Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Cây Đàn Mandoline


US Copy right 2011-Honorable Writing on America 2011


Bài số 3150-28450 vb3032911

Tác giả: Lương Nguyên Thảo

Tác giả từng hành nghề bác sỹ răng-hàm-mặt tại Việt Nam , hiện là cư dân vùng Rancho Cucamonga , Nam California . Với bài viết "American Dream",  Lương Nguyên Thảo từng nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2009. Bài mới  của cô là tự truyện của một người “được sinh ra  vào thời điểm cuộc nội chiến kết thúc,  vậy mà suốt 36 năm qua, những hệ lụy, hậu quả của cuộc  chiến vẫn không ngừng nhức nhối.” Phần đầu bài viết là chuyện thời quê nhà.  Phần tiêp theo là chuyện vào đời, định cư tại Mỹ, cầm lại cây đàn cũ và “tự băng bó, chữa lành vết thương tâm hồn mình.”

***

Với người khác, đàn Mandoline chỉ là một nhạc cụ đơn thuần. Với tôi, cây đàn Mandoline là một phần cuộc đời, vì nó liên quan đến nhiều người, những thầm kín riêng tư, mối tình đầu thơ dại, nỗi đau đớn, chất chứa trong tâm hồn tôi...

Sau nhiều năm không dám cầm đàn, gần đây tôi lại biểu diễn đàn Mandoline trở lại như thời ấu thơ... và có một điều gì đó thôi thúc tôi phải viết về nó. Khi tôi viết những dòng chữ này, mỗi dòng đều hòa lẫn với nước mắt...

Thời thơ ấu gian khổ

Đó là dạo những năm đầu thập niên 1980, gia đình chúng tôi mới từ khu kinh tế mới trở về thị trấn quê nhà, một vùng ven biển. Lúc đó tôi  khoảng 06 tuổi. Chúng tôi ở nhờ tạm trong một căn nhà  xập xệ,  cũ nát, mỗi lần trời mưa là khổ sở, tìm chỗ ngủ... Gia đình tôi lúc bấy giờ có chín anh chị em, tôi là út.

Bố tôi  trước 1975 là một hạ sỹ quan hải quân Việt Nam Cộng hòa, Mẹ tôi buôn bán tạp phẩm. Nhìn những tấm ảnh trắng đen chụp hồi xưa, tôi cũng mường tượng là lúc trước gia đình tôi cũng có một đời sống không đến nỗi vất vả... tôi nhớ trong nhà có những tấm ảnh bố tôi  mặc đồ hải quân rất đẹp, gương mặt cương nghị, trán rộng, mắt sáng... Mẹ tôi mặc áo dài ngồi trên chiếc xe vespa, còn các anh chị tôi thì mặc áo đầm, người mặc tuxedo, mang giầy tây... những phục sức  xa xỉ  mà đến thời tôi có nằm mơ cũng không có. Nhưng khi tôi lớn lên thì hình ảnh bố mẹ tôi không còn như xưa nữa.

Bố tôi làm nghề đạp xe ba bánh, say xỉn suốt ngày, thường xuyên đánh đập mẹ và chúng tôi. Tôi rất ghét ông. Vì ở trong trường học, người ta dạy tôi ông là "ngụy", là "xấu"... mẹ tôi thì suốt ngày gánh hàng rong tần tảo ngoài đầu đường xó chợ, ít để ý đến chúng tôi... có chăng chỉ là những lời quát mắng, gắt gỏng. Lại thêm ông anh Cả  đi vượt biên không thành, thường trút giận lên mấy đứa em, cứ thẳng tay đánh đập, hành hạ chúng tôi.

Có những lần tôi bị đánh túi bụi bằng roi, nhốt vào phòng tắm dơ bẩn với những con chuột cống ghẻ lở, bỏ đói cả mấy ngày-sau này theo học ngành Health Care, tôi mới biết đây cũng là một dạng abnormal psychology.....

Nhà anh em đông, nhiều miệng ăn, nên chúng tôi bị đói quanh năm. Có khi chúng tôi  nhịn ăn cả tuần, trong nhà đến lũ chuột còn gầy giơ xương. Sự túng thiếu, khổ sở làm mọi người quẫn trí... ngày nào trong nhà cũng vang lên tiếng chửi rủa, đánh đấm...

Lúc đó tôi là một con bé gầy gò, đen đủi, xấu xí, đầy mặc cảm, tự ti... vì sống trong bối cảnh này, tôi rất cô đơn. Chúng bạn trong xóm không thích chơi với tôi vì tôi nói giọng pha Bắc... chúng cho là "Bắc kỳ", còn vào trường học thì lại bị bạn mới ngoài Bắc vô cho là "con ngụy", dân "miền Nam", thấy tôi từ xa là chúng chế nhạo "Ê! con bà bán rau...ê!, con ông ba bánh".

Phải nói trong cái xóm nghèo đó, nhà tôi nghèo kinh khủng. Đến thập niên 90 mà còn đốt đèn dầu, mà dầu còn không có mà  đốt. Nên mỗi lần học bài, chúng tôi phải tranh thủ học nhanh, để dành dầu...

Món quà tuổi thơ đầu tiên

Trong nhà tôi lúc đó chỉ có hai món đồ đáng giá: một cây đàn guitair classic rất đẹp của anh Cả tôi, và một cái máy quay dĩa hát cũ với một vài đĩa hát to đùng... của bố mẹ thời trước 1975. Đói khát thế chứ anh em nhà tôi thích đàn hát lắm.

Mỗi tối sáng trăng, anh Cả tôi chơi classic guitar, chị Hai tôi hát mấy bản nhạc êm đềm, khác với những bài hát mà tôi được học ở trường. Sau này qua Mỹ, gia nhập Việt Bút, tôi thấy các anh chị cũng hay nhắc đến những bản nhạc này như "Ngày Xưa Hoàng thị","Con đường tình ta đi"... khác với mấy cái bài hát tuyên truyền mà chúng tôi gào khản cổ ở trường học.

Thời bố mẹ tôi còn sung túc, anh Cả tôi được học classical guitar với những danh cầm có tiếng ở Sài Gòn, nên anh  ta chơi rất giỏi... tôi ngồi nghe say mê, những bản nhạc  cổ điển "Romance", "Recuduoers de la Alhambra", "Cannon D Major"... anh đi rất nhuần nhuyễn.

Lúc đó tôi chỉ mới 6 tuổi,  nhưng đã thuộc làu làu những bản nhạc khó này, thường ngân nga hát theo. Tuy cùng nhau đàn hát nhưng anh Cả  không thích tôi, hay nói chung không thích ai cả. Tôi thì rất mê cây đàn guitar cuả anh,  nhưng anh không bao giờ cho tôi đụng tới. Một lần  tưởng anh đi vắng, tôi mon men lại gần cây đàn, lấy tay khẽ một cái... không ngờ anh ta nhìn thấy... túm tóc tôi, quăng đầu tôi vào tường đến tóe máu.

Trong gia đình, có lẽ người anh trai giữa là thương tôi nhất. Anh tên Lương Xuân Mạnh, hiền lành, học giỏi... anh có vẻ đẹp của người thanh niên  hiền hậu. Đến nỗi sau này khi tôi vào đại học, ép hình anh vào sách học, chúng bạn thấy cứ trêu chọc tôi "Nguyên Thảo ơi! cho mình làm chị dâu bồ nha!".

Anh thi đỗ vào đại học Bách khoa, rồi không hiểu bị trục trặc giấy tờ hộ khẩu gì đó, anh không đi học ở Sài Gòn được, phần thì nhà tôi cũng không có tiền cho anh học, anh đi làm phu đường, làm bốc vác.... rồi anh làm nghề sửa xe đạp, bán thuốc lá dạo dọc bờ biển quê nhà tôi. Sau này tôi mới hiểu là người ta kiếm cớ, không cho con cái ngụy quân ngụy quyền học hành tiến thân.

Dạo đó người dân ở các tỉnh khác đổ xô về quê nhà tôi để vượt biên, nên nghề bán thuốc lá dạo ở bãi biển của anh cũng rủng rỉnh đồng ra đồng vào. Một hôm anh về nhà sớm, gọi tôi giọng reo mừng "Nguyên Thảo! ra xem anh mua cho em cái này!"- Anh lấy từ bị cói đựng mâm thuốc lá ra, một cây đàn hình bầu, gỗ màu vàng tâm, bóng lưỡng...

Tôi mừng rỡ khôn xiết "Đàn gì vậy anh" Không giống đàn của anh Cả"- Anh tôi nói "Đàn Mandoline em ạ... "-Nhưng mà mình đâu có biết chơi đàn này. " Hình như bố biết... để anh mua sách tự học rồi chỉ cho em.

Anh dạy tôi những note nhạc đầu tiên,  tôi học rất mau thuộc... rồi tôi tự mày mò lấy đánh những bản nhạc Liên Xô thịnh hành như "Chiều Maxtcơva", "Đôi bờ"...

Một ngày nọ, một người bạn cùng lớp của anh đến nhà tôi chơi... anh ta họ Đặng, tên Thanh Liêm, đang theo học khoa kèn  trên nhạc viện  Sài Gòn. Đúng lúc đó có hai con chim đang hót trên ngọn cây dừa, nghe chúng ríu rít với nhau... tôi chạy vào khảy dây đàn Mandoline ra những âm thanh  giống y hệt tiếng chim hót.

Tôi nghe anh Liêm nói với anh Mạnh tôi:

- Nguyên Thảo nhà cậu có năng khiếu âm nhạc lắm đấy. Đem đến cho ông già mình đi.

- Nhà mình không có tiền cho em mình học đàn đâu cậu ơi! Anh tôi trả lời.

- Không sao" Ánh Nguyệt em gái út  mình nó cũng đi Sài Gòn học khoa  piano ở nhạc viện, nhà vắng vẻ... ông già mình mà thấy đứa nào có năng khiếu rất thương, không lấy tiền đâu.

Sang tuần, tôi được anh trai tôi và người bạn đem đến  một ngôi nhà lợp tôn nhỏ, có  cây xoài rợp bóng... tôi không ngờ kể từ lúc  tôi bước chân vào ngôi nhà này, nó đã ảnh hưởng đến tâm hồn, cuộc đời tôi về sau này.

Nhà họ Đặng có 3 người con trai, và một người con gái út hơn tôi vài tuổi. Chị có tên cúng cơm ở nhà là "bé Thảo", trùng với tên tôi.. ba mẹ chị cưng chiều và nhớ chị lắm từ khi chị đi học nhạc viện trên Sài gòn  xa nhà nên họ dành tình cảm đó cho tôi.

Mỗi buổi sáng, cứ nghe chương trình phát thanh quân đội nhân dân, vì nhà không có đồng hồ, nên  tôi biết đó là 06 giờ sáng...tôi đi bộ cùng với anh trai tôi, anh đi ra biển bán dạo, còn tôi vào nhà họ Đặng học đàn. Chúng tôi làm nên một hình ảnh dễ thương nơi thị trấn biển quê nhà tôi, một con bé gầy gò chưa đầy 07 tuổi, mặc quần yếm, cắp đàn Mandoline đi cạnh một thanh niên khôi ngô ôm mâm thuốc lá. Cứ 06 giờ rưỡi sáng là tôi có mặt trước cổng nhà thầy dạy đàn, réo gọi "Thầy ơi, mở cổng"- Rồi tiếng thầy tôi trả lời "Ui! Ra ngay, ra ngay". Tôi ở đó đến trưa, anh ghé vào đón tôi ra biển... và  anh em chúng tôi cũng vẽ lên một bức tranh ngộ nghĩnh nơi bãi biển quê nha... một con bé 06 tuổi gầy gò, mảnh khảnh, tóc khét nắng, mặc cái quần yếm ngắn cũn cỡn, ngồi tập đàn và một thanh niên tuấn tú, cắp mâm thuốc lá đi bán dạo. Khi nào vãng khách thì anh dạy tôi học bài, làm bài... Hôm nào bán ế thì chúng tôi nhịn bữa trưa... còn hôm nào mua may bán đắt thì  chúng tôi  có bữa trưa, khi thì củ khoai, khi thì trái bắp, vì anh còn để dành tiền đem về cho mẹ đong gạo... tôi nhớ là lúc đó rất thèm thuồng những cái bánh rán có con tôm, con cua vàng rộm được những người hàng rong gánh bán dạo... thỉnh thoảng tôi lại được xem những trò xiếc điệu nghệ của những bạn hàng bán đậu phộng, họ để thúng đậu phộng rang đội lên đầu, dang hai tay ra và đạp xe đạp đi vèo vèo...

Thầy ở nhà may đồ, dạy đàn, vợ thầy có quầy bán hàng quần áo ngoài chợ. Đối với cảnh nhà tôi bấy giờ thì nhà thầy thuộc hàng giàu có. Thầy rất nóng tính, đi sai một note nhạc, sai một nhịp,  là nhéo lỗ tai, quăng bút, quăng thước tới tấp.  Tôi thuộc loại "lì đòn", giỏi chịu đựng nên trụ lại được hơn hai  tháng... các học trò khác bố mẹ họ xót con, cho nghỉ hết ráo. Tôi tập luyện rất chăm chỉ... chỉ trong vòng 03 tháng, tôi chơi được những bản etude chạy ngón khó cuả Mozart, Johann Sebatiens Bach, Malzac... một bản nhạc Rondo  mới quăng ra chỉ một tiếng sau là tôi thuộc làu làu... ngoài ra tôi còn có khả năng kí âm rất tốt. Một học trò cũ của thầy học khoa piano ở nhạc viện về nghỉ hè, đến học thêm kí xướng âm... tôi hoàn toàn mù tịt về đàn piano, thầy đánh tập cho chị ta bản nào, tôi đọc lại note lại vanh vách, còn phân biệt đươc hợp âm trưởng, thứ....

Một hôm ngồi đun nước cho thầy sau bếp, tôi nghe  thầy nói với người con trai thứ ba, anh Đặng Công Cẩn, học khoa cello ở nhac viện Sài Gòn,về nghỉ hè:

- Nguyên Thảo là một tài năng âm nhạc bẩm sinh- Ba muốn đưa nó đi thi nhạc viện.

- Ba hỏi ý Mẹ chưa" Nhà Xuân Mạnh nghèo lắm, không có tiền chuẩn bị cho Nguyên Thảo luyện tập và chi phí ăn ở ở Sài Gòn đâu"

- Để Ba sắp xếp, con đừng nói chuyện này với Mẹ con.-Tìm cho Ba một người bạn học năm cuối khoa classical guitar, chơi Bach giỏi giỏi, rủ về đây tắm biển, nghỉ hè... để đệm cho Nguyên Thảo.... Nguyên Thảo nó chưa đầy 7 tuổi đầu chứ nó chơi nhạc Bach có hồn lắm... nó được sinh ra để chơi Bach đấy.

Một trong 4 bản nhạc tôi  chuẩn bị dự thi, tôi thích nhất bản "Concerto Innovation N0 13" của Johann Sebatien Bach... Những tác phẩm của Bach ngoài  đòi hỏi kỹ thuật đi ngón điêu luyện, không réo rắt, trong trẻo như Mozart, không đớn đau, day dứt như Beethoven, Chopin... nhưng rất sâu lắng, chất chứa  nỗi u hoài. Có lẽ vì gia cảnh ,nên tâm hồn tôi phù hợp với nhạc của Johann Sebatiens Bach.

Tôi tập luyện say mê để chuẩn bị dự thi. Vì ăn uống không đủ... một hôm tôi đang đàn thì gục xuống ngất đi.-Thầy biết tôi bị đói...từ đó mỗi sáng tôi đến học đàn thầy đều pha cho tôi một ly sữa đậu nành và cho tôi một cái bánh ăn tạm. Rồi sau này, thầy dấu vợ thầy... cho tôi ăn cơm trưa. Tôi thành con nuôi của thầy. Tôi nhớ mãi những bữa cơm ở nhà thầy, món thịt kho rất ngon... đến nỗi sau này vào trường Y, ăn cơm ở ký túc xá Ngô Gia Tự...tôi cứ hay gọi món này. Tôi chưa thấy ở đâu có món thịt kho ngon như ở nhà thầy, có lúc tôi cứ nhai hoài, không dám nuốt. 

Khoảng 03 tháng sau khi học đàn nhà họ Đặng, đến khi tôi tròn 7 tuổi, thầy đưa tôi đi Sài Gòn thi nhạc viện. Bố Mẹ tôi bận cãi nhau, không ai để ý gì đến điều này. Chỉ có lúc Bố tôi tỉnh rượu, cắt cái khăn quàng đỏ, nối vào cái quần yếm tôi mặc đã chật để đi thi... anh Mạnh khâu cho tôi một cái túi nhỏ để đựng một ít tiền anh bán thuốc lá... Tôi được thầy dắt lên Sài Gòn, ở ký túc xá trường Quốc gia âm nhạc với các con thầy. Những ngày ấy tôi thật sung sướng... chị con gái út thầy về quê ngoại ở Trà Vinh, 03 anh con trai thầy thay phiên nhau đạp xe chở khắp ngang cùng ngõ hẻm ăn quà rong ở Sài Gòn... nhà thầy còn giữ tấm ảnh trắng đen tôi phúng phính miệng ăn xôi, muối  mè dính đầy hai má.

Thầy thuê anh Lưu Hồng Phúc, học khoa guitar và sáng tác... đệm guitar cho tôi lúc thi. Tôi nghe anh nói với thầy và các anh:

- Nhạc viện mà không nhận cô bé này là  thiếu sót  lớn... -nó chạy etude của Malzac tốc độ cực kỳ... cháu  thấy mấy đứa năm cuối khoa Mandoline  của nhạc  viện còn chạy không lại nó- cháu rượt theo nó vất vả -hay bản etude cung Sol trưởng cuả Malzac để Nguyên Thảo độc tấu một mình, dễ thuyết phục  hội đồng giám khảo hơn... cháu đệm 03 bản kia. Bác nói đúng, Nguyên Thảo nó chơi nhạc của Bach rất có chiều sâu.

Thường mỗi thí sinh chỉ được trình tấu 3 bản nhạc. Thí sinh nào bị đi ra sớm, có nghĩa là chưa chơi hết bản đầu tiên, hội đồng thấy không đủ khả năng theo học... mời ra. Tôi ngồi cạnh một cậu bé hơn tôi vài tuổi... nghe cậu ta tremolo và đi ngón, tôi thầm nghĩ "đàn như vầy mà dám đi thi nhạc viện".

Tôi bước vào phòng thi... gầy gò, tóc cháy nắng, bộ quần áo yếm cũn cỡn sắp rách, trông tôi chắc ngô nghê lắm. Trưởng bộ môn hỏi tôi:

- Con ở Vũng Tàu hay ở Côn Đảo"

- Dạ... cháu ở Vũng Tàu.

- Con là em gái của Đặng Thanh Liêm  à"

 Có lẽ mấy hôm nay vị giám khảo này nhìn thấy anh em nhà họ Đặng chở tôi đi tới đi lui lên nhac viện làm thủ tục đi thi nên hỏi vậy. Tôi lúng túng: “...Ồ không" Cháu không phải...” -Đối với tôi, nhà thầy dạy đàn tôi là gia đình quí tộc.

Tôi mở đầu bằng tác phẩm chạy etude của Malzac...kết thúc bản nhạc..tôi thấy họ nhìn tôi có vẻ kinh ngạc. "Con tập đàn lâu chưa" "-"Dạ...chưa đầy một năm"-Tôi đáp.

Tôi chơi bản thứ hai, tác phẩm "Invention No 13 "của Johann S.Bach- Tôi say sưa, quên là mình đang thi, tôi chỉ thấy những buổi sáng trăng... anh trai tôi và tôi ngồi hòa đàn với nhau. Tôi nhìn thấy dáng Mẹ xiêu gầy quầy hàng rong đầu đường cuối chợ... thấy dáng anh cao gầy bưng mâm thuốc lá dọc bãi biển... nhớ những tháng ngày đói khát cùng cực dạo nhà tôi mới về từ vùng kinh tế mới... những đêm đen trời tối như mực anh em tôi sợ hãi những trận đòn tàn bạo của bố và anh Cả. Vẻ đẹp thanh khiết của chị Hai bị vùi dập bởi những tên cán bộ lưu manh...

- Chơi thêm một bài của Bach nữa!- Trưởng bộ môn la lớn.

Anh Hồng Phúc và tôi bất ngờ... chúng tôi không chuẩn bị thêm bản nào của Bach. Tôi đành chơi hai bản còn lại, một của Mozart, một của Hayden...

Được trình tấu tới 04 bản... thầy và các anh con trai mãn nguyện... chắc chắn tôi được nhận. Các anh dắt tôi đi Vĩnh Long chơi, quê nội của nhà họ Đặng. Nếu được nhận, với chế độ bao cấp, tôi sẽ được nhà nước nuôi, nhà tôi cũng đỡ đi một miệng ăn, nên bố mẹ tôi cũng bắt đầu chú ý đến việc tôi chơi đàn.

Một tháng sau,...tôi được nếm trải bài học đầu đời của nhà nước XHCN.

- Họ không nhận...-Anh Phúc báo là họ nhận thằng Dương, cháu của Quang Hải, giám đốc nhạc viện. Con còn nhớ cái thằng nhỏ ngồi cạnh con lúc chờ thi không"-Với lại họ nói con không có hộ khẩu.-Thầy nói giọng trầm buồn.

- Trời ơi... Nó đàn mấy cái bài dễ ẹc à! -tôi sửng sốt.

Sau này tôi có nghe các anh kể  là cậu ta vào học một năm đã chịu không nổi chương trình luyện tập khắc nghiệt, tự ý thôi học.

Tôi bắt đầu đi biểu diễn  các bản nhạc popular lung tung ở tỉnh nhà, nhận được nhiều tiếng hoan hô, hoa quả, quà bánh... các bậc cha mẹ dắt con tới nhà thầy học đàn rất đông, nhà thầy không đủ chỗ, thầy dạy không xuể... tôi bắt đầu phụ thầy dạy đàn. Tuy được khen ngợi, tung hô trên sân khấu, nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng việc không được nhận vào học nhạc viện ở Sài Gòn, tôi vẫn khao khát được biểu diễn các tác phẩm cuả Bach trên một sân khấu thính phòng hàn lâm.

Những năm 1980, thời đó Việt Nam có chính sách "ngăn sông cấm chợ", không cho thuyên chuyển thực phẩm... chị tôi đang học y sỹ ở Vĩnh Long... đã rủ chúng tôi đi "buôn lậu" dầu gió kim, đường cát, sữa Ông Thọ... mẹ tôi bắt đầu tập tành bán thuốc tây lậu... Mẹ và chị nhét đầy thực phẩm, thuốc tây  vào lỗ hai cây đàn... hai anh em chúng tôi ôm hai cây đàn qua mặt cảnh sát công lộ dễ như bỡn... Cây đàn Mandoline của tôi trở thành phương tiện "buôn lậu" để mưu sinh.

Năm tôi học lớp 11, nhà thờ quê nhà thiếu người kéo violin... thầy bắt đầu dạy tôi nhạc cụ này... Violin là loại nhạc cụ sang trọng, quí tộc, tôi không bao giờ dám mơ tới mình có thể mua cây đàn này. Vì tự học ở độ tuổi muộn (muốn chơi violin giỏi phải bắt đầu học ở độ tuổi 03-05 tuổi) và không có đàn luyện tập thêm ở nhà, nên tôi chơi violin không giỏi bằng Mandoline.

Nhà thầy phải lo cho các anh sang du học ở  nhạc viện bên Nga, nên tình hình tài chính cũng không dư dả để lo cho tôi ... Với lại thấy tôi quá mê mải chuyện học nhạc, Mẹ tôi gọi tôi về nhà để ôn bài thi Đại học, nên tôi thôi không làm con nuôi nhà họ Đặng nữa...

Nhưng việc không thể đến nhà thầy nữa làm tôi rất buồn... vì ngoài nhà thầy ra, tôi không còn chỗ nào để đi và tránh cái gia đình như địa ngục cuả mình.

Bố tôi mất năm tôi học lớp 09, chúng tôi bớt đi những trận đòn  bạo hành, vũ phu. Nhưng người anh Cả vẫn tiếp tục  đánh đập chúng tôi tàn nhẫn... Sang năm học lớp 12, tôi vùi đầu vào sách vở, sửa soạn lo thi đại học Y dược. Đây cũng là lúc anh Mạnh tôi bắt đầu chớm bệnh tâm thần... anh bị trầm cảm... chỗ anh bốc vác có người bạn học cũ cùng lớp lúc trước  hay chép bài cuả anh, học kém hơn anh, nay làm đội trưởng cảng, thường xuyên hiếp đáp anh, làm anh bất mãn. Tội nghiệp anh, hàng ngày đi bộ hàng mấy cây số ra cảng vác gạo... anh vẫn nhặt gạo rơi ở bến tàu, dấu trong hai ống quần, lấy dây cột túm hai ống dưới... lội bộ về nhà. Anh cứ cóp nhặt ròng rã như vậy cả năm... Mẹ tôi  đựng gạo trong cái thùng quân dụng trươc 1975 cuả bố tôi... chúng tôi không phải sợ đói, thiếu gạo như trước...

Cây đàn bị bỏ quên

Tôi đỗ Đại học Y dược với số điểm khá cao, lên Sài Gòn ở ký túc xá Ngô Gia Tự... xa cái gia đình kinh khủng cuả mình... Anh Mạnh tôi bắt đầu rơi vào cơn trầm cảm nặng, hay nằm dài ngủ li bì hoặc đi lang thang ngoài đường.  Anh phải uống Halo, một loại thuốc điều trị tâm thần hạng nặng... nếu như lúc đó tôi có kiến thức Dược lý học của sinh viên Y năm thứ Tư, tôi sẽ không cho chị tôi điều trị anh bằng loại dược phẩm này. Đây là loại thuốc có tác dụng phụ gây suy thận rất nặng.

Một lần tôi về nhà nghỉ lễ... không thấy cây đàn Mandoline treo trên tường. Chị tôi nói, "Mạnh nó lên cơn - đập bể rồi. Tội nghiệp.... sau đó nó tỉnh, nó sợ Thảo đi học Sài Gòn về không thấy đàn... nó cứ ngồi kiếm cách dán lại, mẹ thấy tội nghiệp nó quá, nên đốt luôn rồi. Mà thôi Nguyên Thảo lớn rồi, ai lại chơi đàn Mandoline".

Cây đàn Mandoline là bạn lâu năm cuả tôi... cây đàn đó xuất xứ từ Pháp, bộ khóa rất tốt... sau này qua Mỹ tôi tìm mua lại đàn Mandoline, chưa thấy cây nào có âm thanh hay như cây đàn anh mua từ tay ông nhạc công người Pháp đi dạo bãi biển quê nhà tôi lúc đó, ông ta túng tiền nên bán nó cho anh. Tối đó tôi rất buồn... thầm trách mẹ sao không giữ cây đàn lại.

Năm tôi học năm thứ Ba, anh Mạnh trở bệnh nặng, phải nhập viện nhà thương tâm thần Biên Hòa... cha một người bạn học cùng khóa là  giám đốc bệnh viện này... người bạn này kể lung tung với các bạn ở ký túc xá...  Trong giảng đường bạn bè tôi bắt đầu xầm xì bàn tán. Biết họ bàn tán về anh em mình, tôi càng thu mình, lặng lẽ, cô độc... đi thực tập lâm sàng cũng thui thủi một mình. Tôi rất sợ những cuộc hẹn hò, luôn chặn đứng những tia nhìn "bất bình thường" trong giảng đường hay đem trả lại những bài thơ tình ướt át ép trong sách cuả tôi....vì tôi sợ những hệ lụy sau đó... họ sẽ đòi về quê tôi, sẽ gặp mẹ, gặp anh...

Sang năm thứ Tư, tôi cũng chẳng bồ bịch với ai... Sống cô độc khiến tôi bị rơi vào những cơn trầm cảm, thường xuyên mệt mỏi, không còn ham thích học bài, tôi bị mất học bổng, tôi cúp giờ lý thuyết giảng đường, bỏ cả thực tập bệnh viện.

- N.M không ngờ Nguyên Thảo ngày càng tệ hại như vậy... nhớ hồi vào năm nhất, M. rất tự hào đươc làm bạn với NT...N.M nhìn danh sách những người đỗ đầu tò mò NT là ai" Rồi N.T trổ biết bao nhiêu là tài lẻ, đoạt quán quân cờ vua, đánh đàn thật hay... vậy mà bây giờ... NT thật là lụn bại, thê thảm... Bộ môn "Dịch tễ học" dán lịch cấm thi những sinh viên cúp cua nhiều lần rồi đó!- N.M bạn cùng tổ tôi gay gắt với tôi ở ký túc xá.

Tôi nhắm nghiền mắt, thều thào:- Mặc kệ mình... Về phòng N.M đi... để cho mình yên.

Ký túc xá vào mùa thi học phần cuối năm, các bạn cùng lớp xúm vào đánh trắc nghiệm môn Dược lý học ngoài hành lang. Tôi nghe loáng thoáng:

- Ê, phần thuốc điều trị tâm thần  để hỏi Nguyên Thảo, nó nhớ tên biệt dược giỏi lắm, với lại anh nó bị bệnh này mà...

Tôi mím môi, giật sập cửa phòng.

*

Chỉ còn ba ngày nữa thi môn Dược lý, và hàng loạt các môn sau đó. Tôi uể oải đi lên lầu trên giành cho các sinh viên Dược tìm mua mì gói... ngang qua một căn phòng đề chữ "có bán mì gói", tôi gõ cửa. Người mở cửa là một cô bạn trạc tuổi tôi... không đẹp nhưng khuôn mặt nhân hậu, với nụ cười tới mang tai. Tôi mua mì, xin một ít nươc sôi, ăn xong hể hả cười cám ơn...tôi thấy cô bạn đang mày mò tập đánh đàn Mandoline...

- Cho mình mượn chơi một chút xíu.-Tôi nói- rồi ngồi chơi hết bản nhạc này đến bản khác.

- Bạn biết đờn cải lương không"-cô bạn hỏi tôi-”À, biết...mình biết đánh quan họ nữa...” tôi ngồi chơi say sưa..

Chúng tôi làm quen nhau. Tôi giới thiệu tên mình. Cô ta nhoẻn miệng cười: -Khỏi nói... mình biết bạn rành lắm, bạn là Lương Nguyên Thảo khóa 9X đúng không" -Mình thích cặp mắt của bạn ghê...bạn có đôi mắt biết nói-

Lúc bấy giờ tôi chưa bị cận thị.-Mình nhớ hồi năm nhất hội diễn văn nghệ...bạn đánh đàn hay ghê... sao sau này không nghe bạn chơi đàn nữa.

- Còn mình thích nụ cười cuả bạn...tôi nói với H.V.

Sau này chúng tôi thân hơn gọi nhau bằng "mày, tao" hay nhắc lại lúc mới làm quen sao mà lịch sự.

H.V có cả đàn guitar... thế là mỗi buổi tối, tôi lên phòng H.V chơi, đệm cho H.V hát. H.V hát rất hay... chúng tôi hòa nhạc với nhau... dưới khu nam có người huýt sáo theo. Sau này tôi về tỉnh nhà làm việc, H.V vẫn còn ở lại ký túc xá học cao học... nó kể mấy anh hỏi "Sao không nghe tụi em hát nữa"---" Nhạc sỹ đệm đàn về quê rồi"-HV trả lời.

Từ ngày chơi đàn cho H.V hát, tôi say mê học tập trở lại... thỉnh thoảng H.V chở tôi ra nhà anh chị bạn ăn cơm... một số bạn trong ký túc xá biết tôi chơi Mandoline giỏi... các bạn rất thích..hay rủ tôi ra nhà ngoài chơi cho người thân họ nghe và đãi tôi những món ngon...

Tôi cũng bắt đầu hẹn hò, một chàng bác sỹ nội trú, anh chàng mời tôi đến một nhà hàng thức ăn Pháp sang trọng, có nhạc thính phòng... tôi gọi món  rare steak Napoleon; sử dụng dao nĩa vụng về, tôi cắt một phát máu văng đầy mặt anh chàng và tôi.... sau biết anh chàng  là con  một vị bác sỹ có chức sắc cuả bệnh viện B.D--tôi lặng lẽ rút lui.

Cái chết của anh

Tôi ra trường, về bệnh viện thành phố quê tôi làm việc. Để có một biên chế nơi bệnh viện công, chúng tôi phải trả giá đắt. Không những phải xin làm công không, không một đồng lương, mà còn tối ngày đem tiền bỏ phong bì biếu xén cửa này cửa nọ.

Anh Mạnh tôi bắt đầu có triệu chứng thận suy, phù  phổi cấp... tiền bạc trong nhà đều dồn hết cho tôi đi đút lót, hối lộ. Cuối tuần tôi đi dạy kèm thêm các em học sinh ôn thi đại học... Anh bị bệnh mà vẫn còn thông minh lắm...dạo đi học anh là học sinh giỏi toán. Có hôm tôi bận đông bệnh nhân về mệt quá... tôi giải bài cho các em không kịp..nhờ anh làm giúp... anh có cách giải rất ngắn gọn, nhiều bài toán lượng giác hóc búa, anh biết cách chuyển qua dạng toán vector, chêm tọa độ gốc... bài giải chỉ vài dòng.

 Là "lính" mới, nên tôi bị đì sói trán... chiều đi làm về mệt lả... tôi không phụ giúp gì Mẹ và chị chăm sóc anh. Tôi không biết là anh thích đi vào bệnh viện nhìn tôi làm việc. Những ánh mắt thương hại cuả đồng nghiệp và tò mò cuả bệnh nhân làm tôi khó chịu.

- Sao mẹ không khóa cửa phòng chặt lại để anh đừng đi ra ngoài! Bệnh nhân lúc này rất là đông, kiện cáo tối ngày... con cần phải tập trung làm việc- Tôi bực bội nói với Mẹ vào bữa tối mới đi trực về.

- Trời nóng bức quá...mẹ thả nó đi ra ngoài  biển chơi cho mát...Mẹ có dặn nó đừng vào bệnh viện, để em  làm việc đấy chứ.

Tôi nhìn mẹ, nhìn anh ngồi hiền lành nơi bậc cửa... lòng xót xa ân hận... anh lúc nào cũng nhìn tôi trìu mến.

Anh hay có những đợt tràn dịch màng phổi, thận suy nặng, những cơn huyết áp tăng đột ngột làm anh ngất lịm. Anh phải nhập viện điều trị nội trú. Có hôm tôi ngồi phòng thủ thuật quá đông bệnh nhân, quên đi mua bữa trưa cho anh, anh đói quá, nghe bạn tôi kể lại anh gào la om sòm... có hôm trong túi tôi chỉ còn hai ngàn đồng, đủ mua cho anh một chén cháo trắng ở canteen bệnh viện.

Xếp phòng mổ đề cử  tôi với Sở y tế  đi học thêm phẫu thuật hàm mặt... tôi càng lao đầu vào phòng mổ... làm việc thêm giờ để lấy tiền quà cáp, biếu xén, cuối tuần lo đến nhà  ông này bà nọ, tôi  tham gia tiệc tùng, ăn nhậu... bỏ mặc anh cho Mẹ chăm sóc...
Một buổi trưa, tôi đeo găng tay chuẩn bị làm thủ thuật một nang niêm dịch... nhìn đồng hồ sắp 12 giờ... tôi thầm nghĩ "ca này nhanh thôi"... chuông điện thoại bàn trực tôi réo lên hai hồi... nghĩ  bên khoa ngoại gọi nhắc họp hội chẩn... tôi tiếp tục gây tê, rạch dao. Chuông điện thoại réo liên tục... tôi khâu đóng thì cuối, ký toa, dặn dò bệnh nhân xong... tôi đi xuống canteen định mua bữa trưa cho anh... thấy một vài ánh mắt ái ngại của các bác sỹ dọc hành lang... Linh cảm thấy có điều gì không hay, tôi vội vã rảo bước xuống  phòng cấp cứu.

- Mình xin lỗi...không ngờ hôm nay lại đúng ca trực cuả mình- BS Trang, bạn  tôi thầm thì- Mong Nguyên Thảo thông cảm... mình đã cố gắng ổn định huyết áp... nhưng suy hô hấp, suy thận nặng quá!- Vào với anh ấy đi...anh ấy đợi bồ vuốt mắt cho anh ấy đấy!

- Anh mình có trăn trối gì không - Tôi nghẹn ngào

- Anh ấy nói anh ấy thèm một bữa ăn ngon ở nhà hàng...anh ấy nói anh ấy thích dắt Nguyên Thảo đi ra biển chơi...anh ấy ước có nhiều tiền để mua cho Nguyên Thảo một cây đàn Mandoline mới.-Bộ Nguyên Thảo biết chơi đàn Mandoline à" -Trang hỏi tôi...

Tôi ôm mặt khóc nức nở.

Tôi vuốt mắt anh, anh nằm thanh thản, bình yên, khuôn mặt thánh thiện, hiền hậu... vẻ đẹp khôi ngô tuấn tú. Anh chết trẻ, mới ngoài 30 tuổi, chưa hề hẹn hò  một cô gái nào.

Tôi đem anh đi thiêu ở lò thiêu Long Hải. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ... một thanh niên cao hơn 1m 7 như anh hóa thành tro bụi. Tôi vòng ra phía sau hốt tro anh vào hũ, những mảnh xương hóa tro vẫn còn hình hài giải phẫu, xương đùi là mảnh cuối cùng tôi hốt. Anh cao nên xương đùi rất dài... sau này qua Mỹ học lại môn Anatomy... tôi cứ cầm cái xương femur tần ngần ngắm mãi.

Để quên đi một niềm đau, cách tốt nhất là lao đầu vào làm việc. Tôi “đăng ký” trực thay xếp... xếp đang xây biệt thự, càng khoái. Vì làm việc quá sức..tôi suýt nữa phạm sai lầm trong một ca cấp cứu chấn thương hàm mặt.

Toàn, một người bạn khóa trên thời sinh viên  ghé thăm tôi. Anh mời tôi ăn trưa, một nhà hàng bán món Tây  gần bãi biển;

- Thấy chữ ký của em trong bệnh án chuyển viện, anh hết hồn... không phải ngày của mình, mai mốt em đừng có dính vô.

- Anh ở thành phố, luật lệ rõ ràng.. em ở tuyến tỉnh.... phải biết điều, thế này thế nọ, không như trên anh đâu - Tôi mệt mỏi ...tôi định đay nghiến anh "Sao dạo này anh không ca bài ca vì nhân dân quên mình, hết lòng  phục vụ  nhân dân  nữa..."may sao tôi kềm lại được.

- Thấy Nguyên Thảo mệt mỏi quá... sao em không xin nghỉ phép - Toàn nhìn tôi ái ngại

- Khoa không còn ai. Hai BS kia nghỉ đẻ, trưởng khoa xin nghỉ phép xây biệt thự...-Tôi gọi món salad trộn, một chén cơm chiên và một chén súp đậu.

- Sao không gọi steak nữa...-Toàn trêu chọc, cố làm tôi vui- Thấy anh xua tay từ chối một cậu bé bán thuốc lá dạo.

Tôi vẫy cậu bé lại. Mua ba gói thuốc lá Sài Gòn.

- Nguyên Thảo hút thuốc à-Toàn kinh ngạc- Anh bỏ thuốc lá rồi.

Tôi nhìn Toàn... im lặng. Sau này tôi cũng muốn giải thích vì sao  tôi đã từ chối anh... nhưng không còn cơ hội nữa.

Nhà hàng sang trọng  tọa lạc ở bãi biển này thật là đẹp và quen thuộc... tiếng sóng vỗ rì rào vào các ghềnh đá, trời trong xanh, nắng vàng, gió nhẹ... xa xa là một con thuyền cũ nát... Nhìn chiếc xe hơi bóng lộn của Toàn đậu ngoài đường, suất học bổng Tiến sỹ Y khoa ở Pháp, căn biệt thự có tán lá rợp cuả ba mẹ Toàn, có tiếng piano thánh thót của em gái út Toàn, mà thời sinh viên mỗi lần đi thực tập tôi đạp xe đạp đi ngang qua mà không biết đó là nhà anh; vẻ mặt hồng hào, vô tư  của Toàn với bộ cánh sang trọng trưa nay  trái ngược  với các dáng cung cúc, lầm lũi cuả cậu bé bán thuốc lá lúc nãy, dáng người  lam lũ, xiêu vẹo của những chị gánh hàng rong dọc bờ biển, hình ảnh cuả Mẹ, cuả chị, cuả anh trai tôi  lại ùa về... tôi bắt đầu lờ mờ ngầm hiểu tại sao  10 năm trươc quê nhà tôi người ta lũ lượt phó thác sinh mạng cuả mình cho biển cả để vượt biên... mà sau này qua Mỹ định cư tôi mới hiểu rõ.

Bản "Invention No 13" của J.S. Bach nơi xứ người

Tôi kết hôn và định cư nơi xứ người. Đức lang quân của  tôi là anh trai bạn học cùng lớp tôi, bác sỹ Y.T. Việc nhân duyên cuả tôi cũng có một phần liên quan tới "cây đàn Mandoline".

Dạo nhà tôi là sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa ở Việt Nam , tôi đang học lớp 11 cùng với em gái anh. Anh kể là đến nhà anh học bài, tôi ít có nói cười... vì lúc đó tôi cứ buồn rầu gia cảnh mình. Y.T cũng có một cây đàn Mandoline. Một lần giải xong bài toán khó, Y.T nhờ anh trai mình lấy đàn Mandoline ra cho tôi chơi... tôi cầm lấy cây đàn, nở nụ cười rạng rỡ... làm chàng "hồn xiêu phách lạc". Sau này tôi hay trêu chọc nhà tôi "Nếu em không biết đánh đàn Mandolin thì làm gì quyến rũ đươc Việt kiều!"

 Quà cưới của tôi bạn bè thân thuộc toàn tặng nhạc cụ, sách nhạc... những năm đầu chân ướt chân ráo nơi đất khách quê người... Ngày tôi qua Mỹ họp mặt bạn bè cũ, hỏi thăm qua phone, ai cũng hỏi câu "Nguyên Thảo còn chơi đàn không"" - Tôi cười  -"Hết rồi, giờ lo vác chảo cơm nước cho chàng, vác chổi rượt Brian, ở đó mà đàn với địch".

 Lúc tôi cấn thai Brian, có người bạn trêu "Brian hai tuổi chắc biết đánh đàn..."-Ai dè "cục cưng" của tôi 4 tuổi đầu chưa biết nói rành câu chứ nói gì đến chuyện học đàn....

Bao năm tháng stress out, lo toan nơi xứ  người, tôi không để ý gì đến chuyện đàn đúm... Một buổi chiều  đang ngồi chờ đến giờ đón Brian nơi child care trong trường college, tôi đi ngang qua học khu music art... nghe tiếng piano thánh thót bản  "Invention No 13" của Johann Sebatien Bach" tôi lặng người, bồi hồi nhớ lại thời ấu thơ  say mê luyện tập các bài tập ngón để chuẩn bị chơi bản nhạc này...

Nước Mỹ quả là mảnh đất thiên đường cho những mầm non có tài năng bẩm sinh... một trường học college thôi mà đầy rẫy những cây đàn piano bóng lộn... tôi đến chơi nhà một người bạn, hai vợ chồng anh chẳng phải "ông này bà nọ" mà sắm cho con trai anh đầy đủ các nhạc cụ...piano, cello, violin, viola..."Thằng Bi nhà anh nó cũng giống Nguyên Thảo... nhạc cụ nào cũng rớ tới"-anh  Tuyển cười hề hề chọc quê tôi  "Phải hồi nhỏ Nguyên Thảo được qua Mỹ sớm, chắc giờ thành Jo Jo Ma rồi há!"...

Tôi rất thích thanh âm tha thiết cuả cây đàn violin. Violin được mệnh danh là "hoàng đế của các loại nhạc cụ". Nhớ ngày xưa muốn học violin mà không có người chuyên môn dạy, không có đàn tập... Hôm về VN thăm nhà, một người bạn học tặng tôi một cây đàn violin. Lúc ở Sài Gòn chờ đến chiều ra sân bay, mẹ tôi dắt đi chợ Bến Thành mua vài món đồ cho Brian... ngang qua một tiệm bán đàn Mandoline... Mẹ dừng lại "Nguyên Thảo vào đây... mua một cây đem qua bên ấy chơi... để thỉnh thoảng nhớ đến anh" -Mắt Mẹ đỏ hoe- Tôi buồn buồn nói với Mẹ "Con không chơi Mandoline nữa đâu..."- Rồi tôi giả đò pha trò "Già đầu rồi ai lại đánh Mandoline, nhìn buồn cười lắm!" - Kỳ thực là mỗi lần nhìn thấy cây đàn Mandoline, lòng tôi lại đau nhói. Tuy vậy, tôi cũng chọn một cây loại rẻ tiền nhất, đem theo cho Mẹ vui lòng... Điện thoại nhà Mẹ tôi và phone cầm tay cuả các anh chị hiện đang sử dụng cũng cài bản nhạc ""Invention No 13" của Johann Sebatien Bach, tôi ngầm hiểu để nhớ đến tôi nơi đất khách quê người.

Thời đại internet bùng nổ, các nghệ sỹ hàn lâm chính qui lẫn không chuyên post các trình tấu cuả mình... thỉnh thoảng tôi vẫn vào youtube  xem họ đi bow, cắt arche, đảo ngón  luyến láy tay trái... để tự học các kĩ năng của đàn violin... Bạn bè đến chơi nhà... tôi đem đàn guitar ra đệm cho họ hát hò, cây  đàn Mandoline  nằm buồn xo trong góc phòng, phủ đầy bụi...

Một trong những điều tôi thán phục nươc Mỹ là chính sách khuyến học và chính sách y tế dành cho người có thu nhập thấp... những con em gia đình nghèo được nhà nước cho tiền học... học lên cao thì đươc vay tiền... nhiều lúc tôi tiếc nuối phải chi ngày xưa gia đình tôi có tiền đi vượt biên... thì chắc các anh chị tôi không bị gãy đổ đường học hành... người nghèo ở Mỹ được cấp bảo hiểm Y tế, khám chữa bệnh miễn phí, những bệnh tâm lý xã hội có dưỡng đường riêng để chăm sóc điều trị. Tôi chạnh nhớ đến dạo còn hành nghề trong nước, tối ngày tôi bị Y tá trưởng phàn nàn là ký giấy chụp phim CT Scan hay cho thuốc đắt tiền, rồi bệnh nhân nghèo không có tiền trả, bị phòng tài chính bệnh viện kêu réo, khiển trách...

"Đây không phải là nhà thương thí. Ai không có tiền đóng viện phí thì về nhà mà chữa nhé!-Tôi không cần biết bệnh nhân là người nhà của bác sỹ nào" "-Một lần tôi đi xuống khoa Nội thăm anh mình, tôi nghe bà Điều dưỡng trưởng đứng cạnh giường anh cất giọng the thé, cố tình để cho tôi nghe thấy. Vậy mà sáng sớm họp Công đoàn, bà ta cùng vị giám đốc bệnh viện hồng hào béo tốt hô hào "Xây dựng bệnh viện tình thương, lương y như từ mẫu" ... Tôi nhớ lại  câu mở đầu cuốn sách giáo khoa Y tế công cộng hồi tôi học năm cuối "Con người là vốn quí, nhà nước ta luôn luôn chú trọng chăm lo sức khỏe cho nhân dân ... "mà nghe lòng cay đắng.

Ở Mỹ có những ngành học đào tạo các chuyên viên tư vấn về tâm lý... những sinh viên mới qua tuổi mười tám-đôi mươi có những bất ổn về mặt tâm lý, tinh thần có những chuyên gia hỗ trợ, giúp đỡ giải tỏa ẩn ức... khác xa với quê nhà tôi có nhiều tổ chức, đoàn thể chỉ để hô hào, phục vụ cho mục đích chính trị.

Điều hay tôi cảm nhận ở nước Mỹ là luật lệ bảo vệ quyền tự do cá nhân, quyền con người rất chặt. Ở Mỹ tội hành hạ thể xác, tinh thần người khác là tội nặng, nhất là tội đánh đập trẻ con. Nhiều lúc tôi chạnh nghĩ, Bố tôi và anh Cả tôi mà ở Mỹ, chắc phải đi tù tới mấy chục năm. Nhà tôi mà ở Xứ Cờ Huê này, chắc bị bắt bỏ tù mọt gông hết cả đám vì tội hành hạ tinh thần, thân xác người khác và tội làm ồn, rối loạn trật tự an ninh công cộng... hay chí ít là cảnh sát cũng đến thăm mỗi ngày 24 lần!

Bản Romance chiều cuối năm

Dạo năm 2009, tôi được một giải thưởng nhỏ cuả "Viết Về Nươc Mỹ", và được BS Cao Minh Hưng giới thiệu, gia nhập gia đình Việt Bút. Tôi rất thán phục các thành viên Việt Bút, họ không chỉ là những chuyên viên có trình độ chuyên môn cao, mà còn rất tài hoa trong các lĩnh vực nghệ thuật, văn chương, âm nhạc, thơ ca.

Từ ngày đươc làm quen và kết thân với các thành viên gia đình Việt Bút, tôi sống lại niềm đam mê thuở xưa, vơi đi nỗi buồn xa xứ, xa gia đình ở Việt Nam... Chị Như Ý thích nghe tiếng đàn violin, dẫu biết tôi chơi violin không giỏi, chị vẫn tặng tôi món quà cây arche mới vì cây cũ đã bị Brian làm hỏng... Một lần chị Khôi An đi thăm trường cho con trai, chị ghé thăm tôi vào một buổi chiều  mưa to  gió lớn, làm tôi rất bất ngờ và sung sướng... chị Khôi An thích ca hát...tối đó tôi đệm đàn cho chị. Cung cách của chị Khôi An thật dịu dàng, khả ái, ân cần...

Căn hộ cuả chúng tôi bắt đầu có khách và rộn rã tiếng cười. Thỉnh thoảng tôi nấu bữa tối, mời một vài người bạn Việt Bút đến chơi, thưởng thức tiếng đàn "nghệ sỹ lang băm miệt vườn" biệt  danh  tôi tự đặt cho mình mà chú Thời, chú Yên Sơn rất thích.  Bác Bồ Tùng Ma trêu tôi "Bá Nha chỉ có một Chung Tử Kỳ... Nguyên Thảo có cả tá Tử Kỳ  là gia đình Việt Bút này..."

Hôm đến dự buổi party cuả câu lạc bộ Tình nghệ sỹ do anh Hưng mời... tôi được xem một nghệ sỹ flamenco guitairist biểu diễn bản Storm on high Moutain" do anh biên soạn... kỹ thuật quất dây cuả nhạc sỹ Ngô Tín làm tôi choáng váng...

Tiến sỹ Mai Thanh Truyết và nhà văn Chu Tất Tiến ra mắt sách môi trường Việt Nam vào những ngày cuối năm. Bác Truyết mời tôi đến dự và giúp vui văn nghệ. Thật bất ngờ khi tôi đươc nhạc sỹ Ngô Tín nhận lời perform chung, vì nhạc sỹ Ngô Tín là bạn của nhà văn Chu Tất Tiến. Tôi vô cùng cảm động trước thịnh tình cuả vợ chồng anh; đến tận chỗ chúng tôi để tập dợt, rehearsal, đến khuya nghỉ lại nằm dưới sàn, ăn mì gói. Buổi  tập dợt rehearsal  với anh Ngô Tín, tôi sống lại ký ức thuở xưa. Ban đầu, chúng tôi định biểu diễn hai nhạc phẩm trữ tình của nhạc  sỹ Ngô Tín "Thuở yêu người" và "Em bây giờ mắt biếc", tôi đi violin, anh đệm và solo guitair... Vì là bậc thầy đàn guitair, nên version tôi chơi guitair "Em bây giờ mắt biếc" bị anh đánh rớt thẳng cẳng... Lúc nghỉ break, anh Ngô Tín ngồi chơi bản " Granada ", bản nhạc lừng danh đòi hỏi kỹ thuật chạy ngón tốc độ cao, tôi kéo violin không lại anh...Tôi lẩm bẩm "Nguyên Thảo phải lấy cái này ra... mới đấu nổi với anh Ngô Tín!"

Tôi phủi bụi, kéo ra khỏi bao cây đàn Mandoline ...lần đầu tiên đánh chung " Granada " chúng tôi rất ăn ý... lâu quá không luyện tập chạy etude trên đàn Mandoline, nhưng tôi vẫn rượt anh ra trò. Anh Ngô Tín ngạc nhiên và thích thú "Nguyên Thảo đánh Mandoline giỏi quá... khai thác ngón đàn  Mandoline, bỏ hết mấy nhạc cụ kia"

Chúng tôi thay đổi tác phẩm tấu trình... Tập đến "Recuduoers de la Alhambra " của danh cầm Tagerra, tôi tremolo lấn lướt anh quá, anh Ngô Tín nói "Này, Nguyên Thảo... Tagerra viết bài này cho guitair tremolo... em phải bớt "phím" lại". Tôi nài nỉ anh Ngô Tín "cho em đi bài này đi, em nhường anh solo khúc sau" -Tôi cư xử với Ngô Tín như với anh trai mình thuở xưa; cũng hay đòi hỏi, giận dỗi mặc dù trong thâm tâm, tôi rất nể phục  cây guitair flamenco có trình độ quốc tế này... Được biểu diễn chung với anh,tôi rất vui mừng và lấy làm vinh hạnh.

Tập đến "Toccato" cuả Paul Mauriat, tôi thực sự thán phục trình độ biên soạn chuyển thể của nhạc sỹ Ngô Tín... chỉ một cây đàn guitair mà anh hòa âm "rợp trời mây "như một dàn orchestra, tốc độ chạy etude cuả anh thì khỏi phải nói. Tôi rượt anh muốn bở hơi tai... Anh quất dây bản "La Cumparista" thật "kinh khủng", tiếng đàn tôi bị  anh lấn lướt, lép vế... Chúng tôi dợt bản " Sông Danube" của Johann Strauss, tôi dùng kỹ thuật quất ngược phím từ dây số một lên dây số 04, hấp háy mắt  trêu anh Ngô Tín như anh em  chúng tôi thuở xưa hay chọc nhau: "thấy Nguyên Thảo đánh sông Danube làm sư phụ lé mắt không" -làm vợ chồng anh bật cười.

Đến ngày trình tấu, lên sân khấu chúng tôi ra hiệu nhau bằng mắt...tôi thực sự ngạc nhiên sao ở ngoài sân khấu anh Ngô Tín rất nhường nhịn, nâng tiếng đàn tôi lên... không như ở nhà"hiếp đáp" từng note một... Sau này anh chọc" thấy cô bé kênh quá...nên ở nhà phải giáo huấn cho ngoan ngoãn".

Bản "Romance" đươc mọi người khen ngợi... Nhà văn Chu Tất Tiến gởi e-mail ca ngợi nhạc sỹ Ngô Tín có ngón tremolo “gần như liêu trai” và tiếng đàn mandolin của tôi  được khen là...huyền ảo.

Chị Như Ý đến tòa báo Việt Báo cổ vũ  tôi đánh đàn... nhà tôi mời chị đi bách bộ sang khu Phúc Lộc Thọ ăn hàng. Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới đi dạo trong một buổi chiều đẹp như vậy.  Đi bên cạnh phu quân mình, anh Tâm Chính và chị Như Ý, một người bạn tốt, nhiệt thành... tôi thấy lòng êm đềm, nhẹ nhàng.  

"Nguyên Thảo, em sao vậy" Sao đang nói chuyện vui vẻ đột nhiên trầm lặng"" Chị Như Ý hỏi. Tôi im lặng nhìn chị. Chị không biết là tôi đang thầm nói chuyện với hương hồn anh trai mình "Hôm nay ..em đã biểu diễn những bản nhạc Toccato, Recudoers de la Alahambra, Granada mà lúc trước anh em mình hay chơi với nhau... hồi nãy em đi bản Romance ngày nào, anh có nghe thấy không"

Tiếng đàn Mandoline và bờ biển Long Beach :

Ngày Valentine, nhà tôi hỏi tôi thích quà gì... tôi nói thích đi ra biển Long Beach đánh đàn.

Chúng tôi đến biển lúc chạng vạng chiều. Bãi biển nhìn hoang sơ nhưng sạch sẽ như bờ biển quê nhà tôi ba mươi năm trước... Tôi đặt chiếc ghế trên bãi cát trắng xóa, ngồi so dây đàn... nhà tôi dắt Brian ra biển xây lâu đài cát và đặt camera. Cục cưng của tôi đổ cát vào chân máy... Nhìn anh và con, tôi thấy lại hình ảnh mình và anh trai ba mươi năm trước... nhà tôi có nét hao hao giống anh tôi, chú Thời và thầy Chương mỗi lần gặp Brian luôn miệng nói Brian giống nhà tôi như tạc, chứ  bạn bè tôi ai cũng nói Brian càng lớn càng giống anh tôi, nhất là chiều cao, ánh mắt mỗi lần con nhìn tôi. Brian có một cuộc sống êm đềm, bình yên nơi xứ người... tôi muốn dạy Brian học đàn, nhưng cu cậu ra chiều không thích mặc dù năm hai tuổi, cu cậu đã ngân nga bắt chước những bản nhạc cổ điển tôi nghe từ máy cassett.

Tôi bắt đầu đánh những bản nhạc Nga, hết "Đôi Bờ", đến "Chiều Maxcơva", rồi lại "Khi đàn sếu bay qua.."Bóng hoàng hôn buông dần, tôi chơi bản "Concerto Innovation số 13" của Johann Sebatien Bach... Kết thúc bản nhạc, tôi mới nhận ra mình có hai khán giả, một cặp vợ chồng Mỹ trắng đứng nghe nãy giờ... người đàn ông giới thiệu ông ta cũng là nhạc công cello. Ông ta khen tôi chơi Bach rất có hồn.

- Where do you learn music (Bà học âm nhạc ở đâu)- Vợ ông ta hỏi tôi.

- In my native country of Vietnam ... for long time ago (Ở quê hương Việt Nam của tôi …1 thời gian dài trước đây) - Tôi cười ngượng nghịu.

- You are so talented! Are you an professional artist (Bạn rất tài năng! Bạn là 1 nghệ sĩ chuyên nghiệp phải không?) -Bà ta hỏi tôi

- Oh, no...(Không đâu…)- tôi  lắc đầu cười.

- Thank for your  great performance.You play Bach so well.You make this beach and this evening are more lovely. (Cám ơn sự trình diễn tuyệt vời của bạn. Bạn chơi Bach thật tuyệt. Bạn làm cho bãi biển này và buổi tối này đáng yêu hơn.)

Họ bắt tay tôi chào tạm biệt.

Chúng tôi thu xếp ra về, nhìn đường chân trời tím sẫm và con tàu lớn ngoài khơi, tôi nghĩ đến biến cố "thuyền nhân Việt Nam ." Từ ngày qua Mỹ định cư, tôi mới hiểu được vì sao 30 năm trước nhiều người ở nơi các tỉnh khác đến bờ biển quê nhà tôi để tổ chức đi vượt biên... (nhờ vậy mà anh tôi bán được nhiều thuốc lá, có tiền mua cho tôi cây đàn Mandoline...)

So với những mất mát đau thương của người vượt biển tìm tự do, so với những đọa đày của thế hệ cha chú tôi trong lao tù trại cải tạo, so với những người mẹ của ba ngàn thanh niên ngã xuống trên đỉnh Trường Sơn thì niềm đau của tôi chẳng là gì... Tôi chỉ buồn đã 36 năm trôi qua, đủ để một đứa trẻ như tôi  sinh ra vào thời điểm cuộc nội chiến 1975 kết thúc,  lớn lên và trưởng thành, chuẩn bị vài năm nữa sẽ leo lên đồi qua bên kia dốc của cuộc đời...vậy mà những hệ lụy, hậu quả của cuộc nội  chiến 1975 vẫn còn nhức nhối, đau đớn trong tâm hồn thế hệ sau này như chúng tôi. Thế hệ 6X như anh tôi thì tan nát cả một tuổi xuân trai trẻ, còn thế hệ 7X như tôi thì vẫn còn day dứt, hụt hẫng, hoài nghi, mất niềm tin.

Có lần tôi nói với chị Khôi An "những vết thương về vật chất thì có thể quên đi theo thời gian, nhưng những sang chấn về tâm lý, tinh thần... e sẽ mãi mãi không lành thương được". Chị Khôi An an ủi tôi "Nguyên Thảo ơi! Ráng quên đi em, chị sẽ giúp em ..."Tôi biết ơn chị thật nhiều.

Tôi có ngỏ ý ước muốn đươc chơi bản "Concerto Innovation số 13" cuả Johann Sebatien Bach vào dịp họp mặt viết về nước Mỹ với chị Khôi An "rồi em sẽ treo đàn, vùi đầu vào sách vở trở lại" -Tôi cười đùa với chị.

 . . .

Mùa xuân đang đến. Tôi dọn dẹp nhà cửa, mở toang cánh cửa sổ. Cùng với ánh nắng xuân tưng bừng tràn vào, tôi nghe tiếng chim ríu rít trên ngọn cây... nhà tôi mở youtube nghe nhạc xuân: "Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về...Mùa bình thường, mùa vui nay đã về...Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên Với khói bay trên sông gà đang gáy trưa bên sông một trưa nắng vui cho bao tâm hồn" -

Lời bài hát "Mùa xuân đầu tiên" của nhạc sỹ Văn Cao vẽ lên bức tranh xuân tuyệt đẹp... Tôi lấy đàn Mandoline ra đánh lại bản nhạc "Mùa xuân đầu tiên" thu vào computer gởi qua e-mail về cho Mẹ và các chị ở Việt Nam và cũng gởi luôn cho các "fan Việt Bút" cuả tôi.

Cây đàn "dỏm" mẹ tôi mua chỉ khoảng 10 USD ở Việt Nam sao hôm nay âm thanh ấm áp lạ thường. Tôi bắt đầu thích chơi đàn Mandoline lại, tôi đang tự băng bó, chữa lành vết thương tâm hồn mình.

Lương Nguyên Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét