Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Alan Phan - Người Việt Không Xấu…

Gần đây tự phát một phong trào đánh hội đồng về người Việt xấu xí, từ dân đen trong nước đến Việt Kiều hải ngoại, từ các mạng lề trái đến báo lề phải. Bị nhiều phóng viên và BCA quay hỏi về đề tài này, ông già Alan xin xác định rõ ràng: chúng ta không xấu.
Trước hết, xấu xí là một tĩnh từ chung chung, nhất là khi nói về con người. Người này có ngoại hình xấu, cô này nhiều tật xấu, anh này thích chơi xấu, thằng bé này xấu ăn, bà lão kia đang “làm” xấu…và tất cả điều đó cũng không bầy tỏ điều gì rõ ràng lắm.
Ngay cả ngoại hình. Cô người mẫu có khuôn mặt hơi xấu (theo định giá chủ quan) nhưng với một bầu sữa tốt thì cũng có thể nổi tiếng với rất nhiều giới trẻ đang dư thừa hormone. Tôi quen biết một phụ nữ giàu đẹp quý phái học thức ở Mexico. Khi cô lấy chồng, cả gia đình bạn bè đều chê là mắt mũi cô để đâu mà ôm phải một ông “xấu đau xấu đớn”; nhưng họ đã sống hạnh phúc với nhau hơn 15 năm. Theo định nghĩa về ngoại hình xấu xí của tôi, người đàn bà chỉ thực là xấu xí nếu sáng tôi ngủ dậy cùng nàng, nhìn nàng qua ánh sáng đầu ngày và chỉ muốn lấy một khẩu súng bắn vào đầu mình cho đỡ ngu và bớt hổ thẹn.
Trong đời, tôi đã có vài lần muốn tự tử kiểu đó, nhưng chưa lần nào ở Việt Nam. Như vậy, tôi tin chắc rằng ít nhất phụ nữ Việt không “xấu”.
Còn về tính xấu nói chung của người Việt? Những từ ngữ thông dụng nhất là lưu manh vặt, tham lam, ăn cắp, chật hẹp, dối trá, thích xin xỏ, ỷ lại, lười biếng, tự ti và tự tôn lẫn lộn. Cụ Tản Đà (1927) thì chê là quan bất nghĩa vô lương, còn dân thì ngu hơn lợn nên bị hút máu. Cụ Phan Khôi (1929) thì nói các sĩ phu ảo tưởng thoái hóa cho mình là Thượng Đế. Còn cụ Lương Thiệp (1944) thì kết luận là Nho sĩ do Trung Quốc đào tạo thì trì trệ, bất lực, hèn kém.
Ngày hôm nay, trên mạng lề phải, không thiếu những câu chuyện và lý do để “tự hào dân tộc” từ bóng đá đến siêu mẫu bị lộ hàng; còn mạng lề trái thì đủ chuyện để làm chúng ta xấu hổ: ăn cắp ở Nhật Bản, ăn tham ở Thái Lan; lưởng gạt ở Mỹ…và ăn rồi chạy ở Việt Nam (hay hạ cánh ở ẩn trong an toàn với biệt thự giá rẻ nhất là vài chục tỷ).
Thực ra, suy cho cùng, những cái gọi là “xấu xí” đều phát xuất từ một nguyên nhân quan trọng nhất: người Việt ta rất nghèo.
Nghèo tiền bạc là một chuyện thấy rõ qua lịch sử. “Bần cùng sinh đạo tặc” nên cả dân tộc và quốc gia loay hoay hoài 80 năm qua với vụ đi xin đi vay. Không được thì cướp giật rồi đổ thừa cho cái “nghèo tiền” của mình.
Nghèo đến độ phải dựng tượng thánh cho những tay bịp bợm quốc tế hay dùng một cuốn sách từ thế kỷ 18 làm kim chỉ nam cho thời đại Internet. Phải ôm chân khóc lóc xin xỏ đủ chuyện từ những ông chồng vũ phu, bần tiện, chuyên lợi dụng…vì bỏ ông thì mất sổ hưu?
Rồi đến những cái nghèo về văn hóa, đạo đức. Hoặc cái nghèo về kiến thức, tư duy. Nghèo về quan hệ gia đình và xã hội. Nghèo khi hành xử theo các thói quen xấu của thế kỷ 19 ở thế kỷ 21. Luôn luôn có những lý giải, biện luận, bào chữa; nhưng tất cả chỉ chứng minh thêm cho một cái nghèo khác cũng khủng khiếp: nghèo về tinh thần, về sự tha hóa dối trá không phương cứu chữa.
Một ông du học sinh (ông khoe vậy) chê là đời sống ở Mỹ như “tù khổ sai”, làm việc quần quật suốt ngày. Ông kết luận là ông và người Việt, dân chủ, à quên, “hạnh phúc” gấp trăm lần bọn tư bản giẫy chết. Dĩ nhiên, một bà già bán vé số ở Việt Nam sẽ hạnh phúc vô cùng, nếu bà có một người con “làm tù khổ sai” gởi tiền về tiếp tế mỗi tháng. Và chắc ông này cũng không biết các lao động Việt trong những khu công nghiệp phải “khổ sai” như thế nào mỗi ngày? Tù khổ sai Mỹ dường như là lựa chọn của phần lớn nhân loại.
Một vài bạn phản biện cho rằng vào thời bao cấp ngoài Bắc, chúng ta đâu có văn hóa chụp giựt như ngày nay? Suy cho kỹ, trong một xã hội chỉ đi xe đạp và ăn bo bo thì cũng không có nhiều thứ để chụp giựt. Tuy tôi không sống qua môi trường này (thank God), tôi vẫn đọc rất nhiều hồi ức từ các nhà văn, các học giả…về một xã hội dối trá, trên lạy dưới đạp, tham nhũng tem phiếu thực phẩm…chỉ đáng vài xu. Chắc họ hoang tưởng hết?
Nhưng đó là chuyện ngày xưa. Điều khó hiểu nhất với tôi là chúng ta không sống trong hang động thời đồ đá mà tại một thế giới nơi kiến thức toàn cầu tụ tập gần như miễn phí với dấu bấm Google. Các nguyên tắc và hành xử văn minh văn hóa được nhắc nhở liên tục qua những kênh thông tin tự do. Ngoài tiền bạc, tại sao chúng ta phải chứng kiến cái nghèo tàn mạt về kiến thức, văn minh, nhân cách và tinh thần?
Sự nghèo hèn tự nguyện của người Việt là điều chua xót nhiều hơn các quan điểm về xấu xí.
Nhìn ra một bối cảnh xa hơn, khi xã hội “chấp nhận” nghèo hèn để yên ổn thì chúng ta phải suy nghĩ điều gì? Khi một người vợ cam phận sống đời đời kiếp kiếp …vì vài lợi ích cá nhân của ông gia trưởng đã khô xác…thì chúng ta có nên quay mặt đi và thở dài?
Có xấu xí không khi đã nghèo mà còn ngu?

Lý Quang Diệu: Tại sao nên đầu tư cho Tiếng Anh

SINGAPORE
Chúng ta còn liên kết với phần còn lại của thế giới thông qua ngôn ngữ. Chúng ta may mắn được người Anh cai trị và họ để lại di sản là tiếng Anh. Nếu như chúng ta bị người Pháp cai trị, như người Việt, chúng ta phải quên đi tiếng Pháp trước khi học tiếng Anh để kết nối với thế giới. Đó chắc hẳn là một sự thay đổi đầy đau đớn và khó khăn.
Khi Singapore giành được độc lập vào năm 1965, một nhóm trong Phòng Thương Mại người Hoa gặp tôi để vận động hành lang cho việc chọn tiếng Hoa làm quốc ngữ. Tôi nói với họ rằng: “Các ông phải bước qua tôi trước đã.” Gần 5 thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore . Tiếng Anh là ngôn ngữ của cộng đồng quốc tế. Đế quốc Anh đã truyền bá thứ ngôn ngữ này ra khắp thế giới, nên khi người Mỹ tiếp quản, đó là một sự chuyển đổi dễ dàng sang tiếng Anh kiểu Mỹ. Đây cũng là một lợi thế rất lớn đối với người Mỹ khi trên toàn thế giới đã có nhiều người nói và hiểu ngôn ngữ của họ.
Khi sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp diễn, Singapore có thể nâng cao chuẩn mực tiếng Hoa trong nhà trường để cho học sinh của chúng ta có một lợi thế, nếu họ chọn làm việc hoặc giao thương với Trung Quốc. Nhưng tiếng Hoa vẫn sẽ là ngôn ngữ thứ hai, vì thậm chí nếu GDP của Trung Quốc có vượt qua Hoa Kỳ, họ cũng không thể cho chúng ta được mức sống mà chúng ta đang hưởng thụ ngày nay. Đóng góp của Trung Quốc vào GDP của chúng ta ít hơn 20%. Phần còn lại của thế giới sẽ giúp Singapore duy trì phát triển và đạt được thịnh vượng – không chỉ là người Mỹ, mà còn là người Anh, người Đức, người Pháp, người Hà Lan, người Úc, vv…. Các nước này giao dịch kinh doanh bằng tiếng Anh, không phải tiếng Trung. Sẽ là rất ngu ngốc nếu chúng ta xem xét chọn tiếng Trung làm ngôn ngữ làm việc tại bất kì thời điểm nào trong tương lai, khi mà chính người Hoa cũng rất cố gắng học tiếng Anh từ khi mẫu giáo cho đến bậc đại học.
Cuộc cạnh tranh cuối cùng
Hoa Kỳ không phải đang trên đà suy thoái. Uy tín của Hoa Kỳ đã chịu nhiều tổn thất do việc đóng quân lâu dài và lộn xộn tại Iraq và Afghanistan cũng như do cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nhưng những sử gia giỏi nhìn nhận sẽ chỉ ra rằng một Hoa Kỳ dường như yếu đi và trì trệ đã từng phục hồi ra khỏi những tình huống còn tệ hại hơn. Đất nước Hoa Kỳ đã đối mặt nhiều thử thách lớn trong những thời kỳ chưa xa: cuộc Đại Suy thoái, chiến tranh Việt nam, thời kì trỗi dậy của các cường quốc công nghiệp hậu chiến như Nhật Bản và Đức. Mỗi lần như vậy, Hoa Kỳ đã tìm thấy ý chí và sức mạnh để phục hồi vị trí dẫn đầu cùa mình. Hoa Kỳ đã áp đảo. Nó sẽ thực hiện được điều này một lần nữa.
Thành công của Hoa Kỳ nằm ở nền kinh tế năng động, được duy trì không chỉ bằng khả năng đặc biệt sản xuất ra cùng một thứ với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng khát khao. Chiếc iPhone, iPad, Microsoft, Internet – tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác. Người Trung Quốc có thể có nhiều nhân tài so với người Mỹ, nhưng sao họ không có những phát minh tương tự? Rõ ràng họ thiếu một sự sáng tạo mà người Mỹ sở hữu. Và tia sáng đó cho thấy người Mỹ thỉnh thoảng thể có sáng tạo đột phá thay đổi cục diện, điều cho họ vị trí dẫn đầu.
Thậm chí nếu những người theo thuyết suy thoái đúng, và thật là Hoa Kỳ đang trên đà xuống dốc, ta phải nhớ rằng đây là một nước lớn và cần có một thời gian dài thì mới suy thoái. Nếu Singapore là một nước lớn, tôi sẽ chẳng lo lắng lắm nếu chúng ta chọn chính sách sai lầm, vì hậu quả sẽ xuất hiện chậm. Nhưng chúng ta là một nước nhỏ và một quyết định sai lầm có thể gây hậu quả kinh khủng trong một thời gian ngắn. Mặt khác, Hoa Kỳ như là một con tàu chở dầu lớn. Họ sẽ không thể chuyển hướng nhanh như một chiếc thuyền. Nhưng tôi tin rằng các cá nhân tin vào thuyết suy thoái đã sai lầm. Hoa Kỳ sẽ không suy thoái. So sánh tương đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể ít uy lực hơn. Có thể khả năng phô diễn sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng và có thể Hoa Kỳ không thể sánh với Trung Quốc về dân số và GDP, nhưng lợi thế chính yếu của Hoa Kỳ – sự năng động của họ – sẽ không biến mất. Hoa Kỳ, nếu đem ra so sánh đến giờ, là một xã hội sáng tạo hơn. Và khi mà trong lòng nội bộ nước Mỹ đang có một cuộc tranh luận về việc liệu họ có đang xuống dốc hay không thì đó là một dấu hiệu tốt. Điều đó có nghĩa rằng họ không ngủ quên trên đỉnh cao.
Tại sao tôi lại tin vào thành công dài hạn của Hoa Kỳ
Đầu tiên, Hoa Kỳ là một xã hội thu hút đến độ mà Trung Quốc khó lòng bì kịp. Mỗi năm, hàng nghìn người nhập cư đầy tham vọng và có trình độ được cho phép vào Hoa Kỳ, định cư và trở nên thành công trong nhiều lĩnh vực. Những người nhập cư này sáng tạo và thường mạo hiểm hơn, nếu không thì họ đã chẳng rời khỏi quê hương của mình làm gì. Họ cung cấp một nguồn ý tưởng dồi dào và tạo nên một chất men nào đó trong lòng xã hội Mỹ, một sức sống mà ta không thể tìm thấy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ không thành công được đến như vậy nếu như không có người nhập cư. Trong hàng thế kỉ, Hoa Kỳ thu hút nhân tài từ châu Âu. Ngày hôm nay, họ thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á. Vì Hoa Kỳ có thể dung nạp người nhập cư, giúp họ hoà nhập và cho họ một cơ hội công bằng để đạt được giấc mơ Mỹ, luôn có một nguồn chảy tài năng hướng vào Hoa Kỳ và đổi lại Hoa Kỳ có được công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới.
Trung Quốc và những quốc gia khác rồi sẽ phải tiếp thu vài phần của mô hình thu hút nhân tài của Hoa Kỳ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Họ phải đi tìm người tài để xây dựng các doanh nghiệp. Đây là cuộc cạnh tranh tối hậu. Đây là thời đại mà chúng ta không còn có các cuộc đua quân sự giữa các cường quốc vì họ biết rằng họ sẽ huỷ hoại nhau bằng cách ấy. Đây sẽ là cuộc cạnh tranh về kinh tế và kĩ thuật và tài năng là nhân tố chính.
Hoa Kỳ là một xã hội thu hút và giữ chân được nhân tài. Họ chiêu dụ được những tài năng bậc nhất từ Châu Á. Hãy nhìn vào số lượng người Ấn trong các ngân hàng và trường đại học của họ — lấy ví dụ như Vikram Pandit, cựu CEO của Citibank. Nhiều người Singapore chọn lựa ở lại Hoa Kỳ sau khi du học. Đó là lí do mà tôi ủng hộ việc cho sinh viên học bổng đi du học Anh, vì tôi chắc rằng họ sẽ trở về Singapore . Ở Anh, bạn không ở lại vì bạn không được chào đón. Và vì nền kinh tế của Anh không năng động như Mỹ, ở đấy có ít công ăn việc làm hơn.
Một lí do tại sao Trung Quốc sẽ luôn kém hiệu quả hơn trong việc thu hút nhân tài chính là ngôn ngữ. Tiếng Hoa khó học hơn tiếng Anh nhiều. Nói tiếng Hoa rất khó nếu như không học từ nhỏ. Đây là ngôn ngữ đơn âm tiết và mỗi từ có tới 4 hay 5 thanh. Khi mà bạn không biết tiếng thì bạn không thể giao tiếp. Đây là một rào cản rất lớn. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi. Tôi đã vật lộn trong suốt 50 năm và đến giờ mặc dù tôi có thể nói tiếng Hoa và viết theo kiểu bính âm (pinyin), nhưng tôi vẫn không thể hiểu được tiếng Hoa một cách thành thục như người bản ngữ. Đấy là tôi đã rất cố gắng. Trung Quốc trở nên hùng cường vào tương lai không thay đổi sự thật cơ bản là tiếng Hoa là một ngôn ngữ cực kì khó học. Có bao nhiêu người đến Trung Quốc, ở lại và làm việc ngoại trừ những người Hoa, người Châu Âu và người Mỹ trở thành những chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc? Người Trung Quốc cố gắng truyền bá ngôn ngữ của mình ra nước ngoài bằng việc xây dựng các Viện Khổng Tử trên toàn thế giới, nhưng kết quả không được tốt lắm. Người ta vẫn đến Hội đồng Anh và những cơ sở của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ thậm chí không cần phải cố gắng. Một thời họ có Trung tâm Dịch vụ Thông tin Hoa Kỳ, nhưng đã bị đóng cửa vì không cần thiết nữa. Đã có hàng loạt ấn phẩm, chương trình truyền hình và phim ảnh làm công việc đó. Nên về quyền lực mềm thì Trung Quốc không thể thắng.
Một nguồn lực khác mang lại sức cạnh tranh cho Hoa Kỳ là nhiều trung tâm xuất sắc cạnh tranh lẫn nhau khắp cả nước. Ở bờ Đông có Boston, New York, Washington, và ở bờ Tây có Berkeley, San Francisco, và ở miền Trung nước Mỹ thì có Chicago và Texas. Bạn sẽ thấy sự đa dạng và mỗi trung tâm lại cạnh tranh với nhau, không ai nhường ai. Khi người Texas thấy rằng mình có nhiều dầu mỏ, James Baker – cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ và là người Texas – đã cố gắng thành lập một trung tâm ở Houston để cạnh tranh với Boston hoặc New York. Jon Huntsman, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Singapore và Trung Quốc và là bạn của tôi, là một ví dụ khác. Gia đình ông có tiền sử bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy khi ông thừa hưởng gia tài từ cha, ông mang những nhà khoa học giỏi nhất trong lĩnh vực ung thư tuyến tiền liệt về quê nhà ông là bang Utah để nghiên cứu vấn đề này.
Mỗi trung tâm tin rằng mình tốt như các trung tâm còn lại, chỉ cần tiền và nhân tài, điều có thể kiếm được. Không ai cảm thấy phải tuân theo Washington hay New York . Nếu bạn có tiền, bạn có thể xây dựng một trung tâm mới. Bởi vì khía cạnh này, có sự đa dạng trong xã hội và một tinh thần cạnh tranh cho phép sản sinh ra những ý tưởng và sản phẩm mới hữu ích dài lâu. Trung Quốc thì lại chọn một cách tiếp cận khác. Người Trung Quốc tin rằng khi trung ương mạnh thì Trung Quốc sẽ giàu mạnh. Đây là một thái độ cứng nhắc, yêu cầu mọi người phải tuân theo một trung tâm duy nhất. Mọi người phải hành quân theo cùng một điệu trống. Ngay cả Anh và Pháp đều không thể cạnh tranh với Hoa Kỳ về mặt này. Ở Pháp ai là nhân tài cuối cùng đều vào các viện đại học nghiên cứu lớn. Ở Anh thì đó là Oxbridge (Đại học Oxford và Đại học Cambridge ). Những quốc gia này tương đối nhỏ, gọn vì vậy cũng đồng bộ hơn.
Kể từ cuối thập niên 1970 cho đến thập niên 1980, Hoa Kỳ mất vị trí dẫn đầu nền công nghiệp về tay những nền kinh tế mới phục hồi như Nhật Bản và Đức. Họ bị vượt mặt về đồ điện tử, thép, hoá dầu và ngành công nghiệp xe hơi. Đây là những ngành công nghiệp sản xuất quan trọng huy động nhiều nhân công, kể cả những người lao động phổ thông được các công đoàn bảo vệ. Ở một số nước châu Âu, các công đoàn chống đối các cải cách lao động bằng việc đe dọa tiến hành các hành động công nghiệp có thể mang lại tổn thất nghiêm trọng trong ngắn hạn. Nhưng ở Mỹ điều ngược lại đã xảy ra. Các tập đoàn áp dụng những biện pháp thay đổi khó khăn nhưng cần thiết. Họ giảm qui mô, giảm biên chế và cải tiến năng suất qua việc sử dụng công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin (IT). Nền kinh tế Hoa Kỳ trỗi dậy trở lại. Các doanh nghiệp mới được mở ra để giúp các công ty tối ưu hoá hệ thống IT của mình, như là Microsoft, Cisco và Oracle. Sau một khoảng thời gian điều chỉnh đầy đau đớn, các công ty có thể tạo ra nhiều việc làm mới trả lương tốt hơn. Họ không thích thú với nhưng công việc lỗi thời mà Trung Quốc, Ấn Độ hay Đông Âu có thể làm được. Họ thấy được một tương lai mà của cải không phải được tạo ra bởi việc chế tạo đồ dùng hay xe hơi, mà bằng sức mạnh trí óc, sức sáng tạo, tính nghệ thuật, kiến thức và bản quyền trí tuệ. Hoa Kỳ đã trở lại cuộc chơi. Họ giành lại được vị trí là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong các nước đã phát triển. Tôi thật sự khâm phục sự năng động và tin thần khởi nghiệp của người Mỹ.
Bạn tiếp tục chứng kiến điều đó ngay lúc này đây. Người Mỹ vận hành một hệ thống gọn gàng hơn và có sức cạnh tranh hơn. Họ có nhiều bằng sáng chế hơn. Họ luôn cố gắng tạo được thứ gì đó mới hoặc làm điều gì đó tốt hơn. Tất nhiên, điều này cũng có một cái giá của nó. Chỉ số thất nghiệp của Hoa Kỳ lên xuống như một cái yoyo. Ở thời kì suy thoái, chỉ số thất nghiệp từ 8 đến 10 phần trăm là chuyện hiển nhiên. Kết quả là một tầng lớp dưới hình thành. Giữa những xa hoa, lấp lánh, các cửa hàng đẹp đẽ ở New York , bạn cũng có thể dễ dàng thấy người Mỹ vô gia cư nằm trên vệ đường. Họ không có gì ngoài tấm áo khoác thân và miếng thùng carton để nằm ngủ. Một số người, kể cả nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman, đã lên án khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn ở xã hội Mỹ.
Điều này có chấp nhận được không? Tôi không thể nói được. Có những tổ chức tôn giáo và từ thiện giúp đỡ. Một số thành lập những quán ăn tình thương cho người thất nghiệp, vv…. Nhưng mà bạn không thể vừa muốn có chiếc bánh trong tay, vừa muốn ăn nó. Nếu bạn muốn tạo nên sự cạnh tranh mà Hoa Kỳ đang có, bạn không thể tránh được việc tạo nên khoảng cách đáng kể giữa tầng đỉnh và tầng đáy, và không thể tránh khỏi việc tạo nên một tầng lớp dưới. Nếu như bạn chọn một nhà nước phúc lợi, như châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bạn tự nhiên sẽ không còn năng động.
Cuối cùng, Hoa Kỳ có một nền văn hoá tôn vinh những người dám tự làm tự chịu. Khi họ thành công, họ được ngưỡng mộ như là một nhà khởi nghiệp tài năng và có được sự công nhận và vị trí xã hội họ đáng được hưởng. Khi họ thất bại thì điều này được coi là một giai đoạn tạm thời, tự nhiên và cần thiết để rốt cuộc thành công. Vì vậy họ có thể đứng lên và bắt đầu lại. Nền văn hoá này khác với Anh, một xã hội tĩnh hơn – nơi mà mọi người biết vị trí phù hợp của mình. Nước Anh rất mang tính châu Âu về điểm này. Người Anh từng có nhiều khám phá vĩ đại – máy hơi nước, máy kéo sợi và động cơ điện. Họ cũng có nhiều giải Nobel khoa học. Nhưng rất ít khám phá trong số này của họ trở nên thành công về mặt thương mại. Tại sao lại như thế? Những năm dài của 2 thế kỉ đế chế đã hình thành một xã hội nơi mà giới thượng lưu cũ và những quý tộc có ruộng đất được kính trọng. Giới nhà giàu mới bị xem thường. Các sinh viên trẻ ưu tú mơ ước trở thành luật sư, bác sĩ và trí thức – những người được ngưỡng mộ vì trí tuệ và đầu óc của họ hơn là lao động cực nhọc hoặc lao động tay chân. Hoa Kỳ thì lại khác, là một xã hội mới không có khoảng cách tầng lớp. Mọi người đều ngưỡng mộ việc làm giàu – và muốn trở nên giàu có. Đây là một động lực rất lớn để tạo nên các công ty mới và của cải. Thậm chí ở các công ty của Mỹ, người trẻ có tiếng nói lớn hơn ở các cuộc họp, và sức trẻ của họ được định hướng để giúp công ty trở nên sáng tạo hơn.

Tác giả: Lý Quang Diệu

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Khải Đơn - Đàn bà xứ này thật kỳ lạ

Link : https://www.facebook.com/khaidon/posts/10203204128797880

Đàn bà xứ này thật kỳ lạ
Họ là những cô gái rất xinh đẹp, thậm chí, cái đẹp ấy khiến người ta đáng ngờ vào cái nguy cơ hạnh phúc họ có được. Và chuyện ấy càng kỳ lạ hơn, khi họ đẹp dường ấy, lớn lên vẫn chẳng có cơ hội nào cho ra hồn.
Cứ đứng giữa Sài Gòn mà hỏi, đàn bà xứ này thật kỳ lạ, họ phải rời quê hương từ rất xa xôi tít miền Trung, miền Bắc để lặn lội đi bán hàng, kiếm tiền. Hỏi kỹ hơn, họ nói để chồng ở nhà nuôi con. Thật kỳ lạ, tới một ngày, đâu đó trên tivi người ta giới thiệu những ngôi làng xây lên bằng bàn tay nứt nẻ của những phụ nữ gồng gánh bán bưng xa quê này. Còn các ông chồng xa vợ, đã bận đi theo các cô gái mới, nên nhà nào cũng đóng cửa im ỉm.
Họ kỳ lạ hơn khi khi cứ lớn lên như hoa dại, đẹp trong sáng, tinh khôi khắp đất miền Tây. Rồi họ phải đem cái xinh đẹp vô ngần ấy ra tận xứ người, tít Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, đánh đổi tuổi trẻ để làm con người xứ lạ, lấy miếng cơm gạo về nuôi cha mẹ già, có khi nuôi cả những ông anh trai, cậu em trai ở quê hương nên người. Sau khi nên người, những anh đàn ông hùng hồn ấy gọi họ ngon- ngoan – ngu. Các anh đã quên mất cơm trắng các anh ăn lấy từ da thịt và sự xinh đẹp của người chị, người mẹ tận quê nhà.
Đàn bà xứ này kỳ lạ vô cùng. Họ phải đi làm gái ở nhiều nơi, ở Campuchia, ở Singapore, trên quốc lộ, giữa phố biển xa. Đàn ông xứ này ra đó hưởng thụ, vui vầy, chùi mép, xong đi khắp nơi gọi họ là đĩ, hùng hồn như một bậc quân tử thứ thiệt thời xưa - vừa kịp mặc quần.
Sự kỳ lạ ấy đôi khi khiến người ta ngạc nhiên. Khi một người đàn bà bị đánh, anh công an phường đi qua, bà hội phụ nữ đi lại, nhòm ngó một cách dè chừng, rồi bỏ đi. Đàn bà bị đánh mà, có gì đâu ghê gớm. Xong một bữa nọ, cũng bà hội phụ nữ cao trọng đó, cũng anh công an lịch thiệp đó, họ ập vào “ổ mại dâm” để cô gái trần truồng chụp ảnh, dòm ngó, soi mói, gọi tên. Bà hội phụ nữ hình như quên mất, bà cũng là đàn bà. À không, đàn bà có hội khác với đàn bà khổ thân. Đàn bà ngủ với đàn ông mà. Chuyện ấy thì ghê gớm, phải chụp hình trần truồng lại.
Đàn bà xứ này kỳ lạ lắm. Nếu họ lỡ yêu và sống với 2, 3 anh đàn ông, họ sẽ bị coi là “người xấu”. Có kẻ còn đem cả tiểu sử của họ để đi bêu riếu khi cần nói xấu họ một việc chẳng liên quan. Nếu anh người yêu bỏ họ và họ chính chuyên độc thân, họ trở thành người phụ nữ được trọng thị và kẻ cả - để đi bình phẩm về những người đang yêu đương hạnh phúc khác.
Đàn bà xứ này kỳ lạ như một vũ điệu. Ngày xưa họ nhảy nhót cuống cuồng để có một tấm chồng. Đàn bà không chồng trở thành trò đàm tiếu (của vô vàn đàn bà khác). Thời nay họ nhảy nhót cuống cuồng để vinh danh “mẹ đơn thân”, “tôi không cần chồng”, “tôi sống khỏe không cần đàn ông”. Lúc nào cũng phải cuống cuồng, gồng gánh. Họ quên mất làm mẹ về cơ bản là cực khổ và thiêng liêng, nên không cần phải đem khoe mỗi ngày – vì chỉ có em bé ở nhà cần tình yêu ấy. Họ quên mất độc thân là niềm vui (hoặc nỗi khổ) của bản thân, cũng không cần phải gắn nhiều huy hiệu lên ấy làm gì. Có người còn bán cả huy hiệu cho những người khác, để đeo chung thành một hội, nơi những kẻ khác (gồm đàn ông và các phụ nữ đã có chồng) trở thành kẻ dị hợm bị chà đạp. Chỉ có người bán được tiền.
Đàn bà xứ này, xấu xí vì làm nông lam lũ để nuôi chồng con thì bị chê tởm quá và chồng bỏ theo em gái khác, còn lỡ xinh đẹp trong sáng thì bị chê là đĩ quá, thông minh giỏi giang thì bị chê là ghê gớm quá. Họ cứ phải gồng gánh một cái chức phận và không khí nào đó mà đàn ông và hằng hà sa số đàn bà khác ban cho. Người thì chăm chỉ gồng gánh. Người mệt quá ném gánh đập vô mặt người khác, chẳng cách gì bình tĩnh thản nhiên được.
Đàn bà xứ này kỳ lạ vô cùng, khi những buổi sớm mai ngoài đồng, trong công xưởng, họ cắm đầu vào cây lúa, dàn máy, cánh đàn ông cũng bận rộn với cuộc nhậu giữa trưa, chầu cá độ lúc chiều tối, hoặc bữa nhậu khuya với chiến hữu bạn bè. Ở nông thôn, lúc nào người ta cũng có thể gặp các cậu trai rảnh ngồi ngoài quán cafe đánh bài, rung đùi nghe nhạc, bất đắc chí vì đời sống. Chỉ có các cô gái đang miệt mài rời quê hương kiếm miếng ăn cho cha mẹ, và cả những người đàn ông trót trở thành số phận mà họ phải đeo mang.
Đàn bà xứ này kỳ lạ như vậy, bên cạnh những người đàn ông kỳ lạ không kém...
-------------------------------
Bài liên quan : Tuấn Khanh's Blog - Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không? (http://quangdonquixote.blogspot.com/2014/08/tuan-khanhs-blog-phu-nu-viet-nam-te-lam.html)

Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Tuấn Khanh's Blog - Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không?




Trong không gian tâm tình ngập ngụa phong cách tabloid của báo chí Việt Nam, mới đây khi độc giả còn chưa kịp hết ngỡ ngàng về bài viết căn dặn đàn ông khôn ngoan đừng bao giờ lấy vợ Bắc, thì lại thấy bài viết khác xuất hiện, nói rằng đừng bao giờ lấy chọn gái Nam vì chuẩn “3N”, mà quan trọng là trong đó có chữ “ngu”.

Chẳng phải lần đầu tiên “tiêu chuẩn” của vùng miền được bày ra, tạo nên những cuộc tranh cãi trên báo chí Việt Nam, bao gồm cả những ngôn ngữ và ý kiến hạ thấp nhau, nhưng với đợt bài viết lần này, nó không những chỉ ra sự dốt nát và tồi tệ của người viết, tổng biên tập tờ báo… mà còn chỉ ra phần nội thương không bao giờ được chữa lành trong lòng dân tộc Việt, dù có cờ trống hô vang bao nhiêu đi nữa về việc thống nhất địa lý, nay đã gần 40 năm.

Gọi là nội thương, vì trong những câu chuyện tưởng chừng như là lời nhận định riêng tư, chia sẻ, thì nó lại ẩn giấu không biết bao nhiêu là điều nhầy nhụa của lòng kỳ thị, chán ghét lẫn nhau. Sự phân biệt Bắc Nam trước đây có thể chỉ là những nhận định mang tính dân gian, nhưng nhờ vào những bài viết như vậy, mới bật ra được một thực tế rằng sự kỳ thị đó vẫn nằm trong đầu của nhiều người, kể cả những người có quyền cho đăng hay không những bài viết như vậy. Một thực tế bật ra về chuyện dân tộc Việt có những lớp người như đang miễn cưỡng phải chung sống với nhau, dựa trên lý do có quá nhiều sự khác biệt, ghét bỏ nhau về văn hoá, chính trị, đời sống… trong suốt mấy mươi năm chia cắt vì chiến tranh, chia cắt về quan điểm, mà mãi chưa quen được vì sự chung đụng trong thời thống nhất và phát triển đầy bất cập.

Nhưng hãy tạm thời gác lại câu chuyện nội thương cho một bài viết khác, ở đây, chúng ta hãy nói về người phụ nữ Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một anh bạn làm báo lâu năm ở Miền Nam, khi đọc bài viết này, đã tức giận gửi thư cho toà soạn phát hành bài viết này, rằng nếu không rút xuống và xin lỗi, anh sẽ gửi đơn kiện vì phỉ báng phụ nữ miền Nam. Cũng giống như trước đó, một bạn nữ người Hà Nội cũng làm trong nghề báo, khi đọc được những dòng mỉa mai phụ nữ Bắc, đã viết trên facebook “chắc phải bỏ nghề thôi, báo chí bây giờ thật thối nát kinh tởm”. Nhưng cần nhìn kỹ hơn, báo chí thối nát cũng chỉ là một phần. Thối nát đến từ âm mưu thoả hiệp cho xuất hiện những ý tưởng ngu xuẩn đó, cũng như thối nát nằm sẳn trong đầu của giới lãnh đạo truyền thông, mà chắc chắn là những người tự gọi là đàn ông.
Những người phụ nữ miền Bắc lặng lẽ đọc từng câu chỉ trích cay nghiệt về mình, và rồi tới những người phụ nữ miền Nam sửng sờ thấy mình bị xô về phía tệ hại nhất. Họ bị từng nhát dao của nền báo chí vinh quang xã hội chủ nghĩa lách vào từng đường gân, thớ thịt, cắt móc và trưng bày như những món hàng định giá để được chọn. Trong những bài sớ tâu lên vua chúa Trung Quốc ngày xưa, giới quan lại phục vụ cho sự hưởng thụ của triều đình vẫn phân loại phụ nữ ở Giang Nam, Tô Châu… với những đặc tính khác nhau cho dễ chọn lựa. Chỉ vài bài viết của nền báo chí xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại hôm nay, với cách phân loại phụ nữ cho nhu cầu của mình, Việt Nam hôm nay sao nghe không khác gì một triều đại phong kiến đang thối nát mục rữa, và phụ nữ bị xếp vào một đẳng cấp hèn mọn.

Chúng ta đừng bao giờ ngạc nhiên khi lâu nay, các đoạn video bắt được phụ nữ bán dâm, công an chỉ làm nhục và phô bày họ, còn giới mua dâm là đàn ông – thì luôn phải được dè dặt tính toán là có nên công khai tên họ hay không. Trở lại câu chuyện năm 2011, làm chấn động khắp nơi về ông hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm Sầm Đức Xương ở Hà Giang, sau khi bị phát hiện là cưỡng dâm, mở đường dây bán dâm phục vụ cho quan chức từ học sinh nữ của trường mình quản lý, thì chỉ có các nữ sinh là luôn khốn đốn trong vòng vây chính quyền.

Phụ nữ Việt Nam tệ lắm không? Và từ lúc nào, họ trở nên bé mọn và dễ dàng bị chà đạp như vậy trong xã hội hiện tại, lại được ca ngợi là một xã hội đáng sống nhất? Những câu chuyện cũ được nhắc lại, chỉ để giới thiệu những điều sỉ nhục dễ dàng đến với phụ nữ Việt hôm nay, là một tiến trình, chứ không là vô tình. Nó xé rách những vỏ bọc màu mè và sáo rỗng về quyền con người và giá trị phụ nữ Việt trong cuộc sống này, vẫn được tuyên truyền vào từng đợt lễ lạc hay thậm tuyên như những trò hề.
Trong một chuyến bay từ Đài Loan về Việt Nam, tôi vô tình ngồi gần các cô gái miền Tây đi lấy chồng xứ người. Khi hỏi thăm về gia cảnh, tôi được biết một sự thật khác so với những gì báo chí hay nói. Hầu hết những người phụ nữ trẻ này chọn lấy người chồng ở rất xa vì muốn giúp điều gì đó cho gia đình, và tự mình muốn thoát khỏi cuộc sống không lối thoát ở thôn quê. Khi hỏi về vấn nạn bị chồng Đài Loan đánh đập, một cô gái đã cười hồn nhiên nói “Không phải ai cũng bị như vậy, báo chí nói quá. Nhưng nếu như có bị đánh ở Đài Loan, tụi em còn được báo chí xứ đó lên tiếng giùm, chứ ở Việt Nam, lấy một ông chồng say xỉn rồi bị đánh chết cũng không ai lo cho mình”. Dĩ nhiên đây là một trong nhiều cách để giải thích cho chuyện phụ nữ miền Tây Nam Bộ Việt Nam ồ ạt lấy chồng ngoại quốc sau 1975, kể từ thời Nhà nước xã hội chủ nghĩa nắm quyền, nhưng không thể ngu ngốc và hoang tưởng như một vị tiến sĩ xã hội học, đảng viên CSVN, từng nhận định rằng do ít ý thức về đức hạnh mà phụ nữ Nam Bộ thường hay lấy chồng ngoại.

Sau sự kiện các bài viết đầy tính kỳ thị, và xúc phạm người phụ nữ Việt vào giữa tháng 8/2014, nhiều nơi đã rút bài đăng lại xuống, do sự phản ứng của độc giả. Nhưng đó không là một tín hiệu hoàn toàn tốt. Cội rễ của sự thối nát truyền thông vẫn đâu đó, lùi bước chỉ là một cách đối phó. Rồi đây chúng ta sẽ lại bắt gặp những đề tài như vậy nay mai. Xin đừng tức giận mà hãy đếm, vì đó là những tiếng chuông cuối cùng, báo hiệu sự cáo chung của nền báo chí lá cải xã hội chủ nghĩa, vốn được dung dưỡng bấy lâu nay.

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Huỳnh Ngọc Chênh - VINH DANH HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ

Vào cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước, đảng Cộng sản Việt nam và nước CHXHCN Việt Nam như nghìn cân treo trên đầu sợi tóc. Nhà nước cộng sản được cho là thành trì Liên Xô và các nhà nước cộng sản Đông Âu hoàn toàn tan rã và sụp đổ. Đảng CSVN và nhà nước VN không những bị cô lập với thế giới mà còn phải đối đầu trực diện với một kẻ thù cực kỳ nguy hiểm và hùng mạnh ngay sát biên giới đang liên tục gây hấn trên đất liền cũng như trên biển để lăm le thôn tính VN.
Ảnh những người tham dự hội nghị Thành Đô được phía nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố
Trong tình thế cực kỳ nguy hiểm như vậy, những người lãnh đạo tối cao của đảng CSVN đã tìm ra con đường cứu nguy để kéo dài sự tồn tại của đảng và nhà nước XHCN. Đó là bí mật tiếp xúc với chính kẻ thù và thành công đi đến một hội nghị lịch sử vô tiền khoáng hậu: Hội Nghị Thành Đô năm 1990.
Theo tài liệu từ cựu đại sứ Trung cộng tại VN thời đó, ông Lê Đức Anh là người có công thiết kế các cuộc tiếp xúc bí mật, và theo tài liệu công khai từ phía Bắc Kinh, đoàn lãnh đạo cấp cao VN tham dự và đưa đến sự thành công của hội nghị gồm có các ông Nguyễn Văn Linh- tổng bí thư, Đổ Mười- Thủ Tướng, Phạm Văn Đồng- cố vấn BCT.

Cho rằng Hội nghị Thành Đô là một bước ngoặc lịch sử vĩ đại mở ra đường thoát và duy trì sự tồn tại của đảng CSVN và nhà nước CHXHCN Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Cho rằng HN Thành Đô đã biến kẻ thù nguy hiểm không đội trời chung là Trung cộng thành đồng minh hợp tác toàn diện mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Cho rằng HN Thành Đô giúp bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ VN đồng thời giữ vững được hòa bình và ổn định trong khu vực.
Cho rằng HN Thành Đô giúp đảng và nhà nước VN chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực dân chủ "thù địch" trong và ngoài nước đang gây ra sự bất an cho đảng và nhà nước.

Thế thì:
-Tại sao từ 24 năm qua, đảng CSVN và nhà nước CHXHCN VN không hề công khai nhắc đến hội nghị Thành Đô? Đến ngay thời điểm nầy đảng viên CS và nhân dân VN chỉ biết về sự tồn tại của hội nghị qua công bố từ phía nhà cầm quyền Bắc Kinh.
-Tại sao không vinh danh hội nghị nầy trước toàn đảng, toàn dân và ghi danh hội nghị vào các văn kiện lịch sử?
-Tại sao không tuyên dương công trạng và ghi danh vào lịch sử những người có công lớn đưa đến sự thành công của hội nghị là các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng? Nhất là sau khi các ông Nguyễn Văn Linh và Phạm Văn Đồng chết đi, trong tiểu sử và điếu văn đọc trước mộ của hai ông không hề nhắc một lời đến công trạng to lớn nầy?
-Tại sao, đã qua 24 năm kể từ ngày ký kết, nội dung hội nghị và những gì ký kết trong hội nghị giữa hai đảng và hai nhà nước không được công khai minh bạch ra cho toàn đảng và tòan dân được biết? Có gì khuất tất mờ ám phải che giấu?

Với tư cách một công dân, tôi cho rằng hội nghị Thành Đô là một trong những hội nghị lịch sử quyết định đến vận mệnh của đất nước và toàn thể dân tộc Việt Nam, trong đó có cá nhân tôi. Do vậy tôi yêu cầu đảng CSVN và nhà nước CHXHCN VN phải công khai mọi nội dung về hội nghị Thành đô, nếu đảng CSVN và nhà nước vẫn còn tự nhận mình là đảng từ nhân dân mà ra và là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
                                                                     7.8.2014
                                                          Công dân Huỳnh Ngọc Chênh

Nguyễn An Dân/ Blog Trí Nhân Media - Luật sư Nguyễn Đăng Trừng và TPP

Nguyễn An Dân/ Blog Trí Nhân Media

Mấy ngày nay dư luận và nhất là giới luật sư xôn xao về việc Luật Sư (sau đây viết tắt là LS) Nguyễn Đăng Trừng, chủ nhiệm đoàn luật sư TpHCM, đã bị khai trừ khỏi đảng. Lý do theo như quyết định công bố là “xem nhẹ vai trò của đảng đoàn trong hoạt động của đoàn LS TpHCM, có biểu hiện tha hóa về lý tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”

Từ chuyện Ls Nguyễn Đăng Trừng

Việc LS Trừng bị Đảng Cộng Sản VN khai trừ hôm nay chính là kết cục tất yếu của một quá trình lâu dài mà bắt nguồn là việc hình thành và ra đời của Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, được trù bị từ năm 2006 và chính thức thành lập năm 2009. Khi đó, tiếng nói khách quan của LS Nguyễn Đăng Trừng khi phản đối sự áp đặt của đảng vào hội nghề nghiệp của các LS trên toàn quốc rất mạnh mẽ đã làm “phật lòng trung ương đảng”

Vào 3 năm trước khi Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam thành lập, năm 2006, giới LS đã xôn xao khi “biết trước” một ông cựu chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, ông Lê Thúc Anh, sẽ làm chủ tịch liên đoàn, dù ông này chưa hề có 1 ngày hành nghề luật sư.

Với bề dày kinh nghiệm là một LS “tiền bối” thuộc thế hệ trước 1975, LS Nguyễn Đăng Trừng quá hiểu một ông chủ tịch liên đoàn “không có kinh nghiệm luật sư” sẽ chẳng thể làm được gì có ích cho liên đoàn lẫn đóng góp gì vào sự tiến bộ của tư pháp Việt Nam hiện đã và đang phải hội nhập quốc tế, nên đã cực lực phản đối và “bất hợp tác”. Đỉnh điểm của việc này là bác bỏ đơn gia nhập vào đoàn LS TpHCM của ông Lê Thúc Anh vì ông này “chưa trải qua học và hành nghề luật”, một quyết định đúng theo Luật Luật Sư.

Việc phản ứng hợp tình hợp lý của LS Trừng đã phá vỡ “truyền thống” của trung ương đảng. Đó là truyền thống bổ nhiệm các quan chức về hưu hay “không biết sắp xếp ghế nào cho ngồi” vào nắm ban chủ tịch các hội đoàn “cánh tay nối dài của đảng” để làm tai mắt cho đảng. Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Tổng Liên Đoàn Lao Động, Hội Liên Hiệp Thanh Niên…đều có thành phần chủ tịch đoàn là các quan chức đảng viên này kia ở trung ương chuyển ngành qua làm lãnh đạo chứ không phải xuất thân từ nghề nghiệp.

Đang ở vị trí thay mặt vài ngàn luật sư ở TpHCM, LS Trừng quá hiểu nếu các hội đoàn nghề nghiệp dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo do đảng chỉ định sẽ chẳng mang lại hay làm được gì cho quyền lợi các hội viên và sự lớn mạnh của hiệp hội. Chuyện nông dân Việt Nam ngày càng bần cùng hóa, phụ nữ Việt Nam phải xuất ngoại lấy chồng và bán dâm vì nghèo khó ngày càng nhiều và lan rộng ra nhiều tầng lớp. Rồi công nhân, thanh niên phạm pháp vì sinh kế càng ngày càng gia tăng dù có các hội tương ứng như trên…chính là một bằng chứng ai cũng thấy rõ. LS Trừng vì quan ngại cho tương lai các luật sư hội viên nên vì quyền lợi tập thể mà đứng ra chỉ trích và phản ứng với sự áp đặt của đảng vào nhân sự của liên đoàn chứ không phải vì ông là người “chuyên quyền, độc đoán” nhưng quy kết trong văn bản kỷ luật. 

Trong quyết định kỷ luật cũng nói rõ là “LS Trừng đã nhiều lần chống lại, ngăn trở, phản ứng lại các quyết định của đảng đoàn LS và Ủy Ban Nhân Dân TpHCM”. Rõ ràng đây là biểu hiện của sự can thiệp của đảng và chính quyền vào hoạt động của Đoàn LS. Đoàn LS là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không phải 1 ban của đảng, hay 1 cơ quan hành chính cấp dưới của chính quyền TpHCM. Đoàn LS TpHCM ra đời theo nhu cầu của các luật sư thành viên, sao lại có việc đảng đoàn và Ủy Ban Nhân Dân TpHCM “chỉ đạo” ông chủ nhiệm phải làm thế này thế nọ nếu các việc đó không phải từ nhu cầu tập thể của các hội viên??? Nếu Ông Trừng làm sai luật thì xử lý theo luật, không sai luật thì đó là việc của đoàn LS TpHCM, các luật sư thành viên không phản ứng, mắc gì đến đảng mà đảng dùng nó làm lý do kỷ luật đảng viên ???.

Luật sư là một giới trí thức hơn ai hết có nhu cầu tìm hiểu và tôn trọng sự thật. Thêm nữa, cái khác biệt của hội nghề nghiệp luật sư so với các hội nghề nghiệp khác là yếu tố thượng tôn pháp lý và đạo lý. Nếu ông Trừng phạm vào việc “tha hóa về đạo đức, lối sống” thì tôi tin là các luật sư khác trong đoàn sẽ tự động bài xích ông Trừng trước khi đảng lên tiếng vì các LS là người có kiến thức, có óc quan sát và nhận định sắc sảo (yêu cầu nghề nghiệp phải có). Đằng này sau khi trao đổi với nhiều luật sư có uy tín và thâm niên trong đoàn luật sư, đều thấy sự buồn đau, chua xót và “tức tối” thay cho LS Trừng, như vậy sự thật có nằm ở kết luận của văn bản kỷ luật của đảng về tư cách cá nhân của LS Trừng không ???

Điều đáng lo ngại cho chính các luật sư ở đây là sau việc LS Trừng công khai phản đối việc áp đặt sai nguyên tắc pháp luật của đảng vào hoạt động của của đoàn LS rồi bị đảng khai trừ nhằm hất ông ra khỏi ghế chủ nhiệm, sắp tới sẽ còn có LS nào “dám” hành động như ông Trừng để tự mình bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và các đồng nghiệp ??? Có bao nhiêu luật sư đã từng lắng nghe và thấy chua xót vì các nhận định của quần chúng “nói cho cùng, luật sư ở Việt Nam chỉ là vật trang sức cho tòa mà thôi”, “ mấy ông ấy làm cò chạy án là chính chứ cãi cọ gì, án do đảng quyết chứ có phải căn cứ vào luật đâu”, “tòa xử sao chả được, kiến cãi khoai thôi”.

Một người phụ nữ ở nông thôn Việt Nam phải làm mãi dâm vì sinh kế, chịu đủ tủi nhục và hiểm họa dù bản thân người đó là đối tượng quan tâm và là thành viên của Hội Nông Dân ( vì là gia đình nông dân) , của Hội Phụ Nữ ( vì là phụ nữ), của Hội Liên Hiệp Thanh Niên ( vì là thanh niên) cho thấy điều gì khi đảng đóng vai trò cầm nắm các hội đoàn này ???. Là trí thức, dĩ nhiên các luật sư không cần bán thân như thế, nhưng đã có và sẽ trong tương lai, liệu rằng các luật sư vì hoạt động trong 1 nền tư pháp mà đảng quyền cao hơn pháp quyền, sẽ bán lương tâm đạo đức nghề nghiệp, “bán” luật pháp và pháp lý để tồn tại và đi lên không ?? Hay là lựa chọn lối đi như LS Nguyễn Đăng Trừng đã chọn, đó là bỏ qua danh vọng và quyền chức do đảng ban tặng, để tranh đấu cho việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình nhằm phát triển nghề nghiệp, đóng góp vào sự hoàn thiện của pháp luật Việt Nam

Nghĩ đến chuyện Việt Nam gia nhập TPP

LS Nguyễn Đăng Trừng là thành viên-hội viên của nhiều tổ chức LS danh tiếng ở Asean, Châu Á và quốc tế, việc đảng khai trừ ông ta sẽ gây một tiếng vang không mấy tốt đẹp cho thanh danh của đảng trong đối ngoại và trong chính sách “trí thức vận” là điều sẽ phải xảy đến. Và hơn nữa còn là nhiều hệ lụy kéo theo không chỉ đảng thiệt hại mà dân tộc và đất nước cũng phải gánh chịu, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang “rất muốn và phải là thành viên của TPP”

Trong các tiêu chí mà các nước thành viên TPP xét kết nạp thành viên mới như Việt Nam, yếu tố tự do- tự quyết của các hội đoàn nghề nghiệp là yếu tố bắt buộc phải có theo 8 công ước của liên đoàn lao động quốc tế quy định (cụ thể là công ước 87 về quyền lập hội). Việc LS Trừng chủ động ngăn chặn và phản ứng việc can thiệp sâu của đảng vào liên đoàn luật sư đúng theo pháp luật là điều cần thiết phải được chính phủ và ngành tư pháp Việt Nam ủng hộ để dùng điều này chứng minh cho các nước thành viên TPP khác như Mỹ thấy rằng tại Việt Nam, đảng và nhà nước luôn tôn trọng và quyết tâm thực thi cải cách để họ nhanh chóng thông qua cho Việt Nam gia nhập khối

Trong tư thế kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc sâu vào Trung Quốc, một kẻ thù xâm lược cả dân tộc đều công nhận thì việc gia nhập sân chơi TPP sẽ là 1 ưu thế quan trọng trong việc “thoát Trung” về kinh tế để mang lại sự phát triển bền vững hơn về sau. Nếu cứ để xảy ra các việc như đảng khai trừ những đảng viên có xu hướng cải cách như LS Trừng sẽ dẫn đến làm chậm (hoặc có thể hủy bỏ) lại TPP lần này thì rất tai hại. Thiệt hại của nó là vô cùng lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang bí lối ra như lúc này. Thành ra chuyện LS Trừng bị khai trừ đảng không còn là chuyện của riêng hai bên này nữa, mà nó sẽ là hệ lụy kéo dài về sau cho sự hội nhập quốc tế của Việt Nam., nếu các lãnh đạo nhà nước không quyết tâm bảo vệ những “hạt nhân” như LS Nguyễn Đăng Trừng. Và sau cùng, ai sẽ chịu trách nhiệm về “bước lùi” này của đất nước trong lúc “ngặt nghèo” này ???

Vừa mới đây ngày 29/07/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói các luật sư và các hội đoàn luật sư cần phải “tự chủ và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa” thì ngay sau đó LS Nguyễn Đăng Trừng bị khai trừ đảng vì “phát huy tự chủ và đổi mới mạnh mẽ”. Tôi nghĩ ông Trương Tấn Sang cần đề nghị đảng xét lại việc này nếu ông thực sự coi trọng giới luật sư như ông phát biểu khi thăm liên đoàn LS vào ngày 01/08/2014. Song song đó, nên chăng các luật sư thuộc đoàn LS TpHCM, những người mà 20 năm qua luôn bỏ phiếu ủng hộ LS Nguyễn Đăng Trừng làm chủ nhiệm, cùng kiến nghị Chủ Tịch Nước, người đứng đầu tư pháp, xem xét lại quyết định này.

Đa số dư luận đều nghĩ rằng việc khai trừ LS Nguyễn Đăng Trừng là do thành ủy TpHCM quyết định nhưng tôi e rằng không phải. Mâu thuẫn của LS Trừng và trung ương đảng đã có từ năm 2007 đến nay kéo dài qua nhiều sự việc. Đến nay ông mới bị kỷ luật cho thấy trong thời gian mấy năm qua một bộ phận của Thành Ủy có ủng hộ ông nhưng hôm nay họ phải chấp hành chỉ đạo của Trung Ương thì đúng hơn. Việc các đại biểu quốc hội TpHCM lúc gần đây phát ngôn đều kêu gọi cải cách thể chế mạnh mẽ cho thấy xu hướng đó (cao trào là việc ông nghị viên “bảo hoàng hơn vua” Hoàng Hữu Phước ủng hộ làm ngay Luật Biểu Tình và Luật Lập Hội vừa qua là 1 ví dụ rõ nét).

Theo tình hình phía Mỹ cho thấy, hiện nay đã có nhiều hạ nghị sĩ và một số thượng nghị sĩ đang chú ý và phản đối tình trạng đảng cộng sản đang cầm quyền luôn có những can thiệp quá sâu vào các hội đoàn nghề nghiệp tại Việt Nam. Nên chăng chính phủ cần xem xét lại việc LS Trừng bị kỷ luật, vì rõ ràng điều này cũng sẽ ảnh hưởng vào nhận xét của chính giới Mỹ trong việc kết nạp Việt Nam vào TPP, cũng như để các trí thức khác (như GS Ngô Bảo Châu) đang và sẽ yên tâm khi cộng tác cùng chính phủ để cống hiến tài năng cho đất nước và dân tộc.

Trong tương lai với đà nâng cao dân trí cùng việc hội nhập quốc tế, việc xây dựng một nền dân chủ pháp trị là điều tiên quyết phải có để đất nước và dân tộc lớn mạnh. Trong đó, vai trò của các luật sư là không nhỏ, việc cùng bảo vệ nhau để bảo vệ tính minh bạch, thượng tôn pháp luật của cộng đồng luật sư là điều mà quần chúng mong mỏi trước khi quần chúng “nhờ cậy” luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tôi hi vọng rằng dù Luật Sư Trừng đã bị đảng khai trừ nhưng cộng đồng các luật sư có tâm, có tầm và có lương tri nghề nghiệp sẽ tiếp tục con đường của ông đã đi trong việc góp phần cải cách chính trị ở Việt Nam.

Thanh Hùng / Infonet - 12/13 quán quân Olympia không về nước: Những nguyên nhân chua xót

Thanh Hùng (thực hiện)/ Infonet

Chỉ những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.

Để giải đáp thắc mắc độc giả về việc trong số 13 quán quân Olympia hiện chỉ có duy nhất 1 người lựa chọn quay trở về Việt Nam, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Như Mai về vấn đề này.

Là cố vấn lâu năm của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia", ông có thể cho biết quan điểm của mình trước thực trạng là có đến 12/13 quán quân Olympia ở các năm quyết định làm việc hoặc mong muốn ở lại làm việc tại nước ngoài sau thời gian du học?

Sau kì chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" lần thứ 14, có những nguồn thông tin cho biết 12/ 13 nhà vô địch đã quyết định ở lại. Số liệu ấy không rõ có chính xác hay không chưa kiểm định, vì ít nhất phải học xong đại học mới có thể có điều kiện xin ở lại định cư tại Úc hay không. 

Nhưng theo tôi, thực ra không chỉ những “nhà leo núi Olympia” mới như vậy, nhiều bạn khác có tài năng sau khi đi du học cũng thế thôi. Tôi là cố vấn "môn" Hiểu biết chung của chương trình này trong suốt 14 năm. Cũng có dịp gặp gỡ, quen biết nhiều người được cử đi học thạc sĩ, tiến sĩ nên cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Và tôi biết chắc một điều rằng hầu hết họ đều muốn ở lại nếu thực hiện được.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có bạn Lương Phương Thảo-quán quân mùa thứ 3, là nhà vô địch duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Vậy số còn lại, họ có chia sẻ với ông nguyên nhân vì sao sau thời gian du học, đều muốn ở lại nước ngoài, cụ thể ở đây là Úc?

Theo họ, có mấy lý do sau: Ở Úc hay bất cứ nước tiên tiến nào (như Canada, Thụy Điển, Na Uy hay Mỹ) đều có một cuộc sống ổn định, đầy đủ hơn. Đấy là điều mong ước của tất cả mọi người lao động. Không nói những người có học thức mà thậm chí những người đi làm công, có tay nghề cũng đều xin ở lại nếu đủ tiêu chuẩn. 

Nhưng đối với những người có tri thức, được đào tạo bài bản ở nước ngoài, thì họ  muốn ở lại không chỉ vì đời sống vật chất. Họ còn có một thực tế phải đối măt khi về nước, đó là phải chạy chọt xin việc, phải va đập vào những thủ tục phức tạp, phải lo lót "đầu tiên"- tiền đâu. Mà nhiều khi vẫn thất nghiệp. 

Xin được việc làm rồi, họ lại không thể phát huy được sở học. Bởi làm giảng dạy, làm khoa học thì thiếu thiết bị, thiếu môi trường khoa học, lại bị chèn ép, kèn cựa, “cá mè một lứa”... 

Làm trong cơ quan thì bị các thủ trưởng thiếu tri thức sử dụng vào những việc chẳng cần đến những điều đã học. Rồi sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp về... Họ e ngại tất cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột.

Đấy là chưa kể về nước, lương lậu có thể không tương xứng với cống hiến, thậm chí không nuôi được mình và gia đình....

Ngoài ra, họ còn chịu những áp lực nào khác về tư tưởng nữa không, thưa ông? 

Thêm một điều nữa, chỉ những người đã học ở nước ngoài mới dám nói: Ở nước ngoài họ được sống thực với mình, dám nói điều mình nghĩ. Trong khi về nước, lại phải giấu giếm ý nghĩ của mình, hoặc phải lựa chiều nói dối, không thực lòng. Đâm ra họ sợ.

Vậy thử hỏi, nếu bạn là người như họ, là người trong cuộc, thì bạn quyết định như thế nào? Xin đừng nên trách họ là được hưởng ưu ái nọ kia mà không yêu nước, là chỉ muốn hưởng thụ... 

Xin nói là, họ biết rất rõ, muốn sống ở nước ngoài cũng không dễ đâu, phải lao động thực sự, phải có tài, chứ không thể dựa vào chạy chọt, dựa dẫm được đâu. Chỉ trừ những con nhà đại gia, con quan tham có tiền để ra nước ngoài sống cuộc sống hưởng thụ do tiền của dư thừa mà thôi.

Có thể kể đến một số gương mặt như: Phan Mạnh Tân- quán quân năm thứ 3 hiện đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia. Hay Huỳnh Anh Vũ-quán quân năm thứ 8 là một trong hai sinh viên hiếm hoi được giữ lại trường trở thành giảng viên ngành kinh tế tại ĐH Swinburne,… Vậy theo ông, thực trạng này có phải đang báo hiệu việc"chảy máu chất xám" của nước ta hiện nay và thời gian tới?

Nói là "chảy máu chất xám" thì to tát quá, nhưng đó thực sự là một xu thế. Các nhà leo núi Olympia là những học sinh giỏi, nhưng cũng chưa phải là những tài năng ghê gớm. Tuy nhiên họ có tiềm năng trở thành người tài. Nước Úc không vô cớ mà cấp học bổng, ưu ái cho họ đến học đâu. Họ sẽ hưởng lợi, hớt tay trên của ta khi những học sinh, sinh viên đó ở lại làm việc cho họ.

Tìm thông tin trên mạng, ta thấy rất nhiều người Việt đã thành danh ở nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, công nghệ đến kinh doanh. Chứng tỏ nguồn gen của Việt Nam khá chất lượng, rất đáng tự hào đấy chứ.

Mà trên quy mô toàn cầu thì chuyện chảy máu chất xám cũng không có gì lạ. Như nước Mỹ chiếm hầu hết giải Nobel, nhưng trong số đó rất nhiều người vốn từ các nước khác đến nhập cư.

Với tình trạng trì trệ của đất nước ta như hiện nay, chuyện còn có rất nhiều người được cử đi học hay tự đi du học sẽ ở lại nước ngoài là điều khó mà cưỡng lại.

Nếu như thế, thì một số ý kiến cho rằng họ thiếu trách nhiệm với đất nước, liệu có hơi quá với họ, thưa ông?

Rõ ràng không thể trách cứ các bạn thủ khoa Olympia hay những sinh viên ra nước ngoài học mà không trở về. Đừng áp đặt cho là họ không yêu nước, không thực hiện trách nhiệm với đất nước.

Chưa nói đến các bạn đi du học, ngay cả các học sinh sinh viên tỉnh lẻ, hay miền núi sau khi tốt nghiệp tại sao lại không về "phục vụ quê hương" mà tìm mọi các trụ lại ở "đất thánh" thủ đô hay TP Hồ Chí Minh? Trong khi đó, phải vận động trí thức lên xây dựng miền núi, vùng sâu vùng xa.

Vấn đề là chúng ta phải tự hỏi tại sao lại để xảy ra cớ sự như vậy. Bấy lâu nay nước ta cứ đưa ra những chủ trương chính sách như thu hút nhân tài. Thậm chí còn dùng những câu to tát như "trải thảm đỏ" đón nhân tài, nhưng thực ra đó mới chỉ là những khẩu hiệu, chứ chưa có tính thực tế.

Bây giờ không thể chỉ dùng những lời kêu gọi chung chung như thế mà có thể giữ chân người tài được. Còn làm như thế nào, đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo, nhà quản lý đất nước phải có tầm nhìn cao hơn.

Xin cảm ơn ông rất nhiều!

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Loan Nguyên - LÊ VĂN TÁM - " I NỚP U"

Loan Nguyên
Anh yêu thương! Tính đến ngày em hết là "con lừa" thì em đã yêu anh ngót nghét được 20 năm có lẽ..., em bắt đầu yêu anh kể từ ngày em nhập học lớp 1, em bị nhét vào ngôi trường mang tên Lê Văn Tám, và thế là cái tên anh lúc nào cũng nằm chình ình ngay trên ngực áo em, phập phồng theo nhịp thở của trái tim em, sáng nào tung tăng đến trường em cũng hát vang toáng cả con đường như con điên bài hát về anh mà em đã bị bắt học thuộc, và điều đặc biệt là em đã được vinh dự chọn đi thi kể chuyện về "Lê Văn Tám - người anh hùng tí hon giả tưởng của chế độ"...em đã rinh 1 cái giải cộng với phần thưởng lớn lao bao gồm 1 tấm giấy khen, 1 bịch kẹo và 1 cuốn sổ. Ôi chao ơi cái đám bạn em "lồng lộn" lên vì ghen tức với em, cả lũ chúng nó cũng đều rất yêu anh nhưng chưa có đứa nào được vinh dự học thuộc lòng và kể vanh vách chiến công của anh trước "Trại súc vật" toàn tai to mặt lớn...trong cái đại hội gì đó em quên mẹ nó rồi. Em đành an ủi chúng nó bằng cách chia kẹo và cả lũ giơ tay "thề quyết tâm" sẽ noi gương anh là bọn lừa chúng em sẽ sẵng sàng là "ngọn đuốc sống" thiêu cháy tất cả những gì Đảng và NN cho là "phản động"...
Anh yêu! Em những tưởng tình yêu em dành cho anh sẽ theo em mãi mãi đến suốt đời suốt kiếp nhưng không ngờ tình chúng ta ngang trái quá. Em đã đau đớn vật vã, khóc lóc suýt đâm đầu vào xe bus tự tử mấy lần khi cái thằng "in tẹt nét" nó dám bảo là anh không có thật, anh là do một bọn chính trị khốn nạn vẽ vời xây dựng lên. Nó và một số người có tên tuổi như GS Phan Huy Lê khẳng định cái hình tượng chúng em yêu dấu là hình ảnh giả tưởng "láo toét, bịa đặt" do ông Trần Huy Liệu bị ép viết theo yêu cầu của chế độ. Em đau đớn đến bầm tím ruột gan, sao lại có sự thật phũ phàng đến thế? Sao tình yêu quê hương, đất nước, yêu anh hùng của em và các thế hệ chung "chuồng lừa" lại có thể bị "chà đạp" đến như vậy? Tụi em đã được "nhồi sọ" là phải yêu anh đến chết bỏ thì làm sao mà chúng em không đau đớn, vật vã cho được khi phát hiện ra Honey của em chỉ là sản phẩm của một sự tuyên truyền, dối trá, lừa lọc...
Anh yêu thương! Dù sao em cũng đã lỡ yêu anh, vì yêu anh nên em phải nói cho cái bọn khốn nạn tạo dựng nên anh biết rằng: dù anh là ai? Anh là thật hay là giả thì tụi nó cũng là lũ vô lương tâm và bỉ ổi khi dùng thủ đoạn chính trị, dùng hình tượng "trẻ em" để tuyên truyền kích động trẻ em "tự sát". Bọn chúng chẳng khác gì các bọn khủng bố trên Thế Giới bắt trẻ em ôm bom tự sát, lợi dụng trẻ em cho những mưu đồ chính trị... Nói trắng ra tụi nó còn tàn độc và thâm hiểm hơn nhiều vì chúng dùng quyền của chúng ngụy tạo lịch sử, bơm đầy gian dối vào sách giáo khoa, chúng nhồi sọ, đóng gói biết bao điều tàn tệ, man trá, phi lí vào đầu hàng triệu hàng triệu đứa trẻ, từ thế hệ này sang thế hệ khác... để rồi lớp trẻ VN sau 1975 không khác gì những con cừu ngây ngô bảo sao nghe vậy, cho gì ăn nấy, chỉ biết ấm ức cúi đầu thinh lặng, vô cảm vô tình với quyền lợi dân tộc, quyền lợi đất nước...Chúng đã sử dụng thuốc độc tiêm vacxin cho tụi em từ lúc mới học mẫu giáo cho đến lớp Đại học, chúng em đã miễn nhiễm với các từ "tự do, dân chủ, hạnh phúc", chúng em chỉ biết có mỗi "độc lập" và hả hê với vinh quang "chiến thắng quân thù" của đất nước VN. Chúng tạo dựng dây chuyền sản xuất và thải ra hàng loạt các thế hệ có mắt, có tai, có tim, có óc... cũng như mù, câm, điếc vì mắt chỉ thấy có mỗi Đảng CSVN quang vinh, tai chỉ nghe những được những thông tin gian dối 1 chiều bị bóp méo, óc chỉ luẩn quẩn nghĩ đến cơm ngày 3 bữa, tim luôn phập phồng nơm nớp lo sợ, hèn kém chưa bao giờ dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi chung và đấu tranh vì chính nghĩa...Ôi, chúng đã thành công và hả hê trước "sự im lặng của bầy cừu"...!
Lê Văn Tám, anh là minh chứng hùng hồn nhất cho sự man trá của chế độ này. Nếu anh có "linh thiêng ", hãy châm ngọn lửa dũng cảm vào các thế hệ trẻ, hãy giúp họ nhận ra đâu là sự thật, hãy giúp họ cởi bỏ lốt cừu, lên tiếng và hành động để xứng đáng là thế hệ tiên phong trong công cuộc "giải phóng" đất nước.
Your Love!

Loan Nguyên