Link : http://m.voatiengviet.com/a/van-de-ngon-ngu-trong-van-hoc-luu-vong/2777593.html
Nguyễn Hưng Quốc
Nhà phê bình văn học,
nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ
(http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học
Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.
Trong bài
“Thơ như một phương tiện để giải hoặc và thanh tẩy”, viết năm 2004, nhà thơ
Nguyễn Hoàng Tranh (qua Úc từ năm 14 tuổi) tâm sự:
“Cho đến bây
giờ, tất cả những bài thơ của tôi đều được viết bằng tiếng Việt. Rất nhiều bạn
bè tôi hỏi tại sao tôi không làm thơ bằng tiếng Anh. Câu trả lời của tôi là:
‘Vâng, một ngày nào đó trong tương lai tôi sẽ viết bằng tiếng Anh. Nhưng ở thời
điểm hiện tại này, tôi cần phải giải quyết rất nhiều chuyện thuộc về quá khứ Việt
Nam của tôi, và điều này cần ngôn ngữ Việt’.” (1)
Lời tâm sự ấy
nêu lên hai ám ảnh chính không những đối với anh mà còn đối với mọi người cầm
bút lưu vong nói chung: ngôn ngữ và quá khứ.
Có thể nói,
với các cây bút lưu vong, không những chỉ có quê hương hay quá khứ giằng kéo mà
cả ngôn ngữ cũng có sức giằng kéo mãnh liệt. Czeslaw Milosz xem ngôn ngữ như là
quê hương, thậm chí, quê hương duy nhất của người lưu vong (2). Cho đến nay, hầu
hết các cây bút người Việt thuộc thế hệ thứ nhất và một phần các cây bút thuộc
thế hệ 1.5 ở hải ngoại đều trung thành với tiếng Việt.
Cũng dễ hiểu.
Trong cuốn Alien Tongues: Bilingual Russian Writers of the “First” Emigration,
từ kinh nghiệm của các nhà văn Nga lưu vong sang Âu châu vào đầu thế kỷ 20,
Elizabeth Klosty Beaujour nhận thấy: Thứ nhất, tuyệt đại đa số vẫn viết bằng tiếng
Nga; thứ hai, trong số những người viết song ngữ, chỉ có vài ba người thực sự
thành công ở tầm quốc tế (Elsa Triolet và Vladimir Nabokov); thứ ba, với hầu hết
những người viết song ngữ, việc lựa chọn ngôn ngữ lúc sáng tác là một lựa chọn
đầy dằn vặt và đau đớn, thậm chí, với Elsa Triolet, là một cơn bệnh hoặc một sự
phản bội (3).
Không có gì
đáng ngạc nhiên khi Czeslaw Milosz, giải Nobel văn chương năm 1980, dù rất giỏi
tiếng Anh, từng là dịch giả nổi tiếng, vẫn chỉ làm thơ bằng tiếng Ba Lan và để
người khác dịch chúng sang tiếng Anh (4). Joseph Brodsky, nhà thơ Nga đoạt giải
Nobel năm 1987, mặc dù sống ở Mỹ khá lâu, khi viết tiểu luận, chọn tiếng Anh,
nhưng khi làm thơ, ông vẫn thường làm thơ bằng tiếng Nga (5). Jaime Manrique, một
tác giả Colombia, sống ở New York trên ba mươi năm, cũng vậy: ông viết tiểu
thuyết, hồi ký và tiểu luận bằng tiếng Anh nhưng khi làm thơ, vẫn làm thơ bằng
tiếng Tây Ban Nha (6). Roman Jakobson (1896-1982), một nhà ngôn ngữ học và lý
thuyết gia văn học kiệt xuất người Nga, sống ở Mỹ từ năm 1945, biết cả thảy 16
ngoại ngữ, nhưng bạn bè ông thường nói đùa: Jakokson “nói tiếng Nga bằng 16
ngôn ngữ khác nhau” (7): Chúng ta không chọn ngôn ngữ. Ngôn ngữ chọn chúng ta.
Có điều, tiếng
Việt của những người sống giữa hai ngôn ngữ, hai văn hóa và hai quốc gia, dù muốn
hay không, cũng dần dần đổi khác. Về phương diện xã hội, người ta thường nhìn
những sự đổi khác ấy một cách tiêu cực như một quá trình rơi rụng và mai một.
Tuy nhiên, về phương diện văn học, những sự đổi khác ấy thường diễn ra một cách
tích cực: Trong môi trường song ngữ hoặc đa ngữ, tiếng Việt ở hải ngoại không
ngừng được cọ xát để trở thành chặt chẽ và sắc cạnh hơn, cuối cùng, có thể tiếp
máu cho một thân thể quá già nua và yếu ớt ở quê nhà. Già nua và yếu ớt chủ yếu
đến từ sự khép kín của xã hội và đặc biệt từ các âm mưu chính trị hoá ngôn ngữ
để giữ sự độc quyền về tư tưởng của giới cầm quyền.
Ở đây, có thể
xem văn học lưu vong như một nền văn học nhỏ/phụ (minor literature), hiểu theo
nghĩa của Gilles Deleuze và Félix Guattari: Đó là một nền văn học thoát thai từ
một ngôn ngữ lớn (trong trường hợp của Kafka, một người Séc gốc Do Thái viết bằng
tiếng Đức, đó là tiếng Đức; trong trường hợp của chúng ta, đó là tiếng Việt ở
Việt Nam) với ba đặc điểm chính: giải lãnh thổ hoá, ám ảnh về chính trị và ý thức
tập thể. Nền văn học ấy tự đổi khác bằng chiến lược viết như những kẻ sử dụng
đa ngữ, biến cái ngôn ngữ quen thuộc thành xa lạ, và không ngại vượt qua mọi
quy ước và quy phạm có sẵn để đi đến tận cùng tham vọng cách tân (8).
Ngoài vấn đề
văn học nhỏ / văn học lớn theo cách nhìn của Deleuze và Guattari, những sự đổi
khác của ngôn ngữ và văn học Việt Nam lưu vong, còn xuất phát từ một nguyên
nhân nữa: sự cọ xát. Trong lãnh vực văn hoá, cọ xát là điều kiện của sáng tạo.
Nhờ thường xuyên cọ xát với các nền văn hoá khác, văn hoá Tây phương không ngừng
phát triển và đổi mới. Riêng ở Việt Nam, các cuộc cọ xát với văn hoá Trung Hoa,
Chiêm Thành và Pháp đều để lại những dấu ấn lớn.
Carrie
Noland và Barrett Watten xem những sự cọ xát xuyên ngôn ngữ, xuyên quốc gia,
xuyên sắc tộc và xuyên thẩm mỹ ấy là những điều kiện thuận lợi để làm nảy nở
tinh thần tiền vệ (avant-garde); trong ý nghĩa ấy, họ cho lưu vong chính là động
cơ của tinh thần tiền vệ (9).
Raymond
Williams cũng từng có ý kiến tương tự khi cho các phong trào tiền vệ nổi lên
trong các xã hội hiện đại từ hiện tượng lưu đày trong tâm hồn (internal exile)
và hiện tượng di dân xuyên quốc gia: Ông xem xu hướng quay về với ngôn ngữ
(turn to language) vốn là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của văn học
và văn hoá Tây phương trong thế kỷ 20 chủ yếu nảy sinh từ các điểm giao thoa
hay biên giới giữa các ngôn ngữ (10).
Để minh chứng
cho các luận điểm ấy, Noland và Watten nhắc đến một số tên tuổi tiền vệ nổi bật
nhất tại Pháp trong nửa đầu thế kỷ 20: Tristan Tzara, một trong những thủ lĩnh
của phong trào Dada vào năm 1916, và Isidore Isou, người đề xướng một phong
trào tiền vệ khác vào năm 1947, đều là người Romania sống lưu vong ở Pháp (11).
Dĩ nhiên,
kinh nghiệm lưu vong chỉ là một trong những điều kiện của tinh thần tiền vệ.
Như tôi đã phân tích trong bài “Sống và viết như những người lưu vong” (12), rất
nhiều người cầm bút Việt Nam thuộc thế hệ thứ nhất thường đắm chìm trong những
hồi tưởng hoài niệm, chỉ sống với ký ức; với họ, viết chỉ như một hành động níu
giữ và tái cấu trúc ký ức. May, phần lớn giới cầm bút Việt Nam trẻ thì khác. Dù
không thoát hẳn những ám ảnh của quá khứ, một phần trong con người của họ vẫn
thuộc về hiện tại để có thể cảm nghiệm được thân phận ở-giữa của mình, từ đó,
khao khát đổi mới, hoặc nếu không đổi mới được thì ít nhất cũng viết khác như
câu khẩu hiệu của nhà thơ Mỹ Ron Silliman: “Nếu không làm Mới được thì hãy làm
cho Khác” (Make it Different, if not New”) (13).
Tìm hiểu những
cái khác ấy là một điều thú vị, tuy nhiên, nó quá phức tạp. Một lúc nào đó, có
dịp, chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ (14).
***
Chú thích:
1. [1]
http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=2015
2. “Language is the only homeland”, dẫn theo
Paule Marshall, “From the poets in the kitchen”, The New York Times:
http://www.nytimes.com/1983/01/09/books/from-the-poets-in-the-kitchen.html?pagewanted=all
3. Elizabeth
Klosty Beaujour (1989), Alien Tongues: Bilingual Russian Writers of the “First”
Emigration, Ithaca: Cornell University Press, tr. 40-1.
4. Trừ mấy
năm cuối đời.
5. Chỉ về
sau, Brodsky mới dần dần tự dịch thơ mình, và những năm cuối đời, bắt đầu làm
thơ thẳng bằng tiếng Anh.
6. Edith
Grossman (2010), Why Translation Matters, New Haven: Yale University Press, tr.
100.
7. Elizabeth
Klosty Beaujour (1989), sđd., tr. 18.
8. Gilles
Deleuze và Félix Guattari (1986), Kafka: Towards a Minor Literature (Dana Polan
dịch), Minneapolis: University of Minnesota Press. Tôi có tóm tắt và phân tích
quan điểm của Deleuze và Guattari trong cuốn Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa
(Văn Mới, California, 2010), tr. 60-65.
9. Carrie
Noland & Barrett Watten (biên tập) (2009), Diasporic Avant-gardes:
Experimental Poetics and Cultural Displacement, New York: Palgrave Macmillan,
tr. 4.
10. Dẫn theo
Carrie Noland & Barrett Vatten (2009), sđd., tr. 15.
11. Như
trên, tr. 3.
12. In trên
Việt số 2 (1998), tr. 5-10; sau, in lại với một số sửa chữa trong cuốn Văn học
Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, nxb Văn Nghệ, California, năm 2000, tr.
227-234.
13. Nerys
Williams (2011), Contemporary Poetry, Edinburgh: Edinburgh University Press,
tr. 3.
14. Tôi đã
phân tích một số cái khác ấy trong cuốn Văn học Việt Nam tại Úc: chính trị và
thi pháp của lưu vong do Tiền Vệ xuất bản và được Người Việt tái bản vào năm
2014. Cuốn sách này có thể đặt mua trên Amazon.com.
* Blog của
Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải
với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của
Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét