưởng lợi, hớt tay trên của ta khi những học sinh, sinh viên đó ở
lại làm việc cho họ.
Tìm thông tin trên mạng, ta
thấy rất nhiều người Việt đã thành danh ở nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực
từ khoa học, công nghệ đến kinh doanh. Chứng tỏ nguồn gen của Việt Nam khá chất
lượng, rất đáng tự hào đấy chứ.
Mà trên quy mô toàn cầu thì chuyện chảy máu chất xám cũng không có gì lạ. Như nước Mỹ chiếm hầu hết giải Nobel, nhưng trong số đó rất nhiều người vốn từ các nước khác đến nhập cư.
Với tình trạng trì trệ của đất nước ta như hiện nay, chuyện còn có rất nhiều người được cử đi học hay tự đi du học sẽ ở lại nước ngoài là điều khó mà cưỡng lại.
Nếu như thế, thì một số
ý kiến cho rằng họ thiếu trách nhiệm với đất nước, liệu có hơi quá với họ, thưa
ông?
Rõ ràng không thể trách cứ
các bạn thủ khoa Olympia
hay những sinh viên ra nước ngoài học mà không trở về. Đừng áp đặt cho là họ
không yêu nước, không thực hiện trách nhiệm với đất nước.
Chưa nói đến các bạn đi du
học, ngay cả các học sinh sinh viên tỉnh lẻ, hay miền núi sau khi tốt nghiệp
tại sao lại không về "phục vụ quê hương" mà tìm mọi các trụ lại ở
"đất thánh" thủ đô hay TP Hồ Chí Minh? Trong khi đó, phải vận động
trí thức lên xây dựng miền núi, vùng sâu vùng xa.
Vấn đề là chúng ta phải tự
hỏi tại sao lại để xảy ra cớ sự như vậy. Bấy lâu nay nước ta cứ đưa ra những
chủ trương chính sách như thu hút nhân tài. Thậm chí còn dùng những câu to tát
như "trải thảm đỏ" đón nhân tài, nhưng thực ra đó mới chỉ là những
khẩu hiệu, chứ chưa có tính thực tế.
Bây giờ không thể chỉ dùng
những lời kêu gọi chung chung như thế mà có thể giữ chân người tài được. Còn
làm như thế nào, đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, nhà quản lý đất nước
phải có tầm nhìn cao hơn.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét