Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Khải Đơn - Sàn đấu và sự thật

Link : https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10203747454020671&set=a.1106315371928.2017954.1048087629&type=1&fref=nf
Ngày xưa, tôi tập Taekwondo trong 1 đội với thầy. Những bạn trai giỏi nhất lớp thường sẽ lên đội tuyển của tỉnh thi đấu, sau 3 – 4 tháng tập ở đội của phường. Tụi tôi đi cổ vũ. Điều kinh ngạc nhất mà tôi gặp hồi đó, là một cậu bạn trong lớp bằng tuổi tôi, 14 tuổi, bất ngờ xuất hiện trên sàn đấu với 1 người chúng tôi thường gọi là “anh thầy” – vì ảnh gần 20 tuổi rồi. Tất nhiên thằng bạn tôi ăn đòn và thua. Ở đội tuyển cấp nhà vườn, giải thiếu niên thường cho tụi học trò cấp II, III, theo tôi tự nghĩ chắc dưới 18 tuổi, đồng hạng cân thì đánh.
Những thằng con trai trong lớp, sau cuộc đấu đại bại đó của sàn tập chúng tôi, đã nhìn “anh thầy” đó bằng một sự khinh bỉ không nói thành lời. Trước ngày thi đấu, “anh thầy” chạy bộ 2 tiếng đồng hồ ròng rã trong sân nhà thi đấu, ép cho ra hết nước, hạ hạng cân xuống. Còn giấy tờ tuổi tác, dễ ẹc, nghe đâu anh trai hay chú của anh làm cán bộ trong liên đoàn – thậm chí còn đứng ở vị trí chấm điểm. Tui tập thêm 4 năm nữa, và năm nào cũng gặp anh giật 1 huy chương nào đó, trước một thằng nhóc nào đó gà gà mới nhảy lên sàn đấu lần đầu. Nhưng thầy dạy ở sân của chúng tôi thì khác, ông lúc nào cũng cười hề hề, bảo thua thì thôi, mình ko ăn gian, mấy em đi tập cho khỏe mạnh mà.
“Không ăn gian” – là nguyên tắc tối thượng của thể thao – thứ tinh thần mà con người đã phải dày công nghĩ ra không biết bao nhiêu phương pháp khoa học để đo đếm sự công bằng trong thể thao. Đồng thời, không biết bao nhiêu con người khác cũng bỏ công không kém tìm cách bày ra trò bẩn ăn gian sao cho đoạt giải. Có lẽ, trên sàn đấu võ, giữa một cuộc đánh chỉ vài phút, cái sự “ăn gian” ấy trở nên đáng giá 1 cách lạ lùng – chỉ vài milimet trước chiến thắng và chiến bại, chỉ vài giây để trở thành ngôi sao hoặc thằng VĐV quèn. Cả sự nghiệp thể thao có khi tèo chỉ vì cái trò “ăn gian” mà tôi đã nhìn thấy như vậy.
Nói như thế, để tôi bày tỏ ý mình, tôi thấy việc ăn gian tuổi của Công Phượng cần được biết rõ – giống như những vận động viên trẻ khác mà trên báo đã từng tìm ra – rằng họ lớn tuổi hơn các đối thủ - và chạy mải mê trong chiến thắng vì đã bắt nạt được thằng nhỏ gà hơn mình, như thằng bạn tui bị cái “anh thầy” kia hạ gục nhìn ngu không chịu nổi. Thik ăn gian thì về nhà bắn bi, bắn bi thua thì đạp thằng kia giật bi bỏ chạy là xong, thể thao thì không thể không rõ ràng.
Cho có vẻ nghiêm trang vại thôi, chớ tôi mù tịt về thể thao. Nhưng tôi rảnh nên đã xem lại bản tin Chuyển động VTV24 vài lần.
Bản tin sử dụng loại nhạc dùng cho... An Ninh TV. “Kẻ trộm sắp đi vào nhà, hắn không biết có camera, quý vị hãy xem, tên trộm còn cả gan ăn nho Mỹ trước khi cuỗm chiếc SH bằng cửa sau.” – Nếu là loại nhạc đó, tôi sẽ viết lời bình như vậy. Trong một bản tin bàn về một nghi án thể thao, chắc người bình thường cũng không làm vậy. Bản nhạc này định hướng người xem vào một trạng thái – trong quảng cáo chắc gọi là – đưa họ vô cái không khí, xúc cảm phù hạp – nhằm có thể đón nhận một sự kiện kinh hoàng đắng lòng.
Thứ 2, tương tự như sự mập mờ của tờ giấy khai sinh (không số sổ, số quyển) của em Phượng, bản tin của VTV không gặp được em Đặng Thị Phương (người được cho là học cùng – hoặc ko học cùng Công Phượng). Người “cho rằng” có nhớ ra em Phượng học chung với ai thì nói là “học cùng tiểu học” – câu trích dẫn của bà mẹ có độ chính xác mập mờ ngang với độ chính xác của tờ giấy khai sinh. Nếu ai đã làm cha mẹ, xin hỏi có bạn nào nhớ hết đứa con mình đã học với đứa bạn cùng lớp nào hồi 10 năm trước không? – Trong khi đó, cô gái Đặng Thị Phương ko có mặt. Nếu VTV cho rằng mình có quyền dùng sự mập mờ để kết tội một vận động viên, thì độc giả cũng có quyền dùng chính sự mập mờ đó để xét hỏi VTV24.
Cuối bản tin, anh dẫn chương trình nói 1 câu đắng lòng: “Công Phượng, ngay trong lúc này nếu em ngồi trước màn hình tivi thì tôi muốn nói với em rằng, đây là giây phút có thể giải thoát cho em khỏi sự mập mờ. Hãy lên tiếng! Chúng tôi rất hiểu về tình yêu bóng đá của em, sự nỗ lực của em để vượt lên tất cả, để cống hiến và chúng tôi cũng yêu em vì những điều đó.
Chúng tôi hy vọng em sẽ được đá bóng trong sự trung thực và thanh thản, em có thể cởi bỏ gánh nặng tâm lý để toàn tâm toàn ý công hiến cho nền bóng đá nước nhà.”
Hãy nhìn cái cách anh BTV và cô phóng viên gằn giọng. Cái giọng của anh phóng viên như một con mồi, nó nén hơi lại cho đầy cường lực, bung ra, gằn xuống từng từ, dụng ý: "Chết mày nha con!" Tuy nhiên, âm gằn giọng ấy bỗng vút cao bổng lên “Đây là giây phút có thể giải thoát cho em khỏi sự mập mờ!” – Các bạn thật là đạo đức quá!
Nếu các bạn VTV đủ đạo đức (và nếu bỗng có thêm tình yêu như các bạn khoe), thì theo nguyên tắc khốn cùng của báo chí, sau khi các bạn phỏng vấn hết các bên liên quan, thì điều quan trọng tiếp theo các bạn phải làm là đến hỏi ba mẹ em Phượng và chính em. Các bạn không hề hỏi, mà tìm cách cho em một “giây phút” trên sóng truyền hình để tự giải thoát. Em ấy sẽ làm gì? – Sẽ la lên với mấy thằng bạn trong đội bóng là “Đúng rồi, tao xin thú nhận, tao sinh năm 1993” à? – Hay cha mẹ em ấy có thể làm gì khác?
Các bạn chơi bẩn quá, VTV ạ, các bạn sử dụng một hệ thống phát hình có hàng chục triệu người dân theo dõi để kêu gọi 1 thằng nhóc... không được phỏng vấn ghi hình gì ráo trọi đáp lời các bạn. Đây chẳng phải là một “đòn bẩn” của những kẻ thường xuyên dùng truyền thông để lái dư luận theo ý mình muốn sao? – Chiêu trò trong nghề báo ai cũng biết, mà sao nỡ sử dụng cho một thằng nhóc vậy? Sao hổng tới hỏi nó luôn mày khai gian tuổi giờ thì xao?
Mà các bạn là ai vậy VTV? – Các bạn là mẹ của thằng nhỏ đó hay công an điều tra sắp ném một thằng phản quốc vào tù? – Nếu ai đủ rảnh và coi nhiều TV, chắc sẽ hiểu khi “nhà đài” muốn ai là người tốt thì người ấy sẽ tốt rơi nước mắt, muốn ai là người xấu, thì nhạc cảnh giác nổi lên, rùng rùng ồn ã như khi đánh nhà ngoại cảm bất lương vậy. Nhạc ác mà. Người ắt phải ác. Các bạn giỏi tuyên truyền như mấy chục năm qua đã giỏi - thật không thể tinh túy hơn. Sự thật của các bạn là như vậy đó.
Nhưng sự thật nó ko giống cái ác. Sự thật nó chỉ là có 1 thằng ngôi sao đã khai gian tuổi từ 1993 thành 1995 và trở thành cầu thủ bóng đá – đó là sai phạm thể thao. Còn VTV đã gọi nó là “giải thoát”, là “cống hiến”, là “chúng tôi cũng yêu em”, là “trung thực”, “thanh thản”, “gánh nặng tâm lý”... Thật là sang trọng.
Vậy là trong cái lúc sang trọng nhất VTV bèn viết status (như các Facebooker chiên nghiệp): “Chỉ đến khi chết người ta mới biết được tuổi thật của các vận động viên. Bởi khi chết họ cần tuổi thật để thắp hương cúng giỗ"- Mời các bạn đón xem phần 2 sau ít phút nữa.”
Nếu trong phần 2, thằng nhỏ Công Phượng rảnh quá treo cổ tự tử luôn – thế là thiên hạ nhà VTV ai cũng hả hê, vì cuối cùng bao nhiêu công sức đi điều tra, gằn giọng, kêu gọi lương tâm của họ đã được đền đáp. Thằng nhỏ chết rồi, nên thể nào chả biết tuổi thật của nó.
Khi ấy thì xin các bạn VTV hãy nhớ đến Trần Thế Vọng – Nguyễn Minh Thành, cậu bé đã từng được các phóng viên ghi lại: “"Người ta đuổi em ra đường rồi, giờ sao còn cửa đá bóng nữa hở các anh..."
Thế Vọng đã chết òi, giờ các bạn VTV đợi Công Phượng đi tự tử cho vừa lòng các bạn đi nha.
Để làm tròn sức mạnh của báo chí, có thể làm chết 1 thằng người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét