Huyền thoại Á Rập có nói về một
loài chim không cánh, mỗi chiều tàn, bay la đà trên mặt đất, gọi nhau cất cánh
bay cao, nhưng không bao giờ vụt lên được. Tôi không biết có khi nào con người
cũng tự cắt đôi cánh của mình vì sợ độ cao? Hay tự dối là mình không có cánh?
Vợ chồng tôi đáp xuống phi trường Nice cũng vào một buổi chiều thứ bẩy
sắp tàn. Tôi bực bội khó chịu vì chuyến bay trễ gần 2 tiếng, đồ ăn trên máy bay
quá tệ không đụng nổi và cung cách phục vụ của tiếp viên Air France làm tôi ao ước ngồi trên các
chuyến bay của Singapore hay Cathay hay Emirates.
Tôi đã đến Monte
Carlo nhiều
lần; nhưng vợ tôi thì đi lần đầu nên háo hức. Vì là chuyến du lịch tôi hứa cho
riêng nàng, nên tôi không nhờ bạn bè nào nơi đây đưa đón hay thù tiếp. Tôi để
nàng đặt thuê xe để cùng tự lái đi quanh. Quầy đợi của Avis càng làm tôi bực
hơn. Hai hàng dài, di chuyển rất chậm vì hai nhân viên dường như không biết xài
máy tính? Hay có lẽ vì hôm đó là cuối tuần? Thêm hơn 1 tiếng sau, tôi mới lái
xe ra khỏi bãi đậu. Lúc đó, nếu xe tông vào cột đèn nào chắc tôi vui hơn.
Tóm lại, đó là một khởi đầu tệ hại cho một tuần nghỉ ngơi ở miền Nam
nước Pháp. Tuy nhiên, gió biển Địa Trung Hải hiu hiu vào một ngày cuối xuân,
trời vẫn còn sáng, trong xanh như mộtpostcard.
Tôi lái xe mơ màng về những trận cười đùa ngày nào cùng bạn bè quanh các địa
danh của Cannes, Saint Tropez…,
về những ổ bánh mì baguettes với đủ loại fromage…, về phong cách sống của một
tầng lớp biết đi trước thiên hạ về mọi mặt… Lòng tôi dịu lại. Đến khi xe dừng ở
lobby của Hotel Hermitage, sự mê hoặc của Cote D’azur
quay trở lại và tôi cũng háo hức như bà vợ về những ngày vui sắp đến.
Ba ngày sau đó, chúng tôi đi loanh quanh như những du khách chính hiệu.
Từ các cung điện, bảo tàng của vương quốc Monaco…đến những con đường đá ong gập ghềnh của
các ngôi làng nhỏ. Từ món ăn bouillabaisse nổi tiếng cạnh chợ trời của Nice đến
những quán cà phê nhỏ bé của các sắc dân Trung Á mọc lên khắp vùng (mỗi ly cà
phê là một khám phá mới cho khẩu vị). Một thế giới của dân siêu giàu Âu Châu
sống hòa hợp với những người di cư nghèo mới đến. Điều dễ nhận là thái độ sống
nhàn hạ, thư giãn của mọi người. Không ai tất bật với mưu sinh như đàn bò ở New York,
Hồng Kông.
Sau 3 ngày tôi mới tiết lộ một bí mật nhỏ tôi giữ kín từ đầu chuyến đi
cho bà vợ. Tôi muốn tìm mua một ngôi nhà nơi đây để về hưu. Tôi giải thích là
sau cơn mổ tim 2 năm trước (2000), tôi thấy mệt mỏi với áp lực của công việc và
của hơn 30 năm kéo cầy. Đây cũng là thời điểm tốt để exit, vì dù đang xuống giá,
cổ phiếu của công ty vẫn đủ mang về cho hai đứa một cuộc sống khá tiện nghi sau
khi rửa tay gác kiếm.
Tôi đã điện thoại cho một người bạn cũ và sáng mai, một nhân viên môi
giới địa ốc sẽ ghé khách sạn, đưa hai đứa đi quanh khu vực để chọn mua nhà. Lý
do sau cùng tôi chọn nơi đây vì tôi nghĩ quốc tịch Monaco sẽ tiết kiệm cho tôi
một khoản tiền lớn về thuế; và thực ra, tôi cũng chán cuộc sống ở Mỹ và Trung
Quốc rồi.
Sau bữa ăn sáng, Falak xuất hiện như một làn gió biển mát lạnh giữa trưa
hè. Nước da ngâm ngâm đen của người con gái lai (nàng tự giới thiệu: cha Ma
rốc, mẹ Pháp), đôi mắt xanh huyền dịu trên khuôn mặt hao gầy kiểu Halle Berry.
Tôi không tin vào cú sét ái tình; nhưng Falak rõ ràng là một cú sét có thể làm
cả một khu rừng cháy rụi. Vợ tôi không vui ra mặt, dù cố giữ vẻ lịch sự.
Hôm đó, chúng tôi đi coi khoảng 5, 6 căn nhà gì đó. Ai mà nhớ gì ngoài
đôi môi hơi dầy, sexy và nụ cười tươi như những cánh hoa xuân đang nở rộ ven
đường. Falak cũng đầy quyến rũ với những đối đáp thật thông minh, sâu rộng và hài
hước. Tôi chợt vô cớ thấy một gắn bó lạ kỳ với những ngọn đồi lavender tím ngắt và những ly rượu vang đỏ tràn
trề như sức sống quanh đây. Vợ tôi thì nhắc khéo…tháng tới sinh nhật thứ 57 của
anh rồi… phải tổ chức thế nào nhỉ…?
Tối hôm đó, chúng tôi (tôi thì đúng hơn) mời Falak cùng ăn tối. Nàng có
đủ “quan hệ” để đặt bàn ở Alain Ducasse’s vào giờ chót vì đây là tiệm ăn
“hot” nhất của Monte Carlo lúc bấy giờ. Cô gái lai Á Rập mặc một bộ đồ thật
sang đêm đó. Chiếc áo mầu trắng điểm kim cương (hay một kim loại lấp lánh gì
đó) làm rực rỡ thêm làn da ngăm đen của nàng. Một công chúa từ những trang sách
về Alibaba.
Chúng tôi biết thêm vài chuyện về thân thế Falak. Cha mẹ nàng vẫn đang
sống ở Montpellier, cha dậy đại học, mẹ mở tiệm bánh. Nàng xong đại học ở Toulouse,
yêu và lấy một người chồng Ma rốc từ năm 25 tuổi và dọn qua sống với đại gia
đình bố mẹ chồng ở một tỉnh nhỏ gần Casablanca. Biết nói 4 thứ tiếng: Anh,
Pháp, Ý và Arabic. Không có con. Nhưng hai năm sau, nàng phải trốn về Pháp vì
không chịu nổi một người chồng khắc nghiệt kiểu Hồi Giáo, cùng một môi trường
khép kín bởi luật lệ và bí ẩn của thâm cung sa mạc.
Sáng hôm sau, vợ tôi không đi coi nhà nữa. Nàng nói các sòng bạc ở
Casino de Paris và các tiệm thời trang quanh Monte Carlo hấp dẫn hơn. Tôi và
Falak tiếp tục chuyến khảo mua địa ốc. Vừa ra xe, nàng làm tôi ngạc nhiên, “
Thôi, đừng đi coi nhà nữa. Em biết một tiệm ăn tuyệt vời cạnh biển bên kia biên
giới (Ý). Chỉ có 2 tiếng lái xe”. Trên chuyến đi, Falak thể hiện một phong cách
đáng yêu nhất của phụ nữ: tự tin, trí thức và tươi vui. Chúng tôi cười nói
không ngớt với những tranh luận về tôn giáo, chính trị…xen lẫn những chuyện
khôi hài, đôi khi “dirty”.
Ngày hôm đó thời tiết thật hoàn hảo. Nhà hàng làm riêng một lều (tent)
cạnh biển với đủ loại hải sản tươi sống. Chúng tôi mua tạm một mớ đồ tắm và nô
đùa cười giỡn trên sóng nước như những đứa teen đang đi spring break (lễ nghỉ
xuân hàng năm của sinh viên).
“Sao em làm về địa ốc?”
“Em học classic art and literature (văn học nghệ thuật cổ điển), ai chịu
mướn?”
“Khi lớn lên, em mơ ước những gì?”
“Tràn đầy lý tưởng, em chỉ mong một ngày về giúp quê cha đang lạc hậu.
Em yêu chồng cũ cũng vì hai đứa cùng chung chí hướng. Nào ngờ, khi quay về Ma
Rốc, anh ấy biến thành một con rối của gia đình và xã hội, vất bỏ hết những dự
định cao thượng và cư xử như các ông già thích bám víu vào những quá khứ đã rửa
mục”
“Bây giờ thì em mơ ước gì?”
“Một người chồng thật giàu đủ để cung phụng em suốt đời. Em đã 29. Cửa
sổ của cơ hội đang dần khép”
“Thay đổi to lớn nhỉ. Từ phục vụ cộng đồng đến chăm sóc cá nhân mình?”
“Thực tại đẩy đưa anh ơi. Khi bị dầy vò dưới đáy xã hội, suy nghĩ duy
nhất của em là vươn cao lên đỉnh. Và em đủ thông minh để biết thu ngắn thời
gian với một người chồng thành đạt. Em sợ nghèo, sợ lý tưởng lắm rồi”
“Đó là lý do để làm môi giới địa ốc ở Monte Carlo?”
“Dĩ nhiên, đây là nơi tập họp của những người giàu nhất thế giới. Và
cách tiếp cận hữu hiệu nhất là một dịch vụ họ cần”
“Tại sao anh?”
“Em biết rất nhiều về khách hàng hơn là họ
tưởng. Ngoài các kho dữ liệu công cộng, đôi khi em sử dụng cả dịch vụ của Kroll (công ty thám tử điều tra chuyên về doanh nghiệp – GNA) trước khi đồng ý gặp. Em có thể đoán
khá chính xác về tài sản của anh, về chuyện gia đình của anh, về học vấn tính
tình; ngay cả những thói quen, xấu và tốt, thường nhật”
“Nhưng anh đã có vợ?”
“Cách đây 6 năm, anh có nộp đơn ly hôn. Mọi chuyện không đẹp như 2 vợ
chồng anh đang cố đóng kịch phải không?”
“Nhưng anh đã già. Hơn em gần 30 tuổi. Em mong đợi gì?”
Nàng cười lớn, “Đó là bonus. Anh còn bị bệnh tim nữa. Em có thể thừa
hưởng gia tài sớm hơn mọi toan tính”
Những lời đối thoại khá trần tục và trâng tráo. Nhưng cái quyến rũ của
Falak là nàng biến mọi chuyện thành nhẹ nhàng, tự nhiên và tươi đẹp. Như dòng
nước trong xanh của Địa Trung Hải, như những cánh chim đang lờ lững tìm mồi
ngoài khơi, như những chiếc du thuyền nhấp nhô trên sóng tìm điểm đến… Trên
hết, khuôn mặt và thân hình đúng chuẩn như người mẫu gợi nhắc một tương lai đầy
hứa hẹn như trong một giai thoại nào của chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm.
Tôi chợt thấy sợ. Lần đầu tiên, tên du mục già thấy lạc lối trên đường,
dù đã phiêu lưu cùng khắp. Tôi im lặng nuốt từng ngụm bia nhỏ, chậm chạp nhìn
mông lung về phía chân trời. Tôi không đính chính gì về tình trạng gia đình.
Thực ra, thủ tục pháp lý của việc ly hôn kéo dài vì bà vợ muốn giấu kín với gia
đình bạn bè, vì lình xình trong việc chia tài sản, vì chúng tôi vẫn coi nhau
như bạn. Nhưng có lẽ tôi sẽ “độc thân” chỉ trong năm nay và tôi có thể đi rất
xa với bất cứ ai. Nhưng Falak là một hiện tượng mới về một thế hệ mới mà tôi đã
“out of touch”.
“Em đùa anh đấy. Đừng ngây mặt ra vậy, trông xấu lắm. Em thấy anh là một
người thú vị để quen biết, để học hỏi. Chưa chắc em đã chịu lấy anh, nếu anh có
hỏi. Và dù không đi đến đâu, hai ngày qua là một khoảng thời gian tuyệt hảo
trong đời em. Em thấy như vừa tìm được một tri kỷ. Anh nghĩ gì vậy?”
“Em làm anh liên tưởng đến một đêm trăng Ma Rốc (Moroccan moonlight)
trong một cuốn phim trắng đen anh xem từ hồi nhỏ. Có Ava Gardner thì phải?”
“Tên em, Falak, có nghĩa là ‘sao sáng’. Anh gần với sự thật rồi”
Sáng hôm sau, vợ tôi nói chơi bạc ở Monte Carlo xui quá, bà nhờ chở
xuống Casino Rhul ở Nice. Tôi và Falak lại cùng nhau tung tăng. Lần này, nàng ghé
siêu thị mua một mớ đồ ăn nguội, chúng tôi vào vườn sau của một lâu đài vắng
chủ ở Chateauneuf-Grasse để dùng picnic. Lại cả trăm mẫu chuyện lăng nhăng, vô
nghĩa…nhưng điều quan trọng là tôi bị “hớp hồn” vào thế giới của Falak như
Alice in Wonderland. Những nhân vật, những tình huống, những phong cách, những
tư duy…tạo nên một bộ phim sống động và gần gụi.
Thời gian qua thật nhanh. Chiều lại tàn, chúng tôi tay trong tay, nằm
dài trên thảm cỏ, nhìn lũ chim xua nhau về tổ. Ngất ngây vì rượu vang,
hay vì mùi nho chín trong vườn, hay vì những rừng hoa tím, hay vì sức sống của
con người bên cạnh; tôi nghĩ là trái đất đã ngừng trôi và chỉ có tôi và Falak
trong một hành tinh vừa nẩy mầm.
Cuối cùng tôi lái xe đưa nàng về căn hộ nhỏ của nàng ở Villefranche-sur-Mer.
Tôi tần ngần,” Em muốn anh lên phòng uống cà phê?” “Đừng anh ạ. Em không lấy
anh đâu. Cuộc hôn nhân nào rồi cũng hủy diệt những chân tình ngây thơ nhất. Em
ích kỷ, muốn anh giữ mãi một ký ức, hình ảnh đẹp về em. Thả anh về với vợ con
và California đó”….Nàng cười, hôn gió, rồi đóng cửa xe. Đi vài bước, nàng quay
lại, mở cửa ngồi xuống ghế,”Nhưng em muốn chia tay với anh bằng một nụ hôn”.
Hai đứa chúng tôi ôm nhau và nụ hôn kéo dài vô tận. Chẳng ai muốn buông.
Chúng tôi say sưa cuồng nhiệt. Tôi hổn hển,”Để anh đưa em lên phòng” “Không,
anh. Đừng ép em. Đừng làm khổ em thêm” Nàng thở dài. Và như thế, nàng luồn khỏi
vòng tay tôi, biến thật nhanh sau cánh cửa chính.
Tôi ngồi im trong xe cả tiếng, lơ đãng nhìn lên một bầu trời đầy sao
sáng. Tự hỏi cặp sao nào là đôi mắt của Falak? Khi về phòng, vợ tôi hí hỏm,”
đạt mục tiêu chưa?” Nàng vui vì vừa thắng lớn ở Casino Rhul hôm nay. Tôi không
trả lời, bước ra balcony, nhìn một Địa Trung Hải đã thành một khối lỏng đen
ngòm dưới kia. Sân khấu đã tắt đèn.
Trưa hôm sau, chúng tôi soạn đồ ra phi trường. Khi check out, tôi nhận
được một phong bì đựng món quà tặng của Falak, một CD nhạc, bài Casablanca do Bertie Higgins hát. Nàng ghi thêm,”
Don’t forget the Moroccan star…Please come back to Casablanca some day…”.
Mười mấy năm sau, nghe lại bài nhạc từ một
hộp đêm ở Shanghai, tôi thấy mình vỡ vụn khi người ca sĩ cất giọng, “A kiss is not a kiss without your sigh…”
Alan Phan
Bài hát Casablanca: https://www.youtube.com/watch?v=Blx9lHMivQs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét