Những
ngày đầu tiên khi mới sang Mỹ học luật, trên đường đi bộ từ nhà tới trường, tôi
nhận thấy là các ngôi nhà hầu hết không có hàng rào và các chấn song sắt kiên
cố như tôi vẫn thấy ở Việt Nam. Vì biết nước Mỹ là một quốc gia có tỷ lệ tội
phạm và số người ngồi tù thuộc nhóm đứng đầu thế giới, nên tôi thắc mắc nhưng
không thể lý giải được điều đó.
Tôi mang vấn đề này hỏi
giáo sư của mình và được ông trả lời như sau: “Chúng tôi thừa nhận một sự thật
là cái ác đã, đang và sẽ luôn song hành với cái thiện chừng nào nhân loại còn
tồn tại. Chúng tôi biết là không có một giải pháp nào có thể giải quyết được
mọi mục đích đặt ra. Do đó, khi soạn luật chúng tôi xem xét các mục đích rồi
xác định thứ tự ưu tiên cho các mục đích đó. Đối với vấn đề tội phạm, ưu tiên
của chúng tôi là làm cho những người dân yên tâm là họ được bảo vệ và nhờ đó
các nguồn lực, thay vì được dùng để biến mỗi căn nhà thành một pháo đài thì sẽ
được đầu tư cho lực lượng thực thi luật pháp. Nói cách khác, chúng tôi làm luật
không vì một nhóm nhỏ người xấu mà vì đa số người tốt. Sự an tâm và phát triển
của những người dân sẽ mang lại nguồn lực cho việc bảo vệ pháp luật. Cái anh
nhìn thấy là kết quả của triết lý lập pháp đó”.
Khi quan sát những trao
đổi qua lại trên Quốc hội về quyền im lặng của những người là đối tượng của
điều tra hình sự, tôi tự hỏi các đại biểu Quốc hội nghĩ thế nào về mục đích của
quy định về quyền im lặng và thứ tự ưu tiên của các mục đích đó. Các vị đại
biểu Quốc hội có quân hàm tướng trong lực lượng công an thì cho rằng, quyền im
lặng sẽ ngăn trở việc phá án của lực lượng này. Họ cũng cho rằng, với điều kiện
kinh tế, cơ sở hạ tầng và dân trí của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với việc
quy định im lặng. Một vị luật sư là đại biểu khi phản bác lại thì cho rằng:
"Quyền không khai báo các nước làm hết, còn mình lại không làm là hạ thấp
quyền của người dân Việt Nam”. Tôi nhận thấy các cuộc trao đổi như vậy không đề
cập tới mục đích của quyền im lặng là gì và thứ tự ưu tiên nào trong các mục
đích nên được áp dụng.
Quyền của một người được
tự bảo vệ đối với các hoạt động tố tụng hình sự chống lại mình là một quyền cơ
bản mà có lẽ không có ai trong chúng ta nghi ngờ. Quyền đó được cụ thể hoá
trong các quyền khác của người bị điều tra: quyền cung cấp bằng chứng để chứng
minh sự vô tội của mình, quyền có luật sư và hỗ trợ về pháp lý, quyền khi ra
toà được đề nghị thay đổi hội đồng xét xử khi thấy rằng hội đồng xét xử đó có
định kiến sẵn với mình và quan trọng nhất là quyền im lặng.
Tại sao quyền im lặng lại
quan trọng? Trong quá trình điều tra có sự không tương xứng giữa cơ quan điều
tra và người bị điều tra. Sự bất tương xứng này thể hiện ở nhân lực, phương
tiện, các thông tin được thu thập, kiến thức chuyên môn, thậm chí là cả khả
năng sử dụng bạo lực của mỗi bên. Các cán bộ điều tra có các phương tiện để thu
thập bằng chứng, có quyền không cho người bị điều tra biết được các thông tin
mà họ đã có, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ thuật thẩm vấn...
Ngược lại, người bị điều tra, luôn yếu thế hơn cán bộ điều tra vì trong nhiều trường
hợp, họ bị giam cách ly khỏi thế giới bên ngoài, không có các kiến thức pháp lý
về hình sự, và không biết liệu các kỹ thuật dẫn dụ trong hỏi cung liệu có đúng
pháp luật không.
Ở giai đoạn đầu tiên tại
Anh (nơi sinh ra quyền này), mục đích của quyền là nhằm ngăn chặn việc sử dụng
tra tấn để cưỡng ép người bị điều tra khai báo để chống lại chính mình. Dù hiện
nay nguy cơ bị tra tấn không còn hiện hữu nhiều ở các nước phương Tây thì quyền
này vẫn có ý nghĩa rất quan trọng như lúc ban đầu. Lý do là vì người điều tra
có thể dùng nhiều kỹ thuật không công bằng để chứng minh tội của người bị điều
tra. Ví dụ, việc trích dẫn một câu nói không đầy đủ, tách rời hoàn toàn khỏi
ngữ cảnh nói có thể khiến câu bị trích có nghĩa ngược hoàn toàn với nguyên bản.
Cách thức này đang được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống từ chính trị, ngoại
giao, báo chí, đến mạng xã hội chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi điều tra hình
sự.
Người bị điều tra có thể
chống lại việc đó bằng nhiều cách, tuy nhiên cách nào cũng đòi hỏi những kiến
thức và kỹ năng nhất định. Trong tất cả các cách để bảo vệ mình, im lặng tới
khi có sự tham gia của luật sư là cách thức bảo vệ đơn giản nhất và có thể áp
dụng cho mọi người, mọi tầng lớp dân trí, ở mọi nơi, với mọi cơ sở hạ tầng đang
có. Do đó, theo quan điểm của tôi, càng ở các nước điều kiện hạ tầng và dân trí
còn nhiều bất cập như Việt Nam thì quyền im lặng lại càng cần thiết vì nó là
công cụ bảo vệ dễ được áp dụng nhất cho mọi người. Và thực tế đã chứng minh là
quyền này được các quốc gia khác bắt đầu áp dụng từ thế kỷ 16 với điều kiện
kinh tế và dân trí thấp hơn Việt Nam hiện nay rất nhiều.
Vấn đề thứ hai là thứ tự
ưu tiên nào cho các mục đích mà chúng ta nhắm tới khi lập pháp về vấn đề này:
bảo vệ người vô tội khỏi các oan sai hay tìm ra một người chịu trách nhiệm về
tội ác đó. Chúng ta biết rằng một người phạm tội thì chỉ có một, nhưng những
người bị tình nghi và điều tra sẽ rất nhiều. Sau khi điều tra hết những nghi
can đó, chúng ta có 50% khả năng tìm ra một ai đó chịu trách nhiệm. Nhưng không
có gì là chắc chắn rằng người chịu trách nhiệm đúng là người thực sự đã gây tội
ác. Như vậy, số người vô tội cần được bảo vệ trong một vụ điều tra hình sự lớn
hơn nhiều so với kẻ phạm tội phải bị bắt.
Nếu như tôi có quyền, và
nếu các đại biểu Quốc hội lắng nghe lời một cử tri, tôi sẽ đặt việc bảo vệ
người vô tội khỏi các oan sai lên hàng đầu. Nói một cách khác, tôi ủng hộ việc
áp dụng quyền im lặng cho những người bị điều tra vì quyền đó là công cụ đơn
giản nhất mà bất kể một người nào, dù trình độ văn hoá hay địa vị xã hội ra
sao, dù ở đâu và với phương tiện nghèo nàn đến mấy cũng áp dụng được. Vì sao
lại như vậy? Vì tôi tin rằng số người tốt đông hơn rất nhiều những kẻ xấu và
những người tốt, những người vô tội xứng đáng được luật pháp bảo vệ. Tất nhiên,
quyền im lặng không bao giờ là tuyệt đối, người bị điều tra có quyền im lặng
tới khi họ có được các công cụ bảo vệ khác mà pháp luật cung cấp hoặc tạo điều
kiện cho họ.
Thái Bảo Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét