Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Luật sư: Đặng Bá Kỹ : BẠO LOẠN TẠI ĐỒI CAPITOL - TỔNG THỐNG TRUMP CÓ BỊ LUẬN TỘI: HIỂU VỀ SỰ BIẾN PHÁP LÝ!

    Chúng ta hãy bắt đầu từ một ví dụ đã xảy ra tại Tỉnh Đồng Nai hơn mười năm trước: Ông A lái một chiếc xe hơi đang chạy trên đường, tất cả mọi thứ đều đúng quy định. Trên đường có một hòn đá bằng nắm tay, nằm sẵn đó từ trước, khi bánh chiếc xe lăn qua hòn đá, do sức ép của lực bánh xe, và phần tiếp xúc lệch, nên hòn đá đã văng nẫy lên trúng vào đầu Ông B đang đị bộ trên vỉa hè, làm Ông B tử vong sau đó! Vấn đề đặt ra là: Việc Ông B tử vong như vậy, có làm phát sinh trách nhiệm hình sự cho Ông A không, hay nói cách khác Ông A có bị coi là Tội phạm trong trường hợp này hay không?!................


    Trong khoa học pháp lý có một thuật ngữ, một khái niệm rất quan trọng đó là "Sự biến pháp lý" - Đây là một khái niệm rất thiết thực, rất hữu ích; Nhưng lại có quá ít Người trong chuyên ngành pháp lý biết về nó, số Người hiểu về nó càng ít hơn. Sự cố bạo loạn tại Đồi Capitol (Tòa nhà Quốc hội Mỹ) ngày 06/01/2021 có được xem là một sự biến pháp lý, và liệu Tổng thống Trump có bị luận tội, về sự cố bạo loạn này hay không?! Bài viết này sẽ luận giải các khía cạnh pháp lý có liên quan, trên cơ sở phân tích nội hàm của khái niệm "Sự biến pháp lý", để Bạn đọc và Bà con tham khảo. Cần lưu ý rằng - Đây là bài phân tích pháp lý trung lập và khách quan, tiếp cận dưới góc độ luật học, vì thế nội dung Bài viết, buộc phải sử dụng một vài thuật ngữ chuyên môn sâu, dù Tác giả đã cố gắng chuyển ngữ bình dân, cho Bà con có thể hiểu được. 

I. HIỂU VỀ "SỰ BIẾN PHÁP LÝ"

   1. Theo nghĩa rộng: Sự biến pháp lý là sự kiện có tính chất tự nhiên, xảy ra không phụ thuộc vào ý chí của Con người trong những trường hợp nhất định, làm xuất hiện, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật. Ví dụ: Theo thỏa thuận trong Hợp đồng, vào ngày 06/01/2021 A phải giao hàng cho B, nhưng đúng ngày này, xảy ra động đất, nên A không thể giao hàng cho B, việc không thể giao hàng, không có lỗi của A, vì nguyên nhân động đất là sự biến pháp lý, xảy ra, không phụ thuộc vào ý chí của A, nên A không phải chịu trách nhiệm pháp lý do giao hàng không đúng hạn - Đây được coi là sự biến pháp lý tuyệt đối (Sự biến pháp lý xảy ra, hoàn toàn không dính dáng gì đến hành vi của Con Người). 

   2. Theo nghĩa hẹp: Sự biến pháp lý là sự kiện xảy ra tuy xuất phát có liên quan đến hành vi của Con Người, nhưng hậu quả pháp lý nối tiếp xảy ra hoặc độc lập xảy ra, không phụ thuộc vào ý chí của Con Người có liên quan được xác định. Ví dụ: H và N bàn bạc, rủ nhau sẽ vào nhà của Ông Y để ăn trộm, ngoài ra không thỏa thuận gì thêm; Khi cả hai vừa lẻn vào nhà, thì bị Gia đình Ông Y phát hiện, truy hô đuổi bắt; H nhanh chân hơn, nên chạy thoát; N chạy không kịp bị Cha con Ông Y bắt lại, trong lúc giằng co, N đâm con Ông Y tử vong; Trong trường hợp này: Việc H và N bị Chủ nhà phát hiện hoàn toàn nằm ngoài ý chí của cả hai, việc N đâm chết Người, hoàn toàn nằm ngoài ý chí của H, do đó H chỉ bị xem xét về Tội danh Đồng phạm trộm cắp tài sản với N, mà H không bị xem xét về tội danh giết Người của N - Đây được coi là sự biến pháp lý tương đối. Giống như ví dụ đầu bài, Ông A cũng không phải chịu trách nhiệm về cái chết của Ông B.

   3. Như vậy - Tựu chung lại, khác với hành vi pháp lý là hành vi hoàn toàn do con người thực hiện được quyết định bởi lý trí và ý chí, ví dụ như hành vi ký hợp đồng, hành vi kết hôn, hành vi ly hôn (Nếu hành vi do Con người thực hiện, nhưng người đó bị tâm thần, thì cũng không được coi là hành vi pháp lý, mà là sự biến pháp lý) - Thì sự biến pháp lý, lại là sự kiện xảy ra hoặc hệ quả của nó không phụ thuộc vào ý chí của Con Người. 

   4. Lưu ý: Ở đây - Không được nhầm lẫn giữa sự biến pháp lý tương đối, với hành vi pháp lý vô ý về hậu quả. Ví dụ: Ông A đào một rãnh thoát nước qua đường, mà không có biển báo, rào chắn gì cả; Trong đếm tối, Ông B đi xe đạp, khi qua rãnh, bị ngã lộn cổ tử vong, thì ở đây không được xem là sự biến pháp lý. Trong trường hợp này, A sẽ bị xem xét về tội vô ý làm chết Người với lỗi vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, tức là A biết việc mình đào đường như vậy là nguy hiểm, nhưng tin tưởng rằng sẽ không xả ra hậu quả. Nó hoàn toàn khác với ví dụ về ăn trộm nêu trên, việc N giết Người hoàn toàn nằm ngoài hành vi và ý chí của H, H hoàn toàn không biết gì cả. 

II. BẠO LOẠN TẠI ĐỒI CAPITOL - SỰ BIẾN PHÁP LÝ VÀ VIỆC LUẬN TỘI TỔNG THỐNG TRUMP

   1. Ngày 06/01/2021 - Khi Quốc hội Mỹ đang họp kiểm phiếu Đại cử tri, thì bạo loạn xảy ra, Người biểu tình tràn vào, chiếm lĩnh Tòa nhà Quốc hội ........... Hiện tại, nhiều thuyết âm mưu cho rằng, những Người gây ra bạo loạn, không phải là Người ủng hộ Trump, mà do các phe phái khác cài cắm vào nhằm đổ tội cho Trump - Nếu đúng như vậy, thì không còn gì phải bàn, vì đương nhiên nó không liên quan đến Ông Trump. 

   2. Do đó - Ở đây, Chúng ta giả định (Tác giả nhấn mạnh từ giả định) rằng, những Người trực tiếp gây ra bạo loạn là Người ủng hộ Ông Trump, là Fan cuồng của Ông Trump - Nếu vậy, liệu Ông Trump có bị luận tội?! Nhiều báo chí, trang mạng đều cho rằng Hoa Kỳ sẽ luận tội Ông Trump....! Tuy nhiên - Dưới góc độ pháp lý, Tác giả cho rằng: Không hề đơn giản để có thể luận tội Trump - Nếu không muốn nói là không bao giờ có thể xảy ra (Chỉ tính riêng Vụ việc bạo loạn đang bàn). Trừ khi có được bằng chứng vật chất cụ thể, thể hiện Ông Trump đã chỉ đạo, xúi giục, kêu gọi việc bạo loạn như vậy. 

   3. Lý do: Không thể dựa vào việc Ông Trump kêu gọi mọi Người đến Hoa Thịnh Đốn vào đúng ngày 06/01, xuống đường tuần hành thể hiện sự ủng hộ Ông ta, mà có thể quy kết cho Ông ta tội gây ra bạo loạn - Hay nói cách khác, nếu không có bằng chứng vật chất cụ thể, thể hiện Ông Trump đã chỉ đạo, xúi giục, kêu gọi việc bạo loạn như vậy - Thì việc bạo loạn xảy ra sau đó, là một sự biến pháp lý tương đối theo nghĩa hẹp, nó nằm ngoài ý chí chủ quan của Ông Trump. Do đó không thể quy kết trách nhiệm pháp lý cho ông ta, về sự biến pháp lý này. 

   4. Nhiều Người cho rằng, sau khi bạo loạn xảy ra, việc Ông Trump không nhận mình gây ra bạo loạn là hèn hạ, thế này thế khác - Đây chỉ là sự công kích cá nhân; Nói như vậy, là Họ không hiểu gì về sự biến pháp lý. Nếu những Người có thẩm quyền, có bằng chứng vật chất cụ thể, thể hiện Ông Trump đã chỉ đạo, xúi giục, kêu gọi việc bạo loạn như vậy, thì việc Ông Trump nhận tội hay không, không quan trọng - Vì đều xử lý được. Nhưng rõ ràng là không có bằng chứng. Cho nên không thể bắt Ông Trump, nhận cái mà Ông không có, để được gọi là "Anh hùng". 

   5. Khác với Dân sự - Việc chứng minh Tội phạm, thuộc về nghĩa vụ của Bên cáo buộc, mà Bên bị buộc tội, không có nghĩa vụ đi chứng minh mình vô tội. Dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội: Việc suy diễn rằng Ông Trump kêu gọi mọi Người đến Hoa Thịnh Đốn vào đúng ngày 06/01, xuống đường tuần hành thể hiện sự ủng hộ Ông ta, thì đương nhiên Ông ấy cũng là Thủ phạm của cuộc bạo loạn - Đương nhiên không một pháp luật nào cho suy diễn như thế - Bằng không, Người ta đã bắt khẩn cấp Ông Trump ngay hôm đó rồi, mà chẳng cần phải lên tiếng dọa nhau ra tối hậu thư, rồi luận tội này kia......
------
TỔNG KẾT LUẬN: 

   Nhiều báo chí, trang mạng đều cho rằng Hoa Kỳ sẽ luận tội Ông Trump Về vụ bạo loạn xảy ra tại Đồi Capitol vào hôm mùng 06/01 - Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, điều đó rất khó xảy ra, nghĩa rằng, rất khó để buộc tội Ông Trump trực tiếp liên quan đến Vụ bạo loạn, vì không có bất kỳ bằng chứng vật chất cụ thể, thể hiện Ông Trump đã chỉ đạo, xúi giục, kêu gọi việc bạo loạn như vậy, ít ra cho đến lúc này. Ông Trump hoàn toàn có quyền kêu gọi mọi Người đến Hoa Thịnh Đốn vào đúng ngày 06/01, xuống đường tuần hành thể hiện sự ủng hộ Ông ta. Còn việc bạo loạn xảy ra sau đó là một sự biến pháp lý, không phụ thuộc vào ý chí của Ông Trump. Thậm chí Người ta có thể đặt ngược lại - Tại sao, những Người có trách nhiệm bảo vệ Đồi Capitol, lại không kiểm soát được tình hình, mà lại để bạo loạn xảy ra như vậy - Hay ai đó cố tình "Thiếu trách nhiệm" nhằm thả lỏng cho nó diễn ra. Thích Ai, ghét Ai là một điều bình thường trong cuộc sống. Nhưng trước pháp luật: Mọi thứ phải minh bạch, rõ ràng, dựa trên chứng cứ - Nếu chỉ vì không thích Ai đó, mà cứ muốn bằng cách này hay cách khác "Tống cổ" Người nào đó vào tù - Thì cũng khác gì những Vụ án oan ở đâu đó trên thế giới này ...............

Viết tại Sài Gòn, ngày 13/01/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét