Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

DƯ ÂM CÂY ĐÀN MANDOLIN


bởi Nguyen-Thao Luong vào ngày 7 tháng 8 2011 lúc 4:25 sáng
Bức họa "The Mandolin"---Tranh ba mươi năm trước, người ba mươi năm sau :

Tôi nhìn chăm chăm vào bức tranh "The Mandolin" do họa sỹ Lê Thúy Vinh vẽ tặng. So với tôi ba mươi năm trước..bé gái trong tranh có đôi chân dài hơn, trán thấp hơn, vẻ mặt ít khắc khổ , chịu đựng hơn. Người thanh niên đứng bên cạnh, người anh trai tài hoa bạc mệnh tội nghiệp cuả tôi...ở trong tranh có dáng dấp giống nhà tôi nhiều hơn. Dạo đang phác họa bức tranh, họa sỹ Lê Thúy Vinh gọi phone hẹn gặp tôi ở Orange County ...mới nhìn thấy bức phác họa, thấy hình ảnh anh em mình 30 năm trước, một bé gái ôm đàn Mandolin và một thanh niên ôm mâm thuốc lá bán dạo...tôi òa lên khóc. Chị Vinh vỗ về, kể lúc chị đọc truyện em viết, chị cũng khóc,huống hồ em là người trong cuộc...rồi chị hỏi tôi có muốn sửa gì không, tôi cầm chì vẽ lại đôi nét "Em có năng khiếu làm nghệ thuật, em vẽ được đó Nguyên Thảo"--Họa sỹ Vinh nói với tôi. Tôi cười " Môn nghệ thuật nào em cũng có năng khiếu...chỉ trừ nghệ thuật kiếm tiền". Rồi tôi mô tả chân dung anh mình " nhà em có nét hao hao anh em"--Chị trêu tôi " Nhờ vậy mà Chính mới cua được Nguyên Thảo phải không?"--Tôi cười qua làm nước mắt, gật đầu.
Tôi ngập ngừng, dặn chị "Em mời chị đến dự lễ trao giải Viết Về Nước Mỹ 2011, em mua vé cho chị rồi...khi nào mà hoàn tất bức tranh, chị đem đến buổi Lễ để em chụp ảnh; Em sẽ biểu diễn đàn Mandolin hôm đó với nhạc sỹ Ngô Tín...anh là bậc thầy về đảo phách, đảo nhịp...em cần tập trung để "đấu" với tay flamenco guitairist cự phách này...trước lúc em perform, chị đừng để Nguyên Thảo nhìn thấy bức tranh, em sợ quá xúc động, mất bình tĩnh không đánh đàn được."
Họa sỹ Lê Thúy Vinh thật ân cần, chân tình...hôm trao giải, chị gói bức tranh lại cẩn thận, chờ tôi biểu diễn xong, mới tháo giấy gói ra để tôi chụp ảnh với bạn bè thân quen gia đình Vietbut. Tôi thật biết ơn anh Cao Minh Hưng, đã giới thiệu tôi với họa sỹ Vinh.
Tôi và "đức lang quân" ôm bức tranh chụp hình. Nếu người thanh niên trong tranh còn sống, bước ra ngoài đứng cạnh tôi ..thì không khác gì mấy hình ảnh nhà tôi đứng cạnh tôi trong ảnh. Tội nghiệp phu quân cuả tôi, mấy hôm tôi chuẩn bị tập dợt, sửa soạn perform, anh phải vừa đi làm ca sáng sớm, trông thằng "còi hụ " hú còi tối ngày, đêm khuya còn lái xe đưa tôi lên tuốt Northridge để rehearsal với anh Ngô Tín. Tôi đùa với chàng" lấy vợ nghệ sỹ cực hơn là vợ bác sỹ phải không?"
Người làm nghệ thuật sá nề chi chuyện khổ cực, chuyện thù lao...Anh Ngô Tín cũng thật nhiệt tình, mới đi lưu diễn ở Canada về, cũng thức đêm rehearsal với tôi ."Tico Tico" là bản nhạc lừng danh đòi hỏi kỹ thuật chạy ngón tốc độ cao , vững vàng về nhịp, phách...mà tất cả các nghệ sỹ thính phòng, dàn orchestra trên thế giới đều chơi nó, post trên youtube rần rần...nhà họ Đặng và các bạn nghệ sỹ thính phòng đồng môn trong nước đang chờ đợi perform này của tôi . Ngô Tín muốn perform bản nhạc với tôi từ mấy lần biểu diễn chung trước đây mà chưa có dịp...kỳ thực, anh và tôi cũng muốn chứng tỏ -hay nói vui là "khè" đẳng cấp của nhau qua bản nhạc này. Lần trước biểu diễn "Toccata" của Pau Mauriatt với anh , tôi đã "nếm đòn" kỹ thuật đảo phách ngoạn mục của anh...sau tiết mục biểu diễn cuả Ngô Tín và tôi, anh Luân Vũ, một nghệ sỹ violin đến tham dự chương trình văn nghệ do Vietbao mời, khen ngợi tôi.Anh nói với tôi " Nguyên Thảo bản lĩnh , giữ nhịp hay ghê! nhất là đoạn điệp khúc " ---Tôi cười khành khạch " Em dợt với Ngô Tín ...bị giết cái dzụ này suýt chết mấy lần...nên phải kiên cường với sư phụ" ---chị Khôi An thắc mắc sao mặt mũi tôi có vẻ "nghiêm trọng" khi perform.. Tôi cười nói với chị không canh phím khéo léo với Ngô Tín...là chết giấc . Anh quất dây rầm rầm...tôi định bụng hôm nào kiện anh " Nguyên Thảo đã nhường sư phụ foot stand, xài Mandolin gỗ, không gắn điện...mà còn bị sư phụ ăn hiếp tơi bời...lần sau em sẽ chơi Mandolin điện và nhất quyết không cho music partner mượn foot stand cuả mình..he..he.." Nói gì thì nói, được perform chung với anh, tôi lấy làm vinh hạnh. Cũng nhờ vậy mà anh Ngô Tín biết đến giải thường "Viết Về Nươc Mỹ" tổ chức hàng năm, một sự kiện văn hóa hải ngoại lành mạnh, sôi động...
Màu thời gian chưa thanh, hương thời gian chưa tím:
Đã ba mươi năm rồi đó sao? Đứa bé gái khắc khổ, được trời phú cho những năng khiếu âm nhạc mà đã không có một môi trường tốt để phát triển, nay đã thành một phụ nữ "chồng con đùm đề"....tiếng đàn réo rắt , kiêu hãnh trẻ con ngày nào..nay đã đằm thắm, dịu dàng, ngọt ngào hơn. Nghe tôi tremolo bản "Una Limosna"...cô Iris than " đứt ruột đứt gan"...
"Màu thời gian thanh thanh
Hương thời gian tím ngát..."
Những câu thơ êm đềm trong bài "Màu thời gian " của nhà thơ Đoàn Phú Tứ mà tôi rất thích...có lần chị Khôi An đã ngâm bài thơ này tặng tôi.
Những đưá trẻ chơi đàn Mandolin ngày nào nay tóc đã chớm bạc...chỉ còn vài năm nữa sẽ bước qua cái dốc bên kia cuộc đời...những hệ lụy, nhức nhối...vẫn còn đó, chưa phai theo thời gian.
"Hương thời gian chưa thanh, màu thời gian chưa tím"
Khi truyện dài "Cây đàn Mandolin" đăng tải lên Vietbao..tôi nhận được nhiều lời khen tặng , chia sẻ , thông cảm từ bạn bè thân quen..rồi một hôm tôi nhận đươc cú phone số lạ :
" Phải bạn là Lương Nguyên Thảo, nhà ở phố NTH, lúc trước học đàn Mandolin thầy Đặng N.A."
"Phải..mình là Nguyên Thảo"
"Còn mình là T.T"
"Trời ơi, sao T.T biết số phone này, sao lại mất liên lạc.."
"Bác mình đọc Vietbao..thấy tấm ảnh những đứa trẻ đánh đàn Mandolin…thấy hình mình 30 năm trước ngồi cạnh Nguyên Thảo...bác lẩm bẩm "quái con bé này nhìn giống con T.T nhà mình quá..bác mình mới hỏi "cháu có đứa bạn nào tên Lương Nguyên Thảo, trước hành nghề bác sỹ Răng-Hàm-Mặt trong nước, biết đánh đàn Mandolin, biết viết văn...---Mình mới nghe kể sơ là nhớ ngay Nguyên Thảo--Mình liên lạc tòa báo, nên có số phone này cuả Nguyên Thảo"
" T.T còn đánh đàn không?"
"Bỏ lâu quá rồi...nhìn note cũng không biết note gì...sao Nguyên Thảo nhớ dai..à , mà Nguyên Thảo ký âm giỏi, nghe bản nhạc là đánh được, đâu có cần đọc note"
"Giờ cũng kém rồi...nè, bản đăng tải chỉ là một phần trong truyện "Cây đàn Mandolin".. Nguyên Thảo đang viết phần một...sẽ kể chuyện hồi đó có lúc T.T không cho mình quá giang đi học"
"Thôi mà..đừng kể vậy mà..hồi đó con nít mà chấp làm chi !"
"Hương thời gian chưa thanh, màu thời gian chưa tím"
Cô Iris thấy tôi sa đà vào kịch bản "Cây đàn Mandolin"...viết đến chương nào lại làm thơ..làm thơ chán rồi phổ nhạc, hết "Phố Xưa" đến "Cung đàn lỡ nhịp", "Thuyền Sen" phổ thơ cô; "Ngày Trở Lại" phổ thơ chị Khôi An, "Between you and I " phổ thơ chị Như Ý , "Muối mặn cho em" phổ thơ anh Nguyễn Thơ Sinh, "Giấc mơ" phổ thơ chú Nguyễn Hữu Thời...người u mê như nghiện "xì ke"---Tôi tự tin, tưởng rằng mình sẽ vượt qua được.
"Nguyên Thảo ngạo mạn...nó tưởng rằng nó sẽ chiến thắng bản thân...chị đã nói nó dừng lại ngay vì đang mùa học thi cử " cô Iris nói với chị Khôi An----"Viết lên một tự truyện đớn đau là một ca mổ..sẽ mất máu, sẽ đau đớn sau hậu phẫu, phải chuẩn bị... Nguyên Thảo đã từng mổ người ta...phải biết điều này chứ"--" Nguyên Thảo phải gọi phone cho cô ngay", cô nhắn e-mail.
Tôi tránh né, âm thầm chịu đựng, những ký ức đớn đau cứ tuôn ra khi tôi đang viết phần một kịch bản "Cây đàn Mandolin"... Cô gởi bài thơ "Muối Mặn"
"Hãy gửi nhau lá thư hôm nay
Hẹn gì đến mai sau
Ngày mai đó có bao giờ tới
..............................
Chỉ là những tiếc nuối khôn nguôi
Như nguồn nước muốn ra khơi
Hòa mình với biển trời
Cho muối mặn dung hòa bao cay đắng.."
Tôi cầm vĩ đi violin...gởi nhạc qua computer cho cô. Cô xúc động, gọi phone...nói cô muốn rơi nước mắt.
"Cho muối mặn dung hòa bao cay đắng"
Sẽ là bao nhiêu muối, bao nhiêu nước ...mới dung hòa những mất mát, thương đau của cuộc chiến vô nghĩa đem tới cho dân tộc tôi....Sẽ cần bao nhiêu muối, bao nhiêu nước để rửa sạch vết thương lòng của những đứa trẻ ngây thơ đánh đàn Mandolin, và bao nhiêu muối mặn, bao nhiêu dòng sông đổ ra biển để dung hòa bao cay đắng của người Việt những năm tháng đầu hội nhập "đất khách quê người"
"Nguyên Thảo ơi, lòng tôi xốn xang, đau buồn khi đọc "Cây đàn Mandolin"...sao mình không quên được vậy ?...."-----Thanh T., bạn học cùng lớp năm xưa, gởi e-mail cho tôi từ tiểu bang lạnh xa xôi.
Ba mươi năm hay một trăm năm nữa...màu thời gian có thanh, hương thời gian có tím...thì lịch sử vẫn chẳng bao giờ thay đổi...
Người lớn thế hệ trước đã chịu đựng rồi...sao những đứa trẻ thế hệ sau vẫn phải tiếp tục chịu đựng ....đã ba mươi sáu năm mà người Việt vẫn bỏ nước ra đi ...để có "lịch sử một ngàn người viết" như bác Nguyễn Xuân Nghĩa đã viết.
Tưởng rằng "Cây đàn Mandolin" đăng tải..thì tôi sẽ nguôi ngoai, sẽ bớt đớn đau... nhưng rồi tôi ốm quị. Phải đi San Jose nghỉ hè, chữa bệnh...
Gặp bạn học cũ ở San Jose ..tóc bạn lớm chớm bạc....cầm đàn Mandolin, bạn nói "Sao hổng nhớ cái nút nào hết Nguyên Thảo ơi!"
Chị Khôi An hỏi " Sao hồi đó tụi em cứ học đàn Mandolin"
"Tại vì nó rẻ tiền, bán đầy cửa hàng Bách hóa… dễ học, dễ chơi, gọn nhẹ... với lại giống mấy anh bộ đội Trường Sơn quẩy đàn Mandolin với ba lô đi cứu nước"--Tôi cười khanh khách giải thích với chị.
Hôm dự lễ trao giải VVNM 2011, một bác đến nói với tôi :
- Cháu là Lương Nguyên Thảo phải không? Bác đọc truyện cuả cháu..bác muốn khóc... bác thích học nhạc, học đàn... bác cũng có học, mà không có khiếu như cháu...-nhìn brochure không thấy Nguyên Thảo biểu diễn Bach.
- Anh Ngô Tín chơi flamenco nên Nguyên Thảo không chơi "Invention N0 13" tối nay bác ạ!
Sau bác mới cho tôi biết bác là thành viên Ban Giám khảo.. tôi tẽn tò.. vậy mà tôi đi hỏi bác có viết bài dự giải thưởng VVNM 2011. cô Iris nói đúng, mấy cái đứa như tôi thuộc loại "ngớ ngẩn", ít để ý đến ai hay chuyện này chuyện nọ...
Và tiếng đàn tôi đã cất lên :
Tôi perform ở giảithưởng VVNM 2011 mà như Jo Jo Ma chuẩn bị perform ở lễ trao giải Oscar cuả Hollywood . Các cô, các chị xúm xít chọn kiểu tóc, quần áo....Dạo trước biểu diễn "Toccata" với anh Ngô Tín... cô Iris đã tặng tôi một cây đàn Mỹ nhập từ China ... Để cân bằng cán cân thương mại, hàng hóa China tràn ngập thị trường Mỹ... Đồ Tàu làm "xập xí xập ngàu"... sửa tới sửa lui âm thanh vẫn không vừa ý, tôi bực lắm, cô Iris về Việt Nam, tôi chỉ cách lựa đàn. Cô mua một cây đàn Mandolin mà cô kể là tụi Orchestra Korea đặt hàng, còn sót lại một cây. Giá cuả nó chỉ bằng một phần tư cây đàn cô mua tặng tôi tại Mỹ.
"Tuần tới Nguyên Thảo rehearsal với anh Ngô Tín, cô gởi xe đò Hoàng lên cho cháu được không?"
"Cô không gởi đâu...công lao cô đi lựa hai ba ngày trời, mưa gió dầm dề, gởi rồi nó quăng quật, hỏng mất"
"Chị tính nhờ anh lơ xe ôm chặt cây đàn... chị sẽ trả tiền công giữ đàn"--Chị Khôi An phone cho tôi.
