Lời toà soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á
Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí
chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá
cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên
kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục
hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của
người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi
đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Cách đây
gần 200 năm, khi vãn cảnh Tây Hồ, nhà thơ Cao Bá Quát từng rung động trước cảnh
sắc mỹ lệ của chốn “danh thắng đệ nhất kinh kỳ” ấy mà thốt lên rằng: Tây Hồ
đích thực là nàng Tây Thi!
Quả thật, ai cũng biết Hồ Tây
rất đẹp. Nhưng đằng sau cái long lanh sóng nước, đằng sau cái lãng đãng sương
mờ ấy, Hồ Tây lại ẩn chứa biết bao điều bí ẩn lạ kỳ…
Phải nói rằng hiếm có nơi nào
quy tụ nhiều truyền thuyết và thần thoại như ở Hồ Tây, mà mỗi truyền thuyết,
mỗi thần thoại lại gắn liền với những địa danh trên hồ. Và nếu dạo một vòng
quanh Hồ Tây, ta sẽ có cảm giác như dưới mỗi bước chân đi đều có một sự tích,
một huyền thoại nào đó: Từ bến bắt thuồng luồng đến đảo cá vàng Kim Ngư; Từ cây
muỗm Quán Trấn Vũ đến cây thị cổ thụ trước sân đình Quán La; Từ đầm Xác Cáo gắn
liền với sự tích Lạc Long Quân diệt hồ ly tinh, cho đến đền Kim Ngưu giải thích
cho câu chuyện Trâu Vàng dưới đáy hồ; Từ miếu thần Cẩu Nhi kể chuyện Cẩu Mẫu,
Cẩu Nhi trong thời điểm Lý Công Uẩn dời đô, được vua phong làm Phúc thần và cho
lập miếu thờ, đến bảy cây gạo huyền thoại, tương truyền là do bà Lạc phi – vợ
của Lạc Long Quân – trồng để ghi dấu bảy trứng nở bảy rồng bay khắp nước non.
Và tất nhiên, cũng không thể
không nhắc đến rất nhiều đền, chùa, miếu, quán, là nơi thờ cúng các vị Phật –
Đạo – Thần và danh nhân lịch sử, như Phủ Tây Hồ thờ Tiên chúa Liễu Hạnh; đền
Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một trong bốn vị thần trấn giữ kinh thành
Thăng Long; chùa Thiên Niên thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô – thứ phi của
vua Lê Thánh Tông; hay chùa cổ Trấn Quốc – trung tâm Phật giáo của kinh thành
Thăng Long dưới thời Lý, Trần.
Có ý kiến
cho rằng, đứng trước Hồ Tây người ta luôn thấy choáng ngợp trước cái mênh mông
và rộng lớn. Nhưng đó không chỉ là cái bao la của khoảng cách dài – rộng, mà
còn là chiều sâu văn hóa và bề dày của hơn 4000 năm lịch sử nước nhà.
Vậy, yếu tố nào khiến Hồ Tây
đặc biệt đến thế, khiến hồn thiêng núi sông ngàn năm có thể lắng đọng lại nơi
này?
Thăng Long – Tinh hoa của đất Việt
Khoảng 1200 năm trước, tướng
Cao Biền nhà Đường sang nước ta làm An Nam tiết độ sứ. Vốn là bậc thầy phong
thủy, Cao Biền đã phát hiện một mạch đất cực lớn thuộc loại “đại cán long”
xuất phát từ núi Côn Lôn bên Trung Quốc, chạy đến Việt Nam chia làm ba chi lớn,
trong đó có hàng chục ngôi đất xuất sinh thiên tử và hàng nghìn ngôi
đất lớn nhỏ sẽ sinh ra các bậc anh tài. Bởi vậy, có thể nói vùng đất Giao
Chỉ có linh khí đặc biệt, là nơi địa linh nhân kiệt, có thể sản sinh ra những
bậc hiền tài.
Truyền thuyết dân gian kể
rằng, Cao Biền đã đi khắp nơi để tầm long điểm huyệt, ông không ngờ trên dải
đất phương nam nhỏ bé kia lại có nhiều điểm huyệt quý giá đến vậy. Thậm chí,
ông đã ghi chép lại toàn bộ những địa điểm được cho là long mạch của Giao Chỉ
và tổng hợp thành cuốn “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự” trình lên vua Đường.
Cho đến nay, người đời vẫn truyền tụng nhiều câu chuyện về việc Cao Biền trấn
yểm long mạch, từng chạm trán Tản Viên Sơn Thần ở Ba Vì, hay gặp thần Long Đỗ
trong giấc mộng ở thành Đại La.
“Đệ
nhất đại huyết mạch, đế vương quý địa”
Sách “Lĩnh Nam Chích
Quái” có câu chuyện kể về thuật phong thuỷ của Cao Biền, nhưng cả “Đại Việt sử
ký toàn thư” và rất nhiều sách chính sử khác đều né tránh điều này. Nói cách
khác, chính sử có xu hướng loại bỏ những yếu tố thần bí và tâm linh, trong
khi các yếu tố huyền sử chỉ được tìm thấy trong truyền thuyết dân gian.
Tương
truyền, Cao Biền sớm nhận thấy vùng đất mà về sau là kinh thành Thăng Long có
vượng khí cực thịnh, nên gọi đây là nơi “đệ nhất đại huyết mạch,
đế vương quý địa”, đáng chú ý là:
·
Giao
châu hữu chi địa, thăng long thành tối hùng
(Giao Châu có một ngôi đất, thế rồng bay cực kỳ hùng mạnh)
·
Tam
hồng dẫn hậu mạch, song ngư trĩ tiền phương
(Ba sông lớn dẫn mạch phía sau, hai con cá dẫn đường phía trước)
·
Tản
Lĩnh trấn Kiền vị, đảo sơn đương Cấn cung
(Núi Tản Lĩnh trấn tại phương Kiền, núi Tam Đảo giữ tại cung Cấn)
·
Thiên
phong hồi Bạch Hổ, vạn thủy nhiễu Thanh Long
(Nghìn núi quay về thành Bạch Hổ, muôn dòng uốn quanh tạo Thanh Long)
·
Ngoại
thế cực trường viễn, nội thế tối sung dong
(Thế bên ngoài rộng dài, thế bên trong mạnh mẽ)
·
Chúng
sơn giai củng hướng, vạn thủy tận chiều tông
(Mọi núi non đều quy phục, các dòng nước về chầu)
·
Vị
cư cửu trùng nội, ức niên bảo tộ long
(Là nơi đế vương ở, bền vững chục vạn năm)
Cao
Biền cũng sớm nhận ra vị trí trọng yếu của Hồ Tây. Nếu coi Thăng Long là long
mạch vượng khí cực thịnh thì Hồ Tây chính là cái rốn trung tâm của long mạch
ấy. Sử sách cũ có chép rằng, Cao Biền sang nước Việt đã trấn yểm nhiều long
mạch nhưng chỉ Hồ Tây là không thể đụng chạm tới. Sách “Tây Hồ chí” chép: “Cao Biền sang phá những thắng địa của nước Nam ta, đến Hồ Tây thì
thấy kiểu đất Phượng Hoàng ẩm thủy liền tâu sớ về triều. Lại xuống Sơn Nam,
khai thông làm đứt long mạch, có thần núi hoá trâu vàng chạy ẩn vào hồ“.
Như thế đủ thấy dù nhận ra vị trí đắc địa, huyệt mạch của Hồ Tây nhưng bậc thầy
phong thuỷ Cao Biền cũng không cách nào phá giải được.
Long chầu hổ phục, sông tụ núi chầu
Quả thật, không ngẫu nhiên mà
Thăng Long được gọi là nơi có thế đất “long chầu – hổ phục”, là nơi “sông tụ –
núi chầu”. Hơn 1000 năm trước, khi Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình)
ra thành Đại La (Hà Nội), vua đã viết trong “Chiếu dời đô” rằng:
“Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao
Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam
bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước (…) Xem khắp nước Việt đó là
nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng
đô kinh sư mãi muôn đời.”
Bởi vậy mà kể từ khi Lý Thái
Tổ chọn Đại La làm kinh đô và đặt tên là Thăng Long, nước ta từ một quốc gia bé
nhỏ mất quyền tự chủ gần 10 thế kỷ, đã vươn mình mạnh mẽ, thiết lập được nền
thịnh trị lâu dài, không những thế còn nhiều lần đánh bại những đội quân phương
Bắc hùng mạnh của các triều đại phong kiến Trung Hoa.
Điều ấy cũng được thể hiện
trong hai câu đối trên cổng chùa Quán Thánh:
“Hữu quốc
gia dĩ lai, vượng khí kinh kim tồn nhạc độc
Trung thiên địa nhị lập, thần
quang cái cổ trấn quy xà”
(Từ khi
có quốc gia đến nay, vượng khí vẫn tồn giữ nguyên vẹn khắp sông núi,
Đứng trong trời đất, Thần quang
trấn áp được các loài ác quái hơn cả khi xưa)
Điểm
sáng “Mắt Rồng”
Và nếu nhìn xa hơn nữa,
ta sẽ thấy cái đắc địa của thế đất, thế sông đều tụ họp ở nơi kinh kỳ này.
Đất nước Việt Nam cong cong
hình chữ S giống như một con rồng uốn lượn. Trên “đỉnh đầu” là vùng núi phía
Bắc với những dãy núi cao hiểm trở. Phần “mặt rồng” đất đai bằng phẳng với mạng
lưới sông ngòi chằng chịt, được gọi là đồng bằng Bắc Bộ. Chạy dọc theo “thân
rồng”, kéo dài từ phía Bắc tới cực nam Trung Bộ là những dãy núi trùng
điệp, sát cạnh đó là dải duyên hải miền Trung dài và hẹp. Cuối cùng là “bụng”
và “đuôi rồng”, chính là miền Nam Bộ, là đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn, đất
đai màu mỡ phì nhiêu, hoa trái hai mùa tươi tốt.
Và ở đây ta bắt gặp một sự tương đồng, sự tương đồng đến lạ kỳ
khi đặt tấm bản đồ Việt Nam bên cạnh “Nội kinh đồ” –
bức đồ hình cổ xưa và bí ẩn trong Đạo gia.
Hình phải: Bản đồ địa hình Việt Nam ; Hình
trái: “Nội kinh đồ”. Mô tả sơ lược về Nội kinh đồ hình: Trên đỉnh đầu là núi
non trùng điệp; Sau đó chạy dọc theo xương sống với các dãy núi đồi và rừng
cây; Cuối cùng xuống vùng bụng và đan điền, tương ứng với mảnh đất canh
tác màu mỡ, phì nhiêu.
Vì sao lại
có sự tương đồng kỳ lạ đến thế? “Nội kinh đồ” (內經圖) không phải là bản đồ quốc gia, cũng
không phải là mô tả địa lý của bất kỳ vùng đất nào. Thực chất, đây là bức
đồ hình về dưỡng sinh và tu luyện thân thể người, trong đó ẩn chứa các bí mật
về tu tiên, luyện đạo, cũng như các đường kinh mạch và huyệt vị. Người nào giải
mã được “Nội kinh đồ” sẽ có thể tu hành đắc đạo, đạt được trường sinh, do đó
đây còn được gọi là “duyên thọ tiên đồ”. Điểm đặc biệt của “Nội kinh đồ” là các
đường kinh mạch và huyệt vị, cũng như các nội tạng chủ chốt trong cơ thể được
thể hiện trên một bức tranh sơn thủy, có hồ có núi, có con người, có lâu đài
đền quách, có ruộng nương, v.v., giống hệt như tấm bản đồ địa lý hoàn chỉnh.
Tất nhiên, tác giả của “Nội
kinh đồ” không hề có ý mô tả Việt Nam trong bức đồ hình. Nhưng từ sự trùng hợp
lạ kỳ đó, thì xét từ góc độ phong thủy, ta sẽ thấy địa hình Việt Nam cũng giống
như một cơ thể hoàn chỉnh, được tạo hoá hữu ý sắp đặt một cách thần kỳ. Chẳng
thế mà cổ nhân vẫn thường nói: đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, văn hiến
ngàn đời.
Vậy thì, nếu đối chiếu theo “Nội kinh đồ”, kinh thành Thăng Long
đứng ở vị trí nào? Chính là Mắt Rồng – vị trí được minh họa giống như mặt trời
đỏ rực trên đồ hình. Trong nguyên tác tiếng Hán, vị trí này được mô tả là “昇法之源” (thăng pháp chi nguyên), tạm hiểu là
‘cái gốc để pháp thăng cao’.
Hồ Tây – Tinh hoa của Thăng Long
Tất cả những điều trên nói
với chúng ta rằng, Thăng Long là vùng đất linh thiêng, vùng đất thần thánh, là
điểm sáng tâm linh, cũng là tinh hoa của nước Việt.
Vậy còn Tây Hồ? Hồ Tây nằm giữa đất kinh kỳ, cũng có thể coi là
trung tâm của cố đô xưa. Khi xây thành Đại La (về sau là thành Thăng Long), Cao
Biền đã gọi Hồ Tây là “não thủy”, ý nói
rằng đây là nơi yếu huyệt của kinh thành. Trong sách ‘Tây Hồ chí’ cũng viết: “Thăng Long là thắng địa của phương Bắc, mà Tây Hồ là một thắng
cảnh của đất Thăng Long” –
điều ấy nói nên rằng, nếu như Thăng Long là tinh hoa
của đất Việt, thì Hồ Tây lại là nơi tinh hoa trong cái tinh hoa ấy.
Trải qua hàng ngàn năm, chứng
kiến bao thăng trầm của lịch sử, Hồ Tây vẫn mãi là một địa danh linh thiêng với
nhiều truyền thuyết thần kỳ. Tất cả những sự tích bên lề giống như chuỗi “vành
đai tâm linh” ôm lấy hồ Tây. Nếu ví Hồ Tây là nhụy hoa thì những Trấn Quốc,
Tĩnh Lâu, Thiên Niên, Tảo Sách, Kim Liên… lại tựa như cánh sen bao bọc lấy đài
nhụy thuần khiết… Ở mỗi nơi tôn kính ấy là kho tàng câu chuyện về cõi tâm linh,
là câu chuyện hư mà thật, thật mà hư bên màn sương mờ ảo Hồ Tây.
Hồng Liên