Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Đoan Trang : “HỌC PHIỆT” - HAY NHỮNG LẬP LUẬN ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN LỆCH LẠC THỜI INTERNET

Vụ Formosa xả thải vào biển Việt Nam tháng 4 năm nay, hay vụ chính quyền Hà Nội tổ chức chặt phá hàng loạt cây xanh năm ngoái, đều có chung một điểm: Chính quyền và doanh nghiệp viện dẫn mục tiêu phát triển (tăng trưởng kinh tế, cải tạo đô thị...) làm lý do để dân chúng phải chấp nhận trả một cái giá nào đó về môi trường.
Các dư luận viên và những người có tư duy kiểu dư luận viên hay bẻ bai như sau:
- Muốn có đường sắt cao tốc, muốn mở rộng Hà Nội, phát triển đô thị, mà lại không chặt cây... thì phải làm thế nào?
- Muốn có nhà máy thép, muốn phát triển công nghiệp nặng, thúc đẩy sản xuất, giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế, mà lại không chịu xả thải, không khuyến khích dùng hóa chất... thì phải làm sao?
Kiểu hỏi vặn đó được lặp đi lặp lại nhiều đến mức nhiều người có thể sinh hoang mang: Hay là công cuộc phát triển bắt buộc phải hy sinh môi trường thật?
Song, về bản chất, nó chỉ là một dạng ngụy biện, có tên gọi là “You Too”, nghĩa là “anh cũng thế”. Thay vì chỉ ra sai lầm của việc tàn phá môi trường nhân danh sự phát triển, nó lại đẩy người ta vào thế khó, là phải tìm ra giải pháp, còn nếu không tìm ra thì chứng tỏ người ta sai. Cũng hệt như khi ta nói chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là hèn yếu, mất tư cách trước Trung Quốc, thì các dư luận viên bảo: Có giỏi thì ra Hoàng Sa mà chiến đấu lấy lại biển đảo đi!
Tuy nhiên, phần sai quan trọng hơn cả, là khi hỏi vặn như vậy, dư luận viên và những người có đầu óc dư luận viên đã mặc định rằng phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là hai việc loại trừ nhau.
Đây là một quan niệm sai lầm đến mức nguy hiểm.
Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường không mâu thuẫn, không loại trừ nhau. Thậm chí ngược lại: Thời nay, bảo vệ môi trường là một phần bắt buộc trong phát triển bền vững. Bất kỳ dự án nào kéo theo việc chặt phá hàng loạt cây, gây ô nhiễm môi trường và tàn hại sinh vật trên diện rộng, đều là phản phát triển - và phạm pháp, nếu nền lập pháp có đủ tầm nhìn.
NHÂN DANH KHOA HỌC
Ngoài lập luận bảo vệ sự tàn phá môi trường nhân danh phát triển kia, trong cộng đồng mạng, còn phổ biến loại quan điểm đề nghị mọi người phải giữ cái đầu lạnh, không nên bức xúc chửi bới lãnh đạo về vụ chặt cây ở Hà Nội hay vụ Formosa lộng hành, mà cần bình tĩnh tập hợp tài liệu, nghiên cứu, khảo sát khoa học để phản biện được chính xác.
Bao giờ cũng vậy, cứ khi cả cộng đồng mạng đang thể hiện sự bức xúc, bất mãn... thì thể nào cũng có một vài giọng nói ôn tồn kêu gọi mọi người bình tĩnh, duy lý, không hùa theo đám đông bầy đàn, cảm tính. Loại quan điểm “nhân danh khoa học” này nghe rất có lý, rất thuyết phục, nhưng nó khéo léo gạt bỏ một thứ quyền rất quan trọng của người dân, là quyền được... chửi lãnh đạo, hay nói đúng hơn, quyền biểu đạt ý kiến, bày tỏ sự phẫn nộ một cách bản năng, không khoa học.
Theo cái loại quan điểm học phiệt ấy thì mỗi người dân bình thường (công chức, sinh viên, tiểu thương...) cứ phải là một nhà khoa học thì mới được nêu ý kiến phản biện. Mỗi người dân, mỗi blogger, facebooker phải mở miệng ra là phải “theo thông tư số abc, theo nghị định số xyz, theo bản khảo sát ngày… thì dường như lãnh đạo đã có dấu hiệu sai phạm”... Và cũng không phải là tất cả lãnh đạo đều sai, cả hệ thống, cả cơ chế này đều sai, mà chỉ là một bộ phận nho nhỏ thôi, ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác.
Chẳng lạ, khi rất nhiều trong những kẻ học phiệt ấy là các doanh nhân xã hội chủ nghĩa - tức là những nhà tư sản mà quyền lợi của họ gắn chặt với chính thể này. Họ sống được nhờ cơ chế hiện nay, nhờ cái chính quyền độc tài và bất tài hiện nay. Thảo nào mà cứ mỗi khi thấy Đảng và Nhà nước của họ tung ra chính sách nào bị dân phản ứng, họ lại lật đật chạy theo bênh vực, hối hả lo định hướng dư luận. Khi chưa biết bênh vào đâu được thì hãy cứ chọn cách dễ nhất là hỏi đi hỏi lại "bằng chứng đâu?", rồi bảo dân mạng bầy đàn, tát nước theo mưa, cảm tính, phi khoa học, chủ nghĩa dân tộc cực đoan đáng lo ngại v.v.

Cũng cần phải nói rõ, gọi là "học phiệt", chứ đám người ấy chẳng có mấy tư duy khoa học đâu. Sự ngụy biện và dối trá mới là đặc điểm chính trong đầu óc của họ. Và các bạn biết không: Khi thật sự cần có sự tham gia của tư duy khoa học và tinh thần duy lý, cần đến các sản phẩm khoa học, họ chẳng có nổi một xu đóng góp.

Lời dạy của thầy: Nếu Trung Quốc có đại biến, hãy đứng về phía chính nghĩa

Các em học sinh thân yêu!
Hôm này là ngày vui mừng của các em, là ngày lễ thành nhân của các em, là ngày mở đầu một cuộc đời mới của các em.
Các em đội trên đầu một vòng nguyệt quế và khoác trên mình bộ lễ phục tốt nghiệp thật trang trọng, điều đó biểu thị rằng các em đã trở thành “học sĩ”. Trong ngôn ngữ truyền thống Trung Quốc, trở thành “sĩ”, đó chính là đã đạt được một loại thân phận khác với mọi người.“Gặt hái được vị trí cao trên con đường học vấn gọi là sĩ,” “người dùng tài trí gọi là sĩ.” Sĩ có các loại, những “học sĩ”, chính là tư cách dùng học vấn và tài trí mà đạt được “sĩ”, nhận được sự tôn trọng của mọi người.

Vậy nên, thầy chân thành chúc mừng các em, chúc mừng các em mười mấy năm theo đuổi việc học cuối cùng đã thành tựu! Hôm nay các em tốt nghiệp bước ra khỏi cánh cổng nhà trường, ngày mai chính là buổi lễ tựu trường nơi “trường đại học” bên ngoài xã hội. Đời người chính là lần lượt tốt nghiệp và tựu trường tiếp nối nhau như vậy, nhưng mà, chỉ có lễ tốt nghiệp và khai giảng lần này là bước ngoặt quan trọng nhất của đời người.
So với cuộc hành trình dài đằng đẵng từ nay trở về sau, thì cuộc sống học tập ngày trước của các em chỉ là giai đoạn học tập mà thôi, so với vở kịch lớn của đời người sắp khai diễn mà nói, cuộc sống học tập trước đó chỉ là mở màn mà thôi.
Xã hội mà các em sắp phải bước vào này, là một vũ đài nhân sinh phong phú và đặc sắc, các em sẽ ở đó thực hiện giá trị của mình, tận hưởng đời người của chính bản thân các em. Nhưng đồng thời, nó cũng là nơi giang hồ hiểm ác, vũng lầy ô trọc.
Giang hồ này hiểm ác đến nỗi không thể nào mà lường trước được, vượt xa cả hết thảy những gì các em có thể tưởng tượng. Các em từ nay lăn lộn nơi giang hồ, cũng chính là giống như ngày đầu tiên các em đến trường vậy. Giang hồ này một lần nữa tạo nên sức mạnh của các em, các em có thể còn không thể nhận định đầy đủ được. Các em ngày hôm này sẽ xông vào mà không cần ngoảnh đầu lại nhìn, nhưng lại không biết được nó có nghĩa là gì.
Mấy ngày hôm nay, các em mang theo tâm trạng xúc động, ưu lo, đều đang mơ ước về một tương lai xán lạn, về một đời người tốt đẹp của mình. Những gì các em nghe được, đều là những lời chúc phúc, kỳ vọng căn dặn đủ điều.
Nhưng là một phụ huynh, là một người thầy, là một người hướng nghiệp của các em, tôi lại mang trong tâm mấy phần thấp thỏm, chỉ có thể nói mấy lời khuyến khích thích hợp với đại đa số các em trước lúc chia tay.
Thời đại Tiên Tần có một nhà tư tưởng tên là Dương Chu, vì cảm xúc với đời người trắc trở trùng trùng, trong trắc trở vẫn còn trắc trở nữa, thế là lớn tiếng khóc òa lên. Nguyễn Tịch là một trong “Trúc lâm Thất hiền” cũng từng đối mặt với con đường trắc trở chông gai, lớn tiếng khóc mà quay trở về.

Nhân sinh nhiều trắc trở, đây là số mệnh của con người. Đời người chính là vô số lần phải đưa ra sự lựa chọn. Từ sự lựa chọn mục tiêu cuối cùng của cuộc đời, để rồi hoạch định phương hướng phát triển to lớn, cho đến sự lựa chọn của mỗi một tình tiết nhỏ trong cuộc sống thường ngày, bước ra khỏi sự lựa chọn từng bước một. Sự lựa chọn của các em sẽ cấu thành nên một đời của các em.
Một đời chân chính, hay là một cuộc đời sai lầm
Ngày trước, phụ huynh, xã hội, nhà trường gần như đã hoạch định ra tất cả mọi điều tốt nhất cho các em. Từ nay trở đi, các em cần phải tự mình lựa chọn con đường sống của các em.
Con đường nhân sinh chỉ có thể tự mình đi tiếp mà thôi, không có chỗ nương tựa, không có người dẫn dắt. Dù cho các em cứ mãi bị đường đời xô đẩy, thì đó cũng là sự lựa chọn của các em.
Jean-Paul Sartre, nhà triết học hiện sinh nổi tiếng một thời từng sống ở Trung Quốc vào những năm 80, hiện giờ rất ít người còn quan tâm đến, nhưng ông có một câu nói vẫn cần được nhắc tới: “Cuộc đời chính là tự bản thân ta lựa chọn.” Lựa chọn cuộc đời vốn là việc của tự mình, hơn nữa cần phải chịu hết thảy trách nhiệm đối với sự lựa chọn của bản thân.

Trên thế giới này, mỗi một con người đều là độc nhất vô nhị. Giá trị của các em ở thế gian này, chính là ở chỗ khác biệt giữa các em với mọi người. Vậy nên, sự lựa chọn quan trọng nhất của mỗi một người, là phải trở thành chính bản thân các em.
Các em đừng có thấy người khác nằm mơ thì các em cũng theo đó mà nằm mơ, bị người khác ảnh hưởng giấc mơ, từ đó mà mơ cùng một loại giấc mơ giống như người khác. Mỗi một người đều có giấc mơ của bản thân mình.
Cần phải lựa chọn trở thành chính bản thân các em, có nghĩa là không ngừng mà vượt lên bản thân mình. Các em cần phải không ngừng mà tìm lại chính mình, hỏi lại chính mình, dựng lập tiêu chuẩn cao nhất cho mình, theo đuổi cảnh giới cao nhất cho mình. Cuộc đời chúng ta cùng chung một nhịp thở với vận mệnh của xã hội này.
Một thế hệ có vận mệnh của một thế hệ. Thế hệ này của các em đã từng có một tuổi thơ và tuổi trẻ bình lặng, nhưng tương lai của các em có thể sẽ phải đối mặt với những biến cố và cải cách to lớn của xã hội Trung Quốc.
Nếu như các em chú ý tới động thái của xã hội, thì có thể nhìn thấy được ở nơi chân trời xa xôi kia đang tích tụ những đám mây đen, có thể nghe được gió bão đang nổi lên trong những đám mây đen ấy.
Những ai nhạy cảm đều có thể nhìn thấy, gió mây biến đổi thất thường, sóng ngầm rung chuyển, con đường phía trước khó mà lường trước được.
Các em sẽ trả lời mấy câu hỏi này như thế nào đây? Theo thầy thấy, nếu như trong câu hỏi thứ 3 có nghi hoặc thì còn có thể bỏ qua, nhưng 2 câu hỏi trước suy cho cùng vẫn là câu hỏi, bản thân nó chính là vấn đề lớn khiến người ta lo lắng.
Đối mặt với những biến cố lớn có thể xảy đến của xã hội, các em sẽ lựa chọn như thế nào?
Nữ sĩ Long Ứng Đài trong tác phẩm “Sông lớn biển lớn-1949″, đã ghi chép lại sự lựa chọn của vô số người ngay trong một khắc đó: Đi hay là không đi? Đi, là một cuộc đời; mà không đi, cũng là một cuộc đời. Bi kịch của vô số người chính là bắt đầu từ sự lựa chọn được đưa ra ngay trong một khắc đó.

Đất nước đã đi một đoạn đường vòng, đối với các em mà nói, chính là đã hủy hoại đi một đời. Đối diện với một số người bình thường ở trong hoàn cảnh bất đắc dĩ bị vận mệnh cuốn theo ấy, Long Ứng Đài nói một cách cảm khái: “Một giọt nước, làm sao mà biết được hướng đi của dòng chảy lớn?”

Nhưng thầy nghĩ, các em là những sinh viên tốt nghiệp của trường đại học Chính trị và Pháp luật, là học sĩ tốt nghiệp của học viện quản lý chính phủ đại học Bắc Kinh, các em cần phải có năng lực nhận rõ hướng đi trong xu thế của dòng chảy lớn hơn những người bình thường.
Nhưng dù là một chiếc lá, các em phải chăng đã từng lay động? Các em lay động theo chiều hướng nào? Nếu như Trung Quốc xuất hiện vận động Nghĩa Hòa đoàn hoặc Hồng vệ binh một lần nữa, nếu như kiểu mẫu Trùng Khánh trở thành kiểu mẫu chung của toàn bộ Trung Quốc, các em có thể sáng suốt mà nói một tiếng “không” hay không? Nếu như các em không có kiến thức và dũng khí này, thì các em ít nhất cũng có thể làm người theo “phái Tiêu Dao” vô hại hay không?
Đối diện với dòng chảy đen bẩn dồn dập kéo đến, nếu như các em không thể lúc nào cũng đứng lên phản đối, vậy các em ít nhất cũng có thể bước ra phản đối một đôi lần hay không?
Nếu như các em không dám phản đối một cách tích cực, thì liệu các em vẫn có thể lựa chọn phản đối một cách tiêu cực hay không?
Nếu như các em không thể dũng cảm biểu đạt, thì liệu các em có thể lựa chọn biểu đạt một cách kín đáo hay không?

Nếu như ngay cả biểu đạt một cách kín đáo các em cũng không dám, thì các em có thể lựa chọn im lặng.
Nếu như các em không lựa chọn im lặng mà là lựa chọn hùa theo tội ác, nhưng liệu các em vẫn có thể giơ cao đánh khẽ, hạ thấp giọng điệu một chút hay không? Khi các em chủ động hoặc bị buộc phải làm chuyện xấu, liệu trong tâm vẫn còn sót lại một chút cảm giác bất an hoặc tội lỗi hay không? Chỉ một chút cảm giác bất an hoặc mang tội này thôi, vẫn là dấu hiệu cho thấy nhân tính vẫn còn chưa bị biến mất hoàn toàn.
Dẫu cho các em không dám đứng ra phản đối, nhưng đối với những người phản đối khác, thì cũng nên ôm giữ vài phần kính trọng trong tâm, dẫu không có vài phần kính trọng này, thì cũng không được bắn lén sau lưng, giở trò hèn hạ, nối giáo cho giặc. Thầy hy vọng, các em khi đối mặt với những cơn sóng lớn ập đến, thì hãy lựa chọn đứng về phía lý trí, đứng về phía văn minh, lựa chọn đứng về phía nhân dân.
Khi các em bước ra khỏi cánh cửa nhà trường, các em sẽ đối mặt với một xã hội đặc thù. Xã hội này, đã là một thùng thuốc nhuộm có thể cải biến người ta.
Năm xưa, Mặc Tử nhìn thấy người ta nhuộm vải, khi những tấm vải màu trắng được đưa vào thùng, sẽ cho ra những tấm vải với các màu sắc đủ loại. Ông đã khóc.
Các em ắt hẳn hiểu được tâm tình của các thầy cô khi nhìn các em có mấy phần ngây thơ thuần khiết phải đi vào thùng thuốc nhuộm lớn này.
Tạm biệt cha mẹ, có nghĩa là tạm biệt cuộc sống thuần tịnh này, gieo mình vào cõi hồng trần cuồn cuộn, giang hồ hiểm ác.
Sau này mỗi khi các em bị tổn thương hết lần này đến lần khác, hẳn các em sẽ nhớ đến mái trường xưa, không kể là ở nơi đây đã trải qua bao nhiêu điều không vui, nơi đây đã được coi như một nơi Tịnh độ.
Đối diện với hoàn cảnh xã hội như vậy, liệu các em có thể làm được “cả thế gian đều say, chỉ có mình ta tỉnh; cả thế gian đều vẩn đục, chỉ có mình ta sạch trong” hay không?
Bản thân thầy đối với điều này không ôm hy vọng lớn lắm, bản thân thầy cũng không làm được. Nếu như kiên trì với chuẩn tắc xử thế như vậy, cũng chỉ đành phải theo Khuất Nguyên gieo mình xuống sông Mịch La mà thôi.
Nhưng một nguyên tắc xử thế trong Phật giáo lại có thể cho chúng ta một số chỉ dẫn, đó chính là “Tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên.” Tùy duyên mà hằng bất biến là tùy theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai vạn biệt, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi. Bất biến tùy duyên nghĩa là tuy tùy theo duyên mà hiện ra vạn hữu, nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi. Thầy nghĩ đây hẳn sẽ là chuẩn tắc mà đại đa số mọi người có thể thực hiện được.
Trong lĩnh vực cuộc sống cá nhân, thầy hy vọng các em lựa chọn đời người khỏe mạnh vươn lên, lựa chọn làm một con người văn minh có lương tri đạo đức.
Đương nhiên, thẳng thắn mà nói cho các em biết những hiện thực tàn khốc này, vốn không phải là khiến các em nên lựa chọn tiêu cực và từ bỏ. Mọi người thường nói, chúng ta tuy có con mắt màu đen, nhưng lại dùng nó để tìm kiếm ánh sáng. Không có ánh sáng và hy vọng, đó là một cuộc đời tuyệt vọng, không thể nào đi tiếp được nữa.
Một mảng Tịnh độ trong tâm các em chỉ thuộc về các em, chỉ cần các em giữ vững nó, bất kỳ sức mạnh bên ngoài nào đều không thể xâm nhập vào được.
Từng có lời khuyên của một người phương Tây khi đối mặt với sự từ bỏ đã nói rằng, tôi không phải là muốn thay đổi thế giới, tôi chỉ là không muốn thay đổi chính bản thân mình. Cũng chính là nói:
“Chúng ta không thể quyết định Mặt Trời ngày mai sẽ mọc lên lúc mấy giờ, nhưng chúng ta có thể quyết định mấy giờ thức dậy”.
Các em học sinh thân mến, các em chính là cần phải bay cao bay xa. Hôm nay, các thầy cô sẽ nhìn hình bóng của các em rời khỏi đây, và dõi theo bước chân của các em, chính là nỗi lo lắng bận lòng lâu dài của chúng tôi!
Dẫu cho các em là những người thông minh lanh lợi, hay là đơn thuần thẳng thắn, dẫu cho các em là ai và là người như thế nào đi nữa, thì các em đều là học trò của chúng tôi.
Chúng tôi sẽ dõi theo thành công của các em, dõi theo niềm hạnh phúc của các em, càng sẽ dõi theo các em có đi trên con đường ngay chính hay không.
Nguyện cầu trời xanh sẽ chăm sóc bảo hộ các em!
Các em học sinh thân yêu, hẹn gặp lại!
***
Giới thiệu sơ lược: Tùng Nhật Vân, giáo sư tiến sĩ của luật học, hiện đảm nhiệm giáo sư Học viện nghiên cứu chính trị học của Học viện Quản lý Công cộng và Chính trị của trường Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, Chủ tịch Hội ủy viên Viện học thuật, hội ủy viên học vị, ủy viên ban chấp hành hội học thuật nhà trường.
Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu là: Lịch sử tư tưởng chính trị phương Tây, văn hóa chính trị truyền thống và văn hóa chính trị hiện đại của phương Tây, đại cương văn minh phương Tây.

Theo Epoch Times, tinhhoa

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2016

Câu chuyện Tháng 5

Tháng 5/2016, sau những thủ tục đón tiếp ngoại giao cụ Tổng ngồi tâm sự với Obama.
- Tôi nói thật với ông nhé, ông còn mấy tháng nữa về hưu, ông cho tôi vài lời khuyên để thoát Trung, giảm nợ nần và khôi phục lòng tin của dân chúng đi. Hay là tôi cho đa đảng giống các ông có hai đảng thay nhau cầm quyền?
Obama từ tốn trả lời :
- Ông đừng mắc sai lầm cho lập đảng đối lập vì nếu ông làm thật thì gần 4 triệu đảng viên của ông lại nhẩy sang Đảng kia hết thế là các ông lại thành độc Đảng. Tốt nhất là các ông cứ lãnh đạo, muốn thoát Trung không khó, ông xem mấy thằng đệ Hàn, Nhật chúng nó sống khoẻ mà có ngán gì Trung Quốc đâu.
- Nhưng nước tôi lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc lắm. Họ uy hiếp chúng tôi cả trên biển lẫn đất liền. Cụ Tổng nhăn nhó.
- Ông đừng lo, bây giờ các ông mở cửa Cam Ranh cho tụi tôi và Nhật Bản. Hạm đội 7 sẽ tuần tra HS_TS đảm bảo TQ ko manh động. Các ông cũng nên gia nhập liên minh quân sự Mỹ Phi Úc Nhật Hàn, chúng tôi bơm vũ khí cho các ông, tiền thì ko lo tôi nói hai đưa em tôi Abe và Park cùng bơm cho các ông 50-60 tỉ đô, tất nhiên khi đó TQ sẽ đóng cửa buôn bán thương mại với các ông, nhưng đừng lo, doanh nghiệp các ông nhanh nhậy lắm, họ sẽ tìm ra các thị trường khác tốt hơn. Với cả các ông nên cổ phần hoá nhanh các tập đoàn nhà nước đi. Hãy để cho khối tư nhân làm kinh tế, nhà nước các ông chỉ lo hoạch định chính sách và giảm chi công đi. Tôi tin chắc sau 3 năm kinh tế các ông sẽ khôi phục lại.
- Thế còn nông nghiệp, không có thị trường TQ chúng tôi xuất khẩu cho ai?
- À cái đó để tôi bảo mấy thằng đệ Isarel sang, chúng nó sẽ tư vấn giúp các ông trở thành cường quốc nông nghiệp. Các ông nên giải tán bớt 2/3 bộ máy Bộ Nông Nghiệp của các ông đi. Tụi đấy chỉ thích sang nước tôi họp hành hú hí thôi. Mà các ông đừng giữ chỉ tiêu cường quốc lúa gạo nữa, sản xuất đủ dân ông ăn thôi. Tình báo tôi báo cáo lại ở nước ông cứ chỗ nào chỉ trồng lúa thì dân ở đó đói nhăn răng. TQ quay mặt với các ông thì các ông lại càng có cơ hội sản xuất thực phẩm sạch, dân ông sẽ hài lòng với sự lãnh đạo của các ông. Trong ấm ngoài êm rồi lúc đó ông tha hồ xây dựng XHCN thành công ! Trước khi tôi đi xin tặng lại ông hai câu Kiều mà tôi hay ngâm tặng bà xã Michelle : 
Cùng nhau trông mặt cả cười,
Dan tay về chốn trướng mai tự tình.

FB Võ Tiến Cường

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Bài học cuộc sống - "Cô Không Yêu Tôi Là Chê Tôi Nghèo!" Và Câu Trả Lời Quá Xuất Sắc Của Cô Gái


Ngày trước cô bạn thân của tôi được một người theo đuổi, sau đó anh ta bị bạn tôi từ chối, liền quay ra liên tục quấy rối.
Có một lần anh ta lại gọi điện đến đúng lúc tôi đang ở chỗ cô bạn này, nghe thấy tiếng anh ta gào lên trong điện thoại: “Có phải cô chê tôi nghèo đúng không? Tôi mà nhiều tiền chắc cô đã vội nhảy vào lòng tôi rồi. Phụ nữ các người đúng là ham tiền, chỉ thích tiền thích vẻ bề ngoài mà không coi trọng thứ bên trong tâm hồn!”
Bạn tôi nghe điện thoại một cách khó chịu, tôi thực sự không chịu nổi nữa mới giật lấy điện thoại của cô ấy nói lớn: “Vậy anh nói xem tâm hồn anh có cái gì?”
1.  Anh tốt nghiệp đại học nào? Là trường top 10 hay sao?
2. Thành tích tốt nghiệp ra sao, đã từng đạt được học bổng chưa?
3. Đã từng hiến máu, làm từ thiện bao giờ chưa?
4. Từng trả lại của rơi, dám làm việc nghĩa?
5. Đã từng chống lại côn đồ, vạch trần những việc xấu hay chưa?
6. Liệu có dám vỗ ngực nói chưa từng nịnh sếp, chưa từng mời ăn tặng quà khách hàng hay không?
7. Nếu những điều trên đều quá khó, vậy anh đã từng vượt đèn đỏ chưa?
8.  Đã từng vứt rác bừa bãi, nói bậy hay chưa?
9. Ngoài trò chơi điện tử ra, anh có bất cứ kĩ năng gì về cầm kì thi họa, thể thao, võ thuật hay không?
Vậy mà vẫn còn nói bạn tôi không thích anh bởi vì anh nghèo?!” 
Đầu dây bên kia im lặng dập máy, về sau cũng không dám gọi điện quấy rầy nữa. Thật vậy, đàn ông đừng bao giờ nghĩ vấn đề ở cái nghèo của mình, bạn sẽ  dần nhận thấy không có tiền sẽ mất mặt, nhưng không có tâm hồn tốt đẹp càng đáng xấu hổ hơn. Phụ nữ không thích bạn không phải vì bạn nghèo, mà bởi nguyên nhân khiến bạn không có tiền!
Phụ nữ hiện đại ngày nay: Biết kiếm tiền cũng biết nội trợ, tự kiếm tiền mua xe, mua nhà, đấu lại được tình nhân, đánh lại được lưu manh.
Nếu có bạn trai, họ còn phải giặt đồ nấu cơm, chăm lo việc nhà cho anh ta; anh ta ngồi chơi điện tử vui vẻ còn phụ nữ tức đến chết, phụ nữ lại còn phải đấu với biết bao phụ nữ quanh anh ta.
Bài học cuộc sống - "Cô Không Yêu Tôi Là Chê Tôi Nghèo!" Và Câu Trả Lời Quá Xuất Sắc Của Cô Gái
Đó là vì sao ngày nay nhiều phụ nữ thà độc thân, bởi đàn ông không xứng đáng!
1. Khi độc thân có cãi lại mẹ vài câu, mẹ một lát liền quên; kết hôn rồi lỡ cãi lại mẹ chồng, bà ấy sẽ nhớ cả đời.
2. Lúc độc thân đói bụng, được mẹ làm cho cả bàn đồ ăn; khi kết hôn mẹ chồng làm cho cả bàn đồ ăn cho bạn, cũng cảm thấy không thoải mái.
3. Lúc độc thân ăn cơm quên không mời mẹ, chẳng vấn đề gì; lấy chồng ăn cơm quên mời là thiếu lễ phép.
4. Lúc độc thân mẹ bận, bạn không giúp cũng không sao; lấy chồng rồi không giúp mẹ chồng là lười nhác.
5. Lúc độc thân nghe mẹ giáo huấn, nghe tai nọ để tai kia; lấy chồng nghe mẹ chồng giáo huấn, dù sai vẫn phải dạ vâng.
6. Lúc độc thân có việc bận không cần vội về nhà; lấy chồng rồi dù có việc bận cũng phải vội vàng về nhà ăn cơm.
7. Lúc độc thân, thi thoảng làm biếng cũng chẳng sao; lấy chồng rồi không lúc nào dám lười.
8. Lúc độc thân, có gì ngon mẹ không dám ăn nhường bạn; về nhà chồng đồ ăn ngon phải phần cho người khác.
9. Lúc độc thân, mẹ chú ý từng niềm vui nỗi buồn của bạn; kết hôn rồi cảm xúc của bạn chẳng đáng được để ý.
10. Lúc độc thân giậm chân với mẹ, là nũng nịu; giậm chân với mẹ chồng là tội lớn.
Nhận lời theo đuổi của đàn ông, phụ nữ phải chịu vô số gánh nặng, đàn ông hãy nói xem vì sao họ chịu hi sinh như vậy? Vì anh cao to? Vì anh đẹp trai? Hay vì anh có nhiều tiền?
Nguồn: weixin
Người dịch: Lưu Linh Trang

Bài viết được dịch độc quyền bởi Qtcs.com.vn

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Friedrich von Hayek : VÌ SAO ĐẢNG CỘNG SẢN THÍCH NHÂN DANH "QUẦN CHÚNG"?

Dưới đây là những gì một học giả, nhà kinh tế nổi tiếng của phương Tây, Friedrich von Hayek, đã viết từ năm 1944. Page thấy những điều này có thể giải thích rất xác đáng tình hình bầu cử QH với cơ chế "tiếp xúc cử tri" hiện nay, nên trích đăng để bạn đọc tham khảo. Bản dịch của dịch giả Phạm Nguyên Trường. Tựa đề do Page đặt.
* * *
Có ba lý do vì sao cái nhóm đông và mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội. Theo tiêu chuẩn của chúng ta thì cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên những nguyên lý hoàn toàn mang tính tiêu cực.
Thứ nhất, những người có trình độ học vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hóa, họ khó có thể thống nhất về bất cứ thang giá trị cụ thể nào. Nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, với thị hiếu và bản năng nguyên thuỷ và thô lậu. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức không cao. Có thể nói chính cái mẫu số chung đạo đức cực kì thấp đã liên kết rất nhiều người lại với nhau. Nếu chúng ta cần một nhóm tương đối đông và đủ mạnh, để buộc những người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của nhóm mình thì không bao giờ chúng ta lại tìm đến những người có thị hiếu phát triển cao và phân hóa một cách sâu sắc. Chúng ta sẽ tìm đến “quần chúng”, với ý nghĩa tiêu cực của từ này, tìm đến những người kém độc đáo và ít độc lập nhất, những người có thể lấy số lượng làm bệ đỡ cho lý tưởng của họ.
Nhưng nếu nhà độc tài tương lai chỉ dựa vào những người có những bản năng đơn sơ và giống nhau thì số người như thế sẽ không thể đủ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Hắn sẽ phải tăng thêm số thành viên của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều đơn giản của hắn.
Tiêu chuẩn chọn lựa tiêu cực thứ hai: Hắn phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng toàn trị.
Tiêu chuẩn thứ ba, và có lẽ là quan trọng và cần thiết nhất để một kẻ mị dân lão luyện có tập họp quanh mình một nhóm cố kết những người ủng hộ. Bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực - chí căm thù giặc, lòng ghen tức với những kẻ khá giả - hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. Sự tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm bên ngoài tổ chức có vẻ như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lí, chính nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. Những kẻ cầm đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó trong bản chất của con người cho mục đích của mình. Theo họ thì các cương lĩnh tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh tích cực nào. Hình ảnh kẻ thù, bất kể ở bên trong như “Do Thái” ở Đức hay “kulak” ở Nga, hay ở bên ngoài, đều là một trong những phương tiện thiết yếu trong kho vũ khí của lãnh tụ toàn trị.

Việc người Do Thái ở Đức bị tuyên bố là kẻ thù trước khi các nhà tài phiệt thế chỗ cho họ cũng chỉ là kết quả của xu hướng bài tư bản của phong trào, chẳng khác gì việc chọn tầng lớp phú nông (kulak) ở Nga. Sự thật là ở Đức và Áo người Do Thái bị coi là đại diện của chủ nghĩa tư bản vì sự thù địch thâm căn cố đế của quần chúng đối với thương nghiệp đã làm cho lĩnh vực này trở thành dễ thâm nhập hơn đối với những nhóm người không có quyền lựa chọn những nghề cao quý hơn. Câu chuyện này cũng cũ như là thế giới vậy: Các sắc dân ngụ cư chỉ được làm những nghề hèn mọn và thế là người ta càng căm ghét họ hơn. Việc chủ nghĩa bài Do Thái và bài tư bản ở Đức có cùng một nguồn gốc là một mắt xích cực kì quan trọng, nó giúp ta hiểu được những sự việc đang diễn ra trên đất nước này; nhưng nói chung, những người quan sát nước ngoài đã không nhận ra điều đó.