Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Tư duy người Trung Quốc trong mắt một người phương Tây

Đạo đức là phải nói lên sự thật, nếu như sợ sự thật làm tổn hại danh dự quốc gia mà phải nói lời giả dối, vậy thì người Trung Quốc có nên oán trách nếu người Nhật Bản muốn tìm cách che giấu hành vi xâm lược của họ không?
Ông Lexus, một người Đức từng du học ở Trung Quốc vừa có phát ngôn gây tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Ông Lexus nói: trên weibo, ông thấy người Trung Quốc rất khó hiểu, dường như ông nói gì cũng bị người Trung Quốc chửi bới. Ông còn đề cập một hiện tượng: “Những bài viết bị gỡ bỏ trên weibo đa số là vì có người tố giác. Tôi cảm thấy mọi người luôn rình rập lẫn nhau, thật khó hiểu. Chúng ta chỉ nên tố giác phần tử xấu xa khủng bố. Còn đối với người khác quan điểm mà hành động như thế là hỏng bét, hệ quả là mọi người tự tạo thành thói quen kiểm duyệt chính mình, những điều nên nói lại không dám nói, gặp ai cũng phải cảnh giác”.
Ông Lexus cảm nhận, trên weibo người ta chỉ tìm cách chụp mũ và chửi nhau. Dường như nhiều người Trung Quốc không kể lý lẽ, không thích nghe nói lý sự… Phải giải thích về vấn đề này như thế nào?

Lý giải của Lexus

Thứ nhất, chuyện người Trung Quốc bất cần logic và đạo lý dường như bắt đầu có từ thời học tiểu học. Ví dụ, nếu học trò đánh nhau sẽ bị thầy cô mắng: không bao giờ làm được việc gì tốt đẹp! Đạo lý ở đây là: người tốt sao lại đánh nhau? Rõ ràng đây là thứ logic hoang đường, nhưng người Trung Quốc sợ phiền phức nên không muốn tìm hiểu để nhận rõ thị phi, cuối cùng không cần phân định ai đúng ai sai, cứ đánh mỗi đứa 50 thước cho “công bằng”. Nhưng thứ logic này ngày nay rất phổ biến ở Trung Quốc.
Về năng lực tư duy logic của người Trung Quốc, ông Lexus nói, tư duy logic của người Trung Quốc có vấn đề. Đừng nói học trò và nhà giáo, ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều khi cũng cứ như thiếu những hiểu biết thông thường. Ví dụ có người hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều luật nào của quốc gia cấm phóng viên nước ngoài đến khu vực nhạy cảm săn tin? Người phát ngôn kia đã đáp lại rằng “Đừng lấy luật pháp ra làm lá chắn”. Câu trả lời này không chỉ thể hiện ý thức kém cỏi về pháp luật, còn cho thấy thứ văn hóa không màng gì đến lý lẽ, thích dùng quyền lực thay cho lý lẽ.
Ngoài ra, người Trung Quốc còn có logic kiểu “biện chứng”, loại này thường hay xuất hiện trong ngôn từ của những dư luận viên trên mạng, ví như khi họ vừa thấy có ai đó ca ngợi nước Mỹ hoặc tán thành di dân ra nước ngoài là họ hét lên “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Hoặc những phát ngôn như, “xã hội chuyên chế dĩ nhiên không tốt, nhưng xã hội dân chủ cũng không thấy có điểm nào hay ho”.
Khi cho rằng cái gì cũng có ưu có khuyết thì cũng có nghĩa không còn phân biệt vấn đề tốt hay xấu nữa. Tư duy này rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, đây là kiểu tư duy không phân biệt đâu là nặng hay nhẹ, là chủ yếu hay thứ yếu. Loại người tư duy kiểu này thường nói: trên thế giới này không có gì tuyệt đối, vì thế không có gì là quan trọng. Những dẫn chứng cho trường hợp này đếm không xuể. Nhiều người Trung Quốc không tập trung vào logic của vấn đề tranh luận mà bắt đầu từ lập trường cố hữu (định kiến) của mình và kết thúc bằng việc công kích cá nhân người kia, hệ quả là từ tranh luận lý lẽ biến thành hai bên chửi rủa nhau.
Thứ hai, có khi hiểu lý lẽ nhưng nói không được vì bên kia không quan tâm đến lý lẽ. Ví dụ trong thời Cách mạng Văn hóa có câu nói kinh điển: “Nói Cách mạng Văn hóa tốt nghĩa là tốt”. Đại Cách mạng Văn hóa tốt ở chỗ nào không rõ, nhưng nghe tuyên truyền thường xuyên là tốt, như vậy có nghĩa là tốt.
Ở Trung Quốc, người có tri thức có khi lại chỉ để dùng vào việc đánh lạc hướng người khác. Vì thế nhiều phát ngôn của các chuyên gia khiến người ta phải “trố mắt líu lưỡi”. Nào là khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc không có gì đáng ngại, khoảng cách giàu nghèo càng lớn thì càng kích thích phát triển kinh tế. Nào là hủ bại có ích cho phát triển kinh tế. Nào là lạm phát của Trung Quốc chủ yếu là vì đồng Đô la Mỹ mất giá… Vô số người động một chút là chửi người khác là Hán gian, bán nước, hận không thể xẻ thịt lột da đối phương. Trong tiềm thức, những người này muốn mượn sức mạnh chính trị giúp bản thân giành thắng lợi trong tranh luận, đây là loại người vô cùng hèn hạ.
Về mặt tâm lý, không nghi ngờ gì, kiểu chửi người khác này chính là phép thắng lợi tinh thần. Khi chửi người khác là ngu si thì kẻ chửi kia có cảm giác được ở tầng bậc cao hơn, qua đó cảm thấy tinh thần vui vẻ… Bi đát hơn, có những người lời hồ đồ phát ngôn trên truyền hình mà lại được nổi danh. Ví dụ, khi Nhuế Thành Cương (MC truyền hình nổi tiếng Trung Quốc đã bị bắt giam) đón Gary Locke đến Trung Quốc nhậm chức bằng vé máy bay Hạng phổ thông đã nói: để nhắc nhở người Mỹ còn nợ tiền Trung Quốc. Những ai có chút hiểu biết về kinh tế đều hiểu rằng, mua trái phiếu của Mỹ là một kiểu đầu cơ, vì số ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc kiếm được từ hoạt động xuất khẩu không thể cứ để yên trong ngân hàng cho nên cần tham gia vào các kênh đầu tư. Nếu anh muốn thể hiện bất mãn chuyện mua trái phiếu của Mỹ thì nên kháng nghị tại cơ quan quản lý ngoại hối chính phủ chứ không nên châm biếm Đại sứ Mỹ đến Trung Quốc nhậm chức. Không nên vì chuyện Trung Quốc mua trái phiếu của Mỹ mà làm dáng kiêu căng, hành xử như vậy không chỉ cho thấy bản thân vô văn hóa mà còn để lộ thiếu kiến thức hiểu biết thông thường.
Thứ ba, trong tâm lý người Trung Quốc chỉ chú trọng đến uy quyền, coi nhẹ chân lý, đa số người Trung Quốc đi học không vì tìm kiếm chân lý mà vì tìm kiếm quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị, sau đó là quyền lực đối với những người thân trong gia đình, thứ nữa là quyền lực “có văn hóa”.
Ở Trung Quốc, pháp luật đứng dưới quyền lực, còn đạo lý càng không đáng để bàn luận. Người Trung Quốc có câu, “Tú tài gặp quân nhân, có lý nói không ra”. Vì thế mà xảy ra vô số chuyện phi lý và bi hài trong hệ thống quyền lực Trung Quốc hiện nay. Có những nơi nếu bạn nói lý với họ thì họ sẽ giở trò lưu manh với bạn; bạn lưu manh với họ thì họ nói chuyện pháp luật với bạn; bạn nói pháp luật với họ thì họ lại nói chính trị với bạn… Truyền thông từng đưa tin một trường hợp bị cảnh sát chặn xe phạt, người lái xe hỏi phạt vì lý do gì, cảnh sát chỉ nói: phạt gấp đôi! Hay có trường hợp một người đi nói chuyện phải trái với Bí thư Chính pháp, Bí thư Ban Chính pháp nói: môi trên của tôi là trời, môi dưới là đất, tôi chính là pháp luật…
Thứ tư, vì thiếu tư duy logic nên người Trung Quốc không có khả năng tự phản tỉnh, vì thế mà đối với nhiều người Trung Quốc, có thể nói “gì cũng hiểu, gì cũng biết, gì cũng dám tin, gì cũng dám nói”. Loại logic này đưa loài người vào chiến tranh và khổ nạn, đặc biệt là khi người lãnh đạo quốc gia mà bất cần lý lẽ, chỉ biết có quyền lực. Ví dụ có thống kê chỉ ra 90% phát ngôn của Hitler là các nhận định, nhưng tỉ lệ hợp lý chưa tới 10%! Hoặc có thể dẫn ra những kiểu tư duy phi lý hay niềm tin vô căn cứ như trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã gây ra bao nhiêu tội ác: nếu kẻ thù phản đối thì chúng ta nên ủng hộ; nếu kẻ thù ủng hộ thì chúng ta nên phản đối.
Lại ví dụ, khi nói đến lịch sử cận đại, người Trung Quốc thường cho rằng nỗi nhục của họ do chủ nghĩa đế quốc gây ra, bọn đế quốc luôn ức hiếp Trung Quốc, chúng quá tàn nhẫn, quá tham lam. Mỗi khi chiến tranh thất bại thì Trung Quốc lại nói do vũ khí người ta quá tiên tiến, vũ khí chúng ta quá lạc hậu, rất ít người xem lại những sai lầm và khiếm khuyết của mình. Ai có ý phê bình thì lo sẽ bị quy là phản quốc, bị mọi người lên án, nguyền rủa. Ở đây không chỉ do nguyên nhân chính trị, quan trọng hơn là người Trung Quốc thiếu khả năng tự kiểm điểm lại mình, không thích bị phê bình, đa số mọi người thường cảm thấy khó chấp nhận khi nghe những lời không tốt về mình. Đặc biệt khi nói về thời kỳ Cách mạng Văn hóa, mọi người thường quy tội ác vào sai lầm của một số lãnh đạo, là âm mưu của một thiểu số người chứ không chịu tự phản tỉnh về những nguyên nhân sâu xa hơn, như tính cách dân tộc, chế độ, nền văn hóa, tư tưởng. Dường như mọi người đều là người vô tội, đều là người thanh bạch. Trong thời kỳ này có vô số người bị đấu tố, bị giam cầm, đánh chết, lăng nhục, hãm hại, phải tự sát; nhưng càng có nhiều hơn những kẻ đi mật báo, đi ức hiếp, giết chóc và làm nhục người khác. Trong khi vài chục năm qua rất hiếm khi nghe chuyện có người tự trách đã từng làm mật báo, làm đấu tố, giết người… cho dù vô số những kẻ từng làm việc này đang sống ung dung tự tại, thế nhưng lại luôn tự cho bản thân vô tội, thanh bạch, những sai lầm toàn là do người khác gây ra…
Khi nói lý lẽ phải đứng ở góc nhìn khách quan, không thể thay đổi quan điểm vì lợi ích vị kỷ. Hugo tiên sinh từng phẫn nộ lên án liên quân Anh Pháp cướp bóc tại Vườn Viên Minh, thậm chí chửi đồng bào của mình là giặc, nhưng có ai vì thế mà dám lên án ông phản quốc? Đạo đức là phải nói lên sự thật, nếu như sợ sự thật làm tổn hại danh dự quốc gia mà phải nói lời giả dối, vậy thì người Trung Quốc có nên oán trách nếu người Nhật Bản muốn tìm cách che giấu hành vi xâm lược của họ không?

Theo Kiệt Phu – Mộc Vệ biên dịch
-----------------------------------------------------------
Xem thêm : 

9 câu ngụy biện điển hình của người Việt (http://quangdonquixote.blogspot.com/2016/11/trithucvnnet-9-cau-nguy-bien-ien-hinh.html

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Sự trung thành làm cho người ta ngu si, biến người ta thành nô lệ

Tình yêu đem tới tự do. Trung thành đem tới nô lệ. Trên bề mặt chúng có vẻ giống nhau, nhưng sâu bên dưới, chúng là đối lập, đối diện thẳng với nhau. Trung thành chỉ là diễn kịch, bạn đã được giáo dục để trung thành. Tình yêu là thứ hoang dã, không thể kiểm soát, không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra, xảy ra lúc nào, khi nào kết thúc? Toàn bộ cái đẹp của tình yêu nằm trong tính hoang dã của nó. Nó cứ như một mùi thơm thoảng trong làn gió, làm sao bạn có thể quản? Nó như một vị khách chợt tới rồi chợt đi bạn không cách nào giữ lại được. Nó như một vườn hoa nở rực rỡ trong sa mạc sau một đêm đã vội biến mất… Đấy chính là vẻ đẹp của tình yêu, một thứ kinh nghiệm chỉ cứ thế xảy ra, không thể tiên đoán.
Xã hội không thể phụ thuộc vào những kinh nghiệm không thể tiên đoán như vậy. Nó muốn có đảm bảo, nó muốn an ninh, an toàn. Do đó xã hội đã làm mọi cách để loại bỏ tình yêu ra khỏi cuộc sống hoàn toàn và tìm cách để đặt sự trung thành thế vào chỗ đó. Thế là người ta có “hôn nhân” thay vì “tình yêu” – người ta không còn quan trọng chuyện phải có tình cảm với nhau, miễn còn trung thành với nhau là được. Và điều đó tạo ra an ninh, kể cả an ninh trong đau khổ, xã hội vẫn hài lòng, vẫn hạnh phúc với điều đó.
Thực chất, xã hội rất sợ tình yêu. Vì tình yêu là thứ không thể tin cậy được – và hiện tượng kì lạ nhất là ở chỗ tình yêu là tin cậy lớn nhất nhưng nó không thể được tin cậy. Trong khoảnh khắc này nó là toàn bộ, nhưng khoảnh khắc tiếp theo vẫn còn để mở. Nó có thể bắt nguồn và lớn lên trong bạn, nhưng nó cũng có thể bốc hơi khỏi bạn. Chồng muốn có người vợ là nô lệ cả đời cô ấy. Anh ta không thể nào tin vào tình yêu của người vợ, anh ta không tin vợ có thể yêu mình nên anh ta đã tạo ra thứ thay thế cho tình yêu – lòng trung thành.
Điều đó không chỉ có trong mối quan hệ của tình yêu mà còn có trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, và sự trung thành dần được đánh giá cao, và người trung thành dành được sự kính trọng lớn lao. Nhưng sự trung thành có công dụng lớn trong việc phá hủy toàn bộ trí thông minh của con người.
Quân đội làm việc theo cách tạo ra trung thành, nó bắt đầu bằng những điều nhỏ bé. Người ta tự hỏi tại sao mọi người lính trong nhiều năm đều phải tập diễu binh và tuân theo những mệnh lệnh ngu xuẩn – quay trái, quay phải, đi lùi, đi tiến – trong hàng giờ, chẳng vì mục đích gì hết. Nhưng có mục đích ngầm trong điều đó đấy. Bằng việc này mà thông minh của người đó sẽ bị phá hủy. Người đó đang bị biến thành máy tự động, thành robot. Cho nên lúc nào đó khi mệnh lệnh tới “Quay trái” tâm trí sẽ không còn nhu cầu hỏi “Tại sao?”. Nếu một ai đó khác đơn giản bảo bạn “Quay trái đi” bạn sẽ hỏi “Anh nói điều vô nghĩa gì vậy? Tại sao tôi phải quay trái? Không, tôi thích ngược lại, tôi đi sang phải đây!” Nhưng điều này đơn giản không được phép với bất cứ người lính nào, không ai được phép hoài nghi, không ai được phép hỏi, họ đơn giản phải tuân theo mệnh lệnh, mọi mệnh lệnh, kể cả những mệnh lệnh ngớ ngẩn nhất. Đây là ước định cơ bản của thứ gọi là lòng trung thành.
Điều tốt cho vua và các tướng lĩnh là quân đội phải trung thành tới điểm họ vận hành như cái máy, không như con người. Điều thoải mái cho bố mẹ là con cái họ trung thành bởi vì đứa trẻ mà biết cách chống đối sẽ là cả vấn đề mệt mỏi với cha mẹ. Bố mẹ có thể sai chứ, đứa con có thể đúng chứ, nhưng trong xã hội này điều đó không quan trọng, nó phải vâng lời cha mẹ – đó là một phần của việc huấn luyện con người theo cách cũ, vẫn tồn tại mãi cho tới giờ.
Tôi dạy bạn con người mới mà trong đó không có trung thành, nhưng thay vào đó là một người có thông minh, biết truy tìm, có khả năng nói không. Với tôi, chừng nào bạn còn chưa có khả năng nói không thì việc nói có của bạn là vô nghĩa.
Cuộc sống và nền văn minh chắc chắc sẽ hoàn toàn khác nếu như chúng ta đã huấn luyện mọi người có nhiều thông minh hơn. Cho nên nhiều cuộc chiến tranh đáng ra đã không xảy ra bởi vì mọi người sẽ hỏi “Lý do là gì? Sao chúng tôi phải giết người, những người vô tội và hồn nhiên thế?” Nhưng họ trung thành với quốc gia này và bạn trung thành với quốc gia khác nên các chính khách lợi dụng bạn để đánh nhau và hi sinh mạng sống một cách vô nghĩa. Nếu các chính khách thích đánh nhau nhiều thế, họ có thể có trận đấu vật và mọi người sẽ thích thú xem trận đấu đó như bất cứ trận đá bóng nào.
Nhưng vua và các chính khách, tổng thống và thủ tướng không hề đi vào chiến tranh. Những người đơn giản, vô tội, không liên quan – những người lính phải thay họ đi vào chiến tranh để rồi giết hoặc bị giết. Họ được thưởng vì lòng trung thành của mình, họ được thưởng vì tính vô nhân đạo, vì họ đã không thông mình, vì họ là máy móc.
Trung thành không là gì ngoài tổ hợp của tất cả những bệnh tật này – niềm tin, bổn phận, kính trọng. Chúng tất cả đều là những thứ nuôi dưỡng cho bản ngã của bạn. Chúng tất cả đều chống lại phát triển tâm linh của bạn, nhưng chúng ủng hộ cho những quyền lợi được đầu tư.
Tu sĩ không muốn bạn hỏi câu hỏi nào về hệ thống niềm tin của bạn bởi vì họ biết rằng họ không có câu trả lời. Mọi hệ thống niềm tin đều giả dối tới mức nếu bị hỏi, chúng sẽ sụp đổ. Không được hỏi và đó là cách những tôn giáo được ra đời với hàng triệu người trong bầy đoàn của chúng.
Bây giờ giáo hoàng có hàng triệu người dưới mình, và từ hàng triệu người này, không một người nào truy hỏi “Làm sao cô gái đồng trinh có thể sinh ra một đứa trẻ con được?” Điều đó sẽ là báng bổ. Trong hàng triệu người không một người nào đã hỏi “Bằng chứng đâu về việc Jesus là đứa con duy nhất của Thượng đế? Bằng chứng đâu về việc Jesus đã cứu mọi người khỏi khổ? Ông ấy đã không thể tự cứu mình nữa là.” Nhưng những câu hỏi thế này đều gây lúng túng nên tốt nhất họ ngăn không cho chúng được nêu ra. Ngay cả Thượng đế cũng chẳng là gì ngoài một giả thuyết, điều mà những người tôn giáo đã từng cố gắng chứng minh trong hàng nghìn năm… mà vẫn thất bại. Nhưng cũng chẳng ai hỏi câu hỏi đó.
Từ chính ngày đầu của cuộc sống mọi người đã được huấn luyện trung thành với hệ thống niềm tin mà trong đó bạn được sinh ra. Điều đó thuận tiện cho các tu sĩ khai thác bạn, điều đó thuận tiện cho các chính khách khai thác bạn, điều đó thuận tiện cho chồng khai thác vợ, cho bố mẹ khai thác con cái, cho thầy giáo khai thác học sinh. Với mọi quyền lợi được đầu tư, trung thành đơn giản là cần thiết, nhưng nó đưa toàn nhân loại thành chậm tiến. Nó không cho phép hỏi. Nó không cho phép hoài nghi. Nó không cho phép mọi người có khả năng thông minh. Và người không có khả năng hoài nghi, khả năng hỏi, không có khả năng nói “không” khi người đó cảm thấy rằng mọi sự bị sai, thì đã rơi xuống thấp hơn tính người rồi, người đó đã trở thành con vật nửa người nửa ngợm rồi.
Nếu tình yêu bị đòi hỏi, thế thì nó trở thành trung thành. Nếu tình yêu được cho mà không bị đòi hỏi, nó là món quà tự do của bạn. Thế thì nó nâng tâm thức của bạn lên. Nếu tin cậy bị đòi hỏi, bạn đang bị làm thành nô lệ. Nhưng nếu tin cậy nảy sinh trong bạn, cái gì đó siêu nhiên cũng đang lớn dần lên trong trái tim bạn. Khác biệt là rất nhỏ nhưng quan trọng vô cùng: khi bị đòi hỏi hay bị ra lệnh thì tình yêu và tin cậy đều trở thành giả dối. Khi chúng nảy sinh theo cách của riêng chúng, chúng có giá trị bản chất mênh mông. Chúng không làm bạn thành nô lệ, chúng làm bạn thành người chủ của bản thân mình bởi vì nó là tình yêu của bạn, tin cậy của bạn. Bạn đang đi theo trái tim riêng của mình. Bạn không theo bất kì ai khác. Bạn không bị buộc phải đi theo. Tình yêu của bạn bắt nguồn từ sự tự do của bạn. Tin cậy của bạn bắt nguồn từ chân giá trị của bạn – và chúng cả hai sẽ làm cho bạn thành con người giàu có hơn.
Đó là quan điểm của tôi về nhân loại mới. Mọi người sẽ yêu, nhưng họ sẽ không cho phép tình yêu bị thành mệnh lệnh. Họ sẽ tin cậy, nhưng họ sẽ tin cậy theo bản thân mình – không theo bất kì kinh sách nào, không theo bất kì cấu trúc xã hội nào, không theo bất kì tu sĩ nào, không theo bất kì chính khách nào.
Sống cuộc sống của bạn theo trái tim riêng của mình, đi theo nhịp đập của nó, đi vào trong cái không biết như chim đại bàng bay ngang qua mặt trời trong tự do hoàn toàn, không biết tới giới hạn nào… điều đó không phải là bị theo mệnh lệnh. Nó là niềm vui riêng của nó. Nó là bài tập của tâm linh riêng của người ta.

Osho – Thân thiết: tin cậy bản thân mình và người khác

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Việc kết hôn là sáng tạo ngu ngốc nhất của nhân loại – Osho

Osho (người dịch: Phi Tuyết)
Trong gia đình tôi phải có đến 50 tới 60 người – tất cả mọi họ hàng, các chú, dì… sống cùng nhau. Tôi đã được chứng kiến toàn bộ sự hỗn độn đó. trên thực tế, 60 người này giúp tôi rất nhiều trong việc không tạo ra gia đình của riêng mình.
Kinh nghiệm đó là đủ.
Nếu bạn đủ thông minh, bạn học từ những lỗi lầm của người khác. Nhưng nếu bạn không thông minh, bạn thậm chí không học được gì từ lỗi lầm của chính mình. Vậy nên tôi học từ lỗi lầm của cha tôi, mẹ tôi, chú tôi, dì tôi. Đó là một gia đình lớn, và tôi đã thấy toàn bộ cái rạp xiếc ấy, tình trạng khổ sở ấy, những cuộc xung đột liên tục, tranh đấu với nhau vì những thứ nhỏ nhặt , những thứ vô nghĩa.
Thế nên từ thời thơ ấu tôi đã trở nên chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ muốn tạo ra một gia đình của riêng mình.
Tôi đã rất ngạc nhiên rằng khi một người được sinh ra trong một gia đình… và tại sao anh ta có thể vẫn tiếp tục tạo ra một gia đình nữa? Nhìn thấy toàn bộ những cảnh tượng khổ sở ấy mà anh ta vẫn cứ tiếp tục lặp lại nó cho được?
Khi tôi hoàn tất chương trình đại học, một cách tự nhiên, cha tôi đã rất lo lắng chuyện kết hôn của tôi. Mẹ tôi đã phải ướm lời trước, bởi vì cha tôi luôn thận trọng trong việc hỏi tôi bất cứ gì, bởi vì một khi tôi đã nói gì với ông thì sau đó không còn cách nào để thay đổi cả. Vậy nên đầu tiên ông ấy thử thông qua mẹ tôi, ông nói rằng “Bà nên tìm hiểu xem nó nghĩ gì về việc kết hôn, bởi vì một khi nó đã nói không với tôi thì chúng ta phải vứt bỏ cái chủ đề ấy khỏi tư tưởng mãi mãi. Nên bà hãy thử tìm hiểu suy nghĩ của nó…”
Khi tôi định đi ngủ thì mẹ tôi đến và ngồi bên giường tôi và hỏi “Giờ con đã học xong cả rồi, con nghĩ gì về việc kết hôn?”
Tôi nói “Con muốn hỏi mẹ, bởi vì trước giờ con chưa bao giờ kết hôn cả nên con không có bất cứ kinh nghiệm nào về việc này. Mẹ đã kết hôn rồi, mẹ đã nuôi lớn 11 đứa trẻ. Mẹ là một người có rất nhiều kinh nghiệm. Con muốn xin mẹ lời khuyên. Rằng cuộc đời này của mẹ có phải là một cuộc đời tràn ngập hạnh phúc hay không? Có bao giờ trong đời mẹ đã nghĩ nhiều lần rằng nếu mẹ không kết hôn thì chắc đời mẹ sẽ khá hơn? Và con không cần mẹ phải trả lời ngay giờ, con sẽ cho mẹ 15 ngày để suy nghĩ về điều đó.”
Bà nói “Điều này thật lạ. Ta định cho con thời gian để suy nghĩ về điều này, và con lại nói ta hãy suy nghĩ về nó!”
Tôi nói “Vâng, bởi vì con không biết. Con tin mẹ. Nếu sau 15 ngày mẹ nói “Đúng vậy, cuộc đời mẹ là một cuộc đời ngập tràn niềm vui ngây ngất, dĩ nhiên con sẽ kết hôn. Nhưng mẹ hãy nhớ, con tin tưởng mẹ rất nhiều, con đang trao cả cuộc đời con và sự tin tưởng của con trong tay mẹ. Và cũng nhớ điều này rằng con biết hết về cuộc đời mẹ – mẹ chưa bao giờ có bất cứ niềm vui ngây ngất nào cả, hay bất cứ niềm hạnh phúc hân hoan nào. Nó chỉ là cuộc chiến liên tục, một cuộc tranh đấu – với cha, với những đứa trẻ… Và mẹ đã phải khổ sở thế – đó là những gì con biết. Có lẽ sâu bên trong mẹ có những kinh nghiệm hân hoan nào đó mà con không nhận thức được. Mẹ hãy nghĩ về những điều đó trong 15 ngày. Và con sẽ để cho mẹ quyền quyết định: nếu mẹ nói “Kết hôn đi”, con sẽ kết hôn.”
Sau 15 ngày bà ấy nói “Không. Đừng kết hôn. Con đã hại ta. Con tin tưởng ta quá nhiều đến nỗi ta không thể nào phản bội lại con, và ta không thể lừa con và cũng không thể nói dối con. Con nói đúng, rất nhiều lần ta đã nghĩ về cuộc đời khốn khổ của ta và những gì ta đã làm – chỉ sinh nở, chăm sóc nuôi nấng những đứa trẻ. Đó là toàn bộ cuộc sống của ta, nó luôn bắt đầu từ lúc 4h sáng cho tới 12h khuya và ta vẫn đang phải tiếp tục. Ta không bao giờ được có bất cứ giây phút nào của riêng mình.” – “15 ngày này” bà nói tiếp, “đã tạo ra một sự hỗn loạn lớn trong ta. Ta chưa bao giờ nghĩ về toàn bộ cuộc đời ta theo cách mà con bắt ta phải suy nghĩ. Ta yêu con, và ta thu hồi lại câu hỏi ban đầu. Nó không thật sự là câu hỏi của ta, nhưng là cha con đang cố để tìm hiểu câu trả lời đó.”
Tôi nói “Nói với ông ấy hãy đến mà hỏi thẳng con thì hơn.”
Và bà ấy nói với cha tôi “Như những gì tôi biết, mọi việc xong rồi. Tôi đã nói nó đừng kết hôn.”
Cha tôi nói “Chúa tôi! bà đã khuyên nó đừng kết hôn sao?”
Bà nói “Vâng, bởi vì nó tin tưởng tôi rất nhiều, và nó đề nghị tôi suy nghĩ trong 15 ngày và nếu tôi vẫn giữ lời khuyên, nó sẽ sẵn sàng. Nhưng tôi không thể lừa dối nó và nếu tôi lừa dối nó thì tôi sẽ không thể nào sống với cái tội lỗi ấy cả đời tôi được. Ông hãy đi làm những gì ông muốn làm đi.”
Giờ thì ông ấy thậm chí còn lo lắng hơn – mẹ tôi cũng đã rời khỏi tầm tay ông ấy. Nhưng bằng cách nào đó câu trả lời đã được hiểu, về những gì tôi muốn. Ông ấy nhờ tới một người bạn của ông, một vị biện hộ của tòa án tối cao, rất nổi tiếng, rất logic với lý luận học, rất hợp lý… Cha tôi nghĩ rằng đó đúng là người thích hợp nhất để tranh luận với tôi. Và tất nhiên người đàn ông đó đã nói “Đừng lo. Tôi đã tranh luận cả đời tôi ở tòa án tối cao. Ông không nghĩ là tôi có thể thuyết phục con trai anh sao – người mà mới chỉ rời trường đại học về? Nó thì biết gì chứ? Nó thì có kinh nghiệm gì nào? Tôi sẽ đến vào ngày mai.”
Ngày tiếp theo là chủ nhật, tòa án đóng cửa. Ông ấy đến nhà tôi và tôi bảo ông “Trước khi ông bắt đầu – bởi vì cha tôi đã bảo tôi rằng ông đang đến để thuyết phục tôi về việc kết hôn – trước khi ông bắt đầu tôi muốn chúng ta làm một thỏa thuận rõ ràng rằng nếu ông có thể thuyết phục được tôi, thì tôi sẽ sẵn sàng kết hôn. Nhưng nếu ông không thể thuyết phục được tôi thì ông sẽ phải ly hôn với vợ của ông. Ông phải làm gì đó cho việc này trở thành đáng giá chứ. Và tôi tin tưởng ông, vậy nên tôi không đề nghị ông một vị thẩm phán. Tôi yêu mến và tôn trọng ông như tôi yêu mến và tôn trọng cha tôi. Vậy nên tôi không yêu cầu một vị thẩm phán nào đứng ra phán xét cả bởi vì điều đó sẽ giống như không tin tưởng ông. Tôi tin vào khả năng của ông và tôi sẵn sàng tranh luận, nhưng thỏa thuận này cần phải được ghi nhớ.”
Ông ấy nói “Khoan hãy cho ta một chút thời gian, bởi vì ta chưa bao giờ nghĩ về tình huống này. Dù sự thật là ta đã phải sống cam chịu với chuyện kết hôn cả đời ta, nhưng ta chưa bao giờ thật sự có một suy nghĩ nào về nó. Và cậu lại đang đề xuất ta ly hôn nếu ta không thể thuyết phục cậu hứng thú với việc kết hôn. Hãy để ta suy nghĩ lại cho rõ ràng đã. Ta còn có những đứa trẻ và một bà vợ, ta cũng đang có địa vị trong xã hội nữa. Ta không thể ly hôn quá dễ dàng như thế.”
Tôi nói “Và ông nghĩ tôi không có gì sao? Tất cả những gì ông có là quá khứ và tất cả những gì tôi có là tương lai. Quá khứ thì đã chết rồi, đã qua rồi. Tôi đang phải mạo hiểm cuộc sống của tôi, những thứ còn đang tới và chưa tới, và ông thì đang mạo hiểm chỉ những thứ đã đi rồi, xong rồi. Vậy mà ông lại nghĩ ông đang mạo hiểm nhiều hơn những gì tôi đang mạo hiểm sao?”
Và vào ngày thứ hai ông ấy đã thông báo cho tôi rằng “Ta không muốn tranh cãi với cậu về bất cứ thứ gì nữa cả”.
Tôi đã phải đi đến nhà ổng mỗi ngày, và ông ấy luôn nói với vợ “Bà nói với cậu ta là tôi không có nhà”.
Sau cùng người vợ nói “Tại sao ông lại sợ chàng trai đó? Tại sao ông lại phải vào nhà tắm, khóa lại rồi trốn bên trong? Bất cứ lúc nào ông thấy cậu ta đến, tại sao ông lại sợ hãi?”
Ông ấy nói “Bà không biết đâu. Vấn đề là hoặc cậu ta sẽ kết hôn hoặc tôi sẽ phải ly hôn với bà. Nó là một câu hỏi về sự sống và cái chết. Bà cứ đi ra nói với cậu ta rằng ta không có nhà đi.”
Trước khi tôi rời thành phố và vào đại học như một giảng sư, ngày cuối cùng tôi đến nói với vợ ông ấy “Tôi biết ông ấy luôn ở bên trong, và bà cũng biết tại sao ông ấy lại không ra gặp tôi. Chỉ cần bà nói với ông ấy rằng ông ấy có thể là một nhà biện hộ với nhiều kinh nghiệm trong tòa án tối cao, nhưng ông ấy đã thua vụ này ngay từ đầu. Hãy nói với ông ấy rằng ổng nên ngưng khoác lác về việc ông ấy không bao giờ thua vụ kiện nào. Trên thực tế ông ấy đã thua một vụ này mà thậm chí không cần tới thẩm phán. Ông ấy đã có thể là cả hai. Tôi đã trao cho ông ấy cơ hội để là cả thân chủ lẫn thẩm phán. Ông ấy có thể lừa tôi, ông ấy có thể gian trá với tôi. Nhưng tôi biết ông ấy không thể vì thật là một việc khó khăn khi lừa ai đó mà họ tin tưởng quá nhiều vào mình…”
Ông ấy đi ra trong khi tôi đang nói với vợ ông ấy và ông nói “Hãy tha thứ cho ta. Cậu nói đúng. Ta đã luôn tự hào như thế nhưng nay cậu đã làm ta rất sợ. Ta không bao giờ sợ bất cứ ai nhưng ta lại sợ cậu, bởi vì ta không thể nói một lời dối trá nào khi ta nhìn cậu, nhìn vào trong mắt cậu, nhìn vào sự tin tưởng của cậu, tình yêu của cậu dành cho ta. Ta không thể nói dối nhưng ta cũng không thể ly hôn với vợ ta được. Có quá nhiều thứ liên quan và đã có quá nhiều sự đầu tư – ta chỉ không thể làm được. Theo ta cậu nên nói thẳng với cha cậu rằng không có cách nào khác nữa, ông ấy phải nói trực tiếp với cậu điều ông ấy muốn biết”. Cha tôi không bao giờ làm điều đó. Tôi hỏi ông ấy rất nhiều lần, “Tại sao cha không hỏi con về việc kết hôn nữa? Cha đã cố gắng hỏi thăm từ những người khác, tại sao cha không hỏi một cách trực tiếp luôn?”
Ông ấy nói “Ta biết rằng câu trả lời của con sẽ tạo ra phiền muộn cho ta. Câu trả lời của con là không kết hôn về phần con, nhưng nó sẽ trở thành ác mộng đối với ta. Con hãy quên chuyện này đi. Bất cứ gì con muốn làm, thì cứ làm. Nếu con muốn kết hôn, con hãy kết hôn. Nếu con không muốn, hãy dừng chủ đề này lại. Ta cũng đã ném ý tưởng ấy đi từ sớm rồi.”
Việc kết hôn là một trong những sáng tạo ngu ngốc nhất mà con người tạo ra. Nhưng nó được tạo ra với sự quan tâm sâu sắc, với lòng thiện chí. Tôi không nghi ngờ về tính thiện chí, tôi chỉ nghi ngờ về sự khôn ngoan của con người. Mục đích của họ thì có thể đúng, nhưng trí thông minh của họ thì rất xoàng.
Một người có sự hiểu biết thật sự sẽ không bao giờ hứa hẹn về ngày mai, anh ta chỉ có thể nói “Trong giây phút này”. Một người có sự chân thành thật sự sẽ không thể hứa hẹn về tương lai chút nào. Anh ta có thể hứa gì? Ai có thể biết được về ngày mai? Ngày mai có thể đến, có thể không. Ngày mai có thể đến và bạn nói “Tôi đã không như cũ, bạn đã không như cũ”. Ngày mai có thể đến và nói “Anh hãy tìm ai đó khác phù hợp hơn với anh, em cũng sẽ tìm ai đó khác hài hòa hơn với em”. Thế giới thì bao la thế, tại sao phải làm kiệt nó hôm nay? Hãy giữ cho những cánh cửa được mở, hãy giữ cho khả năng thay đổi được sẵn sàng.
Tôi chống lại việc kết hôn. Nó luôn tạo ra những vấn đề không cần thiết, thậm chí là ngu ngốc. Sự sáng tạo ngu ngốc nhất trên thế giới chính là việc kết hôn, bởi vì nó hướng người ta đến với sự giả tạo: người ta luôn thay đổi, nhưng người ta phải tiếp tục giả vờ như thể họ vẫn giữ tình trạng y nguyên như cũ.
Tôi đã ở cùng với hàng ngàn gia đình – ai cũng khổ cả. Và bởi vì tôi được yêu quý nên cả người chồng lẫn người vợ đều đến và mở lòng họ ra với tôi. Cả hai khi tách riêng đều là những người rất tốt, nhưng khi ở cùng nhau thì họ liên tục tạo ra tranh đấu. Mỗi ngôi nhà đều trở thành một chiến trường. Và những đứa trẻ thì phải lớn lên trong bầu không khí bị nhiễm độc ấy. Chúng sớm muộn sẽ học được cùng những kĩ thuật và chiến lược mà cha mẹ chúng đã sử dụng và một cách tự nhiên chúng cũng sẽ lặp lại tất cả những điều đó.
Đó là lý do tại sao mỗi thế hệ đều không ngừng truyền những căn bệnh của nó cho những thế hệ sau. Những thế hệ thay đổi liên tục nhưng những căn bệnh thì trở nên nan y không thể chữa được. Bây giờ chúng ta phải chặn đứng căn bệnh ấy, để cho nhân loại tương lai có thể được tự do khỏi những sự ngu ngốc này.
Đừng chỉ đưa ra một khái niệm mới, nhưng hãy thay đổi nó từ trong nền tảng.
Osho’s Life and Teaching
_Phi Tuyết dịch_
5/1/2017 Đã hiểu tại sao lượng follow tăng và serve bị tắc nghẽn hôm qua, hóa ra do bài dịch này, bạn nào lỡ đọc tới đây mà thấy đồng tình và hiểu được thông điệp của câu chuyện trên, thì thôi.
Bạn nào không hiểu hay chưa hiểu, hay không đồng ý, xin hãy đọc tiếp vài dòng:
Mới đăng lên 2 ngày mà đã đạt 12k likes (thấy sai sai, hay bị hack? hay 1,2k?), anyway chắc chắn là hơn cả bài viết “Không có trải nghiệm, tuổi trẻ không đáng một xu” năm ngoái rồi.
Nhưng nhìn comment mới thấy buồn, đa phần các bạn hiểu sai quá sai thông điệp trong câu chuyện này. Cùng như cách các bạn đã hiểu sai thông điệp của những bậc giác ngộ khác từ xưa tới nay.
Trí óc các bạn đã quá chật chội với những tư duy cũ kĩ, lối mòn, những tư tưởng bị cài đặt, bị định hướng… đến nỗi nó không còn chút chỗ trống nào cho những tư duy mới mẻ cả. Mà chính những tư duy mới mẻ ấy mới là thứ có thể giải phóng tâm trí bạn, giải phóng linh hồn bạn. Bạn đã sống trong cũ kĩ hàng vạn kiếp rồi, và nếu bạn cứ đóng chặt tâm trí không tiếp nhận những thông điệp mới mẻ thì bạn sẽ lại sống thêm hàng triệu kiếp cũ kĩ như vậy nữa.
Đầu tiên, bạn không biết Osho là ai, và câu chuyện này là một câu chuyện có thật, không phải truyện bịa để bạn cười nhạo.
Osho là một bậc chân sư giác ngộ thuộc thế kỉ 20 – giống như Phật tổ giác ngộ hồi trước công nguyên và Chúa Jesus vào đúng công nguyên vậy – Họ đều là những bậc thầy dẫn dắt nhân loại trên con đường tâm linh – bạn có chê cười những lời dậy của Phật tổ không? Bạn có chê cười những lời rao của Chúa Jesus không? Osho cũng vậy, nếu bạn chê cười là bạn bỏ lỡ một cơ hội vĩ đại để học hỏi, để tiến hóa cho linh hồn của bạn. Bởi vì Phật và Đức Jesus đã thuyết giảng từ hàng ngàn năm trước trong những bối cảnh cổ xưa đến nỗi giờ bạn nghe chúng thấy sao mà khó hiểu. Còn Osho, ông ấy thuyết giảng dựa trên nền tảng nhận thức của con người hiện đại với những mối quan tâm hiện đại: tài sản, danh vọng, chính trị, gia đình, con cái… nên chúng cực kì dễ hiểu và một khi bạn có thể hiểu, cuộc đời bạn sẽ được khai phóng để đến với sự tự do và hạnh phúc.
Đừng chê cười một thứ chỉ vì bạn không có khả năng/chưa có khả năng để hiểu!
Phật nói bạn vứt hết tài sản đi, ném hết vào sọt rác đi, buông bỏ hết đi. – bạn có nói Phật điên không?
Đức Jesus nói hãy đưa thêm má trái cho kẻ nào tát má phải của bạn, hãy yêu thương kẻ thù của mình đi… – bạn có nói đức Jesus là nhảm nhí?
Cũng vậy thôi, Osho kêu bạn rằng hãy vứt bỏ mọi quan niệm cũ kĩ đi, nhìn mọi thứ sâu vào bản chất đi, hãy làm những gì mới mẻ khiến cho đời bạn nở hoa, khiến cho đời bạn thành lễ hội đi… (chuyện không nên kết hôn chỉ là 1 trong hàng triệu lời khuyên của ông ấy) Và bạn chưa biết ông ấy là ai, bạn chưa hiểu được ý của ông ấy là gì, bạn chưa từng đạt tới cấp độ về tâm thức đủ để nhìn ra những sự thật về cuộc đời bạn đang sống.
Ấy thế mà bạn vội phán những điều này là ngớ ngẩn, là nhảm nhí, là ngu si ư?
Phật từ bỏ gia đình vợ con từ khi đi tu tập, Đức Jesus không kết hôn và nói với mẹ mình “bà không phải mẹ tôi”, Lão tử cũng không kết hôn chút nào… bạn có nói họ ngu ngốc không?

Từ khi nào mà bất cứ thứ gì bạn không thể hiểu bạn đều cho là nhảm nhí, là ngu ngốc?
Từ bao giờ bạn còn sáng suốt hơn cả các chân sư của nhân loại?
Bạn nhìn mọi thứ theo quan điểm của những nô lệ – nô lệ của xã hội, họ nhìn mọi thứ theo quan điểm của một người tự do. Và bạn là con chim trong lồng chửi những con chim đang bay lượn trên trời là ngu ngốc?
Tôi thật với các bạn là tôi chán giải thích lắm, trí óc các bạn kín quá nên không chỉ tôi mà đến Thượng đế cũng không chen vào đó được nữa. Tôi chán giải thích nhưng cũng không muốn các bạn hiểu lầm rồi tự đi vào ngõ cụt.
Chắc phải viết thêm một lần nữa về thông điệp này: tại sao kết hôn là một việc ngu ngốc – cái nhìn dưới góc độ của một bậc giác ngộ.