Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2023

Hà Sĩ Phu: THUYẾT TAM DUY

Nhân ngày đầu năm mới

  Xin mạn đàm về THUYẾT TAM DUY

                            Hà Sĩ Phu

    Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã giới thiệu quan niệm của HSP về “Thuyết Tam duy”, về 3 xu hướng của con người trong cuộc sống của mình (www.nguyenthanhgiang.com và https://tuynhdurac.wordpress.com/about). DUY LỢI là sự tôn trọng, yêu thích dựa trên Lợi ích. DUY CẢM là tôn trọng dựa trên Tình cảm, thấy đẹp, thấy hay, thấy cao thượng thì say mê. DUY LÝ là dựa trên Lý trí, thấy đúng, thấy hợp lý, hợp khoa học, hợp quy luật thì tán thành.

   Nói thô thiển thì Duy lý tượng trưng bởi khối óc, Duy cảm tượng trưng bởi trái tim, Duy lợi tượng trưng bởi cái dạ dày. 

    Con người là sự pha trộn của 3 điều thích thú ấy với những tỷ lệ khác nhau. PHẦN ĐÔNG con người ai cũng Duy lợi, bởi không có những lợi ích cho cuộc sống của mình thì sống sao được. Giới NHÀ VĂN-NGHỆ SĨ nặng về Duy cảm. Một thiểu số NHÀ KHOA HỌC thì chỉ tôn trọng những gì đúng bản chất, có khoa học, hợp quy luật và trường tồn.

    Ba điều ấy đều quan trọng. nhưng chỉ hai điều đặc trưng cho “tính Người” cao hơn con vật là Trái tim và Khối óc, tức Tình cảm và Lý trí. Cho nên quan hệ giữa Tình cảm và Lý trí là vấn đề thường được đặt ra, nó quyết định những bước quan trọng trong cuộc sống và sự nghiệp của người Trí thức, của nhà Văn hóa, Văn nghệ sĩ.

    Trái tim cho con người sức mạnh vượt qua khó khăn gian khổ để mưu cầu việc lớn, nhưng Trái tim không có con mắt, Trái tim thường mù lòa. Muốn nhìn rõ con đường cần đến Trí tuệ tinh tường.

    Trái tim lớn thu hút lòng người mà tìm đường sai thì nguy hiểm cho cả đám đông. Ngược lại, có Trí óc tinh tường nhưng thiếu Trái tim lớn thì cũng nguy hiểm không kém.

   ĐÁM ĐÔNG để ta thương yêu, đám đông là sức mạnh và trong đám đông có thể xuất hiện nhân vật kiệt xuất nhưng đám đông nói chung là ngu muội nên cần tôn giáo để chăn dắt nhưng cũng vì thế mà dễ sa vào mê tín. Giới DUY CẢM cũng dễ mắc lừa bởi “trái tim giả” do tà giáo dựng lên, đó là nguồn gốc sức mạnh nhất thời của tà giáo Cộng sản. Người dám nói sự ngu dốt và sức mạnh của đám đông là Einstein, một TRÍ TUỆ siêu việt, khi ông nói “ta không thể thắng sự ngu dốt vì chúng rất đông”. 

   Ngày nay chúng ta kính trọng và ủng hộ những người vừa có “tâm” vừa có “tầm” tức là có đủ Lương tâm và Trí tuệ, là cái nhìn rất đúng, nhưng đánh giá “tâm” và “tầm” thế nào lại tùy thuộc vào Trí tuệ của mỗi chúng ta. Chưa có lúc nào thử thách con người về Trí tuệ như lúc này.

     Đường đi, lối ra của quê hương, dân tộc mong chờ những Lương tâm và Trí tuệ ở tầm cao, và có phương pháp tài giỏi vượt qua trở ngại, biết vận động quần chúng để thành công. Điều ấy khó đến mức ta thường bảo là chỉ còn trông vào…Hồng phúc của Dân tộc.                                                                        

                                      HSP- 1/1/2024

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

Spiderum: VODKA ĐÃ PHÁ HOẠT NƯỚC NGA NHƯ THẾ NÀO?

 VODKA ĐÃ PHÁ HOẠT NƯỚC NGA NHƯ THẾ NÀO?

“Một chai Vodka là quá nhiều, Ba chai Vodka là không đủ”

Khi nhắc tới nước Nga, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh một đất nước “bợm nhậu”. Chúng ta nghĩ về những Ivan, Dima, Vova hay Misha túm năm tụ ba với nhau và tu vodka như nước lọc. Chúng ta nghĩ đến những anh thanh niên mặc bộ đồ Adidas, nghe hardbass, đội mũ ushanka, tay cầm chai vodka nhảy múa. Đúng vậy, đó đều là những hình ảnh hài hước vui nhộn mà người nước ngoài hay thấy ở Nga.

Tuy nhiên, đằng sau những tràng cười vui vẻ ấy là một bi kịch khổng lồ của một dân tộc bị rượu bia tàn phá trong hơn 4 thế kỉ, mà hậu quả của nó đến tận ngày hôm nay vẫn khiến các quan chức Điện Kremlin đau đầu. Một bi kịch đã tàn phá các thế hệ người dân Nga, và cũng là lời cảnh báo cho các nền văn minh khác trên thế giới.

Vodka thực ra chưa chắc đã có nguồn gốc từ Nga, các sử gia vẫn chưa kết luận xuất xứ của nó là Nga hay là Ba Lan. Họ chỉ biết rằng nó được du nhập đến Moskva vào khoảng cuối thế kỉ XIV. Vodka cũng chẳng phải một đồ uống đặc biệt: nó không màu, không vị, về cơ bản chỉ là etanol lên men từ tinh bột (ngũ cốc hoặc khoai tây), rất rẻ tiền so với rượu vang Tây Âu hoặc whisky. Và tất nhiên, rượu là thứ có hại cho cơ thể. Tuy thế, nó vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong văn hóa nhiều quốc gia Bắc Âu và Đông Âu, như Ba Lan, Ukraine, Belarus, Estonia, Latvia, Litva, Thụy Điển, Na Uy, Iceland, Phần Lan, và tất nhiên, Nga.

Vodka phát triển cùng với lịch sử của nước Nga, vậy nên hiểu về lịch sử Nga sẽ cho ta cái nhìn toàn thể về vodka.

Hãy nhớ rằng, vodka không phải là thức uống truyền thống duy nhất ở Nga. Quốc gia này từ xưa đã có mối liên hệ mật thiết với đồ uống có cồn. Những ghi chép từ nước Nga cổ đại vào khoảng giữa thế kỉ IX và XIV - vốn là liên minh của các bộ tộc người Slav sống dọc bờ sông Dnieper (nay thuộc Ukraine), được gọi là Kievan Rus - nhắc tới chín loại đồ uống phổ biến thời bấy giờ. Chỉ có hai trong số đó là không có cồn, và một trong hai thứ không có cồn đó là… nước. Thậm chí còn có cả câu chuyện về Đại Vương công Vladimir Sviatoslavich - người cai trị Kievan Rus từ năm 980 đến 1015 - khi lựa chọn quốc giáo cho đất nước của mình, đã chọn Chính Thống Giáo Đông Phương thay vì Hồi Giáo vì đạo Hồi cấm uống rượu và cấm ăn thịt lợn. Kể cả khi các vị chức sắc Hồi Giáo hứa rằng tôn giáo của họ sẽ cho phép Vladimir thỏa mãn thú vui xác thịt (Vladimir rất thích phụ nữ), ông ta vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Chứng tỏ đàn bà vẫn không có sức hút bằng bia rượu, nhỉ?

Và rồi vodka đến. Chính vì nguyên liệu luôn có sẵn, rẻ tiền và dễ làm nên nông dân sản xuất vodka rất nhiều, và uống vodka như thể đây là một môn thể thao Olympic. Vodka sớm bám rễ vào đời sống của các dân tộc Nga giống như mối quan hệ của bia với các dân tộc nói tiếng Đức vậy. Vào thế kỉ XV, nước Nga lúc đó vẫn chưa mang dáng dấp của nước Nga hiện tại. Nó bao gồm nhiều thành bang, công quốc và tiểu vương quốc, trong đó Đại Công quốc Moskva là một thế lực đáng gờm. Ivan IV trỗi dậy trở thành Đại Vương công Moskva, bằng bàn tay sắt ông chinh phạt và sát nhập nhiều thành bang khác tại khu vực Đồng bằng Đông Âu, đặt nền móng cho nước Nga ngày nay. Ivan trở thành vị Sa Hoàng đầu tiên, đồng thời được kẻ thù phong cho cái danh xưng “Ivan Khủng Khiếp” vì sự cường bạo của mình.

Nhận thấy sự phổ biến của vodka trong quần chúng, Ivan Khủng Khiếp quyết định quốc hữu hóa toàn bộ nền sản xuất vodka của vương quốc mình. Ông cấm toàn bộ hoạt động sản xuất và mua bán vodka của dân, và tuyên bố rằng nhà nước từ nay độc quyền sản xuất thứ đồ uống này. Tất cả vodka là tài sản của triều đình, chỉ có thể được sản xuất bởi triều đình, và chỉ có thể mua từ triều đình. Ông còn cho xây dựng các “quán nhậu” hay “kabak” (tiếng Nga: кабак) do chính quyền kiểm soát. Đây là một nước đi không thể thua được: giờ đây triều đình Sa Hoàng độc quyền sản xuất một món hàng hóa ai-cũng-cần với chi phí rẻ mạt. Hệ thống này thành công đến mức các Sa Hoàng sau đó duy trì cho nó tồn tại suốt bốn thế kỉ, thu về nguồn lợi khổng lồ cho triều đình. Thậm chí vào năm 1648, cứ ba người đàn ông Nga thì một người mắc nợ quán rượu.

Có câu chuyện vui về việc Peter Đại Đế, trong quá trình xây dựng thành phố cảng Saint Petersburg, hỏi một người thợ giỏi rằng hắn muốn được thưởng gì. Khi được một vị Hoàng đế hỏi muốn thưởng gì, người ta có thể nghĩ đến đủ thứ: tiền, vàng, đất đai, tước hiệu, phụ nữ,… nhưng gã này là một tên bợm nhậu, cả đời chẳng bao giờ tỉnh táo để nghĩ đến cái gì khác ngoài rượu, nên hắn chỉ xin Peter cho hắn uống rượu miễn phí ở mọi nơi hắn đến. Peter ra thông báo và cho rằng việc này thật đơn giản, ai cũng hiểu và thực hiện được. Nhưng người thợ này lại nói rằng các chủ quán nghĩ hắn bịp bợm và đánh hắn vì không trả tiền. Peter quyết định đóng vào cổ hắn một con dấu của Sa Hoàng, để người ta nhận ra hắn. Sau này mỗi lần đi uống rượu, hắn búng tay vào con dấu trên cổ để chủ quán hiểu rằng hắn không phải trả tiền. Từ đó về sau “búng tay vào cổ” là ngôn ngữ cơ thể của việc rủ nhau đi nhậu.

Không phải ai ở Nga cũng quá say để nhận ra đây là vấn đề. Đầu thế kỉ XX, các trí thức và học giả Nga nhận ra tác hại của rượu lên xã hội, và họ xin Sa Hoàng Nicholas II cho in một dòng cảnh báo lên các chai rượu (giống như cảnh báo ở trên nhãn bao thuốc lá ngày nay). Họ nhờ đại văn hào Lev Tolstoy viết dòng cảnh báo đó.

Bạn có biết về thí nghiệm “công viên chuột” của nhà tâm lý học Bruce Alexander vào năm 1970 không? Trước Bruce, đã từng có thí nghiệm về chất gây nghiện trên chuột như sau: cho một con chuột vào lồng với hai bình nước, một bình là nước thường còn một bình là nước pha cocaine, kết quả là con chuột chỉ tập trung vào uống bình có cocaine và chết vì quá liều. Bruce tái tạo lại thí nghiệm, nhưng lần này con chuột có một cái lồng được trang trí sặc sỡ, ống trượt, và bạn bè để chơi cùng. Không một con chuột nào chết vì quá liều cả, và chúng hiếm khi sử dụng bình chứa cocaine

Đó chính là bản chất của nghiện ngập: sự tuyệt vọng và khổ sở. Chính quyền Sa Hoàng tạo ra sự tuyệt vọng, áp bức bóc lột tầng lớp nông nô, thợ thuyền và binh lính. Đời sống của người dân Đế quốc Nga rất cực khổ. Trong khi các nước châu Âu khác tiến tới từ bỏ chế độ phong kiến và thiết lập các thể chế dân chủ với nhân quyền cao hơn (mặc dù chỉ dành cho một số tầng lớp người), thì chế độ phong kiến Sa Hoàng tồn tại đến tận năm 1917, và sự bóc lột của tầng lớp quý tộc lên dân thường là rất khủng khiếp. Người dân, trong cơn tuyệt vọng và phẫn uất, tìm đến rượu như là một thú vui giải sầu giúp họ quên đi cái khổ trước mắt. Triều đình muốn dân chúng “say” thứ chất độc rẻ tiền này, nhằm đảm bảo bọn họ sẽ không thể nào nhận ra sự bi thảm bất hạnh của số phận họ.

Một kẻ say không thể nhận ra mình đang khổ đến mức nào để mà tìm cách thay đổi mọi chuyện. Một kẻ say không thể hô hào những kẻ say khác đứng lên khởi nghĩa, vì bản thân hắn đâu có tỉnh táo mà cũng làm gì có ai tỉnh táo mà nghe hắn. Một kẻ say đánh đập vợ con, và con cái hắn lớn lên cũng lại thành kẻ say. Một kẻ say tiếp tục làm việc đến chết cho cái hệ thống khiến hắn khổ sở, vì cái hệ thống ấy cho hắn được say rượu. Cuối cùng, hắn cả đời là kẻ bị sai khiến, và con cháu hắn cũng vậy.

Đây cũng là mấu chốt của các ngành công nghiệp chất gây nghiện: tìm đến những nơi có sự tuyệt vọng và khổ sở, tuồn hàng hóa của mình vào đó cho người khác tiêu thụ, họ sẽ không thể nào thay đổi tình hình gì khi đang phê thuốc, sự tuyệt vọng và khổ sở cứ thế tiếp tục lặp lại, và cư dân vùng đó dần lệ thuộc vào cái thuốc gây nghiện ấy. Từ chính sách của thực dân Pháp về thuốc phiện và rượu ở Đông Dương cho đến các băng đảng ma túy hiện đại ở Mỹ, tất cả đều hoạt động theo quy luật này. Những khu vực tràn lan sự hiện diện của chất gây nghiện luôn luôn là điểm đen về bạo lực, tội phạm, và sự vô vọng.

Nhưng rồi, bản thân Sa Hoàng cũng như nhân dân đều không thể nhắm mắt làm ngơ trước tác hại của vodka lên đất nước của mình. Trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Nicholas II ra lệnh hạn chế rượu ở Đế quốc Nga, kìm hãm kinh doanh rượu tại các nhà hàng nhằm tránh tình trạng binh lính say xỉn. Và rồi khi chế độ Sa Hoàng sụp đổ, và đảng Bolshevik nắm quyền tại Nga, họ tìm cách kiểm soát cơn say bất tận của quần chúng. Chủ nghĩa Lenin kịch liệt lên án bia rượu. Trong những năm đầu của Liên Xô, các đảng viên Cộng sản tuyên truyền rầm rộ rằng rượu là công cụ của tầng lớp địa chủ và tư sản để bóc lột nhân dân lao động, cố gắng tiến tới từ bỏ thứ truyền thống tai hại này để vực dậy tinh thần của người dân. Các nhà máy vodka của Sa Hoàng và các quán rượu đều bị đóng cửa.

Tuy nhiên, đúng với cái tên viết tắt của mình - CCCP/Các Cháu Cứ Phá - người kế nhiệm của Lenin đã phá hủy tất cả nỗ lực của ông trong cuộc chiến chống cồn. Năm 1925, dưới sự chỉ đạo của Joseph Stalin, các cơ sở nấu rượu và hoạt động mua bán do nhà nước quản lý lại mở cửa trở lại, với mục đích tăng doanh thu cho chính quyền trung ương. Stalin chỉ đơn giản gọi nó là “vodka của nhân dân” để khiến cho nó trông tốt đẹp hơn so với “vodka của Sa Hoàng”. Hệ lụy của nó là trong năm ấy, số lượng người tử vong liên quan tới rượu đã vượt trên mức độ của nước Nga trước Thế Chiến 1, thậm chí ở thủ đô Moskva, con số này cao hơn thời tiền chiến đến 15 lần.

Các nhà máy này được duy trì hoạt động trong suốt quãng thời gian còn lại của Liên Xô, đóng góp không nhỏ cho nhà nước. Trong những năm 70, hoạt động sản xuất và mua bán rượu chiếm đến gần 1/3 doanh thu của chính phủ, và ngày một tăng lên khi tiến tới những năm 80. Đây chính là thời điểm mà xã hội Liên Xô bắt đầu rơi vào rối loạn: nạn tham nhũng, kinh tế trì trệ, kỉ luật lao động xuống dốc, năng suất kém, nhiều cuộc cải cách bất thành, mâu thuẫn dân tộc dần nhen nhóm, công nghệ kém phát triển, đời sống khó khăn, và cuộc chiến tranh ở Afghanistan thì đang sa lầy. Nhiều người dân Liên Xô ở thế hệ này rất khác so với thế hệ trước, họ không còn nhiệt huyết với những lời hứa của chính quyền về tương lai tươi sáng của chủ nghĩa xã hội, họ chỉ thấy cuộc sống của họ thật nhiều bế tắc và tương lai thật mờ mịt. Không có nhiều thứ để khiến họ cảm thấy có niềm tin vào cuộc sống, thế là họ lại tìm đến vodka để thoát thực. Như đã nói ở trên, sự tuyệt vọng là thứ nuôi dưỡng cơn nghiện ngập, và ít nơi nào có thể có nhiều sự tuyệt vọng hơn là những năm tháng cuối cùng của Liên bang Xô-viết. Do đó, ít nơi nào trên thế giới lúc bấy giờ tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn như Liên bang Xô-viết. Trong thời kì này, đến cả phụ nữ và trẻ em cũng nghiện rượu, và ở một số thành phố người ta uống trung bình một chai rượu một ngày. Bánh mì và nước uống thậm chí còn đắt hơn vodka.

Trong nỗ lực ngăn chặn quốc nạn, Tổng bí thư Mikhail Gorbachyov cho triển khai những đạo luật hạn chế rượu nghiêm khắc hơn: tuyên truyền chống rượu rầm rộ, phạt rất nặng những người say rượu ngoài đường và quy định giá bán cố định cho vodka. Những đạo luật này đạt được một số thành công nhất định khi lượng tiêu thụ rượu theo đầu người và tội phạm do say rượu đã suy giảm, nhưng lại không được tiến hành tới nơi tới chốn ở nhiều nơi. Ngoài ra nó còn khiến cho hoạt động mua bán rượu tại chợ đen và tự nấu rượu tại nhà tăng cao, thành ra ngộ độc rượu lại trở thành vấn đề nhức nhối. Cuộc cải cách này của Gorbachyov, cũng như các thể loại cải cách khác của ông ta, đã thất bại.

Ngày 25/12/1991, 19 giờ 32 phút (giờ Moskva), lá cờ đỏ trên nóc điện Kremlin vĩnh viễn hạ xuống. Người ta nói Gorbachyov sẽ không xuống địa ngục đâu, vì quỷ sứ sợ ông ta sẽ làm địa ngục sụp đổ nốt.

Nước Nga mới thành lập là một mảnh đất rối ren, vị thế quốc tế và sức mạnh quân sự của nó bị hủy hoại. Boris Yeltsin cầm cả đất nước đem bán cho phương Tây và những tay tỉ phú. Người ta mất sạch lý tưởng và ý chí, chủ nghĩa cộng sản huy hoàng mà họ đấu tranh cả đời vì nó nay chỉ là một mớ lý thuyết vô nghĩa. Kinh tế tăng trưởng âm liên tục, nạn đói và thiếu lương thực tràn lan. Người ta đi ngoài đường và nhìn lên những tượng đài, công trình khổng lồ thời Xô-viết và tiếc nuối vô hạn một thời vàng son ấy. Trẻ con lớn lên trong tham nhũng và rối loạn, cha mẹ chúng chật vật kiếm ăn qua ngày. Họ thậm chí còn cả một cuộc chiến dai dẳng ở Chechnya. Hãy hỏi bất cứ một người Nga già cả nào đó những năm 90 họ sống như thế nào, bạn sẽ thấy sắc mặt họ tối sầm lại.

Và tất nhiên rồi, nơi nào có tuyệt vọng, nơi ấy có chất gây nghiện. Vodka lại trở thành một phần không tách rời của nước Nga. Không một biện pháp nào được chính quyền đưa ra cả, bởi đến Yeltsin còn là một gã bợm nhậu cơ mà. Năm 1993, trung bình một người Nga uống đến 14.5 lít rượu. Các nhà máy sản xuất rượu ngày xưa giờ được tư hữu hóa và bị các tỉ phú mua lại, tiếp tục điều chế vodka giá rẻ, tiếp tục đầu độc hàng thế hệ người Nga.

Vladimir Putin lên án hành vi uống rượu mất kiểm soát, và Dmitriy Medvedev từng gọi nạn nghiện rượu của Nga là “thảm họa”. Các đạo luật kiểm soát đồ uống có cồn mới đã được chứng tỏ là tương đối hiệu quả, khi số các ca tử vong liên quan tới ngộ độc rượu vào năm 2017 là khoảng 6.700 ca so với trên 23.000 ca vào năm 2006. Tuy nhiên, hệ lụy của bốn trăm năm nghiện rượu vẫn còn rất sâu sắc trong lòng nước Nga. Nga hiện nay có tỉ lệ tăng trưởng dân số là âm 0.1, tỉ lệ nam giới nghiện rượu cao nhất thế giới (16.29%), tỉ lệ nam/nữ hiện nay tại Nga là 86 nam/100 nữ, tuổi thọ trung bình nam giới ở Nga thấp hơn nữ giới đến 10 năm, do quá nhiều người đàn ông đã ra đi trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc thời xưa và theo tiếng gọi của “thần cồn” ngày nay. Trong bối cảnh đại dịch, nhiều người mất việc làm, mất người thân và phải ở nhà quá lâu, tình hình vẫn còn rất tệ khi mà tình trạng lạm dụng rượu bia và bạo lực gia đình tăng lên. Nói không ngoa, vodka đã đóng góp không nhỏ vào những cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học mà nước Nga đang và sẽ còn phải gánh chịu.

Đây không chỉ đơn thuần là bài học về lịch sử, mà còn là lời cảnh báo cho tương lai. Khi một xã hội phụ thuộc quá mức vào chất gây nghiện, thì sẽ không thể phát triển được. Và một xã hội tăm tối không phát triển được nơi con người sống trong cực khổ chính là điều kiện hoàn hảo để nghiện ngập tung hoành. Bốn trăm năm nghiện ngập của nước Nga chính là hồi chuông cảnh báo cho các xã hội hiện đại, cụ thể nhất chính là nước Mỹ hiện nay và vấn đề hợp pháp hóa cần sa. Khi xã hội Mỹ đánh mất những giá trị cốt lõi của mình và con người mất niềm tin vào nó, cần sa dĩ nhiên sẽ tìm được chỗ đứng cho nó để giúp con người “phê” và quên đi tình trạng chán nản, vô vọng và khủng hoảng niềm tin của mình hiện tại. Nhưng chính cần sa sẽ là thứ khiến tình cảnh tuyệt vọng ấy ngày càng được kéo dài, và việc các giá trị nhân văn của xã hội đang bị hủy hoại sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi, bởi chất gây nghiện khiến mọi người say trong ảo giác của mình và quên nó đi. Nước Mỹ sẽ lại dần đi vào vết xe đổ của người Nga.

Do đó, ý nghĩ truyền thống về sự nghiện ngập cho rằng vấn đề cốt lõi của nghiện ngập nằm ở từng cá nhân và cá nhân nên chịu trách nhiệm, là một tư tưởng cần phải thay đổi. Trái ngược với nghiện ngập không phải là điều độ. Trái ngược với nghiện ngập là xã hội nhân văn. Trách nhiệm không chỉ nằm ở mỗi việc người nghiện phải cai nghiện. Trách nhiệm nằm ở tất cả chúng ta để sự nghiện ngập không thể tồn tại.

Nguồn: Spiderum, theo fb Hoàng Hưng Huy



Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Khải Chính Phạm Kim Thư: Cách sử dụng "I" và "Y" và nguyên tắc đánh dấu trong tiếng Việt

 Cách sử dụng "I" và "Y" và nguyên tắc đánh dấu trong tiếng Việt

- Khải Chính Phạm Kim Thư

Nhiều bạn trẻ ta thán rằng khi viết văn, một số người có khuynh hướng đổi "y" thành "i" trong các trường hợp như "Bắc Mỹ" thành ra "Bắc Mĩ," "Quý Mùi" thành ra "Quí Mùi," và "thế kỷ" thành ra "thế kỉ,"v.v. Họ yêu cầu tôi viết bài để giúp họ hiểu rõ tại sao lại có những trường hợp như thế. Chính vì thế, chúng tôi mới có động lực để viết bài "Cách Sử Dụng 'i' và 'y' trong Tiếng Việt." Muốn hiểu rõ về cách ghép vần với nguyên âm "i" hay "y" và phương pháp đánh dấu trong tiếng Việt, trước hết chúng ta cần ôn lại về các chữ cái (tự mẫu) cũng như các nguyên âm và phụ âm.

I. Nguyên âm và Phụ âm trong Tiếng Việt

Chữ " i " là chữ cái (tự mẫu) thứ 9 trong 23 chữ cái của tiếngViệt và "y" là chữ cái cuối cùng trong 23 chữ cái của tiếng Việt. 

23 chữ cái của tiếng Việt gồm có: a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n, o, p, q, r, s, t, u, v, x, y. Trong 23 chữ cái này, có 6 nguyên âm chính (a, e, i, o, u, y) và 17 phụ âm đơn (b, c, d, đ, g, h, k, l, m, n, p, q, r, s, t, v, x). Bốn nguyên âm "a, e, o, u" trong số 6 nguyên âm chính "a,e, i, o, u, y" này còn có thêm các dấu nữa (ă, â, ê, ô, ơ, ư) nên 4 nguyên âm này trở thành 10 nguyên âm: a, ă, â, e, ê, o, ô, ơ, u, ư. Chính vì lý do này mà tiếng Việt có tất cả 12 nguyên âm: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y. Ngoài 17 phụ âm đơn, tiếng Việt còn có các phụ âm kép. Các phụ âm kép do hai hay ba phụ âm đơn làm thành (ch, gh, kh, ng, ngh, nh, ph, th, tr) hoặc do một phụ âm đơn và một nguyên âm chính (i hay u) làm thành (gi, qu). Chính vì thế, tiếng Việt có tất cả 28 phụ âm: b, c, ch, d, đ, g, gh, gi, h, k, kh, l, m, n, ng, ngh, nh, p, ph, q, qu, r, s, t, th, tr, v, x, và 12 nguyên âm: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y. 

II. Cách Sử Dụng Nguyên Âm "I" và "Y" 

Tùy theo mỗi vần và theo nghĩa của mỗi chữ, có những trường hợp ta chỉ được dùng "y" hay "i" để viết, chứ không thể dùng "i" để thay thế cho "y" hay dùng "y" để thay thế cho "i" được. Ở một số trường hợp khác, trong cùng một chữ, có người viết bằng "i" có người viết bằng "y" như trong trường hợp "quí" hay "quý" chẳng hạn. Tuy nhiên, theo phong tục tập quán, hầu hết các nhà văn thường viết các chữ với nguyên âm "y" hơn là"i" khi các chữ này có cùng một nghĩa và phát âm giống nhau. Lý do chính là vì các chữ có nguyên âm "y" trông có vẻ lịch sự, kính trọng, quý mến, trang nhã, mỹ thuật, và đầy tình cảm hơn những chữ viết bằng nguyên âm "i," chẳng hạn như trong trường hợp của nhóm chữ "quý văn hữu," "quý ông quý bà," "quý quan khách," "quý bạn," "quý vị," "quý chiến hữu," hay "quý cụ,"v.v. 

A. Những Trường Hợp Có Thể Dùng "I" hay "Y" Cũng Được 

Tùy theo tập quán hay thói quen, có người dùng "i" hay "y" để viết cùng một chữ. Dù là được viết dưới dạng bằng nguyên âm "i" hay "y," nhưng khi được đọc lên thì chữ này vẫn có cùng một âm thanh và cùng một nghĩa. 

Thí dụ: 

- Ì ạch, ỳ ạch; ì ra, ỳ ra; i như, y như; v.v.

- Hi hữu, hy hữu; du hí, du hý; hí đài, hý đài; hí hởn, hý hởn; hí hửng, hý hửng; hí họa, hý họa; hí kịch, hý kịch; hí viện, hý viện; hí trường, hý trường; báo hỉ, báo hỷ; hoan hỉ, hoan hỷ; hỷ tín, hỉ tín; v.v. 

- Kí cóp, ký cóp; kì cạch, kỳ cạch; kì cọ, kỳ cọ; một li, một ly (millimeter), v.v. 

- Mỹ lệ, mĩ lệ; mỹ cảm, mĩ cảm; mỹ mãn, mĩ mãn; mỹ miều, mĩ miều; mỹ nữ, mĩ nữ; mỹ nghệ, mĩ nghệ; mỹ nhân, mĩ nhân; mị dân, mỵ dân; v.v. 

- Ti tiện, ty tiện; ty tiểu, ti tiểu; tự ty mặc cảm, tự ti mặc cảm; ty trưởng, ti trưởng; năm tý, năm tí; tỳ bà, tì bà; tỳ nữ, tì nữ; tỳ tướng, tì tướng; thị tỳ, thị tì; tỳ thiếp, tì thiếp; tỳ vết, tì vết; tỳ vị, tì vị; tỉ dụ, tỷ dụ; một tỉ đồng, một tỷ đồng; tỉ lệ, tỷ lệ; tỉ mỉ, tỷ mỉ; tỷ muội, tỉ muội; tỉ như, tỷ như; tỉ số, tỷ số; tỉ thí, tỷ thí; tỉ trọng, tỷ trọng; năm tỵ, năm tị; tỵ nạn, tị nạn; tị nạnh, tỵ nạnh; v.v.

- Qui, quy (con rùa); nội qui, nội quy; chính qui, chính quy; vu qui, vu quy; qui chế, quy chế; qui củ, quy củ; qui định, quy định; qui hàng, quy hàng; qui hồi, quy hồi; qui luật, quy luật; qui mô, quy mô; qui nạp, quy nạp; qui phục, quy phục; qui tắc, quy tắc; qui thuận, quy thuận; qui tiên, quy tiên; qui tội, quy tội; qui tụ, quy tụ; qui ước, quy ước; qui y, quy y; quí báu, quý báu; quí danh, quý danh; quí hóa, quý hóa; quí hồ, quý hồ; quí hữu, quý hữu; quí khách, quý khách; Quí Mùi, Quý Mùi; quí nhân, quý nhân; quí nữ, quý nữ; quí ông, quý ông; quí phái, quý phái; quí phi, quý phi; quí quốc, quý quốc; quí san, quý san; quí tòa, quý tòa; quí tộc, quý tộc; quí trọng, quý trọng; quí tử, quý tử; quí vật, quý vật; quí vị, quý vị; quì gối, quỳ gối; quì lạy, quỳ lạy; quỉ kế, quỷ kế; quỉ quái, quỷ quái; quỉ quyệt, quỷ quyệt; quỉ sứ, quỷ sứ; quỉ thần, quỷ thần; thủ quĩ , thủ quỹ; ngân quĩ, ngân quỹ; ký quĩ, ký quỹ; quĩ đạo, quỹ đạo; quị lụy, quỵ lụy...

Ghi Chú: 

* Khi viết văn, nhiều người chỉ ghép phụ âm kép "qu" với nguyên âm "y." Tuy nhiên, trong vài quyển Việt Nam Tự Điển, tác giả chỉ đề cập trường hợp của các chữ do phụ âm kép "qu" ghép với nguyên âm "i" mà thôi. Còn về phụ âm kép "qu" ghép vời nguyên âm "y" thì các tác giả chỉ ghi: "quy, xt qui; quý, xt quí; quỳ xt quì; quỷ, xt quỉ; quỹ xt quĩ; quỵ, xt quị" (chữ "xt" là dạng viết tắt của "xem từ"). Có quyển tự điển lại ghi "quy (qui)," "quý (quí)," "quỳ (quì)," "quỷ (quỉ)," "quỹ (quĩ)," và "quỵ (quị)." Điều này có nghĩa là ta dùng "y" hay "i" để viết chữ có cùng một nghĩa cũng được.

* Trong trường hợp danh từ riêng như tên thành phố, tên nước, hay tên người, v.v., nếu các chữ đã được viết bằng "i" hay "y" thì ta không được quyền tự ý thay đổi như trong trường hợp của tên thành phố hay tên người sau đây: Thị xã Qui Nhơn, Mỹ Quốc, Mỹ Châu, tỉnh Mỹ Tho, Mị Châu (con gái vua Thục An Dương Vương lấy Trọng Thủy, con của Triệu Đà), Mị Nương (con gái vua Hùng Vương), GS. Doãn Quốc Sỹ, và CH Trần Thy Vân, v.v. 

* Khi đánh các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng lên chữ "quy" hay "qui," chúng ta phải đánh dấu lên trên nguyên âm "y" hay "i" vì chữ "u" trong chữ phụ âm kép "qu" đã cùng vơiù "q" để biến thành phụ âm kép chứ không còn là một nguyên âm nữa. Trong trường hợp phụ âm kép "th" ghép với vần "ui" hay "uy" thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ nhất "úi" (thúi) và "úy" (thúy). Nếu nguyên âm thứ 2 có dấu sẵn như "uê" hay "uơ" thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ 2 này "uế" (thuế) và "uở" (thuở). Xin xem tiếp phần "III" nói về Nguyên Tắc Đánh Dấu Trong Tiếng Việt ở dưới đây. 

B. Những Chữ Chỉ Được Viết với Nguyên Âm I" 

1. Những Chữ Có Các Vần Sau Đây Chỉ Được Viết với Nguyên Âm "I": ai, ia, ich, iêc, iêm, iên, iêng, iêp, iết, iêu, im, in, inh, ip, it, iu, oai, oi, ôi, ơi, ui, uôi, ưi, ươi, v.v.

-Ai: Ai oán, thất bại, cải dạng, chài lưới, dai dẳng, khán đài, gái tơ, âm giai, hài lòng, khai giảng, tương lai, mái nhà, van nài, ngái ngủ, lải nhải, lẽ phải, quái kiệt, rải rác, sai bảo, tai vạ, thái độ, từng trải, vai trò, tiêu xài, v.v. 

- Ia: Ỉa đái, bia miệng, địa chỉ, đôi hia, trông kìa, khía cạnh, lia lịa, mỉa mai, cái nĩa, nghĩa cử, tứ phía, chầu rìa, sỉa xuống, tia sáng, cái thìa, tría lịa, hú vía, xỉa răng, v.v. 

- Ich: Ích lợi, bích chương, chích thuốc, xê dịch, mục đích, hích nhau, đả kích, khiêu khích, lý lịch, tĩnh mịch, chật ních, nghịch ngợm, nhúc nhích, phình phịch, cũ rích, sình sịch, diện tích, sở thích, chỉ trích, xích đạo, v.v. 

- Iêc: Xanh biếc, chiếc thuyền, cá diếc, điếc tai, liếc mắt, mắng nhiếc, thương tiếc, ấm thiếc, công việc, xem xiếc, v.v. 

- Iêm: Châm biếm; chiêm ngưỡng, bao diêm, điềm lành, hiếm hoi, kiếm hiệp, liêm sỉ, niêm luật, truyền nhiễm, chuyện phiếm, siểm nịnh, tiêm thuốc, thiêm thiếp, viêm lương, Xiêm La, v.v.

- Iên: Biên bản, chiến tranh, diễn thuyết, điên đảo, hiên ngang, kiên cố, xui khiến, liên bang, miền xuôi, nghiên cứu, tất nhiên, luân phiên, trước tiên, thiên vị, triền miên, viên mãn, xiên xẹo, v.v.

- Iêng: Biếng nhác, chiêng trống, chết điếng, tháng giêng, hiêng hiếng, kiêng khem, khiêng vác, liểng xiểng, súc miệng, nghiêng ngửa, riêng biệt, siêng học, hòm siểng, mang tiếng, linh thiêng, xiềng xích, v.v,

- Iêp: Ngọc diệp, trùng điệp, hiếp đáp, duyên kiếp, khiếp sợ, tầy liếp, cơ nghiệp, nhiếp ảnh, trực tiếp, thiệp mời, v.v.

- Iêt: Biết điều, chiết cây, diệt vong, giết giặc, kiệt lực, tinh khiết, quyết liệt, miệt mài, ác nghiệt, nhiệt huyết, quân phiệt, chạy riết, siết chặt, trinh tiết, kiến thiết, triết lý, viết văn, Việt Nam, xiết chặt, v.v.

- Iêu: Phát biểu, chiếu cố, cái diều, điêu luyện, hiếu đễ, kiêu ngạo, cô liêu, văn miếu, nồi niêu, phì nhiêu, phiêu bạt, bún riêu, siêu nhân, tiêu chuẩn, thiếu phụ, thủy triều, xiêu vẹo, v.v.

- Im: Im lặng; bím tóc, con chim, dìm thuyền, him híp, kim chỉ, lim dim, mỉm cười, con nhím (dím), chiếu phim, rim cá, trái sim, tìm tòi, chú thím, v.v.

- In: In sách, bịn rịn, chín chắn, gìn giữ, kín đáo, mịn màng, nín hơi, nghìn đời, nhịn nhục, đèn pin, phin cà phê, nước rịn ra (nhỏ ra, rỉ ra), tin cậy, năm thìn, vịn cớ, xin lỗi, v.v. 

- Inh: Inh ỏi, binh lính, chính giữa, dinh dưỡng, đỉnh chung, hình ảnh, kinh đô, khinh bỉ, linh thiêng, minh bạch, an ninh, nghinh chiến, nhinh nhỉnh, má phính, rình mò, sinh khí, tinh khiết, thính giả, vĩnh biệt, xinh đẹp, v.v. 

- Ip: Lừa bịp, chíp chíp, dịp may, híp mắt, kịp thì, nhịp điệu, v.v.

- It: Ít ỏi, bịt miệng, chi chít, đá đít, hít hơi, đen kịt, khít khao, lít nước, mịt mờ, con nít, đông nghịt, quịt nợ, ríu rít, đen sịt, xa tít, thin thít, con vịt, xịt thuốc, v.v.

- Iu: Ỉu xịu, bận bịu, chịu khó, dịu dàng, hiu hắt, kĩu kịt, líu nhíu, níu lại, nhíu mắt, phụng phịu, ríu rít, tiu nghỉu, thiu thối, trìu mến, víu vào, bé xíu, v.v.

- Oai: Oai hùng, choai choái, đoái hoài, khoái chí, loài vật, năm ngoái, ngoại cảm, mệt nhoài, soái phủ, toại nguyện, thoải mái, xoai xoải, v.v.

- Oi: Oi bức, thầy bói, cõi Phật, chọi gà, theo dõi, đòi nợ, gọi dạ bảo vâng, giỏi giang, hói đầu, khỏi bệnh, lòi tói, mỏi mệt, nòi giống, ngòi bút, nhoi nhói, rọi đèn, soi gương, củ tỏi, thói đời, trói buộc, vòi nước, xoi bói, v.v.

- Ôi: Ôi chao! Bối rối, cỗi rễ, chồi cây, dồi dào, đôi khi, gội đầu, giồi phấn, hối cải, khôi phục, lôi thôi, mối tình, nối dõi, ngồi xuống, nhồi thịt, phối hợp, rối loạn, sôi nổi, tối cao, thôi thúc, trôi chảy, vội vã, xối xả, v.v. 

- Ơi: Ới trời ơi! Bơi lội, dời đổi, đời người, giới thiệu, hơi thở, khởi hành, lợi hại, mới tinh, nơi chốn, ngợi khen, phơi phới, rời khỏi, sợi dây, tơi bời, thời sự, trời biển, vời vợi, xới đất,v.v.

- Ui: Ủi quần áo, búi tóc, cúi đầu, chùi tay, dùi trống, đui mù, giúi tiền, húi tóc, khui thùng gạo, lui lủi, mui xe, nùi lửa, ngùi ngùi, nhủi vào lỗ, phủi bụi, rủi ro, sui gia, túi bụi, thui thủi, trụi lủi, vui vẻ, xui khiến, v.v. 

- Ưi: Khung cửi, chửi mắng, gửi thư, ngửi hơi,v.v.

- Uôi: Buổi sáng, cuối cùng, chuỗi hạt, duỗi chân, đuôi ngựa, muối mặt, nuôi dưỡng, nguôi giận, ruổi theo, suối vàng, tuổi tác, xuôi lòng, v.v.

- Ươi: Quả bưởi, cưới hỏi, dưới nước, lười biếng, mười mươi, người ta, rười rượi, lò sưởi, tươi cười,v.v. 

2. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "I" Bằng Cách Ghép Phụ Âm Đơn với Nguyên Âm "I."

-"B-i": Bi ai, hòn bi, bí ba bí bô, bí mật, quả bí, vận bí, say bí tỉ, li bì, so bì, phong bì, bì bạch, bì phu, bỉ sắc tư phong, bỉ thử, bỉ mặt, bĩ cực, bị tù, bị động, phòng bị, bị gậy, bị té, v.v. 

- "D-i": Di cư, Di Đà, di tích, man di, tru di, di ngôn, di hài, di họa, di truyền, di vật, dí vào, bẹp dí, dì ghẻ, dỉ tai, bất đắc dĩ, khả dĩ, dĩ nhiên, dĩ vãng, kỳ dị, dị đoan, dị nghị, v.v.

- "Đ-i": Đi bộ, đi đời, đi cầu, đi đứt, đi thi, đi tu, đi vắng, đi đò, lờ đi, bỏ đi, lẹ đi, đi lẹ, làm đi, đì đẹt đì đùng, đĩ điếm, v.v.

- "G-i": Gí mũi vào, can gì, có gì đâu, v.v.

- "H-i": Khóc hi hi, cười hi hỉ, ngựa hí, hí hởn, hí hoáy, hí hởn, hí hửng, hì hà hì hục, cười hì hì, hỉ mũi, hỉ hả, v.v.

- "K-i": Ki lô mét, một kí, kì kèo, kị (cụ), v.v. 

- "L-i": Li bì, nhỏ li ti, lí la lí lô, lí nhí, lì lợm, lì xì, v.v.

- "M-i": Mi (mày), mi (nốt đàn), lông mi, mí mắt, bánh mì, Mị Châu, mị dân, Mị Nương, v.v.

- "N-i": Chỗ ni chỗ nớ (chỗ này chỗi kia), ni cô, nỉ non, nỉ (dạ, len), v.v.

- "R-i": Khóc như ri, làm ri (làm thế này), nước chảy ri rỉ, nhỏ rí, xanh rì, rì rầm (thì thầm), chậm rì rì, mưa rì rào, mưa rỉ rả, rỉ từng giọt, rỉ tai, rỉ hơi, v.v.

- "S-i": Cây si, si tình, ngu si, gắn si, đen sì, bán sỉ, liêm sỉ, sỉ nhục, sỉ vả, văn sĩ, kẻ sĩ, sĩ tử, sĩ hoạn, sĩ phu, nghệ sĩ, sĩ quan, binh sĩ, sĩ diện, sĩ khí, v.v. 

- "T-i": Tôn ti trật tự, kẻ tôn người ti, ti hí, ti ma (để tang 3 tháng), ti toe, ti trúc, ti hí, ti tỉ tì ti, tí hon, một tí, tí nhau, tí teo, tí tẹo, tí xíu, tí ti, tí tị, tí nữa, tí chút, tí tách, tí toe tí toét, cậu bé Tí, tí xíu, tì tích, tì hưu, tì tì, tì tay xuống, ngọc tỉ, tỉ tê, lòi tĩ, ganh tị, ghen tị, tị tẹo, v.v.

- "V-i": Vi cá (vây cá), vi trùng, vi hành, chu vi, hiển vi, huyền vi, hành vi, vi hiến, vi âm, vi vu, vi vút, cái ví, ví von, ví bằng, ví dụ, ví như, trị vì, tại vì, nể vì, vì đâu, vì rằng, bởi vì, làm vì, thay vì, vì thế, vì vèo, vỉ đập ruồi, thủ vĩ, vĩ tuyến, vĩ đại, vĩ đạo, vĩ đại, vĩ nhân, vĩ tuyến, ngôi vị, vô vị, quý vị, bài vị, tự vị, vị chi, tì vị, vị lai, vị tha, vị chi, mùi vị, gia vị, vị giác, vị hôn thê, vị kỷ, vị lai, vị lợi, vị nể, vị tất, vị thành niên, vị trí, vị vong nhân, v.v.

- "X-i": Xi đái, gắn xi, xi măng, chuồng xí, xí gạt, xí nghiệp, cờ xí, xí chỗ, xí phần, xí xóa, xí xa xí xô, xì hơi, xì xào, xì dầu, xì gà, xì xằng, xì xụt, xì xụp, xì xồ, bạch xỉ, xỉ mũi, xa xỉ, xỉ vả, xị mặt ra, v.v.

3. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "I" Bằng Cách Ghép Phụ âm Kép với Nguyên Âm "I." 

"Ch-i": Làm chi vậy, tứ chi, hình chữ chi, thập nhị chi, chi thu, chi nhánh, chí khí, chi lan, tạp chí, chí hiếu, chí cuối, con chí, hạ chí, bút chì, chỉ chỏ, chỉ biết, sợi chỉ, tôn chỉ, chứng chỉ, cấm chỉ, Giao Chỉ, điểm chỉ, chỉ bảo, chỉ số, chỉ trích, chị em, v.v. 

"Gh-i": Ghi chép, ghi nhớ, ôm ghì, v.v.

"Kh-i": Khi xưa, khinh khi, khi không, khi quân, khi đi, không khí, khí cụ, khí cốt, tức khí, tinh khí, khí cầu, khí hậu, khí phách, khí quản, khí tiết, khí tượng, khí huyết, khí khái, khí sắc, khí vật, đồ khí gió, cười khì, ngủ khì, con khỉ, khỉ khô, v.v.

"Ngh-i": Nghi hoặc, nghi lễ, tiện nghi, nghi gia, nghi ngút, nghí ngoáy, vô nghì, nghỉ ngơi, nghĩ ngợi, lo nghĩ, hữu nghị, quyết nghị, nghị lực, nghị luận, v.v. 

"Nh-i": Nhi đồng, nhí nhảnh, hạng nhì, nhì nhằng, to nhỉ, đẹp quá nhỉ! Nhĩ mục(tai mắt), mộc nhĩ, nhị đào, đệ nhị, nhị tì, Nhị Độ Mai, Nhị Hà, v.v.

"Ph-i": Chánh phi, phi mỡ, phi cơ, phi tang, phi mã, phi chiến, phi đạn, Phi Châu, Phi Luật Tân, phi tần, phi phàm, phi lý, phí phạm, phát phì, phì cười, phì nhiêu, phì phà phì phèo, thở phì phì, phỉ lòng, thổ phỉ, phỉ báng, phỉ chí, phỉ sức, phỉ nhổ, phỉ vào mặt, phị mặt ra, v.v.

"Th-i": Thi cử, thi sĩ, Kinh Thi, con nhà thi lễ, dòng dõi thi thư, thi hài, cỏ thi, thi ân, thí sinh, thí nghiệm, bố thí, thí mạng, thí phát, thí dụ, đói thì ăn, thì giờ, dậy thì, cây thì là, thì ra, thì thầm, thì thọt, thì thùng, hồ thỉ, quả thị, dấu hoa thị, thị vệ, thị giác, thị thực, thị uy, kỳ thị, thị hiếu, yết thị, thị dục, Phạm Thị Thu, miệt thị, thị phi, đích thị, thị vệ, thị nữ, thị xã, v.v.

"Tr-i" Bạn tri âm, bố trí, tri giác, trí mạng, tri phủ, trí sĩ, trí tuệ, thông tri, trí thức, trí trá, bảo trì, duy trì, đan trì, trì giới, trì hoãn, phù trì, thành trì, trì trọng, trụ trì, ấu trĩ, bệnh trĩ, chim trĩ, bình trị, cai trị, giá trị, trị liệu, trị tội, trị thủy, v.v. 

C. Những Chữ Chỉ Được Viết với Nguyên âm "Y"

1. Những Chữ Có Các Vần Sau Đây Chỉ Được Viết với Nguyên Âm "Y": ay, ây, oay, uây, uy, uya, uych, uyên, uyêt, uynh, uyt, uyu, yên, yêt, và ynh.

- Ay: Áy náy, tụi bay, cay cú, ăn chay, day dứt, dạy bảo, đáy nồi, gay gắt, giày dép, hay chữ, khay nước, lay động, may mắn, nảy mầm, ngay thật, nhay nháy, dao phay, quay mình, ray rứt, say mê, tay chân, thay đổi, trảy (hái) quả mơ, vay nợ, xảy ra, v.v. 

- Ây: Cái ấy, bây giờ, cây cảnh, cây đàn, chầy cối, dây thép, đây này, gây gổ, giây phút, hây hây, lầy nhầy, mấy quyển sách, nẩy mầm, ngây ngất, nhầy nhụa, phây phây, quây quần, rầy rà, sẩy đàn, tầy trời, thầy mẹ, trẩy hội, vây cánh, xây nhà,v.v. 

* Trường hợp sau đây là ngoại lệ vì chữ viết và đọc khác nhau nhưng có cùng một nghĩa: quải gánh, quảy gánh, hay quẩy gánh (đều có cùng một nghĩa là gánh trên vai).

- Oay: Cái khoáy, loay hoay, nghí ngoáy, xoay vần, v.v.

- Uây: Khuây khỏa, ngoe nguẩy, v.v.

- Uy: Uy danh, cung thương giốc chủy vũ, duy ngã, huy hiệu, khuy áo, lũy tre, nguy cấp, suy nhược, tuy nhiên, thủy chung, truy tố, cổ xúy, v.v. 

- Uya: Thức khuya, v.v. 

- Uych: Ngã uỵch, huých nhau, huỳnh huỵch, v.v.

- Uyên: Uyên bác, chuyên cần, duyên dáng, huyên náo, khuyên bảo, luyến ái, nguyên chất, nhuyễn thể, bệnh suyễn, tuyên dương, thuyên chuyển, truyền thống, xuyên tạc, v.v. 

- Uyêt: Chuyết kiến (ý kiến thô thiển của tôi), duyệt binh, huyết mạch, khuyết điểm, nguyệt liễm, tuyệt diệu, thuyết phục, điểm xuyết, v.v.

- Uynh: Huynh đệ, khuynh hướng, luýnh quýnh, v.v. 

- Uyt: Huýt sáo, lườm nguýt, xuýt chết, v.v.

- Uyu: Khuỷu tay, khúc khuỷu, ngã khuỵu, v.v.

- Yên (qu + yên): Quyên sinh, quyến thuộc, quyền lợi, chính quyền, lưỡng quyền, quyền quý, quyển sách, ống quyển, v.v.

- Yêt (qu + yêt): Cương quyết, bí quyết, hành quyết, quyết nghị, xảo quyệt, v.v. 

- Ynh (qu + ynh): Mừng quýnh, cây quỳnh, quỳnh bôi, quỳnh tương, v.v.

2. Những Chữ Sau Đây Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "Y" Đứng Một Mình hay Đứng Đầu Mỗi Chữ: 

- Nguyên Âm "Y" Đứng Một Mình: 

Y đến rồi, y án, vàng y, qui y, chuẩn y hay y chuẩn, y hẹn; y hi, y sĩ, qui y, y theo, ý chí, ý định, ý nhị, ý kiến, ý nghĩa, ý thích, ý tứ, ý vị, ỷ mình, ỷ lại, ỷ lại, ỷ quyền, béo ỵ, v.v. 

- Nguyên Âm "Y" Đứng Đầu Mỗi Chữ: 

Yêm hoạn (hoạn quan), yếm thế, yểm bùa, cái yếm, yểm trợ, v.v.; Yên Đổ (Nguyễn Khuyến), Bình yên, yên hà, yên xe, yên đổ (tửu sắc yên đổ), yên trí, yến tiệc, yến oanh, yến sào, v.v.; con yểng; yết hầu, yết kiến, niêm yết, yết thị, yết hậu (lối thơ mà câu cuối cùng chỉ có một chữ), v.v.; yêu cầu, yêu chuộng, yêu đạo, yêu quái, yêu vận, phái yếu, yếu điểm, yếu tố, chết yểu, yểu điệu, yểu tướng, v.v.

3. Những Chữ Sau Chỉ Được Dùng Nguyên Âm "Y" Bằng Cách Ghép Phụ Âm Đơn với Nguyên Âm "y."

-"H-y": Hy Lạp, hy vọng, hy sinh, hy hãn, hý lộng, hý ngôn, hỷ lạc, hỷ nộ, hỷ sự, v.v. 

-"K-y": Ký âm, bi ký, chữ ký, ký danh, ký giả, ký hiệu, ký lục, nhật ký, ký quỹ, ký sinh trùng, ký sự, ký tên, ký túc xá, ký thác, thư ky,ù ký ức, Bắc Kỳ, cầm kỳ thi hoạ, kỳ cục, kỳ cùng, cực kỳ, kỳ cựu, kỳ diệu, kỳ duyên, kỳ đà, kỳ đài, đến kỳ, kỳ đồng, kỳ được, kỳ ghê, kỳ hạn, kỳ hào, hiếu kỳ, học kỳ, kỳ khôi, kỳ khu, kinh kỳ, kỳ lạ, kỳ lão, kỳ lân, kỳ lưng, kỳ mục, Nam Kỳ, kỳ ngộ, phân kỳ, kỳ phùng địch thủ, kỳ quặc, kỳ quái, kỳ quan, quốc kỳ, kỳ thị, kỳ thú, kỳ thực, Trung Kỳ, kỳ vọng, kỷ cương, ghế trường kỷ, ích kỷ, kỷ luật, kỷ lục, kỷ niệm, kỷ nguyên, tự kỷ, thế kỷ, kỷ yếu; kỹ càng, kỹ nghệ, làm kỹ, kỹ nữ, ngủ kỹ, kỹ nhé, kỹ sư, kỹ thuật, nhà có kỵ (ngày giỗ), đố kỵ, kỵ binh, kỵ gió, kỵ mã, kỵ nhau, kỵ sĩ, v.v. 

- "L-y": cái ly, ly biệt, quẻ ly, hồ ly, ly bôi (chén rượu uống lúc chia tay), ly dị, ly gián, ly hương, ly khai, ly kỳ, ly tán, giáo lý, lý ngư, cố lý, hành lý, đào lý, lý lẽ, lý hóa, lý lịch, lý sự, lý tài, lý thuyết, lý trí, lý tưởng, lý trưởng, mạ lỵ, bệnh kiết lỵ, v.v.

- "M-y": Bắc Mỹ, Mỹ Châu, Mỹ Quốc, Mỹ kim, hoa mỹ, mỹ sắc, thẩm mỹ, Mỹ Tho, mỹ thuật, mỹ tục, mỹ từ pháp, mỹ tửu, mỹ xảo, mỹ vị, mỹ viện, mỹ ý, v.v. 

- "T-y": Ty mật thám, công ty, tỳ tạng, tỳ kheo, tỳ vị, tỷ đối, tỵ hiềm, v.v. 

III. Nguyên Tắc Đánh Dấu trong Tiếng Việt: 

- Nếu một chữ có phụ âm đơn hay phụ âm kép ghép với một nguyên âm, thì các dấu phải đánh vào nguyên âm đó: bé, tá, phò mã, khỉ, xạ thủ, v.v. 

- Nguyên âm "u" và "i" trong phụ âm kép "qu" và "gi" đã cùng với phụ âm "q" và "g" để biến thành phụ âm kép chứ không còn là một nguyên âm nữa. Chính vì thế mà hai phụ âm kép này ghép với 1 hay 2 nguyên âm thì các dấu phải đánh vào nguyên âm ở ngay sau phụ âm kép này: quý, quí, quá, quà, quả, quỹ quạ, già, giá, giữa, giác, giải, giả, v.v.

- Nếu trước 2 nguyên âm mà có phụ âm đơn hay kép và sau 2 nguyên âm này lại không có phụ âm nào thì các dấu phải đánh vào nguyên âm thứ nhất như: chùa, chúa, thúy, thùy, thúi, lũy, gào, góa, bùa, của, bùi, chúa, khói, khảo, khóa, lìa, trào tráo, khéo, khỏe, khóe, chúi, thủy, và trụy, v.v. 

- Trong một chữ có 2 hay 3 nguyên âm mà1 nguyên âm đã có dấu sẵn như: ă, â, ê, ô, ơ, ư, v.v. thì các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng phải đánh vào nguyên âm đó: thuế, thuấn, thuyền, thuở, uyển chuyển, chữa, suyễn, diễm, truyện, diệu, v.v. Nếu 2 nguyên đều có dấu cả như "ư và ơ" thì các dấu phải đánh lên nguyên âm thứ hai: tướng lãnh, thường lệ, thưởng phạt, dưỡng khí, thượng lộ, v.v. 

- Nếu trong một chữ chỉ có 2 nguyên âm mà trước và sau 2 nguyên âm này đều có phụ âm đơn hay kép thì các dấu phải đánh vào nguyên âm thứ hai: đoán, khoáng, khoát, khoét, toàn, khoảng, loãng, loạng choạng, v.v.

- Khi một chữ tận cùng bằng 3 nguyên âm, thì các dấu phải đánh lên nguyên âm ở giữa như: thoái thác, ngoéo cổ, cười, bải hoải, khúc khuỷu, choãi chân, hải ngoại, v.v.

IV. Tổng Kết

Những điều chúng tôi trình bày trên đây là có ý định giúp các bạn trẻ ở hải ngoại có tài liệu học hỏi về cách ghép vần với nguyên âm "i" và "y" cùng với cách đánh dấu tiếng Việt. Việc ghép vần và đánh dấu tiếng Việt hết sức là quan trọng. Chúng ta cần phải học hỏi và nghiên cứu mới thấu đáo được. Có thấu đáo được cách ghép vần và đánh dấu tiếng Việt thì mới giỏi tiếng Việt. Có giỏi tiếng Việt ta mới xứng đáng là người Việt và mới có cơ hội học hỏi về lịch sử, phong tục, và truyền thống của tổ tiên. Có như thế thì nước Việt của chúng ta mới hùng cường, ấm no, và hạnh phúc muôn đời.

Canada, 2003

Khải Chính Phạm Kim Thư

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Nguyễn Gia Việt: Là người có giáo dục thì chúng ta phải tri ơn Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký và nhiều nhân vật lịch sử khác!

 -Nguyễn Gia Việt-

Là người có giáo dục thì chúng ta phải tri ơn Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký và nhiều nhân vật lịch sử khác!

Thấy trên báo, Sở VH-TT TPHCM vừa giải quyết, trả lời kiến nghị của "cử tri" nào đó  thắc mắc về việc đặt tên một số nhân vật còn "có ý kiến chưa thống nhứt" như Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký.

Tự nhiên thấy tức cười!

Cử tri này là dân ở đâu sanh ra vậy? Họ được tưới tẩm và đã có cái lịch sự và văn minh kiểu Sài Gòn, kiểu Miền Nam chưa vậy? Họ có ăn cây nào rào cây nấy chưa vậy?

Ăn ở điệu nghệ, tưới tẩm văn minh Sài Gòn Gia Định thì không nên có những thắc mắc trớt quớt tới độ kỳ cục như vậy.

Cách đây vài năm (và giờ chắc cũng vậy), cái vụ chữ quốc ngữ và ông Đắc Lộ bị chống đối, xỉa xói, kết án khi Đà Nẵng định đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.

Người ta chứng kiến nhiều "trí thức XHCN" cầm viết thay súng xông pha hạ gục hai ông linh mục có công chữ Quốc Ngữ này điên cuồng, hạ nhục những người tạo ra chữ Quốc Ngữ bằng chính ...chữ Quốc Ngữ như kiểu giang hồ đòi nợ tạt nước sơn pha mắm tôm thúi hoắc giữa Miền Nam vậy.

Ôi chèn ơi! Và nay là tại Tp Hồ Chí Minh 

Có chăng là "đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng"? 

1. Tại sao phải ghi ơn Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina?

Việt Nam ta xưa rày không có chữ viết, xài chữ Tàu không tiện, xài chữ Nôm rối rắm. Chữ Hán là chữ của Tàu, của Hán tộc. Nôm là Nam đọc trại ra, chữ Nôm là chữ của người An Nam.

Muốn học Nôm phải rành hết chữ Hán. Tức là như học ngoại ngữ, chữ Hán là ngoại ngữ 1 và chữ Nôm là môn thứ 2.

Người Việt mình xưa vô phước và loay hoay hoài với chữ viết, dân tộc ta chưa hoàn chỉnh.

Nguyễn Trường Tộ phàn nàn về chữ Hán và chữ Nôm khi viết rằng:

"Nếu một người nói ra một câu, lại phải nhờ một người khác dịch ra, tức là một người nước khác rồi. Một nước Nam ta mà có hai thứ âm thoại, hai thứ văn tự, chẳng hóa ra một nước mà ngăn ra hai thứ người sao?"

Nhưng Nguyễn Trường Tộ lại ủng hộ cho chữ Nôm, ông muốn cải tiến chữ Nôm trong khi ông nói rằng nó rắc rối quá xá.

Ngộ một điều là Nguyễn Trường Tộ là người Công Giáo, có quan hệ thân thiết với các giáo sĩ Tây Phương, nhà thờ nhưng lại không đá động gì tới chữ Quốc Ngữ La Tinh mà giới giáo sĩ đang xử dụng.

Ông đề nghị vua Tự Đức xài chữ Nôm chứ không đề nghị chữ Quốc Ngữ. Ông gián tiếp phản đối xài chữ Quốc Ngữ, ủng hộ xài  chữ Hán – Nôm làm văn tự chánh thống.

Có lẽ tầm nhìn của Nguyễn Trường Tộ  không dám vượt qua khuôn khổ Nho gia, ông vẫn bị cái "Nho" kiểu Tàu giữ rịt chặt cứng trong suy nghĩ và quan điểm học thuật.

Qua thời các cố đạo vô An Nam truyền đạo Chúa đã manh nha có chữ Latin phiên âm tiếng nói của người Việt.

Đúng là họ truyền đạo nhưng đã vô tình tạo ra chữ cho dân tộc Việt chúng ta.

Giáo sĩ Francisco de Pina (1585-1625) là một giáo sĩ Công giáo người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên trong quá trình truyền giáo đã chế tạo và đặt nền móng cho chữ Quốc Ngữ.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) đã tập hợp, chỉnh lý, bổ sung, và hoàn chỉnh chữ Quốc Ngữ còn sơ khai mà giáo sĩ Francisco de Pina và các cộng sự người Việt đi trước để lại bằng cách biên soạn cuốn Từ điển Việt - Bồ - La.

Chữ Hán Việt đâu phải của dân tộc ta tổ tiên ta, người Việt học chữ Hán không những học viết thôi mà còn học đọc, học nghĩa, học tùm lum, tóm lại là học một ngoại ngữ.

Còn người Việt học Quốc Ngữ là học đọc và học viết tiếng mẹ đẻ, ngữ nghĩa và cú pháp của chính tiếng nói của người Việt.

Nhờ Quốc Ngữ mà Việt ta như cắt đứt với Tàu, cái dây lòng thòng ngàn năm coi như đứt, chỉ còn hoài niệm trong đình chùa cổ với những câu đối xưa của quá khứ.

Mình không khôn, không sáng chế ra chữ thì phải xài chữ La Tinh, có gì mà nhục.

Quan trọng là ta biết tri ơn những người đã làm ra chữ đó cho dân tộc Việt,  không cần moi móc ra những thứ không cần thiết, người ta chỉ tin cái mà người ta muốn tin.

Không chữ nào bằng chữ Quốc Ngữ

Dât tộc Việt vậy là đã hoàn chỉnh, Việt Ngữ-Quốc Ngữ đã hoàn chỉnh, không còn cần cái gì nữa.

2. Tại sao phải ghi ơn Petrus Ký- Trương Vĩnh Ký ?

Petrus Ký- Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhà ngôn ngữ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, một học giả tiêu biểu của Nam Kỳ chúng ta.

Petrus Ký không gọi chữ Quốc Ngữ, ông kêu là "Tiếng An Nam ròng"

Cái thuở ban đầu truyền bá chữ Quốc Ngữ khó lắm, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của đã cố gắng rất nhiều.

Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên phiên âm truyện Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ năm 1875, Lục Vân Tiên cũng là do ông chuyển thể ra Quốc Ngữ.

Đọc lại một đoạn Kiều của Petrus Ký coi có quen không nha bà con cô bác?

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau!

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời sanh quen với má hồng đánh ghen

Kiều thơm lần dở trước đèn.

Phong tình cổ lục còn truyền sử sanh

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương lẳng lặng hai kinh vững vàng

Có nhà viên ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

Một trai con thứ rốt lòng

Vương quan là chữ nối dòng nho gia

Đầu lòng hai ả tố nga

Túy Kiều là chị em là Túy Vân

Mai cốt cách tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

Vân xem trang trọng tót vời

Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang”

Petrus Ký là người Nam Kỳ, thành thử ra giọng văn ông rặc Nam. Ông là nhà văn đầu tiên vinh danh cái đặc trưng Nam Kỳ này.

Viết sách Tây, chữ Pháp, dịch chữ Tây ra Ta. Biên soạn từ điển. Petrus Ký còn viết sách chữ Hán, dịch Hán ra quốc ngữ nữa, thí dụ:

–Tứ thư (Đại Học, Trung Dung 1889)

– Tam tự kinh (1884)

– Minh tâm bảo giám (1891-1893)

– Sơ học vấn tân (1884) (Tóm tắt sử của Trung Quốc và Việt Nam)

– Tam thiên tự (1887)

Ông dịch Nôm ra quốc ngữ đầu tiên luôn 

“Đêm nằm đóng cửa gài then

Tới khi gần ngủ tắt đèn đứng chong

Hao dầu lẽ ấy đã xong

Còn e gian tế dòm trong soi ngoài” (Huấn nữ ca 1882)

Ông còn cất công đi đây đó sưu tầm, thí dụ bài ”Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1887)” của Đồ Chiểu. Mời đọc hai câu kiểu văn của Petrus Ký chép nè:

"Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh

Hơn còn phải chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ" 

Học giả Trương Vĩnh Ký, một người Công Giáo nổi tiếng Nam Kỳ xưa, ông luôn xưng ông là nhà Nho.

Là Nho sanh, Trương Vĩnh Ký viết, phiên âm và phiên dịch các tác phẩm chữ Nôm, Hán qua chữ Quốc Ngữ, có đủ hết, từ tứ thư ngũ kinh tới sách dạy học trò tiểu học.

Ông là một nhà giáo dục có tâm với dân tộc

Ông giảng đạo đức Nho Giáo:

"Bổn phận của một người con là trung với vua, hiếu với cha mẹ, giữ đúng tam cương ngũ thường của nho gia.Sống trong sự ngay thẳng, hết lòng làm việc thiện và lánh xa việc ác, lấy phước đức mà đong, mà lường, cứ noi giữ các bậc tiền bối, vững lòng tiến cho kịp thiên hạ, bằng lòng với số mệnh, vui thích trong cảnh bình an, và tinh khiết, đừng đi tìm hư danh, hư lợi.

Đối với người con gái là theo đúng tam tòng tứ đức để đạt đến tận mỹ tận thiện.

Tóm lại, điều phải quan tâm nhứt là làm rạng rỡ gia tộc, tông môn bằng cuộc đời của chính mình cùng những đức hạnh của chính mình đối với cha mẹ".(Trương Vĩnh Ký -Tạp chí Viễn Á tháng 12 năm 1925)

Tờ báo ”Thông Loại Khóa Trình” ra mắt năm 1888, trong bài báo số đầu tiên khi nói về mục đích, Petrus Ký đã viết:

"Phép học là trước học lễ, sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia giáo, biết phép tắc, lễ nghi, can thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim, ấy là đáng được con người tử tế..."

Trong cuốn" Phong Hoá Ðiều Hành (Morale en Actions)" 1898 ông ghi lời tựa:

" ...Trong sách ta làm đây, có ý giúp dạy phong hóa, mà ăn ở cho phải phép; lại trong sách này, sẽ gặp đặng nhiều gương có danh tiếng những kẽ đã theo phong hóa thật.

Sau nữa, cũng gặp những lời ta thêm mà kết dón lại cho đặng hiểu rõ gương ta trưng; lại bằng ai thông thái một ít thì sẽ biết các truyện trong sách này, đã lựa bỡi sách các tấn sĩ có danh tiếng, mà làm ra"

Trương Vĩnh Ký sanh 6/12/1837 tại Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình Công Giáo Nam Kỳ.

Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, sau gọi Petrus Ký.

Petrus hay Jean Baptiste là tên thánh, không phải tên quốc tịch Tây. Là vì ông có chịu nhập tịch Tây đâu, khăng khăng giữ cái Việt, cái An Nam từ trong máu ra ngoài.

Nội cái tánh này thôi cũng đủ hậu thế chúng ta khâm phục ông lắm rồi!

Đi năm châu bốn biển vẫn áo dài khăn đóng, mang guốc mộc, giữ cái búi củ tỏi trên đầu để thờ ông bà tổ tiên.

Là một trong những người Nam Kỳ có trình độ làm việc với người Pháp đầu tiên theo dòng thời cuộc, tuy nhiên ở Trương Vĩnh Ký có gì đó rất dùng dằn, ông không lợi dụng thời cuộc làm giàu kiểu Huyện Sĩ, không lợi dụng vừa giữ quyền lực vừa làm giàu như Tổng Đốc Phương.

Với Pháp, ông vẫn giữ cốt cách, tư thế người Nam Kỳ nên bị Pháp nghi, với triều đình Huế ông lại bị nghi vì có dính người Pháp.

Xem lại thì Petrus Ký ngoài chức tổng tài một tờ báo rồi giám đốc một trường sư phạm thì ông không làm chức gì khác nữa trong bộ máy cai trị.

Ít ai ngó ra vấn đề này.

Pháp muốn đá ông ra khỏi bộ máy, nhiều quan Pháp ghét Petrus Ký ra mặt.

Sau 1872, Trương Vĩnh Ký đã bị loại ra khỏi bộ máy hành chánh ở Nam Kỳ.

Và tới năm 1880, ông xuất hiện lại trong một vài trò là thông ngôn cho các ông hội đồng người Việt trong các cuộc họp Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.

Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tranh luận đều bằng tiếng Pháp, mà các ông hội đồng Việt thì chỉ ngồi lắng nghe như vịt nghe sấm vì không hiểu tiếng Pháp, thành ra Pháp toàn làm cha mẹ.

Rồi Trương Vĩnh Ký ra Huế một thời gian ngắn.

Ở Huế thì các quan triều đình Duy Tân nghi ngờ ông là người của Pháp. Tháng 8/1886 ông về Sài Gòn thì Pháp loại vĩnh viễn ông ra khỏi bộ máy thẳng thừng kể cả cái chức quèn thông ngôn.

Ông chuyên vô viết sách và dạy học

Trả lời một câu hỏi “Tại sao không ra làm quan?”, ông nói:

“Song tôi trộm xét theo ý riêng, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được. Lại dầu có làm thì nay phủ huyện tràn đồng ai nấy làm qua buổi mà mình có làm thì muốn phụng chức cho trọn theo chức phận thì chói cho ông ấy, mình riêng mình một thế cũng khó, mà buông xuôi làm theo mọi người thì lại hổ phận mình...”

Vì sao không bỏ áo dài khăn đóng, búi tóc, không vô Pháp tịch?

“Vĩnh Ký bình sanh không dùng Âu phục, không vào Pháp tịch. Có nhiều khi môn đệ hỏi thăm sự vào Pháp tịch, thời trả lời rằng: "Nếu mình vào bộ dân Langsa, thời mất bộ dân Annam còn gì???" (Trương Vĩnh Ký hành trạng).

Trương Vĩnh Ký nói rằng ông không nhập tịch Tây vì:

"Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu cũng như chuyện đời xưa bên Tây nói con kên kên lượm lông công giắt vào mình rồi nhảy vào bầy công"

Ngày 23/7/1872,  ông viết di chúc:

“Người đời sanh ký tử qui, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, nhập thế cuộc biết khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã mới chun vô phòng được.

Sự sống ở đời tạm nầy như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua chóng hết tận đi như mây như khói. Nên phải liệu sức tùy thì, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong.

Những điều phải làm là, trai thì trung hiếu, nắm giữ tam cang ngũ thường. Ăn ở mực thước ngay thẳng, lập tâm làm lành lánh dữ, lấy phước đức mà đong mà lường; cứ noi giữ nghiệp ông cha, lo làm ăn theo kịp thiên hạ, cứ an cư lạc nghiệp lấy sự an nhàn làm hơn. Danh cương lợi tỏa đừng có cượng cầu. Tính ăn nết ở cho khiêm từ nhỏ nhoi, chẳng hay kiêu cách, chẳng ỷ thế thần.

Ở với đời tin tin phòng phòng, tin cậy chăng là tin cậy ở đấng Hóa công mà thôi. Còn sức người là như nương cây lau cây đế có ngày nó xóc đâm vào mình mà khốn. Ở dưới đời nầy là chỗ trường đua, ai như nấy đi miếng giữ thế với nhau luôn.

Gái thì lo giữ tam tùng tứ đức cho vẹn toàn tử tế dĩ hiển phụ mẫu chi danh thì là quí.

Còn những đều phải lánh là: Các tánh mê nết xấu, rượu trà cờ bạc, đào đĩ trai gái, hút xách hoang đàng, bất nhơn ác nghiệp, làm cho nhơ danh xấu tiếng ông bà cha mẹ, cùng hư hại cho mình nữa."(Hết trích)

3. Sau 1975 Alexandre De Rhodes và Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn bị xóa tên đường.

Rồi Alexandre De Rhodes được phục hồi vào năm 1995, còn Trương Vĩnh Ký chạy vòng qua Tân Phú thẳng hướng nghĩa địa Bình Hưng Hòa.

Không riêng gì Trương Vĩnh Ký hay Alexandre De Rhodes. Phan Thanh Giản, Hiền Vương, Gia Long, Minh Mạng, Phạm Đăng Hưng, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Yên Đỗ, Tôn Thọ Tường, Đòan Thị Điểm, Đồng Khánh, Triệu Đà, Công Lý, Tự Do, Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký....bị xóa tên mút mùa lệ thủy.

Ông Lê Văn Duyệt cũng bị, ai dè hai năm trước lại được phục hồi ở khúc lăng ông, trong khi người dân kêu trả tên khúc Ngã Sáu Dân Chủ.

Học giả  Vương Hồng Sển lúc sanh tiền từng phản đối việc "hạ" hai ông Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký sau 1975:

“Bấy lâu nay (1990), tôi nghe đầy tai lời trách quan Phan làm cho mất nước và vua Tự Ðức đứng đầu tội ấy.Thấp cổ bé miệng, tôi có dại gì cãi họ duy trong thâm tâm riêng tưởng họ chưa tới mắt cá quan Phan”

“Có một hôm nọ, xúm nhau tìm tội lỗi của quan Phan, từ sáng đến xế mà chưa ngã ngũ, tôi bực quá buộc lòng than khá lớn: “Chớ chi ông sanh ở Hà Nội thì không có chuyện”. Cả nhóm đứng dậy và giải tán, tôi đến nay còn ăn năn già không biết giữ lời.”

Học giả Vương Hồng Sển cũng phê phán việc hạ bệ tượng đồng Trương Vĩnh Ký:

“... hình đồng của nhà tiền bối này, nguyên do tiền bá tánh Nam Kỳ góp trong cuộc lạc quyên để nhắc đời công lao người học rộng này, nay còn đâu? Và người đi sau có quyền gì hủy hoại lòng bái phục chơn thành của nhóm người đi trước? Nếu nay ta bày gương này, thì đừng trách đám đàn em sau này không đồng ý kiến với chúng ta.”

4- Những lời sau chót kết luận: 

Năm 2023 sắp qua, năm 2024 sắp tới mà còn có người "thắc mắc" tên đường Alexandre De Rhodes và Trương Vĩnh Ký kể cũng lạ đời!

Sao "cử tri" không thắc mắc về giáo dục đang hồi trò không ra trò, thầy không ra thầy, về làn sóng công nhân bị thất nghiệp, chợ ở TP HCM ế sưng ế xỉa và giải pháp nào cứu giúp người dân? 

Một xã hội mang danh Tp HCM mà cứ đi đâu cũng nghe "nước dùng hủ tíu", đếm thì "ba nhăm", "hai nhăm", rồi "vãi": Vãi loz, vãi puồi, vãi hàng, vãi linh hồn, vãi chưởng, vãi lúa, vãi đái, vãi cứt...

Vui thì "sướng vãi ", buồn thì "mệt vãi", lạnh vãi,nóng vãi. Không vui không buồn,gặp nhau cũng "vãi".

Thôi, ai nói gì nói, chúng ta giữ đúng suy nghĩ và con người chúng ta là đặng!

Kệ mẹ nó! Cuộc sống nhiều khi phải buộc miệng chửi thề.

Chúng ta lúc nào cũng tôn trọng và mong ông bà tổ tiên mình được tôn trọng ở mức tối thiểu, bài học Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký.

Người Nam Kỳ thương ba ông dữ lắm.

Nhớ hồi xưa ở hai bên cái cổng trường trung học Petrus Ký có một câu đối chữ Hán, mỗi câu vế bảy chữ.

Từ ngoài nhìn vào, đọc bên tay phải trước:

孔孟綱常須刻骨

西歐科學要銘心

(Khổng Mạnh cang thường tu khắc cốt

Tây Âu khoa học yếu minh tâm)

Nghĩa là: "Một mặt hãy khắc ghi vào trong xương tủy nền luân lý đạo đức Á Đông và mặt khác hãy làm sáng sủa tâm hồn mình bằng nền văn minh khoa học tân tiến của Âu Tây"

Người có học luôn có sự tôn trọng lịch sử, ăn ở phép tắc rõ ràng, con người lịch sự nề nếp.

Nói về một chuyện hơi "tế nhị". Mình có đi học, có đọc sử, nói vầy có phải quá rặc ròi phân biệt những thằng ngu, thằng dốt chăng?

Nhưng chúng ta hay nghe nói rằng "Mả cha không khóc, sao đi khóc cái gò mối?".

Chúng ta người Miền Nam, người Sài Gòn nên mang ơn hết thảy những người đã có công với đất này.

Các chúa Nguyễn có công với Nam Kỳ, vua Gia Long có công, Võ Tánh có công, Lễ Văn Duyệt có công, và hàng hà nhân vật lịch sử khác có công.

Chúa Nguyễn Phước Chu có công rất lớn. Năm 1696 chúa sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chinh phục xứ Đồng Nai dựng dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.

“Rồng chầu xứ Huế, Ngựa tế Đồng Nai”

Chúa Nguyễn Ánh xây Gia Định kinh. Tướng Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh có công đem binh bảo vệ Sài Gòn trước sự tàn phá của Tây Sơn.

Rồi Tổng Binh Phiên Trấn Trần Đại Định, con trai ông Trần Thượng Xuyên đã đổ máu xương đánh nhau với người Khmer để bảo vệ Sài Gòn trong sự kiện tháng 4/1731.

Sau trận Vườn Trầu thấy đất Sài Gòn còn có thể bị quân Chân Lạp tấn công, nên năm 1731 Trần Đại Định cho quân đắp thêm lũy Tây Hoa nối thêm vào lũy Hoa Phong bao quanh bảo vệ thành Sài Gòn.

Rồi Tổng Trấn Lê Văn Duyệt có công rất lớn trong việc bảo vệ, xây dựng phát triển Sài Gòn giàu có phồn thạnh tới ngày nay.

Những người có công với chữ Quốc Ngữ chúng ta nghiêng mình tri ơn dầu họ là người Tây Dương, là cố đạo.

Chúng ta nhớ hoài Tả Quân Lê Văn Duyệt trước 1975 không có tượng đài, sau thì bị xóa tên đường. Cái tên đường Lê Văn Duyệt mới "được cho" hai năm nay trong tình thế chẳng đặng đừng.

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng không vinh dự có tượng ở Sài Gòn.

Chúng ta hiểu rằng Việt tộc là chung, từ Bắc vô Nam ,danh nhân là của chung, Triệu - Đinh - Lê - Lý - Trần nối đời dựng nước là không sai.

Nhưng đất mới thì cần có kẻ trực tiếp đổ máu xương mà có.

Thành ra phải chú ý danh nhân trực hệ, gần gần kìa

Dựng tượng, đặt tên đường xài toàn tên danh nhân thời xưa tám hoánh rồi bỏ quên người trực tiếp thì nó quá là vô ơn.

Thí dụ ngã sáu Nguyễn Tri Phương thì phải dựng tượng ông Nguyễn Tri Phương trong trận đồn Chí Hòa bảo vệ Sài Gòn năm xưa chớ.

Rồi thủy binh cũng có Chúa Nguyễn Phước Lan, Nguyễn Phước Tần đánh hạm đội Hà Lan thành công, có ông Quản Lịch đánh tàu L'Espérance của Pháp tan nát mà mắc mớ gì cứ réo ông Trần Hưng Đạo?

Vong hồn tiền nhơn Sài Gòn linh thiêng nhứt là Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sài Gòn xây lăng mộ ông lớn nhứt, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhứt để khấn nguyện xin ông phò hộ độ trì, chứng tri lòng thành con cháu?

Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để hái lộc, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ xin xăm.

Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt thì không thể nào có những "thắc mắc" rất mất dạy kiểu hặc hỏi Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Alexandre De Rhodes.....

Con cháu có học, có văn hóa không hặc tội ông bà.

Sức sống của Miền Nam dữ dội lắm nha! Nó có luật chơi, luật bất thành văn, sống mở nhưng luật bất thành văn sẽ suy xét từng con người, ai sống vô ơn là thứ bỏ đi, thứ xài không đặng.

Miền Nam chúng ta có một thời huy hoàng tột đỉnh, sống trong niềm tin và an lạc.

Con cháu nhận ra rõ xứ này là của ai, đất này là của ai, phải thờ tổ tiên, cha mẹ, thờ chồng con của mình mới là chánh đạo.

Từ đô thành hoa lệ tới vùng xa xôi đò giang cách trở, đâu đâu cũng là người Lục Tỉnh như nhau.

Người Miền Nam ghét thì kêu thứ "kỳ khôi, dị hợm", người mình cảm tình là "Tao thương mày lắm đó nghen!".

Người Miền Nam lúc nào cũng thương nhau, trong hoàn cảnh này không thương nhau thì còn biết thương ai nữa , mình phải thương mình, tự mình yêu lấy mình thôi.

Chúng ta sẽ giữ nguyên vẹn hình ảnh sông nước bao la ẩn hiện xóm nhỏ dọc bờ kinh, mái lá, phiá trước nhà có bàn Thiên, một bình cắm nhang, chung nước lã, những bờ đê nhỏ xíu đặng chia ô những cánh đồng lúa xanh, vàng theo hai mùa mưa nắng.

Xin giữ mãi hình ảnh một mái nhà xưa, một bà ngoại áo túi khăn rằn vắt vai lui cui săm soi miếng đất, lụm cụm trồng hành, trồng ớt, gió chiều hiu hắt, mái tóc bạc theo thời gian lòa xòa trong hoàng hôn tím lịm.

Nguyện giữ mãi nồi thịt kho nước dừa vàng ươm thơm phức chiều 30 Tết vẫn hiện hữu trong phong tục Miền Nam. Bộ lư sáng bóng, khói nhang quấn quýt đời người, ông bà sum vầy cùng con cháu.

Chúng ta vẫn giữ Sài Gòn, thành đô trong lòng. Sài Gòn gần đây xô bồ xô bộn dữ quá, lắm khi ngao ngán tột cùng, lắc đầu mệt mỏi.

Sài Gòn bây giờ hết trời mưa hay nắng, chẳng ai khóc thương ai, Sài Gòn chỉ còn một đám đông léo nhéo.

Nhưng không đành đoạn quên Sài Gòn, không đành lòng quay ngoắt với nó được, nó là biểu tượng của cả Lục Tỉnh mình.

Lối về, mọi con lộ đều dẫn chúng ta về Sài Gòn mà! Lối về, có khi là đêm dài sự yên tĩnh làm ký ức tưởng như đã được an bài, nhưng âm ỉ trong lòng.

Tất cả lòng dạ,tâm tình của dân Miền Nam đều hướng về Sài Gòn.

Chúng ta không cần ai giống chúng ta mà chúng ta cũng không thể giống ai, dân Miền Nam phải giữ những đặc điểm rặc ròi kiểu Miền Nam

"Nước lớn rồi lại nước ròng

Đố ai bắt được con còng trong hang"

Xin đừng ép Alexandre de Rhodes hay Trương Vĩnh Ký phải đội nón cối, mặc bà ba đen, quấn khăn rằng ôm súng AK 47 như mấy tuồng cải lương sau 1975 thì mới được các "trí thức" cho là xứng đáng

Người Nam Kỳ chúng ta tự hào vì có Trương Vĩnh Ký vì ông biết giữ cái tôn giáo, cái đạo Công Giáo của ông trong lòng nhưng để nó dưới cả chữ đạo của dân tộc mình. Với ông, người Việt, người Miền Nam  là trọng, hết thảy người Công Giáo đều là con dân xứ Việt

Tình Nam Kỳ của Trương Vĩnh Ký lớn lắm, ông gọi đất Nam Kỳ là "Mẹ thân yêu" của ông

Chúng ta có Trương Vĩnh Ký thì phước cho đất Nam Kỳ này lắm!

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

Trần Đình Nam: Người Việt gian và tham

 Người Việt gian và tham.

Tôi năm nay 60, sinh ra và lớn lên dưới mái trường XHCN, đã du học ở Đông Âu trên chục năm. Luôn tự hào mình là người Việt Nam trong suốt khoảng hơn bốn mươi năm đầu cuộc đời mình. Chưa bao giờ nghi ngờ đạo đức nhân đạo và tính hướng thiện của người Việt, tức của tổ tiên mình. Thời thanh niên bên trời Âu tôi luôn từng tự hào tự gọi mình là Việt Cộng, từng là chủ tịch Hội sinh viên Quốc tế toàn Balan nơi tôi học được khoảng 1 tháng trước khi bị Đại sứ quán VN tại Vacsava gọi lên bắt từ chức xuống thành Phó CT phụ trách Học tập … Nói thế chỉ để biết gốc gác chính trị của tôi rất cộng sản và trong sáng, bởi vì cha ông tôi cũng rất trong sáng và theo cộng sản suốt đời.

Về nước, tôi làm việc cho các tập đoàn nhà nước lớn và tiếp tục có điều kiện đi công tác nước ngoài nhiều, làm việc với người nước ngoài rất nhiều. Được đọc và tiếp xúc nhiều, tôi nhận thấy là nước nào họ cũng có những tác giả và tác phẩm nổi tiếng và được nhân dân quý trọng vì đã nói lên những thói hư tính xấu của dân tộc mình, trong khi người Việt chỉ thích tự khen mình: Người Việt cao quý, là Lương tâm Nhân loại …(!) và luôn ép người khác khen mình. Hôm nay, trên Vietnamnet ông Vũ – một chủ hãng cafe Việt, còn đề nghị : Mỹ và Tàu lãnh đạo thế giới về chính trị và kinh tế rồi, còn “lá cờ nhân văn” chưa ai nắm và Việt Nam hãy nắm lấy lá cờ nhân văn đó của thế giới để sánh ngang với Tàu và Mỹ (!)… thì ngoài sức tưởng tượng và chịu đựng của tôi rồi !

Đấy là lý do trực tiếp làm tôi viết bài này, nên trước khi nói về người Việt như tiêu đề, xin cho tôi có một hai câu về “Lá cờ Nhân văn” thế giới, như sau :

Ông Vũ đã đúng khi nói có Lá cờ Nhân văn thế giới. Nhưng ông đã sai khi nói chưa có ai nắm lá cờ đó, và ông càng sai nữa khi nói Việt Nam có thể nắm lấy lá cờ đó và lãnh đạo thế giới !

– Thứ nhất, nếu đã tồn tại một lá cờ nhân văn thế giới, thì nhất định nó cũng đang tồn tại chủ nhân tương xứng, cả hai đều chỉ là khái niệm. Chủ đó phải là dân tộc có tính nhân văn nhất thế giới và được các dân tộc khác công nhận, bởi lá cờ này không thể cướp được, đúng không ạ ? Ông Vũ nói nó vô chủ là rất cơ hội (hèn chi ông được tham dự ĐH Đảng XI với tư cách doanh nhân, nếu tôi không nhầm ?).

Nhưng theo tôi, nó đang ở trong tay dân tộc nào, đất nước nào đang có nền văn hóa nhân văn nhất (ở thời điểm này) thu hút được nhân tài và thế hệ trẻ được cả thế giới đến học, làm việc và ở lại sống nhiều nhất, sinh ra nhiều người tài năng và thành công nhất cho thế giới. Theo ông Vũ, đó sẽ là Việt Nam ? Nước ta đang và sẽ thu hút được bao nhiêu người nước ngoài đến học ? Ông hãy góp ý thế cho Đại Hội XI nhé ! Chúc mừng ông.

Trở lại với tiêu đề chính, cách đây khoảng gần chục năm, trong một cuộc nói chuyện bạn bè thân, tôi đã hỏi một người Anh một câu và yêu cầu trả lời trung thực : “Nếu phải lột tả người Việt trong một hay hai từ, “mày” sẽ nói thế nào ?

Không được rắc complements !” Biết ý tôi, không ngần ngại, anh bạn người Anh nói luôn : “Câu hỏi này người nước ngoài chúng tao ở VN luôn thảo luận với nhau khi không có người Việt, và đều nhất trí có câu trả lời giống nhau, nhưng không bao giờ dám nói ra với người Việt. Mày là người VN đầu tiên hỏi tao câu này không với ý định muốn nghe một lời khen, nên tao sẽ nói thật, đó là : Greedy Vietnamese. Vâng, đó là : “Người Việt tham lam !”

Dù đã chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất” với đầu óc cởi mở nhất, tôi đã choáng váng và cứng họng một lúc không nói được gì. Mãi sau, tôi mới thốt lên đau đớn vì biết bạn mình không nói dối : “Greedy ? Why ?” -“Tham lam ? Tại sao ?” Bạn tôi cười : “Thì người Việt chúng mày, trừ mày ra, (nó thương hại tôi !), luôn luôn cái gì cũng muốn được, không nhường cái gì cho ai bao giờ : Hợp đồng thì điều khoản ngon nhất, giá phải rẻ nhất, hàng phải tốt nhất, giao hàng phải nhanh nhất, bảo hành phải vô thời hạn, thanh toán thì chậm nhất, và … hoa hồng thì phải khủng khiếp nhất !” Tôi chết đứng ! Tôi biết nó nói đúng hoàn toàn. Nó làm thương mại với người Việt và ở VN gần hai chục năm rồi !

Nó (và đa số người nước ngoài cũng vậy) nhìn người Việt qua những gì nó thấy ở những cán bộ nhà nước hàng ngày làm việc (đàm phán thương mại) với nó ! Tôi đã từng đàm phán với nó cách đây hơn hai chục năm, và với rất nhiều người nước ngoài khác, chưa bao giờ biết đòi hỏi ai một cent (xu) nào từ vô số hợp đồng ngoại thương tôi đã đàm phán và ký kết, nhưng tôi biết tôi là ngoại lệ, nên tôi biết mình có quyền và có thể nhìn vào mắt mà hỏi nó (bạn tôi) hay bất kỳ ai (thương gia nước ngoài) đã làm việc với tôi, câu hỏi đó mà không sợ bị nó/họ cười khinh cho.

-“Vậy, tính từ thứ hai “bọn mày” (tôi đã từng cùng nó có dịp uống bia trong các câu lạc bộ doanh nhân người Singapore, Malaysia, Nhật, Anh, Mỹ, Hàn, Pháp…do các Amcham, Eurocham… tổ chức) miêu tả người Việt là gì ?” -Tôi dũng cảm tiếp tục, hy vọng lần này sẽ được nghe lời dễ chịu hơn. Câu trả lời là : “Tricky ! Tricky Vietnamese !” (Gian ! Người Việt hay gian dối !)”.

Tôi hét lên : “Không thể nào ! Mày không đang trêu tức tao đấy chứ ?!” Bạn tôi trả lời : “Mày muốn tao trung thực mà ?”

– “Vậy tại sao lại là gian ?” tôi cố gắng chịu đựng.

– “Vì chúng mày không bao giờ nói thật, nói thẳng, và có nói rồi cũng tìm cách thay đổi nếu có lợi hơn. Chúng mày luôn nghĩ rằng mình khôn hơn người và luôn luôn xoay sở để hơn người khác…” Tôi ngồi im lặng, điếng người, muốn khóc, và cố uống tiếp vại bia tự nhiên đắng ngắt. Từ đó tôi ghét uống bia. Nó nhắc tôi buổi tâm sự với phát hiện kinh hoàng trên. “Từ đó trong tôi” “tắt ngấm” “nắng hạ”… là người Việt ! Nhưng nội dung và diễn biến của cuộc nói chuyện thân tình trên thì tôi dù muốn cũng không bao giờ quên được !

Sự thực là tôi đã phải trăn trở rất nhiều, dằn vặt rất nhiều với điều này từng ngày từ đó : Đặc điểm bản chất của người Việt là gì so với người nước khác? Tại sao người nước ngoài lại đang nhìn chúng ta tệ hại như thế : Gian và Tham ? Tôi đã không thể phản bác được ông bạn người Anh của mình dù tôi với nó “cùng ngôn ngữ”: đều mê The Beatles! Có ăn nhằm gì đâu ! Nó vẫn bảo lưu quan điểm! Một lần gần sau đó tôi trở lại đề tài với nó : “Tại sao mày nói người Việt rất tham lam, cái gì cũng muốn, và gian, cái gì cũng khôn lỏi hơn người, mà mày vẫn làm ăn với chúng tao ?”.

Bạn tôi cười bí hiểm trả lời: “Đấy chính là bi kịch của người Việt, ít nhất là của những người Việt đang không có quyền thế hiện nay”. Rồi nó tiếp : “Chính vì người Việt gian và tham nên chỉ có những người gian và tham hơn mới dám làm ăn cùng chúng mày !”

– “Ý mày nói đa số thương nhân nước ngoài làm việc với VN là gian và tham ?”

– “Gần như đúng thế !”

– “Cả mày nữa ?”

– “Gần đúng, vì lúc đầu tao cũng không gian, nhưng tao mất nhiều quá và buộc phải chơi theo cách của người Việt thôi…!”

– “Vậy mày gian thế nào ?”

Bạn tôi lại cười bí hiểm : “Nói mày đừng buồn, đa số người Việt kém tiếng Anh, và hầu hết kém luật pháp một cách thê thảm, nhất là luật thương mại. Càng to chức thì điều này càng đúng, mày là lính quèn nên khá giỏi. Hì hì, mà tiếng Anh là của bọn tao, luật pháp các nước khác cũng đều đi trước VN, nên chúng tao chỉ có cách dùng tiếng Anh kém cỏi vô nghĩa của chính chúng mày để làm hợp đồng thương mại, và luật thương mại quốc tế nữa…thì chúng tao mới bình đẳng được!”.

Rồi nó bồi thêm : “Thế mày nghĩ bọn tao có thể cung cấp hàng tốt nhất, giá rẻ nhất, thời hạn nhanh nhất với trách nhiệm vô hạn được thật à?!”

Đó là câu chuyện của hơn 10 năm trước.

Tôi đã kiểm tra độ khách quan của đánh giá đó suốt 10 năm qua với rất nhiều người nước ngoài từ các vùng, miền, đất nước có văn hóa và chính trị khác nhau mà tôi có thể tiếp cận. Đa số câu trả lời kiểm chứng (không phải tất cả) xác nhận sự khách quan và tính gần đúng của nhận xét của bạn tôi. Nhận xét đó đã bắt tôi suốt hơn mười năm qua phải tìm hiểu văn hóa và bản chất dân tộc ta là gì? Tại sao chúng ta lại để đến nông nỗi này – để người khác nghĩ và đánh giá mình là dân tộc gian, tham?! Người Việt gian tham ư?! Đau xót lắm, nhưng tôi vẫn không phản bác được bạn mình, với những gì tôi và chúng ta vẫn thấy xung quanh trên đất nước chúng ta…!!!

Nó là cái văn hóa gì ?! Hôm nay, có lẽ tôi đã trả lời được câu hỏi đó cho mình.

Dân tộc ta không phải thế ! Có những hạt sạn đã được vô tình hay cố ý gieo vào đạo đức, lối sống dân ta mà có lẽ người gieo cũng không muốn và không biết mình đã làm gì ? Chúng ta phải đợi đến vụ gieo hạt sau thôi!

Trần Đình Nam

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

 FB NGUYỄN GIA VIỆT: MIẾNG ĂN LÀ MIẾNG TỒI TÀN...

MIẾNG ĂN LÀ MIẾNG TỒI TÀN

MẤT ĂN 1 MIẾNG LỘN GAN LÊN ĐẦU

Ẩm thực ngoài bắc rườm rà phức tạp hơn vì họ muốn ăn cho ngon. Bởi vậy ngày nay bất chấp tất cả chỉ vì 1 miếng ăn là thế.

-------😅

FB NGUYỄN GIA VIỆT.

Vì sao người Hà Nội thích xếp hàng chờ 30 phút để ăn phở nhưng người Sài Gòn lại không hề có?

Có một bài báo "Xếp hàng 30 phút chờ ăn phở ở Hà Nội, có nhục vì miếng ăn?" được tác giả lý giải rất nhiều văn tự, nào là ký ức, nào là gia truyền, ngon lắm, nào là thói quen xếp hàng là văn minh, nào là ẩm thực xứng đáng, là văn hoa...

Mất 30 phút xếp hàng, rồi tự bưng, tự tìm chỗ, tự dẹp tô là thói quen của nhiều người Hà Nội khi đi ăn phở Bát Đàn, nhưng như một bạn cmt rõ ràng ở dưới, là:

"Cũng là thú vui quái gở, miếng ăn bây giờ nó bình thường quá rồi, cũng là cái lạ kỳ của một số người Việt. Đứng chờ vài giây đèn đỏ thì không chịu, vậy mà sẵn sàng chờ hàng tiếng để ăn, mua miếng ăn".

Xin nói rõ, chỉ có người Hà Nội mới xếp hàng 30 phút chở bưng tô phổ nhưng không chịu ngừng vài giậy chờ đèn đỏ thôi, người Sài Gòn và Miền Nam không chấp nhận và không có cảnh đó.

Phở Bát Đàn ăn được, không hề ngon, không hề là duy nhứt hay đệ nhứt.

Xếp hàng đi ăn là một "thói quen" của một người Hà Nội do ba lẽ sau:

- Thói quen của thời bao cấp, thời ăn uống khan hiếm. Khi đó ít người bán, mà để được "ăn" là một sự gian nan và đổ mồ hôi. Ăn phải chầu chực là nó. Để có miếng ăn mà theo họ là "ngon", họ chấp nhận mất sức, mất thời gian.

Hà Nội không có nhiều lựa chọn cho những quán ăn ngon.

-Thói quen sĩ hão của người Hà Nội

Người Miền Bắc có thói quen sĩ hão rất rõ rệt. Kiểu hoa hòe hoa sói mới hay, mới ngon, mới "bố mày", mới "đứng trên thiên hạ".

Thói sĩ diện hão thường đồng hành với sự giả tạo, khoe mẽ, hợm hĩnh, bảo thủ, giấu dốt, phù phiếm, lãng phí và khác người.

Một xã hội bảo thủ, dồn nén, vì miếng ăn, ẩm thực chưa bao giờ phát triển, cộng với thói "bố đời" và quen với miếng ăn "cầu cạnh", "xếp hàng" đặc trưng phổ biến của xã hội bao cấp mà cho ra kiểu phở xếp hàng và bún chửi vẫn nườm nượp người đi ăn và lấy đó làm vui sướng.

-Tâm lý đám đông

Miền Bắc đông dân, nhân mãn, tâm lý đám đông và a dua theo đám đông rất nặng nề. Kiểu Trạng Quỳnh đề thơ và anh lái đò.

Nhiều người họ đóng chặt suy nghĩ, cái gì xếp hàng là ngon, là quí và rất đáng để họ xếp hàng, để nghe chửi. Đó là dạng huyễn hoặc tâm thần.

Người Miền Nam và Sài Gòn đồ ăn, ẩm thực phủ phê, tràn giang đại hải, tâm lý thoải mái khi ăn, hề hà khi bán, vạn người bán vạn người mua, tất cả bình đẳng, tự do và thoải mái cùng sự tôn trọng.

Ẩm thực Sài Gòn là nghệ thuật, cách bán buôn và phục vụ khách hàng cũng là nghệ thuật, cách ăn uống kiểu Sài Gòn là văn minh.

Thành ra những hàng quán kiểu Miền Nam, kiểu Sài Gòn mà khách quá đông, đã có mòi xếp hàng thì bà chủ sẽ mở rộng mặt bằng, mướn thêm hai ba căn nhà kế bên, mở thêm chi nhánh, kiểu như chè Thái Ý Phương.

Người Miền Nam, người Sài Gòn thực dụng, trơn tuột, sống thẳng, sống thực, sống không sĩ hão, không a dua nên rất thẳng thừng. Quán hàng nhiều, món đó cũng chỉ bấy nhiêu cách nấu, Sài Gòn nhiều quán lắm, không có quán này tao đi quán khác, khỏi chờ.

Thành ra tính cách Nam Bắc nó khác nhau trong ăn uống.