Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Ngô Nhật Đăng: NHỮNG KHOẢNG TRẮNG CỦA LỊCH SỬ

NHỮNG KHOẢNG TRẮNG CỦA LỊCH SỬ 

Tác giả : Ngô Nhật Đăng

Có lần, một sử gia nói với tôi, "Một viên toàn quyền Pháp nói : 'chỉ cần chúng ta nắm vững trường Petrus Ký Sài Gòn và Albert Sarraut Hà Nội cùng với hai ngàn lính là giữ yên được cõi Đông Dương"

Tôi đã đi tìm mà không thể kiểm chứng được câu nói này, nhưng thực tế vào thế chiến thứ nhất, toàn cõi Đông Dương chỉ còn 118 người lính Pháp và một số công chức ít ỏi vì họ phải trở về mẫu quốc tham gia chiến tranh,  Đông Dương vẫn yên bình. Hơn nữa thời kỳ này kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất trong lịch sử với sự điều hành và tham gia đáng kể của người Việt. Đặc biệt là sự ra đời của tầng lớp trung lưu và "tiểu trung lưu thành thị" - khái niệm của ông Henry Cucherusset ( đậm đặc nhất là ở Hà Nội). Mở ngoặc thêm, khi in cuốn “Xứ Đông Dương xưa và nay” của ông Henry Cucherousset viết năm 1925, người Mỹ thêm mấy dòng :

“Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng ở Hoa Kỳ vì nó thuộc phạm vi công cộng ở quốc gia gốc (Pháp) vào ngày 1 tháng 1 năm 1996, với Việt Nam là ngày 23 tháng 12 năm 1998, nó chưa bao giờ được xuất bản ở Hoa Kỳ trước ngày đó. Tác phẩm này có thể vẫn còn bản quyền ở các quốc gia khác". Cũng vậy, cho đến ngày nay nước Mỹ vẫn tôn vinh một người Pháp, Tocqueville, coi ông như là một cẩm nang mỗi khi muốn tìm hiểu về Hoa Kỳ.

Nước Pháp không có mô hình Liên bang, tại sao họ lại áp dụng nó ở Đông Dương? Tocqueville phân tích rằng áp dụng mô hình Liên bang ở châu Âu sẽ thất bại. Họ học gì từ một người Pháp là Tocqueville viết về nước Mỹ? Một bạn trẻ học luật ở Đức nói với tôi rằng, nước Đức đã đọc Tocqueville rất nhiều để xây dựng Hiến pháp của mình. Nước Đức đi theo mô hình Liên bang, thất bại hay thành công?. 

Đông Dương gồm 3 nước, khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa  vv... khó có thể trở thành một Liên bang đúng nghĩa, Liên bang Soviet là một ví dụ điển hình. Nhưng từ khi có Liên bang Đông Dương, các cuộc chiến tranh liên miên giữa Thailand và Cambodia, giữa Cambodia và Việt Nam, giữa Việt Nam và Thailand chấm dứt. Người Pháp làm cách nào vậy? 

Có thể nói, tuy không tuyên bố, mô hình chính trị VN ngày ấy có thể coi là một kiểu "tiểu liên bang" khi người Pháp chia nước ta thành 3 xứ : Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ với một số chính sách khác nhau " Đại đồng tiểu dị".

Địa dư, văn hóa, tập quán, tiếng nói của 3 vùng này có nhiều khác biệt nhưng vẫn nằm chung trong khối dân tộc Việt. Tuy ngữ âm khác nhau nhưng người Việt từ Nam chí Bắc đều hiểu được nhau. Sự "đại đồng tiểu dị" ấy là mảnh đất tốt cho mô hình chính trị liên bang đâm chồi nảy lộc. Văn minh làng xã xưa của người Việt há chẳng phải là một liên bang còn sơ khai? Chế độ thành bang thời Hy Lạp cổ đại cũng không phải là nó.

Những ông Nghị của các xứ Bắc, Trung, Nam Kỳ ngày ấy phát biểu, đấu tranh gì cho quyền lợi của dân xứ mình khi họp Quốc hội?  Họ có phải chỉ là những ông "Nghị gật" như lịch sử và văn học cận đại miêu tả như Nghị Hách, Nghị Quế?  Chúng ta chưa biết. 

Thông gia của ông nội tôi cũng là một ông Nghị viên Bắc Kỳ, ông bị Việt Minh bắt ngay từ năm 45 và chết mất xác trong trại giam, chẳng ai biết ông từng làm gì. Dấu tích còn lại chỉ là cây cầu xi-măng bắc qua sông mà ông đưa hơn 300 lính công binh Nam Kỳ ra làm ròng rã gần 6 tháng. Nghe nói nó cũng đang bị phá đi để bắc cây cầu mới to đẹp hơn. 

Bầu cử Mỹ bỗng nhiên làm cho đông đảo người Việt quan tâm, một sự quan tâm khác thường chưa từng có, khó mà giải thích.

Phải chăng người Việt nhìn thấy một cái gì gần gũi đã bị che khuất bởi những khoảng trắng của lịch sử?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét