Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Dạ Ngân : Chòng chành mũi lái


Dạ Ngân
Tuổi thiếu nữ của mỗi người tựu trung giống nhau ở một điểm duy nhất: mơ màng. Nghe tóc chạm trên vai, nghe da mình thơm mịn, biết mắt mình hấp háy. Loáng thoáng chuyện các bà mẹ trẻ, hình như là chuyện chiếu giường, như hiểu như không. Nghe các mẹ cười phớ lớ, biết họ đang tếu táo, đang tràn trề, đang hạnh phúc.
Rồi lũ lượt những anh chàng nghẹn thở túm tụm, lướt qua hay lén ngoảnh nhìn. Cô nàng biết quyền lực của tuổi mười tám. Biết nhiều rồi đó nha, không tò mò dại dột như hai năm trước đâu nha. Mẹ bắt đầu căn dặn “Đôi lứa là khát vọng sâu xa nhất của mỗi người. Hơn sự nghiệp, hơn tiền tài, hơn danh vọng. Có hạnh phúc sẽ có tất cả”. Mẹ ca ngợi chim cánh cụt, chim câu, chim đại bàng. Mẹ không lấy bà nội hay bà ngoại làm tấm gương, mà chỉ lấy chim làm bài học.
Nhìn mẹ không nghĩ mẹ cũng có thời tóc tràn lưng, eo con kiến, bước lâng lâng, miệng chúm chím. Mẹ giờ miệng bằng tay, tay bằng miệng, chân không bén đất, ăn không yên chỗ ngồi, không giống chim mà giống gà, con gà mái tất bật, cứng cỏi và nhiều khi dáo dác. Câu chuyện của các mẹ giờ nhiều thầm thì, bí mật. Hình như bạn của mẹ nói, rằng khóc ở nhà sợ con biết, thằng ghi điện, đứa thu cáp biết, chạy vô sân bệnh viện khóc mới ngon lành, người quen có bắt gặp cũng dễ nói dối. Một người bạn khác hỏi vặn, còn yêu không, tao hỏi mày còn yêu chồng không, còn yêu thì còn cứu vãn được. Mẹ nói, yêu không nào đã đủ, làm đàn bà phải biết bỏ qua. Bỏ qua là sao, người bạn đó bắt tay lên hông như gây chiến. Mẹ làm một cử chỉ bề trên “Là vị tha đó bà nội!”
Lần đầu tiên với người em yêu, em khóc như đám ma. Em thấy tan tành, em thương mẹ, mẹ đã sinh ra em, đã giữ gìn cho em và giờ em đã không giữ nổi. Em không ngờ chuyện đau đớn và đơn giản như vậy. “Em sao vậy, em có làm sao không?” Cả hai lóng ngóng như mới ra chiến trường đã bị thương mà không biết băng bó cách nào. Chỉ nghĩ đến mẹ. Nhưng nỗi ám ảnh ấy không ở lại lâu, thay vào là rạo rực, khấp khởi, mong muốn. Nó cuốn em đi. Và thành thục.
Hôn nhân là một cái lồng mà em đã bước rất nhiều bậc trang nghiêm để được đứng vào đó. Lấp lánh, rạng rỡ. Mẹ thở phào nhưng không cười giòn, ánh mắt mẹ nhiều đăm chiên hơn ba. Khi tiễn em đi trăng mật, mẹ nói khẽ “Bây giờ mới bắt đầu nghe con”. Mẹ có biết em đã hiến dâng, nhưng mẹ cứ bảo khúc đạo đầu rất khác. Đã hòa làm một với cây đàn thì nó cũng có thể đứt dây khi mình đang thăng hoa. Và hai chữ vô thường cũng bắt đầu ở mẹ khi nói chuyện với con gái, như hai người phụ nữ, hai người bạn.
Chồng không giống ba, mẹ trấn an, làm sao giống ba được. Nhưng chồng con hay rửa chén giúp vợ, khác ba, mẹ khăng khăng “Rồi sẽ biết”. Lần lượt những đứa con, như anh con và con đã lần lượt bước ra từ bụng mẹ. Những đứa bạn thân giờ gặp nhau cũng cứ đề tài giường và chiếu. Nhưng rồi, những tràng cưới phớ lớ yếu dần, thay vào giữa mấy phụ nữ chớm trung niên là những câu thì thầm. “Toàn gêm với phây, cứ tưởng đưa tiền về thì…”, “Nghiện thứ đó, cái thứ phim đó, thế nào vợ cũng ra rìa!”, “Có tha không, có nên tha không, tha thứ ấy?”…Biết đâu đã có đứa vô bệnh viện ngồi ghế đá khóc cho đã, hoặc mày tao với chồng, hoặc đã ném tờ đơn xuống bàn giục ký. Em không dám nói với mẹ rằng em đang phập phồng một sự cố, như ba đứa bạn của em đang “lâm trận”, em thấy “vườn hồng ngày xưa đã úa tàn”.
Mẹ không chờ em bày tỏ. Mẹ nói mẹ liếc qua đã thấy, chun mũi đã ngửi ra và…Mẹ đến chỗ em một cách ý nhị, không ở hẳn, cũng không lơ là như trước. Mẹ khiến tự em biết làm cho bếp của mình thơm hơn, những món chàng rể thích mẹ thuộc lòng như anh ta là con trai của mẹ. Mẹ rủ em kê lại giường, sắm mới drap, mua cái này, đặt lại cái kia. Và phòng của hai đứa cháu ngoại cũng không như trước nữa. Lần đầu tiên em mở rộng vòng tay đàn bà của mình, đưa ông chủ gia đình của mình khám phá từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong nhà.
Tuổi bốn mươi, mẹ bảo chưa xong đâu, đàn ông còn năm mươi, sáu mươi. Eo ơi, sao đàn bà phải thuộc họ như bác sĩ tâm lý, như nhà sinh vật học vậy mẹ? Mẹ từ tốn, con đừng tưởng ba mẹ từng không sóng gió! Khi nào, mẹ đừng nói với con rằng mẹ đã từng nhờ ghế đá bệnh viện nghen? Khi nào? Ối mẹ ơi, em ôm lấy mẹ và hai mẹ con cùng trào nước mắt. Như hai người vừa bơi qua sông, sông quá rộng và cả hai đã cùng nhau bước lên bờ, nguyên vẹn.
Mẹ bình thản, đàn ông thói thường lớp chớp chòng chành, đàn bà vừa phải cầm lái vừa phải chuẩn bị sẵn cái túi vị tha. Để chi vậy mẹ, để nhét họ trở vào cái túi đó, ít nhất một lần trong đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét