# Quan điểm của hai đoàn Việt Nam tại hội nghị Geneve theo tài liệu của Mỹ
Ngày 21/7/1954 là một ngày đáng quên trong lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam khi mà hiệp định Geneve được ký kết cùng với đường phân giới ở vĩ tuyến 17, kéo theo biết bao hệ lụy về sau. Điều đáng buồn là việc chia đôi đất nước không phải do người Pháp hay người Mỹ đề xuất, mà do chính người Việt Nam đề xuất. **Cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nghị rơi vào ngày 25/5/1954 , khi phái đoàn VNDCCH, mà cụ thể là ông Phạm Văn Đồng, lần đầu tiên đề xuất điều chỉnh lãnh thổ bằng đường phân chia giới tuyến. Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam của Bảo Đại tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào dẫn đến việc chia cắt đất nước. **Ngoài ra đoàn VNDCCH cũng yêu cầu phải ngừng bắn đồng thời ở cả ba nước Đông Dương chứ không được ngừng bắn riêng lẻ ở từng nước. Còn đoàn Quốc Gia Việt Nam thì cho rằng hòa bình cần được lập lại ở bất cứ nơi nào sớm nhất có thể, nghĩa là không cần đợi Lào và Campuchia ngưng chiến, Việt Nam vẫn có thể có hòa bình trước. **Pháp và Mỹ ủng hộ không chia cắt Việt Nam**.
Tuy nhiên gió đã đổi chiều khi Pháp thay thủ tướng mới, ông Mendes, vốn là người phản đối chiến tranh, đồng thời được ĐCS Pháp ủng hộ. Khi nhậm chức thủ tướng kiêm luôn bộ trưởng ngoại giao, ông này tự hứa trước quốc hội là sẽ từ chức nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Đông Dương trong vòng 30 ngày.
Nên sau đó đề xuất chia đôi đất nước của phía VNDCCH đã được Pháp chấp thuận sau khi điều chỉnh từ vĩ tuyến 13 lên thành vĩ tuyến 17, dù cựu hoàng Bảo Đại và phía Quốc Gia Việt Nam vẫn phản đối vì không muốn nhận "nửa mảnh sơn hà rách tả tơi". Do đó Hiệp định Geneve được ký chỉ giữa hai bên Pháp và VNDCCH vào ngày 21/7/1954, trễ một ngày so với thời hạn 30 ngày mà ông Mendes tự đặt ra. Tuy nhiên ông này không từ chức mà cho sửa ngày ký trên hiệp định thành ngày 20/7/1954.
Sau khi kết thúc hội nghị, được Chu Ân Lai của đoàn Trung Quốc mời ăn trưa để từ biệt, Mendes có hỏi đùa rằng "Ông nghĩ tôi có nên từ chức không?" Chu Ân Lai trả lời trễ một ngày là chuyện nhỏ nên cứ tính như không đi. Mendes mới cười và nói: "Tôi sẽ báo cáo với quốc hội rằng thủ tướng Chu Ân Lai không muốn tôi từ chức".
Số phận của Việt Nam được quyết định như vậy đó...
Mời các bạn xem ghi chép của đoàn Mỹ về cuộc họp ngày 25/5/1954 mà hai đoàn Việt Nam lần đầu tiên nêu quan điểm về việc phân chia đất nước.
Các bạn có thể tham khảo thêm các điện tín của đoàn Mỹ về các ngày họp khác tại đây:
https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1952-54v16
Ghi chú: Smith là Phó
Ngoại Trưởng Mỹ, Bidault là trưởng đoàn của Pháp, Eden là trưởng đoàn của Anh,
đồng chủ tọa với Molotov, trưởng đoàn Liên Xô.
.
PHIÊN HỌP GIỚI HẠN THỨ SÁU VỀ ĐÔNG DƯƠNG
Geneva, ngày 25 tháng 5, 3 giờ chiều: Phái đoàn Hoa Kỳ gửi Bộ Ngoại giao
Mật
Ưu tiên
Geneva, ngày 26 tháng 5 năm 1954— 1 giờ sáng
Phần 302. Nhắc lại, thông tin ưu tiên Paris 329, Tokyo 86, London 206, Moscow 86, ưu tiên Sài Gòn 110, Phnom Penh, Vientiane chưa được đánh số. Tokyo cho CINCFE [Tổng tư lệnh Bộ Tư Lệnh Viễn Đông]. Bộ chuyển cho Quốc phòng. Phiên họp giới hạn thứ sáu họp ngày 25 tháng 5 với Molotov là chủ tọa.
Molotov cho rằng không cần phải nhắc những người dự hội nghị cuộc họp đã kết thúc ở đâu vào ngày hôm trước. Sau đó ông ta điểm danh những người sẽ phát biểu.
Molotov cảm ơn phái đoàn Pháp đã dịch tuyên bố của Bidault ngày hôm qua. Ông ta chỉ nhận được văn bản tuyên bố của Bidault khi vào Palais [nơi họp] và có thể trả lời vào phiên họp tiếp theo.
Molotov cho rằng phiên họp này nên giải quyết các vấn đề có cùng quan điểm, và sau đó sẽ giải quyết các vấn đề khác chưa được đồng thuận.
Đại diện [Quốc Gia] Việt Nam nhắc lại rằng cuộc họp được cho là để xem xét các nguyên tắc chung. Tuy nhiên, muốn vậy phải nhìn nhận tình hình khác nhau ở ba quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam. Vấn đề đầu tiên được ghi nhận là chấm dứt các hành vi thù địch. Khi xem xét vấn đề này, tình hình ở Việt Nam khác với hai nước kia. Các cuộc đàm phán phải dựa trên nền tảng độc lập mà Việt Nam đã giành được. Nếu hòa bình lập lại, nó phải được thực hiện trong các điều khoản của thông cáo chung Berlin. Hòa bình cần được khôi phục ở bất cứ đâu có thể.
Đối với các biện pháp liên quan đến quân đội thường trực, Việt Nam là nơi có vấn đề, còn ở Lào và Campuchia tương đối đơn giản. Đây là những quốc gia có chủ quyền mà ông chắc chắn rằng không ai trong hội nghị phản đối. Hội nghị chỉ cần thống nhất về việc rút quân xâm lược. Vấn đề tập kết quân thường trú chỉ tồn tại ở Việt Nam. Ông ta nhắc lại kế hoạch mà ông đã đưa ra trước đây và nêu ra những điểm sau:
a. Việt Nam sẽ không đồng ý với bất kỳ kế hoạch nào dẫn đến sự phân chia đất nước.
b. Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập dưới một chính phủ hợp pháp và sẽ không có thỏa thuận nào dẫn đến hạn chế đối với quân đội Việt Nam.
c. Tập kết quân đội cần phải tính đến an ninh.
d. Cần phải có các biện pháp để ngăn ngừa bất cứ gây hấn nào thêm nữa.
Quân đội không thường trực phải được giải giáp nếu các biện pháp đảm bảo an ninh tối thiểu được đáp ứng. Ông đề xuất quy định các thủ tục để xử lý việc này.
Tất cả các phái đoàn phải đồng thuận về việc trả tự do cho tù nhân chiến tranh và những người bị bắt. Việc ngừng bắn phải trên cơ sở quốc tế và được đảm bảo quốc tế. Những hành động như vậy là cần phải có nếu muốn Việt Nam tin vào cam kết rằng sẽ không có thêm bất cứ gây hấn nào nữa. Việc rút quân đội nước ngoài phải được thực hiện sau khi đã đạt được thỏa thuận về tất cả các vấn đề khác.
Tất cả các điểm đều phụ thuộc lẫn nhau và phải có sự thống nhất về tất cả các điểm đó trước khi hội nghị có thể thành công.
Eden đã gửi một đề xuất mà ông ấy hy vọng sẽ cho phép những người tham gia hội nghị giải quyết một số điểm nhất định và sau đó chuyển sang các điểm khác. Ông nói rằng đề xuất của ông chủ yếu liên quan đến giám sát quốc tế. Nguyên văn như sau:
“Để tạo điều kiện sớm chấm dứt các hành động thù địch, cần phải xác định các khu vực mà trong đó lực lượng của cả hai bên sẽ được tập kết lại.
Để đạt được mục đích này, chúng tôi đề xuất rằng:
1. Đại diện của hai Bộ tư lệnh nên họp ngay tại Geneva.
2. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là tìm ra các khu vực tập kết cho Việt Nam.
3. Họ phải báo cáo những quan sát và khuyến nghị cho hội nghị sớm nhất có thể được.
4. Trong lúc đó hội nghị nên tiến hành xem xét các vấn đề quân sự khác, bắt đầu bằng việc thu xếp để quốc tế giám sát."
Đại diện VNDCCH tuyên bố ngừng các hành động thù địch có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn không chỉ bao gồm các hành động trên bộ mà còn cả các hành động trên không và trên biển. Sau khi chấm dứt các hành động thù địch, chính phủ của ông sẽ không cho phép máy bay Pháp bay trên lãnh thổ cũng như không cho phép người Pháp thực hiện các hoạt động chiến tranh chống lại ngư dân của mình.
Ông tuyên bố rằng việc tách rời vấn đề chấm dứt thù địch [riêng rẽ ở Lào, Campuchia, và Việt Nam] sẽ có nghĩa là hội nghị đang đi xa khỏi ý định đã nêu về việc chấm dứt thù địch nói chung. Việc chấm dứt thù địch riêng rẽ sẽ dẫn đến việc tập trung lực lượng vào các khu vực mà các hành động thù địch vẫn tiếp diễn, sẽ dẫn đến các hành động thù địch chung. Sau đó, ông đưa ra các điểm sau:
a. Phải có sự công nhận các nguyên tắc về việc điều chỉnh các khu vực đang kiểm soát ở mỗi nước.
b. Điều chỉnh có nghĩa là trao đổi lãnh thổ có xét đến những khu vực kiểm soát thực tế bao gồm dân số và các lợi ích chiến lược.
c. Mỗi bên sẽ có được lãnh thổ trong một mảnh để bao gồm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực cả về kinh tế lẫn hành chính.
d. Đường phân giới nên được thiết lập theo đường địa hình của lãnh thổ để giúp cho việc vận chuyển và thông tin liên lạc trong mỗi nước có thể thực hiện được.
Trong phần kết luận, ông ta tuyên bố rằng phải đạt được thỏa thuận về việc ngừng bắn và sau khi Hội nghị Geneva đồng ý về nguyên tắc, thì các chỉ huy của cả hai bên sẽ gặp gỡ và đưa ra khuyến nghị với các thành viên dự hội nghị về các điều khoản của hiệp định đình chiến. Hội nghị sau đó có thể đồng ý về các điều khoản giải quyết cuối cùng. Ông chỉ ra rằng bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào đều phải bao gồm các thỏa thuận cho người Khmer và Pathet Lào.
Bidault đề cập đến các đề xuất được đưa ra để tái tập kết các lực lượng, chỉ ra rằng bước đầu tiên cho vấn đề này là phải xem xét các thủ tục để tập kết quân. Dẫn chiếu đến các đề xuất trước đó về việc Bộ Tư Lệnh cần phải xem xét ngay tại chỗ, ông cho rằng cuộc gặp sẽ họp tại Geneva và Bộ Tư Lệnh phải chuẩn bị và gửi các đề xuất cho các thành viên Hội nghị Geneva để xem xét. Ông đề cập rằng các đại diện của Bộ Tư Lệnh có thể xuất hiện ở Geneva để tham vấn.
Bidault đã đề xuất rằng Hội nghị tăng tốc xem xét vấn đề Lào và Campuchia, chỉ ra rằng hội nghị không thể nhấn chìm một vấn đề đơn giản chỉ để xem xét một vấn đề phức tạp hơn.
Sau đó Tướng Smith đã phát biểu như sau: “Khi chúng ta rời đi ngày hôm qua, tôi có ấn tượng rằng chúng ta sẽ bàn về việc chấm dứt các hành động thù địch ở toàn bộ Đông Dương, cụ thể là liên quan đến xem xét vấn đề của Việt Nam.
“Nếu tôi hiểu đề nghị của đại diện Việt Minh, ông ấy đang đề xuất chia cắt Lào, Campuchia và Việt Nam. Tôi không tin rằng chúng ta nên xem xét nghiêm túc đề xuất này. Tôi tin rằng chúng ta có thể chấm dứt được xung đột nếu có thể đạt được thỏa thuận về ba điểm:
“(1) Rút quân vào các khu vực cụ thể của lực lượng thường trực ở Việt Nam;
“ (2) Giải giáp và giải tán các lực lượng không thường trực;
“(3) Thiết lập các biện pháp bảo vệ thích hợp và thành lập một ủy ban giám sát quốc tế có thành phần và các điều khoản tham chiếu có thể cho phép ủy ban hoạt động hiệu quả.
“Về điểm đầu tiên, ông Bidault đã đưa ra đề xuất về việc tập hợp tất cả các đơn vị thường trực vào các khu vực tập kết. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bidault.
“Trong khi đó, ông Eden đã đệ trình một đề xuất, sơ khởi là nhằm để đạt được việc chấm dứt các hành vi thù địch. Tôi tin rằng chúng ta nên tiến hành xem xét đề xuất đó ngay lập tức.
“Liên quan đến điểm thứ hai, Hoa Kỳ tin rằng các thỏa thuận về chấm dứt các hành động thù địch phải bao gồm các điều khoản về việc giải trừ quân bị của tất cả các lực lượng không thường trực. Theo tôi hiểu thì ngày hôm qua đã có sự đồng ý về điểm này.
“Cuối cùng, đối với chúng tôi, điều cần thiết là phải có các biện pháp bảo vệ hiệu quả để đảm bảo an ninh cho các lực lượng vũ trang và dân thường, cũng như đảm bảo chống lại việc các bên lạm dụng thỏa thuận chấm dứt hoạt động thù địch. Ít có khả năng những người đã đánh nhau trong nhiều tháng sẽ buông bỏ vũ khí và giữ hòa bình trừ khi họ được giám sát quốc tế phù hợp. Theo quan điểm của chúng tôi, cơ quan phù hợp nhất hiện có cho mục đích đó là Liên hợp quốc.
“Tôi đã đề cập riêng đến vấn đề của Việt Nam vì tôi hiểu rằng đó là thỏa thuận của chúng ta. Tuy nhiên, tôi sẽ nhắc lại những gì tôi đã nói trước đây rằng các hành động thù địch ở Lào và Campuchia có thể được chấm dứt bằng cách dàn xếp cho lực lượng Việt Minh xâm lược rút khỏi hai quốc gia đó. Tôi hy vọng rằng sự sắp xếp này có thể được thực hiện ngay lập tức. Tôi sẽ không nói gì thêm về vấn đề này vào thời điểm hiện tại”.
Molotov kết luận bằng cách nói rằng đề xuất của Eden sẽ được chuyển ngay cho các bên trong hội nghị để xem xét nhanh. Sau đó, ông đề xuất nghỉ giải lao.
Sau giờ giải lao, Molotov đề xuất một số sửa đổi đối với văn bản dự thảo của Eden: Trong phần mở đầu, thêm các từ “và cùng lúc” vào giữa từ “sớm” và “chấm dứt”; trong đoạn 1, bổ sung cụm từ “để điều này cũng góp phần vào việc thiết lập các cuộc tiếp xúc giữa các bên có liên quan trên thực địa”; và đoạn 2, viết thành “nhiệm vụ của họ phải là tìm ra các khu vực tập kết cho hai bên và trước hết là cho Việt Nam”. Ông không có sửa đổi nào cho đoạn 3 nhưng cho rằng đoạn 4 là không cần thiết vì nó giải quyết các vấn đề liên quan đến hội nghị nói chung chứ không phải liên quan đến vấn đề chính.
Bidault ủng hộ đề xuất của Eden nhưng đại biểu Campuchia hỏi liệu nó có áp dụng cho tất cả các quốc gia Đông Dương hay chỉ cho Việt Nam. Eden trả lời rằng phần mở đầu có ý định chung nhưng đoạn 2 dành cho Việt Nam. Đến đây, Campuchia đưa ra bảo lưu để "không trộn lẫn những thứ mà đúng ra phải được giữ tách biệt". Hơn nữa, ông không thể chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào của Liên Xô.
Tướng Smith nghĩ rằng đề xuất của đại diện Anh được soạn thảo cực kỳ tốt và vượt qua được hai vị thế đối lập nhau hiện vẫn đang giữ chặt quan điểm mà không gây tổn hại cho bên nào, và có khả năng tiến triển. Mặt khác, ông cho rằng việc sửa đổi đoạn 1 do chủ tọa đề xuất là hợp tình và hợp lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc của họ trên chiến trường sẽ giúp ích cho công việc tại Geneva và phái đoàn Hoa Kỳ có thể chấp nhận điều này. Những đề xuất khác ông thấy khó có thể chấp nhận và tin rằng các phái đoàn khác cũng vậy. Ông sẽ phải giải thích lý do của mình cho các đồng nghiệp. Phái đoàn Hoa Kỳ đã bày tỏ quan điểm rất rõ ràng về tình hình mà họ tin rằng đang tồn tại ở Lào và Campuchia. Tuy nhiên, với nỗ lực giúp đỡ và đóng góp vào công việc của hội nghị, phái đoàn đã tiến hành xem xét các đề xuất khác nhau nhưng thể hiện rất rõ rằng đoàn không từ bỏ quan điểm của mình. Đề xuất của Anh có thể làm cho tình thế đạt được tiến triển mà không phải rời bỏ điểm này. Ông đề nghị hội nghị chấp nhận sửa đổi của Molotov đối với đoạn 1 và loại bỏ những sửa đổi khác, cụ thể là phần mở đầu và đoạn 2 sẽ quay trở lại bản dự thảo ban đầu. Điều này sẽ cho phép hội nghị tiếp tục mà không có thêm trở ngại hoặc thiệt hại cho vị trí của Hoa Kỳ.
Bidault sau đó nhấn mạnh rằng đề xuất của Anh phải được áp dụng chỉ với Việt Nam, rằng chỉ có ở đó mới cần việc tập kết lại các lực lượng quân sự. Ông đồng ý với việc thiết lập các cuộc tiếp xúc tại Geneva và trên thực địa.
Đại biểu [Quốc Gia] Việt Nam bày tỏ quan điểm rằng câu đầu tiên của đề xuất của Anh là võ đoán trước tình hình ở Campuchia và Lào. Ông ủng hộ phát biểu của Bidault và yêu cầu ghi rõ rằng câu đầu tiên liên quan đến việc tập kết lại các lực lượng chỉ áp dụng cho Việt Nam. Ông không thể đồng ý với việc Liên Xô bổ sung chữ "cùng lúc". Việc chấm dứt các hành vi thù địch phải diễn ra ở bất cứ nơi nào có thể được mà không bị trì hoãn. Sửa đổi của Liên Xô đối với đoạn 2 bằng cách khái quát hóa khái niệm là áp đặt trước, thông qua các điều khoản trong đoạn này, đối với kết quả của bất kỳ việc tập kết nào. Nhận xét cuối cùng, ông nhấn mạnh quan ngại với việc nước Việt Nam thấy khả năng hội nghị có thể tạo ra sự chia cắt lãnh thổ quốc gia. Điều này trái với mong muốn của nhân dân Việt Nam và ông có trách nhiệm bắt buộc phải yêu cầu hội nghị đưa ra đảm bảo rằng việc tập kết lại các lực lượng sẽ không dẫn đến chia cắt.
Eden ủng hộ phân tích của Tướng Smith về ý nghĩa của văn bản của ông và các sửa đổi được đề xuất. Ông chỉ đơn giản là cố gắng đưa ra biện pháp thỏa thuận chung lớn nhất, và không hề võ đoán bất kỳ vấn đề nào. Ông chưa cố gắng xử lý vấn đề của Lào và Campuchia mà chỉ đơn giản là giải quyết vấn đề lớn của nhiệm vụ liên quan đến Việt Nam mà hội nghị sớm hay muộn phải giải quyết. Ông bày tỏ hy vọng rằng có thể đạt được thỏa thuận về sửa đổi của Molotov đối với đoạn đầu tiên và các sửa đổi khác của Molotov sẽ không được đưa vào văn bản cuối.
Molotov đề nghị rút lại các sửa đổi ngoại trừ đoạn 1 nhưng nói thêm rằng để tránh các vấn đề gây tranh cãi, ông đã kết hợp điều này với đề xuất rằng văn bản chỉ dừng lại ở đoạn 1. Nếu cần, đoạn 3 có thể được giữ lại thành đoạn 2 mới, mặc dù nội dung của nó quá hiển nhiên.
Bidault trả lời, trước tiên là về tuyên bố của đoàn Việt Nam, đảm bảo với đại diện của Việt Nam rằng hội nghị không được triệu tập để xé bỏ sự thống nhất của đất nước Việt Nam. Sau đó, ông bày tỏ quan điểm rằng việc loại bỏ đoạn 2 và 4 từ đề xuất của Eden sẽ khiến tài liệu trở nên vô hiệu. Ông đề xuất rằng nếu toàn bộ văn bản với phần sửa đổi của Liên Xô đối với đoạn 1 không thể được chấp nhận, thì hãy dành thời gian để suy ngẫm về vấn đề. Có thể nên dành ngày mai để kiểm tra toàn diện tất cả các đề xuất được đưa ra từ trước đến nay để hiểu được tình hình hoàn chỉnh, nơi nào có sự đồng ý và nơi nào không.
Đại biểu Campuchia sau đó thông báo rằng ông có trách nhiệm là không thể chấp nhận đề xuất của Anh vì ở một số điểm, đề xuất này có áp dụng cho Campuchia. Theo như ông hiểu thì ngày hôm nay đúng ra là phải dành cho Việt Nam. Ông ấy đánh giá cao nỗ lực của Eden trong việc hòa giải nhưng có nghĩa vụ phải đưa ra các bảo lưu vững chắc về bất kỳ quyết định nào có thể được đưa ra ảnh hưởng đến đất nước của ông ấy.
Nỗ lực cuối cùng của Tướng Smith nhằm đạt được sự đồng thuận với đề xuất của Eden với sự sửa đổi của Liên Xô đối với khoản 1 chỉ thúc đẩy Molotov chấp nhận đề nghị của Bidault rằng ngày mai sẽ dành để làm rõ quan điểm của phái đoàn về vấn đề này và các đề xuất khác.
Sau khi thỏa thuận về thông cáo chung thường lệ, cuộc họp giới hạn tiếp theo về Đông Dương được thống nhất sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 27 tháng Năm.
Nhận xét: Rõ ràng như đã nêu trước đó là đối xử riêng rẽ với Lào và Campuchia vẫn là vấn đề cơ bản mà những người Cộng sản dù chỉ tranh luận mang tính hình thức vẫn chưa sẵn sàng để thỏa hiệp. Đề xuất của VNDCCH là nỗ lực rõ ràng đối với việc phân chia đất nước. Tất cả các phái đoàn ngoại trừ Lào và Campuchia đã đồng ý sẽ tiếp xúc giữa đại diện của các Bộ Tư lệnh cả ở Geneva và trên chiến trường.
SMITH
người dịch: Van Nguyen
> Connaissance De Hanoi - Knowledge Of Hanoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét