Dưới đây là những gì một học giả, nhà
kinh tế nổi tiếng của phương Tây, Friedrich von Hayek, đã viết từ năm 1944.
Page thấy những điều này có thể giải thích rất xác đáng tình hình bầu cử QH với
cơ chế "tiếp xúc cử tri" hiện nay, nên trích đăng để bạn đọc tham
khảo. Bản dịch của dịch giả Phạm Nguyên Trường. Tựa đề do Page đặt.
* * *
Có ba lý do vì sao cái nhóm đông và
mạnh, với những thành viên có quan điểm giống nhau, lại không được hình thành
từ những người tử tế nhất mà thường là từ những phần tử xấu xa nhất của xã hội.
Theo tiêu chuẩn của chúng ta thì cái nhóm như thế chỉ có thể hình thành trên
những nguyên lý hoàn toàn mang tính tiêu cực.
Thứ nhất, những người có trình độ học
vấn và tri thức càng cao thì thị hiếu và quan điểm càng phân hóa, họ khó có thể
thống nhất về bất cứ thang giá trị cụ thể nào. Nghĩa là nếu chúng ta muốn tìm
một sự thống nhất cao về quan điểm thì chúng ta phải tìm trong những tầng lớp
xã hội với tiêu chuẩn đạo đức và tri thức không cao, với thị hiếu và bản năng
nguyên thuỷ và thô lậu. Điều đó không có nghĩa là đa số dân chúng có tiêu chuẩn
đạo đức thấp; nó chỉ có nghĩa là cái nhóm gồm nhiều thành viên với những chuẩn
mực giá trị giống nhau là những người có tiêu chuẩn đạo đức không cao. Có thể
nói chính cái mẫu số chung đạo đức cực kì thấp đã liên kết rất nhiều người lại
với nhau. Nếu chúng ta cần một nhóm tương đối đông và đủ mạnh, để buộc những
người khác phải chấp nhận các quan điểm và giá trị của nhóm mình thì không bao
giờ chúng ta lại tìm đến những người có thị hiếu phát triển cao và phân hóa một
cách sâu sắc. Chúng ta sẽ tìm đến “quần chúng”, với ý nghĩa tiêu cực của từ
này, tìm đến những người kém độc đáo và ít độc lập nhất, những người có thể lấy
số lượng làm bệ đỡ cho lý tưởng của họ.
Nhưng nếu nhà độc tài tương lai chỉ dựa
vào những người có những bản năng đơn sơ và giống nhau thì số người như thế sẽ
không thể đủ để thực hiện nhiệm vụ đặt ra. Hắn sẽ phải tăng thêm số thành viên
của mình bằng cách kết nạp thật nhiều người vào cùng tín điều đơn giản của hắn.
Tiêu chuẩn chọn lựa tiêu cực thứ hai:
Hắn phải tìm được sự ủng hộ của những kẻ dễ bảo và cả tin, những kẻ không có
niềm tin riêng mà sẵn sàng chấp nhận các hệ thống giá trị sẵn có miễn là được
rót vào tai họ một cách liên tục. Chính những kẻ với các tư tưởng mù mờ và được
hình thành một cách dở dang, những kẻ dễ dao động, những kẻ mà tình cảm và niềm
đam mê sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào lại là thành phần đông nhất của các đảng
toàn trị.
Tiêu chuẩn thứ ba, và có lẽ là quan
trọng và cần thiết nhất để một kẻ mị dân lão luyện có tập họp quanh mình một
nhóm cố kết những người ủng hộ. Bản chất của con người là dễ dàng đồng thuận
trên cơ sở một cương lĩnh mang tính tiêu cực - chí căm thù giặc, lòng ghen tức
với những kẻ khá giả - hơn là trên cơ sở một nhiệm vụ mang tính tích cực. Sự
tương phản giữa “chúng ta” và “chúng nó”, cuộc chiến đấu chống lại những kẻ nằm
bên ngoài tổ chức có vẻ như là chất kết dính chủ yếu trong mọi giáo lí, chính
nó sẽ gắn chặt người ta thành một nhóm cho những hành động chung. Những kẻ cầm
đầu muốn săn tìm không chỉ sự ủng hộ về mặt chinh trị mà còn săn tìm lòng trung
thành vô điều kiện của quần chúng đã cố tình lợi dụng cái phần tiêu cực đó
trong bản chất của con người cho mục đích của mình. Theo họ thì các cương lĩnh
tiêu cực có ưu điểm là dành cho họ quyền tự do hành động hơn bất kì cương lĩnh
tích cực nào. Hình ảnh kẻ thù, bất kể ở bên trong như “Do Thái” ở Đức hay
“kulak” ở Nga, hay ở bên ngoài, đều là một trong những phương tiện thiết yếu
trong kho vũ khí của lãnh tụ toàn trị.
Việc người Do Thái ở
Đức bị tuyên bố là kẻ thù trước khi các nhà tài phiệt thế chỗ cho họ cũng chỉ
là kết quả của xu hướng bài tư bản của phong trào, chẳng khác gì việc chọn tầng
lớp phú nông (kulak) ở Nga. Sự thật là ở Đức và Áo người Do Thái bị coi là đại
diện của chủ nghĩa tư bản vì sự thù địch thâm căn cố đế của quần chúng đối với
thương nghiệp đã làm cho lĩnh vực này trở thành dễ thâm nhập hơn đối với những
nhóm người không có quyền lựa chọn những nghề cao quý hơn. Câu chuyện này cũng
cũ như là thế giới vậy: Các sắc dân ngụ cư chỉ được làm những nghề hèn mọn và
thế là người ta càng căm ghét họ hơn. Việc chủ nghĩa bài Do Thái và bài tư bản
ở Đức có cùng một nguồn gốc là một mắt xích cực kì quan trọng, nó giúp ta hiểu
được những sự việc đang diễn ra trên đất nước này; nhưng nói chung, những người
quan sát nước ngoài đã không nhận ra điều đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét