Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Vụ tai nạn cầu treo ở Lai Châu: Quá tải trọng hay cộng hưởng?

Link : http://bautx.blogspot.com/2014/02/vu-sap-cau-treo-o-lai-chau-qua-tai.html

Vụ việc kinh hoàng xảy khiến cần-lao không khỏi thương cảm lẫn bức xúc là vụ sập cầu treo Chu Va ở Lai Châu khiến 8 người thiệt mạng và 37 người bị thương.
Nguyên nhân về kỹ thuật đã rõ, là do gãy neo cáp (tăng-đơ) cố định cáp treo của cầu. Thế nhưng tại sao bị gãy thì dư luận cần-lao không ngớt bàn tán. Người thì cho là do quá tải, người thì cho là cộng hưởng, người thì cho là bớt xén vật liệu nên chất lượng không đảm bảo, người cho là lỗi kỹ thuật. Thậm chí, có người còn cho là linh hồn người chết giận nên gây sập cầu, thế mới tài.
 
Cây cầu treo dài 54m, rộng 1,5m, chiều cao so với mặt suối khoảng 10m, biển đầu cầu ghi tải trọng là 1,5 tấn. Có lẽ vì thế nên những cần-lao không biết về kỹ thuật cứ thích chém bừa lý do là quá tải hoặc do cộng hưởng. Vẫn một thói quen chém gió mạng hùng hồn của cần-lao An-nam mặc dù đầu óc rỗng tuếch.
Thế nên, cũng cần khai sáng cho cần-lao thối tai khai bẹn một chút, để lần sau có muốn chém gì mà chưa biết thì chịu khó đi hỏi đốc-tờ Gúc, bạn thân của tôi đã.
Cụ thể cây cầu treo này có tải trọng như thế nào thì các bạn dân cầu đường sẽ tính toán ra ngay, còn người không biết thì chờ kết luận điều tra sẽ rõ. Tuy nhiên cần hiểu rằng, khi thiết kế cầu treo, hai loại tải trọng cần được xác định là tải trọng đối với mặt cầu và tải trọng đối với dây cáp. Đây là hình ảnh các chi tiết một cầu treo cần thiết kế.

 

Thứ nhất: Tải trọng đối với mặt cầu được xác định thông qua các chỉ tiêu tĩnh tải, hoạt tải, tải trọng gió, các tải trọng khác và tuổi thọ thiết kế của cầu. Đối với cây cầu treo này có chiều ngang là 1,5m thì đối với phương tiện trọng tải lớn (dưới 1,5 tấn) sẽ chỉ di chuyển theo một chiều, nghĩa là nếu có 2 phương tiện đi qua cầu ở 2 đầu, thì 1 phương tiện phải dừng lại chờ phương tiện kia đi qua mới được đi.
Tải trọng thiết kế là 1,5 tấn là tải trọng tối đa cho phép khi phương tiện tiếp xúc với bề mặt cầu tại thời gian tiếp xúc chứ không phải tổng tải trọng của cầu chỉ là 1,5 tấn. Vì thế có bạn hỏi tại sao cây cầu có tải trọng 15 tấn mà xe 30 tấn vẫn chạy qua được là vậy.
Như vậy, có thể thấy tải trọng mà cây cầu này có thể chịu được lớn hơn rất nhiều so với tải trọng quy định là 1,5 tấn. Tùy thuộc vào các chỉ tiêu nêu trên, hệ số an toàn để tính toán từ lớn hơn 1 và có thể tới 4. Và khi vượt quá tải trọng thì cây cầu sẽ bị gãy.
Thế nên, đoàn người đưa tang đi qua cầu tầm dưới 150 người khó mà làm cầu bị gãy chứ đừng nói gần 50 người. Và thực tế là cầu không bị gãy. Thế nên không thể nói cầu bị “sập” vì quá tải trọng được.
 

Thứ hai: Tải trọng đối với cable thép neo cầu. Tại châu Âu, hệ số an toàn lớn nhất bị bắt buộc tính đối với cable thép và các kết cấu liên hệ với dây cáp bằng 10. Nghĩa là tải trọng của dây cáp, neo cáp phải gấp 10 lần tải trọng tính toán của mặt cầu.
Giả sử cây cầu kia có hệ số an toàn là 3 thì tải trọng thực của cây cầu là 4,5 tấn. Khi đó tải trọng của dây cáp và neo cáp sẽ là 45 tấn. Với tải trọng này thì gần 1.000 cùng đi trên cầu mới may ra đứt cáp hay gãy neo cáp. Đằng này, mới gần 50 người đi qua đã gãy neo cáp thì chứng tỏ neo cáp không đảm bảo kết cấu chịu được tải trọng theo quy định.
Nếu nhìn kỹ neo cáp bị gãy, người thường không có chuyên môn kỹ thuật cơ khí cũng có thể thấy neo cáp được sử dụng lực cơ học đánh bẹt ra từ thanh sắt tròn, và sau đó dùng que hàn để thổi tạo lỗ. Có nghĩa là thanh thép đã bị biến tính do lực cơ học và nhiệt, và chuyển sang trạng thái là gang chứ không còn là thép nữa. Và tai nạn xảy ra là điều tất yếu, chỉ là sớm hay muộn thôi.
 
Thêm nữa, đối với cầu treo, khi tải trọng tác động lên mặt cầu, thì tổng tải trọng cả phương tiện và mặt cầu sẽ tác động lên cáp treo, khi đó cáp treo phải đảm bảo tải trọng để giữ cầu. Nghĩa là tải trọng của toàn bộ cầu sẽ chuyển vị lực lên cáp treo. Và điểm dồn lực kéo của cáp lớn nhất chính là tại 4 vị trí neo cáp. Thế nên, khi những cây cầu tuổi thọ đã cao, qua nhiều lần tăng cáp thì sự cố thường là đứt cáp chứ không thể đứt neo cáp được. Thế nhưng sự vụ vừa qua lại đứt neo cáp, thế mới tài. Đây là hình ảnh một neo cáp treo ở bọn tư bản giãy chết.
 
Và so sánh với neo cáp treo của chiếc cầu treo Chu Va bất hủ xứ An-nam.

 

Thứ ba: Rất nhiều cần-lao cũng dạng thối tai khai bẹn cho là cầu gãy neo cáp vì do cộng hưởng. Các cụ nói, biết thì thưa thớt, không biết dựa cột mà nghe. Chí ít, các bạn cũng phải hiểu thế nào là cộng hưởng trước khi chém chứ.
Cộng hưởng là hiện tượng xảy ra trong dao động cưỡng bức, khi một vật dao động được kích thích bởi một ngoại lực tuần hoàn có cùng tần số với dao động riêng của nó. Còn dao động cưỡng bức là gì, các bạn chịu khó hỏi đốc-tờ Gúc bạn tôi, lười nhác thì không bao giờ có quà.
Thế nên các bạn nghe hơi nồi chõ rằng, giữa thế kỉ XIX, khi một đoàn quân đi đều bước qua một chiếc cầu treo làm chiếc cầu rung lên dữ dội và đứt xuống, gây tai nạn chết người. Thế là các bạn suy diễn ngay vụ cầu treo Lai Châu là cộng hưởng, tài đến thế là cùng.
Cộng hưởng chỉ xảy ra khi tần số bước đi của đoàn quân tình cờ trùng với tần số dao động riêng của chiếc cầu. Và đây là một đoàn quân bước đều bước chứ không phải gần 50 người chầm chậm đẩy một cái xe tang.
Dĩ nhiên, khi một đoàn người di chuyển trên chiếc cầu treo mà có dao động thì ít nhiều cũng sẽ hình thành cộng hưởng. Nhưng là rất nhỏ, không đáng kể vì những tần số dao động do di chuyển của những người trong đám ma mà trùng với tần số dao động riêng của cầu là rất ít và rời rạc.

 

Thôi, vụ cầu tôi đã diễn giải rõ. Tất nhiên, tôi chỉ nói theo nguyên lý chung, chứ chi tiết như thế nào các bạn phải hỏi chuyên gia cầu đường, chứ tôi cũng chả rảnh để đi hỏi cho các bạn. Mặc dầu, nhiều đồng nghiệp của tôi là chuyên gia đầu ngành về món này.
À, lại có một vị giáo sư chuyên gia đầu ngành về kết cấu bê tông cốt thép chém rằng tải trọng của cầu lên đến 81 tấn. Giáo sư già rồi mà trên mạng nhiều bạn trẻ trâu chửi giáo sư ngu là không được, ai mà chả có lúc này lúc nọ. Với lại nói gì thì nói, giáo sư cũng là người đáng kính. Theo tôi, có lẽ giáo sư hơi lệch chuyên môn với lại già cả nên đôi khi nhầm lẫn chăng?


Như vậy, có lẽ bây giờ bạn nào nắm hiểu một chút về kỹ thuật đã hình dung ra nguyên nhân vì đâu rồi chứ? Điều đó giúp cho các bạn sau khi nghe cơ quan có thẩm quyền công bố nguyên nhân là gì đi nữa, và đặc biệt là sai khác với những gì các bạn đã nghĩ sau khi đọc bài của tôi. Thì các bạn không nên lại bầy đàn bức xúc mà chửi bới, cạnh khóe những người có trách nhiệm, thậm chí cả chính quyền nữa nhé.
Các bạn hãy nhếch mép mà nhủ rằng: Cái xứ An-nam nó thế.
Và nếu có bạn nào ở vùng sâu, vùng xa mà không có cầu vĩnh cửu, thì nên khuyến khích cần-lao di chuyển theo kiểu này. Vẫn là treo, nhưng có lẽ an toàn hơn nếu biết bơi.
 
(@ by Baron, 2014) 
Nguồn hình ảnh: Sưu tầm trên internet.
-------------------------------------------------------------------------------------------

Nguyên nhân sập cầu: "Vì người Mông khiêng quan tài đi rất nhanh"?!


Link : http://www.tinmoi.vn/nguyen-nhan-sap-cau-vi-nguoi-mong-khieng-quan-tai-di-rat-nhanh-011296076.html

(Tinmoi.vn) Theo Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân chính ban đầu được xác định vẫn là do quá tải. 
Sập cầu do quá tải (?!)
Theo tin tức được đăng tải trên báo Trí thức trẻ/Soha, tối ngày 26/2, trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, trong chiều cùng ngày, đoàn công tác của công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ thiết kế, quá trình thi công trình, vật liệu làm cầu treo Chu Va 6 để xác định nguyên nhân vụ sập cầu treo ngày 24/2. Trong buổi chiều cùng ngày, cơ quan Công an tỉnh Lai Châu đã lấy mẫu ốc neo tăng đơ và thép đứt gãy để đưa đi giám định để tìm ra nguyên nhân gây sập cầu.
Nguyên nhân sập cầu: Vì người Mông khi khiêng quan tài đi rất nhanh
Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.
Cũng theo Thiếu tướng Trần Duân, nguyên nhân chính ban đầu được xác định vẫn là do quá tải. Phía cơ quan công an điều tra đang xem lại các khâu kỹ thuật xem có vấn đề gì không.
“Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải để xác định nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến sập cầu. Chưa thể khẳng định do làm ẩu, hoặc thi công không đúng.  Quá tải và có hiện tượng cộng hưởng khi đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu là nguyên nhân ban đầu chúng tôi nhận định. Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh.
Trước tiên chúng ta xác định là do quá tải, quá trọng gây nên đã. Chúng tôi đang cho nghiên cứu một số chỗ cần phải giám định và xem lại hồ sơ thiết kế xem có sai sót gì không nhưng khả năng này là không cao” - Thiếu tướng Trần Duân cho biết thêm.
Ý kiến chuyên gia
Trước đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường đã bày tỏ nghi vấn về chất lượng của cầu treo Chu Va 6. Cụ thể, Trên mạng xã hội Facebook, một trang Facebook được cho là của GS.TS Nguyễn Đình Cống, GS hàng đầu về chuyên ngành kết cấu xây dựng của Đại học Xây dựng phân tích như sau: 
Cầu treo dài 54m bị sập khi có đám tang đi qua (nguyên nhân trực tiếp, rõ ràng là đứt dây cáp. Cái gì gây ra đứt dây, người ta tạm cho là sự quá tải... vì tải trọng thiết kế của cầu chỉ là 1,5 tấn). 
Tôi không thể nào tin được. Hỏi 1,5 tấn là tải trọng toàn bộ hay trên mỗi mét dài. Nếu là tải toàn bộ thì trên mỗi mét chỉ là 1,5/54 = 0,028 T/m = 28 kG/m (đây là tải trọng cho gián hoặc cùng lắm là chuột đi qua cầu). Cần hiểu tải trọng thiết kế 1,5 tấn trên mỗi mét dài, vậy tổng tải trọng sẽ là 1,5x54=81 tấn. Tải trọng của đám tang còn xa mới đạt con số ấy.
Ngay cả khi tải trọng vượt tải thiết kế thì dây vẫn chưa thể đứt (nếu được thiết kế và thi công với chất lượng bảo đảm) vì hệ số an toàn của dây cáp được quy định rất cao (từ 4 trở lên)”.
"Đứt ốc neo ở cầu treo là trường hợp hy hữu trên thế giới chứ đừng nói ở Việt Nam. Rõ ràng chất lượng ốc neo ở đây có vấn đề", ông Tuấn Anh, kỹ sư cầu đường một công ty thuộc Bộ Xây dựng chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, viện dẫn lý do cầu sập vì quá đông người không thuyết phục. Theo bảng chỉ dẫn, cây cầu chịu được tải trọng 1,5 tấn, trên cầu có khoảng 50 người, tức là lúc đó cầu hứng tải hơn 2 tấn. "Về nguyên tắc khi thiết kế, để đảm bảo an toàn bao giờ cầu cũng chịu tải được gấp 3 lần", ông Tuấn Anh khẳng định.
Cụ thể trong trường hợp Chu Va, cầu được ghi có tải trọng 1,5 tấn thì thực chất có thể chịu tải khoảng 4 đến 5 tấn.
"Rõ ràng là do thi công không tốt, nhập nguyên liệu không đảm bảo chất lượng mới để xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy", vị chuyên gia trên nói.
Đ.T (tổng hợp)
Nguồn : Tin Mới / Nguoiduatin.vn

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. <> - có lẽ tác giả quên 1 phần lớn tải trọng được truyền xuống trụ cầu

    Trả lờiXóa