Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Tư duy người Trung Quốc trong mắt một người phương Tây

Đạo đức là phải nói lên sự thật, nếu như sợ sự thật làm tổn hại danh dự quốc gia mà phải nói lời giả dối, vậy thì người Trung Quốc có nên oán trách nếu người Nhật Bản muốn tìm cách che giấu hành vi xâm lược của họ không?
Ông Lexus, một người Đức từng du học ở Trung Quốc vừa có phát ngôn gây tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Ông Lexus nói: trên weibo, ông thấy người Trung Quốc rất khó hiểu, dường như ông nói gì cũng bị người Trung Quốc chửi bới. Ông còn đề cập một hiện tượng: “Những bài viết bị gỡ bỏ trên weibo đa số là vì có người tố giác. Tôi cảm thấy mọi người luôn rình rập lẫn nhau, thật khó hiểu. Chúng ta chỉ nên tố giác phần tử xấu xa khủng bố. Còn đối với người khác quan điểm mà hành động như thế là hỏng bét, hệ quả là mọi người tự tạo thành thói quen kiểm duyệt chính mình, những điều nên nói lại không dám nói, gặp ai cũng phải cảnh giác”.
Ông Lexus cảm nhận, trên weibo người ta chỉ tìm cách chụp mũ và chửi nhau. Dường như nhiều người Trung Quốc không kể lý lẽ, không thích nghe nói lý sự… Phải giải thích về vấn đề này như thế nào?

Lý giải của Lexus

Thứ nhất, chuyện người Trung Quốc bất cần logic và đạo lý dường như bắt đầu có từ thời học tiểu học. Ví dụ, nếu học trò đánh nhau sẽ bị thầy cô mắng: không bao giờ làm được việc gì tốt đẹp! Đạo lý ở đây là: người tốt sao lại đánh nhau? Rõ ràng đây là thứ logic hoang đường, nhưng người Trung Quốc sợ phiền phức nên không muốn tìm hiểu để nhận rõ thị phi, cuối cùng không cần phân định ai đúng ai sai, cứ đánh mỗi đứa 50 thước cho “công bằng”. Nhưng thứ logic này ngày nay rất phổ biến ở Trung Quốc.
Về năng lực tư duy logic của người Trung Quốc, ông Lexus nói, tư duy logic của người Trung Quốc có vấn đề. Đừng nói học trò và nhà giáo, ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều khi cũng cứ như thiếu những hiểu biết thông thường. Ví dụ có người hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều luật nào của quốc gia cấm phóng viên nước ngoài đến khu vực nhạy cảm săn tin? Người phát ngôn kia đã đáp lại rằng “Đừng lấy luật pháp ra làm lá chắn”. Câu trả lời này không chỉ thể hiện ý thức kém cỏi về pháp luật, còn cho thấy thứ văn hóa không màng gì đến lý lẽ, thích dùng quyền lực thay cho lý lẽ.
Ngoài ra, người Trung Quốc còn có logic kiểu “biện chứng”, loại này thường hay xuất hiện trong ngôn từ của những dư luận viên trên mạng, ví như khi họ vừa thấy có ai đó ca ngợi nước Mỹ hoặc tán thành di dân ra nước ngoài là họ hét lên “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Hoặc những phát ngôn như, “xã hội chuyên chế dĩ nhiên không tốt, nhưng xã hội dân chủ cũng không thấy có điểm nào hay ho”.
Khi cho rằng cái gì cũng có ưu có khuyết thì cũng có nghĩa không còn phân biệt vấn đề tốt hay xấu nữa. Tư duy này rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, đây là kiểu tư duy không phân biệt đâu là nặng hay nhẹ, là chủ yếu hay thứ yếu. Loại người tư duy kiểu này thường nói: trên thế giới này không có gì tuyệt đối, vì thế không có gì là quan trọng. Những dẫn chứng cho trường hợp này đếm không xuể. Nhiều người Trung Quốc không tập trung vào logic của vấn đề tranh luận mà bắt đầu từ lập trường cố hữu (định kiến) của mình và kết thúc bằng việc công kích cá nhân người kia, hệ quả là từ tranh luận lý lẽ biến thành hai bên chửi rủa nhau.
Thứ hai, có khi hiểu lý lẽ nhưng nói không được vì bên kia không quan tâm đến lý lẽ. Ví dụ trong thời Cách mạng Văn hóa có câu nói kinh điển: “Nói Cách mạng Văn hóa tốt nghĩa là tốt”. Đại Cách mạng Văn hóa tốt ở chỗ nào không rõ, nhưng nghe tuyên truyền thường xuyên là tốt, như vậy có nghĩa là tốt.
Ở Trung Quốc, người có tri thức có khi lại chỉ để dùng vào việc đánh lạc hướng người khác. Vì thế nhiều phát ngôn của các chuyên gia khiến người ta phải “trố mắt líu lưỡi”. Nào là khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc không có gì đáng ngại, khoảng cách giàu nghèo càng lớn thì càng kích thích phát triển kinh tế. Nào là hủ bại có ích cho phát triển kinh tế. Nào là lạm phát của Trung Quốc chủ yếu là vì đồng Đô la Mỹ mất giá… Vô số người động một chút là chửi người khác là Hán gian, bán nước, hận không thể xẻ thịt lột da đối phương. Trong tiềm thức, những người này muốn mượn sức mạnh chính trị giúp bản thân giành thắng lợi trong tranh luận, đây là loại người vô cùng hèn hạ.
Về mặt tâm lý, không nghi ngờ gì, kiểu chửi người khác này chính là phép thắng lợi tinh thần. Khi chửi người khác là ngu si thì kẻ chửi kia có cảm giác được ở tầng bậc cao hơn, qua đó cảm thấy tinh thần vui vẻ… Bi đát hơn, có những người lời hồ đồ phát ngôn trên truyền hình mà lại được nổi danh. Ví dụ, khi Nhuế Thành Cương (MC truyền hình nổi tiếng Trung Quốc đã bị bắt giam) đón Gary Locke đến Trung Quốc nhậm chức bằng vé máy bay Hạng phổ thông đã nói: để nhắc nhở người Mỹ còn nợ tiền Trung Quốc. Những ai có chút hiểu biết về kinh tế đều hiểu rằng, mua trái phiếu của Mỹ là một kiểu đầu cơ, vì số ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc kiếm được từ hoạt động xuất khẩu không thể cứ để yên trong ngân hàng cho nên cần tham gia vào các kênh đầu tư. Nếu anh muốn thể hiện bất mãn chuyện mua trái phiếu của Mỹ thì nên kháng nghị tại cơ quan quản lý ngoại hối chính phủ chứ không nên châm biếm Đại sứ Mỹ đến Trung Quốc nhậm chức. Không nên vì chuyện Trung Quốc mua trái phiếu của Mỹ mà làm dáng kiêu căng, hành xử như vậy không chỉ cho thấy bản thân vô văn hóa mà còn để lộ thiếu kiến thức hiểu biết thông thường.
Thứ ba, trong tâm lý người Trung Quốc chỉ chú trọng đến uy quyền, coi nhẹ chân lý, đa số người Trung Quốc đi học không vì tìm kiếm chân lý mà vì tìm kiếm quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị, sau đó là quyền lực đối với những người thân trong gia đình, thứ nữa là quyền lực “có văn hóa”.
Ở Trung Quốc, pháp luật đứng dưới quyền lực, còn đạo lý càng không đáng để bàn luận. Người Trung Quốc có câu, “Tú tài gặp quân nhân, có lý nói không ra”. Vì thế mà xảy ra vô số chuyện phi lý và bi hài trong hệ thống quyền lực Trung Quốc hiện nay. Có những nơi nếu bạn nói lý với họ thì họ sẽ giở trò lưu manh với bạn; bạn lưu manh với họ thì họ nói chuyện pháp luật với bạn; bạn nói pháp luật với họ thì họ lại nói chính trị với bạn… Truyền thông từng đưa tin một trường hợp bị cảnh sát chặn xe phạt, người lái xe hỏi phạt vì lý do gì, cảnh sát chỉ nói: phạt gấp đôi! Hay có trường hợp một người đi nói chuyện phải trái với Bí thư Chính pháp, Bí thư Ban Chính pháp nói: môi trên của tôi là trời, môi dưới là đất, tôi chính là pháp luật…
Thứ tư, vì thiếu tư duy logic nên người Trung Quốc không có khả năng tự phản tỉnh, vì thế mà đối với nhiều người Trung Quốc, có thể nói “gì cũng hiểu, gì cũng biết, gì cũng dám tin, gì cũng dám nói”. Loại logic này đưa loài người vào chiến tranh và khổ nạn, đặc biệt là khi người lãnh đạo quốc gia mà bất cần lý lẽ, chỉ biết có quyền lực. Ví dụ có thống kê chỉ ra 90% phát ngôn của Hitler là các nhận định, nhưng tỉ lệ hợp lý chưa tới 10%! Hoặc có thể dẫn ra những kiểu tư duy phi lý hay niềm tin vô căn cứ như trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã gây ra bao nhiêu tội ác: nếu kẻ thù phản đối thì chúng ta nên ủng hộ; nếu kẻ thù ủng hộ thì chúng ta nên phản đối.
Lại ví dụ, khi nói đến lịch sử cận đại, người Trung Quốc thường cho rằng nỗi nhục của họ do chủ nghĩa đế quốc gây ra, bọn đế quốc luôn ức hiếp Trung Quốc, chúng quá tàn nhẫn, quá tham lam. Mỗi khi chiến tranh thất bại thì Trung Quốc lại nói do vũ khí người ta quá tiên tiến, vũ khí chúng ta quá lạc hậu, rất ít người xem lại những sai lầm và khiếm khuyết của mình. Ai có ý phê bình thì lo sẽ bị quy là phản quốc, bị mọi người lên án, nguyền rủa. Ở đây không chỉ do nguyên nhân chính trị, quan trọng hơn là người Trung Quốc thiếu khả năng tự kiểm điểm lại mình, không thích bị phê bình, đa số mọi người thường cảm thấy khó chấp nhận khi nghe những lời không tốt về mình. Đặc biệt khi nói về thời kỳ Cách mạng Văn hóa, mọi người thường quy tội ác vào sai lầm của một số lãnh đạo, là âm mưu của một thiểu số người chứ không chịu tự phản tỉnh về những nguyên nhân sâu xa hơn, như tính cách dân tộc, chế độ, nền văn hóa, tư tưởng. Dường như mọi người đều là người vô tội, đều là người thanh bạch. Trong thời kỳ này có vô số người bị đấu tố, bị giam cầm, đánh chết, lăng nhục, hãm hại, phải tự sát; nhưng càng có nhiều hơn những kẻ đi mật báo, đi ức hiếp, giết chóc và làm nhục người khác. Trong khi vài chục năm qua rất hiếm khi nghe chuyện có người tự trách đã từng làm mật báo, làm đấu tố, giết người… cho dù vô số những kẻ từng làm việc này đang sống ung dung tự tại, thế nhưng lại luôn tự cho bản thân vô tội, thanh bạch, những sai lầm toàn là do người khác gây ra…
Khi nói lý lẽ phải đứng ở góc nhìn khách quan, không thể thay đổi quan điểm vì lợi ích vị kỷ. Hugo tiên sinh từng phẫn nộ lên án liên quân Anh Pháp cướp bóc tại Vườn Viên Minh, thậm chí chửi đồng bào của mình là giặc, nhưng có ai vì thế mà dám lên án ông phản quốc? Đạo đức là phải nói lên sự thật, nếu như sợ sự thật làm tổn hại danh dự quốc gia mà phải nói lời giả dối, vậy thì người Trung Quốc có nên oán trách nếu người Nhật Bản muốn tìm cách che giấu hành vi xâm lược của họ không?

Theo Kiệt Phu – Mộc Vệ biên dịch
-----------------------------------------------------------
Xem thêm : 

9 câu ngụy biện điển hình của người Việt (http://quangdonquixote.blogspot.com/2016/11/trithucvnnet-9-cau-nguy-bien-ien-hinh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét