Link : http://nguoibuongio1972.blogspot.com/
Thỉnh
thoảng những câu chuyện tôi viết lại mang bóng dáng của nhà tù. Một số bạn sẽ
phát ngán về điều ấy. Nhưng sòng phẳng mà nói thì tôi viết cho mình, không phải
là bắt ép các bạn phải đọc như những điều tôi viết.
Nếu
ai đã trải qua nhà tù, hay những năm tháng khó khăn dài. Bạn sẽ hiểu dù nó đã
xa hàng chục năm, đôi khi bạn vẫn bị ám ảnh. Bạn đi trên đường nhìn một góc phố
nào đó, tự nhiên bạn sẽ nhớ lại những ngày bạn xếp hàng giữa mùa đông chờ mua
thứ gạo hôi rình, đầy sạn ở cửa hàng lương thực nhà nước ở góc phố đó. Bạn nhìn
quán kem , nước dừa, chè đỗ đen nào đó, bạn sẽ nhớ lại cô bạn gái thời học trò
ngay cả khi tóc bạn đã ngả màu muối tiêu.
Tuổi
trẻ thường hay chán ngán khi nghe các cụ già động tí lại bảo ngày xưa thế này,
ngày xưa thế kia....
Bây
giờ ở tuổi trẻ đã qua, già chưa tới. Đôi khi tôi bần thần nghĩ đến chuyện của
ngày xưa và chuyện của ngày nay, mọi thứ đan xen lẫn nhau.
Tôi
ở trong trại tù, trong trại tù các phạm nhân thường kết hợp với nhau thành từng
nhóm. Nhóm đó góp đồ ăn chung, bảo vệ nhau, giúp đỡ nhau. Nhóm như thế gọi là
'' quẫy ''. Mỗi '' quẫy '' đều có một đàn anh cầm đầu, chỉ đạo việc trong ''
quẫy''. Các '' quẫy '' va chạm với nhau thường xuyên, đâm chém, đánh
lộn...Những lần như thế cán bộ phải dùng biện pháp giải tán '' quẫy ''
hay gọi là '' di cả quẫy ''. Nghĩa là phân tán các thành viên của '' quẫy
'' đi các nơi khác nhau. Chuyển đi đội khác, nếu mâu thuẫn quá nặng nề có khi
phải chuyển đi trại tù khác để cách biệt hẳn.
Tôi
ở một mình mặc dù nhiều '' quẫy '' rất muốn tôi ở cùng họ. Tôi tự bảo vệ được
mình nên không cần đến anh em, nhiều khi có anh em ăn ở cùng nhau, họ gây sự
với ai thành đánh lộn. Mình trong '' quẫy '' họ không thể đứng ngoài. Không chỉ
chuyện đánh nhau mà còn bao nhiêu chuyện khác ví dụ như tìm kiếm vật chất phục
vụ cuộc sống cho cả nhóm. Tìm củi , tìm nhựa làm chất đốt, tìm xoong nồi, tìm
rau củ...rồi tìm cách xoay sở sao cho được chỗ nằm tốt, lo lót sao cho có được
công việc tốt cho nhóm của mình.
Các
tù nhân chỉ làm theo những việc có sẵn, tuỳ theo từng việc lo giá tiền để làm
việc đó. Người cắt cỏ cá, người chăn trâu, người nuôi lợn, người phục vụ cán
bộ, người làm đội trưởng, nhóm trưởng...tiền ít thì cuốc đất, gánh nước tưới.
Các công việc có sẵn và có giá tiền sẵn. Việc '' lẻ '' là những việc tự do,
không bị quản thúc chặt, tự giác làm và đóng tiền cao.
Có
lẽ điều tôi tự hào nhất trong tù là tôi tự nghĩ ra việc cho mình, và ông quản
giáo chấp nhận điều đó. Một ngoại lệ chưa từng có, tôi chả mất đồng nào mà vẫn
làm tự giác.
Công
việc của tôi là hàng ngày đi khắp đồng ruộng của đội tù, quan sát xem những
việc nào cần làm, ví dụ như chỗ đất này mai phải cuốc để trồng gì, chỗ ruộng
rau kia cần làm cỏ hay phun thuốc sâu. Bờ nào cần đắp, chỗ nào cần thêm
người..cả đội tù có đến 60 con người và chục mẫu ruộng, mấy chục sào rau, bốn
cái ao cá, ba con trâu, một đàn vịt hai trăm con, một đàn gà trăm con và tám
con lợn. Tha hồ mà phải tính toán hợp lý, trong khi ông quản giáo chỉ thích
ngồi đánh chẵn ăn tiền với các đồng nghiệp, còn đội trưởng chỉ lo chích cho phê
rồi vừa nhắm mắt vừa phân công việc cho tù.
Tôi
cải tạo theo đúng nghĩa tích cực nhất, không chạy chọt tiền nong, không nịnh
bợ, không làm chỉ điểm. Ngày tôi ốm thì quản giáo lo sốt vó, còn đội trưởng thì
cắt người chăm sóc tôi. Ông quản giáo bỏ đánh chẵn để đi sắp xếp việc, liên tục
ông hỏi tôi đỡ chưa, đi làm được chưa. Hài hước là tôi được trại tặng bằng khen
là phạm nhân xuất sắc của trại kèm tiền thưởng.
Cái
mác phạm nhân xuất sắc khiến tôi đi lại tự do trong trại, thậm chí đi thẳng từ
trong buồng giam qua ba lần cửa gác ra bên ngoài nhà dân để mua thứ gì mà không
phải cần có cán bộ nào ký giấy bảo lãnh. Nguyên tắc canh gác của trại rất chặt
chẽ, tù qua cửa phải có cán bộ ký nhận giấy và đưa ra, lúc về cũng ký trao trả.
Tôi qua các cửa gác chỉ cúi chào và nói - thầy cho em ra ngoài. Lính gác nào
cũng gật đầu, mặc dù họ là lính vũ trang, lính nghĩa vụ có thời hạn.
Tôi
chả cần gì đến đàn em hay đàn anh, trong đội tù của tôi chẳng ai gây sự với
tôi. Các đội tù khác cũng thế, họ luôn thân thiện để còn đôi lúc nhờ vả tôi
chút gì, như nhắn tin, gửi thư hay mua hộ gì đó.
Một
ngày nọ, đội tù tôi có thêm mấy lính mới, trong đó có hai thằng chỉ mười tám
tuổi phạm tội trấn lột. Cả hai thằng cùng vụ, mặt non choẹt. Chúng vào được đội
mấy hôm thì gia đình chúng thăm. Mẹ thằng Tuấn Còi xin quản giáo cho gặp tôi,
bà nói.
-
Chúng tôi xin anh cho em nó ở cùng anh, có gì anh dạy bảo. Thưa với anh tôi là
giáo viên, chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi không biết nói thế nào, chỉ mong anh
giúp bảo ban em nó.
Tôi
lắc đầu từ chối, tôi nói tôi không tốt đẹp gì, nếu tôi dạy chúng được những
điều tốt thì tôi đã không phải ở đây. Trong đội này có nhiều nhóm, cô bảo nó
thấy hợp nhóm nào thì xin ở cùng để bảo vệ, giúp đỡ nhau. Còn cháu không nhận
đàn em bao giờ cả.
Tôi
quay đi, thấy ánh mắt bà mẹ nhìn theo đầy vẻ van xin.
Hơn
tháng sau, lại có một thằng mới về đội, nó là cháu của một anh bạn. Tôi để nó ở
cùng tôi, mẹ Tuấn Còi đến thấy vậy lại gặp và nói tôi cho Tuấn ở cùng. Bà nói.
-
Anh ở đây trước có kinh nghiệm, anh bảo ban coi nó như em anh, chúng tôi mang
ơn anh nhiều.
Tôi
nói.
- Kinh
nghiêm ở đây đều trả giá đắt, cháu không tự nhiên mà có, tại sao cô cứ bắt em
nó về với cháu, ở đây còn đầy người mà.
Bà
mẹ giãi bày, bà thăm con, gặp quản giáo biếu tiền rồi ngỏ lời xin ông dạy bảo
con mình. Ông quản giáo bảo tốt nhất để tù dạy tù, chứ ông không ở với tù 24
tiếng mà bảo ban được. Bà lân la hỏi cậu lính vũ trang trẻ, cậu ấy bảo cho ở
với thằng Hiếu là tốt nhất.
Cậu
lính vũ trang trẻ cũng tên là Tuấn, cậu chẳng hút thuốc lá bao giờ, nhưng gia
đình phạm nhân gặp biếu gói thuốc nào là cậu đút túi. Sau đó dúi lại cho tôi.
Chưa bao giờ cậu xưng mày tao với tôi mà chỉ gọi tên tôi và xưng tôi.
Tôi
nhận thằng Tuấn, thêm cả thằng Khiêm đồng vụ với nó, với thằng Cường. Tôi bỗng
có ba thằng đàn em.
Chúng
tôi sống chan hoà với nhau, không rượu, không cờ bạc, xăm trổ, không chích
choác, không gây sự với ai, tiết kiệm không hoang phí những đồng tiền gia đình
gửi. Cả ba thằng đều tuổi 18, khi chúng quen với nhà tù rồi mới thật khó khăn.
Chúng đều muốn chứng tỏ sự ngang tàng, khệnh khạng để làm '' giá cả ''. Bọn tù
là thế, lúc đầu thì nơm nớp, sợ hãi mọi thứ. Thời gian sau thấy quen rồi là
muốn xưng hùng bá , xưng anh chị. Chỉ có những tay anh chị thật sự như Thành
Xăm ở bến Long Biên, Dũng Gỗ ở Giảng Võ...thì họ vào tù thế nào ra thế ấy. Còn lại
đa phần là bọn ma cũ bắt nạt ma mới, hay bọn tù tiền, tức là có tiền lo lót cho
quản giáo để dương oai.
Cả
quãng dài khó khăn để ngăn cản, rồi dàn xếp với các nhóm khác. Cuối cùng thì
chúng cũng lần lượt hết án tù ra về mà không bị kỷ luật, được xét giảm đầy đủ.
Hôm
tôi hết án về, Tuấn còi đứng đón ngoài cổng trại.
Cuộc
sống ngoài đời cho kẻ nhiều năm trong tù ra thật khó khăn, nhiều lúc thấy bơ vơ
mất thăng bằng còn hơn ở trong nhà tù. Ở trong tù có vị trí, có công việc, có
sự cần thiết cho nhiều người. Ra tù ai cũng lảng tránh, có lúc thấy mình như
con nợ của gia đình, có lúc thấy cuộc đời này không có chỗ cho mình. Tôi lúc đi
làm giao hàng, lúc đi làm bảo vệ, lúc làm thợ hàn, thợ xây ngay cả lúc lao động
bằng sức lực cũng bị phân biệt đối xử vì là kẻ ở tù ra, những dè bỉu nghiệt
ngã, ngờ vực ...
Cuộc
sống quá bươn chải, công việc thay đổi liên tục, không còn dịp gặp lại
những anh em trong tù cũ nữa.
Đến
ngày tôi mở công ty quảng cáo, nhận được nhiều hợp đồng, tôi tìm đến những cậu
bé đã ở cùng tôi trong tù. Tôi muốn chúng làm cùng tôi.
Cả
ba đều trở lại nhà tù, đứa 8 năm, đứa 10 năm, đứa 18 năm.
Giá
như tôi có điều kiện sớm ngay lúc ra tù, tôi sẽ khiến cuộc đời chúng khác đi.
Vì ý nghĩ như thế nên bao nhiêu năm rồi tôi vẫn tự trách mình.
Tôi
không trách chúng, khi tôi trở về vật lộn lại với cuộc sống đời thường, nhiều
lúc phẫn nộ tôi đã có ý tìm lại con đường cũ.