"Cô không đưa chị Khôi An đâu, nhỡ anh lơ xe không giữ lời, lơ xe người ta còn lo việc người ta.."-cô Iris nói với tôi qua phone.
Đón cô Iris ở bến xe, để cô đứng đày nắng...tôi xăm xăm giở bao đàn. Cây đàn thật tuyệt vời... cần đàn trơn tru, nhẵn bóng, khoảng cách giữa dây và phím thấp, âm thanh trầm ấm như cây đàn anh tôi mua cho tôi ba mươi năm trước.
Lòng tôi trỗi dậy niềm tự ái dân tộc... nghệ nhân làm đàn Việt Nam tay nghề không thua kém bất kỳ quốc gia nào... một bạn đồng môn trong nước cuả tôi từng đoạt giải Concourt mùa thu quốc tế... anh đã sử dụng cây đàn Kim Thanh của nghệ nhân Hà Nội vậy mà phải dán thương hiệu Yamaha.... như nước mắm Phú Quốc phải dán mác Thái Lan... biết bao giờ dân tộc tôi mới "Hóa Rồng" .
Bạn bè tôi thắc mắc...perform ở giải thưởng VVNM mà làm gì nghiêm trọng vậy. Tôi giải thích...họp mặt VVNM là một sự kiện văn hóa hải ngoại quan trọng cuả cộng đồng người Việt, ngoài ra còn có những vị khách có chức sắc người Việt, lẫn Mỹ... chương trình rất chọn lọc..không phải ai cũng được mời perform...Nguyên Thảo phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" với truyện dài "Cây đàn Mandolin"...mới được trình tấu vào dịp lễ này"
"Em có cây đàn mới... chạy etude ngon lắm..Nguyên Thảo sẽ tăng tốc độ Tico Tico"---Tôi báo cho anh Ngô Tín biết.
Trước lúc bước lên sân khấu, tay guitair flamenco có hạng này hơi "khớp"...Anh cũng không ngờ Lễ trao giải VVNM rất formal và hoành tránh ...tâm lý chung, danh ca Madonna còn hoảng sợ khi nhìn xuống khán giả... bản lĩnh sân khấu chiếm phần quan trọng thành công tác phẩm trình tấu cuả người nghệ sỹ.
---Nguyên Thảo cho anh mượn foot stand-Anh vội vã nói với tôi trước khi bước lên sân khấu.
Ban đầu anh ỷ y..nói là sẽ bắt chéo chân làm tựa hông đàn...giỡn hoài ..để đàn không đúng tư thế..chạy "Tico Tico" làm sao nổi.
---Trời đất...không có đồ tựa làm sao em chạy ngón lại anh--Tôi la làng.
Giờ G đã điểm...tôi nhường anh footstand..tự nhắc lấy ghế ra sân khấu. Tôi dùng gót giầy làm điểm tựa nâng đàn...
Ngô Tín đi dạo first movement...tôi cũng "khớp"...rồi bình tĩnh, tự tin lẩy phím... bản "Tico Tico" réo rắt vang lên, anh Ngô Tín dồi bass thật tuyệt vời!...rồi đến "Green Sleeves" ngọt ngào...tôi và anh thay nhau đi hòa âm ăn ý....Tôi tiếc rằng những giáo sư Mỹ như Dr John Chan, Jennifer dạy tôi ở trường Đại học và một số bạn Mỹ hay chơi đàn chung với tôi như Joseph, Jessica... đã không thể đến dự như đã định vì họ ở xa, thứ Hai phải đi làm... họ tưởng Lễ tổ chức vào tối thứ Bảy nên lúc đầu nghe tôi giới thiệu về sự kiện văn hóa cuả cộng đồng người Việt này, và được biết tôi sẽ biểu diễn Mandolin, họ rất thích..muốn đến xem. Họ gởi e-mail hỏi tôi chừng nào có video post youtube thì gởi cho họ xem với.
Performance thành công...tôi đứng cầm đàn chụp hình nơi poster in hình ảnh tượng "Nữ thần tự do". Tôi hay đùa với cô Iris, chị Khôi An..vì đây là nước Mỹ, đàn Mandolin chỉ là folk musical instrument..chứ nếu là nước Pháp, nước Nga, đàn Mandolin được trọng vọng hơn...coi chừng Nguyên Thảo được tạc tượng...
Cô Iris trêu lại..."để cô về Việt Nam, quê cô có nhiều đất sét, để cô móc lên đắp tượng Nguyên Thảo...cho Nguyên Thảo đứng ngoài đồng làm hình nộm đuổi chim ăn lúa. "Tôi cười ha hả" vậy mà cháu tưởng cô tính tạc tượng cháu trước nhà cô đề bảng "Be aware of Dog" để canh trộm chứ !"
Hôm Lễ trao giải...tôi ngỡ ngàng nhìn chị Khôi An trong tà áo dài vàng dịu dàng như một dải lụa. Tội nghiệp cô Iris và chị Khôi An...mấy hôm tôi chuẩn bị perform, cô và chị cứ lo lắng chuyện quần áo. Cô Iris thì khệ nệ ôm cả va li to đùng đem xuống cho tôi thử. Chị Khôi An thì chạy tới chạy lui lựa áo jacket... gặp nhau lúc khuya, đứng ngoài bãi xe thử chồng hết cái này đến cái nọ, nhìn tôi kệch cỡm, mọi người phá lên cười...."Chị sắp biểu diễn mà em lo quá, muốn đau bao tử " -Thụy Nhã nói với tôi. Chị Donna thì lo đầu tóc, đồ trang sức.
Thế mới biết cái lòng yêu nghệ thuật, yêu văn hóa của người cầm bút. Phải nói không ngoa rằng, Lễ họp mặt Viết về nước Mỹ của cộng đồng người Việt nơi đất khách quê người này là một Lễ trọng, một hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc của người Việt... với tôi đêm trao giải VVNM trang trọng, hoành tráng không kém gì đêm Oscar của Hollywood, đêm Cannes của người Pháp hay Venise của người Ý....
"Trước khi phím đàn rung, bạn phải được Tự do"--
Hôm nọ tôi coi một bộ phim Hollywood làm nói về thân phận một vũ công ballet người Trung Quốc..đã trốn chạy sang nước thứ ba. Sang Mỹ, anh được đóng vai con thiên nga chính trong vở nhạc kịch lừng danh " Swan Lake " của nhà sọan nhạc Nga vĩ đại Tsaikovski. Poster chụp ảnh anh với câu "Trước khi con thiên nga cất cánh bay, nó phải được tự do".
Bác Bồ Tùng Ma chuẩn bị bấm máy... tôi muốn làm động tác như "Nữ thần Tự do"...giơ cao cây đàn Mandolin như Nữ thần giơ ngọn đuốc..nhưng sợ chàng đứng bên cạnh rầy rà là có con rồi mà cứ nghịch ngợm như hồi còn con gái, thời sinh viên...
"Trước khi phím đàn rung, bạn phải được Tự do"--Tôi nâng cao cây đàn...ánh flash camera lóe lên. Và tôi đó...con bé gầy gò, khắc khổ ngày nào ba mươi năm trước... đang nâng đàn Mandolin đứng cạnh Nữ thần tự do.
Bạn đọc có thể đọc  truyện dài "Cây đàn Mandolin" được nhà thơ Trần Dạ Từ biên tập, đăng tải tại vietbao online :  http://vietbao.com/D_1-2_2-44_4-172569_5-15_6-1_17-3_14-2_15-2_10-4911_12-1/ : Cây đàn Mandolin
Bản gốc sẽ được Nguyên Thảo đăng tải tại blog cá nhân  http://themandolin.wordpress.com  sau khi trang blog xây dựng xong-
Ngoài ra, bạn đọc có thể thưởng thức tiếng đàn Mandolin của Nguyên Thảo tại trang blog
Thân mến,
Lương Nguyên Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét