Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Nguyễn Thùy Dương : Sống nghèo, chết khổ (3)


Với lý do có quá nhiều đọc giả đọc phần đầu cứ hồi hộp khúc cuối. Mà nếu viết hết truyện này phải tầm 10 chương nên mình (Nguyễn Thùy Dương) rút lại viết 3 chương cuối. Nói về người con gái chung duy nhất của hai ông bà Bảy còn sống sót sau nhiều tai nạn, dịch bệnh.***
…Cô Tiếu ngồi ở bờ mương nước mắt tự nhiên chảy ra. Cô không khóc mà cũng không biết tại sao lại như vậy. Từ hôm qua tới hôm nay, cô không có hột cơm bỏ bụng. Cô đi năn nỉ mấy chỗ bán nhu yếu phẩm bán cho cô một hộp sữa đặc. Hay bán cho cô một ít thôi cũng được, cô trả gấp đôi, gấp ba tiền. Dù cô nghèo nhưng cũng ráng gom hết tiền đi mua sữa đặc cho ba mình - ông Bảy. Ông Bảy bệnh nặng lắm, chắc không qua nổi ngày mai. Từ lúc nhà nước mở ra Hợp Tác Xã bắt ông hiến đất, ông đâu có chịu, ông nói :"đất của tui có gần chục mẫu, dân nghèo xin tui cho bớt bây giờ còn có năm mẫu mấy. Hiến nữa là sao sống được? Mỗi nhân khẩu mấy ông chia 900 thước thì chỉ có chết thôi. Tui hổng hiến gì hết". Họ đưa gia đình ông Bảy vào diện bất hợp tác với chính quyền. Họ kiểm tra nhà liên tục vì nghi ngờ có chứa phản động. Ông Bảy tức lắm vì họ không bán phân bón cho ông, ông làm gì họ cũng làm khó. Ông chửi thẳng luôn: Mịe! Tụi mày, anh em cháu tao chết sạch. Cả dòng họ tao chết hết vì đi theo tụi bây. Dòng họ bên vợ tao cũng chết vì nghe tụi bây, tao có một đứa con gái một là con Tiếu, cũng để theo tụi bây đưa đường, đưa tin, đưa đạn dược tới mức tù đày mang tật. Mà bây giờ, bây ăn ở như vậy, bây phải người không?
Chửi thì chửi vậy, qua năm sau ông cũng bị ép vô Hợp Tác Xã. Từ hồi vô HTX, ông Bảy xuống sắc rõ, ông không mần ruộng nữa mà để hết cho cô Tiếu và mấy đứa cháu ngoại mần. Ông chỉ ngồi nhìn ruộng rồi đôi mắt già nua đỏ lên, ông vấn thuốc hút, vừa hút vừa cười sằng sặc, nước mắt tuông ra. Ông lấy cái khăn rằn lau mặt, đứng lên chống gậy về, vừa đi vừa nói mấy câu trong vô định : Vô ơn là lính, bạc nghĩa là làng.
Đất của ông Bảy đo được năm mẫu hai. Họ trừ đủ thứ còn lại bốn mẫu tám. Họ cấp cho nhà ông một mẫu hai với công khai hoang là năm công nữa. Vị chi được một mẫu bảy. Một công mần trúng lắm thì cũng chỉ được 20 chục giạ một mùa. Đằng này chiến tranh kết thúc thì hạn hán xảy ra, phân bón không có đói nghèo một năm. Qua năm sau lúa trúng hai mùa tưởng đâu có được chén cơm đủ ăn thì họ chở lúa đi hết. Họ cấp phát lúa theo đầu người, dùng lúa trả công cho công thợ. Lỗ lãi ra sao dân không biết.
Nửa đêm ông nghe tiếng bước chân, tiếng mở cửa nhà, ông hắng giọng. Người kia lên tiếng : "tui nè ba." Ông Bảy giở mùng chui ra, thấy con gái ướt như chuột, quần săn ngang gối : "Bây đi đâu giờ này về"
- Tui đi ra ruộng, ăn trộm lúa. Lúa của mình, để mai mốt cắt rồi họ chở đi hết.
Bà Bảy kêu con đi thay đồ. Hai ông bà nhìn nhau nằm xuống ngó lên nóc mùng. Đèn dầu tắt rồi mà hai cặp mắt già nua còn mở trừng trong bóng tối. Con mình phải đi ăn trộm trên chính mảnh đất còn lại của gia đình, trên chính lúa nó trồng ra. Nếu bị bắt còn có thể bị ở tù. Hồi xưa, con ở tù một lần ở Chí Hoà vì tình nghi hoạt động Cộng Sản ông bà đã sợ lắm rồi. Khi con đi nó bình thường khi nó về mắt đã lệch đi vì bị chích điện, bị tra tấn. Tội hoạt động Cộng sản là nghiêm trọng lắm. Người phụ nữ nhỏ bé đã nhất quyết không khai một lời nào về Đồng Bưng Sáu Xã, về những ai đang hoạt động đưa tin từ Cát Lái, Bình Trưng tới Đồng Bưng. Những đòn đánh dã man vì lính VNCH đã có gần như đầy đủ bằng chứng hoạt động của cô Tiếu. Đặc biệt người chiêu hồi đã khai rõ Tiếu giấu thùng đạn trong đống cỏ chở đi, mắc nối đưa tin đắc lực, giữ các thông tin về mắc xích hoạt động. Gia đình có một dòng họ bên nội kháng Pháp chết sạch, bà ngoại bị giết vì tiếp tay Việt Minh, cậu là công chức Pháp lại dẫn Việt Minh về đánh bót Pháp, sau chết mất xác. Cô Tiếu nhớ lại mỗi lần nghe tiếng cán bộ mở cửa là tim treo lên cổ, là ám ảnh khủng khiếp, gai óc nổi lên. Hai tháng tra tấn liên tục mà ko lấy được tin gì. Nha cảnh sát Chí Hoà phải thả cô Tiếu ra, cô không biết đường về. Lúc họ bắt cô ở nhà, còng lại rồi chở đi. Cô không biết mình bị chở đi đâu. Từ nhỏ, cô chỉ quanh quẩn ở huyện Thủ Đức chứ chỗ này lạ lắm. May sao cô gặp một bà Đầm, bà cho tiền mướn xích lô chở về tới bến Bạch Đằng, cô đi đò về Thủ Thiêm, rồi đi bộ về nhà. Bữa đó, thấy con Bà Bảy đã khóc nhiều lắm. Bà tưởng đời này bà mãi là tre già khóc tiễn măng non. Khuya đêm đó, cán bộ ghé thăm nhiều lắm. Họ động viên hỏi thăm coi cô khai gì, cô có tính chiêu hồi không? Họ nói năng thâm tình lắm tới gần sáng mới rút đi.
*******
Cô Tiếu vẫn thẩn thờ. Tại sao hồi ba mình cầm đèn dẫn lối cho họ đi trong đêm hành quân, nấu cơm cho quân ăn không ai đòi ba mình giấy chứng nhận. Mà bây giờ, ba mình sắp chết rồi, họ đòi giấy chứng nhận của bác sĩ họ mới bán sữa. Mà bác sĩ đâu chịu vô cái vùng heo hút này để khám, ba mình lại không nằm xe bò nổi. Cô nhớ thùng sữa hộp quan Pháp cho ba mình lúc quan tới thăm kêu nhà cô đi qua Pháp khi họ rút về nước. Ông Bảy từ chối vì không muốn bỏ mồ mả ông bà, bỏ anh em chiến sĩ. Ông quan vỗ vai ba cô rồi đi. Ông nói không biết còn có cơ hội gặp lại không. Bây giờ thì cô Tiếu chắc rồi không bao giờ gặp lại.
Chiều hôm đó, nhằm ngày 23 tháng chạp năm 1979, ông Bảy tắt thở mà không được uống một giọt sữa nào trong cơn thèm của người sắp chết. Đứa cháu ngoại lớn đang đi nghĩa vụ không kịp về nhìn mặt ông ngoại lần cuối. Trước khi đi ông Bảy dặn con : "Tiếu! Ruộng của ba khai hoang, kêu họ trả đủ lại cho mình nghe con. Của ba để lại cho con nghe Tiếu. Ráng lo cho má nghe con"
Ánh mắt tật nguyền của cô Tiếu không rõ là căm giận hay đau thương. Cô không khóc, cô chỉ nắm tay ba mình. Cô nhớ ba cô từng nói: Tao khổ nhiều rồi đặt bây tên Tiếu cho bây vui cười cả đời. Tiếu là cười mà sách nho viết vậy.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Nguyễn Thùy Dương : Sinh nghèo, chết khổ (2)


Ngã ba sông
Ngày hôm sau, dù là sợ nhưng ông Bảy cũng tới phủ quan trong thành Cát Lái. Gặp quan ông khúm núm chắp tay xá hai Quan. Quan Việt nhai trầu, Quan Tây phì phèo điếu thuốc phất tay ra hiệu cho ông Bảy nói chuyện:
- Dạ, thưa hai quan. Hôm bữa trước, con có tới xin ruộng. Được hai quan cho, con mừng lắm. Hai vợ chồng con nhờ bà con phụ mần cỏ, dọn bàng cũng được khá khá, ngặt nỗi. Vợ chồng con nghèo, có đứa con gái nhỏ, vợ con thì bầu bì. Tình thiệt với quan, tụi con phải đào củ mài ăn qua ngày. Nay qua đây xin quan thương cho con xin lúa giống về làm tiếp.
- Mày mần được mấy mẫu rồi? Hồi giờ, mày có mần ruộng chưa? Tao nghe lính báo mày khai hoang gần mé sông.
- Thưa quan lớn! Sáu mẫu hơn. Hồi giờ, con chỉ chăn trâu bò, cắt cỏ, mần mướn thôi quan. Con tính khai gần mé sông cho đỡ dẫn nước thưa quan!
- Ừa! Liệu mà làm, ba năm hông đóng thuế là tao lấy lại ruộng. Tao cho mày hai chục giạ lúa, dư để làm giống. Còn thì để cho vợ con làm cái ăn, mần mà gặp Việt Minh ở đâu về báo quan chưa?
- Dạ, thưa quan! Việt Minh ra sao quan? Con hổng biết.
- Mày về thấy người lạ lúp lén báo tao. Thôi đem lúa về đi.
Ông Bảy xá hai quan rồi theo chú lính qua cổng sau lấy lúa. May sao có xe bò dân đi qua, ông gửi nhờ đi về chứ làm sao mà vác cho nổi. Bà Bảy thấy xe bò bỏ lúa xuống bà mừng lắm. Bữa đó, nhà ông bà có một bữa cơm trắng với cá lóc kho, rau muống luộc.
Mùa lúa năm đó, ông Bảy không trúng lắm nhưng cũng đủ ăn, đủ sống. Ruộng gần sông tiện thì có tiện về con nước mà khổ cũng khổ vì con nước. Ông lên quan xin khai khúc ruộng trên rồi chịu khó khai nước lên làm dưới này đắp lại bờ không cũng muốn chết. Xong mùa lúa cũng là lúc bà Bảy đẻ được cho ông đứa con trai đầu. Ông cưng lắm, vừa được con trai. Trong nhà vừa có cái bồ hơn ba trăm dạ lúa. Ông vừa lo chợ búa, vừa khai ruộng trên, làm ruộng dưới, đi sớm về khuya. Ra tháng bà tự lo được, ông với mấy anh em trong xóm phụ nhau làm dần công. Mãn mùa năm đó, ông mua được hai con trâu. Ruộng trên thì qua mùa lúa năm sau là làm được. Cách năm sau đó bà Bảy đẻ được đứa con trai nữa. Cũng năm đó, dịch trái rạ bùng phát. Đứa con gái lớn may mắn qua khỏi nhưng hai đứa con trai nhỏ không qua nổi. Bà Bảy ngồi nhìn con như vô hồn, bà không chịu cho ai đem con bà ra đồng chôn. Ông Tám em trai bà đứng ôm vai chị: Chị Bảy ơi! Đừng buồn mà. Tui thương chị mà chị Bảy! Tui cũng thương thằng Tí với thằng Tèo nữa.
Bà Bảy như manh lá chuối khô quắt queo trong gió, ông im lặng hút thuốc. Xóm không có thầy chùa, phải qua xóm trong kiếm thầy. Hòm đóng bằng mấy tấm ván đóng lại. Ông Bảy đem con đi chôn ở đâu bà cũng không biết. Năm sau, ông bà trúng lúa đóng đủ thuế lúa cho quan. Trong nhà lúa ngàn giạ. Ông Bảy qua sông về quê thăm anh chị em, gói ghém mua mấy bao thuốc vấn cho anh em trai, sấp vải cho chị hai.
Ông về tới nhà ông Sáu đã giữa trưa. Ngồi hút điếu thuốc, uống ly nước trà rồi thủng thẳng nói chuyện. Đêm đó, ông ngủ lại nhà ông Sáu. Nửa đêm có tiếng gõ cửa, ông Bảy ngủ ở nhà trên lên tiếng: Ai?
Ngoài kia im bặt, ông Sáu bưng đèn dầu ra dấu cho ông Bảy giữ im lặng rồi nói nhỏ: "Thằng con lớn của anh Năm với chú Tám mình. Họ đi Việt Minh, ban ngày Tây lùng dữ lắm. Tối mới về đây"
Ông Sáu mở cửa hé cho đám người mặc đồ đen đi vô. Người có súng, người có dao. Vợ chồng ông Sáu dọn cơm ra cho họ ăn, cửa đóng chặt lại. Ánh đèn dầu loe loét sáng, ăn xong họ nói chuyện gì mà ông Bảy không rõ. Họ rút đi, ông Tám với thằng Hai ở lại nói chuyện với ông Bảy:
- Sao tụi mày đi theo Việt Minh, phạm pháp , quan bắt chết, sống chui nhủi như vậy nữa.
- Anh Bảy à! Để giặc Tây trên đất nước mình mới là phạm pháp, phạm cái pháp làm người, cái pháp quân tử với ông cha. Tây họ đâu phải người mình đâu anh Bảy. Tui mấy lần qua bên anh, ngặt nỗi tui thấy anh thân với quan Tây quá tui hông ghé. Quan Tây cho anh ruộng để mần chẳng qua lấy lòng dân, bình định lòng dân thôi chứ họ thương gì dân mình. Mình tiếp tay cho Tây là phường phản quốc đó anh Bảy!
Ít học thiệt nhưng nghe tới chữ phản quốc là ông biết rất nghiêm trọng. Ông hỏi ông Sáu:
- Vậy tao làm sao để không phản quốc?
- Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách, mỗi người phụ một tay, hi sinh một chút để quốc gia sớm ngày độc lập. Nhiệm vụ tui sẽ báo anh sau. Hẹn anh đêm mùng 1 tháng sau , tui sẽ ghé thăm anh.
Ông Sáu với thằng Hai đi rồi ông Bảy ngồi châm thuốc hút, một lát cũng ngã lưng lên tấm ván chợt mắt. Sáng ra ông về sớm, phần vì lo vợ con, trâu bò ở nhà, phần vì nhiều suy tư. Ghe qua tới bến sông, ông đi vô xóm. Vừa đi vừa lên tiếng : "Hai à! Siêng à!"
Đứa con gái nhỏ chạy ra ôm chân ông. Ông đồng đồng con gái lên cổ đi vô nhà. Ông cởi áo dài, máng lên sào, lấy đôi guốc trong giỏ ra bỏ lên kệ. Đời nghĩ cũng ngộ mang guốc cho khỏi đau chân, dậm gai. Mà mang thì sợ mau hư nên không kẹp nách thì cũng bỏ trong giỏ xách. Ông vấn thuốc rê hút rồi hỏi bà: "hai bữa rày, ai coi trâu bò?"
- Tui nhờ cậu Tám coi dùm, cẩu được nghỉ học mấy bữa. Tui nấu cơm đem ra cho công cấy họ ăn. Cậu Tám giờ lớn bộn, cao hơn tui luôn, tiếng Tây nói cũng rành. Hôm qua, quan xuống thăm xóm, cẩu ra nói chuyện chạy ro ro. Quan khoái lắm. Cẩu nói, nửa mà cẩu lớn cẩu đi lính như quan Tây.
Ông Bảy nghe như sét đánh ngang tai! Ông thở dài rồi vô nhà trong nằm. Ông nghĩ tới ngày ăn củ mài của hai vợ chồng, ông nhớ vẻ hoảng sợ của bà Bảy khi nước vô lở bờ, ông nhớ ngày bà lấy ông cả người toàn dấu đòn roi, ông nhớ ánh mắt đẹp mà vô hồn của bà ngày chiếc xe bò chở hai cái hòm đi. Ông muốn bà sung sướng, ông muốn bà vui vẻ sau bao nhiêu đau khổ mà sao khó quá. Cái câu: Quốc gia lâm nguy thất phu hữu trách và hai chữ phản quốc cứ lởn vởn trong đầu ông. Đời! Sống khó lắm! (Còn tiếp…).

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Nguyễn Thùy Dương : Sinh nghèo, chết khổ (1)

Lời Nguyen Dang Hung: NỮ KIỆT THỦ THIÊM - Tác giả chiến tích “Toma-dép”, Nguyễn Thùy Dương viết về gia đình mình qua bao nhiêu năm tháng, thăng trầm khổ ải trên giải đất tổ tiên!
Thật bất ngờ! Một giọng văn Nam Bộ ngọt ngào như nước nguồn sông Đồng Nai!
Những câu văn ngắn, rắn chắc, chân tình như lục bình trôi về biển, như trần tình trước nhân dân!…
*** Duyên phận cùng khổ
Ông Bảy có 7 anh chị anh. Chị lớn lấy chồng còn lại sáu anh em trai ế vợ đều hết do nghèo quá không ai lấy. Theo phong tục miền Nam , ông Bảy dù thứ 7 nhưng là con thứ 6 trong nhà. Má ông Bảy đẻ ông Tám khó quá nên lìa đời. Hai năm sau, ba ông cũng đi chầu ông bà. Chị Hai nghèo ráng lo thằng Tám còn lại mấy anh em đi ở mướn cho nhà giàu. Ông Bảy đi ở hồi 7-8 tuổi, còn nhỏ chỉ phụ cắt cỏ, gieo hột giống, phụ việc vặt trong nhà chủ kiếm cơm. Chủ thương cho học được học chữ nho để đọc được thôi, về sau ông được học lỏm them được thêm chữ Việt. Vậy là ông biết hai tuồng chữ, đọc thì được viết như cua bò. Sau lớn lên ông thích tuồng chữ Nho hơn, coi hát đình quệt cho nó oai.
Năm ông Bảy hơn 10 tuổi, chủ giao ông chăn bò, chăn được chục năm thì ông lấy vợ. Vợ ông Bảy là cô ở đợ chung nhà luôn. Năm sau, bà Bảy đẻ được thằng con trai coi bộ cũng được lắm. Ông sáng lùa bò ra đồng, đi chợ về nấu cơm cho vợ. Nhưng ai có dè bà Bảy ở nhà chờ đói quá, bà ra sau nhà thọc (hái) trái đu đủ chín hòm hòm vô gọt ăn. Ông Bảy đi chợ về nghe con khóc dữ, chạy vô thì vợ sùi bọt mép cứng đơ rồi. Đám ma bà Bảy diễn ra đơn giản, ông Bảy xin nghỉ ôm con đi xin sữa. Đứa nhỏ thiếu sữa, bịnh ngặt ko lâu cũng chết. Ông Bảy buồn xin chủ cho nghỉ, ông bán mấy con bò. Bị vì hồi đó chăn lâu nên ông bà cho con bò cái già, nó đẻ được mấy lứa. Ông nhập chung bầy bỏ chủ chăn luôn. Ông lãnh lương cũng được một mớ, ông chia cho mấy anh em, rồi quẩy giỏ bỏ xứ mà đi. Năm đó, ông mới hơn 20 tuổi. Mang tiếng bỏ xứ chứ cũng ko xa lắm, cách có con sông thôi. Bỏ từ thành Tuy Hạ qua Cát Lái (đi xa ghê, cách 5 cây số 😂😂😂).
Ông Bảy bỏ xứ đi mần mướn tiếp. Ông cứ cặm cụi mần không để ý chuyện vợ con, bao nhiêu tiền ông đi đá gà, đá cá. Chơi hết tiền thì thôi, không trộm cắp ai hết. Nhà ông Bảy ở kế bên một nhà làm thuốc. Thầy thuốc nhà đó già rồi, thiên hạ đồn có tay phục dược dữ lắm. Gia đình giàu có quan trong huyện cũng phải tìm tới. Nhà đó có đứa cháu ngoại coi cũng ngộ. Con nhỏ hay chạy chơi vòng quanh mấy bụi bông trang, da trắng phau, mắt to tròn, mũi thanh thấy thương lắm. Mấy bữa đi đá gà về ông Bảy hay mua cho nó mấy cái bánh. Con nhỏ khoái lắm.
Rồi nhà con nhỏ phá sản, ông ngoại nó khám bịnh cho quan. Dần lâu sa đà vô bàn đèn, thuốc phiện, gia sản bán hết, không ai tới khám. Ông ngoại nó chết vừa chôn người ta siết nhà luôn. Cả gia đình mười mấy người dọn ra bờ ruộng ở, nhà làm thuốc nên không trữ ruộng. Tới lúc bại sản không có nổi công ruộng để mần. Nên đi cắt cỏ bàng, cỏ lát về đan đệm, đan giỏ. Con nhỏ lớn lên đẹp lắm, nó cao nhong nhỏng. Ông Bảy đứng tới mang tai con nhỏ. Nó lớn lên lấy chồng gặp phải thằng âm hồn, con nhỏ sanh đứa con gái. Thằng chồng bỏ tại hổng biết sanh, trước đó thằng chồng lấy hai bà vợ đều sanh con gái. Con nhỏ năm đó mới 18, trẻ măng như bông chớm nở, ôm đứa con gái khóc không nên tiếng. Đêm ông Bảy nằm nghe đứa nhỏ khóc mà tội. Ông nhớ thằng con trai ông, năm đó nó cũng khóc như vậy, rồi lịm dần trên tay ông. Được đâu một tháng sau khi, cô Bảy hàng xóm bị chồng bỏ. Ông Bảy mê đá gà bên này bỏ đá gà, qua xin chắp nối với cô Bảy (đây gọi là gì nếu không gọi là lợi dụng thời cơ 
😜😜😜).
Nhà cô Bảy đan chiếu mừng húm. Có thằng rước dùm đỡ miệng ăn, nghèo quá mà. Ngặt nổi cô Bảy hông chịu, do anh Bảy lớn hơn cô 18 tuổi. Má cô Bảy đánh cô dữ lắm, roi phướn đánh tím mình mẩy. Cuối cùng cô chịu về ở với ông Bảy, ngày theo chồng cô Bảy chỉ quẩy cái giỏ mấy bộ đồ cũ, ôm theo đứa con nhỏ.
Ông Bảy tính tới tính lui. Hồi đó, một mình ênh sao cũng được giờ có vợ con phải lo cho vợ con. Ông được người chỉ đi xin ruộng quan Tây. Nào giờ, ông có biết quan Tây đâu. Ông sợ Tây lắm, Tây nó lớn lắm, tóc cũng khác màu. Ông cũng đánh liều ra đồn Cát Lái xin ruộng. Hên sao, ông gặp quan Việt với quan Tây. Ông thấy đỡ lo, có quan Việt là mừng. Ông nói qua hoàn cảnh rồi cũng thiệt tình kể qua có người chỉ qua xin ruộng. Quan Việt nói gì đó với quan Tây, ông Tây nghe xong cười haha, rồi lại nói gì đó với ông Việt. Hai ông cùng cười, cuối cùng ông Việt nói lại :
- Đất gì là đất xin, đất này là của trời đất. Mày khai được tới đâu, cho tới đó. Miễn thuế 3 năm đầu.
Ông Bảy mừng quá, bái lạy lia lịa. Quan Việt tiếp lời:
- Mày biết mấy tuồng chữ.
- Dạ, thưa quan. Con biết hai tuồng chữ mà rành chữ nho hơn. Có điều con biết đọc thôi à!
- Mày đỡ hơn thằng hồi nãy. Mày tên gì?
- Dạ, thưa Quan. Con tên Nguyễn Văn Cát, tên thường kêu là Bảy Hạt. Vợ con là Nguyễn Thị Siêng, tên thường kêu là Bảy Siêng.
- Mày nghèo là đúng rồi. Siêng cỡ nào cũng số hột cát à con. Dìa đi!
Ông Bảy bái quan rồi dìa. Cái ông lo là lấy gì ăn trong lúc khai hoang? Vợ thì còn con nhỏ?
Kể từ bữa đó, ông nghỉ đi ở. Ông lên rừng đào củ mài về luộc đem theo ra đồng cắt cỏ khai hoang. Bà Bảy ban đầu ở nhà sau thấy chồng cực quá cũng ra đồng phụ. Ông bà bẻ tràm dựng cái lều nhỏ bỏ con trên bờ còn mình đi cắt cỏ. Ông lựa khoản đất gần chỗ nước dô ra cho có nước. Lần đầu, ông bà bắt tay mần ruộng. Vợ chồng ăn củ mài thay cơm. Đứa con thiếu sữa ốm nhách. May sao, bữa đó thằng Chín đi ngang. Nó hỏi:
- Chú Bảy! Cơm đâu mà chú thím hổng ăn, đi ăn củ mài chi cho khổ dạ?
- Gạo đâu mà ăn, hổng ăn củ mài cho đói hả?
- Hông có thì đi xin, tía con cũng xin mà. Hồi đó đói y như chú thím đi xin lúa về ăn.
- Ở đâu mà xin?
- Quan Tây chứ đâu trời, quan thiếu gì lúa!
Ông bà Bảy hết hồn nhìn thằng Chín
******* còn tiếp (cuộc vực dậy như mơ, bước đầu theo Việt Minh)

Do Hung - Người nhà quê : XÓ ĐỜI


(Truyện ngắn của Do Hung - Người nhà quê)
” Ngậm mồm lại, đánh chết mẹ mày bây giờ!”
Thằng đàn ông quật thẳng cánh tờ báo cuộn chặt vào mặt con đàn bà. Hai đứa vừa đu từ trên chiếc trụ nơi chân cầu Long Biên xuống. Trong lúc còn đang lơ lửng giữa cầu và cát, con đàn bà lẻm nhẻm chửi thằng đàn ông khốn nạn đã cắn đứt đi cả ngày chổng mông lên giời, dũi mặt xuống đất của thị vào đề đóm. Đã hai tháng nay, chúng phải tụ về cái bãi thối tha này.
“Thằng giời vồ, mày đ… bao giờ thèm nghĩ đến bà gì cả. Mày rút ruột rút gan bà. Tối nay đói thì nhét c… vào mồm nhé”.
” Câm mẹ mày mõm đi không ông gang họng ra bây giờ, có vài đồng bẩn mà cứ tru mãi lên”.
“ Mày không nghĩ đến thân tao thì mày cũng phải nghĩ đến thằng Bi chứ, nó có tội tình gì…”
Con đàn bà thút thít nghĩ đến thằng con bốn tuổi gửi ông lão ở lều bên cạnh. Cả cái xóm nơi đầu bãi nãy hoàn toàn không có nhà. Rặt những chiếc lều tre nứa ngả nghiêng dựa vào nhau. Đến tháng bảy tháng tám âm nước lên sẽ xoá sổ cái xóm lều này. Toàn bộ lũ người lốc nhốc sẽ tản vào các nơi ven hoặc trong thành phố. Dân đây đã quá quen với cảnh nghĩa đen của câu nước đến chân mới nhảy rồi. Hơi vất một tí nhưng còn bằng chán vạn chen chúc gầm cầu ghế đá trong đê. Nghe vợ nhắc đến con, thằng đàn ông chợt khựng lại đôi chút. Gã rất yêu con. Gã cưới thị vì gã biết đứa con trong bụng thị là của gã. Thiên hạ thường rêu rao, chỉ có bà ngoại mới chắc là bà ngoại, ngay ông ngoại cũng chưa hẳn nhưng gã biết, đứa con ấy là máu thịt mình.
“ Không sao, mai lại hồi ngay ấy mà. Tao có cái bánh bao cho nó rồi.”
Lời lẽ chúng nói với nhau thật thô thiển. Nhưng giả sử thằng chồng đột nhiên cất lời “Em là báu vật của đời anh, anh thương em nhất nước” thì có lẽ con vợ sẽ trợn tròn mắt, nhảy dựng lên rồi ba chân bốn cẳng chuồn mất dép. Thị rất sợ người điên. Từ khi bập vào gã, thị đã quá quen với những lời lẽ bẩn thỉu, thô tục mà gã dành cho thị. Hơn nữa, thị còn học được cách ăn miếng, trả miếng đôi khi còn có phần nhỉnh hơn. Thực ra, gã tốt lắm, đôi lúc, gã đánh thị, nhưng toàn bằng những vật liệu nhẹ như báo cuộn, hộp xốp…Sống với gã, thị thấy thật thoải mái, muốn văng gì ra cũng được. Mặc dù được sinh ra và nuôi nấng trong một gia đình khá tử tế, ăn ngọt nói ngào, phần nhiều toàn những lời hay ý đẹp, nhưng đến khi nhà mất nóc, bản chất thật của từng cá nhân mới hiện ra. Con chị xảo trá, lăng loàn. Thằng anh trí thức rởm, đạo đức giả, tham lam đến độ muốn gặm cả thịt người chết. Thị muốn mửa vào chúng. Chúng xâu nhà xé cửa, bòn tiền mót của khi bố thị chưa được trăm ngày. Mẹ thị đau khổ hoá câm rồi rút biệt vào một ngôi chùa quê cũ. Gã đến, nhổ một bãi nước bọt vào mặt con chị lăng loàn, vả một phát hộc máu mồm thằng anh đạo đức giả rồi kéo thị đi. Từ đó, thị cứ đeo dính lấy gã như mèo mả gặp gà đồng. Thị chợt phát hiện ra rằng mình rất hợp với sự tục tằn. Đến khi bụng thị phếnh lên như độn cả cái chĩnh vào thì gã bắt thị đi đăng ký rồi làm vài mâm. Thị cong môi “Dào ôi, vẽ chuyện!”. Gã vằn mắt: “Tiên sư mày, có đi không thì bảo, tao tẩn cho bét xác bây giờ, con tao không phải là con hoang nhé”. “Ai bảo đấy là con mày? Đồ đầu to khó đẻ”. Mồm thì cãi nhưng mắt thị cứ tít lại.
Thực ra, chúng vẫn còn rất trẻ. Thằng chồng mới khoảng hai mươi nhăm. Vì lang bạt từ nhỏ nên trông gã rất rắn rỏi. Gia đình từ mặt gã đã lâu lắm rồi. Gã chỉ lờ mờ nhớ về ngôi nhà hình ống sâu hun hút và tối mò trong khu phố cổ… Gã tránh hẳn ngôi nhà đó từ khi người đàn ông mà gã từng gọi là bố nắm cổ gã xô ra đường rồi xỉa ngón tay vào mặt gã:
“ Cút! Đồ lưu manh, tao không có đứa con nào như mày!”
Mẹ gã không nói một tiếng nào, mặt ngoảnh vào trong tường… Gã hiểu, bà đã chọn cái cuộc sống này và tốt nhất là gã nên biến khỏi họ. Năm đó gã mới hơn mười lăm tuổi.
Mười lăm tuổi đầu, cái tuổi còn mải ăn mải lớn, vậy mà gã phải lặn lội kiếm từng đồng tự nuôi thân. Hồi còn nhỏ tí, gã đã lơ mơ biết mình không phải là con đẻ của lão. Sự phân biệt đối xử của lão chẳng làm gã bận tâm. Gã cố hết sức để lão không nhận thấy sự có mặt của gã trong nhà. Nhưng càng cố dấu mình, gã càng bị chú ý. Gã vốn không có tính ăn cắp. Lần đó, vì chạy tiền cho một thằng bạn bị một lũ đầu gấu đánh dập mặt, gẫy tay đi bệnh viện nên gã đã tróc tiền của mẹ. Mẹ gã chẳng những không bao che cho gã mà còn mách chồng. Lão về, quại gã một trận đòn thù rồi tống gã ra đường. Đi thì đi, trời màn đất chiếu xá chi cuộc đời. Thời trước, đứa nào bỏ nhà bỏ cửa ra đi thì sẽ có công an, đoàn thể, khối phố xem xét, giáo dục, giúp đỡ…Nhưng bây giờ, nếu gã không phạm pháp, cứ chịu khó làm ăn độ nhật nuôi thân thì mặc sức. Cũng có những người họ hàng xót xa kéo gã về, nhưng gã đã quá lớn để tiêu hoá lòng thương hại thành nơi trú ngụ nên chẳng mấy đỗi, gã lại thoát ra trên đường thiên lý.
Gã quen thị một cách rất tình cờ. Hôm ấy, gã vừa đưa hết xe than cho khách xong. Người ngợm đen thui, quần áo tơi tả, gã đang nốc một cốc trà đá thì chợt nghe tiếng con gái rú lên choe choé. Phóng mắt về phía tiếng kêu, gã thấy một con chó vện bẩn thỉu đang dồn một con bé trông khá ngon mắt vào một góc tường. Con vện không có vẻ gì là muốn cắn con bé, có lẽ nó chỉ muốn đùa giỡn. Nhưng con bé không có cùng tâm trạng với con vện, nó gần như chết khiếp. Con vện khoái trá nhảy đớp cái xắc nhỏ mà con bé đang ráng sức đập vào đầu nó. Mọi người chung quanh thú vị theo dõi hành vi của cặp người, chó. Thời buổi bây giờ, những giây phút thư giãn bất chợt như thế thật hiếm hoi. Nhưng gã lại không muốn thư giãn. Gã thấy chỉ thêm một chút nữa là con bé vãi đái ra quần nên băng tới bên, bằng một cú đá không đủ lực làm chết con chó nhưng cũng đủ để nó oẳng lên một tiếng, cúp đuôi vào háng rồi vút đi xè xè trên đường như một quả pháo chuột xì khói. Con bé hết hơi xụm người xuống ôm choàng lấy gã.
“Điên à, bỏ ra không bẩn mẹ nó hết người bây giờ!”
Gã lo cho quần áo con bé.
“Ôi…ôi, hức… hức…” Con bé không thốt nổi, chỉ nấc và khóc.
“Nhà đâu, tao đưa về?” Nói xong, gã tự thấy tiếc vì tự nhiên lại phí thời gian vì một chuyện vớ va vớ vẩn.
Con bé ngước mắt nhìn gã. Mặc dù chai sạn trong cuộc sống nhưng gã lại rất nhậy cảm và có năng khiếu đặc biệt trong cách đọc ánh nhìn. Trong đôi mắt con bé, gã nhìn thấy niềm tuyệt vọng, nỗi cô độc, sự hàm ơn da diết đến mức người ta không thể quay đi. Hôm đó, bố con bé mất được đúng ba ngày…
Từ đó, chúng đưa đón nhau. Thị bấu lấy gã y hệt một con gián túm được cái đóm diêm bập bềnh trong làn nước cống đen thui. Đến khi nhà thị tan đàn xẻ nghé vì cái dúm của không di chúc, thị tếch hẳn đi với gã. Thị làm quen vô cùng nhanh với thứ ngôn ngữ đầu đường xó chợ mà gã thường dùng. Gì thì gì, trong đó, thị còn mót ra được một ít thật thà, chứ như cái giống nhà thị, toàn nhả ngọc phun châu, đến khi húp mắt vì của, thì ôi thôi, tởm quá!
Hai đứa đã gần về đến nhà, đúng hơn là lều. Bước chân chúng lún vào trong cát, nóng rực. Một đống xà bần, kèo tre cột nứa mái cọ hiện ra sau đám ngô cao ngồng. Đó, tổ ấm của chúng. Hằng ngày, khoảng hai giờ sáng, thằng chồng dậy, đi lấy hàng ở các chợ đầu mối rồi mang về trấn chỗ bán nơi gầm cầu. Năm sáu giờ, con vợ gửi thằng con sang ông lão thọt lều bên rồi tất tả đến thế chỗ cho chồng. Sau đó, thằng chồng lại tiếp tục đi đưa than cho đến quá trưa. Trước kia chúng cũng đủ tiền thuê nhà, dù chỉ ở trong cái xóm toàn trộm cướp, đĩ điếm, bài bạc. Nhưng rồi công an phòng chống tệ nạn làm gắt gao quá nên mụ béo chủ nhà đâm chột, giải thể cả đám thuê nhà, trong có vợ chồng chúng. Quanh đi quẩn lại mãi, cuối cùng gã tặc lưỡi đánh tróc, kéo vợ con ra bãi, làm quen với ông lão thọt rồi xin phép dựng lều. Ông lão, hồi trẻ vốn là thuỷ thủ trên chính con sông này, đến khi về vườn cũng mua được nếp nhà trong phố, rồi sốt đất lên, lão bị chính đứa con gái rượu lừa ký giấy bán nhà rồi nó mang hết tiền của biến theo thằng nào không biết. Cũng may lão còn có lương hưu, thế là lão dọn luôn ra bãi, tháng tháng về phường lĩnh tiền. Ở ngoài này, gần với môi trường làm việc cũ, lão lại đâm khoẻ ra. Từ khi có thêm hai vợ chồng nhà bên, lão lại kiêm thêm việc trông trẻ.
“Đấy ông xem, nó đớp hết của cả thằng Bi rồi, mà cứ nhâng nháo như mặt thớt, con tức lộn ruột lên mất.”
“Bi đâu, bố cho bánh bao này, con mẹ mày phải hơi thằng nào rồi cứ nứng lên thế đấy! Mai bố bù cho Bi nhá!”
“Chúng mày ăn nói tục tằn vừa thôi chứ, cu Bi nó học theo rồi lại hối không kịp, ông cho nó ăn rồi. Thằng trâu đằm kia cũng vừa phải thôi, mày đói thì mặc xác mày chứ để con đói thì mày liệu đấy!”
Con vợ được bênh nguôi hẳn cơn tức, hết làu nhàu. Thị lôi thằng cu ra lau rửa rồi xin phép ông lão cho nó đi ngủ. Thằng chồng tìm chai rượu của ông lão rồi móc trong bụng ra một con mực khô. Hắn rót cho ông lão một chén đầy chằn chặn rồi rót cho mình. Từ lúc nào không biết, những con người này đã níu lấy nhau bằng một sợi dây vô hình. Cứ chiều về, khi họ gặp nhau là những bực dọc ban ngày như tiêu tan hết. Gã đàn ông như tìm được một người cha, một chỗ dựa tinh thần lớn lao mà cả đời đi tìm không thấy. Ả đàn bà tìm được nơi tin cậy trút nỗi ấm ức, một bức vách vững chãi mà khi tức chồng thị có thể dựa lưng vào rồi khiêu chiến. Ông lão như thấy mình trẻ lại, có người cần đến ông, dựa vào ông như ngày nào. Mỗi lần ngắm cu Bi, ông lại thấy phảng phất đứa con gái nhỏ tựa cửa ngóng cha về.
Lão tợp xong chén rượu, khà một tiếng rồi ra cửa ngắm nhìn mặt sông đỏ sậm:
– “Này thằng ôn, ra ông bảo!”
– “Dạ!”
Gã vứt miếng mực đang xé dở xuống chiếc đĩa sứt một miếng rồi mau mắn chạy đến bên ông lão.
– “Ngày kia chuyển nhà, nghe chưa?”
– “Vâng!” Mồm gã đáp nhưng đầu thì bắt đầu luẩn quẩn.
Chuyển đi đâu bây giờ. Tất nhiên là vẫn phải chuyển, vì nước đã bắt đầu lên. Cái bãi mà họ đang ở đang từ từ thu hẹp lại. Gã bỗng trách mình tự nhiên lại nổi cơn, nướng hết gần 2 triệu vào lô. Ít ra số tiền đó cũng đủ để họ thuê nhà trong đê một tháng. Hơi rượu chợt làm nước mắt gã ứa ra. Tự nhiên gã bỗng thèm một xó nào đấy, nơi gã có thể yên tâm để vợ con chui ra chui vào mà không phải lo bị đuổi, lo nước lên… Một cái gì cứ làm sống mũi gã cay xè. Nói gì thì nói, chứ tự nhiên gã thấy sao mà thương vợ con gã quá…
– “Sao hôm nay mày ngọng thế con?” Ông lão giễu cợt
– “Con “lạc” hết rồi!”
– “Cho mày chết! Lần sau thì tạnh đi nhé.”. Ông lão vẫn khề khà: “Hôm nay ông có tin vui, ông có một người bạn hồi trong lính được phân một căn hộ nhỏ bên Gia Lâm. Ông ấy chỉ còn một mình ngoài này. Sắp tới, ông ấy sẽ vào với con trong Sài Gòn. Và ông ấy để ông về đó ở. Chúng mày sẽ về ở với ông. Ta lại có nhà trong “đất liền”. Ha ha”.
Có nhà !!!
Gã bỗng thấy hoa mắt. Cát ở dưới chân gã chợt mát rượi. Một cái lá ngô ram ráp quệt vào mặt gã nhồn nhột. Gã gạt nó ra và chợt thấy trên lá có một hạt nước tròn tròn lăn theo sống lá rồi rơi xuống đất. Trước khi mất hút vào cát, nó còn kịp lấp lánh. Không biết đó là sương hay là nước mắt. Gã thấy cái xó đời mình vẫn còn ấp áp lắm. Phía bên Gia Lâm, một quầng hồng sáng rực hắt lên nền trời tím đậm. Bãi Giữa bềnh bồng như một con tàu khổng lồ sắp cập bến Tả Ngạn sồng Hồng. Trong lều, cu Bi mê ngủ bật cười thành tiếng. Có lẽ nó mơ thấy đã túm được con chuồn chuồn… Vợ gã trở mình cọt kẹt, cất tiếng: “ À ời !, à ơi !..”
À á à ời… À á à ơi…À ời, à ơi…!

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

Nguyễn Hoàng Đức Paul: Việt nam - quốc gia của bầy chuột nhắt ?


Việt Nam, ôi quê hương yêu dấu rừng vàng biển bạc của chúng ta, nhưng mà có phải nó đang tụt xuống hàng “hố rác” của nhân loại?
Từ Bắc chí Nam, từ Quảng Ninh đến Cần Thơ các cô gái trẻ nườm nượm đi thi để lọt qua vòng tuyển lấy chồng Hàn Quốc. Với một lý do mở màn rất đơn giản, ít nhất người ta được xuất ngoại lần đầu, được đáp máy bay lên bầu trời. Trái lại, nếu không dám dứt bỏ một lần làm sao thoát cảnh lội bì bõm bên bờ ruộng để leo lên phi cơ phản lực vượt ra quốc tế?
Những cô gái Việt này ao ước đàn ông Hàn Quốc chẳng khác gì “tây mũi tẹt”, giống cha ông châu Á đã từng khao khát phương Tây như thần thánh cái gì cũng có. Trời ơi, quả là một trời một vực, cùng da vàng mũi tẹt như nhau, chỉ sau vài thập kỷ, một đằng thì thành tây, đi đâu cũng leo lên xe hơi và máy bay; một đằng thì bán cả đời mình chỉ để nếm một lần leo phi cơ. Tại sao? Có phải tại trí khôn của người Việt mà rất nhiều người chúng ta lúc nào cũng thường trực tự hào?
Có nhiều người Việt phản ứng rất mạnh mẽ khi thấy ai nói về cái xấu của người Việt, như thể nói thế là chạm đến quốc hồn – quốc túy, nói xấu tổ tiên, ông cha… và họ phản đối như thể đó là thước đo chứng minh lòng yêu nước của mình rằng: tôi yêu tổ quốc, tổ tiên, dân tộc, giống nòi, và tôi phản đối lại là để bảo vệ tổ quốc. Họ có bảo vệ tổ quốc không? Thực ra, họ chỉ bảo vệ cái xấu trong chính con người họ.
Hoàng đế Napoleon có nói “Bao dung với cái xấu là sự đồng tình với nó”. Đúng vậy một kẻ ăn cắp thường có cái nhìn vô tội với một thằng ăn cắp khác. Kẻ nói dối cũng vậy. Kẻ độc ác, đố kỵ, ích kỷ cũng thế, nó không giành cho những ai giống nó một cái nhìn phán xử khác lạ…
Kết quả bao dung cũng là bao che cho cái ác tràn lan vô bờ đến vậy dẫn đến dân tộc Việt ngày nay theo các bảng sắp hạng đều không ngoi ra khỏi vị trí đội sổ, thua xa cả những nước trong khu vực từ 50 đến 100 năm. Nói đâu xa, nước Lào là nước nhỏ bé nghèo nàn bậc nhất thế giới, nhưng từ xưa đến nay luôn trở thành giấc mơ của người Việt.
Thời bao cấp, mấy anh sinh viên Lào chỉ có vài cái nhẫn vàng đeo ngón tay đã trở thành niềm ao ước của nhiều cô gái Việt. Còn giờ đây, xe hơi loại bán tải của Lào nhiều như xe đạp từ quê lên phố vẫn là mơ ước của giới trung lưu Việt Nam. Còn giới cán bộ trung lưu Việt hí hửng về thu nhập cỡ dăm chục triệu đồng mỗi tháng thì vẫn còn thua loại rửa bát, làm thuê ở Singapore, một nước nằm trong khu vực.
Sự bao dung – bao che – cũng là đồng hóa đó đã gây ra vô số cái xấu cái ác ở Việt Nam: nào ăn cắp nắp cống, tháo đinh đường tầu, tháo đinh rầm cầu, cắt đường dây điện thoại, rải đinh “đa cạnh” ra đường, rồi xi măng cốt tre…đã gây ra nhiêu tai nạn khủng khiếp. Mới nhất là nạn pha trộn tạp chất vào xăng dầu đã gây ra hàng loạt vụ cháy xe gây thiệt hại tài sản và chết chóc tang thương.
Đó là một thảm họa! Nhưng còn thảm họa hơn ngay khi đã tìm ra mầm mống của những vụ pha trộn thì người ta vẫn triển khai sự bao dung. Nghĩa là vẫn bao che cho những thứ nguy hiểm chết người rình rập ngay trong chiếc xe của người dân. Tại sao? Vì các công ty xăng dầu đều thuộc các ông lớn, chẳng lẽ ông lại muốn phơi áo sân sau của mình! Trong một buổi gặp mặt các phóng viên. Một vị quan chức nêu ra ý kiến chỉ đạo: để kích thích du lịch Việt Nam báo chí cần khai thác đưa tin về những lời nói tốt đẹp của khách thăm quan nước ngoài, như vậy mới lôi kéo được du lịch.
– Vậy những lời nói về cái xấu của người Việt thì sao? – một nhà báo hỏi lại.
Vị quan chức cười xòa “cái này thì…” – có nghĩa là không được đăng.
Tóm lại, người Việt chỉ quen với những “sự thật” được biên tập, nói thẳng ra chỉ thích lời khen mà không muốn bị chê. Như vậy là người Việt chưa trưởng thành, chỉ là những đứa trẻ thích nghe lời khen mà không muốn bị chê.
Mới đây có nhiều bài báo như của học giả Vương Trí Nhàn tập hợp những bài viết của các học giả lớn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai … hoặc của nhà báo Hoàng Tùng… đã nêu ra từ xưa, nhiều chuyên gia phương Tây đã nhận xét người Việt rất nặng như: “nói dối”, “ăn cắp”, và “sát nhân”. Đặc biệt có chuyên gia nói: “Việt Nam là quốc gia của những con chuột”.
Trong một phóng sự truyền hình, người ta phản ánh nạn người Việt qua các nước Tây Âu, có rất nhiều người tham gia trồng cây cần sa. Họ bị giam trong nhà kín, không được ra ngoài, suốt ngay lo chăm bón các cây cần sa dưới ánh đèn điện. Việc họ bị giam cầm trong nhà không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời liệu có phải là những con chuột?
Gần hơn, một loạt các vụ giam cầm công nhân người Việt tại Nga, ăn ở và làm việc trong nhà hầm như súc vật, đến khi cháy không có đường thoát hiểm đành ôm nhau chết. Liệu có phải họ bị đối xử như những con chuột và chết như những con chuột?
Và ai đã đối xử với họ như chuột? Bọn thực dân ư? Không, đó chính là những người Việt mới đó vẫn còn chân lấm tay bùn nhưng đã sớm bước vào con đường lưu manh hóa tiểu nông, rồi thành tư bản đỏ học đòi. Ai mà nói về cái xấu của người Việt thì đám này uất ức đầu tiên. Tại sao? Vì đó là những cái xấu mà chính họ mới là đại biểu cao cấp nhất.
Một quốc gia muốn trưởng thành và tiến bộ thì nó phải kiện toàn pháp luật bởi vì không có pháp luật không thể thành quốc gia mà đó chỉ là sắc tộc gia đình trị bán khai. Điều kiện đầu tiên để có pháp luật là không ai cho dù là vua chúa, chủ tịch hay thủ tướng được ở trên pháp luật. Vua phạm tội xử như thứ dân. Nhưng cái điều hiển nhiên đó cho đến nay đã đầu thiên niên kỷ thứ ba người Việt vẫn không được sống trong Nhà nước pháp quyền.
Cái gọi là nhà nước của chúng ta là thứ hầm bà làng, đồng nát như lãnh đạo vẫn thường cất tiếng nói cửa miệng “đảng, nhà nước, và nhân dân”. Trong câu nói này dù “bao sân” nhưng vẫn thiếu một cơ quan trực tiếp của pháp luật đó là “chính phủ”, và như thế chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Trong khi đó ở các nước người ta luôn phải tuyên bố: chính phủ đã làm việc này việc kia…
Việt Nam làm sao có pháp luật khi điều bốn (4) của hiến pháp, Đảng tuyên bố “lãnh đạo tất cả”, cả quốc hội là cơ quan lập hiến, cả chính phủ là cơ quan hành pháp. Người ta nói “Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao”, nhưng mở màn kỳ họp quốc hội, người ta lại đem nghị quyết của trung ương đảng vào đọc như một định hướng bất khả biện, thì làm sao quốc hội còn là cơ quan tối cao được. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng lại chịu sự lãnh đạo cao nhất hơn của đảng, thử hỏi ai thứ nhất? ai thứ nhì? Có một việc giản dị như vậy sao người ta vẫn ấp úng che đậy, không thể minh bạch?
Vì thế ở Việt Nam, từ lập pháp đến hành pháp đều chỉ là lối tập trận giả, nhưng có một sự thực bên trong đó: là mong muốn và định vị tuyệt đối của quyền lực. Quyền lực tuyệt đối để làm gì? Để có được quyền lợi tuyệt đối! Quốc hội Việt cộng ở trình độ nào? Quốc hội đúng nghĩa là bàn của chủ tịch đoàn ngồi thấp hơn ghế của các nghị viên, được đặt ở giữa, để các nghị viên thoải mái tranh biện. Trái lại quốc hội Việt cộng thì nghị viên ngồi dưới như xem kịch, còn chủ tịch đoàn ngồi phía trên như ban giám khảo. Chủ tịch bước ra bệ nói như Mc, còn ở dưới giơ tay tán thưởng. Đúng là hình thức văn công chẳng giống ai. Đó là bằng chứng sờ sờ chứng tỏ cái gọi là quốc gia của chúng ta còn ấu nhi đến mức nào? Hội trường quốc hội đúng nghĩa của Việt nam vẫn đang xây để chờ cơ hội sánh bước với loài người. Than ôi vào thiên niên kỷ thứ ba rồi mà người Việt vẫn chưa nhấc chân bước đầu tiên vì hiến pháp đích thực. Thử hỏi người Việt là người hay là chuột?
Theo các chuyên gia, chuột là thứ sống theo bầy và thuộc loại thông minh bậc nhất, chúng không bao giờ để bị dính bẫy đến lần thứ hai. Một con bị sập bẫy, cho dù bẫy sắt, bẫy tre hay bẫy dính, thì chúng liền tụ lại họp hành rút kinh nghiệm rồi thông báo cho cả bầy trên toàn lãnh thổ cống ngầm cách thức nhận biết và tránh bẫy. Nhưng dù bầy chuột có khôn đến mấy, chúng cũng không phải là thứ kiêu hãnh của ánh sáng. Sự khôn ngoan của chúng chỉ là chui rúc để tồn tại, mà không phải là vươn thẳng để sống minh bạch và tiến bộ.
Đó là quan lại cũng như dân chúng.
Giờ đến văn hóa. Thơ là thứ phổ biến cũng như dễ nhất của Việt Nam hiện nay. Thôi thì tiểu nông, tiểu thương, các cụ hưu trí, các em mới lớn đua nhau làm thơ. Giờ hãy nhìn tập đoàn làm thơ, có đông rinh rích và rúc ríc làm thơ không? Mới đây Trung quốc lĩnh giải Nobel văn học lần hai. Tại sao họ có hai thành tựu đó? Bởi vì cách đây hơn nửa thế kỷ người Trung Quốc đã bỏ làm thơ, và coi thường thơ.
Ai chẳng yêu quê hương. Nhưng người đi xa về bao giờ cũng yêu quê hương hơn, yêu da diết và đau đáu. Tại sao? Bởi vì tình yêu của họ đã lên men rất nhiều bởi nỗi nhớ cồn cào. Người làm thơ sẽ yêu thơ hơn nếu người ta biết từ bỏ thơ để sống trong một cuộc đời toàn diện có công lý, tình yêu, tranh đấu, sám hối và cứu chuộc.
Văn là người! Thi ca là cuộc đời! Người làm thơ sẽ trở về với thơ như nước nguồn từ đỉnh cao ùa xuống, chứ không phải như tí nước mài mực rồi cọ lên giấy vòi vĩnh khúc vinh quang. Hãy viết văn làm thơ như những con đại bàng sà xuống từ lý tưởng cuộc đời, chứ không phải bằng những khúc rúc ríc lẩn trốn khôn ngoan của bầy chuột chỉ quen thủ thế trong cơ chế xin cho của bóng tối. Một chút thành công tem phiếu bao cấp chỉ là cách con chuột chui qua kẽ hở kiểm duyệt bé tí của ông chủ, đó không phải là cách con ngựa phi nước đại cùng những con khác trên thảo nguyên để tìm xem con nào mạnh nhất?! Dám ra gió cuộc đời! Dám ganh đua minh bạch! Mới có thể tìm được giải quán quân đại bàng, hay những con chiến mã! Còn đua trong ao hợp tác ư? Chính những nhà quán quân mậu dịch đã thừa nhận “chúng ta chỉ là tép”.
Mong rằng mọi người Việt đều biết vượt qua tự ái để phấn đấu cho một xã hội tiến bộ, minh bạch và kiêu hãnh thực sự. Để những cô con gái Việt không phải nhìn đàn ông hàng xóm kiêu sa như “tây mũi tẹt”. Rất cám ơn!

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

Vũ Cao Đàm : Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (4/5/1919)


Mạc Van Trang giới thiệu:
BÀI VIẾT RẤT QUAN TRỌNG CỦA CHUYÊN GIA VŨ CAO ĐÀM về GIẶC TẦU, AI CŨNG CẦN ĐỌC!
Việt Nam cần một chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của Trung cộng
Tác Giả: Vũ Cao Đàm -02/06/2019
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (4/5/1919)
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sắp kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ, trong đầu tôi chợt thoáng qua một ý nghĩ: “Thật nhục nhã, tập đoàn cộng sản Hoa Lục (sau đây gọi tắt là Trung Cộng) đang phản bội và bôi bẩn thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ, khi họ phát động cuộc chiến tranh lai chống các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.
Trong khoa học quân sự hiện đại, chiến tranh lai (hybrid war hoặc hybrid warfare) là một khái niệm rất mới. Chủ đề “Chiến tranh lai” được đề cập lần đầu tại cơ quan tham mưu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 2008. Đến 2011 Tổng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ George W. Casey đưa ra cảnh báo về hiểm họa lai (hybrid threats) để nói về những nguy cơ phải đối mặt trước cuộc chiến tranh lai.[1]
Hiểm họa lai được một nhà nghiên cứu khác, G. Giannopoulos, định nghĩa là “Một tập hợp hoạt động gây sức ép và gây biến đổi, một cách bình thường hoặc bất bình thường, thông qua các hoạt động ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để đạt được các mục đích đặc biệt, nhưng luôn giữ dưới ngưỡng của một cuộc chiến tranh có tuyên bố”[2]
Trong bài viết“Chiến tranh lai: Hiểm họa mới của hòa bình và an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21” các tác giả Bachmann và Gunneriussion đã nêu những hiểm họa của chiến tranh lai và tác động của nó đến hòa bình và an ninh toàn cầu của thế kỷ 21.[3]
Quan sát tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, cả ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển. Chúng ta có thể nhận ra những hoạt động chiến tranh lai được thực hiện bởi các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, các công ty, nhà thầu và thương lái, chúng ta nhận ra, những cuộc chiến tranh lai trên thế giới đang được triển khai một cách phổ biến, với quy mô rất khác nhau, nhưng đều có sức phá hoại an ninh quốc gia một cách đa dạng và nặng nề.
Chiến tranh lai (Hybrid war)[4] là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, là thứ chiến tranh không dùng quân đội, súng ống, xe tăng, thiết giáp, chiến hạm và máy bay, càng không sử dụng tên lửa và bom đạn, mà sử dụng những biện pháp phi vũ trang để triệt phá toàn diện mục tiêu phát triển của đối phương, lũng đoạn cơ sở hạ tầng, phá hoại môi trường sống, làm biến dạng nền tảng đạo đức[5].
Chiến tranh lai khác chiến tranh lạnh ở chỗ, với chiến tranh lạnh, các bên đối địch ngấm ngầm chạy đua vũ trang, luôn gây căng thẳng và hăm dọa lẫn nhau, sử dụng các biện pháp cấm vận và phong tỏa lẫn nhau. Còn chiến tranh lai lại sử dụng những cách xử sự hòa hiếu để lừa đối phương mắc bẫy.
Chiến tranh lai mà giặc Tàu đang sử dụng trên thế giới trước mắt và chủ yếu là những biện pháp mềm mỏng và linh hoạt, có thể là cho vay dài hạn để lũng đoạn kinh tế, có thể là mua chuộc những người có chức quyền để giành những ưu đãi, và biến họ thành những kẻ cam tâm bán rẻ quyền lợi Tổ Quốc; Những kẻ chủ trì chiến tranh lai cũng không quên mang lại lợi ích ngắn hạn cho một bộ phận dân chúng, để họ tiếp tay cho chúng thực hiện cuộc chiến tranh lai.
2. GIẶC TÀU THỰC HIỆN CHIẾN TRANH LAI THẾ NÀO?
Chúng ta lấy ví dụ ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta.
Nói theo ngôn ngữ của chiến tranh nhân dân, cuộc chiến tranh lai mà giặc Tàu đang thực hiện trên thế giới và ngay ở Việt nam thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân sâu rộng nhất. Trong cuộc chiến tranh lai, giặc Tàu huy động một cách triệt để sự tham gia của tất cả các tầng lớp dân cư trong xã hội của cả hai quốc gia, Việt Nam và Trung Cộng: từ anh xe ôm đến các chị buôn bán nhỏ, các thương lái, các nhà thầu, người cầm đầu các cơ quan chuyên môn, các nhà lãnh đạo, các chính khách, một số nhà khoa học, các nhà công nghệ và các sĩ quan trong lực lượng vũ trang.
Sau đây là một vài ví dụ quen thuộc mà chúng ta thậm chí nghe đã nhàm tai, nhưng được phân tích từ giác độ chiến tranh lai.
1) Lừa Việt Nam vào bẫy nợ và những khoản đầu tư kém hiệu quả
Biện pháp này nhằm làm tận diệt xói mòn các nguồn lực quốc gia.
Trước hết, chúng ta lấy ví dụ một công trình cỡ lớn, là Bô-xít Tây Nguyên.
Nông Đức Mạnh, 3 lần ký tuyên bố chung, một lần với Giang Trạch Dân, hai lần với Hồ Cẩm Đào, rước giặc Tàu trấn đóng Tây Nguyên dưới hình thức khai thác bô-xit. Sự kiện này đã gây những làn sóng phản đối rất mạnh, nhưng chủ yếu nêu những lý do về văn hóa, môi trường, quốc phòng, … có một số bài bàn về hiệu quả đầu tư, nhưng chưa bài nào bàn từ giác dộ chiến tranh lai.
Báo Điện tử VnExpress ngày 18/3/2014 có bài cho biết hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ lỗ mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Các nguồn tin chính thức của Nhà nước dự kiến, nó sẽ lỗ trong khoảng 11 năm. Như vậy, trong 11 năm, chúng ta có thể hình dung tổng tiền lỗ phải lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Xem xét một công trình nhỏ hơn, là công trình Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Công trình này cũng thuộc về giặc Tàu. Công trình được ký kết năm 2008, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Báo Tuổi trẻ ngày 18/6/2016 cho biết, đến thời điểm này, vốn đầu tư đã tăng trên 866 triệu USD, đến hôm nay có lẽ đã vượt trên con số ngàn tỷ USD.
Trong khi đó, báo chí đưa tin, 90% các công trình công nghiệp đều rơi vào tay các nhà thầu của giặc Tàu. Vậy, chúng ta hãy hình dung, nền kinh tế Việt Nam chịu đựng một khoản lỗ bao nhiêu mỗi năm?
Không cần thiết thu thập toàn bộ số liệu thống kê, nhưng với các nghiên cứu ngẫu nhiên ở bất cứ công trình nào có bàn tay giặc Tàu trên đất Việt nam, đều có thể nhận ra, giặc Tàu đang cuốn hút đất nước ta vào bẫy nợ và những khoản đầu tư kém hiệu quả đến mức có thể làm suy kiệt nền kinh tế.
2) Phá hoại kinh tế gia đình của nông dân nghèo
Bên cạnh chủ trương tận diệt các nguồn lực cơ bản của nền đại công nghiệp, giặc Tàu cho thương lái len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm để phá hoại từng vườn cây, ao cá, từng khoảnh ruộng nhỏ nhoi với vài luống ngô của nông dân nghèo.
Với chiêu thức này, chúng ta có thể liệt kê rất nhiều ví dụ
Một dạo, giặc Tàu cho thương lái đi mua chè vàng. Hết giai đoạn chè vàng lại tiếp đến giai đoạn thu mua chè bẩn. “Chè vàng” là chè chặt thô, phơi héo vàng, được thương lái thu mua với giá cao. Còn “Chè bẩn” là loại chè đào bới lẫn đất, được xử lý còn cẩu thả hơn, nhưng cũng được thu mua với giá rất cao, xúi giục nông dân tự mình triệt phá những đồi chè rộng lớn để bán cho thương lái của giặc Tàu. Kết quả là các xí nghiệp chè không còn nguyên liệu chè để mua, các đồi chè bị triệt phá.
Đến mùa vải trổ quả, thì chúng ta lại thấy thương lái của giặc Tàu xuất hiện, chúng đi thu mua lá vải với giá cao ngất ngưởng, và nông dân cắt lá vải bán cho thương lái, và thế là cây vải mất nguồn dinh dưỡng hấp thụ từ lá. Kết quả là mất mùa vải vì không thể tiếp diễn quá trình sinh học cho việc đơm trái.
Ở những vùng trồng ngô thì người ta thấy bọn giặc Tàu đến thu mua râu ngô non, cũng với giá cao ngất ngưởng. Và thế là nông dân nghèo thu hái những bắp ngô non để bán râu ngô, tự tay triệt phá vụ thu hoạch ngô sau đó.
Không biết bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt từ khắp các vùng đất nước, chúng ta đang chứng kiến những người nông dân đói nghèo tự mình tiếp tay cho những mưu đồ triệt phá nền kinh tế trang trại và kinh tế hộ đang mới bắt đầu nhen nhóm mong manh.
3) Triệt phá mọi nguồn lực của sản xuất
Thương lái Trung Cộng đi thu mua dây đồng vụn, xúi giục các đồng tặc khắp cả nước cắt trộm dây đồng từ các đường dây cao áp, phá hoại nguồn cung cấp điện cho công nghiệp và dân dụng.
Vẫn bọn chúng, thông qua các công ty Việt Nam, thu mua cáp quang đã qua sử dụng, xúi giục dân nghèo lặn xuống biển cắt cáp quang phá hoại mạng cáp liên lạc viễn thông, một đòn vô cùng hiểm độc đánh vào hệ thống liên lạc viễn thông của Việt Nam.
Vẫn bọn chúng, thu mua rễ hồi, triệt phá một nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dược liệu.
Rồi vẫn bọn thương lái Trung Cộng đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở miền Bắc để thu mua móng trâu, với giá một bộ móng cao hơn giá một con trâu, triệt phá sức kéo của nông dân nghèo. Nông dân lại được bán thêm một con trâu thịt sau khi cắt móng. Hết thu mua móng trâu, bọn thương lái lại vào miền Nam thu mua đuôi trâu, cũng với giá một cái đuôi cao hơn giá một con trâu. Kết quả là trâu chết. Nông dân lại được bán thêm một con trâu thịt. Câu chuyện lại diễn ra hệt như khi chúng mua móng trâu. Kết quả là chúng phá hoại tan hoang sức kéo của nông dân nghèo.
Chúng thâm nhập vựa lúa Nam Bộ thuê nông dân trồng khoai trên diện rộng để nông dân phá lúa trồng khoai với sự cổ súy trên công luận của một vị giáo sư, hiệu trưởng đại học và đại biểu Quốc hội. Rồi chúng tính toán để ngày giao sản phẩm chậm hơn so với ngày nước nổi, để khoai bị hà (sùng) vì ngập nước không thể bán được với giá cả đã thỏa thuận trong hợp đồng. Với chiêu này, chúng đã làm được ba việc: Một là, làm phá sản các hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam; Hai là, biến vựa lúa Nam Bộ thành một vùng đất đói nghèo; Ba là, biến nông dân Việt Nam thành kẻ đồng phạm với chúng phá hoại kinh tế Việt Nam.
Còn ở Đồng bằng Bắc bộ, bọn thương lái Trung Cộng bầy trò thu mua cây si (một loại cây cảnh) với giá hàng chục triệu đồng một cây. Đầu tiên người ta không hiểu, sau mới vỡ lẽ là chúng làm một công việc phá hoại sản xuất rất tinh vi, là phân tán nhân lực, đất vườn mầu mỡ để trồng cây si, đợi ngày bán cho giặc Tàu với giá hời. Nhưng chờ mỏi mắt chúng cũng không trở lại. Kết quả là nông dân nghèo bỏ những mảnh vườn màu mỡ vốn trồng cây có ích để chăm những vườn cây cảnh vô tích sự, tính đến nay có lẽ đã đến vài thập niên.
4) Tàn phá môi trường và mở rộng chiến tranh sinh học
Thương lái Trung Cộng đi thu mua ốc bươu vàng với giá cao để nông dân ra sức nuôi ốc bươu vàng. Sau đó chúng ngừng không mua nữa, ốc bươu vàng lan khắp đồng ruộng, ăn hại lúa tệ hơn sâu cắn lúa.
Cũng như vậy, chúng đi thu mua mèo để chuột phát triển, rồi lại bán thuốc diệt chuột, nhưng thực chất là thuốc kích dục chuột để phát triển đàn chuột phá hoại cân bằng sinh thái.
Vẫn chiêu thức mua bán như đối với các mặt hàng trên, chúng thu mua rắn và bán giống rắn để nông dân nuôi rắn tràn lan. Và rồi chúng dừng không mua nữa, dân thả rắn khắp các cánh đồng, làng xóm làm rối loạn xã hội.
Thương lái Trung Quốc từng đi mua đỉa, khiến nông dân đua nhau nuôi đỉa để bán cho TQ
Thu mua rễ sim cũng lại là một chiêu thức tinh vi, chúng cuốn hút nông dân phá trụi đồi sim để đào rễ, biến những vùng đồi phủ xanh thành đồi trọc.
Các cuộc chiến tranh sinh học xuất hiện từ thời Đế quốc La Mã, nhưng bọn Trung Cộng đã phát triển chiến tranh một cách đa dạng hơn.
Bán sữa cho trẻ em với những chất độc hại đến quá trình phát triển của trẻ.
Bán thuốc tăng trọng lợn, thuốc nuôi lợn siêu nạc, đều là thịt lợn nhiễm những hóa chất độc hại gây ảnh hưởng dài hạn đến sức khỏe con người.
Bán thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, nhưng chứa đựng những hóa chất độc hại.
Thải chất độc vào môi trường, dẫn đến chết cá trên diện rộng, rồi chúng lại cho người đi thu mua cá chết để làm nước mắm. Những người am hiểu đều thừa biết chúng sẽ tạo ra nguồn thức ăn để đầu độc lâu dài cả một dân tộc.
5) Tạo ra tình trạng bất ổn định xã hội
Một thời thương lái giặc Tàu đi thu mua gỗ sưa với giá cao ngất ngưởng. Dân tình không hiểu gỗ sưa dùng làm gì. Chúng tung dư luận, mua gỗ sưa để làm đồ thờ, vì gỗ này là gỗ mang đặc trưng tâm linh; rồi lại có dư luận đây là loại gỗ ướp xác vĩnh cửu. Câu chuyện này thậm chí lôi kéo cả một số nhà khoa học cũng đặt vấn đề nghiên cứu giá trị của gỗ sưa. Rồi xuất hiện sưa tặc tràn lan, gây rối loạn xã hội, buộc các cơ quan hữu quan phải nghĩ biện pháp và tăng cường lực lượng bảo vệ cây sưa, phát triển lực lượng đảm bảo trật tự trị an chống bọn sưa tặc. Chưa hết, một số vùng, dân chúng đua nhau trồng sưa, lùng sục đi mua giống cây sưa. Họ tìm được nguồn giống cây sưa ở bên Trung Quốc giáp với tỉnh Quảng Ninh. Thế là dân Quảng Ninh đua nhau sang bên kia biên giới mua giống sưa về trồng, đầu tiên giá 5.000-7.000 đồng một cây, sau lên đến 15.000, rồi 70.000 một cây sưa, nhiều hộ còn phá cả vườn trồng vải để trồng sưa. Cuối cùng đến nay cũng không ai hiểu cây sưa được sử dụng làm gì, mà cả xã hội nháo nhào vì cây sưa, từ bọn lưu manh trộm cắp đến nhà khoa học. Và bỗng dưng, đến nay các thương lái mua sưa cũng mất tích luôn.
Nhưng thu mua sưa trước hết chỉ diễn ra trên những vùng đất xa xôi, mãi sau mới tràn vào Hà Nội. Gần đây, ngay giữa thủ đô Hà Nội rộ lên cơn sốt dịch thương lái Trung Cộng “Mua đồ gỗ sà cừ”. Thế là một chủ trương được chính các cơ quan công quyền chỉ đạo: Chặt gỗ xà cừ của thành phố. Một chủ trương thay cây của Hà Nội, với đủ các lý lẽ, nào là cây chắn đường của đi bộ, nào là cây cổ thụ không còn sức chống đỡ với giông bão, nào là cần phạt quang đường không để vướng bận đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Ơ hay, tôi đến Sydney, thấy đường sắt trên cao len lỏi giữa những đường phố trung tâm đâu có cần đập phá những nhà cao tầng)
6) Làm biến dạng các nền tảng đạo đức
Bán chất kích thích sinh trưởng, bón thuốc sâu để đẹp mã rau quả, biến người nông dân vì vụ lợi mà bất chấp mọi nền tảng đạo đức, đầu độc chính con cháu mình đang sống ở các thành phố.
Ma túy, biến những thanh niên khỏe mạnh thành những kẻ nghiện ngập, sống vật vờ và ham gây tội ác.
Buôn bán phụ nữ qua biên giới, biến một bộ phận lao động thành một đạo quân dịch vụ tình dục cho ngoại bang, không chỉ sang Trung Cộng, mà đi nhiều nước khác.
7) Hán hóa lâu dài dân tộc Việt
Công nhân, kỹ thuật viên, thương nhân Trung Cộng đã tìm cách có con trong hoặc ngoài hôn nhân với phụ nữ Việt. Không ai thống kê được con số đó hiện nay là bao nhiêu, nhưng mọi người đều nhìn rõ dã tâm của giặc Tàu trong âm mưu Hán hóa dân tộc Việt. Những đứa con lai ấy đều mang quốc tịch Trung Cộng. Có thể chúng đang nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về một vùng đất nào đó thuộc Trung Cộng hay Việt Nam, giống như cuộc trưng cầu dân ý về vùng đất Crimea của Ukrain trong mưu đồ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga.
Để cổ súy cho chủ trương Hán hóa của giặc Tàu, một số nhà báo (không biết có phải được giặc Tàu thuê mướn?) viết bài ca ngợi những gia đình Hoa-Việt hạnh phúc, phải chăng là để phụ họa cho con đường Hán hóa dân tộc Việt trên đất nước này.
8) Gây chia rẽ trong cộng đồng Việt
Đúng như Tướng Phùng Quang Thanh nhận định, dân chúng đã căm ghét giặc Tàu đến cực độ, một xu thế không thể đảo ngược, trong khi chính quyền cố thể hiện thái độ nhu nhược trước quân xâm lược.
Những đoàn cán bộ cao cấp được cử sang xứ Trung Cộng học tập theo thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo, được nghe một bài giảng về cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” về “ý thức hệ”. Chúng giương cao cái gọi là “ngọn cờ quốc tế” đã rách nát, để vừa ru ngủ, vừa hăm dọa những kẻ yếu bóng vía, lo ngại sự sụp đổ hệ thống chính trị độc tài toàn trị đầy béo bở, lôi kéo họ về phía Trung Cộng.
Giặc Tàu đã sử dụng một cách vô cùng gian xảo cái bẫy ý thức hệ để tạo thế đối kháng trong nội bộ cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa những người mang tâm thức chung vận mệnh ý thức hệ với giặc Tàu xâm lược và những người còn mang tâm nguyện hướng về CỐ QUỐC của cha ông. Để bảo vệ ý thức hệ, đã có những lực lượng được tung ra để đàn áp dân chúng khi họ thể hiện thái độ chống giặc Tàu xâm lược. Tất cả những động thái này làm cho dân chúng ngày càng mang tâm thức đối lập với chính quyền.
Cái bẫy ý thức hệ cực kỳ nguy hiểm. Nó làm mờ mắt một số người, không phân biệt bạn thù. Tôi nhớ rất rõ trong một buổi báo cáo thời sự năm 1974 tại diễn đàn lớn của một cơ quan trung ương giữa Hà Nội, chính tôi được nghe diễn giả, là ông HT, một vị ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn khi đó đã báo “tin mừng” (nguyên văn lời ông), là “Các đồng chí Trung Quốc” đã giúp chúng ta “lấy lại” Hoàng Sa từ tay “quân địch”. Gần đây hơn, một vị quan chức lớn của Bộ Ngoại giao giải thích giữa diễn đàn một trường đại học lớn về hành vi hải tặc của giặc Tàu trên Biển Đông, là “yêu con cho đòn cho vọt”.
9) Kéo kinh tế Việt Nam suy sụp và ngày càng lệ thuộc Trung Cộng
Có thể nói, đối tượng của chiến tranh lai nhằm vào từ kinh tế hộ nhỏ nhoi của các gia đình đến nền đại công nghiệp của quốc gia, từ người buôn bán nhỏ ngoài chợ đến kinh tế ngoại thương.
Một thời trên mạng đưa tin, thương lái Tàu thu mua tôm xuất khẩu của Việt Nam với giá cao, rồi ngâm tẩm kháng sinh để tái xuất sang Việt Nam với giá hời để Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ, một dạo đã làm mất tín nhiệm mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Hàng loạt hợp đồng xuất khẩu nông phẩm với số lượng lớn qua Hoa Lục bỗng dưng bị ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới làm phá sản hàng loạt đơn vị kinh doanh có quan hệ buôn bán với giặc Tàu.
Theo những số liệu tin cậy, nhập siêu từ Trung Cộng năm 2015 là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% so với 2014. Nếu tính cả con số nhập lậu là 20 tỷ USD, thì tổng giá trị nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 52 tỷ USD năm 2015. Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào giặc Tàu. Các nhà thầu của Trung Cộng nắm tới hơn 90% các gói thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction) chiếm 77/106 các dự án lớn thuộc các ngành trọng điểm. Việt Nam phải nhập hơn 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
10) Tạo thế bao vây chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tổng lực
Bên cạnh thủ đoạn chiến tranh lai, giặc Tàu ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nóng. Điều này không phải chúng ta vu oan cho chúng. Các cuộc chiến tranh xâm lược đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, đại quân tấn công các tỉnh biên giới năm 1979, đánh chiếm Trường Sa năm 1988 và những thủ đoạn lấn cột mốc biên giới diễn ra thường xuyên không thể biện minh cho giọng lưỡi “16 chữ vàng 4 tốt”, là thứ chỉ đủ sức lừa mị một số người nhẹ dạ.
Với kinh nghiệm thu được từ các cuộc chiến tranh xâm lược, giặc Tàu đang dùng chiêu bài hợp tác kinh tế, và mua chuộc một số lãnh đạo chính quyền các cấp và các địa phương, để tạo thế bao vây ngày càng siết chặt:
Thuê dài hạn 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn (tương đương diện tích tỉnh Thái Nguyên), ngày càng mở rộng vòng vây xung quanh biên giới Việt Nam
Cảng nước sâu Vũng Áng, tầu ngầm có thể ra vào bất cứ lúc nào, nối liền các căn cứ quân sự quanh đảo Hải Nam với Việt Nam.
Các khu công nghiệp ngày càng phụ thuộc Trung Cộng với công nghệ lạc hậu, thu hút lượng lớn vốn đầu tư và hoạt động kém hiệu quả, bù lỗ triền miên, như kiểu Bô-xít Tây Nguyên và Đường sắt Cát Linh Hà Đông.
Các khu du lịch của các công ty của Trung Cộng hoặc có nguồn gốc từ Trung Cộng đang hình thành từ khắp mọi miền đất nước. Hàng loạt cơ sở và vùng đất của giặc Tàu ngang nhiên treo biển hiệu bằng tiếng Tàu, vé tầu Cát Linh –Hà Đông cũng bằng tiếng Tàu, thậm chí nhiều nơi còn cấm người Việt qua lại.
Phải chăng, các cơ sở này đang cùng với hàng loạt cơ sở khác hợp thành những vùng đất tô giới của giặc Tàu trên khắp đất nước ta.
Hàng loạt đường cao tốc mà giặc Tàu thắng thầu đang nối liền biên giới Trung Cộng với Hà Nội đi suốt chiều dài đất nước, đợi khi giặc Tàu mở cuộc chiến tranh tổng lực, thì chỉ sau vài tiếng là đại quân xâm lược của giặc Tàu có thể tiến thẳng vào Hà Nội và kiểm soát suốt chiều dài đất nước.
Các cơ sở công nghiệp, du lịch mà giặc Tàu đã cắm chốt, với hàng ngàn công nhân, rất có thể là những đơn vị quân đội trá hình sẵn sàng tham chiến khi chúng gây ra sự biến trên đất nước ta.
3. VỀ CHIẾN LƯỢC ỨNG PHÓ VỚI CHIẾN TRANH LAI
Bây giờ chưa phải đã quá muộn khi đề ra một chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu xâm lược. Ứng phó với chiến tranh lai là một vấn đề vô cùng nan giải, vì Giặc Tàu đã sử dụng một cách rất gian xảo một chiến thuật dùng người Việt để đánh người Việt. Vì những kẻ tiếp tay cho giặc Tàu trong chiến tranh lai để hủy diệt người Việt cũng chính là người Việt. Chúng ta hãy bình tâm suy xét.
Để hoạch định chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu, chúng ta cần làm rõ, ai là kẻ tiếp tay cho giặc Tàu trong cuộc chiến tranh lai và ai sẽ phải đối mặt với giặc Tàu để chống lại cuộc chiến tranh lai?
Vấn đề thứ nhất: Ai tiếp tay giặc Tàu trong chiến tranh lai?
Như đã phân tích, chiến tranh lai thực chất là một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp của giặc Tàu, đang sử dụng chính người Việt để hại người Việt, và đang diễn ra trên chính đất nước của người Việt nhằm chống lại chính người Việt. Giặc Tàu đã huy động một cách đa dạng không chỉ dân nước HỌ và cả chính dân Việt Nam vào cuộc chiến tranh này.
Dân nghèo Việt Nam và dân nghèo Trung Cộng chuyển hàng lậu qua biên giới, tiếp tay cho bọn thương lái Trung Cộng.
Thương lái Việt nam tiếp tay cho thương lái Trung Cộng đi thu mua đủ các mặt hàng nhằm tận diệt mọi nguồn sinh lực của Việt Nam. Cũng chính thương lái Việt Nam đang tiếp tay cho thương lái Trung Cộng phát tán các chất độc hại đến tận các bản làng hẻo lánh để làm suy yếu sức sống của dân tộc Việt.
Các nhà đầu tư Trung Cộng cũng được các nhà đầu tư Việt Nam tiếp tay để lũng đoạn đến tận gốc rễ nền kinh tế Việt Nam.
Một bộ phận quan chức chính quyền các cấp của Việt Nam là những người tiếp tay mạnh nhất, vì không có họ thì giặc Tàu không thể thuê đất, thuê rừng, không thể có tay trong giúp họ thắng thầu tới 90% các dự án đầu tư.
Vấn đề thứ hai: Ai chống lại chiến tranh lai của giặc Tàu?
Cũng chính những tầng lớp dân cư ấy: Dân nghèo Việt Nam; thương lái Việt Nam; các nhà đầu tư; lãnh đạo và nhân viên chính quyền và các cấp. Không có họ thì cuộc chiến chống cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu là bất khả thực thi.
Có thể nói, không ai khác, mà chính dân tộc chúng ta phải tỉnh ngộ để chống lại cuộc tự sát tập thể này.
Trong cuộc chiến tranh lần này, chúng ta không hy vọng sự tham gia của các sắc dân Trung Cộng, như kiểu vận động dân chúng chính quốc để có những thanh niên, như Raymonde Dien và Henri Martin nhiệt thành ủng hộ Việt Nam như thời chiến tranh chống Pháp.
Chúng ta không đánh giá thấp ý thức giác ngộ của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những người đã làm nên Phong trào Ngũ Tứ ngày 4 tháng 5 năm 1919, với 3000 sinh viên Bắc Kinh xuống đường, lôi kéo hàng chục vạn người tại 22 tỉnh và 150 thành phố nhằm phản đối Hiệp ước Versaille, trong đó có điều khoản bàn giao đất đai Trung Hoa giữa các đế quốc, đòi đất đai Trung Hoa phải thuộc chủ quyền của người Trung Hoa. Nhưng chúng ta đang thấy một thực trạng về nhà nước Trung Cộng đương đại, là một nhà nước độc tài toàn trị, đã phản bội mục đích của Phong trào Ngũ Tứ, nhưng có tài lừa bịp và đàn áp dân chúng, để dân chúng hùa theo tội ác của họ trước nhân loại.
Đã đến lúc, không thể chậm trễ hơn được nữa, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần quan tâm đến cuộc chiến tranh lai mà giặc Tàu đang thực hiện trên đất Việt Nam.
Vấn đề thứ ba: Một cơ may lịch sử cho Việt Nam?
Phải chăng là một cơ may lịch sử cho Việt Nam khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng, và mới đây, ông tuyên bố chưa hề có ý định ngưng chiến. Chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động trước đối thủ Trung Cộng thực chất cũng là một cuộc chiến tranh lai mà Mỹ đang áp đặt lên nhà nước Trung Cộng. Cuộc thương chiến mà Mỹ đang phát động đang là sức ép, làm cho kinh tế của Trung Cộng lao đao.
Trong tương quan thế giới hiện nay, có lẽ chỉ có Mỹ mới là đối thủ có đủ sức đối trọng để chống lại các cuộc chiến tranh lai mà Trung Cộng đang sử dụng để tung hoành ngang dọc trên thế giới.
Vấn đề cuối cùng: Chiến lược ứng phó thế nào với chiến tranh lai?
Thứ nhất, đây cũng là một cuộc chiến tranh nhân dân, mọi tầng lớp nhân dân cần được huy động cho cuộc chiến chống lại chiến tranh lai của giặc Tàu.
Thứ hai, trong cuộc chiến này, chiến lược ứng phó không thể thực hiện chỉ bằng những lời kêu gọi lòng yêu nước thương nòi, mà phải bằng các chính sách, chính sách trong tất cả các lĩnh vực mà cuộc chiến tranh lai đang lấn tới.
Thứ ba, trong cuộc chiến tranh nhân dân kỳ này, từ các cấp lãnh đạo đến mọi tầng lớp dân chúng phải có sự đồng lòng, trước hết là chống lại các thủ đoạn chia rẽ của giặc Tàu, đoàn kết mọi tầng lớp dân chúng, đoàn kết quốc tế vì mục đích chống chiến tranh lai, từ kinh tế, văn hóa đến các chiêu trò mị dân “cộng đồng chung vận mệnh” và Hán hóa dân tộc Việt Nam.
4. VÀI LỜI KẾT THÚC
Từ các phân tích trên đây, tôi xin tạm nêu mấy lời kết thúc:
1) Giặc Tàu đang thực hiện ráo riết cuộc chiến tranh lai với Việt Nam và với thế giới, đang bôi nhọ thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ chống lại Hiệp ước Versaille với điều khoản vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.
2) So với tất cả các vương triều Hán tặc đã đô hộ Việt Nam, từ Hán, Ngô, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đến Trung Cộng, thì Trung Cộng là một triều đại có những thủ đoạn bẩn thỉu nhất, đê tiện nhất đối với dân tộc Việt Nam. Chúng ta không thể để giọng điệu “cộng đồng chung vận mệnh” lừa mị, che lấp tội ác của giặc và chia rẽ dân tộc chúng ta.
3) Một thực tế ngày càng lộ rõ: Dân tộc Việt Nam đang tự sát tập thể trước cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu. Nhưng không ai khác, chính dân tộc Việt Nam phải được thức tỉnh để thoát khỏi cuộc tự sát tập thể này.
4) Một cơ may lịch sử cho Việt Nam khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại với giặc Tàu. Nó đang làm Trung Cộng suy yếu, và là cơ hội để Việt Nam có thêm sức mạnh chống chiến tranh lai của giặc Tàu.
5) Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều chiến hữu đang đương quyền. Bên cạnh những kẻ biến chất tôi không muốn nhìn mặt, tôi nhận ra vẫn còn rất nhiều người giữ được lương tâm trong sáng, căm ghét giặc Tàu, có tâm nguyện với dân tộc. Tôi rất tin họ sẽ giang tay bảo vệ đất nước này.
6) Chiến lược ứng phó với giặc Tàu cũng trên tư tưởng chiến tranh nhân dân. Nhà nước cần công bố chính sách huy động nỗ lực của toàn dân để chống lại cuộc chiến tranh lai lần này trên mọi lĩnh vực, mọi ngành hạt động, từ kinh tế, thương mại, văn hóa, y tế, khoa học, giáo dục, v.v…
7) Bây giờ đang là thời điểm hành động rồi. Không chậm trễ hơn được. Lịch sử đang phán xét chúng ta.
8) Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn mong đợi sự thức tỉnh của những người con của Phong trào Ngũ Tứ, những người con của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những người con đã đổ máu trên Quảng trường Thiên An Môn dưới bánh xích xe tăng cộng sản năm 1989… Các bạn hãy cùng đứng về phía người anh em Việt Nam chống lại tập đoàn cộng sản Hoa Lục đang xâm lược giày xéo đất nước Việt Nam, đang gieo rắc đủ thứ tai ương mang tính hủy diệt trên đầu dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên thế giới này.
Hà Nội, 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (1919-2019)
Vũ Cao Đàm