Link : http://nghiencuuquocte.net/2015/02/07/moi-dieu-ban-tuong-ban-biet-ve-su-sup-cua-lien-xo-deu-sai/
Nguồn: Leon Aron, “Everything You
Think You Know About the Collapse of the Soviet Union Is Wrong“, Foreign Policy, July/August 2011.
Biên dịch: Trần Ngọc Cư
Mọi cuộc
cách mạng đều tạo ra kinh ngạc. Tuy vậy, cuộc Cách mạng Nga gần đây nhất phải
được kể là một trong những kinh ngạc lớn nhất. Trong những năm trước 1991, gần
như không một chuyên gia, học giả, viên chức chính quyền, hay chính trị gia
phương Tây nào thấy trước được sự sụp đổ sắp xảy ra của Liên Xô, và kéo theo nó
một chế độ độc tài độc đảng, một nền kinh tế do nhà nước làm chủ, và cả sự kiểm
soát của Điện Cẩm Linh (Kremlin) đối với đế quốc Liên Xô và Đông Âu. Với một
ngoại lệ duy nhất, tất cả những nhà bất đồng chính kiến Xô-viết cũng như chính
những nhà cách mạng tương lai – nếu ta xét qua hồi ký của họ – cũng không tiên
đoán được sự kiện này. Khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản
vào tháng Ba năm 1985, không một nhân vật cùng thời nào của ông dự kiến một
cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến cách mạng. Mặc dù người ta không đồng ý với
nhau về tầm mức nghiêm trọng của những vấn đề nội tại trong chế độ Xô-viết,
nhưng không ai coi những vấn đề này là đang đe dọa sinh mệnh của chế độ, chí ít
trong tương lai gần.
Vậy, do đâu
mà có sự thiển cận đều khắp lạ lùng đến thế? Việc các chuyên gia phương Tây
không tiên liệu được sự sụp đổ của Liên Xô một phần là do sử quan xét lại
(historical revisionism) – tạm gọi là khuynh hướng bài chủ nghĩa chống cộng
(anti-anti-communism) – một khuynh hướng phóng đại sự ổn định và tính chính
danh của chế độ Xô-viết. Tuy nhiên, một số nhân vật khác vốn không được coi là
mềm dẻo đối với chế độ cộng sản cũng không kém kinh ngạc trước sự cáo chung của
chế độ này. Một trong những người thiết kế chiến lược Mỹ trong thời Chiến tranh
Lạnh, ông George Kennan, viết rằng, trong khi nhìn lại toàn bộ “lịch sử các sự
vụ quốc tế trong thời hiện đại”, ông nhận thấy rằng “thật khó nghĩ ra một biến
cố nào lạ lùng, đáng kinh ngạc, và mới thoạt nhìn không thể giải thích nổi, hơn
sự tan biến đột ngột và toàn bộ… của đại cường mệnh danh kế tục nhau là Đế quốc
Nga rồi đến Liên Xô”. Richard Pipes, có lẽ là sử gia Mỹ hàng đầu về nước Nga và
cũng là một cố vấn của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, cho rằng cuộc cách mạng gần
đây của Nga là “bất ngờ”. Một tuyển tập gồm các bài tiểu luận viết về sự cáo
chung của Liên Xô trong một số báo đặc biệt năm 1993 của tạp chí bảo thủ National Interest (Lợi ích Quốc gia) có tựa đề là “Cái chết lạ lùng của chủ
nghĩa Cộng sản Xô-viết”.
Nếu có thể
hiểu được dễ dàng hơn, thì sự thiếu phán đoán mang tính tập thể này có thể đã
được an toàn xếp vào một hồ sơ trí tuệ gồm những điều kỳ lạ và phù phiếm của
khoa học xã hội rồi bị lãng quên. Tuy nhiên, thậm chí ngày nay, với khoảng cách
20 năm, giả thuyết cho rằng Liên Xô vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong tình trạng
lúc đó hay bất quá cuối cùng nó sẽ bắt đầu một cuộc suy tàn kéo dài khá lâu, có
vẻ là một kết luận không kém phần hợp lý.
Thật vậy,
vào năm 1985 Liên Xô gần như vẫn có đủ nguồn lực thiên nhiên và nhân sự của 10
năm về trước. Chắc chắn là, mức sống tại đây còn thấp hơn tại Đông Âu khá xa,
nói chi đến phương Tây. Tình trạng thiếu hụt hàng hoá, hạn chế lương thực, những
hàng người dài trước các quầy hàng, và nạn nghèo khổ khắc nghiệt diễn ra đều khắp
xã hội. Nhưng Liên Xô đã từng trải qua nhiều đại họa to lớn hơn thế và đã có thể
đối phó mà không hề mất một mảy may quyền kiểm soát của nhà nước đối với xã hội
và nền kinh tế, lại càng không hề từ bỏ quyền lực này.
Không có một
thước đo thành tích kinh tế chủ yếu nào trước năm 1985 cho thấy một thảm họa
đang lù lù xốc tới. Từ năm 1981 đến năm 1985 mức tăng trưởng GDP của Liên Xô, mặc
dù có chậm lại so với thập niên 1960 và thập niên 1970, nhưng cũng đạt được
1,9% một năm. Chính cùng một mô hình dù suy yếu nhưng không đến nỗi thảm khốc
này còn kéo dài cho đến hết năm 1989. Nạn thiếu hụt ngân sách, một yếu tố kể từ
thời Cách mạng Pháp được coi là tín hiệu quan trọng cho một cuộc khủng hoảng có
thể đưa đến cách mạng, chưa lên tới 2% GDP vào năm 1985. Mặc dù có gia tăng
nhanh chóng, nạn thâm thủng ngân sách vẫn ở dưới mức 9% GDP cho đến hết năm
1989 – một con số mà hầu hết các nhà kinh tế cho là hoàn toàn có thể xoay trở
được (manageable).
Giá dầu lửa
rơi cực nhanh, từ 66 đôla một thùng năm 1980 xuống 20 đôla một thùng năm 1986
(trong số 2000 giá cả) chắc chắn là một đòn nặng nề đánh vào tài chính Xô-viết.
Tuy vậy, nếu điều chỉnh theo nạn lạm phát, thì vào năm 1985 giá dầu lửa trên thị
trường thế giới vẫn cao hơn năm 1972, và chỉ thấp hơn toàn thập niên 1970 một
phần ba mà thôi. Nhưng đồng thời, mức thu nhập của người dân Xô-viết gia tăng
hơn 2% vào năm 1985, và sau khi điều chỉnh lạm phát, đồng lương của họ còn tiếp
tục gia tăng trong 5 năm liền cho đến hết năm 1990 ở mức độ trung bình trên 7%
mỗi năm.
Vâng, tình
trạng đình đốn kinh tế của Liên Xô là hiển nhiên và đáng lo ngại. Nhưng như
Giáo sư Đại học Wesleyan, ông Peter Rutland, đã chỉ rõ, “Dẫu sao, những chứng bệnh
kinh niên của Liên Xô không nhất thiết đe dọa sinh mệnh của nước này”. Ngay cả
nhà nghiên cứu hàng đầu về các nguyên nhân kinh tế của cuộc cách mạng này, ông
Anders Aslund, cũng ghi nhận rằng từ năm 1985 đến năm 1987, tình hình “là không
mảy may sôi động”.
Từ quan điểm
của chính quyền, tình hình chính trị lúc bấy giờ thậm chí ít đáng lo ngại hơn
trước. Sau 20 năm liên tục đàn áp đối lập chính trị, gần như tất cả những nhà bất
đồng chính kiến nổi tiếng đã bị cầm tù, lưu đày (như trường hợp Andrei Sakharov
từ năm 1980), buộc phải ra sống ở nước ngoài, hay chết trong các trại cải tạo
và nhà giam.
Cũng gần
như không có bất cứ một dấu hiệu nào khác báo trước một cuộc khủng hoảng tiền
cách mạng (pre-revolutionary crisis), kể cả một nguyên nhân truyền thống thường
được coi là có thể dẫn đến sự suy sụp của một quốc gia – đó là sức ép từ bên
ngoài. Trái lại, thập niên trước đó được các học giả đánh giá đúng đắn là thời
kỳ Liên Xô “đã thực hiện được tất cả những tham vọng quân sự và ngoại giao quan
trọng”, như nhà sử học và ngoại giao Mỹ, ông Stephen Sestanovich, đã viết. Tất
nhiên, lúc bấy giờ Afghanistan ngày càng cỏ vẻ là một cuộc chiến lâu dài, nhưng
đối với một quân lực gồm 5 triệu binh sĩ như của Liên Xô, sự thiệt hại tại đó
là không đáng kể. Thật vậy, mặc dù gánh nặng tài chính khổng lồ do việc duy trì
một đế quốc về sau trở thành một vấn đề chính trong các cuộc tranh luận sau năm
1987, nhưng bản thân những chi phí cho cuộc chiến Afghanistan không làm cho quốc
gia kiệt quệ: Được ước tính vào khoảng 4 đến 5 tỉ đôla vào năm 1985, đó là một
phần không đáng kể trong tổng sản lượng nội địa (GDP) của Liên Xô.
Hoa Kỳ cũng
không phải là một lực tác động cho cuộc cách mạng. “Học thuyết Reagan” bao gồm
nỗ lực chống lại và, nếu có thể, đảo ngược những bước tiến của Liên Xô trong Thế
giới Thứ ba quả có tạo được sức ép chung quanh đế quốc này, ở những nơi như
Afghanistan, Angola, Nicaragua, và Ethiopia. Tuy nhiên, những khó khăn của Liên
Xô ở đó cũng chẳng có gì nghiêm trọng để trở thành một nguy cơ cho chế độ.
Trong một
màn giáo đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang có tiềm năng gây ra nhiều tốn kém
cho đối phương, Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược [hay lá chắn nguyên tử] do
Reagan đưa ra thực sự có ý nghĩa nghiêm trọng – nhưng đề xuất này không hề
báo hiệu một sự thất bại quân sự cho Liên Xô, vì Điện Cẩm Linh biết chắc rằng
việc triển khai hữu hiệu hệ thống phòng thủ không gian của Mỹ cũng mất vài thập
kỷ nữa mới thực hiện được. Tương tự như thế, mặc dù cuộc nổi dậy chống cộng sản
bất bạo động của công nhân Ba Lan là một tình hình rất bức xúc cho giới lãnh đạo
Xô-viết, làm nổi bật sự mong manh của đế quốc của họ tại châu Âu, nhưng vào năm
1985 Phong trào Đoàn kết (Soliditary) tỏ ra đã kiệt lực. Liên Xô hình như thích
nghi được với việc tung ra các “đợt bình định” đẩm máu cứ 12 năm một lần –
Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, và Ba Lan năm 1980 – bất chấp dư luận thế
giới.
Nói thế
khác, đây là một Liên Xô đang ở trên đỉnh cao quyền lực và thanh thế toàn cầu của
mình, theo quan điểm của chính nó lẫn quan điểm của thế giới còn lại. Sau này,
sử gia Adam Ulam đã nhận xét “Chúng ta thường quên rằng vào năm 1985, không một
chính phủ của một quốc gia quan trọng nào tỏ ra có quyền lực vững chắc và có đường
lối chính sách rõ ràng như chính quyền Liên bang Xô-viết”.
Hẳn nhiên,
có nhiều lý do thuộc về cơ chế – kinh tế, chính trị, xã hội – cho biết tại sao Liên Xô phải sụp đổ như nó đã sụp đổ; tuy nhiên, những lý
do này không thể giải thích đầy đủ biến cố này diễn ra như thế nào và diễn
ra khi nào. Nghĩa là, làm sao trong một
thời gian từ năm 1985 đến năm 1989, trong lúc không gặp phải những tình trạng tồi
tệ gay gắt về kinh tế, chính trị, dân số, và các vấn đề cơ chế khác, mà nhà nước
và hệ thống kinh tế Xô-viết bỗng dưng bị một quần chúng đủ đông đảo coi là ô nhục,
thiếu tính chính danh, và hết chịu nỗi để phải sụp đổ?
Gần như hầu
hết mọi cuộc cách mạng hiện đại, cuộc cách mạng Nga gần đây nhất được khởi động
bằng một tiến trình tự do hóa khá do dự “từ trên xuống” – và lý do căn bản của
nó vượt quá nhu cầu sửa sai nền kinh tế hoặc làm cho môi trường quốc tế tốt đẹp
hơn. Cái cốt lỏi trong sáng kiến của Gorbachev là rất lý tưởng, đó là điều
không thể chối cãi: Ông muốn xây dựng một Liên Xô có đạo lý hơn.
Vì mặc dù
chiêu bài đưa ra là cải thiện kinh tế, nhưng rõ ràng là Gorbachev và những người
ủng hộ ông trước hết muốn sửa chữa những sai lầm đạo lý hơn là sai lầm kinh tế.
Hầu hết những điều họ tuyên bố công khai trong những ngày đầu của chương trình
tái cơ cấu (perestroika), bây giờ nhìn lại, có vẻ chỉ là một cách biểu lộ nỗi
khổ tâm của họ về sự suy đồi tinh thần và những hệ quả xói mòn đạo lý của thời
đại Xít-ta-lin. Đó là bước khởi đầu của một sự liều lĩnh đi tìm kiếm những câu
trả lời cho các vấn nạn to lớn mà mọi cuộc cách mạng vĩ đại thường bắt đầu: Thế
nào là một cuộc sống tốt đẹp, hợp với nhân phẩm? Cái gì tạo ra một trật tự kinh
tế và xã hội công chính? Một nhà nước chính danh và đàng hoàng là như thế nào?
Quan hệ của một nhà nước ấy với xã hội dân sự phải như thế nào?
“Một không
khí đạo lý mới mẻ đang thành hình trên đất nước ta”, Gorbachev đã nói như thế
trước Ủy ban Trung ương Đảng trong phiên họp tháng Giêng 1987, nơi ông tuyên bố
rằng glasnost (chủ trương cởi mở) và tự do hóa sẽ làm nền tảng cho perestroika (chủ
trương tái cơ cấu) xã hội Xô-viết của ông. “Việc thẩm định lại các giá trị
và xét lại chúng một cách sáng tạo đang được tiến thành”. Sau này, khi nhắc lại
cảm tưởng của ông rằng “chúng ta không thể tiếp tục như thế thêm nữa, và chúng
ta phải triệt để thay đổi lối sống, dứt khoát với những sai trái trong quá khứ”,
ông gọi đó là “lập trường đạo lý” của
ông.
Trong một
bài phỏng vấn vào năm 1989, “người cha đỡ đầu của glasnost”, ông Aleksandr Yakovlev, nhớ
lại rằng, vào lúc trở về Liên Xô sau 10 năm làm Đại sứ tại Canada, ông cảm thấy
đã đến lúc người dân phải tuyên bố, “Đủ lắm rồi! Chúng ta không thể tiếp tục sống
như thế này thêm nữa. Mọi việc phải được thực hiện theo một đường lối mới.
Chúng ta phải xét lại tư duy, đường lối, quan điểm về quá khứ và tương lai của
chúng ta… Một sự đồng thuận ngấm ngầm: giản dị là, chúng ta không thể tiếp tục
sống như chúng ta đã sống trước đây – một cách nhục nhã, ngoài mức chịu đựng”.
Theo ý kiến
của vị thủ tướng của Gorbachev, ông Nikolai Ryzhkov, “tình trạng đạo lý [nrastennoe]
của xã hội vào năm 1985 là nét đặc trưng “hãi hùng nhất”:
[Chúng ta]
ăn cắp từ chính bản thân của chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong các
báo cáo, trên báo chí, láo khoét từ các diễn đàn cấp cao, đắm mình trong láo
khoét, rồi trao huân chương cho nhau. Và tất cả những điều này đã diễn ra – từ
trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
Một thành
viên khác trong nhóm thân cận sơ khởi và rất ít ỏi của Gorbachev gồm những nhân
vật chủ trương tự do, Bộ trưởng Ngoại giao Eduard Shevardnadze, cũng khổ tâm
không kém vì tình trạng thiếu luật lệ và tham nhũng đều khắp. Ông nhớ lại đã
nói với Gorbachev vào mùa đông 1984-1985: “Mọi thứ đã thối nát. Phải thay đổi
thôi”.
Trở lại thập
niên 1950, một vị tiền nhiệm của Gorbachev, ông Nikita Khrushchev, đã lần đầu
thấy rõ sự mong manh của cái nền tảng của ngôi nhà mà Stalin đã xây lên trên sự
khủng bố và dối trá. Nhưng thế hệ thứ năm này của giới lãnh đạo Xô-viết cảm thấy
tin tưởng hơn về sức bật của chế độ. Gorbachev và các đồng chí của ông tỏ ra
tin tưởng rằng những điều đúng cũng là những điều có thể quản lý được dễ dàng về
mặt chính trị (politically manageable). Gorbachev tuyên bố rằng chủ trương dân
chủ hóa “không phải là một khẩu hiệu nhưng là tinh túy của perestroika”. Nhiều
năm về sau, ông đã trả lời phỏng vấn như sau:
Mô hình
Xô-viết không những bị đánh bại trên bình diện kinh tế và xã hội; nó bị đánh bại
ngay trên bình diện văn hóa. Xã hội chúng ta, nhân dân chúng ta, những người có
học vấn nhất, những người có trí thức nhất, đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện
văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt tinh thần lẫn
chính trị.
Sự thể những
cải tổ đã đưa đến cuộc cách mạng năm 1989 phần lớn cũng phát xuất từ một nguyên
nhân “lý tưởng” khác: bản thân Gorbachev rất ghét bạo động và, vì thế, ông
cương quyết không sử dụng việc áp bức quần chúng (mass coercion) khi tầm mức của
các biến chuyển bắt đầu vượt quá ý định ban đầu của ông. Triển khai các lực lượng
đàn áp kiểu Xít-ta-lin cho dù để “duy trì chế độ” cũng sẽ là một hành động phản
lại niềm tin tưởng son sắt nhất của ông. Một chứng nhân nhớ lại Gorbachev đã
nói vào cuối thập niên 1980, “Chúng ta được dạy là chúng ta phải đấm bàn”, rồi
ông nắm tay lại, minh họa cú đấm. Viên Tổng bí thư phát biểu tiếp: “Nói chung,
việc này có thể thực hiện. Nhưng chúng tôi không thích làm như vậy”.
Vai trò của
tư duy và lý tưởng trong việc mang lại cuộc cách mạng Nga xuất hiện rõ nét hơn
khi chúng ta nhìn vào những diễn biến bên ngoài Điện Cẩm Linh. Một ký giả Xô-viết
hàng đầu và về sau trở thành một tiếng nói nhiệt tình đối với chủ trương glasnost,
ông Aleksandr Bovin, đã viết vào năm 1988 rằng những lý tưởng củaperestroika đã
“chín muồi” giữa lúc nhân dân ngày càng “bức xúc” trước nạn tham nhũng, ăn cắp
của công trắng trợn, trước những láo khoét, và những cản trở chặn đứng việc làm
của người lương thiện. Những dự kiến “về một cuộc đổi thay có thực chất đang
bàng bạc trong không gian”, một chứng nhân khác nhớ lại, và những người
mang kỳ vọng này đã tạo nên một khối cử tri rõ nét (appreciable constituency)
đang đòi hỏi những cải tổ triệt để. Thật vậy, những kỳ vọng đã đón chào
Gorbachev khi ông lên cầm cầm quyền là rất mãnh liệt và ngày càng gia tăng đến
độ chúng có thể định hình cho chính sách thực sự của ông. Đột nhiên, chính các
tư duy đã trở nên một yếu tố có cấu trúc, có thực thể trong cuộc cách mạng đang
diễn ra.
Theo cách
nói của Yakovlev, cái uy tín của ý thức hệ chính thống, vốn ràng rịt toàn bộ hệ
thống chính trị và kinh tế của chế độ Xô-viết “như những niềng thép”, đang rã rệu
nhanh chóng. Nhận thức mới đã giúp người dân thay đổi thái độ đối với chế độ và
tạo ra “một chuyển biến trong hệ thống các giá trị”. Dần dần, tính chính đáng của
các sắp xếp chính trị [cơ chế chính trị] bắt đầu bị chất vấn. Trong một trường
hợp điển hình của “định lý Thomas” bất hủ mà [nhà xã hội học] Robert K. Merton
xây dựng thành lý thuyết – “Nếu người ta tin rằng một tình thế là có thực, thì
tình thế đó sẽ trở thành hiện thực trong hậu quả của nó”– sự suy đồi thực sự của
nền kinh tế Xô-viết chỉ mang lại hậu quả nghiêm trọng sau khi và bởi vì có một
chuyển biến cơ bản trong cách người dân cảm nhận và đánh giá thành tích của chế
độ.
Viết cho một
tạp chí Xô-viết năm 1987, một độc giả Nga gọi những gì ông chứng kiến chung
quanh ông là một “sự dứt khoát triệt để trong ý thức của người dân”. Chúng ta
biết độc giả này nhận xét đúng vì cuộc cách mạng của Nga là cuộc cách mạng vĩ đại
đầu tiên mà tiến trình của nó được vẽ thành biểu đồ trong các cuộc thăm dò dư
luận quần chúng ngay từ đầu. Vào cuối năm 1989, cuộc thăm dò dư luận tiêu biểu
đầu tiên đã cho thấy dân chúng nhiệt liệt ủng hộ các cuộc tuyển cử có tính cạnh
tranh và việc hợp pháp hóa các đảng phái ngoài Đảng Cộng sản Xô-viết – sau bốn
thế hệ dưới chế độ độc tài độc đảng và trong lúc các đảng phái độc lập vẫn còn
bất hợp pháp. Giữa thập niên 1990, hơn nửa số người được thăm dò trong một vùng
nước Nga đồng ý rằng “một nền kinh tế lành mạnh” có khả năng phát triển nhanh
hơn “nếu chính phủ cho phép tư nhân làm ăn theo ý họ muốn”. Sáu tháng sau, một
cuộc thăm dò trên toàn nước Nga cho thấy 56% hậu thuẫn một cuộc chuyển đổi
nhanh chóng hay tuần tự sang một nền kinh tế thị trường. Thêm một năm sau thì số
người ủng hộ kinh tế thị trường tăng đến tỉ lệ 64%.
Những người
đã gieo vào xã hội “chuyển biến ngoạn mục về ý thức” không ai khác hơn là những
kẻ đã từng châm ngòi cho các cuộc cách mạng tiêu biểu khác của thời hiện đại:
đó là, các nhà văn, nhà báo, và giới nghệ sĩ. Như Alexis de Tocqueville nhận xét,
những con người này “giúp tạo ra một ý thức chung về sự bất mãn như vậy, một
công luận được kiên định như vậy, rồi hai yếu tố này… lại tạo ra những đòi hỏi
hữu hiệu cho các chuyển biến có tính cách mạng”. Đột nhiên, “toàn bộ việc giáo
dục” trên cả nước trở thành “công tác của những người cầm bút”.
Tại Nga Xô
cũng vậy. Những hàng người dài trước các sạp báo – đôi khi các đám đông
phải xếp hàng quanh một khu phố từ lúc 6 giờ sáng, vì lượng báo ra hàng ngày
thường bán sạch chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ – và số người đặt mua ngày càng
đông các báo nổi tiếng có chủ trương tự do đã chứng minh sức công phá của những
nhà bình luận nổi tiếng thuộc khuynh hướng glasnost, hay xin mượn cụm từ của
Samuel Johnson, “những bậc thầy truyền giảng chân lý” (teachers of truth): kinh
tế gia Nikolai Shmelyov; các triết gia chính trị như Igor Klyamkin và Alexandr
Tsypko; các tiểu luận gia như Vasily Selyunin, Yuri Chernichenko, Igor
Vinogradov, and Ales Adamovich; các ký giả Yegor Yakovlev, Len Karpinsky, Fedor
Burlatsky, và chí ít trên hai chục nhà văn nữa.
Đối với họ,
việc phục sinh đạo lý là thiết yếu. Điều này có nghĩa là không những chỉ rà
soát lại các hệ thống chính trị và kinh tế Xô-viết, không những chỉ lật ngược
các qui phạm xã hội (social norms), mà còn là một cuộc cách mạng trên bình diện
cá nhân: một sự thay đổi trong nhân cách của người dân Nga. Như Mikhail Antonov
tuyên bố trong một tiểu luận rất sáng tạo năm 1987, với tiêu đề “Vậy thì việc
gì đang đến với chúng ta?” trên tạp chí Oktyabr, phải “cứu” lấy nhân dân –
không phải để họ thoát khỏi các mối nguy từ bên ngoài, nhưng “chủ yếu để họ
thoát khỏi chính mình, thoát khỏi các tiến trình phi luân đang giết chết những
phẩm chất cao quí nhất của con người”. Cứu nhân dân bằng cách nào? Bằng cách
làm cho tiến trình dân chủ hóa còn sơ sinh trở thành con đường định mệnh, không
thể đảo ngược – không phải bằng “một đợt băng tan” ngắn ngủi của Khrushchev,
nhưng bằng một cuộc thay đổi khí hậu. Và việc gì sẽ đảm bảo cho tình hình không
thể đảo ngược này? Trên hết, đó là sự xuất hiện của con người tự do, một con
người “không bị lây nhiễm trước các sự kiện lặp đi lặp lại của chế độ nô lệ
tinh thần”. Tuần báo Ogoniok, một tạp chí quan trọng thuộc chủ
trương glasnost, đã viết vào tháng Hai năm 1989 rằng chỉ có “con người
không có khả năng làm chỉ điểm cho công an, không có khả năng phản bội và láo
khoét, bất luận nhân danh ai hay tổ chức nào, mới có thể cứu chúng ta khỏi sự
xuất hiện trở lại của một nhà nước độc tài”.
Lối lý luận
vòng vo này – để cứu nhân dân, người ta phải cứu lấy perestroika, nhưng
người ta chỉ cứu đượcperestroika nếu có thể thay đổi đựợc con người
“từ bên trong” – gần như không hề làm cho ai khó chịu. Những người phát biểu tư
duy về những vấn đề này gần như đã cho rằng việc cứu nước bằng chủ trươngperestroika và
việc kéo người dân khỏi bãi sình lầy tinh thần là hai nỗ lực đan kết chặt chẽ,
có lẽ không thể tách rời nhau, và họ dừng lại ở đó. Vấn đề quan trọng là phải
đưa nhân dân trở về “địa vị công dân” từ vị trí “nông nô” và “nô lệ”. “Đủ lắm rồi!”
là một lời tuyên bố của Boris Vasiliev, tác giả của một tiểu thuyết bán rất chạy
trong giai đoạn này về Thế chiến II, một cuốn truyện được đóng thành phim và được
khán giả yêu chuộng không kém. Ông nói: “Đủ lắm rồi những láo khoét, đủ lắm rồi
tinh thần nô lệ, đủ lắm rồi sự hèn nhát. Sau cùng, chúng ta phải nhớ rằng tất cả
chúng ta đều là công dân. Những công dân tự hào của một đất nước tự hào!”.
Nhìn kỹ vào
những nguyên nhân của Cách mạng Pháp, de Tocqueville có nhận xét nổi tiếng rằng,
các chế độ bị cách mạng lật đổ thường thường ít áp bức dân chúng hơn các chế độ
trước đó. Tại sao? Vì, theo suy đoán của de Tocquevile, mặc dù người dân “có thể
ít khổ sở hơn”, nhưng họ lại “cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn”.
Thông thường,
Tocqueville có khuynh hướng bàn về những điều tối quan trọng. Từ Những Người
cha lập quốc trong Cách mạng Mỹ (the Founding Fathers), đến nhóm Jacobins của
Cách mạng Pháp và nhóm Bôn-sê-vich trong Cách mạng Nga, những nhà cách mạng này
đã chiến đấu chủ yếu dưới một bóng cờ: phát huy nhân phẩm. Chính vì nỗ lực tìm
kiếm nhân phẩm xuyên qua quyền tự do và quyền công dân mà khuynh hướng lật đổ
chính quyền trong tinh thần glasnost vẫn còn tồn tại – và sẽ còn tồn tại. Cũng
như trước đây những trang báo của tờ Ogoniok và tờ Moskovskie
Novosti nằm hãnh diện bên cạnh hình ảnh Boris Yeltsin trên chiếc xe tăng
như là các biểu tượng của cuộc mạng Nga gần đây, ngày nay những trang mạng bằng
tiếng Á-rập cũng hiên ngang làm biểu tượng cách mạng bên cạnh những hình ảnh
các đám đông nổi dậy tại Quảng trường Tahrir của Cairo, tại Khu Casbah của
Tunis [Tunisia], trên các đường phố của Benghazi [Lybia], và các thành phố sôi
sục bạo động của Syria. Gác các vấn đề ngôn ngữ và văn hóa chính trị qua một
bên, các thông điệp và cảm thức mà những cuộc cách mạng này gợi lên là rất giống
nhau.
Mohamed
Bouazizi, một thanh niên bán hoa trái, mà cuộc tự thiêu của anh đã châm ngòi
cho cuộc nổi dậy tại Tunisia khởi đầu cho Mùa Xuân Á Rập 2011, đã tự tử “không
phải vì anh ta thất nghiệp nhưng vì khi anh đến nói chuyện với [chính quyền địa
phương] có trách nhiệm về vấn đề của anh thì bị đánh đập – cái chết này là để tố
cáo chính phủ”, một người biểu tình tại Tunis đã nói với một nhà báo Mỹ như thế.
Tại Benghazi, cuộc nổi dậy của người Lybia bắt đầu với việc các đám đông hô vang
khẩu hiệu, “Nhân dân muốn chấm dứt tham nhũng!” Tại Ai Cập, các đám đông đã “biểu
lộ tinh thần tự cường của một dân tộc bị đàn áp quá lâu đã đến lúc không còn biết
sợ hãi nữa, không muốn để cho giới lãnh đạo của mình tiếp tục tước đoạt tự do
và chà đạp nhân phẩm”, cây viết chuyên đề của tờ New York Times, ông
Thomas Friedman, đã tường thuật từ Cairo vào tháng Hai năm nay. [Nếu có mặt ở
hiện trường], ông cũng có thể đã tường thuật như thế từ Mát-xkơ-va năm 1991.
“Nhâm phẩm
có ưu tiên hơn bánh mì!” là khẩu hiệu của cách mạng Tuy-ni-di. Kinh tế
Tuy-ni-di đã gia tăng trong khoảng 2 và 8 phần trăm một năm trong hai thập kỷ
liền trước cuộc nổi dậy. Với giá dầu lửa ở mức cao, Libya cũng đang phát triển
kinh tế khá mạnh ngay trước khi có cuộc nổi dậy. Cả hai trường hợp này nhắc nhở
chúng ta rằng trong thế giới hiện nay, tiến bộ về mặt kinh tế không thể thay thế
cho niềm tự hào và tự trọng trong tư cách công dân. Nếu chúng ta không nhớ kỹ
điều này, chúng ta sẽ tiếp tục kinh ngạc – trước “các cuộc cách mạng màu” trong
thế giới hậu Xô-viết, trước Mùa Xuân Ả Rập, và không chóng thì chầy trước một
biến động dân chủ tất yếu tại Trung Quốc – như chúng ta từng kinh ngạc trước cuộc
cách mạng tại Nga Xô. “Thượng Đế đã ban cho chúng ta một ý thức mãnh liệt về
nhân phẩm khiến chúng ta không thể chấp nhận sự khước từ các quyền tự do và các
quyền bất khả xâm phạm, bất chấp cả quyền lợi có thực hay giả tưởng nào mà các
chế độ độc tài ‘ổn định’ có thể mang lại”, tổng thống của nước Kyrgyzstan, ông
Roza Otunbayeva, đã viết vào tháng Ba năm nay. “Thật là kỳ diệu khi người dân,
nam, phụ, lão, ấu, thuộc nhiều tôn giáo và khuynh hướng chính trị khác nhau,
qui tụ trong các quảng trường thành phố và tuyên bố ‘chúng tôi đã chịu đựng đủ lắm
rồi’ (enough is enough)”.
Hẳn nhiên,
động lực đạo lý tuyệt vời, sự tìm kiếm chân và thiện, chỉ là một điều kiện cần
nhưng không đủ để tái tạo một đất nước thành công. Nhân dân có thể đủ sức lật đổ
chế độ cũ (ancien régime), nhưng không thể cùng một lúc khắc phục được nền văn
hóa chính trị độc tài đã ăn sâu trên cả nước. Gốc rễ của các định chế dân chủ
do những cuộc cách mạng có động cơ đạo lý có lẽ tỏ ra còn quá nông cạn, không
thể giữ vững một nền dân chủ hữu hiệu trong một xã hội thiếu truyền thống quí
giá là cơ sở hạ tầng biết tự tổ chức và biết tự trị. Đây là điều có thể gây trở
ngại to lớn cho việc thực hiện những hứa hẹn của Mùa Xuân Á-rập – đã thấy ở
Nga. Sự phục sinh đạo lý ở Nga đã bị trở ngại do sự phân hóa và ngờ vực mà 70
năm độc tài toàn trị sản sinh ra. Mặc dù Gorbachev và Yeltsin đã tháo dỡ một đế
quốc, nhưng cái di sản của não trạng đế quốc trong hằng triệu người Nga đã khiến
họ dễ dàng chấp nhận chủ nghĩa tân độc tài của Putin (neo-authoritarian
Putinism), với các chủ đề tuyên truyền to lớn như “sự bao vây của các thế lực
thù nghịch” và “Nước Nga đứng dậy từ bước ngã quị”. Hơn thế nữa, bi kịch quốc
gia to lớn (và tội lỗi quốc gia) mà chủ nghĩa Xit-ta-lin gây ra chưa bao giờ được
tìm hiểu đầy đủ và chưa bao giờ được thống hối, vì vậy đã làm hỏng toàn bộ nỗ lực
phục hồi đạo lý, đúng như các người rao giảng glasnost từng mạnh mẽ cảnh
báo.
Đó là lý do
nước Nga ngày nay một lần nữa đang từng bước tiến tới một thời điểm perestroika khác.
Mặc dù những đợt cải tổ thị trường trong thập niên 1990 và giá dầu lửa tăng cao
hiện nay đã kết hợp lại để tạo nên sự phồn vinh chưa từng có trong lịch sử cho
hằng triệu người Nga, nhưng sự tham nhũng trắng trợn của tầng lớp cai trị ở
chóp bu, chế độ kiểm duyệt kiểu mới, và việc công khai khinh thường dư luận đã
tạo ra tình trạng bất mãn và yếm thế, một tình trạng đang bắt đầu lên tới (nếu
không muốn nói đã thực sự vượt qua) mức độ của đầu thập niên 1980.
Người ta chỉ
cần đến Mát-xcơ-va vài ngày để tiếp xúc với giới trí thức hiện nay hay, tốt hơn
nữa, liếc qua các trang nhật ký mạng (blogs) trên LiveJournal (Zhivoy Zhurnal),
diễn đàn Internet nổi tiếng nhất của Nga, hay qua các website của những nhóm
trí thức đối lập và độc lập hàng đầu, là thấy được rằng câu châm ngôn của thập
niên 1980 – “Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này thêm nữa!” đang trở
thành tín điều một lần nữa. Lệnh truyền đạo lý của tinh thần tự do đang tái khẳng
định chính nó, và hiện tượng này không chỉ diễn ra hạn hẹp trong các giới trí
thức và những nhà hoạt động dân chủ. Tháng Hai năm nay, Viện Phát triển Đương đại
(the Institute of Contemporary Development), một viện nghiên cứu chính sách tự
do do Tổng thống Dmitry Medvedev làm Chủ tịch, đã xuất bản một tài liệu có vẻ
như là một chương trình vận động tranh cử Tổng thống Nga năm 2012:
Trong quá
khứ nước Nga cần tự do để sống [tốt đẹp hơn]; hiện nay nước Nga cần tự do để sống
còn… Thách thức của thời đại chúng ta là làm sao để rà soát lại hệ thống giá trị,
hun đúc một ý thức mới. Chúng ta không thể xây dựng một đất nước hiện đại với
tư duy cũ… Đầu tư tốt đẹp nhất [mà nhà nước có thể dành cho con người] là Tự do
và Nền Pháp trị (the Rule of Law). Và tôn trọng Phẩm giá của con người.
Chính cuộc
tìm kiếm có tính cách trí thức và đạo lý này, một nỗ lực khôi phục niềm tự hào
và tự trọng, bắt đầu bằng một cuộc duyệt xét đạo lý không nương nễ đối với quá
khứ và hiện tại của đất nước, chỉ vỏn vẹn trong vài năm đã khoét hổng nhà nước
Xô-viết đồ sộ, tước sạch tính chính danh của nó, và biến nó thành một chiếc vỏ
bị thiêu rụi (burned-out shell) để rồi tan rã vào tháng Tám 1991. Câu chuyện về
hành trình đạo lý và trí thức này là một câu chuyện hoàn toàn chiếm vị trí
trung tâm về cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét