Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

NGƯỜI ĐẸP...



Hoa hậu đi lễ chùa, gặp một chú tiểu đang quét lá. Cô liền tới gần chú tiểu, kiêu hãnh hỏi:
_ Tôi là hoa hậu, chú có thấy tôi đẹp ko?
_ Chú tiểu nhẹ nhàng đáp:
Thưa cô có cả hàng ngàn vạn người còn đẹp hơn rất nhiều.
Nghe nói thế cô gái mở tròn đôi mắt đáp
Hoa hậu là người đẹp nhất trong những người đẹp rồi. Chú nói thử xem những người đẹp hơn tôi như thế nào?
Chú tiểu đáp:
- Giữ gìn trang nghiêm giới hạnh là thân đẹp
- Ăn ở hiền hòa, thủy chung là nết đẹp
-Thấy người ta ngã mà nâng lên, đó là cử chỉ đẹp
- Thấy người ta đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo túng thì giúp đỡ, đó là tấm lòng đẹp
- Phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp cho người cô quả, cúng dường chư tăng ni đó là tâm hồn đẹp.
- Thấy người ta lâm nguy, sợ hãi nói lời an ủi, giúp đỡ là ngôn ngữ đẹp
- Tánh nết đoan chính ko một tà niệm nảy sinh đó là ý đẹp.
- Thấy người ta u tối, ko hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành đó là trí tuệ đẹp
- Phá vỡ vô minh, hướng dẫn chúng sinh vào con đường an vui, giải thoát đó là cái đẹp tối thắng mà các cõi trời phải tán thán.
Còn cái đẹp của hoa hậu là cái đẹp của sự ham muốn, chiếm đoạt, xoay vần trong vòng sinh tử luân hồi, ngầm chứa đau khổ, sớm nở tối tàn, ko có gì đáng tuyên dương cả.
~sưu tầm~
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

TỪ THIỆN : Tình nguyện viên người Mỹ quát lớn tình nguyện viên Việt Nam

Link : http://www.danang43.com/tu-thien-tinh-nguyen-vien-nguoi-my-quat-lon-tinh-nguyen-vien-viet-nam-p5906.html

Tình nguyện viên Mỹ hét lớn “Bỏ xuống!” khi thấy các tình nguyện viên chúng tôi định trao quà cứu trợ cho một đứa trẻ.

Mọi người trên chuyến xe cứu trợ không khỏi xúc động khi nhìn thấy một cậu bé da đen sạm gầy trơ xương, quần áo tả tơi đuổi theo chiếc xe tải to lớn chở đầy quà cứu trợ. Ngay lập tức, nhóm tình nguyện viên chúng tôi quay vào xe lấy quà cứu trợ trao cho cậu bé. “Anh định làm gì vậy? Bỏ xuống!” tình nguyện viên người Mỹ quát lớn.
Chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hành động kì quặc của chàng trai người Mỹ. “Chúng ta đến đây để giúp mọi người kia mà?” Họ nghĩ thầm. “Chào em, tụi anh đã đi rất xa để đến đây. Trên xe có rất nhiều thứ, em có thể giúp anh chuyển chúng xuống không? Tụi anh sẽ trả công cho em”. Tình nguyện viên người Mỹ hỏi cậu bé. Trong khi đứa trẻ còn đang lưỡng lự, thì các cậu bé khác đã chạy tới trước chiếc xe. Tình nguyện viên người Mỹ cũng đề nghị giống như vậy với chúng. Một đứa trong nhóm xung phong khuân thùng bánh bích quy xuống xe. “Rất cám ơn em đã giúp anh, đây là phần thưởng cho em – một thùng bánh bích quy và một cái chăn bông được trao cho cậu bé – Không còn ai sẵn lòng giúp đỡ bọn anh nữa sao?“ Những đứa trẻ lập tức trèo lên xe và trong tích tắc hàng hóa đã nằm ngay ngắn dưới mặt đất. Các tình nguyện viên nhanh chóng trao cho mỗi em một phần quà cứu trợ. Một đứa trẻ đến muộn vô cùng thất vọng khi nhìn thấy cái thùng xe tải trống rỗng. Em không biết mình phải làm gì để được nhận quà. “Hãy nhìn xem, mọi người đang rất mệt mỏi. Thật tuyệt vời nếu em có thể tặng mọi người một bài hát.” Tình nguyện viên người Mỹ gợi ý. “Cám ơn em, bài hát thật tuyệt!” Chàng trai vừa nói vừa trao cho cậu bé một phần quà. Trước các hành động của tình nguyện viên Mỹ, nhóm chúng tôi không khỏi trầm tư, suy nghĩ… Đêm đó, các tình nguyện viên đã có dịp trò chuyện cùng nhau. Anh bạn người Mỹ nói: “Thật xin lỗi vì thái độ của tôi ban sáng, tôi không nên lớn tiếng như thế. Nhưng bạn biết không; nghèo không phải là cái tội, nhưng nếu những đứa trẻ ấy nhận được sự giúp đỡ của mọi người một cách quá dễ dàng, rất có thể chúng sẽ hình thành lối nghĩ: dùng sự nghèo đói của mình để mưu sinh, chứ không cố gắng phấn đấu để vươn lên. Lúc ấy, chúng sẽ càng nghèo khổ hơn. Đó không phải là lỗi do chúng ta gây ra hay sao?” Có thể nói hôm đó là một ngày dài đầy trải nghiệm. Dường như những đứa trẻ đã quen với việc được mọi người giúp đỡ bằng cách phân phát thức ăn, nhu cầu yếu phẩm hay tiền bạc mỗi khi đến đây. Cho nên chúng ngang nhiên đứng trên đường chờ những chuyến xe thiện nguyện đến phát quà. Làm việc thiện không khó nhưng cũng không đơn giản, cần có lý trí không nên vì hành động của mình mà gây ảnh hưởng xấu cho thế hệ tương lai.

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

ĐỂ CÓ TƯỚNG MẠO ĐẸP


Khuôn mặt xinh đẹp cũng là một loại phúc báo. Dù là phúc báo gì đều có căn nguyên của nó, giống như tài phú đến từ bố thí, tôn quý đến từ khiêm cung, khuôn mặt xinh đẹp đến từ dịu dàng lương thiện. Đến trung niên, tướng mạo đã đi vào ổn định, cũng là thể hiện của tính cách một người.
tướng mạo đẹp
Nhiều người khoan hậu có khuôn mặt có phúc, người dịu dàng lương thiện có khuôn mặt xinh đẹp. Người thô bạo, vẻ mặt hung dữ; rất nhiều phụ nữ trung niên lão niên có phẩm tính không tốt, vẻ mặt thường cay nghiệt, cũng gọi là tướng bạc mệnh, khắc chồng. Thật ra, tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu tâm và hành động lâu dài; cũng vì vậy, tướng mạo sẽ biểu lộ ra vận mệnh tương lai của một người. Xem tướng là một loại tích lũy kinh nghiệm, tướng tùy tâm sinh, từ mặt biết tâm, từ tâm biết mệnh.
Thật ra, tướng mạo không phải sinh ra là cố định, mà nó là phản chiếu của quá trình tu tâm và hành động lâu dài;
Vậy nguồn gốc khuôn mặt tuổi thiếu niên, thanh niên ở đâu? Đặc thù của tướng mạo có quan hệ với sự di truyền của bố mẹ, như màu da màu tóc, nhưng khuôn mặt dáng người cùng tiên thiên có quan hệ, mức độ xinh đẹp là dựa theo những đời trước mà bố trí.
Nửa đời trước của một người, là ảnh hưởng từ kiếp trước, nửa đời sau, chính là tự mình. Vậy mới nói, sau khi đến trung niên, cần phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình.
Lòng từ bi cũng là một yếu tố quan trọng. Người có thiện tâm, thường từ trong ra ngoài tản mát ra một loại hào quang, càng khiến người thuận mắt, càng ngày càng thích tiếp xúc. Mà người ích kỷ, giảo hoạt, so đo, tất khó nhìn, thậm chí xấu xí; cho dù may mắn có khuôn mặt đẹp đẽ, thì trên mặt cũng sẽ dần hiện ra một vài chỗ khiến người không thích, người ta thường nói khuôn mặt không có duyên, chỉ lần đầu gặp hơi thuận mặt, tiếp xúc nhiều liền không còn thuận nữa.
Xin hãy tin rằng, tướng mạo là có thể từng bước thay đổi đấy! Nhất là một khuôn mặt xinh đẹp sẽ từ trong ra ngoài tản mát ra một lực hấp dẫn, khiến người gặp bất tri bất giác sinh lòng mến mộ. Nhiều khi, xinh đẹp hay không, chính là từ tâm mà nhìn, “Tình nhân nhãn lý xuất Tây Thi” chính là đạo lý này, tức là nhìn người mình yêu càng nhìn càng thấy đẹp.
Vì vậy, muốn có tướng mạo đẹp, trước cần nội tâm đẹp!
Một, người cam tâm tình nguyện chịu thiệt, lại nhận được càng nhiều. Người có thể chịu thiệt, nhân duyên nhất định sẽ tốt, nhân duyên tốt, cơ hội tự nhiên sẽ nhiều. Mỗi người khi còn sống, có thể nắm bắt một hai lần cơ hội là đủ!
Hai, người thích chiếm phần hơn, cuối cùng chẳng chiếm được bao nhiêu, nhặt được một ngọn cỏ, mất đi một rừng cây. Người mà vừa đến lúc tính tiền liền kiếm cớ đi việc khác hoặc móc hoài không ra tiền, cơ bản đều là những người không có thành tựu gì.
Ba, người có ánh mắt tiểu nhân, tâm địa nhỏ hẹp. Lúc bạn bè hội tụ, nói ra ba câu, đều không thoát khỏi chuyện cá nhân, người này chính là ốc sên chuyển thế, nội tâm hư không, ích kỷ. Trong nội tâm chỉ có chuyện nhà mình, những chuyện khác liền không liên quan đến anh ta.
Bốn, chỉ có tiếc duyên mới có thể tục duyên, tức là vun bồi duyên phận. Trên đường đời, nhiều người chúng ta gặp, thật ra đều có duyên mới gặp được nhau, hơn một nửa người thân chính là bạn tốt trong đời trước, còn bạn tốt thì hơn một nửa là người thân trong đời trước, mang đến phiền muộn cho bạn vì hơn một nửa là người bạn đã từng gây tổn thương. Vì vậy cần nhớ: Đối xử tử tế với người thân, quan tâm người bên cạnh, khoan dung những người làm bạn tổn thương, vì đây đều là nhân quả.
Năm, nội tâm vô khuyết gọi là phú, có thể bao dung người khác gọi là quý. Luôn vui vẻ không phải là một loại tính cách, mà là một loại năng lực.
Sáu, biện pháp giải quyết phiền muộn tốt nhất, chính là quên nó đi.
Bảy, tiếu khán phong vân đạm, toại đối vân khởi thì (cười nhìn gió mây nhạt, ngồi trông áng mây trôi).
Không giành là từ bi, không biện là trí tuệ, không nghe là thanh tịnh, không nhìn là tự tại, tha thứ là giải thoát, biết đủ chính là buông.
Tám, nội tâm không loạn, không khổ vì tình, không sợ tương lai, không giữ quá khứ.
Chín, kiếp này, bất kể thứ gì cũng sẽ không mang đi được, vậy nên hãy sống với hiện tại, cười với hiện tại, và hãy ngộ ngay bây giờ!

~Sưu tầm~

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Tiếng gọi phía mặt trời lặn - Truyện ngắn của Nguyễn Quang Lập


... Đó là một người đàn bà trắng, cái môi đỏ và hay cười, lúc lúc nàng lại mỉm cười, ngước lên âu yếm nhìn Kon Long. Hình như nàng nói với chủ nó là chẳng có gì trong áo mà tìm. Kon Long sung sướng áp má mình bên má nàng. Sau đó họ bắt chước loài chim trao thức ăn cho nhau. Kan Mây mặt đỏ ửng mắt nhắm nghiền... 


Chỉ mỗi khe núi hẹp chừng ba mươi bước nhảy của một chú nai con mà nó cũng chần chừ. Nó đứng run rẩy trên một nhành cây lim cao nhất ở mỏm núi bên này, nhìn sang cây lim cao nhất ở mỏm núi bên kia với ánh mắt đầy lo sợ. Bây giờ đã sức tàn lực kiệt, nếu cái đập cánh đầu tiên không nâng nó lên cao quá cây trám trước mặt thì nó sẽ vấp phải đám dây nhợ lùng nhùng và mắc kẹt ở đó. Ba mươi bước nhảy của một chú nai con, cái khoảng cách thật vô nghĩa ở cái thời nó còn là một chú vẹt tơ đầy sức lực: khỏi cần một giây tính toán, nó đập cánh thật nhanh vút ngước lên cao và chao mình nhẹ nhàng như một chiếc lá bay... Thế đấy, cái thời phung phí sức lực đã qua rồi bây giờ thì phải tính toán thật kỹ lưỡng sao cho mọi lần đập cánh đều có nghĩa trên đường bay.

Trời đã sẫm tối. Gió từ khe núi thổi thốc lên làm mấy cái lông ngực của nó gần dựng đứng. Đã thấy sương mù từ từ kéo xuống. Nó sẽ chết rét nếu ngủ lại ở mỏm núi bên này, dù sao cũng phải gắng gỏi đập cánh sang được phía bên kia: Nó ngẩng đầu kêu to một tiếng: "Kan Mây... về" rồi liều mạng đập cánh bay vút lên. Nó thoát qua đám dây nhợ lùng nhùng mắc ở ngọn cây trám, đập cánh ngược chiều gió thổi rướn về cây lim ở mỏm núi bên kia. 

Đêm nay nó sẽ ngủ lại ở đấy.

Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu phải lang thang trong các cánh rừng lạ? Nó chẳng còn nhớ nữa. Có thể đã một năm. Có thể đã một đời . Nó chỉ nhớ cái buổi chiều chia tay với Kon Long, chủ nó thôi. Kon Long cho nó ăn nhiều hơn, cứ mỗi lần trao cho nó một hạt thóc, lại nhắc:

- Kan Mây... về!

"Kan Mây... về!". Nó nhắc lại và há mỏ chờ đợi hạt thóc từ bàn tay chủ nó được búng cái "tách", lọt vào. Nó đã học tiếng gọi này ròng rã ba tháng trời. Trước đó thì không, Kon Long chẳng bắt nó nói tiếng người, suốt ngày chỉ theo chủ nó lang thang nơi này sang nơi khác. Chủ nó là một chàng trai tốt bụng và vui tính, nó nhận định, đây là chàng trai có một không hai của loài người mà nó được may mắn sống gần. Kon Long ít nói, nhưng đã nói thì rất dịu dàng, ấm áp.

- Hơ-rê này! - Kon Long nhìn nó thì thầm.

Nó nghếch mỏ lên, nghiêng nghiêng nghe chủ nó. 

- Mày có biết tao sắp xa mày không, Hơ-rê?

Tiếng người rất khó, nó cố gắng hết mức vẫn không sao hiểu được. Đấy là chỉ mới nghe thôi, nói càng khó hơn, nó tập mướt mồ hôi mới phát âm chính xác cụm từ "Kan Mây... về!"...

- Tao không muốn xa mày Hơ-rê - Chủ nó nói - Tao thương mày, Hơ-rê.

Nghe giọng điệu và nhìn vào ánh mắt Kon Long nó mường tượng có một chuyện gì đó thật nghiêm trọng sắp xảy ra đối với nó.

- Mày có thương Kan Mây không, Hơ-rê? 

Câu này thì Hơ-rê hiểu bởi vì chủ nó nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, có đến hàng nghìn lần, từ ngày người đàn bà có cái tên Kan Mây không sống cùng với chủ nó nữa. Cố nhiên Hơ-rê cũng chỉ hiểu lơ mơ thôi. Nó gật gật tỏ rõ cho chủ nó biết: "Thương chứ, ồ...".

- Đúng, phải thương Kan Mây, Hơ-rê ạ. Kan Mây tội lắm. Kan Mây thương tao, yêu tao... Kan Mây chưa chết đâu, tao không tin Kan Mây đã chết. Tao còn thì Kan Mây không chết.

Hơ-rê nhìn vào mắt chủ nó và hiểu là Kon Long đang khẳng định một điều gì đó có liên quan tới người đàn bà tên là Kan Mây.

Kan Mây thì nó nhớ. Làm sao Hơ-rê có thể quên được người đàn bà đáng yêu đó.

Nó nhớ như thế này.

Gần như Kan Mây xuất hiện thật bất ngờ bên một bờ suối vắng, vào buổi sáng. Hơ-rê nghịch chơi mãi trong vòm lá của cây cổ thụ, vừa sà xuống tìm Kon Long thì thấy một người đàn bà đang nép mình bên chủ nó, mắt lim dim. Một tay nàng cầm cái gì như là hòn sỏi, còn tay kia thì giữ chặt tay chủ nó đang tìm gì trong áo của nàng. Nó nghiêng đầu ngắm nghía. Đó là một người đàn bà trắng, cái môi đỏ và hay cười, lúc lúc nàng lại mỉm cười, ngước lên âu yếm nhìn Kon Long. Hình như nàng nói với chủ nó là chẳng có gì trong áo mà tìm. Kon Long sung sướng áp má mình bên má nàng. Sau đó họ bắt chước loài chim trao thức ăn cho nhau. Kan Mây mặt đỏ ửng mắt nhắm nghiền. Bất thần nàng đẩy chủ nó ra xa, ngồi quay lưng. Chủ nó lại quàng tay ôm ghì lấy nàng, lại bị đẩy ra. Chủ nó đang muốn ăn cái gì đó trong ngực nàng nhưng bị từ chối. Loài người có một từ rất hay, nó biết được sau rất nhiều lần cùng Kon Long theo các đoàn "tải lương" xuống núi, đó là: ngượng. Nếu người ta vừa thích lại vừa sợ người khác biết cái thích của mình, thì họ ngượng. Trong ngôn ngữ loài chim không có từ này. "Ngượng" khác với "vui", "buồn", "yêu", "thích"... nếu không chú ý sẽ rất dễ nhầm "ngượng" với "buồn" và "giận", hoặc ngược lại, có thể nhầm với "vui" và "thích". "Ngượng" là từ trùm lên tất cả các từ này, và hình như chỉ dành riêng cho đàn bà con gái... Nói chung tình cảm loài người rất phức tạp, phải theo dõi thật kỹ mới biết được. Lúc này Kan Mây đang ngượng. Nàng cương quyết không cho chủ nó tìm cái gì đó trong áo nàng. Kon Long không chịu, tỏ ra rất vội vàng, hấp tấp trong khi tìm kiếm, có lẽ chủ nó sợ không tìm gấp thì "cái gì đó" sẽ biến mất. Kon Long tìm, tìm liên tục. Hơ-rê ngạc nhiên khi thấy Kan Mây đã cởi hết áo mà chủ nó cũng cứ tìm không ra. Chủ nó hết tìm chỗ này lại tìm sang chỗ khác. Còn Kan Mây thì mặt đỏ nhừ, nàng kêu lên những tiếng kêu lạ, không biết sung sướng hay đau khổ. "Chao ôi nếu loài chim cũng biết ngượng như loài Người nhỉ?" - Hơ-rê nghĩ thế và bay đi.

Kể từ buổi sáng hôm đó, Kan Mây luôn luôn ở cạnh Kon Long. "Họ thì thầm với nhau nhiều điều, toàn những điều khó hiểu, Hơ-rê không biết được. Nó đoán chắc hai người sẽ là chồng vợ của nhau khi họ đã gùi xong gạo cho "bộ đội". Hai người nhập vào đoàn "tải lương", lén lút vượt qua nhiều vùng có "địch", ngày nghỉ đêm đi rất vất vả... Đôi khi trong đoàn người lại có vài người trúng đạn hoặc ốm rồi chết. Lại xuất hiện thêm những người mới. Lại đi. Đoàn người cắn răng đi hết ngày này sang tháng khác. Hơ-rê thật sự khâm phục loài Người. Họ vô cùng kiên nhẫn, khi đã định làm một việc gì là họ làm đến cùng, dù đổ máu họ vẫn cứ làm. Thật là khủng khiếp. Loài chim đúng là chẳng ra gì, phút trước định làm cái này, phút sau đã quên béng, cũng chẳng ân hận gì cứ tý ta tý tởn suốt ngày như một lũ ngốc. Loài Người khác, họ có "kế hoạch" của họ - lại một từ mới mà loài chim không có, nó hiểu là ý định hoặc mơ ước được lần lượt kể ra có thứ tự - và khi đã vạch ra "kế hoạch" thì tất cả mọi người phải tuân theo cho kỳ được. Họ có một nhóm chuyên môn vạch "kế hoạch". Ví như trong đoàn "tải lương" của chủ nó, có ba người, mỗi lần ba người chụm đầu lại, các vẻ mặt đều nghiêm trọng, ấy là họ đang vạch "kế hoạch". Khi tất cả đều giơ nắm tay lên, đồng thanh hét một tiếng gì đó, nghĩa là "kế hoạch" đã vạch xong. Loài Người luôn luôn bận rộn vì những "kế hoạch" như thế. Hầu như không khi nào thấy họ nghỉ ngơi. Họ chia ra hai phe: "TA" và "địch". "Ta" cũng rất đông mà "địch" cũng không ít, vờn nhau suốt ngày như trò chơi cắn đuôi nhau của loài chim. Họ chơi trò này không biết mệt mỏi, đôi khi tỏ ra say mê, quyết liệt và cay cú. Ngày nào họ cũng chia ra hai phe "ta" và "địch" để chơi. Đội "tải lương" của chủ nó thuộc phe "ta", chuyên môn chơi trò gùi gạo. Dần dần Hơ-rê hiểu ra đó không phải là trò chơi, đó là một cuộc đánh nhau dữ dội, loài Người gọi đó là chiến tranh. Chiến tranh được xảy ra rất lâu trước khi nó có mặt trên đời. Có một nhóm người nào đó ở rất xa hè nhau khuân súng đạn cùng với các đồ vật biết bay và chạy sang đây đòi chiếm các cánh rừng... Thế là xảy ra các cuộc đánh nhau và chửi bới, vừa đánh vừa chửi tức là chiến tranh. Loài chim cũng có từ này, nhưng rất ít sử dụng, lâu ngày cũng quên đi.

Kon Long, Kan Mây và Hơ-rê đều tham gia chiến tranh. Hơ-rê làm nhiệm vụ trinh sát cho đoàn "tải lương". Nó bay trước một quãng xa, hễ thấy người thì kêu lên. Sau đó Hơ-rê còn có nhiệm vụ đưa thư. Nhiệm vụ này quả là khó khăn, nó ít khi hoàn thành, nhiều lần bị chủ nó quở mắng. Dù vậy, nó cũng phải làm, chẳng ai làm thay cho Hơ-rê cả. Người quý Hơ-rê nhất là Kon Long, chủ nó. Sau là Kan Mây... Kan Mây yêu nó với một tình yêu nồng nhiệt, ngây thơ chứ không trầm lặng như chủ nó. Nàng luôn nhớ Hơ-rê và gọi nó về mỗi khi kiếm được thức ăn ngon. Buổi tối, nàng thích được ấp nó vào lòng để ngủ. Hơ-rê không thích lắm, nó thấy gò bó và ngứa nhưng vì quý Kan Mây nên không bao giờ nó phá bĩnh trong các giấc ngủ như thế. Đôi lúc vui vẻ, thường là vào các buổi sáng trong lành, nàng gọi Hơ-rê ra suối vừa tắm vừa hát cho nó nghe. Nàng hát những bài ca yêu đương của loài người, ngọt ngào và ấm áp. Những khi Kon Long đi vắng, nàng xin cho Hơ-rê được ở nhà, suốt ngày nàng nói với nó những điều gì đó thật dài có liên quan tới Kon Long. Đôi mắt nàng mở to, ấy là khi nàng đột nhiên im lặng ngước lên vòm lá, có những tia sáng từ trong đôi mắt kia đọng thành giọt cứ rơi xuống, rơi xuống...

Một ngày mưa, đoàn "tải lương" đang xuống dốc. Mặt mày ai nấy đều méo xệch, họ níu vào các nhành cây thận trọng bước từng bước. Lúc lúc có một người trượt chân, gùi gạo bỗng xoay ngược về phía trước, sau đó là một tiếng kêu đau đớn... Hơ-rê vẫn cố bay lên trước làm nhiệm vụ trinh sát. Mưa tạt vào người nó làm cho các đám lông của nó dúm lại, hai cánh như bị ngắn đi, cứng hẳn đi. Rõ ràng là nó không thấy một người nào ở phía trước, thế mà bỗng nhiên có tiếng súng nổ dữ dội từ phía sau. Hơ-rê vút lên, đảo nửa vòng, sẽ sàng sà xuống một lùm cây. Người và người và người... nháo nhác tất cả. Súng nổ ầm ầm và những tiếng hét kinh hoàng như một đám vỡ chợ.

Nửa giờ sau, yên ắng trở lại, Hơ-rê bay chờn vờn trong các vòm lá tìm Kon Long và Kan Mây. Nó phát hiện ra Kan Mây ở phía sau một hòn đá đen, cạnh gốc lim lớn. Nàng nằm sấp, gùi gạo văng ra xa, máu từ bả vai Kan Mây phun ngược lên từng tia nhỏ. Nó kêu lên. Kan Mây quờ tay tìm nó. Nó nhảy vào lòng bàn tay của nàng. Nàng rên rỉ nói từng tiếng rời rạc... Hơ-rê hiểu là Kan Mây muốn tìm ai, nó đập cánh bay lên. Hơ-rê lùng sục khắp cánh rừng, vừa bay vừa kêu to. Khi nó đã đói lắm rồi, định sà xuống đất kiếm một cái gì ăn rồi bay tiếp thì từ trong đám lá mục bỗng có tiếng Kon Long.

- Hơ-rê! Hơ-rê!

Không thể tưởng tượng nó mừng như thế nào. Nó kêu to một tiếng, lập tức vụt đến phía có tiếng chủ nó. Kon Long xòe hai tay đầy máu đón nó. Hơ-rê không dám đậu lên đó, nó sợ chủ nó đau. Nó ngúc ngắc cái đầu, mắt long lanh - Hơ-rê đang xúc động mạnh.

- Hơ-rê! Kan Mây đâu?... Kan Mây đâu, Hơ-rê?

Nó hiểu chủ nó muốn biết Kan Mây đang ở đâu. Nó vỗ cánh, chủ nó mắt sáng lên, hấp tấp chạy đuổi theo...

Nhưng Kan Mây đã không còn nữa, chỉ còn một vũng máu nhỏ ở cái nơi nó gặp Kan Mây. Kon Long quỳ xuống đăm đăm nhìn vũng máu rồi đưa tay nâng lên ngang mày một sợi tóc dài. Hơ-rê im lặng nhìn chủ nó lẩm bẩm những điều gì đó rất lâu. Nó buồn, nó rất buồn.

Thật không ngờ, một tiếng hét vang lên từ phía sau. Nó giật mình đập cánh.

Hơ-rê nhìn xuống, có những họng súng đang chĩa vào ngực chủ nó. Rất nhiều người...
*
* *

- Kan Mây... về! Kan Mây... về!

Hơ-rê vỗ cánh ba lần và kêu lên, nó vút theo một đường gần thẳng góc với mặt đất. Đó là tiếng kêu đầu tiên sau khi từ giã chủ nó. Hơ-rê không ngờ kể từ đấy nó mãi mãi vắng bóng Kon Long. Trước khi chia tay, Kon Long hôn khắp mình Hơ-rê, vừa hôn vừa khóc. Rồi Hơ-rê bị nhốt vào một túi vải bịt kín. Khoảng nửa ngày, cái túi vải được mở, Hơ-rê nhảy ra ngó quanh: chủ nó đã biến đi đâu mất. Bốn xung quanh là điệp trùng những cánh rừng lạ. Hơ-rê kiên nhẫn chờ Kon Long quay lại. Chờ mãi. Khi các tia nắng chuyển động rất nhanh gần như trượt dài trên các lá cây thì Hơ-rê cầm chắc Kon Long đã vĩnh biệt nó bằng những cái hôn và những giọt nước mắt kia. Hơ-rê phải đi gọi Kan Mây trở về làng. Kon Long đang đợi, đó là nhiệm vụ suốt đời của nó.

Hơ-rê bay và gọi. Bay và gọi, Hơ-rê không còn nhớ nó đã bay bao lâu thời gian đã chìm nghỉm trong các "ô nhớ" của nó. Hơ-rê chỉ còn nhớ, khi nó đập cánh bay vút lên vào lúc nó tin rằng Kon Long không bao giờ quay lại nữa thì nó hãy còn dồi dào sức lực và hy vọng sẽ có ngày gặp Kan Mây hãy còn đầy ắp trong ngực nó. Bây giờ thì không còn gì nữa, gần như Hơ-rê đã đánh rơi tất cả. Thời gian và sức lực, ngôi nhà và những cánh rừng quen thuộc, Kan Mây và Kon Long... Hơ-rê chẳng còn gì nữa đâu, ngoài tiếng kêu tuyệt vọng mà nó đã tự nguyện mang theo suốt đời...

Kan Mây ở đâu? Tại sao Kan Mây lại bỏ làng mà đi? Trong ký ức xa vời của Hơ-rê về nàng, ở khoảng đầu, Kan Mây từ đáy suối mọc lên, sà vào ngực chủ nó, rạng rỡ như một thiên thần; ở khoảng cuối, Kan Mây là một vũng máu nhỏ và một sợi tóc dài.

Hơ-rê nghĩ là Kan Mây đã chết như tất cả các cái chết nó đã chứng kiến trong đoàn "tải lương". Nhưng chủ nó không tin. Từ ngày Hơ-rê cùng chủ nó ra tù trở về làng, đúng lúc người ta treo lên những lá cờ đỏ sao vàng, bảo với nhau chiến tranh đã chấm dứt, nó luôn luôn thấy chủ nó rầu rĩ. Một buổi sáng, Hơ-rê theo chủ nó tìm về con suối mà Kan Mây đã "mọc lên". Kon Long đứng im lìm nhìn con suối. Hơ-rê đứng trên một nhành cây, chính là nhành cây nó đã đứng nhìn hai người từ cái buổi sáng xa xưa ấy. Nó buồn rầu nhìn những viên cuội nhỏ lăn lăn, lắc lư dưới đáy suối. Kon Long từ từ quỳ xuống, rút trong túi áo ra một sợi tóc và lầm rầm nói với sợi tóc. Cái sợi tóc mỏng mảnh kia chắc cũng ngốc nghếch như nó thôi, sẽ chẳng hiểu gì cả. Hơ-rê lờ mờ nhận ra: hình như Kan Mây không chết, nàng còn lẩn khuất đâu đó trong các cánh rừng bạt ngàn, ngút tầm mắt này thôi. Nó không thể giải thích nổi tại sao lại như thế. Bởi vì nó không biết...

Nó làm sao biết Kan Mây đã trở về làng như thế nào.

Sau khi Hơ-rê đập cánh bay đi tìm Kon Long theo yêu cầu của Kan Mây, năm phút sau có một người đến dìu nàng chạy trốn. Nàng đã được cứu sống và trở về làng. Làng của Kan Mây và Kon Long đã dời về dưới chân Con Mùi. Từ đó, nàng không được đi gùi gạo cùng với đoàn "tải lương" nữa. Những già làng đã buộc nàng phải rời khỏi làng sau đó một tháng. Người ta phát hiện ra nàng đã mang thai với ai đó. Đây là một tội nặng xếp hàng thứ ba sau tội giết người và phản bội. Một luật lệ khắc nghiệt của làng đã định ra nhiều đời nay dành cho tội này: người đàn bà chửa hoang phải rời khỏi làng sống cô độc bất cứ ở chỗ nào mà những người làng không còn gặp được nữa. Nếu một người bất kỳ trong làng tình cờ bắt gặp thì kẻ có tội phải dời đi chỗ khác xa hơn. Kan Mây buộc phải đi, đó là điều không cách gì tránh được. Nàng vật vờ lang thang như một bóng ma cả tháng trăng. Nàng đứng tần ngần trước một con suối lớn, nhìn đăm đăm từng cọng lá khô đang dập dềnh. Nàng sẽ lao xuống suối... Vĩnh biệt, vĩnh biệt, vĩnh biệt... Chợt nàng bỗng giật thót, mắt trợn ngược, ôm bụng quằn quại. Đứa con trong bụng nàng đã lên tiếng đòi được sống. Nàng nằm vật xuống bên bờ suối, lịm đi... Từ đó, người làng không còn thấy nàng nữa. Kon Long trở về, cầm dao rượt đuổi những người đã đuổi Kan Mây ra đi.

- Kan Mây là vợ tôi! Ai đuổi? Người nào đuổi? Nói! Nói!

Tất cả những cặp mắt của người làng đều nhìn Kon Long, buồn rười rượi.

Có ai đuổi đâu, luật lệ của làng đấy thôi...

- Kan Mây về! Kan Mây ơi...

Đó không phải là tiếng gọi của Hơ-rê. Đó là tiếng thét đau buồn của chủ nó. Hơ-rê nhớ mãi cái buổi sáng bên bờ suối chủ nó cầm sợi tóc vật vã, kêu lên những tiếng kêu khủng khiếp như thế nào...

*
* *

Hơ-rê tin rằng rồi có một ngày nào đó, một ngày thật đẹp trời, sau tiếng gọi khẩn thiết của nó, Kan Mây sẽ từ một dòng suối nào đó mọc lên. Nàng ngửa mặt tươi cười, xòe hai bàn tay như hai chiếc lá hồng ra đón nó. Hơ-rê nhẹ nhàng sà xuống đậu lên những ngón tay xinh xắn của nàng. Nàng sẽ hôn nó, vừa hôn vừa khóc như Kon Long... Nó sẽ kể cho nàng nghe từ ngày xa nàng, Kon Long đã sống khổ sở như thế nào. Nó đã cùng Kon Long đi tìm nàng hết cánh rừng này sang cánh rừng khác mà nàng vẫn biệt vô âm tín. Cuối cùng, khi đã tuyệt vọng, Kon Long bỗng nhớ đến chút tài nhỏ mọn của Hơ-rê và nhờ nó đi tìm nàng. Nó đã nhận lãnh nhiệm vụ đó không một chút do dự và đập cánh bay đi. Mùa đông lại mùa đông. Đói và rét. Những cơn lũ lớn. Những trận bão khủng khiếp. Đói, đói, đói, đói, đói... nàng có biết không? Nó nói với nàng là nó sắp chết rồi, nó già rồi, nó đã hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả sức lực của nó đã rụng dần cùng với những tiếng kêu vô vọng ở khắp nơi trong các cánh rừng, dưới tầng tầng lá mục. Nó sắp chết rồi, hình như thế, Hơ-rê sắp chết rồi, Kan Mây có biết không?

Nhưng liệu nàng có tin không, lời của một con vẹt? Loài Người rất buồn cười, không hiểu sao họ lại gán cho nó những tính xấu trong giống loài của họ. Trong các sách giáo khoa của học trò, la liệt những bài viết khẳng định nó là loài vật dốt nát và dối trá. Nó không hề biết nói dối bao giờ, cũng chẳng dốt nát như loài Người đã tưởng. Nó là một trong những con chim thông minh nhất trong loài chim. Thế đấy nhưng loài Người đâu có tin. Nó mặc nhiên trở thành một biểu tượng của dốt nát và dối trá. Thậm chí loài Người đã không tiếc công sức để viết ra bao nhiêu là sách vở, những cuốn sách dày và đẹp, để cố gắng chứng minh điều đó họ nói là đúng. Dốt nát và dối trá không có ở loài Người đâu chỉ có ở những con vẹt thôi, thật đấy - nói mãi cuối cùng người ta cũng phải tin. Ngay trong loài chim cũng tin điều đó là có thật, nên thường thường Hơ-rê không có bạn, nó phải sống cô đơn như thế đã nhiều năm rồi nếu như không gặp Kon Long...

Kon Long yêu nó, tin nó. Xứng đáng là chủ nó. Nhưng Kan Mây có tin nó không? Nếu nàng cũng nghĩ nó chỉ là con vật dốt nát và dối trá thì toàn bộ sức lực và tất cả cuộc đời của nó dồn vào cuộc tìm kiếm nàng thật vô nghĩa biết bao! ý nghĩ ấy nhiều lúc làm cho nó mệt mỏi, rời rã trong các cuộc bay đường trường... Nhưng niềm tin về con người của Hơ-rê đã thắng thế, Kon Long nói với nó trước lúc chia tay, kể từ đây Hơ-rê không phải là con vẹt nữa, Hơ-rê là trái tim của chủ nó. Trái tim đã từ lồng ngực Kon Long đập cánh bay đi, bay mãi, gọi tên nàng vang vang khắp các cánh rừng. Trái tim người không bao giờ biết dối trá. Hơ-rê là trái tim người!...

- Kan Mây... về! Kan Mây... về! Kan Mây... về!

Hơ-rê cất tiếng gọi. Nó cảm thấy hạnh phúc nhất trần đời.

Rất nhiều lần nó nhầm những người đàn bà khác với Kan Mây. Phải hơn một trăm lần chứ không ít. Lần thứ nhất, khi chia xa Kon Long được mấy ngày, Hơ-rê thấy một người đàn bà đứng lóng ngóng trong nương ngô. Từ độ cao bốn mươi mét, nó sà xuống nhanh như một con cắt.

- Kan Mây... về!

Người đàn bà giật mình quay lại. "Vẫn không thấy xòe bàn tay ra", nó nghĩ thầm. Người đàn bà rón rén tiến lại. Hơ-rê nghiêng đầu chờ đợi. Đến khoảng vài bước chân, người đàn bà lao vào nó. Thật khủng khiếp, nó tụt ngược lên trời. Một hòn đá bay đuổi theo. Nó đảo nửa vòng lượn, đập cánh bay đi. Trống ngực đập thình thình...

Lần thứ hai, Hơ-rê phát hiện trong đám đông những người phát rẫy có một phụ nữ rất giống Kan Mây. Chị đang ôm một bó dây nhợ xuống suối.

- Kan Mây... về!

Hơ-rê kêu to và liệng vòng quanh chị. Tất cả đám đông kia đều ngước mắt lên. "Giống quá! Giống quá!" nó nghĩ thầm.

- Kan Mây... về!

Một tràng cười bỗng rộ lên. Họ cười. Họ vỗ tay. Cái đám đông kia nhao nhao bàn tán, họ thích thú ngắm nghía nó đang bay chập chờn trên đầu họ. Thế là họ ném đá và gậy gộc. Người phụ nữ kia cũng tham gia trò vui của họ.

Nó không sà xuống. Nó bay đi. Chao ôi là họ cười! Hình như cái đám người kia coi cuộc kiếm tìm Kan Mây và tiếng gọi khản tiếng của nó là một trò hề rất buồn cười. Ôi con người! Con người... Họ thật khác nhau. Nom bề ngoài, họ cũng giống như loài chim, chẳng mấy khác biệt. Thế mà trông họ lại rất khác nhau. Loài chim không như thế, mỗi loại chim chỉ có một vài đức tính đơn giản và bất biến. Loài Người thì thật không hiểu nổi. Mỗi người có rất nhiều đức tính, mỗi đức tính lại được phân ra nhiều loại đối chọi nhau. Chính vì vậy mà họ đã gây ra cho chính họ không biết cơ man nào là đau khổ, tai họa... Có phải thế không nhỉ?

Hơ-rê tiếp tục vỗ cánh, dù sao nó cũng không được nản chí. Cái chết sẽ dành cho nó ở chặng đường cuối cùng, thế thì có gì mà nản chí? Nó ráng sức vỗ cánh bay đi. Lại nhầm lẫn. Lại bay đi... Liên miên những lần nhầm lẫn. Chẳng sao cả, miễn là ở chặng cuối cùng nó không nhầm. Nó là chim, nhầm lẫn ắt là chuyện thường. Đến con người họ còn nhầm lẫn nhau nữa là...

Tiếc thay, ở chặng cuối cùng nó vẫn nhầm lẫn. Thật đáng buồn.

Cạnh một con suối lớn, có một túp lều nhỏ nằm chênh chếch bên một hòn đá dựng đứng, nom như cái đầu lợn rừng. Đã khoảng chập choạng tối, Hơ-rê sà xuống đậu trên nóc lều, định bụng nghỉ một chút để có thể tiếp tục đập cánh về dãy núi đá trước mặt. Nó dí mỏ rỉa lông ngực, lông cánh, kiểm tra độ bền của từng chiếc lông. Tội nghiệp những chiếc lông của Hơ-rê, chúng cũng đã già lắm rồi. Bỗng từ dưới suối có một chú bé chạy lên, trong tay chú bé cầm một hòn đá. "Kan Mây... về!", nó hốt hoảng tung cánh. Nó bay chập chờn trên không, vừa bay vừa theo dõi hòn đá trong tay chú bé. Lại từ dưới suối chạy lên một người đàn bà nữa, trong tay chị cầm một cái que rất dài... "Kan Mây... về!" - Ôi, nó sợ quá, Hơ-rê vụt ngược lên cao, gắng sức bay thật xa...

- Hơ-rê! Ê... Hơ-rê!

Người đàn bà đuổi theo Hơ-rê. Chị gọi tên nó, gào lên tưởng có thể đứt cuống họng mà nó vẫn không nghe thấy. Tóc xõa ra, hai tay chị bươn cào trong đám lá ngô vàng nhạt...

- Hơ-rê! Ê... Hơ-rê!

Hơ-rê không còn nghe nữa, nó đã về bên kia dãy núi đá. Nó đâu biết có một người đàn bà đang đứng ôm đầu nhìn theo bóng nó bây giờ như một hạt đỗ đen chấp chới trước hoàng hôn...

*
* *

Đã tờ mờ sáng, ánh sáng từ các chiếc lá của cây lim già nghiêng xuống, sáng dần. Hơ-rê mừng quá. Bây giờ thời gian đối với nó thật cực kỳ quan trọng. Hơ-rê vỗ cánh bay lên. Từ giã cây lim già nhé, tối qua mày đã cho tao một giấc ngủ tuyệt vời. Mày là một giống cây phúc đức, luôn luôn biết che chở cho kẻ khác. Từ giã nhé, có thể không bao giờ mày thấy tao nữa. Mày càng già càng vững chãi, còn tao, càng già càng đuối sức. Giá tao là mày nhỉ, càng già càng vững chãi! Ôi...

Hơ-rê thì thầm với cây lim trong vòng lượn từ biệt của nó. Hơ-rê vỗ cánh nặng nề chui qua một đám bụi nước trắng nhợt bay lững thững trên những ngọn cây lim. Nó không biết bay về đâu, về đâu sẽ có Kan Mây, làm sao Hơ-rê biết được. Ngay cả hướng trở về nơi Kon Long đang sống nó cũng không còn nhớ nữa. Một đôi lần Hơ-rê đã tính quay về để thú thật với Kon Long là nó đã bất lực. Nó sẽ cúi đầu chịu tội. Như thế còn tốt hơn là nó phải đập cánh trong một nỗi tuyệt vọng như thế này. Cho dù ý nghĩ ấy chỉ xảy ra trong những khoảnh khắc cay đắng nhất của Hơ-rê, thì đó cũng vẫn chỉ là một ý nghĩ tuyệt vọng vì nó chẳng còn nhớ được lối về. Hơ-rê đã hoàn toàn mất phương hướng, trí nhớ của nó đã teo lại, rụng dần như những chiếc lông cánh già cỗi trên mình nó. Vì thế Hơ-rê đã đập cánh, theo đuổi những vòng lượn đơn độc, mải mốt đuổi theo mục đích ban đầu của nó. Có thể ở phút cuối cùng, biết đâu đấy, trước khi nó tắt thở thì Kan Mây sẽ hiện ra... Biết đâu đấy, ở phút cuối cùng... Nó vỗ cánh bay bay bay...

"Phải tìm cho được Kan Mây", Hơ-rê luôn luôn nghĩ thế và dù chỉ còn chút sức lực cuối cùng nó cũng không có quyền được quên. Mặt trời đã mọc lên dưới đáy một cái nồi xanh ở đằng đông. Một ngày mới lại đến. Một ngày mới lại đến, Hơ-rê đập cánh bay lên...

Nắng bắt đầu gay gắt, Hơ-rê cảm thấy bức bối. Hình như có một khối lửa đang bốc cháy trong ngực Hơ-rê. Bỗng nhiên nó hoa mắt. Tất cả như đang bay lên còn nó thì đứng yên. Nó rơi dần, rơi dần. Hơ-rê bỗng sực tỉnh, vỗ cánh.

Nhờ thế nó đã hạ xuống bằng hai chân. May quá! Hơ-rê đứng thở dốc, run rẩy nhìn xung quanh. Chẳng có ai cả. Nó lê từng bước về phía một cây ngô đã héo, hy vọng sẽ kiếm được một hạt ngô rơi. Chẳng có một hạt ngô nào dành cho nó. Hơ-rê đứng bần thần nhìn những chiếc lá ngô cong đang rung lên nhè nhẹ trước gió. Chợt nó sửng sốt thấy trên một lá ngô có một sợi tóc dài đang bay phơ phất. "Kan Mây... về!", Hơ-rê sung sướng kêu lên. Một sợi tóc! Không thể tưởng tượng Hơ-rê đã sung sướng như thế nào... Hơ-rê có thể quên tất cả những ký ức về cái sợi tóc của Kan Mây mà chủ nó đã nâng lên ngang mày lầm rầm gọi tên nàng bên bờ suối kia thì không thể nào quên được.

Nó ngậm sợi tóc đập cánh bay lên. Phải giữ lấy sợi tóc! Hơ-rê có thể mất tất cả nhưng sợi tóc của Kan Mây thì không thể để mất, không bao giờ...

Hơ-rê đập cánh bay trong một niềm sung sướng không thể nói được bằng lời. Sợi tóc, chao ôi sợi tóc của Kan Mây! Nó phải giữ lấy cho kỳ được... Miên man trong những ý nghĩ sung sướng về sợi tóc, nó bay bay bay... Khi sực tỉnh, Hơ-rê hoảng hốt thấy nó đang ở giữa một cái hồ rộng mênh mông. Để có thể vượt qua hồ nước này, nó phải có một sức khỏe gấp đôi. "Kan Mây... về" Hơ-rê kêu lên đầy tuyệt vọng. Tiếng kêu to đến độ các vách núi xung quanh hồ đều nhắc lại vu hồ. Sợi tóc bay khỏi miệng nó, bay lên cao một chút rồi liệng những vòng liệng quanh nó. Nắng ngập tràn trên đôi cánh già nua của Hơ-rê. Trên dưới đều xanh biếc, đều long lanh. Mặt trời - mặt trời - mặt trời... khắp nơi đều mọc lên những mặt trời đỏ chói. Sợi tóc! Nó đập cánh đuổi theo. Nó và sợi tóc. Những vòng lượn tuyệt vời. Sợi tóc lật nhẹ theo gió, chao liệng trước mắt nó. Hơ-rê rướn đuổi theo. Sợi tóc chợt ánh lên những tia sáng lạ và hóa thành một sợi nắng mầu diệp lục, bay ngược lên. Hơ-rê rướn cao thêm và lật mình, lật mình. Chỉ còn một khoảng cách cũng nhỏ như sợi tóc kia mà Hơ-rê không sao với tới được. Nó và sợi tóc. Cái khoảng cách như một sợi nắng xanh... nó và sợi tóc. Cả hai đã đứng lại, còn tất cả đang bay lên. Tất cả đang bay lên: những đám mây xốp và mặt trời dưới đáy hồ, những đỉnh núi, những con cá phơi bụng trắng hếu trên mặt nước... Tất cả đang bay lên, chỉ có nó đang dừng lại ở cái khoảng cách như một tia sáng xanh kia...

- Kan Mây... về!

Tiếng kêu của Hơ-rê đập vào vách núi dội vang xa, bay vào tận những cánh rừng xa nhất mà Hơ-rê không còn kịp vươn tới.

- Kan Mây... về!

Tiếng kêu của nó trở thành những vòng sóng tròn, tỏa rộng dần, lan xa, xa mãi...

*
* *

Không ai nói cho Hơ-rê rằng nó là con chim tuyệt vời nhất các loại chim, nó đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tối hôm trước, đáng lẽ Hơ-rê phải ngủ lại ở một khe núi nhưng không hiểu vì sao nó cứ đập cánh bay hoài. ánh sáng của đêm trăng rằm bị sương núi làm nhòa đi, chuyển động theo từng khối mờ ảo, làm cho Hơ-rê có cảm giác nó đang bay trong chính những giấc mơ hãi hùng của nó. Nó uể oải nhìn xuống những cánh rừng đã tối sẫm. Có cái gì đó bí hiểm đến ghê rợn nằm dưới đáy những cánh rừng kia? Hơ-rê khẽ rùng mình, một vật gì đó đột nhiên bíu vào đầu các ngón chân của nó, lạnh toát... Chợt nó thấy có một đống lửa ở cách nó không xa đang cháy sáng dần lên. Hơ-rê ưỡn ngực đập cánh. Đấy là lễ đâm trâu, nó biết. Nó hạ dần xuống, lượn một vòng tròn khá rộng phía trên đám người kia. Rất nhiều người, cả già trẻ gái trai đang nhảy như điên bên một con trâu chết và đống lửa. Những người đàn bà cầm tay nhau vừa xoay quanh đống lửa, vừa lắc mình, tóc xõa ra. Thỉnh thoảng họ vỗ tay thật đều và cất lên những tiếng í a kéo dài. Những người đàn ông thì hung tợn hơn, họ nhảy hùng hục và rống lên nghe đến phát khiếp. Số còn lại nằm la liệt dưới chân cầu thang, hình như họ là những kẻ say rượu hoặc đê mê trong một niềm hoan lạc nào đó... Chỉ có lũ trẻ con là hình như không chú ý gì lắm các vòng lượn, chúng tranh nhau vốc từng nắm xôi to bỏ vào mồm, đánh nhau chí chóe. "Chà, giá được sưởi ấm một chút!". Hơ-rê ao ước. "Kan Mây... về!", nó kêu lên rồi hạ dần xuống chỉ cách đống lửa vài sải tay, "Kan Mây... về!", Hơ-rê lại kêu lên. Cái đám người kia hầu như không ai nghe tiếng kêu của nó. Bởi vì họ đang sung sướng một cái điều gì đó, đến nỗi họ chỉ biết nhảy và hét, không còn ai nghe ai... Hơ-rê được đống lửa hun nóng, nó cảm thấy toàn thân ấm dần lên, có một sức mạnh nào đó đã bổ sung vào cơ thể già nua của nó làm cho Hơ-rê đột nhiên lao thẳng lên. "Từ biệt nhé, cái đám người sung sướng!..." Hơ-rê nghĩ vậy và bay đi. Không ai trông thấy Hơ-rê, con chim tuyệt vời nhất của loài chim đã không nhìn thấy trong vòng quay của những người đàn bà có một nàng tên là Kan Mây. Kan Mây, cái người mà Hơ-rê đã dành trọn đời mình để đi tìm đang ngây ngất trong hạnh phúc đoàn tụ mà nàng đã có được kể từ khi nghe tiếng kêu của Hơ-rê. Nàng đã trở về. Nàng đang tươi cười nhìn chồng mình và đứa con trai. Chồng của nàng, Kon Long, chủ của Hơ-rê, đang cùng với thằng con trai nhập vào những vòng nhảy hung tợn của đám đàn ông. Tất cả đang tràn trề hạnh phúc. Tất cả đang say... Không ai nghe tiếng gọi của Hơ-rê, không ai còn chú ý gì ngoài những vòng lượn hạnh phúc của chính mình. Còn Hơ-rê, con chim tuyệt vời nhất của loài chim, vẫn cứ mải miết đập cánh, mải miết gọi tên nàng...

Chính vì thế, tiếng gọi của Hơ-rê mãi mãi nở thành những vòng sóng tròn, tỏa rộng dần, lan xa.. xa mãi.

Nguyễn Quang Lập

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Bùi Thanh Hiếu - Đại Vệ Chí Dị.

Link : https://www.facebook.com/notes/thanh-hieu-bui/đại-vệ-chí-dị/1030805190278035

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 70
Vệ Kính Vương năm thứ tư.

Năm trước Bạo Tể Tướng công du Âu Châu tìm kiếm ngoại lực chống Tề. Ở nhà, đại thần bộ binh là Quảng Phệ dẫn một đoàn tướng lĩnh sang Tề kết giao. Trước điện Kính Thiên nhà Tề,  Quảng Phệ cao hứng đứng ra thay mặt toàn dân Vệ đời đời chung thuỷ son sắt với Đại Tề.
Trong triều có người nói với Vương.
- Quảng Phệ có ý tiếm ngôi, đi sứ danh đại thần mà cam kết việc của vua.
Vương giận lắm, nhưng đang nhờ binh lực của Quảng Phệ để giữ triều chính, chuyện ấy chỉ để bụng không dám nói ra.
Quảng Phệ từ khi đi Tề về, ngày càng ngông nghênh, ngỗ ngược. Quân lính của Quảng Phệ để mặc biên cương, lãnh hải cho Tề lộng hành. Chỉ chú trọng nhăm nhe trấn áp người dân trong nước. Đã thế bọn Tổng Chính của Bộ Binh còn ép bọn Tổng Chính của bộ Hình làm việc gì phải thông qua ý kiến. Thế của Quảng ngày càng mạnh, vây cánh khắp nơi. Bọn thủ hạ Tổng Chính của Bộ Binh qua lại mật thiết với bọn tuyên giáo kinh thành. Hai hổ tướng tư lệnh kinh thành bộ binh đều là tay chân của Quảng, quân ngũ lúc nào cũng gươm giáo sẵn sàng nghe lệnh.
 Lúc ấy Vương sắp đi Cờ Hoa, Sáng Quyết và Quảng Phệ hội nhau uống rượu sau vườn phủ bộ Binh. Rượu ngà ngà Sáng Quyết hỏi.
- Theo đại nhân, thiên hạ ngày nay ai là anh hùng.?
Quảng Phệ đáp.
- Bọn Bạo,  Cả Sáng đang đương thời là anh hùng, ngoài ra có Xuân Phước, Đường Hoang cũng đáng kể tên. Thêm nữa phải kể đến Bốn Sương người mạn Nam bộ cũng đáng mặt anh hùng.
Sáng Quyết cười nói.
- Bạo tham nhũng không được lòng dân, Cả Sáng lập lờ gió chiều nào che chiều ấy không dám quyết, Bốn Sang chỉ võ miệng mà không có thực lực. Bọn Xuân Phước, Đường Hoang là phường cơ hội mà lên, trong triều không ai phục. Tất cả lũ ấy không đáng gọi là anh hùng.
Quảng Phệ hỏi.
- Vậy còn ai nữa.?
Sáng Quyết ghé tai Quảng thì thầm.
- Anh hùng trong thiên hạ chỉ có mỗ và tướng quân mà thôi.
Quảng Phệ nghe xong, ngửa cổ lên trời cười khặc khặc, vỗ đùi đét cái hỏi.
- Đại thần kinh thành đã nói vậy, chắc có ý rồi.?
Sáng Quyết nhấp chép rượu, kéo tay Quảng Phệ lại gần nói.
- Tới đây Vương đi Cờ Hoa, chẳng biết sẽ thế nào, nếu Vương ngả theo Cờ Hoa thì công lao chúng ta bấy lâu gắn kết với Tề thành công cốc. Việc này không thể không tính.
Quảng Phệ nói.
- Chả phải chuyến trước ông đi, đã xỉ nhục tướng Cờ Hoa là Giã Mặc Can khiến cả Cờ Hoa bị mất mặt đó sao. Cờ Hoa vốn đã hiềm khích với nhà Sản sau lần đó sẽ càng thêm phần hiềm khích. Lo gì chuyện ấy.
Sáng Quyết giơ tay áo ngăn Quảng lại, trả lời.
- Bọn Cờ Hoa thực dụng, chuyện xấu mặt không bằng chuyện thực lợi. Tin tức cho thấy bọn tay chân nhà Chúa vẫn qua lại với Cờ Hoa. Vệ Kính Vương tính háo danh,ưa nịnh bợ. Chỉ lo chuyện trau dồi danh tiếng của mình, không chăm lo thuộc hạ. Trung tín như Trăm Xanh chết chưa xanh cỏ mà Vương chả đoái hoài gì. Người anh hùng phải biết năm thời thế, định đoạt số phận mình. Chớ như Trăm Xanh cung cúc theo hầu loại vua cuồng danh đến nỗi vong mạng chả được ngó ngàng.
Quảng Phệ nói.
- Vậy biết làm sao ?
Sáng Quyết nói.
- Ngài đã nói thế, tôi cũng thật lòng. Chúng ta qua lại nhau bấy lâu, dứoi sự bảo trợ của Tề. Không thể để chuyện ngoài tầm tay nắm. Đã đến nước này. Cứ định ngày Vệ Kính Vương đi Cờ Hoa, ngài cho binh mã chiếm cứ kinh thành, phong toả triều chính. Tôi dùng tuyên giáo tung hô ngài lên làm Vương. Nhất hô bá ứng để ngài làm Vương, tôi làm Chúa. Xin Tề cho quân viện trợ áp sát biên cương . lãnh hải. Các trấn khác thấy vậy sẽ không dám dấy binh phản đối. Việc chỉ ba ngày là xong.
Quảng nói.
- Vậy thì để ngày hội toàn quân, các tướng lĩnh tụ cả ở kinh thành. Lúc ấy ra tay, không đứa nào kịp phản ứng.
Sáng Quyết cười vang.
- Mọi sự coi đã xong, xin nâng chén chúc mừng Tân Vương.
Cả hai bàn thêm đến khuya thì về. Sáng sau Quảng thăm lại binh mã kinh thành, dặn sẵn sàng gươm giáo ứng phó với tình huống bất ngờ. Còn Sáng Quyết về họp bọn tuyên giáo, căn dặn kỹ càng chuẩn bị dư luận.
Trong triều có người nói với Chúa.
- Quảng Phệ chuẩn bị binh mã, lại cấu kết với bọn tuyên giáo kinh thành là ý gì.?
Chúa cười nhạt, không nói câu nào.
Bọn tuyên giáo kinh thành bắt đầu đi rêu rao rằng chỉ có Đại Tề mới đáng tin, là chỗ dựa muôn đời cho nước Vệ. Những kẻ nào có y coi thường Tề đều là có ý muốn hai nước bất hoà, khiến cảnh đao thương , dân chúng lầm than. Lời ấy là ngầm hỗ trợ lời Quảng Phệ nói khi trước là tâm lý ghét Tề là nguy hại cho quốc gia.
 Chúa gặp Vương ở điện Tam Đền, lúc không có người Chúa hỏi.
- Nước Vệ vững được là phải nhờ Tề như bọn bộ Binh và tuyên giáo kinh thành nói chăng.?
Vương ngập ngừng đáp.
- Chủ trương trước nay là thế.
Chúa hỏi.
- Ngân khố cạn kiệt, không có lương nuôi quan lại, quân lính. Không có tiền nuôi quân, triều Sản khó đứng vững .Nhờ Tề giúp được bao nhiêu.?
Vương đắn đo đáp.
- Không biết là được bao nhiêu.
Chúa nói.
- Cứ cho là Tề cho vay, bảo vệ triều Sản vững vàng, nhưng xin hỏi ai sẽ là người đứng ra đảm nhận với Tề việc đấy. ?
Vương bảo.
- Giờ muốn được Tề cho vay , chỉ có Quảng là người được Tề yêu mến. Phi Quảng không ai nói được với Tề.
Chúa ngồi bên canh, phe phẩy quạt, mỉm cười nói.
- Vương còn đây, Quảng đi sang Tề đã thay mặt toàn dân thề thốt , hứa hẹn với Tề Bá Vương Giờ mà chỉ có Quảng mới nhờ Tề giúp, thử hỏi vay xong Quảng thái độ thế nào. ? E lúc đấy sớ của phủ Chúa cũng phải tâu sang bộ Binh xin ý Quảng.
Vương nín thinh không nói. Chúa tiếp tục.
  Vệ Mạnh Vương mười năm ngồi ngôi báu, không làm nổi việc gì. Khi Vệ Mạnh Vương rời ngôi, thiên hạ không ai nhắc đến. Coi như vết mờ trong lịch sử. Vương chỉ còn thời gian ngắn nữa, dù ai lên ngôi thì Vương cũng sẽ bị đời quên như Vệ Mạnh Vương.  Cái tiếng U Vương sẽ đi lưu truyền mãi mãi trong dân gian ngàn đời không xoá nổi.
Vương ngẩng đầu nhìn trời xanh thăm thẳm, lat sau mới hỏi.
- Ý Chúa muốn gì.?
Chúa nói.
- Nay lòng dân bất mãn với Tề, tất cả chỉ ngóng trông nhà Sản kết giao với Cờ Hoa làm đối trọng trong quan hệ Vệ Tề. Mọi thứ tôi đã lo xong, Vương đi chuyến này chỉ cần cư xử hoà thuận với Cờ Hoa, khi gặp Ô Mã Vương chỉ cần cười nói khoan hòa là được. Cái tiếng để đời vượt thác hoá rồng của Đại Vệ sẽ là của Vương cả.
Vương ngần ngừ nói.
- Bọn Quảng Phệ nắm binh lực, lại được Tề hứa hẹn phong Vương sau này, liệu có để yên không.?
Chúa nói.
- Quảng Phệ  ngày càng càn rỡ ngông nghênh. Làm đại tướng cầm quân, bất chấp mệnh Vua đi sứ cam kết đủ điều. Đã thế lại đem binh hội ước với Tề ở biên giới, công khai nhận lễ vật của địch. Chuyện làm phản chỉ ngày một ngày hai. Nay hắn đang mật giao với Tề và đại thần Sáng Quyết, chắc làm phản chỉ nay mai. Thám báo cho biết Quảng đã điều binh lính kinh thành chuẩn bị sắp sẵn, chỉ đợi Vương đi là làm phản.
Vương cả sợ, ôm mặt khóc hu hu.
- Thế này ta không đi nữa, không đi nữa.
Chúa dỗ dành.
- Khi chúng đã có ý làm phản, thì Vương đi hay ở chúng cũng làm. Thà cứ đi như đã quyết còn hơn. Mọi việc để tôi lo.
Vương nghe Chúa khuyên nhủ mãi, mới quyết định đi Cờ Hoa.
 Quảng Phệ định ngày khởi binh. Quân mã nai nịt gọn gàng gươm giáo, sẵn sàng đâu ra đó. Bọn Dư Luận Viên kinh thành nghe lệnh tuyên giáo cũng sắp sửa loa, bản hịch , lời truyền.
 Sát ngày hành sự, bỗng nhiên Quảng Phệ mất tích. Không ai biết được đi đâu. Lệnh trên truyền xuống thay gấp hai tư lệnh, chính uỷ kinh thành. Người ta đồn Quảng Phệ bị bệnh đột ngột, phải nằm chữa trị tại nơi bí mật. Nơi khác đồn Quảng Phệ định làm loạn bị bắt giữ. Chỗ kia lại nói Quảng bị thích khách ám hại.
Ngày hôi toàn quân, Chúa nghiễm nhiên đứng ra chủ trì.
Vương đi xứ Cờ Hoa, mặt mũi rạng rỡ ngời ngời giao thiệp với Ô Mã Vương. Hai bên rất tâm đắc, hứa hẹn nhiều điều. Nước Tề nghe thấy nổi giận đùng đùng, cho quan phó tể tướng sang Vệ để khiển trách.
 Lại nói về Sáng Quyết, thấy Quảng Phệ mất tích, cho người đi dò la khắp nơi không rõ tung tích. Đoán được điều chẳng lành. Sáng Quyết bèn gọi trưởng tuyên giáo kinh thành là Sáng Lợi vào bảo.
- Việc lớn hỏng rồi, bảo bọn DLV giải tán không để ai trông thấy. Đốt hết hịch, lời truyền đi. Mau chóng ca ngợi quan hệ Cờ Hoa với Vệ.
Sáng Lợi cấp tốc thâu đêm, suốt sáng viết bài ca ngợi nhà Sản, ca ngợi mối tình Cờ Hoa với Vệ  cho hợp thời cuộc, ý cũng muốn biện minh chủ của mình là Sáng Quyết trước sau cũng một lòng, một dạ trung với dân tộc, đất nước. Không liên can gì đến chuyện tạo phản của Quảng Phệ.
 Nước Vệ nội tình tạm yên, Vương và Chúa bàn nhau sắp xếp lại một số quan lại, tướng lĩnh.  Xảy có người đến đưa bài ca ngợi của Sáng Lợi tuyên giáo kinh thành. Vương hài lòng lắm khen ngợi hết lời. Chúa thấy vậy hỏi.
- Chuyện làm phản, Vương nghĩ còn ai không.?
Vương nói.
- Chỉ mình Quảng thôi.
Chúa nói.
- Quảng phệ tướng lợn, ngữ ấy chỉ được tham và liều, dù muốn làm phản mà không có kẻ bày mưu không chắc đã dám.
Vương hỏi.
- Vậy còn ai.?
Chúa nói.
- Quảng Phệ võ tướng, ngu dốt, tham lam. Xưa nay qua lại thân thiết với bọn Sáng Quyết. Mưu lược, kế sách đều từ đó mà ra, kẻ ấy ỷ học thức tiến sĩ, sách vở đọc nhiều, mưu kế thâm hiểm vô cùng. Không thể không trừ .
Vương ngại ngần,ấp úng nói.
- Sáng Quyết mặt mũi vuông vức khôi ngô, có thể làm rường trụ nước nhà, theo ta cũng trung thành, đáng tiếc lại có bụng vậy. Có thể nương nhẹ đươc không.
Chúa không nói, chào từ biệt đi ra.

 Muốn biết số phận của Sáng Quyết và thủ hạ Sáng Lợi thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

“Trên cây có 10 con chim, bắn chết 1 con, hỏi trên cây còn lại mấy con?”

“Trên cây có 10 con chim, bắn chết 1 con, hỏi trên cây còn lại mấy con?”, đây là câu hỏi được thầy đặt ra, và đáp án của cậu học trò này có lẽ sẽ khiến bạn “ngất xỉu”.


Thầy giáo hỏi: “Trên cây có 10 con chim, người thợ săn nổ súng bắn chết 1 con, hỏi trên cây còn lại mấy con?”
Học trò: “Thưa thầy, cho em hỏi đó là súng lục không tiếng động, hay là những khẩu súng nào khác không có tiếng động?”.
Thầy: “Không phải là khẩu súng lục không có tiếng động, cũng không phải là những khẩu súng nào khác không có tiếng động”.
Trò: “Âm thanh của khẩu súng là bao nhiêu?”
Thầy: “Khoảng 80 đến 100 đề-xi-ben”.
Trò: “Nói vậy là tiếng súng sẽ chấn động đến điếc cả tai, đúng không thầy?
Thầy: “Đúng”.
Trò: “Ở vùng đó, bắn chim có vi phạm pháp luật hay không?”
Thầy: “Không phạm pháp”.
Trò: “Thầy có chắc chắn rằng con chim đó đã thật sự bị bắn chết hay không?
Thầy: “Chắc chắn”.
Thầy giáo có phần không còn kiên nhẫn nữa: “Làm ơn đi, em chỉ cần nói cho thấy biết là còn lại mấy con chim là được rồi nha”.
Trò: “Dạ! Cho em hỏi, trong số những con chim đó, có con nào bị điếc hay không?”
Thầy: “Không có”.
Trò: “Trong số đó có con nào đầu óc có vấn đề không ạ? Chính là ngốc đến nỗi khi nghe thấy tiếng súng nổ mà cũng không biết bay đó?”.
Thầy: “Không có, chỉ số thông minh là từ 200 trở lên !”.
Trò: “Có con nào bị nhốt trong lồng hay không?
Thầy: “Không có”.Description: http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/bocau.net-BcKCN8-42026.jpg
Trò: “Cho em hỏi thêm, là có con chim nào bị tàn tật hay là đói đến nỗi bay không được hay không?”
Thầy: “Không có, con nào con nấy thân thể đều rất mạnh khỏe”.
Trò: “Thầy ơi, có tính tổng số chim con đang nằm trong bụng mẹ hay không?”
Thầy: “Toàn bộ đều là chim trống hết”.
Trò: “Người thợ săn có bị hoa mắt gì không, thưa thầy?  Mà thầy đảm bảo là 10 con chứ?”
Thầy: “10 con”.
Học trò vẫn tiếp tục truy hỏi: “Cho em hỏi, có con chim nào ngốc đến nỗi không sợ chết hay không?”
Thầy: “Toàn bộ đều sợ chết cả”.
Trò: “Trong đó có con nào là tình nhân của nhau hay không, ví như khi một bên bị bắn chết, bên kia cũng sẽ chủ động chết theo người yêu chẳng hạn”.
Thầy: “Đồ ngốc! Không phải đã nói trước với em, tất cả đều là trống cả hay sao!”.
Trò: “Cho em hỏi, có khi nào người thợ săn bắn một phát mà trúng hai con hay không?
Thầy: “Không có”.
Trò: “Một phát trúng 3 con, có không hả thầy?”
Thầy: “Không có”.
Trò: “4 con thì sao?”.
Thầy: “Càng không thể”.
Trò: “5 con?”.Description: http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/bocau.net-BcKCN8-42026.jpg
Thầy giáo hoàn toàn suy sụp đầu óc: “Thầy xin nói lại một lần nữa, một phát súng chỉ có thể bắn trúng 1 con mà thôi!”.
Trò: “ …..Được rồi, có phải tất cả các con chim đều sẽ tự do bay lượn hay không? Ví như khi chúng bị dọa sợ quá mà bay đi, sẽ không vì hoảng hốt lo sợ mà đụng phải nhau chứ?”
Thầy: “Sẽ không như vậy đâu, mỗi con đều sẽ tự do bay lượn”.
Trò: “Nếu thật sự đúng như những gì thầy đã nói”.
Học trò tràn đầy lòng tin mà nói: “Con chim bị bắn chết nếu như vướng phải cành cây, không có rơi xuống đất, vậy thì trên cây còn lại một con; nếu như nó rơi xuống, thì cành cây sẽ chẳng còn lại con nào cả!”
Cuối cùng đã chờ được đáp án của học sinh rồi, thầy giáo bỗng dưng cảm thấy đầu óc quay cuồng, suýt nữa ngã lăn xuống đất, ông run cầm cập nói: “Thôi, con không cần phải học tiểu học nữa đâu, mà hãy trực tiếp đi thi làm thám tử điều tra đi !”

Theo Tiểu Thiện/Tinhhoa

Bài diễn văn chấn động sâu sắc của nữ sinh 17 tuổi: Tổ quốc tôi, ông là ai?

Bài diễn văn của một nữ sinh 17 tuổi “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”, có lẽ sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về “giấc mơ Trung Hoa”.

Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?
Dưới đây là toàn bộ bài nội dung bài diễn văn:Description: http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/bocau.net-BcKCN8-42026.jpg
Kính thưa các thầy cô,bạn bè thân mến: Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai ?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.Description: http://media.kenh9.tv/http/1200x1200/bocau.net-BcKCN8-42026.jpg
Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?
Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?
Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu .
Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.
Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.
Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.
Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi  sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có  bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.
Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.
Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.

Tiểu Thiện, dịch từ NTDTV