Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

FB Ca Lê Quốc: TRƯƠNG GIA BÌNH VÀ FPT LÀ MỘT TẬP ĐÒAN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐÁNG PHỤC NHẤT VIỆT NAM.

 TRƯƠNG GIA BÌNH VÀ FPT LÀ MỘT TẬP ĐÒAN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN ĐÁNG PHỤC NHẤT VIỆT NAM.

Dàn 13 “khai quốc công thần” sáng lập tập đoàn FPT: Hầu hết là Tiến sĩ Toán – Lý, chung giá trị sống và đam mê khoa học

Dàn 13

Để gây dựng và phát triển tập đoàn FPT trở thành một “đại bàng” trong giới công nghệ Việt như ngày nay, cách chọn người đồng hành của Chủ tịch Trương Gia Bình và đội ngũ 13 thành viên sáng lập có nhiều điểm đặc biệt.

34 năm trước vào năm 1988, 13 nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã thành lập FPT với mong muốn xây dựng “một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.”

Chủ tịch HĐQT FPT, Trương Gia Bình

Đến nay, FPT đang là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, với hơn 30.600 nhân viên, doanh thu năm 2021 đạt 35.657 tỷ đồng. Nhân ngày kỷ niệm này, ông Đỗ Cao Bảo – thành viên HĐQT, cũng là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, đã chia sẻ về cách những nhà sáng lập lựa chọn người đồng hành.

Dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ nguyên văn bài viết.

Người ta đúc kết rằng với một công ty khởi nghiệp thì ba nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại và phát triển bền vững là ý tưởng kinh doanh, vốn (tiền) và con người (các sáng lập viên hay còn gọi là người đồng hành).

Vậy anh Trương Gia Bình và FPT đã chọn người đồng hành như thế nào?

Đầu tiên phải là tài năng. Tài năng được khẳng định qua học hành, qua thực tế làm việc. Đặc điểm chung về tài năng của nhóm sáng lập FPT và sáng lập FPT TP Hồ Chí Minh là:

– Học sinh chuyên toán (tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế)

– Tốt nghiệp đại học nổi tiếng ở nước ngoài ngành Toán học và Vật lý

– Đang là cán bộ nghiên cứu khoa học hoặc giáo viên đại học

– Trình độ chuyên môn cao qua thực tiễn làm việc

Dàn "khai quốc công thần" lập ra FPT: Hầu hết là Tiến sĩ Toán - Lý, chung giá trị sống và đam mê khoa học

Đội ngũ sáng lập FPT

Điểm thứ hai là phẩm chất. Nhóm sáng lập FPT được lựa chọn trên cơ sở quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, phẩm chất, tính nết và giá trị sống, giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân được khẳng định qua thời gian dài cùng học, cùng chơi, cùng làm việc.

Các thành viên sáng lập FPT có thể chia làm 2 nhóm sau:

A/ Nhóm MGU và Viện Cơ học:

Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscova (MGU) là trường đại học đứng đầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản của Liên Xô và Đông Âu. Nhóm này không những cùng tốt nghiệp Toán Cơ (MGU) mà còn cùng về làm việc trong nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất, Viện Cơ học Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Nhóm gồm các thành viên sau:

1) Trương Gia Bình (Tiến sĩ Toán Cơ MGU)

2) Phạm Hùng (Tiến sĩ Toán Cơ)

3) Lê Thế Hùng (Tiến sĩ Toán Cơ)

4) Nguyễn Trung Hà (Giải 3 Toán quốc tế 1978)

5) Nguyễn Thành Nam (Tiến sĩ Toán Cơ)

6) Đào Vinh: Chánh văn phòng Viện Cơ học, người chuyên lo các thủ tục hành chính cho nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất.

Thế hệ tiếp theo cùng học MGU có các Tiến sĩ Toán: Trần Văn Trản, Nguyễn Khắc Thành, Lê Trường Tùng.

B/ Nhóm bạn bè:

Nhóm này bao gồm bạn bè trực tiếp hoặc gián tiếp với anh Trương Gia Bình. Khi có ý định thành lập FPT, anh Trương Gia Bình đã tìm cách “rủ rê” tham gia, đó là:

1) Bùi Quang Ngọc: bạn học chuyên toán Chu Văn An với anh Trương Gia Bình, tốt nghiệp Toán, ĐH Tổng hợp Kisnhinov – KGU, bảo vệ Tiến sĩ về CSDL tại Grenoble (Pháp), phó chủ nhiệm khoa CNTT (ĐH Bách khoa Hà Nội).

2) Lê Vũ Kỳ: bạn học chuyên toán Chu Văn An với anh Trương Gia Bình, giáo viên Vật lý Học viện KTQS.

3) Lê Quang Tiến: đội tuyển Toán Quốc tế 1975, tốt nghiệp Vật lý tại KGU, giáo viên Vật lý Học viện KTQS, làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ do chị Võ Hồng Anh hướng dẫn (quen anh Trương Gia Bình qua chị Võ Hồng Anh. Chị Võ Hồng Anh là Giáo sư, tiến sĩ Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, con gái cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

4) Nguyễn Chí Công: tốt nghiệp ĐH Bách khoa Praha (Czech), chuyên gia máy tính Viện Tính toán và Điều khiển, quen Bùi Quang Ngọc thời làm Tiến sĩ bên Pháp.

5) Võ Mai: tốt nghiệp ĐH tại Hungary, đang làm việc tại Viện Vũ khí (BQP), quen anh Trương Gia Bình qua Võ Hồng Nam (bạn học bên Hungary).

6) Đỗ Cao Bảo: tốt nghiệp Toán Điều khiển, Học Viện KTQS, bạn Võ Mai, trợ lý Tự động hoá Cục Tác chiến (BQP).

7) Trần Đức Nhuận: thuộc Xí nghiệp lắp máy LILAMA, quen biết anh Trương Gia Bình và nhóm Viện Cơ học trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế trước đó.

Các thành viên gia nhập FPT năm 1989-1990 theo các bạn học có Phan Ngô Tống Hưng, Nguyễn Minh Hiền, Nguyễn Chính Nghĩa.

Dàn "khai quốc công thần" lập ra FPT: Hầu hết là Tiến sĩ Toán - Lý, chung giá trị sống và đam mê khoa học

Toà nhà trụ sở mới của Tập đoàn FPT

C/ Nhóm sáng lập FPT TP Hồ Chí Minh năm 1990 (sau đó 18 tháng), bao gồm:

1) Hoàng Minh Châu: tốt nghiệp Toán KGU, cùng với Bùi Quang Ngọc và Lê Quang Tiến, đang công tác tại Trung tâm Toán – Máy tính, Bộ Quốc phòng.

2) Trương Thanh Thanh: chị gái của anh Trương Gia Bình, học Vật lý phân tử tại Đại học Tổng hợp Bacu (Liên Xô), giảng viên ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

3) Ngô Vi Đồng: tốt nghiệp Toán ĐH TH Donetsk (Ucraina), cùng làm việc ở Trung Tâm Toán – Máy tính, BQP với Hoàng Minh Châu.

4) Nguyễn Minh Sơn: giảng viên ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cùng với chị Trương Thanh Thanh.

Cách lựa chọn tài năng và phẩm chất cán bộ như trên đã được anh Trương Gia Bình văn bản hoá trong qui chế nội bộ FPT 1988: “FPT đặc biệt đánh giá các thành viên của mình các phẩm chất sau: Trung thành tuyệt đối; Tận tuỵ, có trách nhiệm với công việc chung; Trình độ nghiệp vụ cao; Trung thực; Năng động, sáng tạo; Đoàn kết, tương trợ; Kỷ luật; Năng lực giao tiếp; Nếp sống lành mạnh”.

Qui chế tuyển dụng: “Một thành viên mới khi ra nhập FPT buộc phải có sự giới thiệu và xác nhận về phẩm chất và tài năng của ít nhất 2 thành viên cũ” được FPT duy trì ít nhất là 5 năm đầu tiên, đến năm 1994 mới chuyển sang chế độ tuyển dụng theo phương thức thi tuyển như ngày nay.

Dàn "khai quốc công thần" lập ra FPT: Hầu hết là Tiến sĩ Toán - Lý, chung giá trị sống và đam mê khoa học

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

BS. Trần Văn Phúc: ARGENTINA SẼ VÔ ĐỊCH?

 ARGENTINA SẼ VÔ ĐỊCH?

===================

Ngay sau lễ khai mạc Qatar World Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá Thế giới tổ chức tưởng niệm 2 năm ngày mất của huyền thoại bóng đá Diego Maradona. Chủ tịch FIFA Infantino và Chủ tịch CONMEBOL Dominguez đều gọi Maradona là ‘Người bất tử - Immortal’, trong khi người hâm mộ đến từ nhiều quốc gia đang ngồi ở phía dưới hét lên ‘Diego muôn năm – Viva Diego’. 

Viva Diego! 

Viva, viva, viva Diego!

Diego muôn năm! 

Muôn năm, muôn năm, muôn năm Diego!

2 năm trước Argentina để tang Maradona 3 ngày.

Câu chuyện bắt đầu từ “Cuộc chiến Falcinia”, giữa Argentina và Anh, vào năm 1982. Thời điểm đó kinh tế Argentina đang suy thoái dữ dội. Tướng quân đội Galtieri trở thành tổng thống. Suốt 20 năm Argentina tranh chấp với Anh quần đảo Falkland. Thủ tướng Anh Thatcher bắt đầu có ý định trả lại Falkland cho Argentina. Tuy nhiên, tướng Galtieri nóng lòng muốn lấy ngay quần đảo, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn. Ông lệnh cho quân đội quét sạch số lượng nhỏ binh lính Anh trên đảo. Cả nước Argentina vui mừng. Họ tin Galtieri sẽ giúp Argentina hoá rồng. Phía bên kia Bà đầm thép không chịu. Ngay lập tức thủ tướng Thatcher cử lực lượng Hải quân Anh đến nghênh chiến, tướng Galtieri chỉ cứng được vài giây đã mềm nhũn, ông đái ướt hết quần, quân đội của ông bị đánh bại dễ dàng ngay khi Hải quân Anh đổ bộ. Cuộc chiến trở thành nỗi xấu hổ quốc gia với người dân Argentina. Đồng tiền, quốc kì, quốc huy của quần đảo bị thay đổi. Galtieri bị cách chức, sau đó bị bắt, bị bỏ tù vì tội ác chiến tranh.

Những tháng ngày sau đó, Argentina ngày càng tồi tệ, kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, nợ nước ngoài cao, quân đội lạc hậu, chính trị trong nước rơi vào vòng xoáy bất tận, tham nhũng lan tràn, sinh kế người dân điêu đứng. Về sau Argentina còn trở thành trò cười quốc tế. Năm 2012 Argentina nợ Ghana một ít tiền nhưng không có gì để trả. Ghana cũng quá nghèo nên vắt óc nghĩ cách bắt nợ. Thủ đoạn đầu tiên Ghana chọn là ‘luộc đồ’. Vào tháng 10 năm 2012, tàu chiến Liberty của Argentina đổ được ít dầu, quyết định chạy một đoạn trên biển để tránh hỏng hóc máy. Ghana chờ đón lõng rồi chặn tàu chiến này lại, trình giấy nợ và phán quyết của toà, tuyên bố bắt tàu chiến Liberty để trừ nợ. Hơn 200 lính hải quân Argentina bỗng chết lặng trên tàu. Theo luật pháp quốc tế, tàu chiến là lãnh thổ di động của một quốc gia, cướp tàu chiến tương đương với tuyên chiến lãnh thổ. Nếu chuyện này xảy ra với Mỹ hay Nga thì sẽ hết hơi. Nhưng với Argentina thì đành chịu. Ghana mang sơn đến, sơn lại con tàu từ đầu tới đuôi, vẽ lên thân tàu lá quốc kì Ghana. Năm 2013, chuyên cơ “Tango One” chở tổng thống Argentina đến Mỹ, đang trên đường thì bị tịch thu xiết nợ, dẫn đến việc tổng thống Argentina phải mua vé bắt máy bay thương mại về nước.

Trong bối cảnh đất nước nghèo đói và hỗn loạn như thế, sẽ chẳng có thứ gì đủ sức mạnh đoàn kết người dân Argentina, ngoài duy nhất bóng đá, chỉ bóng đá mới giúp người dân Argentina quên đi nỗi nhục quốc thể, mới giúp họ đoàn kết nhau lại.

Và huyền thoại Maradona đã ra đời.

Ở World Cup 1986, trong nỗi buồn vô tận của “Cuộc chiến Falcinia”, tất cả các cầu thủ và người dân Argentina đều xoay quanh Maradona. Năm ấy, đội bóng Argentina giành cúp vô địch với tổng cộng 14 bàn thắng, trong đó Maradona trực tiếp ghi 5 bàn, kiến tạo trực tiếp 5 bàn, kiến tạo gián tiếp 3 bàn.

Trận đấu Argentina – Anh đã thành cuộc chiến.

Sân vận động Azteca có 87k chỗ ngồi, nhưng khán giả đến sân 110k, ban tổ chức phải mang bia lạnh đến tận nơi mời khán giả để mong giảm bớt những cái đầu rất nóng. Dưới sân, “Sư tử Anh” bỗng rụt rè như “con mèo què sợ nước”. Trong phòng thay đồ, Maradona có một bài phát biểu ngẫu hứng, ông hét lên với các đồng đội rằng: “Hãy chiến đấu vì chính mình, chiến đấu vì tổ quốc, chiến đấu vì quần đảo Falkland”. Sau bài phát biểu của Maradona, cả đội Argentina hừng hực khí thế, họ nắm chặt tay đấm vào không khí, quyết xung trận giành chiến thắng cuối cùng để mang lại vinh quang cho tổ quốc. 

Phút thứ 56 của trận đấu… 

Mặt trời đạt thiên đỉnh, trên sân có bóng mặt trời từ điểm giao bóng vừa chuyển dịch sang phía Argentina, thời điểm đó Maradona nhận bóng từ giữa sân. Như một tia sét đánh, Maradona quất 5 roi vào 5 cầu thủ Anh đang tạo thành móc nối, ông rê bóng qua rừng cầu thủ như đi trong chốn không người, rồi ông thọc vào đúng giữa trái tim của những người Anh đầy kiêu hãnh. Hậu vệ Hodge xuất hiện và nhảy lên phá bóng. Thủ môn Shilton cũng nhảy lên đấm bóng. Maradona “bằng một cách nào đó” đến nay vẫn không ai hiểu, ông dùng một ngón tay của mình gẩy quả bóng vào lưới, thế giới phải mất ít nhất 30 giây để biết rằng vừa có “Bàn tay của Chúa” can thiệp, nhưng cho đến tận bây giờ chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Kể từ phút 56 ấy Maradona đã trở thành vị thần!

Biểu tượng mặt trời trên quốc kì của Argentina, chính là vị thần Mặt trời Inca cổ đại, được coi là biểu trưng cho sức mạnh vĩ đại đấu tranh giành thắng lợi của nhân dân Argentina, tượng trưng cho chân lí, tôn nghiêm và phồn vinh, đồng thời cũng tượng trưng cho sự ra đời của quốc gia Argentina. Truyền thuyết kể rằng, khi Argentina được thành lập, trong thời khắc thiên đỉnh, thần Mặt trời Inca ló dạng qua các đám mây báo hiệu sự chiến thắng.

Trên sân Azteca một lần nữa thần Inca xuất hiện.

Ở đất nước Argentina, người dân coi thần Mặt trời Inca là số 1 rồi đến Maradona là số 2, tổng thống của họ chỉ xếp thứ 20 sau những người anh hùng còn lại. Khi một anh hùng ngay từ thời trẻ đã được coi là vật tổ của đất nước, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân, thậm chí toàn bộ tổ chức quyền lực của đất nước cũng coi người anh hùng đó là một vị thần, thì trong mắt người dân Argentina, 3 ngày quốc tang với Maradona sẽ là không đủ.

5 bàn thắng + 5 đường kiến tạo + cúp vàng.

Nếu chỉ nhìn vào đó, sẽ chẳng bao giờ chúng ta thấy hết được sức mạnh thống trị của Maradona, chẳng thể hiểu tại sao toàn thể nhân dân Argentina lại suy tôn Maradona là vị thần.

Maradona sinh ra trong một gia đình nghèo khổ tận cùng ở Argentina, món đồ chơi duy nhất của ông khi còn nhỏ là quả bóng da bố tặng, giống mọi đứa trẻ nghèo khác là không được “ăn học tử tế”, chỉ học phổ cập đến lớp 6 phải bỏ, nên việc sử dụng bóng đá là phương tiện duy nhất để thoát nghèo cũng là lẽ đương nhiên.

“Maradona sinh ra để dành cho bóng đá”.

Khác với giáo dục toàn diện đạt chất lượng, giáo dục phổ cập về bản chất là học để biết chữ, nên khi biết chữ rồi thì những đứa trẻ như Maradona sẽ bỏ học. Giả sử Maradona được giáo dục bài bản, thì đất nước Argentina sẽ có một Maradona là tài xế taxi, một Maradona thư kí, một Maradona kĩ sư, một Maradona bác sĩ, một Maradona là nhà kinh tế hay là gì gì đó; nhưng thế giới sẽ không có một Maradona huyền thoại bóng đá.

Ngay cả khi Maradona được “ăn học tử tế” và chơi bóng từng bước, trở thành cầu thủ nổi tiếng thế giới, thì chúng ta hôm nay cùng lắm cũng chỉ nhìn thấy sự nghiệp của Maradona hao hao giống Messi trong những năm tháng vừa qua mà thôi. Vì không được “học hành tử tế” nên mong ước của Maradona rất đơn giản: được vào đội tuyển quốc gia, được tham gia World Cup, được ôm vào ngực chiếc cúp vô địch thế giới. Maradona chưa bao giờ ước mình được thăng chức, thăng lương, sống một cuộc sống xa hoa với bầy thú cưng, được làm ông này ông kia trong xã hội đầy bất an.

Sự nghiệp của Maradona thực hiện đúng 3 điều ước.

Đây mới là bản chất của một vị thánh bóng đá, bởi nói như Chủ tịch FIFA Infantino, nếu Maradona muốn làm tổng thống, thì trong khoảng 1-2 phút toàn thể nhân dân Argentina sẽ bỏ phiếu xong.

Đối với tiền bạc, thậm chí là của cải vật chất sau khi thành danh, Maradona nghĩ đó là những thứ đương nhiên ông được hưởng, là phần thưởng xứng đáng sau những cố gắng cho màn trình diễn bóng đá đỉnh cao. Xuất thân nghèo khó chỉ người dở hơi mới không yêu tiền. Maradona tuyên bố có 600 phụ nữ. Nhưng ông quan niệm, tiền bạc, phụ nữ và hưởng thụ chỉ là những phụ kiện sau thành công và danh vọng, rất khác với bóng đá về bản chất. Ông không mang số tiền kiếm được đi làm từ thiện, cũng không phân phát cho thế giới khối tài sản của mình, bởi số tiền ấy là mồ hôi nước mắt của ông. Thứ mà ông trao cho loài người là màn trình diễn đỉnh cao trên sân. Sinh ra trong phận đói nghèo, Maradona hiểu hơn ai hết bóng đá là niềm hạnh phúc thuần khiết và vô hại nhất, cách ông mang lại hạnh phúc cho nhân loại chỉ có bóng đá. Đó là lí do ông không muốn lấy lòng người dân Argentina bằng những lời hứa hão huyền, như các chính trị gia thường làm, bởi ông hiểu nhu cầu của người dân trong một xã hội đầy rẫy bất công, thì chỉ có bóng đá mới làm cho người ta quên đi nghèo đói và nỗi đau.

Chiến tranh Falcinia chỉ là một sự kiện lịch sử.

Sự kiện ấy có tác động đặc biệt vào thời điểm đó, nó gây ra nỗi đau tột cùng cho người dân Argentina tại thời điểm đó, nhưng nỗi đau ấy rồi cũng sớm nguôi ngoai, chỉ có đòi nghèo và bất bình đẳng là luôn tồn tại. Vì thế mà ông không làm tổng thống để giải quyết nỗi đau nhất thời. Thay vào đó, Maradona làm vị thần bóng đá, thông qua bóng đá mang đến mọi kiếp nghèo khổ lối giải thoát về tinh thần. Ở đất nước Argentina, nếu coi Maradona là bất tử sẽ chưa đúng, người dân Napoli coi ông ngang với Chúa.

Một thiên tài như vậy sẽ không xuất hiện trong nhiều thập kỉ tới.

Thánh bóng đá Maradona, người không đến từ bàn tay nâng đỡ của các chính trị gia, không có sự hỗ trợ PR của truyền thông, cũng không phải do những fan cuồng sùng bái, mà do chính đôi chân của ông tạo nên.

❤️‍🔥

Messi là truyền nhân của Maradona?

Về kĩ thuật chơi bóng, Messi có thể nói là vô địch, không ai sánh kịp, ngay cả Maradona cũng thua Messi ở nhiều điểm. Tại kì WC lần này, mặc dù phạm vi hoạt động có giảm vì hạn chế bởi tuổi tác, nhưng Messi vẫn có cảm giác bóng vô song, kĩ năng rê bóng tuyệt hảo, tốc độ siêu phàm, khả năng điều chỉnh và động tác chân nhanh tới mức không cầu thủ nào bì kịp, tầm nhìn và đường chuyền quá tinh vi. Khi đi bóng tốc độ cao, Messi không bị quán tính gây ảnh hưởng nếu đột ngột dừng, đột ngột rẽ, đột ngột quay đầu. Điều này trái ngược với các quy luật sinh lí con người và vật lí tự nhiên. Hãy tưởng tượng, Messi đang chạy với tốc độ 34,5 km/h, phanh đột ngột, lại tăng tốc, rẽ phải, rẽ trái, làm động tác giả, tần suất lặp đi lặp lại và tốc độ đoạn ngắn tăng khủng khiếp giống như đang ở chỗ không người, khiến các cầu thủ phòng ngự của đối phương phải lắc lư vặn vẹo thân thể. Trong vật lí, chỉ khi tốc độ của một vật thể vượt qua tốc độ ánh sáng, thì chuyển động mới ở trạng thái không thể đoán nổi. Trong bóng đá, Messi không chịu ảnh hưởng của quán tính khi tốc độ tăng tối đa, thì những động tác của cầu thủ này cũng không thể đoán nổi. Trong 1 giây Messi có thể chạm bóng 3 lần. Cầu thủ phòng ngự đối phương trong 1 giây chỉ 1 lần chạm bóng. Như vậy, Messi luôn có nhiều hơn 2 lựa chọn, vì thế mà anh dễ dàng đánh lừa để vượt qua đối thủ. Có nghĩa là, với những đặc điểm siêu phi thường không tuân theo các nguyên tắc vật lí, nếu bị bủa vây thì Messi cũng vẫn chơi bóng một mình mà không liên quan đến ai.

Maradona cũng có những đặc điểm tương đồng Messi, như cảm giác bóng, khả năng tăng tốc đoạn ngắn, chuyền bóng… gần như giống nhau. Nhưng do nửa dưới cơ thể dày hơn, nên khả năng chạm bóng của Maradona ít hơn Messi, đồng thời cũng giống như loài ngựa với bộ guốc đơn không thể đột ngột quay đầu như Messi. Chính nhờ sự chắc khoẻ của phần dưới cơ thể, đặc biệt là đôi chân, tạo cho Maradona có khả năng giữ thăng bằng siêu phàm, đồng thời cũng giúp Maradona có những động tác chân phi thường khác tất cả những cầu thủ khác. Maradona đang cầm bóng thì không ai có thể cướp bóng. Cầu thủ phòng ngự đối phương sẵn sàng lao vào va chạm với lực tác động rất lớn, như tắc, xoạc, cắt kéo, nhưng Maradona vẫn giữ và kiểm soát được trái bóng, bằng cú vặn người, xoay người, những động tác chân, Maradona dễ dàng nhặt được quả bóng ra khỏi sự phong toả của đối phương.

So sánh giữa Maradona và Messi, với các dữ liệu chi tiết, thang điểm 10; không chỉ so sánh giữa hai cầu thủ mà thang điểm này coi như so sánh cả với cách huyền thoại bóng đá khác, ví dụ như Pele.

👉 Kĩ thuật: Maradona 10 – 10 Messi.

👉 Rê bóng: Maradona 10 – 10 Messi.

👉 Tốc độ: Maradona 8 – 10 Messi.

Tốc độ xuất phát tức thì của Messi thật kinh khủng, vượt qua vận động viên điền kinh Bolt đang nắm giữ kỉ lục thế giới, các hậu vệ giỏi đến đâu cũng trở nên vụng về trước Messi. Lãnh tụ Fidel Castro từng nhận xét: “Messi xuất hiện như một tia chớp, thấp bé nhưng quá nhanh, đi bóng từ điểm này đến điểm khác một cách tuyệt vời, sút bóng bằng chân và óc, tốc độ đáng kinh ngạc”.

👉 Sút bóng: Maradona 9 – 10 Messi.

Messi thiên về tiền đạo, Maradona thiên về tiền vệ, nên khả năng sút bóng của Messi nhỉnh hơn Maradona.

👉 Chuyền bóng: Maradona 10 – 9 Messi.

Khả năng chuyền bóng của Maradona là vô đối, đặc biệt là chuyền khi đang rê bóng, ngay cả những đội đỉnh cao kĩ thuật như Brazil cũng phải chịu những đường chuyền chí mạng của Maradona. Cũng do Maradona thiên về tiền vệ. Trong khi đó, ở câu lạc bộ Messi đá tiền đạo và luôn có những bậc thầy chuyền bóng phía sau anh.

👉 Linh hoạt: Maradona 10 – 10 Messi.

Do cơ thể thấp bé, nên cả Maradona và Messi đều linh hoạt như nhau, xếp hàng đầu trong bóng đát về sự nhanh nhẹn.

👉 Sáng tạo: Maradona 10 – 9 Messi.

Maradona có khả năng phá vỡ thế bế tắc, Messi cũng vậy nhưng anh vẫn phải dựa vào tài năng thuần tuý, phụ thuộc vào những giải pháp cụ thể hơn là tính sáng tạo đột biến.

👉 Sức mạnh: Maradona 9 – 7 Messi.

Vì thân dưới của Maradona to bẩm sinh, nên có sức mạnh rất tốt, chịu được tất cả những va đập tứ phía mà không hề hấn gì. Messi thiên về sức khoẻ, chủ yếu do luyện tập, từ đó tăng khối lượng cơ bắp.

👉 Quyết liệt: Maradona 10 – 6 Messi.

Maradona thiên về bản năng, khá hung hăng, ông từng dùng súng hơi bắn vào các phóng viên báo chí; trong khi Messi rất ngoan hiền.

👉 Bùng nổ: Maradona 9 – 10 Messi.

Nhờ có tốc độ nhanh, nên trong bóng đá hiện đại khả năng bùng nổ của Messi tốt hơn so với Maradona.

❤️‍🔥❤️‍🔥

Điều gì làm Messi chưa lên ngôi vua?

Trong hội hoạ không ai so sánh giữa Van Gogh và Picasso, âm nhạc không ai so sánh Beethoven, Bach, Mozart, Chopin và Haydn. Cũng như vậy, trong bóng đá không so sánh Maradona với Pele. Nhưng thế giới bóng đá, người ta lại không ngừng so sánh Messi với Maradona.

Messi là ông vua phá kỉ lục.

Trong sự nghiệp bóng đá, Messi điên cuồng quẹt thẻ để trích xuất thành tích ở mọi nẻo đường, anh liên tục phá đổ những kỉ lục. Liệt kê các thành tích và kỉ lục của Messi không biết đến khi nào mới hết. Messi chắc chắn đã trở thành cầu thủ thống trị tuyệt đối trên sân cỏ. Xét theo tiêu chuẩn dữ liệu, Messi thừa các điều kiện trở thành vua bóng đá.

Vậy nhưng Messi vẫn chưa lên ngôi vua.

Người ta cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất cản trở Messi lên ngôi vua, đó là tính cách. Messi thiếu đi sự kiêu ngạo của một vị vua. Maradona từng nhận xét Messi: “Cậu ấy thiếu cá tính một chút. Trên sân cỏ, khi cần thiết, cậu ấy phải mắng người này chửi người kia, phải kích thích tinh thần chiến đấu của đồng đội, phải quát tháo đồng đội, chẳng hạn như tại sao mày không chuyền bóng cho tao. Tôi vẫn chưa nhìn thấy tính cách ấy.”

Nói trắng ra Messi chưa có phong cách đế vương.

Nếu xét về tài năng chơi bóng và thành tích, công bằng mà nói, Messi đã vượt qua Maradona và Pele rất nhiều, Zidane và Ronaldo của Brazil không thể nào so sánh được. Nhưng cả bốn người này có một điều mà Messi không có, đó là phong cách đế vương. Hãy nhìn từ Pele cho đến Zidan và Ronaldo, họ không thiếu vương quyền, họ chỉ cần ho một câu là cả liên đoàn bóng đá phải sợ, chứ nói gì đến những cầu thủ trong đội tuyển.

Mặc dù chưa bao giờ định nghĩa vua bóng đá là phải vô địch WC, nhưng đây là kì thi mà ông vua phải vượt qua, thì mới mong nhận được vương miện. Đây không phải là quy định nhưng chắc chắn nhân loại đạt được sự đồng thuận. Dù đồng ý hay không, vô địch WC là bước tất yếu để trở thành vua. Theo nghĩa này, Messi đã trải qua 4 kì WC, tức là thi trượt tới 4 lần. WC là kì sát hạch quan trọng nhất. Bởi chứng tỏ được sức mạnh ở WC luôn là sự thách đố, qua đó phẩm chất tổng thể của đội bóng và cá nhân được phơi bày, từ kĩ năng bóng đá cho tới khí chất đế vương. Bóng đá là chiến trường, nơi chỉ có thắng hoặc bại, lòng khao khát chiến thắng, dù là khát vọng trở thành nhà vua hay huyền thoại, nó đòi hỏi phải có niềm tin vững chắc thì mới giành được thắng lợi cuối cùng.

❤️‍🔥❤️‍🔥❤️‍🔥

Messi ở Argentina không phải là Messi ở Barcelona.

Cho dù Messi có giành được trăm ngàn thành tích ở châu Âu và thế giới, cho dù Messi có chơi cho đội tuyển quốc gia Argentina gấp bội lần Maradona, thì vị thế của Messi ở đất mẹ vẫn chỉ là hạt bụi so với Maradona.

Tại sao vậy?

Câu trả lời là Messi thiếu những đặc điểm truyền thống của bóng đá Argentina, đó là sự điên rồ, nổi loạn, ngỗ ngược, lòng tự cao, ngẫu hứng. Bóng đá không thể tách rời văn hoá dân tộc. Người dân Argentina thậm chí còn coi Redondo, Batistuta, Riquelme, Tevez là thần tượng, mặc dù không ai trong số họ có trình độ World Cup, có lịch bóng đá xuất sắc, nhưng họ đều khắc sâu dấu ấn văn hóa của người Argentina trong bóng đá, họ sẵn sàng cống hiến tất cả cho những niềm tin và những điều mặc định về đất nước Argentina.

Nhưng với Messi vẫn như một người họ hàng xa sống ở châu Âu.

Năm 13 tuổi, Messi được một đại lí bóng đá môi giới đưa đến Tây Ban Nha, đây là bước ngoặt thay đổi số phận. Sống và học bóng đá 10 năm ở Barcelona, Messi đã xa rời bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt ở Argentina. Môi trường bóng đá châu Âu đã xoá bỏ hoàn toàn bản năng hoang dã đồng cỏ Pampas, thay vào đó, Messi trở nên dịu dàng và lịch sự. Mặc dù quê hương ở Argentina, nhưng Messi đã thấm nhuần phong cách quý ông nhu mì ở châu Âu, trở thành hoàng tử trog gia đình hoàng đế. Ví dụ về một điểm khác biệt, do đắm chìm trong thế giới bóng đá châu Âu từ khi còn nhỏ, với triết lí vứt bỏ lớp áp lộng lẫy hào hoa, thay vào đó là những kĩ thuật tối ưu về mặt hiệu quả dựa trên khoa học, bề mặt tiếp xúc với trái bóng chỉ giới hạn ở vòm bàn chân, vì thế mà Messi không sử dụng lòng bàn chân để chạm bóng. Ngược lại với Maradona. Trong môi trường khắc nghiệt đầy bản năng, Maradona chạm bóng rất đa dạng, rất hoang dã và đầy màu sắc Latin. Maradona có thể kéo bóng bằng lòng bàn chân, giẫm lên bóng, đá bóng bằng gót chân, chạm bước một bằng lưng, tâng bóng nhiều lần để vượt qua đối thủ rồi thực hiện đường chuyền nghịch, gẩy bóng bằng mông, thậm chí chơi bóng bằng ngón tay của Chúa. Maradona đạt tới đỉnh cao nghệ thuật của những động tác chơi bóng lạ mắt, ý thức về sự bất tuân, chơi bóng theo bản năng tự nhiên và ngẫu hứng, đó chính là điểm mạnh vô đối.

Maradona đắm chìm trong thế giới bóng đá Argentina, ở đó có những siêu thiên tài như Di Stefano, Kubilas, Cruyff, Zico. Cách chơi của họ là chiếm lấy quả bóng từ vòng tròn giữa sân, ban bật, tiến lên, chuyền, đập tường, lao vào vòng cấm địa, sút. Bằng những kĩ thuật hoa mĩ, nhưng bao giờ cũng lấy một ngôi sao làm trung tâm, tạo nên một trụ vừa phòng ngự vừa tấn công. Maradona lớn lên trong môi trường bóng đá như thế, ông liên tục rèn rũa kĩ năng đá bóng của mình, phấn đấu mạnh mẽ để dẫn dắt đội bóng đạt được mục đích cuối cùng.

Messi lớn lên trong môi trường bóng đá phương Tây, nơi có Sacchi và Guardiola theo đuổi triết lí duy trì đội hình chặt chẽ, không gian vận động bị nén chặt, tinh thần đồng đội và sức mạnh tập thể được đề cao. Triết lí này khác với Argentina, nơi sức nặng chiến thuật phụ thuộc vào hành vi liều lĩnh của ngôi sao. Với bóng đá phương Tây, siêu sao phía trên đồng đội dần được thay đổi thành trò chơi ghép hình của một hệ thống đã được lập trình hết sức chặt chẽ. Messi, người đã có quốc tịch Tây Ban Nha và đã từng phân vân việc khoác áo cho ĐTQG Tây Ban Nha, nay trở về quê hương, trong bối cảnh ấy anh không tránh khỏi lạc lõng. Đó là lí do Messi ở đội tuyển quốc gia Argentina khác hoàn toàn Messi ở Barcelona, sức mạnh của anh đã giảm đi một nửa khi được giao trọng trách dẫn dắt đội tuyển.

World Cup 2022 là cuộc chiến cuối cùng với Messi.

Đã có những dấu hiệu Messi thay đổi, trên sân bóng anh bắt đầu ngông cuồng, bởi anh hiểu hơn ai hết nếu chỉ ôm mộng đế vương thôi chưa đủ, mà cần phải có phong cách của một bậc quân vương thì mới hầu mong giành được vương miện.

Dự đoán Argentina sẽ vô địch World Cup 2022.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Nguyễn Tuấn: Thói nguỵ biện ở người Việt

 Thói nguỵ biện ở người Việt

Giáo sư Nguyễn Tuấn 

Tôi hay bị làm phiền bởi những người hỏi tôi “đã làm gì cho đất nước này” [1] khi tôi có ý phê bình các chánh sách của Nhà nước. Câu hỏi đó không chỉ không cần thiết mà còn biểu hiện thói nguỵ biện rất thô thiển.  

Nguỵ biện (người phương Tây gọi là ‘fallacy’), nói ngắn gọn, là lỗi lầm mang tính logic trong bàn luận. Nguỵ biện trong bàn luận (chưa nói đến ‘tranh luận’ vốn cần một trình độ nhứt định) bao gồm những 

•            những luận điểm bất hợp lí, 

•            những phát biểu nhằm đánh lạc hướng vấn đề, hay 

•            những phát biểu mang tính khẳng định nhưng chẳng có gì làm chứng cớ. 

Tất cả chúng ta đều ít nhứt 1 lần phạm phải những lỗi lầm này — có khi là vô ý. Người ta thốt ra những lời nói hay viết xuống những câu để đánh tráo vấn đề và gây nhiễu loạn trong bàn luận. Tôi quan sát thấy vài lỗi nguỵ biện phổ biến ở người Việt chúng ta. Những gì tôi quan sát không có gì mới cả, nhưng thiết nghĩ cần nhắc lại ở đây.

1. Công kích cá nhân (ad hominem) 

Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, thấp kém nhất, nguy hiểm nhất, nhưng có “công hiệu” nhất. Nguy hiểm vì nó tấn công vào cá nhân của người phát biểu hơn là quan điểm của người phát biểu. Từ đó, người ta chỉ tập trung vào cá nhân hơn là quan điểm của cá nhân đó. Có 5 hình thức phổ biến thuộc loại ngụy biện này: 

Loại thứ nhứt là tấn công vào uy tín cá nhân của người phát biểu, kiểu "Anh là dân làm kinh tế, biết gì về khoa học mà nói chuyện nghiên cứu khoa học". Tức là, người ngụy biện không bàn về lí lẽ của người phát biểu về khoa học mà tấn công vào cái 'background' của người đó. 

Loại thứ hai là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như "Bà hay đánh con, bà không có tư cách nói chuyện nhân nghĩa". 

Loại thứ ba là tấn công vào động cơ của người phát biểu. Mặc dù không biết động cơ của người phát biểu là gì, kẻ nguỵ biện vẫn đặt ra một cái cớ để làm lạc hướng luận điểm của người phát biểu. Ví dụ tiêu biểu là "Anh nói như vậy là vì anh muốn được chút ơn huệ của kẻ cầm quyền". 

Loại thứ tư là tấn công vào lòng yêu nước. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là: "Anh im đi! Nếu anh thấy nền giáo dục Việt Nam kém cỏi như vậy thì anh hãy đi Mĩ mà học." 

Loại thứ năm là dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh học của Tây có vài chữ mà đã quay lại chửi bới đồng nghiệp à? Anh là con công cháu cha, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ của chúng tôi.”

2. Lợi dụng thẩm quyền (ad verecundiam)

Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như "Cái bàn chải đánh răng này được giới nha sĩ ủng hộ, nên nó tốt lắm", hay "Báo chí loan tin hà rầm rằng gia đình đó loạn luân mà ông còn cãi à? Ai cãi là ngu si, hèn hạ”. Hèn hạ? 

Cái sai ở đây là thẩm quyền (báo chí, chuyên gia, Nhà nước, v.v.) không thuyết phục được ai; chỉ có sự thật, lí lẽ và logic mới quan trọng và có khả năng thuyết phục. Do đó, việc xem thẩm quyền là chân lí là một nguỵ biện, và loại nguỵ biện này rất phổ biến và nguy hiểm. Nguy hiểm là vì nó làm thui chột tư duy độc lập của người ta. Nguy hiểm là vì nó có thể đưa người vô tội vào tù. 

3. Lợi dụng nặc danh

Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một ví dụ tiêu biểu là "Các chuyên gia nói với tôi rằng chủ trương của chúng tôi là hợp lí." Ở đây, chúng ta không biết chuyên gia là ai (nặc danh), mà cho dù có biết thì đây cũng là nguỵ biện loại lợi dụng thẩm quyền.

Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Giới công an cảnh sát hay sử dụng ngụy biện này, ví dụ như “Có nhiều đơn của nhân dân tố giác rằng cái hộ gia đình này phạm pháp.” Chẳng ai biết 'nhân dân' là ai, nhưng nó bị đem ra làm cơ sở cho nguỵ biện.  

4. Luận điệu ngược ngạo

Loại nguỵ biện này hay xuất hiện dưới hình thức bằng chứng. Chẳng hạn như kẻ nguỵ biện phát biểu rằng "Gia đình đó có loạn luân", nhưng khi bị người ta bác bỏ phát biểu đó thì kẻ nguỵ biện quay sang hỏi: "Anh nói họ không loạn luân, vậy anh chứng minh đi". 

Đây là nguỵ biện khá phổ biến, mà theo đó kẻ nguỵ biện đùn đẩy trách nhiệm bằng chứng về phía người phát biểu trong khi chính người phát biểu cáo buộc phải trình bày bằng chứng. Loại nguỵ biện này khá thô thiển, nhưng ngạc nhiên thay nó thuyết phục khá nhiều người ngây thơ! 

5. Làm lạc hướng câu chuyện 

Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. 

Một trong những ví dụ tiêu biểu của nguỵ biện loại này là những câu qua lại về tu sĩ. Người phát biểu cảm thấy tu sĩ đóng phim là không phải, người nguỵ biện quay sang tấn công … Đức Giáo Hoàng: 

“Nếu bà cho rằng bà có cái quyền tấn công tăng ni tham gia đóng phim thì bà trước nhứt nên tấn công hai Đức Giáo Hoàng của bà trước thì đó mới là công bằng”.

 Một ví dụ khác: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình phạt không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao?” Tức là, người ngụy biện chuyển chủ đề về hiệu quả của án tử hình sang nạn nhân, hai vấn đề chẳng có liên quan gì với nhau. Đây là nguỵ biện cá trích. 

Tranh luận và phản biện? 

Ở Việt Nam, người ta thích dùng từ 'phản biện' và 'tranh luận', nhưng trong thực tế thì chẳng có tranh luận gì cả mà chỉ là cãi lộn. Trong cãi lộn thì không có phản biện. Muốn phản biện đàng hoàng thì cần phải có tranh luận nghiêm túc. 

Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc? Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, các võ sĩ phải tuân thủ luật chơi một cách nghiêm ngặt; tương tự, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc bàn luận có qui tắc, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi. 

Những qui tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo kiểu cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự nguỵ biện. 

Nhưng rất tiếc là nguỵ biện là một thủ thuật rất rất phổ biến ở người Việt. Nó (nguỵ biện) xuất hiện hàng ngày trong các cuộc đối thoại, trên hệ thống truyền thông. Những câu như “Nhân dân tin tưởng …”, “Cơ quan chức năng đã kết luận …”, “Phương pháp điều trị này đã được các giáo sư, tiến sĩ chấp nhận …”, vân vân. Nhiều người đọc/nghe những câu như thế nhưng không thấy đó là nguỵ biện, và thế là họ nghiễm nhiên sử dụng trong các đối thoại sau đó. 

Do đó, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của những cuộc tranh luận giữa người Việt rất thấp. Chỉ cần xem qua những cái-gọi-là “tranh luận” trên các diễn đàn báo chí chỉ là những cuộc đụng độ giũa các cá nhân tham gia tranh luận, những cuộc chửi bới, chẳng có lí luận của người tranh luận. 

Thật vậy, rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận giữa người Việt chỉ là những cuộc chửi lộn. Vì chửi lộn nên người ta nhắm vào mục tiêu là nhân thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ của người đó. 

Thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu (như ‘phản động’ chẳng hạn) và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ. Trong hầu như những tranh luận, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo cao đức trọng cả bằng cách gắn cho đối phương những danh từ và tính từ mang tính miệt thị, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc thay vì là một trao đổi khoa học. Chẳng có tranh luận hay phản biện gì trong những trường hợp như thế. 

****

Ngụy biện, nói cho cùng, là một sản phẩm của sự lười biếng suy nghĩ. Và hầu như trong chúng ta, ai cũng có ít nhất là một lần lười suy nghĩ. Do đó, nếu điểm qua những loại ngụy biện trên đây, chúng ta tự cảm nhận rằng trong quá khứ mình chắc cũng có lần phạm vào lỗi lầm của ngụy biện.  

Nhưng tại sao những ngụy biện vẫn còn có mặt trên báo chí? Theo tôi, bởi vì chúng vẫn có khách hàng. Vẫn có người, dù ít hay nhiều, tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận nhĩ, trơn tru, và nhất là không thách thức. Sờ một hòn đá trơn tru đem lại cho chúng ta một cảm giác khoan khoái dễ chịu hơn là sờ một hòn đá lởm chởm, hay ngồi trên một cái ghế ghồ ghề. Người ta thích sự trơn tru, bởi vì trơn tru là dấu hiệu của sự khoan khoái, dễ chịu, là cái khoảng thời gian giải lao, không cần sự thách thức.

Những phát biểu ngụy biện thốt ra từ những người mang danh tu sĩ và trí thức chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc và đánh lảng vấn đề, thay vì cung cấp cho họ một sự thật. Nhưng khi nguỵ biện làm cho người ta đi tù thì nguỵ biện trở thành một tội ác.

Cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên có lần nói rằng Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể với cô là "Văn hóa Tây thiên về khuyến khích, còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích”. Tôi thấy rất đúng, nhưng muốn thêm văn hoá nguỵ biện nữa. 

____

[1] Rất khó nói chuyện với mấy người như thế này vì họ chẳng biết những gì mình làm cho Việt Nam, nhưng chẳng lẽ mình phải ê a kể ra? Thành ra, cách tốt nhứt là bỏ qua loại ngụy biện này mà tập trung vào vấn đề đang bàn.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Người đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975 là một thiên tài lịch sử.

FB Le Van Quy

Người đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975 là một thiên tài lịch sử.

Đã từ lâu tôi rất muốn tổng hợp lại những điều thú vị đẹp đẽ và gây sửng sốt trong cách đặt tên đường của Sài Gòn trước năm 1975 (dù có nhiều trang đã từng viết). Bài này tôi viết mang trong mình 3 kỳ vọng. Thứ nhất là để các bạn, các em yêu lịch sử nhưng sợ lịch sử có thể bỗng chốc phát hiện ra những điều tinh tế tuyệt vời trên con đường mà các em, các bạn đang đi học, đi làm mỗi ngày. Thứ hai là một gợi ý để những nhà hoạch định giao thông có thể quy hoạch lại trên niềm cảm hứng tinh tế thú vị đó, để có thể tạo ra những bản đồ tên đường như thể ta đang bước đi trên một trang sách. Và cuối cùng là để thắp một nén nhang tri ân đến người đã đặt tên những con đường đó, cũng là một cái cúi mình ngưỡng mộ trước những tinh hoa, tinh tế của người trí thức miền Nam trước 1975 mà thời cuộc đã khiến mọi thứ không thể đi đến trọn vẹn. 

Dưới đây là 10 điều thú vị về cách đặt tên đường Sài Gòn trước năm 1975:

1.Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn. Đầu tiên là Bến Bạch Đằng, thứ đến là Bến Chương Dương, và cuối cùng là Bến Hàm Tử. Đó là gì? Vâng, là những trận thuỷ chiến trong lịch sử chống quân Nguyên Mông của quan quân nhà Trần vào thế kỷ 13. Riêng Bến Bạch Đằng lớn nhất thì có ở đó là bức tượng của vị quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo chỉ tay ra bờ sông.

Vậy bạn có nhớ ở bên kia bờ sông là bến gì không? Bến Vân Đồn - nơi Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, cũng là một trận thuỷ chiến thời đó.

2. Bạn hẳn đều ít nhiều nghe đến cái tên Nguyễn Thái Học, một trong số những người sáng lập Việt Nam Quốc dân đảng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Nhưng bạn có biết vợ của Nguyễn Thái Học không? Từ cầu Ông Lãnh đổ xuống, bạn sẽ đi trên đường Nguyễn Thái Học, và bạn sẽ gặp phu nhân của người. Đó là Cô Giang. Song song với đường Cô Giang là đường Cô Bắc. Nguyễn Thị Giang (tức Cô Giang) là vợ Nguyễn Thái Học, và Nguyễn Thị Bắc (tức Cô Bắc) là chị của Cô Giang. 

3. Điện Biên Phủ là một con đường huyết mạch tại Sài Gòn ai ai cũng biết. Nhưng không mấy ai biết tên con đường này trước 1975 là đường gì. Đó là đường Phan Thanh Giản - tên của vị đại thần nhà Nguyễn đã ký bản hiệp ước cắt 3 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Ông chịu án oan trăm năm mà chỉ được gột rửa trong chục năm trở lại đây. Sau năm 1975, tên đường Phan Thanh Giản đổi thành đường Điện Biên Phủ, đưa ông về quên lãng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, sự tinh tế của vị đặt tên đường ấy vẫn để lại những dấu hiệu. Đó là người con của ông: Phan Liêm, Phan Tôn vẫn ở đó. Hai con đường ngắn, nhỏ, đặt song song, như ở cạnh hầu hạ cho linh hồn của người cha oan khuất bi kịch của mình. 

Ngày ngày, khi đi từ cầu Sài Gòn xuống mà muốn về nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ rẽ vào Võ Thị Sáu, và quẹo vào một con đường nhỏ cắt qua Điện Biên Phủ. Con đường nhỏ ấy chính là đường Phan Liêm. Nhưng cha ông thì không còn đó nữa.

4. Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ và ra làm quan dưới triều Minh Mạng, vậy thì đương nhiên phải có đường Minh Mạng trước đó rồi đúng không. Vậy đường Minh Mạng ở đâu nhỉ? Đấy là đường Ngô Gia Tự hôm nay. Một con đường xứng đáng với tầm vóc của Minh Mạng: to, đẹp với 3 hàng cây rợp bóng mát, mang cái hùng tâm tráng chí của bậc đế vương tham vọng nhất nhì lịch sử Việt Nam. Và vị đại tướng của ông, người gánh trách nhiệm chinh chiến ở Campuchia là tướng Trương Minh Giảng, đó sẽ là một con đường nối dài từ quận này sang quận khác, như công tích vĩ đại kéo qua 2 nước, nhưng hẹp, hệt số phận bi kịch khi trở về. Con đường ấy hôm nay là đường Lê Văn Sỹ-Trần Quốc Thảo.

5. Tương tự con đường Trương Minh Giảng là con đường Gia Long. Đường Gia Long và đối thủ không đội trời chung của ông là Nguyễn Huệ có sự nghiệp thể hiện qua tên đường. Đường Gia Long tuy hẹp nhưng dài, đường Nguyễn Huệ tuy to, nhưng ngắn, như số phận của vị anh hùng dân tộc đánh đông dẹp bắc, công tích rực rỡ mà tuổi thọ ngắn ngủi. Đường Gia Long hôm nay là đường Lý Tự Trọng. Ở phía đầu đường Gia Long là nhóm những vị khai quốc công thần của ông, đó là đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), đấy là đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi Quận 1), Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng), quân sư Đặng Đức Siêu (đổi tên thành đường Nam Quốc Cang). 

6. Một số cái tinh tế khác như đường Lê Lai nhỏ nằm cạnh đường Lê Lợi lớn, đường Sư Vạn Hạnh âm thầm nối gót cho đường Lý Thái Tổ, giúp rập Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý. Khu vực người Hoa chợ Lớn thì rặt các con đường của những vị hiền triết của Trung Hoa như Trang Tử, Khổng Tử hay các vị người Hoa đã có công mở cõi như Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích…. Còn ở Quận 1 ta thấy Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Trương Công Định…các vị khởi nghĩa chống Pháp thì sát sạt nhau. Các vị nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương khéo làm sao cũng ở bên nhau. Cách đó một khúc lại là cụm Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa và Sương Nguyệt Anh. Trong khi những vị trạng nguyên như Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, Lê Văn Hưu, Mạc Đĩnh Chi là các con đường song song bàn cờ. Và hai danh nhân góp phần xây dựng nên chữ Quốc Ngữ là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes thì lại song song nhau bên cạnh.

7. Ở phía bến xe miền Tây lại thuộc về thuở lập quốc của thuỷ tổ dân tộc. Đầu tiên là Hồng Bàng đúng không? Kế đó là Kinh Dương Vương, Hùng Vương, rồi An Dương Vương. Xa xa là những Triệu Quang Phục, Bà Triệu. Đủ rồi chăng? Hehe. Chưa hết, còn một con đường nữa là đường Triệu Đà thưa các bạn. Đường Triệu Đà hôm nay chính là đường Ngô Quyền. Thực ra trước năm 1975, đường Ngô Quyền-Triệu Đà nằm trên một trục. Như cái sự chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc mà Tiền Ngô Vương đã đem lại cho dân tộc vậy.

Triệu Đà dẫu không còn, nhưng đi về thêm một chút nữa bạn sẽ lại gặp đường Lữ Gia, vị tể tướng người Thanh Hoá thời Triệu Đà. 

8. Không chỉ có lịch sử, mà còn có những cái hay khác. Đi qua Bộ Y Tế thì là đường Hồng Thập Tự (nay gọi là đường Nguyễn Thị Minh Khai), đường Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất thì được ở cạnh nhau như nói lên khát vọng nhân bản cao đẹp. Đặc biệt đường Công Lý thì quy tắc phải một chiều (vì có Công Lý nào tráo trở đâu). Đường Lục Tỉnh, đường Hậu Giang, đường Tháp Mười thì ở cạnh nhau. Rồi, quay về phía khu Bắc Hải là ta gặp một loạt cụm đường mang những địa danh của dân tộc đã đi vào huyền sử: Trường Sơn, Bạch Mã, Ba Vì, Đồng Nai, Cửu Long. 

9. Lòng dân cũng là một trang sử mộc mạc.

Tôi kể câu chuyện nhỏ, có một lần hai vợ chồng tôi đi ăn cháo lòng trên đường Võ Thị Sáu - Quận 3. Lúc ngồi xuống bàn, tôi thấy pass wifi là "hienvuong". 

Hiền Vương chính là tên con đường này trước 1975, là tên nhân gian gọi chúa Nguyễn Phúc Tần, ông là vị chúa thứ 4 của dòng chúa Nguyễn trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, là người có công mở rộng lãnh thổ về phía Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần còn là người đã tiếp nhận những đoàn thuyền của Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên từ nhà Minh đi xuống, để họ tiến hành khai khẩn và tạo nên Cù Lao Phố, Mỹ Tho. Không có ông tạo nền tảng, sẽ không có Sài Gòn Chợ Lớn TPHCM sầm uất như ngày hôm nay.

Chúa Nguyễn Phúc Tần còn là một nhân vật hùng bá ở trên biển. Ông có tham vọng đánh ra Bắc phía chúa Trịnh, và từng đuổi quân Anh, quân Hà Lan...khi họ dám bắt người và xâm phạm bờ cõi Đàng Trong.

Sau năm 1975, đường Hiền Vương trở thành đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên như đã nói ở trên, lòng dân là một trang sử mộc mạc. Dẫu bị đổi thay thế nào, dẫu sử sách có quên lãng và  các vấn đề chính trị đã xô đẩy họ rời khỏi trang sách, thì nơi đây, lòng dân vẫn biết cách để nhớ về, dù chỉ bằng một cái pass wifi ngắn ngủi.

10. Người tạo nên kiệt tác lịch sử với các câu chuyện tôi kể trên kia là … một công chức. Ông là Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh Saigon. Bộ phận được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất, sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm nắm quyền. Tên ông là Ngô Văn Phát, Nhà văn – bút hiệu Thuần Phong, sinh ngày 16 tháng 10 năm 1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Để xây dựng nên công trình lịch sử thập phần tinh tế này, ông cần 3 tháng.

3 tháng cho một đời !

Fb Le Van Quy



Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Nguyễn Thùy Dương:  PHẢN BIỆN CÙNG BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ

 PHẢN BIỆN CÙNG BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ

<Nguyễn Thùy Dương>

Trên tinh thần đóng góp xây dựng đối với thay đổi sắp tới của Luật Đất Đai có thể diễn ra vào năm 2023, tôi xin đóng góp một số ý kiến đối với phát biểu ngày 08/12/2002, về vấn đề thu hồi đất.

1. Nhà Nước đi làm kinh tế thì cũng phải công bằng như một Doanh nghiệp bình thường đi làm kinh tế, không thể vì Nhà nước là Nhà nước có quyền lực trong tay rồi đi làm kinh tế kiểu quyền lực tuyệt đối. Vấn đề này trong nhiều năm qua đã tạo lỗ hỏng cho tham nhũng, cho thất thoát ngân sách, đặc biệt cho quyền lợi trực tiếp của người dân bị thu hồi đất. Cho nên khi Nhà nước thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất qua hình thức đấu giá Quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án nhà ở thương mại hoặc các dịch vụ có yếu tố kinh tế sinh lợi cũng phải thỏa thuận đền bù như một doanh nghiệp bình thường. Yếu tố Nhà nước được quyền thu hồi đất để làm kinh tế vô hình chung khiến cho Nhà nước được quyền định giá luôn Quyền sử dụng đất của dân. Nhà nước cứ thỏa thuận mua lại Quyền sử dụng đất của dân xong rồi đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách, đừng dùng quyền trong trường hợp này.

2. Về ý kiến cho rằng Doanh nghiệp đền bù, thỏa thuận đất ở khi quy hoạch nhà ở Thương mại, dịch vụ còn Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và các loại đất khác. Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề tập trung quyền lực và lợi ích vào Nhà nước là quá lớn trong ý kiến này. Khi quy hoạch Thủ Thiêm, UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi đất của dân để bán lại cho doanh nghiệp với mức giá rất thấp. Dân thiệt hại, ngân sách thất thu, chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi, còn cán bộ tự nhiên giàu lên trông thấy. Thủ Thiêm nằm trong trường hợp Nhà nước được quyền thu hồi đất vì thỏa hai yếu tố: Dự án do Chính phủ phê duyệt và Khu Đô Thị Mới. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc khi Nhà nước toàn quyền thu hồi đất sẽ phát sinh những hệ lụy lâu dài do giá trị lợi ích lớn, dễ dẫn đến các nhân sự bị lung lay do tiền bạc. 

Cho nên, ở một Quốc gia Nông nghiệp như Việt Nam, đất Nông nghiệp chiếm 84,47%, đất ở chiếm 2,28% thì việc giao Quyền thu hồi đất Nông nghiệp vào tay Nhà nước tiềm ẩn nguy cơ tạo cơ hội rất lớn cho các nhân sự, nhóm lợi ích tham nhũng gây hại cho dân về lâu dài sẽ là nguy hại cho trật tự xã hội, trị an, uy tín của Nhà nước, nhìn sâu và nói thật hơn là thể chế. 

Một Quốc gia Nông nghiệp khi thu hồi đất Nông nghiệp để làm dịch vụ, thương mại, kinh tế sinh lời thì có tính tới tái cơ cấu nông nghiệp, có tính tới đời sống của dân sau khi cầm ít tiền đền bù sẽ ra sao? Nói cho dễ hiểu là sau khi tước đi sinh kế của dân, đưa họ một ít tiền rồi bắt họ tự sinh tồn sẽ gây ra phân hóa lớn trong xã hội. Mà thực tế, điều đó đã xảy ra hơn 20 năm nay.

Tôi cho rằng, dự án đô thị, dự án nhà ở xã hội hay dù là dự án công cộng, nhà ở xã hội với bất kỳ loại đất nào thì đều phải thương lượng với dân. Vì không ai có trách nhiệm phải hi sinh cho ai. Không thể bắt một nhóm người hi sinh lợi ích để phát triển một cộng đồng còn lại. Vì cuối cùng, cộng đồng kia có quay lại nuôi nhóm người mất đất này không? Công bằng là yếu tố cần thiết nên hướng tới. 

3. Thiết nghĩ với ý kiến của tôi ở mục số 2 sẽ làm nảy lên bất đồng khi thu hồi đất Quốc phòng, đất giáo dục, đất y tế, vì nếu chờ thỏa thuận sẽ gây chậm trễ phát triển chung. Sẵn đây, tôi cũng nêu rõ ý kiến về cách thỏa thuận để dễ đi đến đồng thuận trong thu hồi đất ở mục này.

Chúng ta luôn nghe cán bộ ra rả “sau giải tỏa, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ”, tuy nhiên, có cái cân nào để tính giá trị bằng hoặc hơn chưa, hay khi cần thì làm vài cái clip phát lên tivi, lên báo rằng sau quy hoạch dân vui như mở hội? Và thực tế có bao nhiêu dân vui như mở hội? Lại phải nhắc câu “rất rõ ràng” nói rất hay nhưng không hề có cơ chế nào để tính toán thiệt hại và lợi ích của dân.

Cách tốt nhất để đạt được lợi ích cho dân, tránh xảy ra những bất đồng ý kiến, tránh oan sai, giảm thiểu tham nhũng và không gây mất uy tín của Nhà nước hoặc doanh nghiệp; đó là làm tốt chính sách tái định cư và hoán đổi đất theo tỷ lệ đối với các loại đất không phải đất ở do người dân sử dụng. Và nhiều doanh nghiệp đã làm điều này hơn 20 năm trước, tại sao Nhà nước không làm?

Khi anh muốn quy hoạch khu vực A, thì ngay khu A1 gần đó, anh phải tạo được một khu tái định cư đầy đủ hạ tầng với các điều kiện tương tự hoặc tốt hơn khu A cho người dân tái định cư. Với đất nông nghiệp thì đền bù theo tỷ lệ hoán đổi với đất thổ cư. 20 năm đổ về trước, tại khu vực khu biệt thự An Phú, tỷ lệ hoán đổi là 7%. Tức là 1000 m2 đất nông nghiệp đổi được 1 nền 70m2 trong khu biệt thự An Phú(tại dự án thu hồi đất của họ), miễn phí toàn bộ thuế phí, ra sổ đàng hoàng. Khu vực phường Cát Lái, Quận 2 hơn 20 năm trước tỷ lệ hoán đổi là 12-20% diện tích đất ở/ đất nông nghiệp. Tức là 1000m2 đất nông nghiệp được hoán đổi lấy 120-200m2 đất thổ cư hạ tầng đầy đủ, bao ra sổ, tại dự án đã thu hồi đất của họ.

Tương tự như vậy, nếu nhận tiền thì cũng nhận trên tỷ lệ của đất ở. 1000m2 đất nông nghiệp sẽ được nhận số tiền tương đương đền bù cho 100-200m2 đất thổ cư. 

Tôi đảm bảo, với cách làm này hơn 90% người dân tán thành. Nó sẽ đảm bảo quyền lợi của dân trong thu hồi đất. Nó chỉ khiến cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hơn và khiến cán bộ bớt giàu hơn mà thôi.

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

10 Hiệu ứng tâm lý rất hữu dụng cho bạn trong cuộc sống

 10 Hiệu ứng tâm lý rất hữu dụng cho bạn trong cuộc sống

Tạ Lê Phương dịch từ Abo

Tâm lý con người rất phức tạp, nó vừa có tính riêng biệt vừa có tính chung, đằng sau mỗi một hành vi đều ẩn chứa bí mật tâm lý kỳ diệu. Có đến 10 hiện tượng tâm lý hành vi hữu dụng nhất sẽ giúp bạn hiểu thêm về hành vi của người khác và của cả bản thân mình

1. LỜI TIÊN TRI TỰ ĐÚNG

Robert Rosenthal – nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ đã từng làm một cuộc thí nghiệm thế này: Ông chia một nhóm chuột bạch thành hai nhóm A và B, nói với người nuôi dưỡng nhóm A rằng những chú chuột này rất thông minh, đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B rằng trí lực lực những chú chuột này chỉ bình thường thôi. Mấy tháng sau, ông cho hai nhóm chuột này làm một trắc nghiệm kiểu vượt qua mê cung và phát hiện nhóm A thật sự thông minh hơn nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung tìm được thức ăn đầu tiên. Ông nghĩ: Hiệu ứng này có thể xảy ra ở con người không? Thế là ông lại đến một trường trung học bình thường, ông vào một lớp học bất kỳ và khoanh tròn vài cái tên học sinh trong bảng danh sách, sau đó ông nói với giáo viên của những học sinh đó rằng: Những em này trí tuệ rất cao, rất thông minh. Qua một thời gian, ông trở lại trường và kỳ tích đã xảy ra: những học sinh mà ông chọn thật sự đã trở thành những người xuất sắc của lớp.

Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó chính là tác dụng đầy ma lực của một kiểu “ám thị” thần kỳ. Trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ chịu sự ám thị tâm lý thế này hay thế kia, những ám thị này có cái tích cực, cũng có cái tiêu cực. Nếu một người chịu sự ám thị nào lâu dài thì kết quả họ sẽ trở thành đúng như loại ám thị đó.

2. HIỆU ỨNG QUÁ GIỚI HẠN

Tác gia nổi tiếng của Mỹ – Mark Twain có một lần nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu, ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, rất cảm động và ông đang dự định sẽ quyên góp tiền. Nhưng qua 10 phút, mục sư vẫn chưa giảng xong, ông bắt đầu có chút mất kiên nhẫn nên quyết định sẽ quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua thêm 10 phút nữa mục sư vẫn tiếp tục giảng, thế là ông nghĩ không quyên góp nữa. Hiện tượng tâm lý này được gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng.

Hiệu ứng siêu hạn thường xảy ra trong việc giáo dục gia đình. Ví dụ như khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã bất an chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét. Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa”. Có thể thấy, sự khiển trách và đánh giá của bố mẹ dành cho con cái không được vượt quá giới hạn, đối với trẻ chỉ nên “phạm lỗi một lần, chỉ phạt một lần”. Cho dù muốn nhắc nhở lại thì cũng không nên lặp lại đơn thuần mà phải thay đổi góc độ, cách nói. Như thế thì trẻ mới không cảm thấy lỗi của mình cứ bị “giữ mãi không buông” mà sinh ra tâm lý chán ghét, phản nghịch.

3. HIỆU ỨNG WESTERNERS

Nhà tâm lý học Westerners đã từng giảng một ngụ ngôn thế này: Có một đám trẻ con chơi đùa huyên náo suốt ngày trước cửa nhà một ông lão. Mấy ngày qua đi, ông lão không thể chịu đựng nữa. Ông bèn cho mỗi đứa trẻ 10 đồng và nói: “Các cháu đã khiến ở đây thật náo nhiệt, làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại rất nhiều, tiền này ông thưởng cho các cháu”. Bọn trẻ rất vui, hôm sau lại đến, nhưng lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 5 đồng. Bọn trẻ vẫn thích thú đến chơi ngày hôm sau, lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 2 đồng. Vậy là bọn trẻ tức giận bảo “Cả ngày mới được cả 2 đồng, ông có biết bọn cháu chơi đùa cũng mệt lắm không!”. Sau đó thì bọn trẻ không đến nhà ông lão chơi nữa.

Trong câu chuyện này, cách của ông lão rất đơn giản, ông đã biến động cơ bên trong “chơi vì niềm vui của chính mình” từ bọn trẻ trở thành động cơ bên ngoài “chơi vì để được tiền”, và khi ông lão thao túng nhân tố bên ngoài này thì cũng đã thao túng được hành vi của bọn trẻ.

Hiệu ứng Westerners cũng thấy rõ trong cuộc sống. Ví dụ, bố mẹ thường nói với con cái: “Nếu lần này con thi được 10 điểm thì bố mẹ sẽ thưởng 100 ngàn”, “Nếu con thi đứng trong top 5 thì bố mẹ sẽ thưởng con một món đồ chơi mới” v.v. Người lớn chúng ta có lẽ không ngờ rằng cơ chế thưởng này không thỏa đáng, nó sẽ khiến hứng thú học tập của trẻ dần dần giảm đi.

4. HIỆU ỨNG GIÓ NAM

Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn của tác gia người Pháp – Jean de La Fontaine:

Gió Bắc và Gió Nam thi uy lực với nhau xem ai thổi rơi áo khoác của người đi đường. Đầu tiên là Gió Bắc thổ những luồng gió thật lạnh, lạnh đến thấu xương, kết quả là người đi đường càng quấn áo chặt hơn. Gió Nam bắt đầu từ tốn lay động, gió thật dịu và ánh mặt trời thật đẹp khiến người đi đường cảm thấy như mùa xuân tràn ngập, vậy là họ cởi áo khoác ra để thưởng thức bầu không khí dễ chịu ấy. Cuối cùng Gió Nam chiến thắng.

Gió Nam trong câu chuyện sở dĩ đạt được mục đích là vì nó đã thuận theo nhu cầu nội tại của con người. Phản ứng tâm lý sinh ra do được kích thích cảm giác cá nhân và nhu cầu muốn thỏa mãn mình chính là “hiệu ứng Gió Nam”.

5. HIỆU ỨNG THÙNG GỖ

Tại sao có tên gọi này? Một chiếc thùng được ghép từ nhiều mảnh gỗ, và nếu như những mảnh gỗ này dài ngắn khác nhau thì bạn sẽ thấy rõ ràng: lượng nước chứa được trong thùng không phụ thuộc vào những mảnh gỗ dài, mà nó chỉ có thể đầy lên đến chiều cao của chỗ mảnh gỗ ngắn nhất mà thôi.

Thành tích học tập chung của một đứa trẻ giống như một chiếc thùng gỗ lớn vậy, thành tích mỗi một môn học trong đó đều là một miếng gỗ không thể thiếu để ghép thành chiếc thùng. Sự ổn định trong thành tích tốt của trẻ không thể dựa vào sự xuất sắc (mảnh gỗ dài) ở vài môn học nào đó, mà nên chú trọng ở tình trạng chỉnh thể của nó, đặc biệt là ở một số mắc xích yếu (mảnh gỗ ngắn).

Ý nghĩa của hiệu ứng này? Một người không thể xem nhẹ khiếm khuyết của mình và của cả người khác. Bạn muốn một ai đó hoàn thiện hơn thì không thể chỉ dựa vào sở trường, tài năng của họ mà quên đi sở đoản hay tật xấu, cho dù nhìn vào tưởng chừng như chúng không hề ảnh hưởng gì. Bởi vì một mảnh gỗ ngắn đi thôi cũng đủ làm nước trong cả thùng chảy ra ngoài.

6. HIỆU ỨNG HAWTHORNE

Tại công xưởng Hawthorne nằm ở ngoại ô bang Chicago (Mỹ), công nhân thường xuyên nóng giận bất bình cho nên tình hình sản xuất không lý tưởng cho lắm. Sau đó, chuyên gia tâm lý đặc biệt đến đây làm một cuộc thí nghiệm: Trong khoảng thời gian 2 năm, vị chuyên gia này có cuộc trò chuyện riêng với hơn 20.000 công nhân và quy định trong quá trình trò chuyện, vị chuyên gia sẽ nhẫn nại lắng nghe mọi ý kiến và bất mãn của họ đối với công xưởng. Cuộc thí nghiệm đã đem lại kết quả không ngờ: sản lượng của công xưởng đã tăng vượt bậc. Rõ ràng, con người có rất nhiều thắc mắc hoặc bất mãn nhưng không phải lúc nào cũng có thể biểu đạt ra được. Sau khi họ “được nói” thì sẽ có một sự thỏa mãn khi đã phát tiết ra, họ cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

7. HIỆU ỨNG TĂNG GIẢM

Hiệu ứng này trong giao tiếp giữa người với người chính là chỉ: Bất cứ ai cũng đều hy vọng sự yêu thích, ưu tiên của đối phương dành cho mình “không ngừng tăng lên” chứ không phải “không ngừng giảm đi”. Lấy ví dụ, rất nhiều người bán hàng nắm được tâm lý này của khách hàng, trong khi cân món hàng họ luôn lấy một phần nhỏ để lên cân rồi từ từ “thêm vào thêm vào” cho đủ số lượng khách hàng cần, chứ họ không lấy một phần lớn ngay rồi sau đó lại “bớt ra bớt ra”, mặc dù cả hai cách đều vì đạt đến số lượng khách hàng cần nhưng hành động “thêm vào” sẽ khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn rất nhiều.

Khi chúng ta phê bình đánh giá trẻ nhỏ thường khó tránh “khen trước, chê sau”. Kỳ thực cách này không lý tưởng lắm, tốt hơn hết là hãy chỉ ra cho chúng thấy những lỗi chúng mắc phải rồi sau đó mới khích lệ chúng bằng những “thành quả” mà chúng đã đạt được, như thế trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu nhận xét của bạn và có thiện chí sửa chữa hơn.

8. HIỆU ỨNG BƯƠM BƯỚM

Theo nghiên cứu cho thấy, những khí lưu yếu và nhỏ của một con bươm bướm tình cờ vỗ cánh ở Nam bán cầu kết hợp với vô số các nhân tố khác thì sau vài tuần đã biến thành một trận vòi rồng ở bang Texas (Mỹ)! Sau đó các nhà khoa học đã gọi đây là “hiệu ứng bươm bướm” và đưa ra lý luận như sau: Một nhân tố khởi nguồn cực nhỏ nếu trải qua một thời gian nhất định và tác dụng với các nhân tố tham dự khác thì hoàn toàn có thể phát triển thành sức ảnh hưởng cực kỳ lớn và phức tạp.

Hiệu ứng này nói với chúng ta rằng: Đừng bao giờ xem thường những thứ nhỏ bé. Một câu nói, một chuyện, một hành vi nhỏ nếu như đúng đắn sẽ ảnh hưởng tích cực rất lớn, còn nếu sai lệch, võ đoán thì ảnh hưởng tiêu cực cũng lớn như vậy.

9. HIỆU ỨNG ĐÓNG KÍ HIỆU

Trong thế chiến 2, Mỹ do binh lính không đủ nên đã lập một đội các tù nhân trong ngục đưa ra tiền tuyến chiến đấu. Mỹ đặc phát vài chuyên gia tâm lý đến huyến luyện, động viên các tù nhân này và theo họ cùng ra tiền tuyến

Trong thời gian huấn luyện, các nhà tâm lý thuyết giáo rất nhiều với tù nhân và bắt mỗi người họ mỗi tuần phải viết một lá thư cho người thân nhất của mình. Nội dung trong thư do nhà tâm lý thống nhất chỉ định, thuật rằng: biểu hiện của tù nhân trong ngục tốt như thế nào, tự cải tạo mình như thế nào v.v. Nhà tâm lý yêu cầu họ viết thật tỉ mỉ rồi gửi đi. Sau 3 tháng, các tù nhân ra tiền tuyến, nhà tâm lý lại yêu cầu họ trong thư viết rằng họ đã phục tùng chỉ huy như thế nào, chiến đấu dũng cảm ra sao v.v. Kết quả là, biểu hiện của đội binh tù nhân này không hề thua kém binh lính thực thụ. Họ trở nên giống y như những gì trong thư họ viết. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng đóng kí hiệu”, còn có tên gọi khác là “hiệu ứng ám thị”.

10. HIỆU ỨNG NGƯỠNG VÀO

Trong cuộc sống hằng ngày có một hiện tượng thế này: Khi bạn nhờ người khác giúp đỡ, nếu vừa mới bắt đầu đã đưa ra yêu cầu quá cao thì rất dễ bị cự tuyệt, ngược lại nếu đầu tiên bạn đưa ra yêu cầu nhỏ thôi, sau khi người khác đồng ý hãy tăng thêm yêu cầu thì sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học gọi là “hiệu ứng ngưỡng vào”. Hiệu ứng này cũng vận dụng khá hữu hiệu trong giáo dục con cái trong gia đình. Hãy yêu cầu thấp thôi, khi trẻ đã làm đúng rồi, hãy cho chúng sự khẳng định và biểu dương, khích lệ, thế thì những yêu cầu tăng dần sau đó sẽ khiến trẻ vui vẻ thực hiện hơn.

Tạ Lê Phương dịch từ Abo

--------------------

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

BÀI PHÁT BIỂU BẤT HỦ CỦA CHÍNH TRỊ GIA ILYA YASHIN GỬI ĐẾN TT PUTIN

 NƯỚC NGA SẼ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC!

BÀI PHÁT BIỂU BẤT HỦ CỦA CHÍNH TRỊ GIA ILYA YASHIN GỬI ĐẾN TT PUTIN

Chính trị gia, Phó quận trưởng quận Krasnoselsky(Matxcova) Ilya Yashin (sinh năm 1982) vì phản đối chiến tranh, livestream về vụ sát hại dân thường tại Bucha (Ukraine) đã bị chính quyền bắt giam ngày 27/6/2022 dưới tội danh đưa tin giả về quân đội Nga. Hôm qua (5/12/2022) Tòa án quận Meschansky (Matxcova) đã xét xử với mức án đề nghị 9 năm tù giam. Bản án sẽ tuyên vào ngày 07/12/2022. 

Phiên toà xét xử Ilya Yashin là điển hình của “án bỏ túi” dưới bàn tay độc tài. Cuối phiên toà, Ilya Yashin đã có bài phát biểu bất hủ gửi đến TT Putin: 

“Ngài đang tiến hành cuộc chiến tranh không chỉ với người Ukraine mà còn với đồng bào mình”.

"Hãy tin tôi, nước Nga sẽ tự do và hạnh phúc".

Kính thưa quý thính giả!

Phải thừa nhận rằng, cụm từ "lời cuối cùng của bị cáo" nghe rất buồn thảm. Như thể sau khi phát biểu trước tòa, tôi sẽ bị khâu mồm lại và sẽ bị cấm nói vĩnh viễn. Mọi người đều hiểu: nội dung của nó là như vậy. Tôi bị cách ly khỏi xã hội và bị giam trong tù vì người ta muốn tôi im lặng. Bởi vì tự bao giờ nghị viện của chúng ta không còn là nơi để tranh luận, còn hiện nay cả nước Nga phải im lặng đồng ý với bất kỳ hành động nào của chính quyền.

Nhưng tôi xin hứa: chừng nào còn sống, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Nhiệm vụ của tôi là nói sự thật. Tôi đã nói nó trên các quảng trường thành phố, trên các đài truyền hình, trên các diễn đàn đại biểu. Tôi sẽ không từ bỏ sự thật ngay cả sau song sắt. Bởi, như một triết gia đã nói, "sự dối trá là tôn giáo của kẻ nô lệ, và chỉ có sự thật là thượng đế của con người tự do".

Trước hết, tôi muốn nói với tòa. Thưa quý tòa, tôi đánh giá cao việc tổ chức phiên toà này. Các ngài đã tổ chức một phiên toà công khai, mở cửa cho báo chí và khán giả, không ngăn cản tôi tự do phát biểu và luật sư của tôi làm việc. Và dường như các ngài không làm điều gì đặc biệt: các phiên tòa ở bất kỳ quốc gia bình thường nào đều phải diễn ra như vậy. Nhưng trong lĩnh vực tư pháp Nga bị bóp nghẹt, phiên tòa này xem ra có vẻ sống động. Và hãy tin tôi: tôi đánh giá cao điều đó.

Tôi xin nói thẳng với bà, thưa bà thẩm phán Oksana Ivanovna: bản thân bà đã gây ấn tượng đặc biệt. Tôi nhận thấy bà tỏ ra chú ý lắng nghe kiểm sát viên và người bào chữa, phản ứng trước lời nói của tôi... Đối với chính quyền, bà chỉ là một đinh ốc nhỏ trong guồng máy, phải ngoan ngoãn thực hiện chức năng của mình. Nhưng tôi nhìn thấy một con người sống động trước mặt tôi, người sẽ cởi áo quan tòa vào buổi chiều và đi mua sắm ở chính cửa hàng, nơi mẹ tôi mua pho mát. Và tôi không nghi ngờ rằng bà cũng bị giày vò bởi những vấn đề tương tự như tôi. Tôi tin tưởng rằng cũng như tôi, bà bị sốc bởi cuộc chiến tranh này, và xin bà hãy cầu nguyện để cơn ác mộng này sớm kết thúc.

Thưa bà Oksana Ivanovna, có một nguyên tắc mà tôi tuân thủ nhiều năm nay: hãy làm việc cần làm, bất chấp tất cả. Khi chiến sự xảy ra, tôi không một giây nghi ngờ điều mình cần làm. Tôi phải ở lại nước Nga, tôi phải nói to lên sự thật, và tôi phải ra sức ngăn chặn đổ máu. Thể xác tôi đau đớn khi nhận thấy bao nhiêu người đã chết trong cuộc chiến tranh này, bao nhiêu kẻ bị tàn tật và bao nhiêu gia đình mất nhà cửa. Điều này quả là không thể dung tha. Và xin thề rằng tôi không hối tiếc bất cứ điều gì. Thà sống 10 năm trong tù còn hơn làm một người trung thực âm thầm đau khổ vì máu mà chính phủ của mình làm đổ.

Tất nhiên, thưa bà, tôi không mong đợi phép màu ở đây. Bà biết rằng tôi vô tội - và tôi biết chế độ này gây áp lực cho bà như thế nào. Hiển nhiên là bà phải tuyên án. Nhưng tôi không có ác cảm với bà và không muốn điều xấu cho bà. Tuy nhiên, hãy cố gắng làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn sự bất công. Hãy nhớ rằng không chỉ số phận của cá nhân tôi phụ thuộc vào quyết định của bà – đây là bản án dành cho một bộ phận của xã hội chúng ta muốn sống hòa bình và văn minh. Cái bộ phận xã hội mà, có lẽ, chính bà cũng thuộc về, thưa Oksana Ivanovna.

Tranh thủ diễn đàn này, tôi cũng muốn nói đôi lời với tổng thống Nga Vladimir Putin - người chịu trách nhiệm về vụ thảm sát này, người đã ký luật “kiểm duyệt quân sự” và vì ông ta mà tôi phải ngồi tù.

Thưa Vladimir Vladimirovich!

Nhìn vào hậu quả của cuộc chiến tàn khốc này, chắc ngài đã hiểu, ngày 24/2 ngài đã phạm một sai lầm khủng khiếp như thế nào. Quân đội của chúng ta không được chào đón bằng hoa. Chúng ta bị gọi là những kẻ trừng phạt và xâm lược. Tên ngài hiện đồng nghĩa với những từ “chết chóc” và “tàn phá”.

Ngài đã gây ra tai họa khủng khiếp cho nhân dân Ukraina, những người có lẽ sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng ta. Nhưng suy cho cùng, ngài đang tiến hành cuộc chiến tranh không chỉ với người Ukraina, mà còn với đồng bào mình.

Ngài đẩy hàng vạn người Nga vào lò lửa chiến tranh, nhiều người trong số họ sẽ không bao giờ trở về nhà, đã biến thành tro bụi. Nhiều người bị tàn tật và hóa điên vì những gì họ đã chứng kiến và trải nghiệm. Đối với ngài, đây chỉ là thống kê thiệt hại, là những con số trong những cột số. Nhưng đối với nhiều gia đình, đó là nỗi đau mất chồng, mất cha và mất con không thể nguôi ngoai. 

Ngài đang tước mất ngôi nhà của những người Nga.

Hàng vạn đồng bào của chúng ta đã rời bỏ Tổ quốc, vì họ không muốn giết người và bị giết. Mọi người đang chạy trốn ngài, thưa ngài tổng thống. Lẽ nào ngài không nhận thấy?

Ngài làm suy yếu nền tảng an ninh kinh tế của chúng ta. Bằng cách chuyển ngành công nghiệp sang chính sách thời chiến, ngài đang quay ngược đất nước chúng ta. Xe tăng và súng đạn lại được ưu tiên, và thực tại của chúng ta lại là nghèo đói và mạt pháp. Phải chăng ngài quên rằng một chính sách như vậy đã đưa đất nước chúng ta đến sụp đổ?

Cho dù lời nói của tôi giống như tiếng vọng trên sa mạc, nhưng tôi kêu gọi ngài, thưa Vladimir Vladimirovich, chấm dứt ngay sự điên rồ này. Cần phải thừa nhận chính sách đối với Ukraina là sai lầm, rút quân khỏi lãnh thổ Ukraina và tiến tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Cuối cùng, tôi muốn gửi đôi lời tới những người đã theo dõi phiên tòa này, đã ủng hộ tôi suốt những tháng qua và đang nóng lòng chờ đợi phán quyết.

Thưa các bạn! Bất kể phán quyết nào của tòa án, bất kể bản án khắc nghiệt đến đâu, các bạn cũng không được nản lòng. Tôi hiểu các bạn lúc này khó khăn thế nào, dằn vặt thế nào trước cảm giác bất lực và vô vọng. Nhưng các bạn không được bỏ cuộc.

Xin đừng tuyệt vọng và đừng quên rằng đây là đất nước của chúng ta. Đất nước này xứng đáng để chúng ta đấu tranh vì nó. Hãy can đảm, đừng lùi bước trước cái ác và hãy chiến đấu. Hãy đứng lên vì đường phố của mình, thành phố của mình. Và quan trọng nhất, đứng lên vì nhau. Chúng ta thuộc về số đông, chúng ta là một sức mạnh to lớn.

Các bạn đừng lo lắng cho tôi. Xin hứa rằng tôi sẽ đứng vững trước mọi thử thách, tôi sẽ không phàn nàn và tôi sẽ đi qua con đường này một cách xứng đáng. Còn các bạn, hãy hứa rằng các bạn sẽ giữ vừng tinh thần lạc quan và không bao giờ quên mỉm cười. Bởi vì kẻ thù sẽ chiến thắng đúng vào lúc chúng ta đánh mất khả năng tận hưởng cuộc sống.

Hãy tin tôi, nước Nga sẽ tự do và hạnh phúc.

Trần Hậu dịch

Copy từ FB Thuỳ Linh dẫn nguồn từ FB Trần Hậu. 

Nguyên bản tiếng Nga:

Уважаемые слушатели!

Согласитесь, фраза «последнее слово подсудимого» звучит очень мрачно. Как будто  после выступления в суде мне зашьют рот и навсегда запретят говорить. Все понимают: смысл именно в этом. Меня изолируют от общества и держат в тюрьме потому, что хотят, чтобы я молчал.  Потому что когда-то наш парламент перестал быть местом для дискуссий, а теперь вся Россия должна безмолвно соглашаться с любыми действиями власти.

Но обещаю: пока я жив, я никогда с этим не смирюсь. Моя миссия — говорить правду. Я говорил ее на городских площадях, телевизионных студиях, на депутатских трибунах. Я не откажусь от правды и за решеткой.  Ведь, цитируя классика «ложь — религия рабов, и только правда — бог свободного человека».

В начале своей речи я хотел бы обратится к суду. Ваша честь, я признателен за то, как было организовано это судебное разбирательство. Вы провели гласный процесс, открыли его для прессы и слушателей, не мешали мне свободно высказываться, а моим адвокатам - работать. И вроде бы вы не сделали ничего особенного: так и должны проходить суды в любой нормальной стране. Но на выжженном поле российского правосудия этот процесс выглядит как что-то живое. И поверьте: я это ценю.

Скажу вам откровенно, Оксана Ивановна: вы и сами произвели необычное впечатление. Я обратил внимание, с каким интересом вы слушаете обвинителя и защитников, как реагируете на мои слова, как сомневаетесь и рефлексируете. Для власти вы просто винтик системы, который должен безропотно выполнить свою функцию. Но я вижу перед собой живого человека, который вечером снимет мантию и пойдёт за покупками в тот же магазин, где моя мама покупает творог. И я не сомневаюсь, что тревожат нас с вами одни и те же проблемы. Уверен, что вы, так же как и я, потрясены этой войной и молитесь, чтобы кошмар поскорее закончился.

Знаете, Оксана Ивановна, у меня есть принцип, которому я следую многие годы: делай, что должен, и будь, что будет. Когда начались боевые действия, я ни секунды не сомневался в том, что должен делать. Я должен быть в России, я должен громко говорить правду и я должен всеми силами останавливать кровопролитие. Мне физически больно от осознания того, сколько людей погибло на этой войне, сколько судеб покалечено и сколько семей лишилось своих домов. С этим просто нельзя мириться. И клянусь — я ни о чем не жалею. Лучше провести 10 лет за решеткой, оставаясь честным человеком, чем молча сгорать от стыда за кровь, которую проливает твое правительство.

Конечно, ваша честь, я не жду здесь чуда. Вы знаете, что я не виновен — а я знаю, как на вас давит эта система. И очевидно, что вам придётся вынести обвинительный приговор. Но я не держу на вас зла и не желаю вам ничего плохого. Однако постарайтесь сделать все от вас зависящее, чтобы не допустить несправедливости. Помните, что от вашего решения зависит не только моя личная судьба — это приговор той части нашего общества, которая хочет жить мирно и цивилизованно. Той части общества, к которой, возможно, относитесь и вы сами, Оксана Ивановна.

Воспользовавшись этой трибуной, я хотел бы также обратиться к президенту России Владимиру Путину. К человеку, который несёт ответственность за эту бойню, который подписал закон о «военной цензуре» и по воле которого я сижу в тюрьме.

Владимир Владимирович!

Глядя на последствия этой чудовищной войны, вы, наверное, сами уже понимаете, какую тяжелую ошибку совершили 24 февраля. Нашу армию не встречают цветами. Нас называют карателями и оккупантами. С вашим именем теперь прочно ассоциируются слова «смерть» и «разрушения».

Вы принесли страшную беду украинскому народу, который, наверное, никогда нас не простит. Но ведь вы ведете войну не только с украинцами, но и со своими соотечественниками.

Вы отправляете в пекло боев сотни тысяч россиян, многие из которых никогда уже не вернутся домой, превратившись в прах. Многие останутся калеками и сойдут с ума от увиденного и пережитого. Для вас это просто статистика потерь, цифры в столбиках. А для множества семей — это невыносимая боль утраты мужей, отцов и сыновей.

Вы лишаете россиян своего дома.

Сотни тысяч наших сограждан покинули Родину, потому что не хотят убивать и быть убитыми. Люди бегут от вас, господин президент. Неужели вы этого не замечаете?

Вы подрываете основу нашей экономической безопасности. Переводя промышленность на военные рельсы, вы поворачиваете нашу страну вспять. В приоритете снова танки и пушки, а наши реалии снова — нищета и бесправие. Разве вы забыли, что такая политика уже приводила нашу страну к развалу?

Пусть мои слова прозвучат гласом вопиющего в пустыне, но я призываю вас, Владимир Владимирович, немедленно остановить это безумие. Необходимо признать политику в отношении Украины ошибочной, вывести войска с ее территории и перейти к дипломатическому урегулированию конфликта.

Помните, что каждый новый день войны — это новые жертвы. Хватит.

Наконец, я хочу обратиться к людям,  которые следили за этим судебным процессом, поддерживали меня все эти месяцы и с тревогой ждут приговора.

Друзья! Какое бы решение ни вынес суд, каким бы суровым не оказался приговор — это не должно вас надломить. Я понимаю, как вам сейчас тяжело, как мучает ощущение бессилия и безнадежности. Но вы не должны опускать руки.  

Пожалуйста, не впадайте в отчаяние и не забывайте, что это наша с вами страна. Она достойна того, чтобы за нее бороться. Будьте смелыми, не отступайте перед злом и сопротивляйтесь. Стойте за свою улицу, за свои города. А самое главное — стойте друг за друга. Нас гораздо больше, чем кажется, и мы  с вами — огромная сила.

Ну а за меня не переживайте. Обещаю, что выдержу все испытания, не буду жаловаться и пройду этот путь достойно. А вы, пожалуйста, обещайте, что сохраните оптимизм и не разучитесь улыбаться. Потому что они победят ровно в тот момент, когда мы утратим способность радоваться жизни.

Верьте мне, Россия будет свободной и счастливой.

(https://meduza.io/feature/2022/12/05/vy-vedete-voynu-ne-tolko-s-ukraintsami-no-i-so-svoimi-sootechestvennikami)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2022

RFA: Người Việt đỏ đen ở Campuchia

 Người Việt đỏ đen ở Campuchia

Sang Campuchia đánh bài để kiếm tiền làm giàu! Đây không còn là chuyện hên xui may rủi hay là trò thử vận đỏ đen nữa mà là một cuộc lao đầu như con thiêu thân của các con bạc Việt Nam sang Campuchia với ảo tưởng sẽ mang tiền về nhà làm giàu, đổi đời.

Nhưng càng lao đầu vào cuộc chơi, con bạc càng sớm chạm mặt với nguy hiểm, thậm chí cái chết có thể đến bất kì giờ nào. Đặc biệt, những con bạc Việt Nam thường có gia cảnh rất đặc biệt, kết cục của họ là bán đất để trả tiền chuộc mạng sống.

Đội ngũ tiếp thị sòng bạc của “nước lạ”

Ông Bảng, người từng nhiều lần trắng tay vì đánh bạc ở các casino trên đất Campuchia, chua chát chia sẻ:

“Một số lớn máu me trong xóm bao nguyên chiếc xe đi đánh bên Cam. Vào đánh nó có camera nó quan sát. Những tay quản lý camera nó quan sát rất kĩ, nó nhìn con bạc thấy có khả năng thì nó cho ăn trước, thường thì lần thứ nhất nó cho ăn khá, ví dụ như mình bỏ theo 1.000 USD thì nó cho ăn chừng 500 USD, lần sau thì cho ăn chừng 100, lần thứ ba thì nó lột sạch. Mình tức lại sang đánh tiếp thì nó lột tiếp…”

Theo ông, không phải vô duyên vô cớ mà những người dân chân lấm tay bùn, làm ăn chân chất một sớm một chiều lại trở thành con bạc lao đầu như con thiêu thân như vậy. Và cũng không đơn giản nếu như nghĩ rằng chủ sòng bạc ở Campuchia là người Camphuchia mà thực ra họ là những ông chủ người Trung Quốc, đa phần là vậy.

 Những ông chủ Trung Quốc có chân rết, có đội ngũ tiếp thị người Việt đắc lực, nhiệm vụ của họ là đi thăm dò mọi ngõ ngách ở thôn quê để tìm những con mồi. Thường thì con mồi của họ phải đạt được một trong ba tiêu chuẩn: Vợ của quan chức; Nông dân có nhiều đất đang trong tầm ngắm qui hoạch và; Con của các trọc phú, đại gia. Trong ba nhóm đối tượng này, nhóm vợ của các quan chức được chiếu cố hàng đầu, sau đó đến nông dân có nhiều đất sắp qui hoạch và cuối cùng mới đến con của các trọc phú, đại gia.

Giải thích vì sao nhóm con nhà trọc phú và đại gia lại là đối tượng chiếu cố cuối cùng của những tay môi giới tiếp thị sòng bạc, ông Bảng cho rằng trong các giới xài tiền, chỉ có vợ quan chức là có thể vung tiền qua cửa sổ tốt nhất nhưng lại cam chịu kín miệng cho dù có bị trét nước bẩn vào mặt họ vẫn phải kín miệng bởi nhiều lý do khác nhau.

Trong đó, có hai lý do chính khiến cho nhóm vợ của quan chức luôn cắn răng chịu thiệt là họ giấu chồng đi chơi và không muốn mọi chuyện bì xì ra làm ảnh hưởng đến chức vụ của chồng. Chính vì vậy, những con bạc này một khi lâm nợ, sẽ bằng mọi giá trả nợ sớm nhất. Đây là nhóm con mồi được chiếu cố hàng đầu của dân môi giới, tiếp thị sòng bài.

Một casino trên đất Campuchia, khu vực gần biên giới VN. RFA PHOTO.

Nhóm thứ hai là những nông dân có đất qui hoạch, thường thì nhóm này ngờ ngệch, thật thà nhưng vì ham vui bởi mới nắm trong tay một số tiền không nhỏ, dân môi giới sòng bạc sẽ tìm cách chèo kéo các nông dân đi du lịch, và đương nhiên ở những canh bạc đầu, họ được thả để thắng một số tiền không nhỏ mang về nhà tiêu xài. Một khi có thêm được khoản tiền trên trời rơi xuống như vậy, họ tha hồ tiêu xài, ăn nhậu, đến khi hết khoản tiền ăn bạc này, họ lại nghĩ đến chuyện đi kiếm thêm vì thấy quá dễ.

Và ở lần sang thứ hai, đương nhiên họ sẽ mang nhiều tiền để đặt cược lớn trong mỗi ván để nhanh có lãi. Đây cũng là thời điểm các ông chủ Trung Quốc thấu cáy, nghĩa là bắt đầu giở chiêu lấy sạch số tiền trong túi họ, sau đó cho họ một ít tiền về xe với vẻ đầy nghĩa hiệp. Những con bạc nông dân bén mùi, nổi máu đỏ đen sẽ không chịu thua số tiền kia mà tiếp tục mang tiền nhà sang đánh, đánh cho đến khi nào hết tiền thì vay của sòng bài mà đánh tiếp. Bi kịch cũng bắt đầu từ chỗ vay mượn tiền sòng bạc.

Riêng nhóm con nhà trọc phú, đại gia thường được các tay môi giới nghiên cứu rất kĩ về thế lực gia đình vì sợ đụng chạm đến xã hội đen Việt Nam hoặc đụng chạm đến giới xã hội đỏ có máu mặt. Đụng vào xã hội đen và xã hội đỏ Việt Nam sẽ rất khó mà làm ăn suông sẻ, chính vì vậy mà dân môi giới phải nghiên cứu rất kĩ các con mồi trong nhóm cô chiêu, cậu ấm tại Việt Nam.

Cái giá của canh bạc đổi bằng tính mạng

Bà Chiêu, sống ở Long Xuyên, An Giang, vừa trải qua một cơn khủng hoảng khi phải bán toàn bộ đất ruộng để chuộc mạng cho người con trai cả từ một sòng bạc ở Camuchia, vẫn chưa hết kinh hoàng, chia sẻ:

“Mà đều thua hết, hễ thấy thắng thì đánh tới, đánh tới. Tới lúc thua thì nổi máu lên vay nó, nó viết giấy cho vay và dẫn mình về tận nhà để lấy đất. Tụi nó có thế lực lắm, toàn sòng bạc của mấy ông tai to mặt lớn không à! Nếu không có thế lực thì làm sao dám cược đất ở Việt Nam mà lấy được. Nếu không có thế lực thì mở ra vài giờ đã có người tới dẹp sạch rồi…”

Theo bà Chiêu, bất kì con bạc nào một khi đã bén mùi sòng bạc sẽ rất khó khăn để rút chân ra khỏi ma trận nghiện ngập này và cái giá cuối cùng họ phải trả sẽ là tính mạng bị đe doạ, tán gia bại sản. Tình trạng bi đát của gia đình bà là một điển hình. Con trai của bà bị một nhóm người rủ rê đi đánh bạc ở Campuchia sau khi nhận được một phần tiền đền bù giải toả đất đai. Chơi không được hai tuần thì số tiền vài trăm triệu đồng mất trắng, anh này tiếp tục vay tiền của sòng bạc và đánh tiếp cho đến lúc không còn gì để thanh toán, anh bị đầu gấu sòng bạc bắt nhốt ở một vùng quê hẻo lánh trên đất chùa tháp.

Sau đó nhóm đầu gấu này liên lạc với vợ con anh ta, tức là con dâu và cháu nội của bà Chiêu, lúc này con dâu và cháu nội của bà không còn đồng nào, phải sang cầu viện bà. Vì không muốn mất đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra, bà đành chấp nhận lấy hết số tiền dành dụm sau đền bù đất để chuộc con trai về. Kết cục, anh con trai của bà bị no đòn bởi đầu gấu nhưng rất may vẫn còn sống sót để trở về. Chỉ có điều bà không còn đồng nào để mua đất tái định cư. Một tương lai vô gia cư và nghèo đói đang chờ bà phía trước.

Và theo một cán bộ sở lao động thương binh và xã hội của An Giang cho biết thì hiện nay, số vợ cán bộ, nông dân vừa đổi dời và cô chiêu cậu ấm nhà quan chức, nhà trọc phú ở Long Xuyên nói riêng và An Giang nói chung máu me đánh bạc đã tìm sang các casino ở xứ chùa tháp để hơn thua đỏ đen ngày càng nhiều. Phần đông trong số này bị tổn thương rất nặng từ vật chất cho đến tinh thần. Nhà cầm quyền tỉnh An Giang vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Tình trạng lao đầu như thiêu thân của các con bạc vẫn đang tiếp tục nóng lên, chưa có dấu hiệu giảm áp.

Nhóm phóng viên tường trình từ VN

Theo RFA

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2022

Nguyễn Đình Đăng: SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ - CÁI CHẾT SIÊU VIỆT CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN VĨNH

 SỰ RA ĐỜI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ -

CÁI CHẾT SIÊU VIỆT CỦA ÔNG NGUYỄN VĂN VĨNH 

Nguyễn Đình Đăng 

Chữ Hán từng được dùng ở Việt Nam trong vòng một ngàn năm mãi đến tận đầu thế kỷ thứ 20.

Alexandre de Rhodes (sinh năm 1591 tại Avignon, Pháp; mất năm 1660 tại Ispahan, Ba Tư) đã sang Việt Nam truyền đạo trong vòng sáu năm (1624 -1630). Ông là người có công rất lớn trong việc La-mã hoá tiếng Việt.

(Nhiều tác giả gọi là La-tinh hóa. Thực ra mẫu tự chữ cái tiếng Việt hiện nay là mẫu tự chữ Roman chứ không phải là chữ La-tinh).

Kế tục công trình của những người đi trước là các tu sĩ Jesuit (dòng Tên) người Bồ Đào Nha như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, v.v. trong việc La-mã hóa tiếng Việt, Alexandre de Rhodes đã xuất bản Bài giảng giáo lý Tám ngày đầu tiên bằng tiếng Việt và cuốn từ điển Việt - La - Bồ đầu tiên vào năm 1651 tại Rome.

***

Hệ thống chữ viết tiếng Việt dùng chữ cái La-mã này được chúng ta ngày nay gọi là chữ quốc ngữ (chữ viết của quốc gia)

***

Nguyễn Văn Vĩnh sinh năm 1882 tại Hà Nội, cái năm thành Hà Nội thất thủ vào tay quân Pháp do đại tá Henri Rivière chỉ huy. Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu thắt cổ tự vẫn. Gia đình Nguyễn Văn Vĩnh nghèo nên không có tiền cho con cái đi học. Lên tám tuổi, cậu Vĩnh đã phải đi làm để kiếm sống. Công việc của cậu lúc đó là làm thằng nhỏ kéo quạt để làm mát cho một lớp đào tạo thông ngôn do người Pháp mở ở đình Yên phụ - Hà Nội.

Vừa kéo quạt, cậu vừa nghe lỏm bài giảng. Cậu ghi nhớ mọi thứ rất nhanh và còn trả lời được các câu hỏi của thày giáo trong khi các cậu con nhà giàu trong lớp còn đương lúng túng.

Thầy giáo người Pháp thấy vậy bèn nói với ông hiệu trưởng giúp tiền cho cậu vào học chính thức.

Năm 14 tuổi Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu khóa học và trở thành một thông dịch viên xuất sắc. Sau đó ông được bổ làm trợ lý cho công sứ Pháp tỉnh Bắc Ninh. Năm 1906, lúc ông 24 tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh được Pháp gửi sang dự triển lãm tại Marseilles. Tại đây, ông được tiếp cận với kỹ nghệ in ấn và báo chí. Ông còn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp. Trở về Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ nghiệp quan chức và bắt đầu làm báo tự do.

Năm 1907 ông mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và xuất bản tờ Đăng Cổ Tùng Báo - tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ.

Năm 1913 ông xuất bản tờ Đông dương Tạp chí để dạy dân Việt viết văn bằng quốc ngữ.

Ông là người đầu tiên dịch ra chữ quốc ngữ các tác phẩm của các đại văn hào Pháp như Balzac, Victor Hugo, Alexandre Dumas, La Fontaine, Molière, v.v. và cũng là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp.

Bản dịch Kiều của ông Vĩnh rất đặc sắc, vì ông không chỉ dịch cả câu mà còn dịch nghĩa từng chữ và kể rõ các tích cổ gắn với nghĩa đó - một điều chỉ có những ai am hiểu sâu sắc văn chương Việt Nam (bằng chữ Nôm),Trung Hoa (bằng chữ Nho), và Pháp mới có thể làm được.

Sự cố gắng và sức làm việc phi thường của ông Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và đẩy xã hội Việt Nam đi đến chỗ dần dần chấp nhận chữ quốc ngữ.

Năm 1915 vua Duy Tân ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi (Hương - Hội - Đình) ở Bắc Kỳ. Năm 1918 vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ các khoa thi này ở Trung Kỳ và đến năm 1919 bãi bỏ hoàn toàn các trường dạy chữ Nho, thay thế bằng hệ thống trường Pháp - Việt.

Ngày 18 tháng 9 năm 1924, toàn quyền Đông Dương Merlin ký quyết định đưa chữ Quốc Ngữ vào dạy ở ba năm đầu cấp tiểu học.

Như vậy là, sau gần ba thế kỷ kể từ khi cuốn từ điển Việt –La - Bồ của Alexandre de Rhodes ra đời, người Việt Nam mới thật sự đoạn tuyệt với chữ viết của Trung Hoa, chính thức chuyển sang dùng chữ quốc ngữ.

Đây quả thực là một cuộc chuyển hóa vô cùng lớn lao, trong đó ông Nguyễn Văn Vĩnh đã vô hình chung đóng vai trò một nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy nhiên, đã không thể kiếm sống bằng nghề báo của mình.

Ông là người luôn lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh.

Vì thế chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông Dương chẳng ưa gì ông.

Tòa báo của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó năm 1936 vì sốt rét.

Người ta tìm thấy xác ông nằm trong một chiếc thuyền độc mộc trên một dòng sông ở Sepole. Trong tay ông lúc đó vẫn còn nắm chặt một cây bút và một quyển sổ ghi chép: Ông đang viết dở thiên ký sự bằng tiếng Pháp Một tháng với những người tìm vàng. Khi đoàn tàu chở chiếc quan tài mang thi hài ông Vĩnh về đến ga Hàng Cỏ, hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong một sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông

Con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của Mình đã góp phần làm cho chữ quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt.

-Tôi đã vẽ bức tranh Sự ra đời của chữ quốc ngữ- Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với hai vĩ nhân nói trên của dân tộc Việt Nam - Alexandre de Rhodes và Nguyễn Văn Vĩnh.

- Lời cảm ơn:

Tác giả bài viết này biết ơn thân sinh của mình – nhà giáo Nguyễn Đình Nam, người đầu tiên kể cho tác giả về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ khi tác giả còn là học sinh tiểu học, khi sách giáo khoa chính thống còn gọi Alexandre Rhodes là gián điệp còn Nguyễn Văn Vĩnh là bồi bút của Pháp.

Tác giả xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Kỳ - con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh, và ông Nguyên Lân Bình - cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh vì những câu chuyện xúc động về cuộc sống và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh cũng như của gia tộc cụ.

Tác giả xin cảm ơn thầy Trí - cháu ngoại cụ Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời từng là thày dạy toán của tác giả khi tác giả là học sinh trung học.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Phúc Lai: Ukraine - Từ thực tế cuộc chiến

 *Từ thực tế cuộc chiến:

Ukraine, chín tháng của những câu trả lời với lịch sử

•Vậy là chúng ta đã trải qua chín tháng của cuộc chiến tranh mà Putin mang sang nước láng giềng Ukraine. Nói “trải qua chín tháng” không đơn thuần là sự lo lắng khắc khoải, mà phải nói là cái sự nó “trải qua đủ các cung bậc cảm xúc”, thậm chí có những lúc cảm thấy nhiều điều hài hước.

Tôi còn nhớ trong những ngày đầu của cuộc chiến, khi nó chưa cho thấy những thiệt hại nhân mạng nặng nề cho cả hai bên, ngay cả tôi cũng chưa hình dung ra tính khốc liệt, mà vẫn chỉ nghĩ nó như một..."chiến dịch quân sự đặc biệt".

Lúc đó tôi cũng cứ cho rằng cái chiến dịch này chỉ mang tính chất “dằn mặt” rồi Putin đủ khôn ngoan để rút quân, dù thắng hay thua. Vì vậy cái cảm giác của tôi có lẽ đã đúng: họ (quân Nga) chỉ  mang theo những trang thiết bị với số lượng vừa phải, đặc biệt là đạn dược và quân nhu, chỉ đủ cho vài ngày. Họ cũng không lường trước được lúc đó lại có một số ngày lạnh muộn của mùa đông kéo dài sang xuân, nên không chuẩn bị cả thiết bị sưởi.

Vì vậy, họ thì nghĩ rằng đó là một chuyến công tác nước ngoài, hay như một cuộc dạo chơi. Còn chúng ta ngoài lo lắng cho Chính phủ của Zelensky, vẫn có chung cảm giác ấy. Cũng vì vậy, khi thấy người Nga có những hành xử kỳ dị đến mức hài hước và rất phi quân sự, chúng ta còn đùa với nhau trên mạng xã hội.

Chúng ta không hình dung được mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến. Chỉ khi những con số thiệt hại nhân mạng đầu tiên là của lực lượng Vệ binh quốc gia Nga, những người đáng nhẽ ra sang Ukraine để làm nhiệm vụ tiếp quản chính quyền, thì lại phải cầm súng đánh nhau, tôi đã rất sửng sốt. Lúc này tôi mới dần hiểu về bản chất của cuộc chiến.

Tinh thần độc lập của những người Ukraine cho một quốc gia tự chủ không phụ thuộc cả vào lịch sử Nga Sa hoàng, lịch sử Xô-viết và đoạn tuyệt luôn cả tương lai với một nước Nga độc tài, đã làm cho tất cả bất ngờ, và người chắc chắn bị bất ngờ nhất là Putin. Có thể các báo cáo đến với ông ta đã “được” làm méo mó đi, nhưng nó vẫn không thể che giấu cái khó khăn hiển nhiên của quân đội của ông ta trên chiến trường. Lúc này nếu có dối trá, chỉ là loanh quanh đổ lỗi chứ không còn là thổi phồng kết quả và giảm nhẹ thiệt hại nữa.

Sa lầy là sa lầy. Giai đoạn đầu của cuộc chiến và cả thời gian đệm giữa hai chiến dịch, được đánh dấu bằng một mốc son là chiến công cầm cự của những người anh hùng Azovstal.

Chính cái lúc nặng nề nhất cho chúng ta, những người ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Ukraine lại là hồi mùa hè, khi người Nga quay sang Donbas. Mặc dù biết là họ chẳng thể “gặm” được nhiều đất của Ukraine cho lắm, nhưng vẫn mong là họ thất bại. Chỉ những người chơi cờ sau này mới hiểu, khoảng 80 ngày dằng dai giữ cặp hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk, như hai con mã bị Nga truy đuổi. Trong thời gian đó người Ukraine đã chuẩn bị cho mình những “con xe” thậm chí cả “quân hậu” mà khi chúng lâm trận được sử dụng tài tình làm chuyển biến toàn bộ cuộc chiến.

Đến nay rất nhiều người vẫn băn khoăn rằng tại sao cũng chính là những vũ khí vô tri đó, và người Nga không phải không có, thậm chí ở giai đoạn đầu khi chứng kiến những hỉ hả của người Việt Nam ủng hộ Putin, chỉ thấy một sức mạnh kinh khủng và đáng sợ vậy mà tại sao họ lại sa vào khó khăn? Chúng ta đã bàn luận quá nhiều lần về lý do của nó, là người Nga vẫn giữ những gì họ có để bước vào trận đánh, trong đó có sự lạc hậu, cồng kềnh và quan liêu mang tính hệ thống của bộ máy chiến tranh kiểu quân đội Xô-viết, có sự đóng góp của nạn tham nhũng làm cho nó còn tệ hơn cả thời Xô-viết.

Đến thời điểm hết chín tháng chiến tranh, tôi muốn nói rằng đó là sự đoạn tuyệt, sự đoạn tuyệt của người Ukraine với tất cả những gì rơi rớt của quân đội và nguyên tắc tổ chức chính quyền Xô-viết. Những gì họ đã bắt tay vào làm khoảng 2 – 3 năm trước chiến tranh, nay đã được khẳng định dứt khoát là phải tiếp tục đi con đường đó. Nhưng cũng chính nhờ những kiến thức về quân đội Xô-viết và chính từ những yếu kém của họ trước đây, giúp họ, những người sĩ quan và binh lính Ukraine khai thác rất hiệu quả các điểm yếu của quân đội Nga.

Hồi đó, thời điểm mà đầu tiên là những khẩu M-777 ra trận, quân đội Nga trên chiến trường Ukraine vẫn là một sức mạnh kinh khủng, đặc biệt về quy mô, tầm vóc. Chia sẻ với tôi những lo lắng của mình có rất nhiều người bạn mạng xã hội, và tôi đều nói rằng: Quân đội Nga rất to lớn nhưng “họ sẽ sụp đổ bởi chính sức nặng của mình” (tôi cho nó vào trong ngoặc kép vì sẽ quay lại với nó một lần nữa). Cỗ máy chiến tranh của người Nga nặng nề cồng kềnh, chỉ cần biết phá hỏng bánh răng nào trong đó thì nó sẽ vỡ vụn không sớm thì muộn. Và người Ukraine đã làm đúng như thế. Đến khi có HIMARS, chiến thắng của người Ukraine đã là cầm chắc trong tay.

Nếu như hồi cuộc chiến được bảy tháng chúng ta còn thấy choáng váng vì tốc độ bỏ chạy của người Nga ở Izyum và Kupyansk, rồi còn Lyman nữa, thì bây giờ chúng ta vẫn còn ngất ngây vì sự kiện giải phóng Kherson. Có lẽ chưa có ai hiểu người Nga như người Ukraine, và cũng có lẽ chưa có quân đội nào lại sáng tạo như những gì người Ukraine đang làm. Giải phóng thành phố Kherson và những phần xung quanh nó thuộc hữu ngạn sông Dnipro không tốn một viên đạn. Đúng là người Nga chiếm nó dễ dàng như thế nào thì bây giờ người Ukraine cũng chiếm lại nó dễ dàng như thế.

Chỉ có một điều khác, là người Ukraine bỏ thành phố Kherson vì bị phản bội, còn người Nga bây giờ bỏ thành phố Kherson vì đói khát.

Khi Putin tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào Liên bang Nga, tôi đã bình luận đó là một trò nực cười và chẳng có ý nghĩa vì với cuộc chiến. Chắc hẳn những người Việt Nam ủng hộ ông ta đã từng cười vào những ý tưởng giống của tôi lúc đó, vì họ cho rằng người Nga sẽ “đứng dậy bảo vệ Tổ Quốc như trong Chiến tranh Vệ quốc ngày xưa...” Xin thưa với các vị, rất nhiều điều các vị đọc, xem, nghe... về cái cuộc Chiến tranh thần thánh đó, nó chỉ là một mặt thôi.

Còn rất nhiều những mặt trái của nó, như tính chất nướng quân của phương pháp tác chiến của chỉ huy Hồng quân, không ai nói cho các vị nghe. Còn bao nhiêu người Nga trốn tránh không ra trận bảo vệ Tổ Quốc, họ không kể cho các vị nghe. Còn bao nhiên thương binh Nga bị Stalin nhốt vào những trại không khác gì trại tù, không được hưởng bất cứ một chế độ nào hết ngoài sự chăm sóc như với con vật, chẳng ai kể cho các vị nghe cả. Cũng không ai kể cho các vị tại sao Hồng quân lại bị quân Đức bắt đến hàng triệu người, cả đầu hàng và bị bỏ rơi trong vòng vây.

Cũng chẳng ai kể cho các vị nghe xem bao nhiêu người phụ nữ Berlin bị Hồng quân hãm hiếp trong tháng 5/1945 và những gì họ đã làm ở Budapest cùng thời gian đó.

Đó là lý do tôi nói rằng, sáp nhập là một trò hề và chẳng giúp gì cho cuộc chiến tranh cả. Dù là sau đó Putin có ký lệnh “động viên một phần” thì cũng chẳng ý nghĩa gì, thậm chí còn làm cho bộ máy chiến tranh của ông ta nặng nề hơn. Nực cười cho những người Việt, thậm chí có cả một ông PP gì đó tự cho mình quan trọng khi viết được nhiều bài khi thăm nước Nga, viết cả một bài trên Facebook với hàng nghìn người “bấm thích” rằng người Nga sẽ không bao giờ chịu thua. Không sao, không bao giờ chịu thua thì vẫn cứ phải cho các ông ấy thua.

Lúc đó tôi chỉ biết nói rằng, bàn nhảm thế nào cũng được, Putin có làm trò gì cũng được. Nhưng những người lính Nga đang bảo vệ thành phố Kherson là những con người cụ thể, không ai cản họ được khi dạ dày lép và băng đạn thì rỗng, khi đó thì chỉ có bỏ chạy. Hãy tìm đọc những câu chuyện ký ức Chiến tranh Vệ quốc khi người lính Nga hoảng loạn rơi vào tình thế tuyệt vọng vì bị bỏ rơi trong vòng vây, lúc đó thì chẳng có Tổ Quốc nào cả.

Những câu chuyện như vậy không chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, khi người Đức tiến như chẻ tre, mà nó còn lẻ tẻ có cả ở những năm tháng sau của nó, tức là khi người Đức đã thua. Người lính Đức vẫn là những người lính của quân đội có khả năng tác chiến vượt trội, thỉnh thoảng vẫn đẩy một vài đơn vị Hồng quân vào tình thế tuyệt vọng và bị thiệt hại nặng.

Một trong những nguyên nhân chính của những bi kịch dạng đó là chỉ huy Hồng quân đưa ra những mệnh lệnh duy ý chí, giời ơi và bất chấp tính mạng binh sĩ. Đó là những điều mà có lẽ, đã mang tính truyền thống đến tận quân đội Nga ngày nay. Nếu quý vị biết những điều này thì sẽ hiểu mặc dù quân Nga “đang bảo vệ Tổ Quốc Nga ở Kherson” thật đấy nhưng chạy thì chắc chắn vẫn sẽ chạy như... bình thường.

Cũng đừng bao giờ nghĩ rằng họ vẫn bỏ chạy như năm 1941 – 1942 đã từng rút lui nhưng sau đó lại “quật lại” được. Khi “quật lại” thì trước đó, trong thời gian rút lui họ đã xây dựng được một quân đội khổng lồ cả về quân số và khí tài. Và để có được lượng khí tài đó, ngoài công nghiệp quốc phòng xuất sắc của chế độ Xô-viết (với 38.000 cái máy tiện Lend-lease từ Mỹ!) thì còn có lượng vật tư khổng lồ của Hoa Kỳ.

Mà lịch sử đã chứng minh, một quốc gia không thể chiến thắng trong chiến tranh nếu không có một nền công nghiệp vượt trội cả về công nghệ lẫn năng lực sản xuất. Và đó cũng là lý do là nếu Putin càng kéo dài chiến tranh, thì ông ta sẽ càng đẩy nước mình đến bờ vực của sự sụp đổ. Liên Xô trước đây sụp đổ vì chính sức mạnh của nó thì nước Nga của hiện tại cũng sẽ như vậy, sụp đổ như Liên Xô ngày xưa và quân đội của chính mình ngày nay.

Đúng như người ta nói: Putin không bao giờ chịu thua, và lão ta chuyển sang bắn phá các mục tiêu dân sự, điều chỉ làm nức lòng những kẻ hâm mộ lão ta và đã từ lâu đánh mất lương tâm của con người. Kế hoạch bắn phá chỉ gây thêm những thảm họa nhân đạo cho người dân, chứ không có ý nghĩa về mặt quân sự, và chẳng thể cứu vãn được thất bại của quân đội Putin. Việc Putin liên tục bắn tin muốn đàm phán, thể hiện rất rõ kế hoạch của lão ta: muốn đàm phán trên thế thượng phong, mà lúc này thế thượng phong đó được tạo ra bởi những cơn mưa tên lửa.

Nhưng nếu người Ukraine chống trả hiệu quả những “cơn mưa” đó thì ắt đến ngày kho tên lửa phải cạn, và Putin sẽ bước vào một niềm thất vọng mới. Cứ cho ông ta ngoan cố đi, rồi cũng đến ngày không còn cái gì nữa để mà ngoan cố, lúc đó có muốn không chịu thua cũng không được. Cuối cùng cái gì phải đến đã đến: Nghị viện NATO công nhận Nga là “nhà nước khủng bố”, kêu gọi thành lập tòa án đặc biệt để “xét xử và tuyên án” tên khủng bố này (ngày 21/11). Đây là động thái mới nhất của phương Tây thể hiện rõ thái độ của mình đối với hành động xâm lược của nước Nga Putin.

Chín tháng không chỉ là những cung bậc cảm xúc, khi chứng kiến người dân thành phố Kherson chào đón bộ đội ta trở về, chúng ta còn thấy xúc động. Thêm một câu trả lời nữa cho Putin và những người ủng hộ lão ta: Chỉ cần quân Nga kéo đến là người dân sẽ tự động theo họ – ồ đâu có phải! Một bà lão lập cập đào ở ven con đường nhỏ lá quốc kỳ Ukraine như biết chắc sẽ có ngày nó được đàng hoàng treo lại. Câu trả lời đã quá thích đáng: Không có Putin, không có Nga nào thuyết phục được họ, và cũng chẳng có ai ở đây là phát-xít, chỉ có quân xâm lược mới là phát-xít.

-Vậy là đã dứt khoát với tất cả những gì rơi rớt lại của lịch sử. Nào là “Nga – Ukraine là anh em” anh em gì mà bắn nát hết cả nhà cửa ruộng vườn người ta như thế! Nào là “dân tộc Ukraine không tồn tại, mà họ là một nhánh nào đó của dân tộc Nga” làm gì có chuyện như thế khi một bên đang chứng minh họ là tập đoàn người rất khác: văn minh, sáng tạo, đàng hoàng... còn bên những kẻ xâm lược thì là một quân đội mọi rợ với những hành vi kẻ cướp.

Người Ukraine đã dứt điểm trả lời thay cho tất cả những dân tộc đã từng bị giam hãm trong cái cũi Xô-viết cũ: không ai muốn quay trở lại với nó, còn nếu Putin muốn quẳng nước Nga vào cái máng lợn Xô-viết đó thì xin cứ việc. Xin bạn đọc của Nhịp cầu Thế giới hiểu giúp ở đây không có sự bôi nhọ quá khứ Xô-viết của họ, mà người bôi nhọ Xô-viết không phải ai khác, chính là Putin. Ông ta muốn phục hồi lại đế chế thực dân Nga Sa hoàng và thỉnh thoảng mượn cái áo Xô-viết khoác lên khi thấy cần. Chính ông ta phản bội lại tư tưởng Xô-viết của Lênin khi chỉ trích Lênin đã trao độc lập cho các nước thuộc địa cũ của Sa hoàng.

Có lẽ đây sẽ là một bước ngoặt của lịch sử. Bằng chiến thắng của mình trước Putin, người Ukraine đã chiến đấu cho nền độc lập chắc chắn của tất cả các quốc gia đã từng nằm trong không gian Xô-viết cũ. Bằng câu trả lời dứt khoát này trước lịch sử: không, chúng tôi sẽ không bao giờ quay lại với quá khứ thuộc địa, người Ukraine đã viết nên những trang sử mới của lịch sử dân tộc mình.

Và các dân tộc của Liên Xô cũ cũng sẽ chịu ơn họ, họ đã chiến đấu thay cho tất cả. Vinh quang Ukraine!

PHÚC LAI 25.11.2022

(Thụy My RFI)