Nguyễn minh Chí
Thời Tự Đức(1847-1883), lịch sử đất nước có nhiều biến động. Khắp cõi Nam Kỳ, lửa binh tàn phá khắp nơi, nông dân ly tán, lòng người hoang mang. Bối cảnh xã hội nhiễu nhương, người dân vùng nê địa tân thổ chẳng biết hướng về đâu. Nhiều tôn giáo cứu thế ra đời. Trong số những người bị triều đình Tự Đức và cả thực dân Pháp gọi là “gian-đạo-sĩ” có một du hiệp, và cũng là một hòa thượng giang hồ. Cái tên Xảo Son của ông ta cũng làm không ít nhà nghiên cứu rối trí. Không Việt, không Miên cũng chẳng phải người Hoa…cái tên chẳng nói lên gì ngoài việc dễ nhớ vì không đụng hàng!
Có một điều khó hiểu là khi còn trào Minh Mệnh(1820-1840) thì đã có truyền thuyết về Xảo Son, trạc tứ tuần…mà đến năm 1930, khi Pháp ngừng việc đào kinh toàn thuộc địa Nam Kỳ, Xảo Son cũng tung tăng khắp cõi, chẳng già đi chút nào…
Truyền thuyết về du hiệp giang hồ Xảo Son khá đặc biệt và nhuốm màu huyền thoại. Khổ nỗi, khá nhiều vùng đất có thực và những ký ức chưa phai của các bậc phụ lão vẫn kể về Xảo Son từng chi tiết, rõ và thật đến độ nghe qua không khỏi lạ lùng.
Câu chuyện về tử sĩ Xiêm La…
Cù lao Thới Sơn, một chiến hạm không thể đánh chìm của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ, đã từng tiêu diệt 300 chiến thuyền cùng 2 vạn thủy quân Xiêm La trong trận ác chiến Rạch Gầm-Xoài Mút đêm 19 rạng sáng 20-1-1785. Khi Pháp vừa sang xâm lược Nam Kỳ, cù lao này vẫn còn hoang vu và có chưa đầy 20 gia đình sinh sống. Cả làng gặp cơn bệnh lạ. Hàng năm vào đúng ngày rằm tháng chạp, tất cả con gái chưa chồng trong làng đều lên cơn điên và sau đó chắc chắn có người ra mép nước ven cù lao tự trầm. Các phụ lão trong làng đã tìm đủ cách, kể cả thuê pháp sư từ Miên về cúng yểm, không thâu kết quả. Một ngày nọ, trời vừa chạng vạng, một vị sư trẻ xuất hiện ở đầu làng, xiêu vẹo bước vào nhà một gia đình có vẻ khá giả. Cách ăn mặc rách rưới, chân trần đầy bùn sình nhưng tay cầm bát khất thực khiến chủ nhà vội vã nghênh tiếp. Chủ gia quát người nhà dọn cơm chay để cúng dường. Vị du tăng xua tay lắc đầu quầy quậy: “Đừng cho ta dùng chay!” Và nằng nặc xin một con vịt luộc cùng lít rượu…Chủ nhà và cả hàng xóm sững sờ nhưng thói quen kính nhường tam bảo(Phật-Pháp-Tăng), họ cũng chiều vị sư quái gỡ nọ. Vả lại, một số tăng nhân theo một vài hệ phái đều không kiêng ăn mặn, dân gian thường phân biệt gọi là thầy cúng nên việc ngã mặn của vị du tăng cũng dễ dàng được thông qua. Sau khi rượu thịt no say, nhà sư vỗ bụng hỏi: “Làng này, ai điên-ai tỉnh?”. Tất cả trố mắt nhìn nhau kinh ngạc. Họ kinh ngạc là phải, bởi lẽ từ lúc có khách, có ai đá động gì đến việc bệnh tật của dân làng đâu? Vị sư chỉ tay vào gia chủ: “Lỡ nhận của thí chủ một hớp rượu, một miếng thịt…thì thôi, con gái của thí chủ để mỗ giúp cho…” Cũng chưa cần ai lên tiếng hỏi, vị sư nói luôn: “Lát nữa mua cho mỗ chút bánh kẹo, ít nhang đèn, hoa quả, mang ra sông..” Đoạn, ông chui tọt vào trong chái bếp nằm lăn ra nền đất nện. Chốc lát vị tăng kỳ dị đã ngáy pho pho như đã nhiều ngày không ngủ.
Nửa đêm vị du tăng thức dậy, ra mép sông vẽ một vòng tròn to và lầm rầm đọc kinh. Giữa vòng tròn là hoa quả, nhang đèn và bánh kẹo. Lát sau nước sông sôi ùng ục và cá tôm thi nhau nhảy lên bờ, lọt đúng vào vòng tròn nọ.
Lạ sao, những cô gái chưa chồng đang mắc bệnh điên trong làng nhất tề tỉnh lại như xưa. Vị du tăng giải thích: “Những oan hồn chết trận năm nảo năm nào của Xiêm La giờ mới thực sự được siêu thoat..Từ nay trở đi, căn bệnh lạ hàng năm ám ảnh hàng thế kỷ ở cù lao Thới Sơn sẽ không còn nữa…” Khi đươc hỏi tên, vị du tăng giang hồ chỉ vắn tắt hai chữ Xảo Son rồi từ giã dân làng quá giang một chiếc ghe thương hồ đi mất.
Thu phục Bối và thủy khấu Cái Bè.
Bối- một từ riêng của dân thương hồ làm ăn khắp cõi Nam Kỳ, chỉ bọn trộm cắp đường sông. Đặc biệt ngã ba dẫn ra sông cái ở Bình Điền, có 3 cụm cây da cổ thụ, khét tiêng là nơi trú ngụ ẩn náu của bọn trọm này, đến độ thành danh từ riêng: Bối-Ba-Cụm! Tương tự, vùng Cái Bè có tên gọi vì là nơi tập trung các loại Ghe Bè đi buôn bán ngược giòng lên tận Nam Vang. Ở đây, cao thủ khắp mọi miền về hành nghề bảo tiêu cho những chuyến buôn đầy bất trắc. chính vì vậy, dân Cái Bè không biết tí võ nào thì thôi, còn biết thì thường là”nhất đại cao thủ”. Tất nhiên, thủy khấu trên giòng Mekong cũng dữ dằn và võ nghệ kinh người.
Một hôm, chiếc ghe bè chở trầu cau và đường thốt nốt từ Miên về ngang địa phận Sa Đéc. Trên ghe, ngoài các trạo phu và cha con người chủ ghe, còn có một người chuyên dò mực nước nông sâu tránh mắc cạn, cũng là con nuôi chủ ghe, Chẳng biết chàng trai ấy tên thực là gì, nhưng mọi người gọi là Thằng Hai. Ghe đang xuôi nước, chợt có tiếng gọi ơi ói. Hóa ra là một chiếng thúng tret dầu chai. Trên thúng là một vị du tăng áo vá chăng vá đụp. điều làm mọi người ngạc nhiên và không khỏi khó chịu là cảnh vị sư tay cầm bầu rượu, tay kia bốc thịt từ một chiếc mẹt nhỏ ngồm ngoàm nhai. Vì khó chịu nên chẳng ai để ý đến việc chiếc thúng chẳng ai chèo nhưng vẫn trôi theo chiếc ghe càng lúc càng gần. Ông chủ ghe lớn tuổi ra lệnh cho ghe dừng đợi khách quá giang. Thằng Hai phản ứng lắc đầu nguầy nguậy và thậm chí khi vị du tăng lên ghe rồi hắn vẫn lườm nguýt tỏ vẻ khinh ghét.
Đi hơn 2 canh giờ, nước đứng. Chợt cả chục chiếc xuồng tam bản chèo ra, lớp chận đường, lớp bít ngỏ, lớp áp sát chuản bị không chế. Biết gặp thủy khấu, cả ghe hè nhau chụp vũ khí chống trả. Nhưng bọn thủy khấu vốn đã chuẩn bị và quá đông nên chưa đầy một khắc, toàn bộ người trên ghe đã bị khống chế dồn vào một góc. Vị du tăng nằm ngáy pho pho ở đống dây chão mạn tàu, đột ngột ngồi dậy và chẳng hiểu bằng cách gì đã lướt thật nhanh đên cạnh tên đầu lĩnh. Chưa kịp vung thanh-quât (một vũ khí tương tự như cây mác trường) để chém, tên đầu lĩnh đã thấy tê buốt cổ tay và một cú đạp nhẹ vào hông của vị du tăng, làm tên này quỳ luôn xuống đất không tài nào đứng dậy được. Đó chính là cú đá xiềng (hay còn gọi là đá trói) lừng danh khắp cõi mà đôi khi chỉ nghe chứ ít ai tận mắt chứng kiến. Sau khi xử lý xong bọn cướp, vị du tăng cho biết tên: Xảo Son, và đưa ra đề nghị muốn nhận Thằng Hai cùng tên đầu lĩnh thủy khấu làm học trò! Hư thực thế nào cũng không xác định, nhưng nhân vật Thằng Hai thì hoàn toàn không phải là ảo. Người đặt nền móng cho việc xây dựng chùa Ấn Quang và cho việc thành lập Hội Phật Học Nam Việt sau này-thiền sư Huyền Quang, chính là…Thằng Hai ngày dó!
Hạ Sấu Tinh bên sông Tiền…
Địa phận giáp giới Cái Bè và Vĩnh Long có một cù lao. Khi ghe thuyền thương hồ đi ngang thường ghé vào cúng kiến. bên trong ngôi miếu nhỏ, có thờ một bộ xương đầu cá sấu dài gần..2 mét! Cũng nên biết rằng, vương quốc Đàng Trong từ lúc xa xưa vẫn là nơi nhiều sấu nhất. Nhưng với mảnh xương sọ cỡ đó, con sấu bị giết hẳn không dưới 10 mét bề dài và nặng cũng cỡ cả tấn!
Câu chuyện bắt đầu từ lúc cặp sấu tinh dạt về và chọn khúc sông này làm nơi nương náu, tác yêu tác quái theo lời kể lại của các bậc phụ lão, đâu vào khoảng loạn Phan Phát Sanh cướp Khám Lớn, 1913…
Không ít dân chài lưới bỏ mạng vì cặp sấu này và cả ghe thuyền buôn bán qua lại cũng không ngoài số phận. Một cú đập đuôi của loài sấu hoa cà lớn cỡ đó dư sức nhận chìm một chiếc ghe nhỏ và một cú táp của chúng, khó ai thoát khỏi cái chết. Dân cư của ven bờ và trên cù lao cũng thuê những tay săn sấu cừ khôi từ miệt U Minh và kể cả vùng Biển Hồ về tìm cách diệt cặp sấu đã thành tinh này nhưng đều mất mạng vì kích thước khổng lồ của chúng. Thế rôi bước chân của vị du tăng Xảo Son lại “tình cờ” đến nay vùng sông nước có cặp sấu tinh. Ông xin dân làng một bữa no say rồi mượn một cây mác vót bén như dao cạo, lội ra sông. Cuộc huyết chiến diễn ra, theo ký ức của những người già cả là từ giờ Tỵ đến quá trưa một chút. Con sấu cái bị Xảo Son giết bằng lưỡi mác đâm ngập đầu, mảnh xương sọ của miếu thờ ẫn còn dấu vết. Con còn lại bơi ra sông rồi ngươc giòng bỏ đi đâu không rõ. Vị du tăng khuyên dân làng lập miếu thờ và không n6n tìm cách giết con còn lại, thể theo đức hiếu sinh của trời đất. Quả nhiên, sau khi Xảo Son bỏ đi, con sấu còn lại cũng biệt tăm. Chỉ còn lưu lại chính là ngôi miếu Đầu Sấu này cho đến nay.
Vậy Xảo Son là ai? Tu ở chùa nào?
Khi Gia Long tẩu quốc, bị Tây Sơn truy bức, trốn vào một ngôi chùa và núp vào chiếc đại hồng chung. Quân Tây Sơn thấy trời tối bèn vây chặt cả khu rừng đợi trời sáng sẽ nhất tề tấn công. Gia Long và tùy tùng chắc mẫm sẽ phải chết như Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương. Đợi đến sáng tỏ mặt người, Nguyễn phúc Ánh cùng thủ hạ liều chết xông ra đột phá vòng vây. Nào ngờ toàn bộ quân Tây Sơn trong đêm đã bị một bầy rắn không biết cơ man nào hàng ngàn con, cắn chết sạch. Khi đăng cơ năm 1812, Gia Long ban cho ngôi chùa nọ bằng sắc và trở thành Sắc Tứ tự. Người đến vãn cảnh, cầu tự, xin tài lộc nườm nượp như trẩy hội vì nghe đâu ngôi chùa có bằng sắc vua ban rất linh thiêng. Tại bến sông dẫn qua chùa có lũ trẻ chăn trâu. Đứa lớn nhất trạc 15 tuổi, bàn: “Chơi lập chùa!”. Cả bọn dọn quang một khoảnh và dùng cây lá làm “chùa”. Hàng ngày chúng mang xôi, chuối, bắp và các loại hoa quả ra…cúng chùa. Một hôm có đứa thắc mắc: sao chùa không có phật? Thế là cả bọn hè nhau móc đất sét ra đắp tượng cho chùa. Rồi lại có đứa bàn: phật của chùa mình linh không hè? Cả bọn bèn thử bằng cách khiêng tượng ra ném xuống sông. Theo lý lận của thằng lớn tượng phải chìm, linh thiêng thì nổi! Nào dè, tượng nổi thật! thế là cả bọn lại hè nhau khiêng tượng trở lại chùa. Khách chờ đò thấy ngôi chùa lá, sẵn nhang đèn cũng vào đảnh lễ. Vài người cầu tài lộc chợt nhận ra…ngôi chùa lá này linh hơn họ tưởng. Một đồn mười, mười đồn trăm, khách thập phương kéo đến chùa đông hơn cả ngôi sắc tứ tự. Người ít gạch, kẻ ít cây..cứ thế dân chúng cúng dường khiến ngôi chùa lá năm nào trở thành một chùa đúng nghĩa có cả tiền điện hậu viện và cổng tam quan. Chùa Phật Nổi hay Chùa Đất Sét chính là ngôi chùa này va người trụ trì đầu tiên lại là trẻ chăn trâu 15 tuổi ngày đó! Qua bao nhiêu năm tháng vị trụ trì đã già, già lắm. Một buổi chiều chạng vạng, một vị du tăng tìm đến xin tá túc. Quần áo rách rưới, hôi hám khiến vị du tăng nọ không tránh khỏi bị các chú tiểu xem thường. Khi dùng bữa, vị du tăng lôi cả một mảng thịt heo quay to tướng trong tay nải ra ăn khiến cả chùa phản ứng. Nghe ồn ào, vị sư già trụ trì ra xem. Vài câu trao đổi, chợt vị trụ trì im lặng và quay về phòng. Giờ Tý, ngài gọi tất cả mọi người đến và xin vị du tăng nhận lấy vai trò trụ trì thay mình. Đến gần sáng, vị sư già viên tịch. Vị du tăng nọ, chính là Xảo Son. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, với Xảo Son không nề hà gì chay mặn và luôn buộc tất cả người phải lao tác, tự nuôi sống bản thân. Xuân thu nhị kỳ, thảng hoặc Xảo Son mới có mặt ở chùa. Còn lại thời gian khác, ông ta giang hồ khắp cõi theo kiểu một du hiệp thời xưa…
Thu phục gã côn-đồ-lơ xe bến Rạch Giá…
Câu chuyện cuối cùng được ghi nhận về giang hồ du tăng Xảo Son là năm 1930, Tây vừa ngừng việc đào kinh thủy lợi khai thác thuộc địa Nam Kỳ. Bà chủ xe có việc lên Sài Gòn, dặn xe đến đón ở nhà lồng chợ. Xe chật, nhưng một nhà sư rách rưới trả năm cắc bạc cứ nhất định chiếm đúng chỗ, không chịu nhường ai. Gã lơ xe nổi danh du đãng côn đồ, mệnh danh là thằng Năm Khùng, giận cứng người vì vị du tăng này dứt khoát không nhường cho bà chủ xe chút tiện nghi trên xe chật. Cãi một hồi, gã lơ xe nắm cổ áo quát tài xế ngừng lại lôi luôn vị khách đáng ghét xuống xe. Mặc cho vị du tăng phân trần, gã vung quyền nện luôn. Lạ sao, tay vừa chạm nhẹ vào ngực vị khách tu hành, gã thấy tê buốt và đứng bất động như trời trồng. Vị du tăng bỏ đi, vừa làu bàu khi bị cư xử tệ. Bà chủ xe vội chạy theo nài nỉ khi nhận ra thân thủ bất phàm của vị du tăng. Cả xe cũng xúm vào xin giúp. Vị du tăng mặt vẫn nhơn nhơn cho đến khi bà chủ xe sụp lạy. Ông chậm rãi cho biết: Gã lơ xe, vốn là người hiếu thảo nhưng tính nóng nảy và chẳng biết sợ ai… Sở dĩ hôm nay ông ta đến và đi đúng chiếc xe này là để độ cho “thằng Năm Khùng”. Lại gần gã lơ xe, ông vỗ nhẹ vào vai. Năm Khùng nhúc nhích trở lại đã áp tới toan vung quyền nện. Bắt gặp ánh mắt của vị du tăng, hệt như chó con gặp cọp, Năm Khùng khựng lại và nhũn như con chi chi. Sau vài lời nhỏ to khuyên bảo, Năm Khùng theo vị du tăng đi…tu! Mẹ già của Năm, được bà chủ xe nhận nuôi và chăm lo hậu sự. Chính bà chủ xe sau này, là người vận động tích cực nhứt trong việc thành lập Hội Phật Học Nam Việt và xây dựng chùa Ấn Quang.
Thay lời kết…
Chuyện về Xảo Son khá nhiều và khắp nơi Nam kỳ lục tỉnh, từ chuyện diệt cọp bắt sấu, thu thập cường đồ thảo tặc… nhiều không kể xiết. Nhưng khi tìm hiểu về con người đích thực của giang hồ du hiệp Xảo Son thì quả là vô phương. Có người cho rằng ông chính là một võ tướng của triều đình, chống lại chủ trương nghị hòa của Nguyễn văn Tường, nhưng thế cùng lực kiệt chọn cách lánh đời giữa chợ. Có thuyết cho rằng, ông la nghĩa sĩ Cần Vương, khi Pháp giải tán làng An Định ở chân núi Tượng, thay vì quay về quê như thực dân Pháp muốn, ông quyết định lang thang giúp đời theo cách riêng. Lại có thuyết cho rằng ông vốn thuôc giòng thiền Lâm Tế mà theo bài kệ truyền thừa là “Đạo-Bổn-Nguyên-Thành-Phật-Tổ- Tiên, Minh-Như-Hồng-Nhựt-Lệ-Trung- Thiên…”, Xảo Son cùng thời với Tiên Hải-Giác Tịnh.
Tất cả đều là giả thiết, nhưng dấu chân của vị giang hồ du tăng trên mảnh đất Lục Tỉnh Nam Kỳ, lại là có thực. Ít nhất, cũng phản ánh được một giai đoạn khá quan trọng và biến động của lịch sử nước ta.Tâm tư nguyện vọng và thậm chí tâm trạng hoang mang hoài nghi của sĩ phu thời đát nước gặp cơn bỉ cực, cũng được phản ánh khá đủ thông qua hành trạng của Xảo Son.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét