Bài 1 : Dmitry Babich - Bí ẩn tâm hồn Nga
Khái niệm “Tâm hồn Nga” không nói lên điều gì.
Một cuộc khảo sát toàn diện di sản văn chương vĩ đại của
nước Nga không đưa ra được một lời giải thích rõ ràng cái gọi là tâm hồn bí ẩn
của Nga là gì và nó khác với tâm hồn của các dân tộc khác như thế nào.
Có nhiều lí do để nghi ngờ những ai sử dụng cụm từ “tâm
hồn Nga”, và đấy không chỉ là vì nó thường xuyên bị những kẻ bán bưu ảnh, sách
du lịch và những chuyến du hành trọn gói xuôi sông Volga đem ra quảng cáo.
Thuật ngữ nào cũng có thể bị sử dụng không đúng chỗ, bị lạm dụng, trở thành câu
nói cửa miệng, cho đến khi đánh mất ý nghĩa ban đầu. Và mời người ta tìm hiểu tâm hồn Nga trong khách sạn
sang trọng 250 USD một đêm với bữa ăn sáng, hay quan sát nó qua những bộ ảnh
đen trắng ra vẻ nghệ thuật chụp nhà thờ mái vòm củ hành, Đại lộ Nevsky hoặc nhà
gỗ của nông dân không bóp méo hay làm giảm những lời khẳng định về tâm hồn Nga.
Nó chỉ làm người ta mệt mỏi khi nghe nói về nó mà thôi.
Nhưng khảo sát một cách kĩ lưỡng ta sẽ nhanh chóng phát
hiện ra rằng đây là một thuật ngữ rỗng tuếch ngay từ đầu. Có thể nó đã được
những con người tuyệt vời nhất (mà đấy là những ai! Những người tuyên truyền
cho huyền thoại này là những cây đa cây đề của Thời đại Vàng son của nền
văn chương Nga, như Alexander Pushkin, Leo Tolstoy và Fyodor Dostoevsky) đưa vào sử dụng với những ý định tốt đẹp nhất, nhưng sự
thật là thuật ngữ “tâm hồn Nga” luôn luôn là chìa khóa để tìm hiểu một cái gì
đó mà những người sáng tạo ra nó không hiểu và cũng không có. Quan điểm lãng
mạn của tác giả của nó về thế giới đã dẫn đến việc sử dụng một cách quá lãng
mạn thuật ngữ này, dùng nó như một cái la bàn để tìm hiểu nước Nga ngày hôm
nay, trong quá khứ hay trong thế kỷ tới, là việc làm vô ích vậy. Không có gì
ngạc nhiên là nó luôn đi kèm với tính từ “bí ẩn” – không ai biết có ý nghĩa gì.
Những khi người ngoại quốc cảm thấy chán nản với thuật
ngữ này, anh ta có thể muốn vứt hết mọi thứ, coi đó chỉ là trò bịa đặt của văn
chương thế kỉ XIX. Tương tự như những trò bịa đặt của các nhà văn Nga khác – ví
dụ như Biên bản của những
Người Thông thái Do Thái(Protocols of the Elders of Zion) – thuật ngữ này đã làm méo mó quan niệm của thế giới về
cả một dân tộc. Nhưng, khác với “Biên bản”, huyền thoại về tâm hồn Nga không có
gì ác ý. Trên thực tế, đấy dường như là phản ứng trước sự khủng hoảng bản sắc
dân tộc quá sâu sắc, cuộc khủng hoảng đã thấm đẫm trong tác phẩm của các nhà
văn, nghệ sĩ và tư tưởng gia thời đó. Vì lí do đó mà khi khảo sát cái ý tưởng
rõ ràng giả tạo này ta sẽ thấy rằng động cơ của nó, ít nhất trong một số ý
nghĩa, là cao quý.
Mênh mông bát ngát
Vấn đề cốt yếu nhất của “tâm hồn Nga” – hay thực ra với bất
kì một thứ gì được mệnh danh là đặc tính dân tộc – là gần như không thể nói có
thể áp dụng nó cho người nào. Nước Nga rộng bao la, cả về địa lý, xã hội và dân
tộc. Bên cạnh người Nga (dù họ có là ai), đây còn là quê hương của người
Belarus và Ukraine, của người Finno-Ugric Mari, người Mordvin, người Chuvash và
người Tatar – từng làm chủ vùng đất này trong nhiều thế kỷ – cũng như người Do
Thái, người Digan, người Đức vùng Volga và rất nhiều sắc dân và ngôn ngữ ở vùng
Bắc Kavkaz. Và đấy mới chỉ là phía Tây dãy Ural.
Vâng, tất cả họ đều là công dân Nga, và chúng ta đang nói
về “tâm hồn Nga” (Russkaya dusha) – một tâm hồn được cho là có mục đích đoàn
kết tất cả các sắc dân Nga. Nhưng xin hãy tách người Nga ra khỏi đám này. Và
trong số những danh nhân văn hóa thế kỷ XIX mà cuộc chiến đấu của họ với vấn đề
bản sắc dân tộc Nga đã dẫn tới khái niệm về tâm hồn bí ẩn của người Nga thì một
phần tư máu trong huyết quản của Pushkin thuộc về châu Phi, một nửa Dostoevsky thuộc về Ba Lan, và
tổ tiên của Mikhail Lermontov được coi là người Scotland. Nikolai Gogol là
người Ukraine và họa sĩ nổi tiếng Isaac Levitan là người Lithuania gốc Do Thái.
Nhưng điều đó không ngăn được họ phát biểu nhân danh “tính Nga chính cống”.
Alexander Pushkin có thể không phải là người đầu tiên sử
dụng thuật ngữ “tâm hồn Nga”, nhưng ông là cha đẻ của văn chương Nga, ông là
một thiên tài không thể sai và quan trọng nhất, ông đã không làm độc giả rối
trí với tính từ đáng nguyền rủa: “bí ẩn”. Tatyana Larina, nhân vật nữ chính
trong tác phẩm Onegin,
là một trong những nhân vật văn học Nga đầu tiên có “tâm hồn Nga” và là một
trong những hình mẫu rõ ràng nhất về những phẩm chất của tâm hồn đó. Tatyana
(“một tâm hồn cực kì Nga, mà chính mình không biết như thế nào và tại sao”), có
thể ít nói tiếng Nga, nhưng đủ hồn nhiên để trải lòng với người đàn ông mà cô
yêu, bất chấp những quy ước của xã hội thượng lưu, và đủ trung thành để từ chối
bỏ chồng, ngay cả khi tình yêu đích thực của mình đòi hỏi như thế.
Tâm hồn Nga ở đây cởi mở đến hồn nhiên, cực kì trung
thành và không chấp nhận giả dối. Nó vượt qua sự giả tạo bằng cách để Tatyana
phụ thuộc đơn ngữ vào tiếng Pháp, và thất bại trước giả dối qua những quy ước
hôn nhân mà cô vi phạm. Tâm hồn cô cũng “rộng mở” (tính từ chỉ đứng thứ hai sau
“bí ẩn”, thường gắn với tâm hồn Nga), một tính từ thường được cố đưa ra để phần
nào đề cao không gian mênh mông của nước Nga, nhưng trong thực tế nó liên quan
đến một kiểu hào phóng vô độ, khiến người Nga vung tay “chơi đẹp”, nhất là khi
họ uống rượu. Nhưng việc sẵn sàng trả tiền cho tất cả mọi người, niềm vui khi
mời cả làng ăn cỗ lại trái ngược hẳn với sự thiếu cần cù trong lao động và quá
kém cỏi trong việc đánh giá giá trị vật chất. “Chúng ta là những người lười
biếng và không ham học hỏi”, Pushkin viết như thế trong lúc chán nản.
Có lẽ đó là lý do vì sao người Nga thích nghĩ rằng toàn
bộ bọn đầu sỏ chính trị đều là Do Thái, trong khi người Nga thì trung thành và
cởi mở, không chấp nhận lừa dối, vị tha và rộng lượng, nhưng đồng thời lại lười
biếng và không quan tâm đến thế giới xung quanh. Đấy chính là cốt lõi, huyền
thoại về tâm hồn Nga “bí ẩn” và “rộng mở” được thêu dệt xung quanh cái trục
này. Các chủ đề khác cũng lớn dần cùng với thời gian. Năm 1880 trong bài phát
biểu tại lễ khánh thành tượng đài Pushkin ở Moscow, Dostoevsky nâng ly chúc một loại khổ dâm: Tatyana không chịu ngã vào
vòng tay Onegin “như một người phụ nữ Nga”, vì “một tâm hồn Nga đích thực quyết
định như sau: buông tôi ra, buông ra, hãy để tôi là người bất hạnh.” Còn nhà
văn Liên Xô Vasily Grossman (gốc Do Thái) gọi hiện tượng tương tự là “tinh thần
nô lệ”, và nhà triết học thế kỷ XIX, Nikolai Berdyaev phàn nàn rằng nó là “sự
thụ động của đàn bà.” “Nga là đất nước đầy những mâu thuẫn, đầy những xung
đột”, Berdyaev viết năm 1915.
Và tiếng lành đồn xa
Có những định nghĩa khác, nhưng hầu hết đều là vật trang
trí trên cái lõi này và không định nghĩa nào được sử dụng nhiều. Nước Nga có
khá nhiều người khéo léo, biết né tránh, tư lợi và đầy tham vọng (xin dẫn ra
đây: tờ The Moscow Times ngày 18 tháng 6 đăng bài “Tầng lớp
người Nga ham việc đang gia tăng”), cũng như những người mạnh mẽ, nam tính và
áp đảo. Tất cả những người mang hộ chiếu Nga, nói tiếng Nga – họ không chỉ là
các công dân Nga (Rossiysky) mà còn là người Nga (Russky) nữa. Có nghĩa, hoặc
là không có linh hồn nào như thế, hoặc nó không là riêng của người Nga, hoặc
không phải tất cả người Nga đều có tâm hồn như thế.
Như vậy, câu hỏi quan trọng không phải là liệu có tồn tại
cái cốt lõi của tính cách Nga này hay không – thực ra là không – mà là vì sao
những lí thuyết hão huyền đó lại được người ta, trong đó có những bộ óc vĩ đại,
tuyên truyền một cách nhiệt tình như thế và trong thời gian dài như thế.
Có một cách giải thích phù hợp. Tatyana và Yevgeny Onegin
là Adam và Eve – ông tổ, bà tổ của những nhân vật văn học, phát triển rầm rộ cả
một thế kỷ trong khi các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng Nga nỗ lực xác định tính
cách Nga thường trái ngược với hầu hết mọi thứ khác của họ. Vì vậy mà có sự ám
ảnh với cái xa lạ – tâm hồn Nga cởi mở của cô Tatyana tuy mơ ngủ nhưng vẫn sống
động mặc dù được giáo dục theo lối Pháp, nó vượt qua và thất bại nơi những qui
ước xã hội giả tạo, nhập khẩu từ nước ngoài – và cuộc tìm kiếm vô vọng một liên
đới gắn kết tất cả các thành tố của một quốc gia bị chia rẽ đến cùng cực. Vì
vậy mà trong Chiến tranh và
Hòa bình của Tolstoy,
Natasha Rostova, một phụ nữ thượng lưu ở St Petersburg và một trong những hậu
duệ văn học của Tatyana, nhận thấy trong mình một số kiến thức bẩm sinh “thấm
đẫm không khí Nga” để biết nhảy theo một điệu nhạc của nông dân “Nga” mà cô
chưa nghe bao giờ.
Để hiểu được việc này có bao nhiêu phần hoàn toàn mang
tính văn chương và các văn nhân thời đó hiểu nó như thế nào, cần phải đọc bài
diễn văn nổi tiếng của Dostoevsky năm 1880, tức là bài diễn văn đã biến tác
phẩm này thành “thiên tài.” Pushkin, ông nói với đám đông, đã xuất hiện “đúng
vào lúc chúng ta bắt đầu tự ý thức về chính mình”, ông lập tức thể hiện được
“một tư tưởng sâu sắc và hoàn toàn Nga” và đã chỉ ra số phận mang tính cứu
chuộc của nước Nga và nhân dân Nga”, một dân tộc mà “trong tâm hồn mình có tình
huynh đệ đối với tất cả những người anh em của chúng ta, và đằng sau nó, có thể
là, tiếng nói quyết định trong việc tạo dựng sự hài hòa vĩ đại cho tất cả mọi
người, tạo dựng sự hiệp thông mang tình huynh đệ của tất cả các dân tộc phù hợp
với luật pháp của Kinh Phúc âm của Chúa Kitô của chúng ta.” Tự nó, lời tuyên bố
ấy là một nỗ lực nhằm tìm cho ra mối liên kết thần bí giữa những người thân
Slav và những người thân phương Tây, theo cách mà Tolstoy đã cố gắng đặt sợi
dây liên lạc giữa những nhà quí tộc như Natasha với những người nông dân.
Tất cả đều rất đẹp, rất lãng mạn và thậm chí là tạo cho
người ta cảm hứng nữa. Cuộc tìm kiếm nước Nga kéo dài cả thế kỷ – trong đó tiểu
thuyết đóng vai trò của chính đề, của tuyên ngôn và phòng thí nghiệm tư tưởng –
đã tạo được một số cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất từng được viết ra, và người ta
có quyền tự hào. Nhưng tất cả những điều mà người ta tìm kiếm đều là giả tạo.
Thí dụ như Konstantin Levin – ngài địa chủ đầy đức hạnh trong tác phẩm Anna Karenina, mà có lẽ
Tolstoy đã lồng vào nhân vật này phần lớn tính cách của chính mình – đã nhận
thấy rằng hầu như không thể vượt qua hố sâu ngăn cách giữa tầng lớp quý tộc và
nông dân. Dù có nghiên cứu, bắt chước bao lâu và thần tượng người nông dân đến
mức nào, ông vẫn là người ngoài cuộc. Và nông dân là khoảng 80% dân số. Có lẽ
nông dân là người bảo vệ những cách sống tinh khiết hơn và thánh thiện hơn của
nước Nga, nhưng cả Tolstoy lẫn những người bạn văn vĩ đại của ông đều không
tiếp cận hoặc không hiểu được.
Như vậy là, các dự án nhằm tìm cho ra hạt nhân của tâm
hồn gắn bó nhân dân Nga thành một khối đã bị thất bại ngay từ đầu, và cái lí
thuyết mà những con người khổng lồ của nền văn học Nga dựa vào là đáng ngờ.
Nhưng có một lý do nữa khiến người ngoại quốc tò mò thích thú với những câu
chuyện về “tâm hồn Nga”. Vấn đề là chẳng có người Nga nào tin vào nó. Trong một
cuộc khảo sát không hẳn theo tiêu chí khoa học do website Russia Profile thực hiện, một luật sư nổi tiếng người
Moscow nói ngay rằng “không làm gì có một tâm hồn như vậy”, và sau đó ông này
đã thảo luận rất tỉ mỉ về sự cởi mở, lòng trung thành, sự lười biếng và thiếu
óc tò mò. Khi được hỏi liệu như vậy có nghĩa là Pushkin sai, ông nói, “Pushkin
không thể sai được. Ông ấy là một thiên tài!”
Một nhà quản lý cấp cao của một ngân hàng ở Moskva, người
đã nghiền ngẫm câu hỏi này trong một thời gian, tuyên bố rằng tâm hồn Nga chỉ
là cách mà thế kỷ XIX giải thích những sự khác biệt giữa Nga và phương Tây lúc
đó, và đúc kết lại thì chỉ là một bảng liệt kê những điều trái ngược nhau mà
thôi. Nhưng, ông đồng ý rằng sự “rộng mở” của “tâm hồn Nga” thể hiện rất rõ khi
họ nhậu nhẹt – và tâm hồn đó – kèm theo một lượng rượu khổng lồ – là thành phần
vô cùng quí giá trong việc xây dựng đội ngũ (team building) của công ty. Một kế
toán viên cho rằng, tâm hồn Nga là lòng yêu nước và tinh thần cộng đồng, và đã
gần như đã mất hết – “mười năm nữa là nó vĩnh viễn biến mất”. Một nghệ sĩ piano
tuyên bố bà chỉ sử dụng cụm từ này theo lối mỉa mai, và rất ít khi theo nghĩa
tích cực. “Tâm hồn Nga ư? Tâm hồn Nga là khi bạn tôi đưa tiền cho chồng đi mua
thực phẩm và phải ba ngày sau hắn mới về, nồng nặc mùi rượu, máu me bê bết và
trên người chẳng còn mảnh vải che thân nào. Đó là tâm hồn Nga”, bà nói. Một
người lái taxi thân thiện cho biết “tâm hồn Nga không chứa chấp hận thù”; ngưng
một chút, ông nói thêm: “Nhưng con trai tôi bị thằng em họ ám sát. Tôi mà tìm
được nó thì… Thằng đó không đáng sống.”
Vậy bây giờ ta có thể nói, thành tố thiết yếu của tâm hồn
Nga là gì: người Nga là những người đầy mâu thuẫn và không thể lường trước.
Nhưng khái quát hóa như thế thì có khác gì sử dụng tính từ “bí ẩn” khi nói về
tâm hồn Nga.
________
Roland Oliphant sinh ra và lớn lên ở East Sussex, Anh. Năm 2002 tới
Hungary, khởi sự một mối quan hệ lâu dài với Đông Âu. Năm 2006 nhận bằng M.A.
in Philosophy tại đại học University of Edinburgh và sang Moskva dạy tiếng Anh
và biên tập cho hãng RIA Novosti. Trở thành thành viên của Russia Profile tháng 8 năm 2008.
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Nguyên Trường &
pro&contra