Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

HOÀI NAM : VIẾT CHO NGÀY VALENTINE

Tôi thật sự ngỡ ngàng khi sáng nay cô con gái 6 tuổi hỏi: “Ba ơi! Hôm nay Valentine, Ba tặng gì cho mẹ?”

Cái ngày mà ngay cả đứa trẻ con cũng biết lại ra đời từ tận thời La mã cổ đại. Nghe đồn tận thế kỉ thứ mấy trước công nguyên. Đó là ngày thánh Valentine chịu hành hình để cho đôi lứa yêu nhau.

Ngày Valentine lan truyền ra các nước và được các quốc gia nhược tiểu sùng đồ ngoại như Việt nam đón nhận nhiệt liệt. Các nam thanh nữ tú cũng bắt chước nhau tặng hoa hồng, chocolate… cùng những lời yêu đương ngọt ngào.

Nhưng sự thật ngày lễ tình nhân ở Việt Nam là ngày nào???

Đó chính là lễ hội Khau Vai – Hà Giang. Lễ hội Khau Vai được gọi là “Chợ tình Khau Vai” (http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A3_Khau_Vai) . Nhưng thực chất không phải là chợ, vì ở đó không có ai mua tình cũng như không có ai bán tình cả. Chợ là nơi chứa đựng nước mắt của những cuộc tình giang dở, là nơi cố nhân gặp nhau.

Có rất nhiều dị bản kể lại sự tích của chợ tình (Bạn có thể tra ở Google). Riêng bản thân tôi rất thích câu chuyện do ba tôi kể lại. Ông đã nghe từ lời của một cụ già ở Khau Vai  (xin nói thêm rằng, thời trẻ ba tôi dạy học ở Mèo Vạc). Câu chuyện tình đẫm nước mắt và kết thúc không có hậu.

Ngày xưa có hai người yêu nhau tha thiết! chàng trai là con của một tù trưởng người Nùng (hay Hơ mông gì đó) đem lòng yêu tha thiết cô gái người Giáy xinh đẹp (http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Gi%C3%A1y ). Hai người vấp phải sự phản đối quyết liệt của hai bên gia đình (thời đó nạn phân biệt chủng tộc lộng hành). Cha mẹ cô gái cương quyết không gả con cho người Nùng. Còn cha mẹ chàng trai lại cấm con yêu người Giáy. Bất chấp mọi ngăn cản, chàng trai và cô gái đưa nhau lên một hang đá trên núi để ở. Tưởng rằng sẽ mãi mãi bên nhau trong ái ân mặn nồng… Ai ngờ hôm sau, họ đã nghe tiếng hò hét vang lên đến tận hang núi. Từ trên cao nhìn xuống, cô gái thấy cảnh hai bộ tộc đánh nhau, máu me dầm dề, tiếng kêu gào vang dội trời đất. Cô gái gạt nước mắt nói với chàng trai rằng: “Chàng ơi! Thiếp không thể vì mình mà để hai bộ tộc đầu rơi máu chảy. Thiếp xin cáo lỗi với chàng, xin Giàng (trời) chứng giám để kiếp sau xin nguyện cùng chàng kết tóc xe tơ.”

Họ đã hy sinh tình yêu của mình để đổi lấy hòa bình cho hai bộ tộc. Cô gái ép gả cho người khác. Chàng trai cũng phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ. Chàng trai có vợ và cô gái có chồng. Đau khổ vì sự chia ly, họ cứ mỗi ngày một héo mòn.

Một ngày kia, không thể chịu đựng hơn được nữa, họ quyết định tìm về hang đá xưa kia - nơi chứng kiến mối tình của họ, họ cùng gặp nhau ở đó. Họ đã khóc với nhau suốt đêm. Họ đã kể cho nhau nghe bao nhiêu đau khổ chồng chất trong những năm tháng xa nhau. Đến khi trời gần sáng, chàng trai lau nước mắt và đưa cho cô gái một đấu ngô… chàng nói với cô rằng: “Những hạt giống này sẽ thay ta chăm sóc nàng. Nàng hãy gieo trồng để ta sẽ được ở bên nàng mãi mãi”. Đáp lại, cô gái đã xé vạt áo đưa cho chàng: “Mỗi lần nhớ em chàng khóc, chàng hãy lấy vạt áo này lau nước mắt, lúc đó chàng hãy hình dung bàn tay dịu dàng của em lau nước mắt cho chàng… Nếu chàng còn thương em thì em hẹn chàng mười năm sau em sẽ tới đây gặp chàng”.

Đúng mười năm sau, chàng trai lúc đó đã trở thành một ông già. Ông tìm về nơi xưa để tìm gặp tình yêu của mình. Từng giờ từng phút trôi qua nước mắt ông ướt đẫm vạt áo mà vẫn không thấy bà. “Nàng đã quên ta rồi hay nàng không còn sống trên cõi đời này nữa?” ông lại òa lên nức nở. Ông đâu biết rằng vì quá đau buồn, bà không thể chịu nỗi mười năm xa cách đó. Bà đã ra đi trước ông. Khi mặt trời lên vẫn không thấy hình bóng của bà. Quá thất vọng, ông rót rượu xuống đất rồi lao đầu xuống núi tự vẫn.

Khi con cháu tìm thấy xác ông, họ đã hiểu ra tất cả. Tình yêu của họ đã làm hai dân tộc xóa bỏ thù hận. Họ quyết định đặt mộ hai người cạnh nhau, để họ mãi mãi được yêu nhau nơi suối vàng. Ngày họ gặp nhau (đêm 26 rạng sáng ngày 27/3 âm lịch) sẽ là ngày những người có tình yêu trắc trở được phép gặp nhau và bày tỏ tình yêu trong sáng với nhau.

Ban đầu, chợ chỉ dành cho hai dân tộc. nhưng hồi sau lan ra các dân tộc xung quanh. Bởi vì nơi nào chả có tình yêu trắc trở.

Vậy theo bạn ngày 14/2 này ta có nên tổ chức lễ hội Khau Vai ở ngay thành phố này hay không? 
---------------------------------------
Bài trước :

NỖI ĐAU…  (http://quangdonquixote.blogspot.com/2013/05/truyen-ngan-cua-hoai-nam-noi-au.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét