Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Trường mầm non có thiết kế tầng trệt hứng nước khi trời mưa, tạo thành sân chơi cho trẻ em



Thông thường chúng ta ngại cho trẻ con tắm mưa vì sợ chúng bị cảm, nhưng ởtrường mầm non Dai-Ichi Yochien ở thành phố Kumamoto, Nhật Bản thì lại khuyến khích tắm mưa. Ngôi trường 2 tầng này có thiết kế trần mở, bình thường tầng trệt sẽ là sân chơi cho các bạn nhỏ, nhưng khi mưa xuống thì khoảng trống giữa sân sẽ là nơi hứng nước mưa rớt xuống, đọng lại thành một hồ nước nhỏ để trẻ em thoải mái chơi đùa.

Không chỉ có tác dụng chứa nước mưa, khoảng sân của tầng trệt ngôi trường còn có thể biến thành một sân trượt tuyết trong nhà khi mùa đông tới, nhờ việc hứng tuyết rơi xuống, giống với cách mà nó chứa nước mưa. Trường mầm non 
Dai-Ichi Yochien được thiết kế bởi Youji No Shiro, một công ty kiến trúc, nội thất chuyên thực hiện các công trình dành cho trẻ em. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin về ngôi trường này ở link nguồn bài viết.









Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Động cơ piston tam giác xoay tròn hoạt động như thế nào?


Động cơ piston tam giác xoay tròn là một dạng động cơ đốt trong được phát minh bởi kỹ sư cơ khí người Đức Felix Heinrich Wankel (1902 - 1988) và do đó, người ta còn gọi đây là động cơ Wankel. Sau khi phát minh thành công mẫu động cơ độc đáo này, Wankel đã giới thiệu và hợp tác với nhiều hãng để tiếp tục phát triển. Nhưng cuối cùng, hãng xe hơi Nhật Bản Mazda đã mua lại công nghệ từ Wankel vào năm 1967 và họ cho ra đời nhiều mẫu xe thương mại lẫn xe đua có sử dụng động cơ này.

Mẫu xe Mazda 787 sử dụng động cơ Wankel từng về nhất trong cuộc đua Lemans 24h vào năm 1991
Có thể kể đến những đại diện của hãng Mazda sử dụng loại động cơ này như Mazda 10A, 12A, 13A, … và nổi tiếng nhất có lẽ là chiếc Mazda 787 đã giành giải nhất tại cuộc đua Lemans 24h vào năm 1991. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trên một số mẫu xe 2 bánh (điển hình như Norton Classic) và cả máy bay, UAV. Do nhiều nhược điểm cố hữu, nên có thời Mazda đã ngừng sản xuất loại động cơ này nhưng tới năm 2003, họ bất ngờ mang nó lên dòng xe thể thao RX-8 và một mẫu RX-8 sử dụng nhiên liệu hydrogen cũng được phát triển. Với các ưu điểm động cơ kích thước nhỏ, nhẹ, hiệu suất cao,… mẫu RX-8 Hydrogen đã được cấp phép lưu hành vào năm 2005 và tới năm 2007, những chiếc xe đầu tiên đã được giao tới tay người dùng.

Trong đoạn video bên dưới, chúng ta sẽ hiểu được một cách trực quan các bộ phận và nguyên lý làm việc của động cơ piston tam giác xoay tròn.

Cấu tạo

Về mặt kỹ thuật, động cơ piston tam giác xoay tròn có thiết kế khá đơn giản. Một piston hình tam giác quay tròn đặt trong xylanh có dạng hình đậu phộng hoặc số 8 (thuật ngữ là epitrochoid). Lồng xylanh được lắp ghép từ nhiều mảnh khác nhau, chúng ta hình dung nó như một miếng bánh hamburger rỗng ruột. Đoạn video mô tả động cơ có 2 piston, đầu tiên là vách ngăn ở trung tâm, tiếp theo là 2 rotor housing tạo thành lồng xylanh và cuối cùng là thêm 2 nắp đậy ở 2 bên ngoài (outside housing plate). Trên vách xylanh là các lỗ cắm bugi đánh lửa và trên vách ngăn, nắp đậy là các cổng nạp, xả nhiên liệu.

Ở chính giữa của cấu trúc động cơ là trục khuỷu và các cam tròn lệch tâm (eccentric shaft và rotor journals). Tiếp theo chúng ta có 2 piston dạng tam giác, trung tâm có vòng răng piston (rotor gear), trên mỗi 3 cạnh là buồng đốt (combustion cavity) và tại mỗi đỉnh của piston là nơi sẽ liên tục tiếp xúc với thành xy lanh (apex seals). Cuối cùng là nắp đậy bên ngoài với bánh răng định vị ở trung tâm (stationary gear). Bên trong toàn bộ "lớp vỏ" còn có các mạch dung dịch giải nhiệt (coolant jackets) nhằm tản nhiệt cho động cơ trong quá trình vận hành.

Hoạt động

Nguyên lý hoạt động cơ bản của động cơ Wankel với 4 kỳ nạp, nén, nổ và xả
Về nguyên lý hoạt động, nhờ toàn bộ cơ cấu cam tròn lệch tâm nằm trên trục khuỷu, vòng răng piston và bánh răng định vị mà 3 đỉnh của piston sẽ luôn tiếp xúc với thành xylanh, chia không gian bên trong thành 3 khu vực với thể tích luân phiên thay đổi theo chuyển động xoay. Tương tự như một số động cơ đốt trong khác, động cơ piston tam giác xoay cũng có 4 kỳ nạp, nén, nổ và xả lần lượt theo chuyển động xoay của piston. Đầu tiên trong kỳ nạp, piston xoay mở rộng phần không gian gần lỗ nạp để hút nhiên liệu vào trong xy lanh, sau đó nhiên liệu được đẩy, đồng thời nén lại tới vị trí 2 bugi, tại đây, bugi sẽ đánh lửa làm đốt cháy nhiên liệu, sinh ra công đẩy piston xoay tiếp, sau đó cạnh piston sẽ cuống chất thải qua khu vực có lỗ xả và xả ra bên ngoài. 1 chu trình kết thúc tại đây.

Ưu và nhược điểm

Những thành phần của một khối động cơ Wankel
Động cơ piston tam giác xoay có những ưu và nhược điểm rất riêng so với các loại động cơ đốt trong khác.

Về ưu điểm
  • Ổn định: Có ít các chi tiết chuyển động hơn so với các động cơ 4 kỳ có sức mạnh tương đương. Một động cơ tam giác xoay 2 piston có 3 bộ phận chuyển động: 2 rotor và 1 trục khuỷu. Trong khi đối với động cơ 4 kỳ đơn giản nhất thì có ít nhất là 40 chi tiết chuyển động. Việc tối thiểu hóa chi tiết chuyển động giúp động cơ piston xoay vận hành ổn định, đáng tin cậy hơn và thậm chí, một số hãng máy bay còn muốn sử dụng dạng động cơ này.
  • Nhỏ - Nhẹ, tỷ lệ cống suất/trọng lượng cao: Do có ít chi tiết, cộng với chủ yếu được làm bằng nhôm nên động cơ piston xoay có trọng lượng nhẹ hơn khoảng 1/3 và kích thước chỉ xấp xỉ 1/3 so với các động cơ khác có cùng công suất.
  • Hoạt động êm: Do chuyển động của toàn bộ các thành phần đều theo 1 hướng, không có cơ chế đổi chiều chuyển động của piston, lại có thêm cơ chế tự cân bằng nhờ đối trọng nên động cơ có thể hoạt động với rất ít rung động,
  • Chuyển động xoay của piston tạo ra mô men xoắn nên có thể sử dụng nhiên liệu có chỉ số octan thấp.

Nhược điểm
  • Piston có thể bị bó cứng: Xuất phát từ sự khác nhau về độ giãn nở do nhiệt của các loại vật liệu khác nhau nên toàn bộ khối động cơ sẽ có sự giãn nở không đều trong quá trình vận hành, dẫn tới piston bị bó cứng vào trong thành xylanh.
  • Mặt khác, cả 2 mặt đều tiếp xúc với nhiên liệu, bên trong không thể bố trí hệ thống bôi trơn chuyên dụng nên không thể bôi trơn như động cơ 2 kỳ. Do đó, có thê phần tiếp xúc giữa đỉnh piston và thành xylanh có thể bị hở sau quá trình sử dụng.
  • Quá trình đốt chậm do sau khi đánh lửa, "buồng đốt" phải di chuyển trong hành trình dài, hẹp nên gây ra sự trễ và có thể không cháy sạch.
  • Tiêu hao nhiên liệu: do vị trí tiếp xúc giữa piston và thành xy lanh dễ bị hở nên nhiên liệu có thể bị rò rỉ, buồng cháy không kín nên không đốt sạch nhiên liệu. Tương tự, chất thải có thể bị lẫn vào trong nhiên liệu.
  • Nhiên liệu cháy không hết còn bị xả ra bên ngoài nên kém thân thiện với môi trường.
  • Quá trình sản xuất đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, giá thành không rẻ.


Tham khảo Wiki (1), (2), PM, HSW, MA, Autoblog, RM

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Truyen368.com - Lần đầu phá thai của sinh viên năm thứ nhất

Phòng khám sản khoa bệnh viện lớn, ở tầng 2, nằm ở cuối một hàng lang rộng, lan-can trước cửa phòng khám vừa tầm ngang người (cao 1m) nhìn ra một sân bệnh viện có nhiều cây xanh cổ thụ chìa cành lá vào gần lan-can. Xấp sổ khám bệnh và bệnh án xếp chồng lên nhau trong chiếc khay đựng bệnh án gắn ở cạnh cửa phòng khám.
Một tấm biển chỉ dẫn ở đầu cầu thang:
“Hiếm muộn, vô sinh: rẽ trái.
Nạo thai: rẽ phải”
 
Có mươi bệnh nhân ngồi chờ ở hàng ghế dọc hành lang trước cửa phòng khám, đều là phụ nữ trẻ, chờ khám để xin nạo thai. Họ mặc quần áo công sở hoặc bình dân, sinh viên.     
Yên tĩnh, mọi người ngồi yên, không ai nói chuyện. Họ cũng không nhìn nhau. Vọng ở ngoài vào tiếng lao xao của người chung quanh, tiếng chuông điện thoại, gọi nhau, tiếng va chạm của các dụng cụ, còi xe xa xa.
 
Cô sinh viên tóc dài ngang vai, mặc quần bò cũ, áo sơ mi sẫm màu, dáng vẻ buồn bã, ôm túi xách che bụng, ngồi khép chân ở góc trong cùng của hành lang. Trong tay cô nắm chặt một cuốn sổ khám.
 
Anh sinh viên là nam giới duy nhất trong đám bệnh nhân ngồi chờ, quần kaki áo sơ mi trắng giản dị, ngồi bên cạnh, lúc nhìn cô sinh viên, lúc nhìn ra ngoài. Anh ngồi chắn giữa cô và những người còn lại.
 
Cô sinh viên không nhìn anh, chỉ nhìn xuống đất. Rồi ngẩng mặt lên thở dài, quả quyết dở cuốn sổ khám bệnh ra, lấy cây bút trên túi áo anh sinh viên, đặt bút viết lên tờ giấy.
Tờ giấy có dòng chữ đầu đề: “Cam kết của sản phụ”
 
Phía dưới là vài dòng form thông tin cá nhân bỏ trống. Dưới cùng bệnh nhân điền vào dòng chữ: “Xin phá thai”. Rồi ký tên xuống dưới cùng.
Y tá nữ bước ra khỏi phòng, nhìn một lượt đám bệnh nhân, nhấc xếp giấy tờ cạnh cửa. Anh sinh viên vội vã cầm giấy của cô sinh viên đưa tới cho nữ y tá.
 
Y tá nhìn lướt qua giấy, nhìn anh sinh viên ánh mắt dò hỏi. Anh sinh viên ngoái nhìn sang cô sinh viên ở cuối phòng.
 
Cô sinh viên cắn môi, gần khóc, đứng dậy băng qua những người bệnh nhân đang ngồi chờ, lúc đi qua anh sinh viên, cô giận dữ ấn cây bút máy vào tay anh.
 
Y tá và anh sinh viên nhìn theo cô gái, rồi y tá phẩy tay, cầm giấy tờ đi vào. Anh sinh viên luống cuống nhìn xung quanh vẻ sợ sệt ngại ngùng với mọi người, rồi đuổi theo cô gái về phía cầu thang. Vừa đi vừa cài cây bút máy lên túi áo ngực.
 
Đầu cầu thang, một phụ nữ trung niên đứng trước cửa phòng khám gắn biển “Hiếm muộn, vô sinh” bĩu môi nhìn hai thanh niên lần lượt đi qua.
 
Sân bệnh viện có hai gốc cây lớn. Mỗi gốc cây có một chiếc ghế đá bỏ trống.
 
Dưới bóng cây to thứ nhất, anh sinh viên giữ cô gái lại, cô ôm mặt lặng lẽ vài giây rồi bỏ ra, quả quyết đi về hướng cổng bệnh viện.
 
Anh sinh viên đứng yên, bất động, nhìn theo cô gái:
Cô gái đi được mươi bước chân, đến sát gốc cây thứ hai, dừng lại, ngoái nhìn anh con trai. Rồi quay hẳn người lại, đứng nhìn anh con trai trân trân. Tay lại co lên xách túi che bụng.
 
Anh con trai tiến đến trước mặt cô gái. Rồi đút hai tay vào trong túi quần. Anh con trai rút ví ra, bày toàn bộ mọi thứ có trong ví lên trên mặt chiếc ghế đá cạnh đó:
 
- Một chiếc thẻ sinh viên cũ nhàu nát.
 
- Một thẻ xe bus tháng đã đánh dấu gần hết.
 
- Một vài tờ tiền lẻ nhàu nát, một tờ 100 nghìn, 1 tờ 50 nghìn, vài tờ năm trăm rách.
 
- Một tờ giấy mỏng gấp tư, mở ra là thông báo của khoa Kinh tế cho sinh viên Nguyễn Văn Thanh thi lại hai môn. Bên dưới thông báo có dòng chữ viết tay rất to: “Đề nghị sinh viên NV Thanh nộp hết học phí còn thiếu, mới được thi lại!”
 
- Một tấm ảnh cô sinh viên và anh sinh viên chụp chung, mỉm cười hạnh phúc.
 
Cô gái nhìn trân trối vào những thứ trước mắt.
 
Anh sinh viên chậm rãi cất lại tất cả vào trong ví, cất vào túi quần, rồi cầm tay cô sinh viên, quay lại phòng nạo thai. Cô sinh viên ngoan ngoãn đi theo, không còn biểu lộ cảm xúc gì.
 
             ~ ~ ~ ~ ~
 
Hai người nắm tay nhau quay lại, lại đi qua trước mặt những bệnh nhân nữ đang chờ trước cửa.
 
Họ vừa đi đến cửa phòng khám, thì cửa phòng bật mở. Y tá nữ hoảng hốt chạy ra, không nói một lời nào, nhìn quanh rồi lao xuống cầu thang.
 
Phía ngoài vang lên tiếng chuông khẩn cấp, hai bác sĩ từ ngoài vội vã đi thẳng vào phòng khám, hai y tá đẩy xe cáng vội vã theo sau.
 
Mọi bệnh nhân cùng hai anh chị sinh viên đều xúm vào cửa phòng khám ngó vào trong theo dõi. Rồi lại dãn hết ra nhường đường cho chiếc xe cáng chở bệnh nhân đi ra vội vã.

Bệnh nhân được phủ vải trắng kín.
 
Một vài giọt máu từ trên xe cáng cấp cứu rơi xuống dọc hành lang.
 
Mọi bệnh nhân nhìn nhau lo âu. Cô gái co rúm lại, anh sinh viên nắm chặt cánh tay người yêu.
 
Cô gái vừa nhìn vết máu vừa lùi lại, lùi từ cửa phòng khám tới khi lưng chạm lan-can, khựng lại. Cô gái quay người không nhìn vết máu, nhìn ra ngoài trời xanh cây lá.
 
Cây lá xanh tươi trong veo trong nắng sớm, gió hiu hiu dập dờn nhẹ nhàng, thời tiết đẹp và khung cảnh thiên nhiên đẹp.
 
Tán lá cây màu xanh ngọc, phía xa hơn tán lá cây là một con đường nhỏ sau lưng bệnh viện ít người đi, tiếp đến là mặt hồ nước phẳng lặng.
 
Anh sinh viên đứng cạnh, ngắt một nhánh lá non, xoay xoay, uốn tròn.
 
Có tiếng gọi tên bệnh nhân của nữ y tá: “Nguyễn Thị Nga”
 
Cô gái giật mình quay lại, thảng thốt đau đớn, nhìn người bạn trai, rồi mắt rất nhanh chóng đẫm nước mắt. Cô gái hít sâu một hơi thở, rồi vứt chiếc túi xách vẫn che bụng xuống đất, thõng tay đi về phía nữ y tá.
 
Anh sinh viên vội vã chạy theo, chắn trước cô sinh viên và cô y tá, quỳ xuống cả hai chân, tay ôm  lấy chân cô sinh viên, rồi vội vàng đưa ra một chiếc nhẫn vừa kết bằng lá cây xanh non.
 
Tất cả bệnh nhân ồ lên.
 
Cô sinh viên đứng lại nhìn chằm chằm, anh sinh viên vội vàng đeo nhẫn vào ngón tay áp út của tay trái của cô gái. Rồi ôm lấy bàn tay ấy hôn, rồi giữ bàn tay ấp trước ngực.
 
Cô gái rút tay ra, đưa tay lên nhìn chiếc nhẫn chăm chú.
 
Trong lúc ấy, anh sinh viên đứng lên, quay lại lấy túi xách hộ bạn gái, đeo vào người mình, rồi hùng dũng thẳng lưng hiên ngang đi ra, cầm tay cô bạn dắt đi, nhân tiện lúc đi ngang, anh lấy luôn cuốn sổ khám bệnh trên tay nữ y tá.
Nữ y tá tỏ vẻ ngạc nhiên, bực bội.
 
Mọi bệnh nhân ngồi chờ hai bên đứng lên vỗ tay khi hai người đi qua.
 
Bà trung niên hiếm muộn đứng chống nạnh ở đầu cầu thang, vẫn bĩu môi chứng kiến cả hoạt cảnh.
 
Anh sinh viên vội vã đưa cô sinh viên đi qua chỗ bà trung niên.
 
Cô gái đứng lại, gỡ tay người yêu ra, và bây giờ, đến lượt cô gái nhìn bà hiếm muộn, bĩu môi, rồi mới quay đi.
 
Bà hiếm muộn há hốc mồm.
~ ~ ~ ~ ~
Hai người đi dưới tán cây xanh cổ thụ, dừng lại hôn nhau, rồi bước đi tiếp. Một cuộc tình tạm bợ và nhiều tội lỗi giống như bao cuộc tình khác vẫn đang tiếp diễn trong cái xã hội này. Đắng lòng!


Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Ivette Ivens - Nuôi con bằng sữa mẹ, hãy cho bé bú bất cứ nơi nào bạn muốn

Thông qua loạt ảnh chụp các bà mẹ cho con bú, nhiếp ảnh gia Ivette Ivens muốn khuyến khích các bà mẹ hãy nuôi con bằng sữa mẹ, tự tin cho con mình bú khi nó đói kể cả ở nơi công cộng. Ivens cho rằng cho con bú là một hành động thiêng liêng và không có gì phải mắc cỡ, mọi người nên có cái nhìn rằng đây là một điều bình thường, cũng đơn giản như việc đàn ông thì ở trần và thoải mái hút thuốc ở ngoài đường.

Ivens năm nay 25 tuổi, cô là bà mẹ của 2 đứa con, cô từng nuôi đứa lớn đến 3 tuổi bằng sữa của mình, "Tôi cho con bú ở bất cứ đâu tôi muốn. Từ các bữa tiệc cho tới lúc đi lễ trong nhà thờ, trong siêu thị cho đến các cửa hàng. Tôi tin rằng các bà mẹ nên cho con mình bú bất cứ khi nào họ thích. Bọn trẻ biết khi nào là thời điểm thích hợp để tập cai sữa, mẹ chúng cũng biết. Người lạ thì không quan tâm điều này nên họ cũng không cần phải biết."

















Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Nguyễn Minh Đức - Án lệ và liêm sỉ của tòa án

Nguyễn Minh Đức 
Khi học luật ở Việt Nam, tôi vẫn được các giáo viên dạy: Ở các nước theo truyền thống common law thì án lệ là một nguồn của pháp luật, còn ở Việt Nam thì chúng ta không công nhận điều này.
Khi tôi đi học luật tại một quốc gia common law, tôi có tranh luận vấn đề này với một vị giáo sư người Mỹ: “Tại sao Hoa Kỳ lại coi án lệ là một nguồn của pháp luật?” Ông ấy trả lời: “Thực ra chẳng có văn bản chính thức nào của nước Mỹ coi án lệ là nguồn của pháp luật, từ Hiến pháp cho đến tất cả các luật khác. Nhưng chúng tôi vẫn căn cứ vào án lệ để xét xử là bởi nguyên tắc stare decisis.”
Nguyên tắc stare decisis thì dân luật chúng tôi ai cũng hiểu, đó là việc các vụ án giống nhau thì tòa phải phán xét giống nhau. Ví dụ, trong vụ việc trước, tòa án công nhận một hợp đồng viết qua email là có hiệu lực. Nếu sau này gặp một vụ việc khác tương tự như vậy, tòa án buộc phải coi hợp đồng viết qua email là có hiệu lực.
Ông giáo sư nói: “Nguyên tắc này rất hiển nhiên”. Nếu hai vụ án giống nhau mà tòa án xét xử khác nhau thì tòa án trở nên tùy tiện, muốn xét xử thế nào cũng được. Hệ quả là, pháp luật trở nên hỗn loạn. Nếu tòa án muốn xét xử vụ việc sau khác đi, tòa sẽ phải làm một trong hai việc: (1) tòa phải chỉ ra và giải thích sự khác biệt căn bản của 2 vụ việc dẫn đến kết quả xét xử khác nhau; hoặc (2) đưa vụ việc lên tòa án cấp trên. Tòa án cấp dưới bị ràng buộc bởi các bản án trước đó của mình và của tòa cấp trên, trong khi tòa cấp trên chỉ bị ràng buộc bởi bản án của chính mình, chứ không bị ràng buộc bởi bản án của tòa cấp dưới. Riêng tòa án tối cao thì không bị ràng buộc.
Về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực pháp luật, tôi được nghe một vị thẩm phán tâm sự. Trong một vụ án, ông được Chánh án chỉ đạo là phải xét xử cho bên nguyên thắng kiện. Ông đã đồng tình và làm theo. Sau đó ít lâu, ông được phân công xét xử một vụ việc khác có nội dung hoàn toàn tương tự với vụ việc trước, nhưng lần này được Chánh án chỉ đạo là xử cho bên bị thắng kiện. Vị thẩm phán này thấy nếu làm như vậy thì mình là người tiền hậu bất nhất nên đã cáo ốm để khỏi phải nhận vụ việc này.
Câu chuyện để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, bởi số lượng thẩm phán hành xử một cách có liêm sỉ như vị thẩm phán trên rất ít. Chuyện các thẩm phán “tiền hậu bất nhất” diễn ra khá phổ biến.
Trong một cuộc trò chuyện khác, tôi ngồi với một thẩm phán người Pháp, một đất nước theo truyền thống civil law. Tôi hỏi: “Ở Pháp không có nguyên tắc stare decisis cứng nhắc như ở Mỹ, vậy có khi nào thẩm phán xét xử vụ việc sau tương tự nhưng lại phán quyết khác vụ việc trước đó không?” Vị thẩm phán đó trả lời: “Ở Pháp, các vụ án trước đó chia thành 2 loại. Một số bản án được công nhận và tất cả các thẩm phán sau này buộc phải tuân theo. Còn các bản án khác thì không bắt buộc như vậy.”
Vị thẩm phán đó nói tiếp: “Nhưng trên thực tế, dù không bắt buộc nhưng việc phán quyết khác đi là vô cùng hiếm. Bởi nếu làm như vậy, vị thẩm phán đó sẽ phải giải trình rất rõ lý do, nếu giải trình không thuyết phục thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ không được tiếp tục làm thẩm phán.”
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp, Luật Tổ chức tòa án 2014 đã khẳng định Việt Nam sẽ đi theo mô hình của Pháp. Tòa án tối cao sẽ lựa chọn một số bản án và biến nó trở thành tiền lệ bắt buộc áp dụng.
Nhưng điều tôi lo lắng không phải ở số đó, mà chính là ở số còn lại. Nếu các bản án không được tập hợp và công khai trong một cơ sở dữ liệu chung, nếu thẩm phán không viết rõ lập luận của mình trong bản án, và nếu không có cơ chế chịu trách nhiệm khi thẩm phán “tiền hậu bất nhất” thì những câu chuyện như của vị thẩm phán còn liêm sỉ trên vẫn chỉ là chuyện hiếm gặp.
Hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn sẽ hỗn loạn.

Tác giả Nguyễn Minh Đức là một luật gia đang làm việc tại Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hà Nội. Ông phụ trách công tác góp ý cho các dự thảo văn bản pháp luật mà các cơ quan soạn thảo tham vấn VCCI.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Luật sư Nguyễn Xuân Phước - Ý kiến: 'Thân Thanh Triều nên mất nước'

Luật sư Nguyễn Xuân Phước từ Texas viết về bài học Triều Nguyễn và xu hướng thân Trung Hoa đưa tới chỗ mất nước và so sánh với tình trạng lệ thuộc tư tưởng ngày nay:
Năm 1802 Nguyễn Ánh diệt được nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Đến đời Minh Mạng cố đô Thăng Long đổi thành Hà Nội. Nhưng quá trình thống nhất và sự sai lầm trong việc chọn lựa con đuờng phát triển đất nước ở các triều đại nhà Nguyễn đã đánh mất cơ hội phục hưng tổ quốc, làm tiêu tán nội lực dân tộc, dẫn đưa đất nước đến giai đoạn đánh mất nền độc lập.
Khi Nguyễn Ánh phát động chiến tranh chống lại nhà Tây Sơn, ngài đã dựa vào hai thế lực ở nước ngoài. Ðó là lực lượng của người Tây phương và lực lượng người Trung Hoa.
Đứng đầu lực lượng Tây phương phò Nguyễn Ánh là đức giám mục Bá Ða Lộc. Nguyễn Ánh gặp giám mục Bá Ða Lộc khi ngài bôn tẩu ở Vọng Các, kinh đô của Xiêm La, tức Thái Lan. Từ đó, mối quan hệ của hai nguời trở nên mật thiết. Ðể vận động sự trợ giúp của Pháp quốc, Nguyễn Ánh đã giao hoàng tử Cảnh lúc mới lên bốn cho giám mục Bá Ða Lộc. Đồng thời giám mục có toàn quyền ký hiệp định với hoàng đế Pháp để giúp cho Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. Sau đó ông trở về Pháp để vận động viện trợ cho Nguyễn Ánh. Ngài đã thay mặt Nguyễn Ánh ký hiệp ước 1787 dùng các đảo Côn Sơn và các đảo ngoài khơi Đà Nẵng (là Hoàng Sa) để đổi lấy viện trợ quân sự. Nhưng việc thi hành hiệp ước 1787 với Pháp thất bại.
Sau đó giám mục Bá Ða Lộc đã bỏ tiền túi cũng như vận động tài chánh riêng để mua khí giới và đưa sĩ quan Pháp về huấn luyện cho quân Nguyễn Ánh. Những người Pháp giúp cho Nguyễn Ánh như Sạc Ne (Charner) và Sai Nhô (Chaigneau) đều được tham dự triều chính của vua Gia Long khi ngài lên ngôi.
Chúng ta có thể khẳng định rằng vua Gia Long là vị vua Á Châu đầu tiên biết xử dụng nhân tài Tây Phương để phục vụ cho đất nước.

Hai phe đấu đá

Người đầu tiên chịu ảnh hưởng Tây phương trong triều đình Gia Long là hoàng tử Cảnh. Hoàng tử Cảnh được vua cha Gia Long cho theo đức giám mục Bá Ða Lộc từ lúc ông mới 4 tuổi. Ở tuổi thơ ấu này, hoàng tử Cảnh rất dễ tiếp thu văn hoá và ngôn ngữ Tây phương. Có lẽ hoàng tử Cảnh là vị hoàng tử Á Châu đầu tiên được theo Tây học ở cuối thế kỷ thứ 18. Tuy lịch sử không nói nhiều đến cuộc đời của hoàng tử Cảnh, ngày nay chúng ta có thể suy luận được rằng hoàng tử Cảnh là người tiếp cận văn hoá tây phương rất sớm, thông thạo Pháp ngữ, Latin và có quan hệ rất tốt với Tây phương.
Ngoài ra, cánh quân sự trong triều đình Gia Long là thành phần chịu ảnh hưởng của Tây phương. Họ là những người trực tiếp xử dụng vũ khí của Tây phương. Đứng đầu cánh thân Tây phương này là tả quân Lê Văn Duyệt cùng các tướng lãnh như tiền quân Nguyễn Thành.
Phe thân Trung Hoa là những người Minh Hương đã gia nhập lực lượng của Nguyẽn Ánh để chống Tây Sơn. Người Minh Hương là những người Trung Hoa phục vụ cho nhà Minh xin tỵ nạn chính trị tại Đại Việt khi nhà Thanh diệt nhà Minh. Những người Minh Hương thoạt đầu là những người của tổ chức Thiên Địa Hội có ý chí phản Thanh phục Minh.
Tuy nhiên từ thời Khang Hy trở đi, nhà Thanh đã bắt đầu bị đồng hoá vào Trung Hoa và Khang Hy bắt đầu những chính sách kinh tế, chính trị làm cho Trung Hoa càng ngày càng phồn thịnh và phát huy văn hoá Trung Hoa lên cao độ. Do đó, ý chí phục Minh của những người Minh Hương không còn nữa. Sau hơn 100 năm sống ở Đại Việt, những người Hoa kiều nầy trở thành một bộ phận của dân tộc nhưng họ vẫn có những mối quan hệ chặt chẽ với mẫu quốc Trung Hoa. Tại Việt Nam lúc bấy giờ người Minh Hương trở thành một lực lượng có xu huớng thân Trung Hoa trong triều Gia Long.
Ðứng đầu lực lượng nầy là Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh và Ngô Nhơn Tịnh. Ba ngưòi nầy là học trò xuất sắc của một nhà thâm nho gốc Minh Hương là Võ Trường Toản và cả ba được người đương thời gọi là Gia Định Tam Hùng. Cả ba đều tham gia hoạt động phò Nguyễn Ánh từ năm 1788.
Khi Gia Long lên ngôi, Trịnh Hoài Ðức được bổ nhiệm làm thượng thư bộ lại kiêm bộ hình và phó tổng tài Quốc Sử Quán. Lê Quang Ðịnh được làm Binh Bộ thượng thư, tương đương với bộ trưởng quốc phòng ngày nay. Ngô Nhơn Tịnh sau được thăng Công Bộ thượng thư. Cả ba ông đều đóng những vai trò quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao với Trung Hoa.
Nhưng vai trò quan trọng nhất của Trịnh Hoài Ðức là được vua Gia Long ủy thác để dạy dỗ cho hoàng tử Ðảm. Hoàng tử Ðảm sau lên ngôi lấy hiệu là Minh Mạng.
Hai xu hướng thân Tây phương và thân Trung Hoa trong triều Gia Long xung đột gay gắt về vấn đề kế vị hoàng tử Cảnh sau khi hoàng tử qua đời. Khi Trịnh Hoài Đức thuyết phục được Gia Long phế dòng trưởng lập dòng thứ, vua Gia Long đã chọn Minh Mạng làm người kế vị. Khi Minh Mạng lên ngôi, dưới ảnh hưởng của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, Việt Nam đã nghiêng hẳn theo mô hình Nho giáo của Thanh triều (Thanh Nho) để phát triển đất nước.
Sau khi phe thân Trung Hoa tạo được ưu thế trong triều đình thì thanh trừng bắt đầu xuất hiện. Tiền quân Nguyễn Thành, tổng trấn Bắc Thành, đã bị gièm pha đến phải uống thuốc độc tự vẫn thời Gia Long. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng (1820-1840) triệt hạ dòng dõi của hoàng tử Cảnh bằng cách xử tử vợ và người con trưởng của hoàng tử Cảnh, giáng ngưòi con thứ làm thường dân.
Đối với Lê Văn Duyệt, Minh Mạng chưa dám làm gì và vẫn cho làm tổng trấn Gia Định Thành. Khi Minh Mạng ban hành lệnh cấm đạo thì Lê Văn Duyệt tại Gia Định vẫn chủ trương thân Tây phương và không thực hiện lệnh cấm đạo. Khi Lê Văn Duyệt qua đời, con nuôi là Lê Văn Khôi nổi dậy chống triều đình với sự giúp đỡ của một số người Tây phương trong đó có một linh mục Công giáo. Khi cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi bị dẹp tan thì Minh Mạng mới kết án Lê Văn Duyệt, tước hết các chức vụ và cho xiềng lăng của ông bằng xích sắt.
Về phương diện ngoại giao, Minh Mạng cho giảm dần quan hệ với Tây phương. Những ngườì Pháp làm việc với Gia Long chán nản bỏ về nước. Với những người Minh Hương thân Trung Hoa cầm nắm vận mạng của triều đình, Minh Mạng đã thi hành một loạt các chính sách ngoại giao đi ngược với đưòng lối của Gia Long. Từ một nền chính trị ngoại giao khai phóng của Gia Long với những quan hệ rộng rãi với các quốc gia trên thế giới, Minh Mạng và các vua kế vị Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883) cùng triều đình thân Trung Hoa đã bắt đầu một nền chính trị cục bộ, thiển cận với chính sách bế môn toả cảng, đoạn tuyệt với Tây phương, ban hành lệnh cấm đạo.

Mê văn chương xao nhãng quân sự

Do ảnh hưởng của Thanh Nho, triều đình nhà Nguyễn từ Minh Mạng trở đi chỉ chú trọng đến văn chương thi phú biền ngẫu, đi theo con đường trọng văn và xao lãng vấn đề quân sự và quốc phòng.
Ðây là lý do, sau khi Gia Long băng hà, sức mạnh quân sự của triều Nguyễn suy giảm hẳn. Khi các tướng lãnh thuộc thế hệ Gia Long qua đời, các tướng lãnh thế hệ kế thừa không đủ tài thao lược để thực hiện chính sách quốc phòng hữu hiệu.
Lực lượng quân sự của Trương Minh Giảng không đủ khả năng duy trì guồng máy cai trị ở Nam Vang. Và Trương Minh Giảng đã bị người Miên đánh đuổi về nước dưới triều Thiệu Trị.
Đến thời kỳ Tự Đức, xu hướng thân Trung Hoa hoàn toàn nắm trọn quyền trong triều đình. Sự kiện này được xác định khi triều đình họp nhau bác bỏ bản điều trần canh tân đất nước của Nguyẽn Trường Tộ. Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là một nho sĩ theo đạo Thiên Chúa. Ông nổi tiếng thông minh và hay chữ, được người đời gọi là Trạng Tộ. Ông cũng thông thạo nhiều ngôn ngữ Tây phương.
Ông làm thông ngôn cho các giáo sĩ Thiên Chuá trong việc truyền đạo tại Việt Nam. Sau một thời gian đi chu du thế giới, đặc biệt là Pháp và Ý, ông trở về Việt Nam dành mấy năm trời đem tâm huyết của một người yêu nước viết nhiều bản điều trần cải cách và canh tân đất nước dâng lên Tự Đức. Nhưng triều đình Tự Đức với đầu óc cổ hủ của Thanh Nho không đủ tầm nhìn để hiểu được những thế lớn đang bùng ra trong thiên hạ thời bấy giờ. Sau hoàng tử Cảnh năm mươi năm, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển một lần nữa khi triều đình nhà Nguyễn quay mặt trưóc những yêu cầu canh tân của Nguyễn Trường Tộ.
Điều bất hạnh hơn cho dân tộc là lúc ấy giáo điều Thanh Nho đã bắt đầu rã mục. Triều đình nhà Thanh đang trên đà phá sản. Năm 1839 chiến tranh Nha Phiến bùng nổ, nhà Thanh phải ký các hiệp ước biên giới nhượng đất cho Anh và Pháp. Với hiệp ước Nam Kinh, Anh chính thức chiếm đóng Hương Cảng năm 1842.
Với hiệp ước Hoàng Phố 1844, Pháp chính thức đặt chân lên lãnh địa Trung Hoa. Ở mạn bắc, năm 1850 quân đội của Nga Hoàng tràn xuống Hắc Long Giang chiếm đóng Mãn Châu, quê hương của nhà Thanh. Từ 1854 đến 1860, Hồng Tú Toàn và phong trào Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm gần một nửa Trung Hoa. Cuối cùng, cuộc cách mạng Tân Hợi 1911 của phong trào cách mạng Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tôn Văn đã lật đổ triều đình phong kiến Mãn Thanh để xây dựng chế độ Cộng Hoà.
Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn vẫn còn như mơ ngủ. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1860, tức là 20 năm sau khi nhà Thanh bị liệt cường xâu xé và đang dãy chết, triều đình Tự Đức vẫn còn cho người sang Trung Hoa cầu viện. Những tiếng nói đòi cải cách của các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch trở thành nổi trăn trở kéo dài hàng thế kỷ của nhiều thế hệ.
Ý hệ Thanh Nho làm triều đình nhà Nguyễn u mê đến nổi không thấy được một thế giới mới đang ra đời với cuộc cách mạng kỹ nghệ đang đẩy xã hội Tây phương lên đỉnh cao của sự phát triển. Và cuộc cách mạng kỹ nghệ đó làm thay đổi cục diện thế giới, cùng lúc làm thay đổi lịch sử nước Việt.
Khi Pháp tấn công Nam Kỳ thì triều đình hoàn toàn không có đủ năng lực quân sự và chiến lược quốc phòng để đối phó. Những võ tướng uy tín trong triều như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản (cũng gốc người Minh Hương) dù thừa khí phách của nho gia nhưng không đủ tài thao lược quân sự để lãnh đạo cuộc chiến tranh chống xâm lược. Khi Pháp chiếm Sài Gòn thì súng ống và đạn dược của quan quân Triều đình có rất nhiều nhưng quân đội ô hợp không có khả năng chống trả quân xâm lăng. Hậu quả tất nhiên là đất nước đã mất vào tay thực dân.
Với Hoà Ước Nhâm Tuất 1862 và hoà ước Patenôtre 1884, công cuộc thống nhất đất nước của Gia Long được coi như cáo chung. Việt Nam bước qua trang sử mới, đó là trang sử nô lệ. Và sau 1000 năm giành được độc lập từ Trung Hoa thời Ngô Quyền, nước Đại Việt lại một lần nữa mất quyền tự chủ.
Cái nhục mất nước, tụt hậu của dân tộc Đại Việt ở thế kỷ 19 phát xuất từ nhiều yếu tố lịch sử khác nhau.
Thế nhưng sự chọn lựa mô hình phát triển đất nước, sự ỷ dốc vào Thanh triều trên mặt trận ngoại giao và văn hoá thời kỳ hậu Gia Long, chính sách giao thương phụ thuộc kinh tế Trung Hoa và sự tin tưởng mù quáng vào giáo điều Thanh Nho bất chấp các bản điều trần yêu cầu canh tân của các sĩ phu tiến bộ, là những yếu tố quyết định đưa đất nước vào giai đoạn nô lệ.
Ngày nay, nếu thay giao điều Thanh Nho bằng giáo điều Cộng sản, thì tình trạng Việt Nam gần như tương tự.


Bài thể hiện quan điểm riêng của Luật sư Nguyễn Xuân Phước và đã được đăng trên Tuần san Trẻ Dallas, Texas, Hoa Kỳ. Tác giả qua thân hữu gửi đến Diễn đàn BBC Tiếng Việt.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2015

800 năm Magna Carta: Nước Anh có cần hiến pháp thành văn?


Bùi Thúy Hiền (dịch) 
Bạn có biết: Vào thời điểm này 800 năm trước, tại một thảo nguyên ven sông cách London 20 dặm, một nhóm quý tộc nổi loạn và một vị vua thất thế, hết tiền, đã tập hợp nhau lại để đi đến một thỏa thuận thay đổi lịch sử thế giới: Magna Carta (Đại Hiến chương). Nó đã truyền cảm hứng cho dân chủ khắp thế giới và là nguồn gốc của vô vàn hiến pháp, nhất là Hiến pháp Mỹ. Thế nhưng chính bản thân người Anh thì lại chưa bao giờ cố gắng soạn thảo một bản hiến pháp, và bây giờ họ đang băn khoăn liệu có phải đã tới lúc cần thay đổi.
Quang cảnh lễ ký Magna Carta năm 1215. Ảnh: The Guardian
Vương quốc Anh là một trong ba nền dân chủ trên thế giới không có bản hiến pháp thành văn. (Hai nước còn lại là New Zealand và Israel).

Trải qua từng đế chế, giành chiến thắng trong các thế chiến, dường như đất nước này vẫn chưa cần đến một bản hiến pháp thành văn. Nhưng nước Anh hiếm khi đối mặt với thách thức lớn như việc chính bản sắc của họ đang bị đối chất như hiện nay. Scotland gần như tách khỏi Vương quốc Anh trong một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7 năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục duy trì như vậy sau khi Đảng Dân tộc Scotland giành chiến thắng vang dội với 56 ghế trong tổng số 59 ghế nghị sĩ của xứ Scotland trong cuộc bầu cử Hạ viện Anh vào ngày 7/5 vừa qua. Nước Anh cũng sẽ tổ chức trưng cầu ý dân ý về việc rời bỏ hay ở lại Liên minh Châu Âu. Chính vì hệ thống bầu cử riêng biệt như vậy nên kết quả bầu cử Nghị viện Anh vừa qua có lẽ là một biến dạng của lịch sử.

Khó có biện pháp khả thi cho loạt vấn đề này. Những người ủng hộ hiến pháp thành văn cho rằng vấn đề lớn sẽ được giải quyết khi nước Anh thực hiện những gì cần phải làm trước đây và tiến hành quy trình khó khăn – chấp bút những quy tắc cơ bản.

Vào tuần qua, thượng nghị sĩ Jeremy Purvis đã trình một dự luật mà nếu được thông qua thì nó là khởi đầu cho Hội nghị lập hiến. Ông cho hay: “Chúng ta có truyền thống lâu đời là giúp đỡ các quốc gia khác làm mà không nhận ra rằng chúng ta cần phải làm việc đó cho chính mình. Lúc này chính là thời điểm cần”.

Tìm kiếm một bản hiến pháp thành văn

Sự thực thì Anh có hiến pháp, dù chỉ những học giả pháp lý cực kỳ tỉ mẩn với sự giúp sức của các nhà khảo cổ học thì mới biết nó nằm ở đâu. Thay vì có một văn bản để có thể nhét vào túi áo hoặc để các chính trị gia thực thi quyền lực thì Hiến pháp Anh lại nằm rải rác trong hệ thống thông luật, các đạo luật của Nghị viện, thỏa thuận hiệp ước và hiệp định lịch sử trong suốt hàng thế kỷ qua. Rất nhiều quy định không được thể hiện: Ví dụ, không có mô tả công việc chính thức nào cho thủ tướng, và Nghị viện đã phải tiến hành điều tra nhiều năm trong suốt một nhiệm kỳ vừa qua để luận ra được các công việc của thủ tướng. 
Học sinh Anh ít được học về hiến pháp của quốc gia mình trong nhà trường. Thậm chí ngay chính Đại Hiến chương cũng không hẳn là một bản hiến pháp, các điều khoản cổ hầu hết bị hủy bỏ và cũng ít được người Anh xem trọng như người Mỹ. Đến cả Thủ tướng David Cameron cũng không trả lời được câu hỏi về nghĩa của Magna Carta, tức là Đại Hiến chương.

“Mọi người cần biết đến luật lệ chính quyền”- Nghị sĩ Graham Allen, người cho đến gần đây vẫn giữ chức chủ tịch Ủy ban cải cách hiến pháp, nói. “Nhưng tôi không nghĩ nhiều người Anh biết là nước mình có hiến pháp”.

Ông Allen từ lâu đã tiến hành cuộc thi khá viển vông, là để dân Anh đặt bút viết về những giá trị mà nước Anh đại diện. Ủy ban cải cách hiến pháp này thậm chí đã ủy thác cho các học giả tại Trường Đại học Hoàng gia London, trong vòng 4 năm, thảo ra một bản hiến pháp mẫu dùng làm khung trong trường hợp vấn đề này được chú trọng, dù có vẻ những người tham gia khảo sát không quan tâm nhiều. 

Kết quả đã được công bố vào năm ngoái. Trang 71 đã thể hiện mọi thứ từ tên chính thức của quốc gia (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen) đến bộ luật về quyền. Nghị sĩ Allen đã tìm kiếm phản hồi từ công chúng và “vì những thiên tài Jefferson hoặc Mandela đang ở đâu đó trong chúng ta”, ông hứa dành một chai sâm panh của Hạ viện cho ai có lời tựa thuyết phục nhất. Và lời tựa đó là: “Liên hiệp lại, chúng ta tôn vinh những giọng ca khác biệt làm nên bản đồng ca vĩ đại của đất nước ta”

Trường Kinh tế London gần đây đã công khai một tài liệu do cộng đồng mạng cùng xây dựng từ những sự kiện được thảo luận tự do khắp cả nước, nổi bật nhất là lễ hội hiến pháp với các chương trình âm nhạc và phát miễn phí kẹo bông. Những cố gắng tạo nên một bản hiến pháp điều lệ hóa này, nếu thành công, thì nhóm các quốc gia không có hiến pháp thành văn chỉ còn New Zealand và Israel. 

Cùng giữ chung khối liên hiệp

Vấn đề về bản hiến pháp gầy đây lại được khơi dậy không chỉ là vì sự kiện kỷ niệm 800 năm Đại Hiến chương vào ngày 15/6 sắp tới mà còn bởi những căng thẳng mà Vương quốc Anh đang đối mặt.

Mối đe dọa về việc Scotland độc lập tách khỏi Vương quốc Anh đang rõ rệt nhất. Vương quốc Anh không chỉ là một nước mà là liên hiệp bốn quốc gia: Scotland, Anh, Xứ Wales và Bắc Ailen, với quyền lực tập trung tại London hàng thế kỷ qua. Nhưng càng ngày những đòi hỏi về quyền lực ở các vùng khác lại càng tăng dần.Những phản hồi từ chính quyền diễn ra rải rác và không cân bằng, mỗi vùng được trao mức quyền lực khác nhau, trong khi tình trạng căng thẳng trong toàn khối liên hiệp gia tăng.

Thượng nghị sĩ Pulvis – người đang nỗ lực kêu gọi một Hội nghị Lập hiến – cho rằng Vương quốc Anh cần tỉnh táo lại và tự xác định sự sống còn của quốc gia mình.

“Khi một tuyên bố về việc cùng giữ chung khối liên hiệp vẫn còn bỏ ngỏ thì chủ nghĩa dân tộc ở Anh và Scotland ngày càng gia tăng. Tôi muốn một điều gì đó xảy ra để giữ chung đặc tính Anh này” – ông Oulvis nói.

Việc thông qua dự luật của Pulvis có thể không là vấn đề đối với Thượng viện nhưng sẽ rất khó khăn đối với toàn Hạ viện. Đảng Bảo Thủ của Thủ tướng David Cameron, lần nữa lại chiếm đa số trong Hạ viện tại cuộc bầu cử tháng trước dù chỉ chiếm 37% số phiếu, không bác bỏ ý kiến về một hội nghị nhưng nhìn chung cũng sẽ thờ ơ với việc này. Và những gì đảng này muốn thì sẽ có được. 
Đôi khi Anh được xem là một nền độc tài được lựa chọn, bởi họ thiếu sự phân chia quyền lực thực chất. Tòa án không có thẩm quyền sửa luật và Nghị viện thường ngả theo những gì mà thủ tướng và chính phủ quyết định. Đây là một trong những lý do chính mà Allen nỗ lực để đưa ra một cải tiến mới.
Nhưng theo thực tế gần đây thì ủy ban cải cách hiến pháp của ông đã bị giải tán làm việc vào tuần trước. Ông lý giải: “Chính phủ là một con khỉ đột nặng hơn 350 tấn trong khi Nghị viện là một con chuột nhắt. Một khi chuột the thé kêu lên thì con khỉ đột dẫm chết chuột chỉ với một bước chân, và tôi cũng bị dẫm như thế”.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa truyền thống lại cho rằng đây không phải là lý do xác đáng để thay đổi những gì đã và đang vận hành đất nước hàng thế kỷ qua. Philip Norton – Thượng nghị sĩ, học giả hiến pháp – cho rằng việc soạn một bản hiến pháp rốt cuộc cũng chỉ để đất nước phù hợp với một cái áo trói (loại áo cảnh sát dùng để trói tay người mặc, thay cho còng – ND), đủ linh hoạt lúc cần để theo kịp theo sự thay đổi thời thế. Việc này phiền phức, không cần thiết và không khả thi.
Anthony King, nhà khoa học chính trị Đại học Essex, đồng ý rằng cấu trúc chính trị của Anh cần được đổi mới triệt để, nhưng cố gắng tạo ra một bản hiến pháp thành văn có thể chỉ đổ dầu vào lửa, nếu dựa trên nội dung của vấn đề này này thì phải xem xét đến quá trình. 

“Nếu bạn nhìn vào những người đã viết nên Hiến pháp Mỹ: James Madison, Alexander Hamilton, George Washington, George Mason – những tinh hoa của nhân loại như thế – thì bạn không thể tái tạo điều đó ở Anh, mà có lẽ là ở hầu hết các nước trên thế giới, vào năm 2015” – ông King nói.

Hiến pháp thường được sinh ra từ các chuyển biến lớn như chiến tranh hay cuộc cải cách. Nhưng chưa thấy một dấu hiệu nào như thế đối với Anh quốc cả, bởi vậy ông Anthony King nghi ngờ những thách thức hiện tại của đất nước, nếu có, cũng chưa cần thiết để phải gượng ép.

“Một hệ thống không thỏa đáng nhưng vẫn chưa đến cực điểm” – ông nói. “Chúng ta sẽ tự xoay xở. Người Anh vốn dĩ tự hào về khả năng đó.”