Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Đinh Từ Thức : Cô Tổng thống đẹp

Link : http://www.procontra.asia/?p=1609

Tháng 2 18, 2013
Đinh Từ Thức

Ngày 25 tháng 2, 2013, cô Park Geun-hye tuyên thệ nhậm chức, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Nam Hàn, một nước có tỉ lệ mất cân bằng giới tính, nghiêng về phía nam giới, cao nhất trong các nước phát triển.
Cô là con gái đầu của Tướng Park Chung-hee (Phác Chính Hy), nhà độc tài khét tiếng cai trị Nam Hàn từ 1961 đến 1979. Tuy đến ngày nhậm chức đã 61 tuổi, nhưng chưa từng lập gia đình, phải gọi cô Park là cô Tổng thống. Khi gặp cô vào năm 1979, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ghi vào nhật ký của mình: “Tôi ngạc nhiên thấy cô quá đẹp”. Ấy là khi cô ở tuổi 27. Phái nữ ở tuổi 60, trừ vợ mình, khen “quá đẹp” có vẻ thiếu thành thật, vậy, gọi là cô Tổng thống đẹp.
Cô Park bước vào ánh đèn sân khấu chính trị ở tuổi 22, khi mẹ cô bị ám sát vào năm 1974. Lúc ấy, đang theo học tại Grenoble, Pháp, nuôi mộng trở thành giáo sư, bỗng nhiên cô được Đại sứ quán Nam Hàn tại Pháp gọi cho biết cô cần về nước ngay, vì có chuyện đã xảy đến với mẹ cô, không nói rõ chuyện gì.
Trước khi lên máy bay về nước, đọc một tờ báo mua tại phi trường, cô mới rõ đầu đuôi câu chuyện: mẹ cô đã thiệt mạng trong một vụ mưu sát mà mục tiêu là cha cô. Tại Nhà hát Quốc gia ở Seoul, sát thủ đã nổ súng trong khi Tướng Park đang đọc diễn văn quan trọng trước một ngàn năm trăm người, mẹ cô là Đệ nhất Phu nhân Yook Young-soo cũng có mặt trong hàng quan khách. Nhiều cận vệ đã bắn trả, trước khi chồng chất lên nhau đè sát thủ – là một đặc công cộng sản Bắc Triều Tiên sinh trưởng tại Nhật – xuống sàn nhà. Đệ nhất Phu nhân trúng đạn, không biết của ai. Tướng Park tiếp tục bình tĩnh đọc nốt bài diễn văn, được cử tọa đứng lên hoan hô như bậc anh hùng. Bà Park không chịu nổi vết thương ở đầu, từ trần mấy giờ sau. Trái với Tướng Park khét tiếng cứng rắn, Đệ nhất Phu nhân Yook Young-soo nổi tiếng nhân từ, thương người nghèo.
Tướng Park đợi đón con gái ở phi trường Seoul. Cô Park thay mẹ đóng vai Đệ nhất Phu nhân, bỏ mộng trở thành giáo sư.
Năm năm sau – ngày 26 tháng 10, 1979 – đến lượt người hùng Park Chung-hee bị ám sát. Không bởi tay kẻ thù cộng sản như vợ mình, mà do tay một đèn em thân tín – giám đốc cơ quan tình báo Nam Hàn. Lý do được thủ phạm nêu ra: để Nam Hàn có cơ trở thành tự do dân chủ.
Để biết một chút về cha con Tướng Park, sau đây là ít dòng do Tổng thống Jimmy Carter ghi trong Nhật ký Nhà trắng (White House Diary):
30 tháng Sáu [1979]
… chúng tôi tới Seoul, chứng kiến một lễ nghi đón tiếp chưa từng thấy. Tôi đã ngạc nhiên thấy Tổng thống Park quá nhỏ bé và con gái ông quá đẹp. Chúng tôi lên xe vào Seoul và tôi tin là một đám đông tôi chưa bao giờ thấy đã chờ đón chúng tôi, có vẻ thân thiện thật tình. Một tờ báo nói một triệu người, tờ khác nói hai triệu người – tôi đoán là một triệu.
Tại buổi họp đầu tiên, tôi đã chuẩn bị đi thẳng vào vấn đề cam kết về quân sự, nhưng Park đã lạm dụng đọc một diễn văn dài lê thê tới hơn một tiếng. Tôi rất bực mình nên quyết định trả lời đại cương và yêu cầu một cuộc họp riêng giữa ông ta và tôi.
Tôi đã tuyên bố một cách tương đối mạnh mẽ rằng chúng tôi giữ đúng những gì đã cam kết, chúng tôi luôn làm tròn những nghĩa vụ trên thế giới, sức mạnh về quân sự, chính trị và kinh tế của chúng tôi không ai có thể qua mặt, và tôi không hiểu tại sao một nước tí hon như Bắc Triều Tiên có thể qua mặt một nước lớn và mạnh như Nam Hàn, ngay cả với bốn chục ngàn quân Mỹ và không lực siêu đẳng che chở và tôi đã bất bình sâu xa về chiều hướng này.
Rồi chúng tôi họp riêng, với kết quả không thỏa mãn. Park đã không sẵn sàng cam kết rõ ràng vào việc tăng thêm bao nhiêu phần trăm ngân sách cho quốc phòng, và ông ta tiếp tục lẩn tránh về nhân quyền. Tôi đã không nói rõ tôi sẽ làm gì trong tương lai.
Tôi đã nói với Tổng thống Park rằng tôi đến với thành tâm để làm việc chặt chẽ và đã bị khựng lại bởi đòi hỏi cứng rắn của ông ấy là mức độ của lực lượng Hoa Kỳ không thay đổi vì con số chỉ là một nửa của một phần trăm trên tổng số sức mạnh quốc phòng dành cho Nam Hàn.
Park: Chúng tôi không có kế hoạch gia tăng quân số bộ binh. Chúng tôi có thỏa hiệp với Hoa Kỳ vào năm 1954 là giữ nguyên ở mức sáu trăm ngàn.
Carter: Ông có muốn bỏ giới hạn đó không?
Park: Chúng tôi muốn tập trung vào trang bị. Bắc Triều Tiên, ví dụ, có 2.000 xe tăng. Chúng tôi chỉ có 859.
Carter: Chúng tôi có cảm tưởng là các ông có 1.050.
Park: Con số có thể thay đổi chút ít.
Carter: Tướng Vessey cho tôi biết sáng nay là ông có trên 1.000.
Park: Điều đó có thể đúng.
[Rồi chúng tôi có một cuộc thảo luận thẳng thắn về việc lạm dụng nhân quyền của Park].
01 tháng Bảy
Chúng tôi đón chào các nhà lãnh đạo tôn giáo chính của Nam Hàn tới cầu nguyện và thảo luận. [Trưởng giáo Baptist] Billy Kim yêu cầu tôi nói với Park về việc trở thành tín hữu Cơ đốc giáo, và tôi hứa sẽ làm như vậy.
Tới đâu chúng tôi cũng thúc đẩy về nhân quyền, kể cả với Thủ tướng Choi [Kyu Hah] và rồi với Tổng thống Park và con gái ông – vấn đề quan trọng nhất không được giải quyết. Chỉ có 17 phần trăm dân chúng Mỹ hỗ trợ bảo vệ Nam Hàn bằng quân sự, vì những tin tức không thuận lợi về nhân quyền. Park suy nghĩ hồi lâu rồi nói, “Tôi hiểu quan tâm của ông và tôi sẽ cố gắng để làm nhẹ bớt mối quan tâm ấy”.
26 tháng Mười
Được tin Tổng thống Park của Nam Hàn bị ám sát. Tôi bảo Harold [Brown] (Bộ trưởng Quốc phòng) báo động binh lực tại khắp Tây Thái Bình Dương, và lưu ý Liên Xô, Trung Quốc, và Bắc Triều Tiên rằng chúng tôi không cho phép bất cứ nhiễu loạn nào tại Nam Hàn.

Mất cả cha lẫn mẹ vì chính trị, cô Park vắng bóng 19 năm, trước khi trở lại chính trường giữa cơn khủng hoảng tài chánh Á châu vào năm 1998, với sứ mạng “cứu nước”, và trở thành lãnh tụ đảng bảo thủ vào năm 2004. Năm 2006, đến lượt tính mạng cô bị đe dọa. Trong khi vận động tranh cử tại địa phương, cô đã bị tấn công bằng dao, vẫn còn để lại thẹo trên mặt.
Là con một nhà độc tài nổi tiếng, cô Park có lợi thế dễ được nhận biết, nhưng đồng thời phải chia sẻ những tiếng xấu vì lỗi lầm của cha mình. Cô đã tranh cử Tổng thống lần đầu năm 2007, nhưng thất bại. Trong khi đề cao những thành quả phát triển kinh tế của cha, vào tháng Chín năm ngoái, cô đã phải xin lỗi về những thành tích đàn áp tự do dân chủ và vi phạm nhân quyền của ông.
*
Trong các loại thí nghiệm để chứng minh giả thuyết là sự thực, chứng nghiệm về lịch sử khó khăn nhất, vì không thể tạo được trong phòng thí nghiệm, và lịch sử ít khi tái diễn trong khoảng thời gian một vài thế hệ. Trường hợp của Tướng Park Chung-hee trong lịch sử Nam Hàn là một thí dụ hiếm có. Tướng Park, có lẽ cho rằng, ngoài ông ra, không ai có thể phục vụ quyền lợi đất nước hữu hiệu như ông, nên ông đã theo đuổi đường lối độc quyền cai trị, độc tài và độc đoán. Tất cả những người khác, nhất là thành phần đối lập như Kim Dae-jung (Kim Đại Trọng) đều bị coi là thù địch, hay tệ hơn, là phản quốc, cần phải tiêu diệt. Nắm quyền sau cuộc đảo chánh năm 1961, cai trị hết hai nhiệm kỳ, Tướng Park đã sửa hiến pháp để có thể ứng cử và đắc cử thêm nhiệm kỳ 3 vào năm 1971. Có lẽ cảm thấy “phục vụ đất nước” như vậy chưa đủ, năm 1972 ông đã ban bố tình trạng thiết quân luật, cấm các đảng phái hoạt động, Kim Dae-jung bị mưu sát trong một vụ đụng xe, nhưng thoát chết. Năm sau, nhân viên tình báo Nam Hàn sang Nhật bắt cóc Kim Dae-jung định thủ tiêu, nhưng trước áp lực của thế giới, đành phải mang về nước quản thúc tại gia.
Những người nghĩ mình là nhân vật không thể thay thế đã quên rằng ai cũng phải chết. Cái chết oan của vợ mình, một hiền phụ được thương mến, chưa đủ để Tướng Park tỉnh ngộ. Cuối cùng, chính kẻ đứng đầu cái tổ chức tình báo đã vì ông âm mưu thủ tiêu Kim Dae-jung quay lại kết liễu đời ông, để mở đường cho đất nước tiến lên. Người đối lập như Kim Dae-jung, ông liệt vào thành phần phản quốc, cần phải thủ tiêu, đã có cơ hội trở thành Tổng thống, được Giải Nobel Hòa bình, làm vẻ vang cho nước ông. Tướng Park nghĩ cần áp dụng kỷ luật sắt để phát triển kinh tế, Tổng thống Kim Dae-jung đã cứu nguy kinh tế Nam Hàn khỏi phá sản mà không phải hi sinh các nguyên tắc dân chủ và tự do căn bản của người dân.
Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết có lần tuyên bố “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Điều 4, như mọi người đã biết, quy định Đảng Cộng sản nắm độc quyền cai trị. Lịch sử Nam Hàn chứng tỏ độc quyền cai trị mới là tự sát. Nhờ phát huy dân chủ, Nam Hàn ngay nay, ngoài những thành quả rực rỡ về kinh tế, còn có một Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, một video Gangnam Style đạt kỉ lục thế giới với hơn một tỉ người xem, và một nữ Tổng thống đầu tiên. Nếu Tướng Park Chung-hee còn độc quyền cai trị cho đến nay, chắc chắn Nam Hàn không được như vậy và cô Park Geun-hye cũng không là Tổng thống dân cử như ngày nay. Trừ trường hợp, nếu Nam Hàn trở thành một chế độ y hệt như Bắc Hàn, con của Tướng Park có thể làm đại tướng, và chẳng cần bầu cử, có thể nối nghiệp ông y như cậu Kim Jong-un ở miền Bắc.
Ảnh 1: Nữ Tổng thống Park Geun-Hye. Ảnh: Reuters
Ảnh 2: Gia đình Park Chung-hee. Park Geun-Hye đứng giữa. Ảnh: Reuters


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét