Ngày 16/03/2014, sau cuộc trưng cầu dân ý được
tổ chức dưới sự giám sát của lính Nga, Crimea được sát nhập vào Liên Bang Nga
theo một quyết định của Tổng Thống Vladimir Putin. Dù người Nga lập luận rằng
quyết định này dựa trên cơ sở 96% người tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu
dân ý tại Crimea đã đồng ý sát nhập vào Nga, nhưng luật pháp quốc tế có những
nguyên tắc căn bản khác, vì lãnh thổ Crimea trước ngày 16/03/2014 thuộc về
Ucraine theo mọi hiệp định quốc tế mà chính nước Nga là một bên ký kết.
Câu chuyện về Crimea đến giờ vẫn chưa thôi
chấm dứt, bằng sức mạnh của mình, hiện tại nó đang nằm trọn vẹn trong sự khống
chế của nước Nga, và người Ucraine chưa bao giờ thôi nói về nó. Một bộ phận
khác của thế giới cũng chưa thôi nói về Crimea, nhưng nhiều xu thế cho thấy các
nước xung quanh Nga đang phải dần chấp nhận sự thật: Crimea sẽ không thể trở về
Ucraine, hoặc sẽ không thể trở về trong ngắn hạn.
Ở Crimea, khi các đơn vị lính Nga bắt đầu thâm
nhập một cách chuyên nghiệp và mau lẹ, người Ucraine từ chối chiến đấu. Họ co
cụm trong các căn cứ, phó mặc cho tình hình diễn ra và khi bị tước vũ khí, họ
không bắn lại đối phương dù chỉ vài phát đạn. Tương quan lực lượng song phương
đương nhiên là một vấn đề khiến Ucraine lùi bước. Có lẽ trong thâm tâm, họ coi
Crimea là cái giá phải trả để Ucraine thoát Nga và gia nhập được EU. Tuy nhiên,
có Crimea một cách dễ dàng, người Nga không dừng lại. Ucraine ngay sau đó có
thêm lò lửa Donbass. Cuộc nội chiến với sự can thiệp của lính Nga đến giờ đã
kéo dài ngót 2 năm, hủy diệt hạ tầng miền Đông Ucraine và ngày càng đẩy đất
nước này vào hỗn loạn. Sự hèn nhát của người Ucraine ở Crimea để giữ lấy hòa
bình với Nga đã chẳng mang lại cái gọi là hòa bình cho đất nước này. Đến nay,
họ vừa mất lãnh thổ và nhận lấy cả chiến tranh.
Dù thế giới phần lớn đều ủng hộ Ucraine, và
hành động xâm lược của Putin cũng đã khiến nước Nga phải trả giá nặng nề. Nền
kinh tế bị cô lập, các biện pháp kinh tài tổng hợp của Mỹ và Phương Tây khiến
nước Nga lao dốc, tiền tệ mất giá nặng, dự trữ quốc gia sụt giảm và GDP thì
tăng trưởng với tốc độ âm. Hiện nay thì Putin vẫn đang rất hung hăng, nhưng
thực tế nước Nga đang phải tiêu bằng của để dành, mà với tốc độ hiện nay thì số
đó sẽ cạn kiệt vào năm 2016. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Ucraine sẽ có lại
được Crimea, hay khói lửa ở Donbass sẽ nguội đi trong vài năm tới.
Dù Ucraine luôn hô hào thế giới phải giúp đỡ
họ lấy lại Crimea, nhưng hãy xem quan niệm đích thực của những người ngoài cuộc
về vấn đề này thế nào? Tổng thống Belarus Lukashenko, đã có một tuyên bố với
báo chí Ucraine khiến đất nước này câm lặng:
“Nếu nó (Crimea) là lãnh thổ của các bạn
(Ucraine), bạn cần phải chiến đấu vì nó. Nếu như bạn đã không chiến đấu vì nó,
thì nó không phải là đất của các bạn nữa”
Sự thật quá đơn giản và tàn nhẫn, nhưng cũng
rất logic và phản ánh bản chất vấn đề. Câu chuyện Ucraine và Crimea cho thấy,
khi nhường nhịn để tìm kiếm hòa bình trước một kẻ xâm lược hung hăng, bạn sẽ
chẳng thể có nổi hòa bình và còn mất nhiều hơn thế.
Ngày hôm nay, 05/11/2015, ông Tập Cận Bình tới
Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc tới nước láng
giềng nằm kề sát sau 10 năm, dù trong thời gian 10 năm đó, số lần thăm viếng
của các đời Tổng Bí Thư Việt Nam sang Trung Quốc là không đếm hết. Điều đó
trước hết nói lên tính quỵ lụy trong quan hệ ngoại giao quốc tế, với một cái gì
đó không sòng phẳng. Ngoại giao song phương phải là đối đẳng, nếu anh đã không
muốn thăm tôi, thì có lẽ tôi cũng nên để những đồng sự khác của mình đến gặp
anh thay vì trực tiếp tới nhà anh. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, Việt Nam
tự hành xử để chà đạp lên tư cách của mình trong quan hệ song phương. Để đổi
lấy thái độ ngày càng lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Chiến hạm của Trung
Quốc ngày một vươn xa hơn về phía Nam, và kinh tế thì ngày càng lệ thuộc chặt vào
Tàu với những chính sách tổng hợp mà Trung Nam Hải áp dụng. Chỉ đến khi sức ép
âm ỉ trong xã hội Việt Nam khiến chính quyền ngồi trên đống lửa và buộc phải
quay sang phương Tây để tìm kiếm sự tương trợ. Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí
Thư Nguyễn Phú Trọng, tự nhiên, người ta thấy thông tin Tập Cận Bình sẽ đến
Việt Nam. Vậy ông ta đến là để làm gì?
Tập Cận Bình sẽ trả lại Hoàng Sa chăng? Hay
ông ta sẽ trả nốt cả Trường Sa, những thứ mà lính Trung Quốc đã tấn công Việt
Nam để đoạt lấy? Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam, theo nguyên tắc
ngoại giao, các ông đang đón tiếp Tập Cận Bình và cần phải làm thế, nhưng có
một câu hỏi mà các ông buộc phải trả lời: Chính các ông, những người đã để
mất lãnh thổ khi mình đang cai trị, các ông đang làm gì để gìn giữ đất nước?
Trong nhiều năm nay, Việt Nam luôn phát ngôn
theo luận điệu của người Tàu: “Phải gìn giữ cái gọi là đại cục trong quan hệ
song phương. Đại cục nghe rất hay, nhưng đó là thứ đại cục nào? Thứ đại cục đã
và đang dẫn đến việc mất dần lãnh thổ, thứ đại cục dẫn đến kinh tế ngày một lệ
thuộc và thứ đại cục dẫn tới người dân ngày một chết dần với thực phẩm tẩm độc
với đủ loại hóa chất từ bên kia biên giới? Ngày hôm nay, Tập Cận Bình đến Việt
Nam, tất nhiên sẽ vẫn là chiêu bài “Đại Cục” và chẳng có gì khác, nhưng Đảng
Cộng Sản Việt Nam, các ông cần cho những người đang phải ngày ngày còng
lưng đóng thuế nuôi chính các ông biết, các ông sẽ gìn giữ đất nước bằng cách
thức nào?
Hoàng Sa và một phần Trường Sa giờ đã nằm trọn
trong tay Trung Quốc. Tàu cá ngư dân Việt Nam bị khủng bố chật vật trên biển,
những nơi các ông luôn tuyên bố thuộc lãnh thổ Việt Nam và cam đoan người dân
có quyền đến đó đánh cá. Các ông từ chối chiến đấu để giành lại lãnh thổ đã
mất, vì các ông yếu hơn. Rất có lý. Nhưng việc các ông dẫn dắt đất nước ngày
một lệ thuộc nặng nề vào kẻ xâm lược mình, để người Trung Quốc tung hoành trên
lãnh thổ Việt Nam, tự do buôn bán, tự do phá hoại kinh tế như chốn không người,
vậy các ông đang gìn giữ đất nước theo cách nào vậy? Các ông yếu hơn, rất tốt,
vì cả nước nghèo, rất đúng. Nhưng chính xác nên nhìn nhận là chỉ người dân
nghèo còn quan chức và con cháu các ông thì đều rất giàu, và sự thực đó đều là
nhờ vào tài năng cai trị của chính các ông. Tuy nhiên, khi thực trạng đang yếu
thì cũng đành chấp nhận, nhưng việc chính các ông tước quyền của người Việt nam
kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, điều mà người Philipin đang làm và làm rất
tốt, trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc, vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam, các ông
đang gìn giữ đất nước kiểu gì vậy? Các ông từ chối chiến đấu cả về quân sự và
pháp lý cho lãnh thổ đất nước, và các ông bắt bớ nốt những người Việt nam thể
hiện chính kiến phản đối sự xâm lăng của Trung quốc vì cái đại cục mà Trung
quốc tuyên truyền, vậy các ông đang gìn giữ đất nước kiểu gì vậy?
Hôm nay ông Tập Cận Bình sẽ được các ông đón
mừng chu đáo. Ông Tập cũng sẽ phát biểu trước 500 vị đại diện dân cử của quốc
hội Việt Nam. Ông ta sẽ nói về “Đại Cục”, về hòa bình, trong lúc chiến hạm của
ông ta ở Biển Đông thi không bao giờ dừng lại. Vậy các vị Đảng Cộng Sản Việt
Nam, các vị đại diện “dân bầu”, các vị sẽ nói gì với Tập Cận Bình để gìn giữ
đất nước này?
Các ông vẫn ngày ngày cần mẫn phản đối bằng
mồm, giống người Ucraine, cho các hành vi xâm lăng của Trung Quốc. Các ông vẫn
hô hào bằng mồm để quốc tế ủng hộ các ông. Nhưng các ông sẽ trả lời ra sao khi
thế giới nói đến đúng câu mà ông Lukashenko đã nói với người Ucraine “Khi các
bạn không làm gì để bảo vệ lãnh thổ của mình, thì đó không phải là đất của các
bạn nữa”
Các ông, phải, chính Đảng Cộng Sản Việt Nam,
với cái quyền cai trị mà chính các ông đã ghi vào Điều 4 Hiến pháp, khi từ chối
mọi biện pháp đấu tranh có hiệu quả để giành lại đất nước, khi bịt miệng nốt
người dân của mình để gìn giữ ngọn cờ “đại cục” cho phía xâm lăng, các ông
đang gìn giữ đất nước kiểu gì vậy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét