Thứ Năm, 14 tháng 12, 2023

Nguyễn Gia Việt: Là người có giáo dục thì chúng ta phải tri ơn Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký và nhiều nhân vật lịch sử khác!

 -Nguyễn Gia Việt-

Là người có giáo dục thì chúng ta phải tri ơn Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký và nhiều nhân vật lịch sử khác!

Thấy trên báo, Sở VH-TT TPHCM vừa giải quyết, trả lời kiến nghị của "cử tri" nào đó  thắc mắc về việc đặt tên một số nhân vật còn "có ý kiến chưa thống nhứt" như Alexandre De Rhodes, Trương Vĩnh Ký.

Tự nhiên thấy tức cười!

Cử tri này là dân ở đâu sanh ra vậy? Họ được tưới tẩm và đã có cái lịch sự và văn minh kiểu Sài Gòn, kiểu Miền Nam chưa vậy? Họ có ăn cây nào rào cây nấy chưa vậy?

Ăn ở điệu nghệ, tưới tẩm văn minh Sài Gòn Gia Định thì không nên có những thắc mắc trớt quớt tới độ kỳ cục như vậy.

Cách đây vài năm (và giờ chắc cũng vậy), cái vụ chữ quốc ngữ và ông Đắc Lộ bị chống đối, xỉa xói, kết án khi Đà Nẵng định đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.

Người ta chứng kiến nhiều "trí thức XHCN" cầm viết thay súng xông pha hạ gục hai ông linh mục có công chữ Quốc Ngữ này điên cuồng, hạ nhục những người tạo ra chữ Quốc Ngữ bằng chính ...chữ Quốc Ngữ như kiểu giang hồ đòi nợ tạt nước sơn pha mắm tôm thúi hoắc giữa Miền Nam vậy.

Ôi chèn ơi! Và nay là tại Tp Hồ Chí Minh 

Có chăng là "đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng"? 

1. Tại sao phải ghi ơn Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina?

Việt Nam ta xưa rày không có chữ viết, xài chữ Tàu không tiện, xài chữ Nôm rối rắm. Chữ Hán là chữ của Tàu, của Hán tộc. Nôm là Nam đọc trại ra, chữ Nôm là chữ của người An Nam.

Muốn học Nôm phải rành hết chữ Hán. Tức là như học ngoại ngữ, chữ Hán là ngoại ngữ 1 và chữ Nôm là môn thứ 2.

Người Việt mình xưa vô phước và loay hoay hoài với chữ viết, dân tộc ta chưa hoàn chỉnh.

Nguyễn Trường Tộ phàn nàn về chữ Hán và chữ Nôm khi viết rằng:

"Nếu một người nói ra một câu, lại phải nhờ một người khác dịch ra, tức là một người nước khác rồi. Một nước Nam ta mà có hai thứ âm thoại, hai thứ văn tự, chẳng hóa ra một nước mà ngăn ra hai thứ người sao?"

Nhưng Nguyễn Trường Tộ lại ủng hộ cho chữ Nôm, ông muốn cải tiến chữ Nôm trong khi ông nói rằng nó rắc rối quá xá.

Ngộ một điều là Nguyễn Trường Tộ là người Công Giáo, có quan hệ thân thiết với các giáo sĩ Tây Phương, nhà thờ nhưng lại không đá động gì tới chữ Quốc Ngữ La Tinh mà giới giáo sĩ đang xử dụng.

Ông đề nghị vua Tự Đức xài chữ Nôm chứ không đề nghị chữ Quốc Ngữ. Ông gián tiếp phản đối xài chữ Quốc Ngữ, ủng hộ xài  chữ Hán – Nôm làm văn tự chánh thống.

Có lẽ tầm nhìn của Nguyễn Trường Tộ  không dám vượt qua khuôn khổ Nho gia, ông vẫn bị cái "Nho" kiểu Tàu giữ rịt chặt cứng trong suy nghĩ và quan điểm học thuật.

Qua thời các cố đạo vô An Nam truyền đạo Chúa đã manh nha có chữ Latin phiên âm tiếng nói của người Việt.

Đúng là họ truyền đạo nhưng đã vô tình tạo ra chữ cho dân tộc Việt chúng ta.

Giáo sĩ Francisco de Pina (1585-1625) là một giáo sĩ Công giáo người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên trong quá trình truyền giáo đã chế tạo và đặt nền móng cho chữ Quốc Ngữ.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591 – 1660) đã tập hợp, chỉnh lý, bổ sung, và hoàn chỉnh chữ Quốc Ngữ còn sơ khai mà giáo sĩ Francisco de Pina và các cộng sự người Việt đi trước để lại bằng cách biên soạn cuốn Từ điển Việt - Bồ - La.

Chữ Hán Việt đâu phải của dân tộc ta tổ tiên ta, người Việt học chữ Hán không những học viết thôi mà còn học đọc, học nghĩa, học tùm lum, tóm lại là học một ngoại ngữ.

Còn người Việt học Quốc Ngữ là học đọc và học viết tiếng mẹ đẻ, ngữ nghĩa và cú pháp của chính tiếng nói của người Việt.

Nhờ Quốc Ngữ mà Việt ta như cắt đứt với Tàu, cái dây lòng thòng ngàn năm coi như đứt, chỉ còn hoài niệm trong đình chùa cổ với những câu đối xưa của quá khứ.

Mình không khôn, không sáng chế ra chữ thì phải xài chữ La Tinh, có gì mà nhục.

Quan trọng là ta biết tri ơn những người đã làm ra chữ đó cho dân tộc Việt,  không cần moi móc ra những thứ không cần thiết, người ta chỉ tin cái mà người ta muốn tin.

Không chữ nào bằng chữ Quốc Ngữ

Dât tộc Việt vậy là đã hoàn chỉnh, Việt Ngữ-Quốc Ngữ đã hoàn chỉnh, không còn cần cái gì nữa.

2. Tại sao phải ghi ơn Petrus Ký- Trương Vĩnh Ký ?

Petrus Ký- Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là một nhà ngôn ngữ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa, một học giả tiêu biểu của Nam Kỳ chúng ta.

Petrus Ký không gọi chữ Quốc Ngữ, ông kêu là "Tiếng An Nam ròng"

Cái thuở ban đầu truyền bá chữ Quốc Ngữ khó lắm, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của đã cố gắng rất nhiều.

Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên phiên âm truyện Kim Vân Kiều từ chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ năm 1875, Lục Vân Tiên cũng là do ông chuyển thể ra Quốc Ngữ.

Đọc lại một đoạn Kiều của Petrus Ký coi có quen không nha bà con cô bác?

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau!

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

Lạ gì bỉ sắc tư phong

Trời sanh quen với má hồng đánh ghen

Kiều thơm lần dở trước đèn.

Phong tình cổ lục còn truyền sử sanh

Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh

Bốn phương lẳng lặng hai kinh vững vàng

Có nhà viên ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung

Một trai con thứ rốt lòng

Vương quan là chữ nối dòng nho gia

Đầu lòng hai ả tố nga

Túy Kiều là chị em là Túy Vân

Mai cốt cách tuyết tinh thần

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

Vân xem trang trọng tót vời

Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang”

Petrus Ký là người Nam Kỳ, thành thử ra giọng văn ông rặc Nam. Ông là nhà văn đầu tiên vinh danh cái đặc trưng Nam Kỳ này.

Viết sách Tây, chữ Pháp, dịch chữ Tây ra Ta. Biên soạn từ điển. Petrus Ký còn viết sách chữ Hán, dịch Hán ra quốc ngữ nữa, thí dụ:

–Tứ thư (Đại Học, Trung Dung 1889)

– Tam tự kinh (1884)

– Minh tâm bảo giám (1891-1893)

– Sơ học vấn tân (1884) (Tóm tắt sử của Trung Quốc và Việt Nam)

– Tam thiên tự (1887)

Ông dịch Nôm ra quốc ngữ đầu tiên luôn 

“Đêm nằm đóng cửa gài then

Tới khi gần ngủ tắt đèn đứng chong

Hao dầu lẽ ấy đã xong

Còn e gian tế dòm trong soi ngoài” (Huấn nữ ca 1882)

Ông còn cất công đi đây đó sưu tầm, thí dụ bài ”Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1887)” của Đồ Chiểu. Mời đọc hai câu kiểu văn của Petrus Ký chép nè:

"Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh

Hơn còn phải chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ" 

Học giả Trương Vĩnh Ký, một người Công Giáo nổi tiếng Nam Kỳ xưa, ông luôn xưng ông là nhà Nho.

Là Nho sanh, Trương Vĩnh Ký viết, phiên âm và phiên dịch các tác phẩm chữ Nôm, Hán qua chữ Quốc Ngữ, có đủ hết, từ tứ thư ngũ kinh tới sách dạy học trò tiểu học.

Ông là một nhà giáo dục có tâm với dân tộc

Ông giảng đạo đức Nho Giáo:

"Bổn phận của một người con là trung với vua, hiếu với cha mẹ, giữ đúng tam cương ngũ thường của nho gia.Sống trong sự ngay thẳng, hết lòng làm việc thiện và lánh xa việc ác, lấy phước đức mà đong, mà lường, cứ noi giữ các bậc tiền bối, vững lòng tiến cho kịp thiên hạ, bằng lòng với số mệnh, vui thích trong cảnh bình an, và tinh khiết, đừng đi tìm hư danh, hư lợi.

Đối với người con gái là theo đúng tam tòng tứ đức để đạt đến tận mỹ tận thiện.

Tóm lại, điều phải quan tâm nhứt là làm rạng rỡ gia tộc, tông môn bằng cuộc đời của chính mình cùng những đức hạnh của chính mình đối với cha mẹ".(Trương Vĩnh Ký -Tạp chí Viễn Á tháng 12 năm 1925)

Tờ báo ”Thông Loại Khóa Trình” ra mắt năm 1888, trong bài báo số đầu tiên khi nói về mục đích, Petrus Ký đã viết:

"Phép học là trước học lễ, sau học văn; được cả hai ấy mới ra con nhà gia giáo, biết phép tắc, lễ nghi, can thường, luân lý, biết chữ nghĩa văn chương, kinh sử truyện tích cổ kim, ấy là đáng được con người tử tế..."

Trong cuốn" Phong Hoá Ðiều Hành (Morale en Actions)" 1898 ông ghi lời tựa:

" ...Trong sách ta làm đây, có ý giúp dạy phong hóa, mà ăn ở cho phải phép; lại trong sách này, sẽ gặp đặng nhiều gương có danh tiếng những kẽ đã theo phong hóa thật.

Sau nữa, cũng gặp những lời ta thêm mà kết dón lại cho đặng hiểu rõ gương ta trưng; lại bằng ai thông thái một ít thì sẽ biết các truyện trong sách này, đã lựa bỡi sách các tấn sĩ có danh tiếng, mà làm ra"

Trương Vĩnh Ký sanh 6/12/1837 tại Cái Mơn, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình Công Giáo Nam Kỳ.

Jean Baptiste Trương Vĩnh Ký, sau gọi Petrus Ký.

Petrus hay Jean Baptiste là tên thánh, không phải tên quốc tịch Tây. Là vì ông có chịu nhập tịch Tây đâu, khăng khăng giữ cái Việt, cái An Nam từ trong máu ra ngoài.

Nội cái tánh này thôi cũng đủ hậu thế chúng ta khâm phục ông lắm rồi!

Đi năm châu bốn biển vẫn áo dài khăn đóng, mang guốc mộc, giữ cái búi củ tỏi trên đầu để thờ ông bà tổ tiên.

Là một trong những người Nam Kỳ có trình độ làm việc với người Pháp đầu tiên theo dòng thời cuộc, tuy nhiên ở Trương Vĩnh Ký có gì đó rất dùng dằn, ông không lợi dụng thời cuộc làm giàu kiểu Huyện Sĩ, không lợi dụng vừa giữ quyền lực vừa làm giàu như Tổng Đốc Phương.

Với Pháp, ông vẫn giữ cốt cách, tư thế người Nam Kỳ nên bị Pháp nghi, với triều đình Huế ông lại bị nghi vì có dính người Pháp.

Xem lại thì Petrus Ký ngoài chức tổng tài một tờ báo rồi giám đốc một trường sư phạm thì ông không làm chức gì khác nữa trong bộ máy cai trị.

Ít ai ngó ra vấn đề này.

Pháp muốn đá ông ra khỏi bộ máy, nhiều quan Pháp ghét Petrus Ký ra mặt.

Sau 1872, Trương Vĩnh Ký đã bị loại ra khỏi bộ máy hành chánh ở Nam Kỳ.

Và tới năm 1880, ông xuất hiện lại trong một vài trò là thông ngôn cho các ông hội đồng người Việt trong các cuộc họp Hội đồng quản hạt Nam Kỳ.

Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tranh luận đều bằng tiếng Pháp, mà các ông hội đồng Việt thì chỉ ngồi lắng nghe như vịt nghe sấm vì không hiểu tiếng Pháp, thành ra Pháp toàn làm cha mẹ.

Rồi Trương Vĩnh Ký ra Huế một thời gian ngắn.

Ở Huế thì các quan triều đình Duy Tân nghi ngờ ông là người của Pháp. Tháng 8/1886 ông về Sài Gòn thì Pháp loại vĩnh viễn ông ra khỏi bộ máy thẳng thừng kể cả cái chức quèn thông ngôn.

Ông chuyên vô viết sách và dạy học

Trả lời một câu hỏi “Tại sao không ra làm quan?”, ông nói:

“Song tôi trộm xét theo ý riêng, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được. Lại dầu có làm thì nay phủ huyện tràn đồng ai nấy làm qua buổi mà mình có làm thì muốn phụng chức cho trọn theo chức phận thì chói cho ông ấy, mình riêng mình một thế cũng khó, mà buông xuôi làm theo mọi người thì lại hổ phận mình...”

Vì sao không bỏ áo dài khăn đóng, búi tóc, không vô Pháp tịch?

“Vĩnh Ký bình sanh không dùng Âu phục, không vào Pháp tịch. Có nhiều khi môn đệ hỏi thăm sự vào Pháp tịch, thời trả lời rằng: "Nếu mình vào bộ dân Langsa, thời mất bộ dân Annam còn gì???" (Trương Vĩnh Ký hành trạng).

Trương Vĩnh Ký nói rằng ông không nhập tịch Tây vì:

"Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu cũng như chuyện đời xưa bên Tây nói con kên kên lượm lông công giắt vào mình rồi nhảy vào bầy công"

Ngày 23/7/1872,  ông viết di chúc:

“Người đời sanh ký tử qui, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, nhập thế cuộc biết khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã mới chun vô phòng được.

Sự sống ở đời tạm nầy như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua chóng hết tận đi như mây như khói. Nên phải liệu sức tùy thì, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong.

Những điều phải làm là, trai thì trung hiếu, nắm giữ tam cang ngũ thường. Ăn ở mực thước ngay thẳng, lập tâm làm lành lánh dữ, lấy phước đức mà đong mà lường; cứ noi giữ nghiệp ông cha, lo làm ăn theo kịp thiên hạ, cứ an cư lạc nghiệp lấy sự an nhàn làm hơn. Danh cương lợi tỏa đừng có cượng cầu. Tính ăn nết ở cho khiêm từ nhỏ nhoi, chẳng hay kiêu cách, chẳng ỷ thế thần.

Ở với đời tin tin phòng phòng, tin cậy chăng là tin cậy ở đấng Hóa công mà thôi. Còn sức người là như nương cây lau cây đế có ngày nó xóc đâm vào mình mà khốn. Ở dưới đời nầy là chỗ trường đua, ai như nấy đi miếng giữ thế với nhau luôn.

Gái thì lo giữ tam tùng tứ đức cho vẹn toàn tử tế dĩ hiển phụ mẫu chi danh thì là quí.

Còn những đều phải lánh là: Các tánh mê nết xấu, rượu trà cờ bạc, đào đĩ trai gái, hút xách hoang đàng, bất nhơn ác nghiệp, làm cho nhơ danh xấu tiếng ông bà cha mẹ, cùng hư hại cho mình nữa."(Hết trích)

3. Sau 1975 Alexandre De Rhodes và Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn bị xóa tên đường.

Rồi Alexandre De Rhodes được phục hồi vào năm 1995, còn Trương Vĩnh Ký chạy vòng qua Tân Phú thẳng hướng nghĩa địa Bình Hưng Hòa.

Không riêng gì Trương Vĩnh Ký hay Alexandre De Rhodes. Phan Thanh Giản, Hiền Vương, Gia Long, Minh Mạng, Phạm Đăng Hưng, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Yên Đỗ, Tôn Thọ Tường, Đòan Thị Điểm, Đồng Khánh, Triệu Đà, Công Lý, Tự Do, Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký....bị xóa tên mút mùa lệ thủy.

Ông Lê Văn Duyệt cũng bị, ai dè hai năm trước lại được phục hồi ở khúc lăng ông, trong khi người dân kêu trả tên khúc Ngã Sáu Dân Chủ.

Học giả  Vương Hồng Sển lúc sanh tiền từng phản đối việc "hạ" hai ông Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký sau 1975:

“Bấy lâu nay (1990), tôi nghe đầy tai lời trách quan Phan làm cho mất nước và vua Tự Ðức đứng đầu tội ấy.Thấp cổ bé miệng, tôi có dại gì cãi họ duy trong thâm tâm riêng tưởng họ chưa tới mắt cá quan Phan”

“Có một hôm nọ, xúm nhau tìm tội lỗi của quan Phan, từ sáng đến xế mà chưa ngã ngũ, tôi bực quá buộc lòng than khá lớn: “Chớ chi ông sanh ở Hà Nội thì không có chuyện”. Cả nhóm đứng dậy và giải tán, tôi đến nay còn ăn năn già không biết giữ lời.”

Học giả Vương Hồng Sển cũng phê phán việc hạ bệ tượng đồng Trương Vĩnh Ký:

“... hình đồng của nhà tiền bối này, nguyên do tiền bá tánh Nam Kỳ góp trong cuộc lạc quyên để nhắc đời công lao người học rộng này, nay còn đâu? Và người đi sau có quyền gì hủy hoại lòng bái phục chơn thành của nhóm người đi trước? Nếu nay ta bày gương này, thì đừng trách đám đàn em sau này không đồng ý kiến với chúng ta.”

4- Những lời sau chót kết luận: 

Năm 2023 sắp qua, năm 2024 sắp tới mà còn có người "thắc mắc" tên đường Alexandre De Rhodes và Trương Vĩnh Ký kể cũng lạ đời!

Sao "cử tri" không thắc mắc về giáo dục đang hồi trò không ra trò, thầy không ra thầy, về làn sóng công nhân bị thất nghiệp, chợ ở TP HCM ế sưng ế xỉa và giải pháp nào cứu giúp người dân? 

Một xã hội mang danh Tp HCM mà cứ đi đâu cũng nghe "nước dùng hủ tíu", đếm thì "ba nhăm", "hai nhăm", rồi "vãi": Vãi loz, vãi puồi, vãi hàng, vãi linh hồn, vãi chưởng, vãi lúa, vãi đái, vãi cứt...

Vui thì "sướng vãi ", buồn thì "mệt vãi", lạnh vãi,nóng vãi. Không vui không buồn,gặp nhau cũng "vãi".

Thôi, ai nói gì nói, chúng ta giữ đúng suy nghĩ và con người chúng ta là đặng!

Kệ mẹ nó! Cuộc sống nhiều khi phải buộc miệng chửi thề.

Chúng ta lúc nào cũng tôn trọng và mong ông bà tổ tiên mình được tôn trọng ở mức tối thiểu, bài học Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký.

Người Nam Kỳ thương ba ông dữ lắm.

Nhớ hồi xưa ở hai bên cái cổng trường trung học Petrus Ký có một câu đối chữ Hán, mỗi câu vế bảy chữ.

Từ ngoài nhìn vào, đọc bên tay phải trước:

孔孟綱常須刻骨

西歐科學要銘心

(Khổng Mạnh cang thường tu khắc cốt

Tây Âu khoa học yếu minh tâm)

Nghĩa là: "Một mặt hãy khắc ghi vào trong xương tủy nền luân lý đạo đức Á Đông và mặt khác hãy làm sáng sủa tâm hồn mình bằng nền văn minh khoa học tân tiến của Âu Tây"

Người có học luôn có sự tôn trọng lịch sử, ăn ở phép tắc rõ ràng, con người lịch sự nề nếp.

Nói về một chuyện hơi "tế nhị". Mình có đi học, có đọc sử, nói vầy có phải quá rặc ròi phân biệt những thằng ngu, thằng dốt chăng?

Nhưng chúng ta hay nghe nói rằng "Mả cha không khóc, sao đi khóc cái gò mối?".

Chúng ta người Miền Nam, người Sài Gòn nên mang ơn hết thảy những người đã có công với đất này.

Các chúa Nguyễn có công với Nam Kỳ, vua Gia Long có công, Võ Tánh có công, Lễ Văn Duyệt có công, và hàng hà nhân vật lịch sử khác có công.

Chúa Nguyễn Phước Chu có công rất lớn. Năm 1696 chúa sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chinh phục xứ Đồng Nai dựng dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.

“Rồng chầu xứ Huế, Ngựa tế Đồng Nai”

Chúa Nguyễn Ánh xây Gia Định kinh. Tướng Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh có công đem binh bảo vệ Sài Gòn trước sự tàn phá của Tây Sơn.

Rồi Tổng Binh Phiên Trấn Trần Đại Định, con trai ông Trần Thượng Xuyên đã đổ máu xương đánh nhau với người Khmer để bảo vệ Sài Gòn trong sự kiện tháng 4/1731.

Sau trận Vườn Trầu thấy đất Sài Gòn còn có thể bị quân Chân Lạp tấn công, nên năm 1731 Trần Đại Định cho quân đắp thêm lũy Tây Hoa nối thêm vào lũy Hoa Phong bao quanh bảo vệ thành Sài Gòn.

Rồi Tổng Trấn Lê Văn Duyệt có công rất lớn trong việc bảo vệ, xây dựng phát triển Sài Gòn giàu có phồn thạnh tới ngày nay.

Những người có công với chữ Quốc Ngữ chúng ta nghiêng mình tri ơn dầu họ là người Tây Dương, là cố đạo.

Chúng ta nhớ hoài Tả Quân Lê Văn Duyệt trước 1975 không có tượng đài, sau thì bị xóa tên đường. Cái tên đường Lê Văn Duyệt mới "được cho" hai năm nay trong tình thế chẳng đặng đừng.

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng không vinh dự có tượng ở Sài Gòn.

Chúng ta hiểu rằng Việt tộc là chung, từ Bắc vô Nam ,danh nhân là của chung, Triệu - Đinh - Lê - Lý - Trần nối đời dựng nước là không sai.

Nhưng đất mới thì cần có kẻ trực tiếp đổ máu xương mà có.

Thành ra phải chú ý danh nhân trực hệ, gần gần kìa

Dựng tượng, đặt tên đường xài toàn tên danh nhân thời xưa tám hoánh rồi bỏ quên người trực tiếp thì nó quá là vô ơn.

Thí dụ ngã sáu Nguyễn Tri Phương thì phải dựng tượng ông Nguyễn Tri Phương trong trận đồn Chí Hòa bảo vệ Sài Gòn năm xưa chớ.

Rồi thủy binh cũng có Chúa Nguyễn Phước Lan, Nguyễn Phước Tần đánh hạm đội Hà Lan thành công, có ông Quản Lịch đánh tàu L'Espérance của Pháp tan nát mà mắc mớ gì cứ réo ông Trần Hưng Đạo?

Vong hồn tiền nhơn Sài Gòn linh thiêng nhứt là Tả Quân Lê Văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sài Gòn xây lăng mộ ông lớn nhứt, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhứt để khấn nguyện xin ông phò hộ độ trì, chứng tri lòng thành con cháu?

Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để hái lộc, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ xin xăm.

Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sài Gòn thứ thiệt thì không thể nào có những "thắc mắc" rất mất dạy kiểu hặc hỏi Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Alexandre De Rhodes.....

Con cháu có học, có văn hóa không hặc tội ông bà.

Sức sống của Miền Nam dữ dội lắm nha! Nó có luật chơi, luật bất thành văn, sống mở nhưng luật bất thành văn sẽ suy xét từng con người, ai sống vô ơn là thứ bỏ đi, thứ xài không đặng.

Miền Nam chúng ta có một thời huy hoàng tột đỉnh, sống trong niềm tin và an lạc.

Con cháu nhận ra rõ xứ này là của ai, đất này là của ai, phải thờ tổ tiên, cha mẹ, thờ chồng con của mình mới là chánh đạo.

Từ đô thành hoa lệ tới vùng xa xôi đò giang cách trở, đâu đâu cũng là người Lục Tỉnh như nhau.

Người Miền Nam ghét thì kêu thứ "kỳ khôi, dị hợm", người mình cảm tình là "Tao thương mày lắm đó nghen!".

Người Miền Nam lúc nào cũng thương nhau, trong hoàn cảnh này không thương nhau thì còn biết thương ai nữa , mình phải thương mình, tự mình yêu lấy mình thôi.

Chúng ta sẽ giữ nguyên vẹn hình ảnh sông nước bao la ẩn hiện xóm nhỏ dọc bờ kinh, mái lá, phiá trước nhà có bàn Thiên, một bình cắm nhang, chung nước lã, những bờ đê nhỏ xíu đặng chia ô những cánh đồng lúa xanh, vàng theo hai mùa mưa nắng.

Xin giữ mãi hình ảnh một mái nhà xưa, một bà ngoại áo túi khăn rằn vắt vai lui cui săm soi miếng đất, lụm cụm trồng hành, trồng ớt, gió chiều hiu hắt, mái tóc bạc theo thời gian lòa xòa trong hoàng hôn tím lịm.

Nguyện giữ mãi nồi thịt kho nước dừa vàng ươm thơm phức chiều 30 Tết vẫn hiện hữu trong phong tục Miền Nam. Bộ lư sáng bóng, khói nhang quấn quýt đời người, ông bà sum vầy cùng con cháu.

Chúng ta vẫn giữ Sài Gòn, thành đô trong lòng. Sài Gòn gần đây xô bồ xô bộn dữ quá, lắm khi ngao ngán tột cùng, lắc đầu mệt mỏi.

Sài Gòn bây giờ hết trời mưa hay nắng, chẳng ai khóc thương ai, Sài Gòn chỉ còn một đám đông léo nhéo.

Nhưng không đành đoạn quên Sài Gòn, không đành lòng quay ngoắt với nó được, nó là biểu tượng của cả Lục Tỉnh mình.

Lối về, mọi con lộ đều dẫn chúng ta về Sài Gòn mà! Lối về, có khi là đêm dài sự yên tĩnh làm ký ức tưởng như đã được an bài, nhưng âm ỉ trong lòng.

Tất cả lòng dạ,tâm tình của dân Miền Nam đều hướng về Sài Gòn.

Chúng ta không cần ai giống chúng ta mà chúng ta cũng không thể giống ai, dân Miền Nam phải giữ những đặc điểm rặc ròi kiểu Miền Nam

"Nước lớn rồi lại nước ròng

Đố ai bắt được con còng trong hang"

Xin đừng ép Alexandre de Rhodes hay Trương Vĩnh Ký phải đội nón cối, mặc bà ba đen, quấn khăn rằng ôm súng AK 47 như mấy tuồng cải lương sau 1975 thì mới được các "trí thức" cho là xứng đáng

Người Nam Kỳ chúng ta tự hào vì có Trương Vĩnh Ký vì ông biết giữ cái tôn giáo, cái đạo Công Giáo của ông trong lòng nhưng để nó dưới cả chữ đạo của dân tộc mình. Với ông, người Việt, người Miền Nam  là trọng, hết thảy người Công Giáo đều là con dân xứ Việt

Tình Nam Kỳ của Trương Vĩnh Ký lớn lắm, ông gọi đất Nam Kỳ là "Mẹ thân yêu" của ông

Chúng ta có Trương Vĩnh Ký thì phước cho đất Nam Kỳ này lắm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét