Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

BS. Trần Văn Phúc: ARGENTINA SẼ VÔ ĐỊCH?

 ARGENTINA SẼ VÔ ĐỊCH?

===================

Ngay sau lễ khai mạc Qatar World Cup 2022, Liên đoàn Bóng đá Thế giới tổ chức tưởng niệm 2 năm ngày mất của huyền thoại bóng đá Diego Maradona. Chủ tịch FIFA Infantino và Chủ tịch CONMEBOL Dominguez đều gọi Maradona là ‘Người bất tử - Immortal’, trong khi người hâm mộ đến từ nhiều quốc gia đang ngồi ở phía dưới hét lên ‘Diego muôn năm – Viva Diego’. 

Viva Diego! 

Viva, viva, viva Diego!

Diego muôn năm! 

Muôn năm, muôn năm, muôn năm Diego!

2 năm trước Argentina để tang Maradona 3 ngày.

Câu chuyện bắt đầu từ “Cuộc chiến Falcinia”, giữa Argentina và Anh, vào năm 1982. Thời điểm đó kinh tế Argentina đang suy thoái dữ dội. Tướng quân đội Galtieri trở thành tổng thống. Suốt 20 năm Argentina tranh chấp với Anh quần đảo Falkland. Thủ tướng Anh Thatcher bắt đầu có ý định trả lại Falkland cho Argentina. Tuy nhiên, tướng Galtieri nóng lòng muốn lấy ngay quần đảo, đồng thời thể hiện lập trường cứng rắn. Ông lệnh cho quân đội quét sạch số lượng nhỏ binh lính Anh trên đảo. Cả nước Argentina vui mừng. Họ tin Galtieri sẽ giúp Argentina hoá rồng. Phía bên kia Bà đầm thép không chịu. Ngay lập tức thủ tướng Thatcher cử lực lượng Hải quân Anh đến nghênh chiến, tướng Galtieri chỉ cứng được vài giây đã mềm nhũn, ông đái ướt hết quần, quân đội của ông bị đánh bại dễ dàng ngay khi Hải quân Anh đổ bộ. Cuộc chiến trở thành nỗi xấu hổ quốc gia với người dân Argentina. Đồng tiền, quốc kì, quốc huy của quần đảo bị thay đổi. Galtieri bị cách chức, sau đó bị bắt, bị bỏ tù vì tội ác chiến tranh.

Những tháng ngày sau đó, Argentina ngày càng tồi tệ, kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, nợ nước ngoài cao, quân đội lạc hậu, chính trị trong nước rơi vào vòng xoáy bất tận, tham nhũng lan tràn, sinh kế người dân điêu đứng. Về sau Argentina còn trở thành trò cười quốc tế. Năm 2012 Argentina nợ Ghana một ít tiền nhưng không có gì để trả. Ghana cũng quá nghèo nên vắt óc nghĩ cách bắt nợ. Thủ đoạn đầu tiên Ghana chọn là ‘luộc đồ’. Vào tháng 10 năm 2012, tàu chiến Liberty của Argentina đổ được ít dầu, quyết định chạy một đoạn trên biển để tránh hỏng hóc máy. Ghana chờ đón lõng rồi chặn tàu chiến này lại, trình giấy nợ và phán quyết của toà, tuyên bố bắt tàu chiến Liberty để trừ nợ. Hơn 200 lính hải quân Argentina bỗng chết lặng trên tàu. Theo luật pháp quốc tế, tàu chiến là lãnh thổ di động của một quốc gia, cướp tàu chiến tương đương với tuyên chiến lãnh thổ. Nếu chuyện này xảy ra với Mỹ hay Nga thì sẽ hết hơi. Nhưng với Argentina thì đành chịu. Ghana mang sơn đến, sơn lại con tàu từ đầu tới đuôi, vẽ lên thân tàu lá quốc kì Ghana. Năm 2013, chuyên cơ “Tango One” chở tổng thống Argentina đến Mỹ, đang trên đường thì bị tịch thu xiết nợ, dẫn đến việc tổng thống Argentina phải mua vé bắt máy bay thương mại về nước.

Trong bối cảnh đất nước nghèo đói và hỗn loạn như thế, sẽ chẳng có thứ gì đủ sức mạnh đoàn kết người dân Argentina, ngoài duy nhất bóng đá, chỉ bóng đá mới giúp người dân Argentina quên đi nỗi nhục quốc thể, mới giúp họ đoàn kết nhau lại.

Và huyền thoại Maradona đã ra đời.

Ở World Cup 1986, trong nỗi buồn vô tận của “Cuộc chiến Falcinia”, tất cả các cầu thủ và người dân Argentina đều xoay quanh Maradona. Năm ấy, đội bóng Argentina giành cúp vô địch với tổng cộng 14 bàn thắng, trong đó Maradona trực tiếp ghi 5 bàn, kiến tạo trực tiếp 5 bàn, kiến tạo gián tiếp 3 bàn.

Trận đấu Argentina – Anh đã thành cuộc chiến.

Sân vận động Azteca có 87k chỗ ngồi, nhưng khán giả đến sân 110k, ban tổ chức phải mang bia lạnh đến tận nơi mời khán giả để mong giảm bớt những cái đầu rất nóng. Dưới sân, “Sư tử Anh” bỗng rụt rè như “con mèo què sợ nước”. Trong phòng thay đồ, Maradona có một bài phát biểu ngẫu hứng, ông hét lên với các đồng đội rằng: “Hãy chiến đấu vì chính mình, chiến đấu vì tổ quốc, chiến đấu vì quần đảo Falkland”. Sau bài phát biểu của Maradona, cả đội Argentina hừng hực khí thế, họ nắm chặt tay đấm vào không khí, quyết xung trận giành chiến thắng cuối cùng để mang lại vinh quang cho tổ quốc. 

Phút thứ 56 của trận đấu… 

Mặt trời đạt thiên đỉnh, trên sân có bóng mặt trời từ điểm giao bóng vừa chuyển dịch sang phía Argentina, thời điểm đó Maradona nhận bóng từ giữa sân. Như một tia sét đánh, Maradona quất 5 roi vào 5 cầu thủ Anh đang tạo thành móc nối, ông rê bóng qua rừng cầu thủ như đi trong chốn không người, rồi ông thọc vào đúng giữa trái tim của những người Anh đầy kiêu hãnh. Hậu vệ Hodge xuất hiện và nhảy lên phá bóng. Thủ môn Shilton cũng nhảy lên đấm bóng. Maradona “bằng một cách nào đó” đến nay vẫn không ai hiểu, ông dùng một ngón tay của mình gẩy quả bóng vào lưới, thế giới phải mất ít nhất 30 giây để biết rằng vừa có “Bàn tay của Chúa” can thiệp, nhưng cho đến tận bây giờ chẳng ai hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Kể từ phút 56 ấy Maradona đã trở thành vị thần!

Biểu tượng mặt trời trên quốc kì của Argentina, chính là vị thần Mặt trời Inca cổ đại, được coi là biểu trưng cho sức mạnh vĩ đại đấu tranh giành thắng lợi của nhân dân Argentina, tượng trưng cho chân lí, tôn nghiêm và phồn vinh, đồng thời cũng tượng trưng cho sự ra đời của quốc gia Argentina. Truyền thuyết kể rằng, khi Argentina được thành lập, trong thời khắc thiên đỉnh, thần Mặt trời Inca ló dạng qua các đám mây báo hiệu sự chiến thắng.

Trên sân Azteca một lần nữa thần Inca xuất hiện.

Ở đất nước Argentina, người dân coi thần Mặt trời Inca là số 1 rồi đến Maradona là số 2, tổng thống của họ chỉ xếp thứ 20 sau những người anh hùng còn lại. Khi một anh hùng ngay từ thời trẻ đã được coi là vật tổ của đất nước, là chỗ dựa tinh thần của nhân dân, thậm chí toàn bộ tổ chức quyền lực của đất nước cũng coi người anh hùng đó là một vị thần, thì trong mắt người dân Argentina, 3 ngày quốc tang với Maradona sẽ là không đủ.

5 bàn thắng + 5 đường kiến tạo + cúp vàng.

Nếu chỉ nhìn vào đó, sẽ chẳng bao giờ chúng ta thấy hết được sức mạnh thống trị của Maradona, chẳng thể hiểu tại sao toàn thể nhân dân Argentina lại suy tôn Maradona là vị thần.

Maradona sinh ra trong một gia đình nghèo khổ tận cùng ở Argentina, món đồ chơi duy nhất của ông khi còn nhỏ là quả bóng da bố tặng, giống mọi đứa trẻ nghèo khác là không được “ăn học tử tế”, chỉ học phổ cập đến lớp 6 phải bỏ, nên việc sử dụng bóng đá là phương tiện duy nhất để thoát nghèo cũng là lẽ đương nhiên.

“Maradona sinh ra để dành cho bóng đá”.

Khác với giáo dục toàn diện đạt chất lượng, giáo dục phổ cập về bản chất là học để biết chữ, nên khi biết chữ rồi thì những đứa trẻ như Maradona sẽ bỏ học. Giả sử Maradona được giáo dục bài bản, thì đất nước Argentina sẽ có một Maradona là tài xế taxi, một Maradona thư kí, một Maradona kĩ sư, một Maradona bác sĩ, một Maradona là nhà kinh tế hay là gì gì đó; nhưng thế giới sẽ không có một Maradona huyền thoại bóng đá.

Ngay cả khi Maradona được “ăn học tử tế” và chơi bóng từng bước, trở thành cầu thủ nổi tiếng thế giới, thì chúng ta hôm nay cùng lắm cũng chỉ nhìn thấy sự nghiệp của Maradona hao hao giống Messi trong những năm tháng vừa qua mà thôi. Vì không được “học hành tử tế” nên mong ước của Maradona rất đơn giản: được vào đội tuyển quốc gia, được tham gia World Cup, được ôm vào ngực chiếc cúp vô địch thế giới. Maradona chưa bao giờ ước mình được thăng chức, thăng lương, sống một cuộc sống xa hoa với bầy thú cưng, được làm ông này ông kia trong xã hội đầy bất an.

Sự nghiệp của Maradona thực hiện đúng 3 điều ước.

Đây mới là bản chất của một vị thánh bóng đá, bởi nói như Chủ tịch FIFA Infantino, nếu Maradona muốn làm tổng thống, thì trong khoảng 1-2 phút toàn thể nhân dân Argentina sẽ bỏ phiếu xong.

Đối với tiền bạc, thậm chí là của cải vật chất sau khi thành danh, Maradona nghĩ đó là những thứ đương nhiên ông được hưởng, là phần thưởng xứng đáng sau những cố gắng cho màn trình diễn bóng đá đỉnh cao. Xuất thân nghèo khó chỉ người dở hơi mới không yêu tiền. Maradona tuyên bố có 600 phụ nữ. Nhưng ông quan niệm, tiền bạc, phụ nữ và hưởng thụ chỉ là những phụ kiện sau thành công và danh vọng, rất khác với bóng đá về bản chất. Ông không mang số tiền kiếm được đi làm từ thiện, cũng không phân phát cho thế giới khối tài sản của mình, bởi số tiền ấy là mồ hôi nước mắt của ông. Thứ mà ông trao cho loài người là màn trình diễn đỉnh cao trên sân. Sinh ra trong phận đói nghèo, Maradona hiểu hơn ai hết bóng đá là niềm hạnh phúc thuần khiết và vô hại nhất, cách ông mang lại hạnh phúc cho nhân loại chỉ có bóng đá. Đó là lí do ông không muốn lấy lòng người dân Argentina bằng những lời hứa hão huyền, như các chính trị gia thường làm, bởi ông hiểu nhu cầu của người dân trong một xã hội đầy rẫy bất công, thì chỉ có bóng đá mới làm cho người ta quên đi nghèo đói và nỗi đau.

Chiến tranh Falcinia chỉ là một sự kiện lịch sử.

Sự kiện ấy có tác động đặc biệt vào thời điểm đó, nó gây ra nỗi đau tột cùng cho người dân Argentina tại thời điểm đó, nhưng nỗi đau ấy rồi cũng sớm nguôi ngoai, chỉ có đòi nghèo và bất bình đẳng là luôn tồn tại. Vì thế mà ông không làm tổng thống để giải quyết nỗi đau nhất thời. Thay vào đó, Maradona làm vị thần bóng đá, thông qua bóng đá mang đến mọi kiếp nghèo khổ lối giải thoát về tinh thần. Ở đất nước Argentina, nếu coi Maradona là bất tử sẽ chưa đúng, người dân Napoli coi ông ngang với Chúa.

Một thiên tài như vậy sẽ không xuất hiện trong nhiều thập kỉ tới.

Thánh bóng đá Maradona, người không đến từ bàn tay nâng đỡ của các chính trị gia, không có sự hỗ trợ PR của truyền thông, cũng không phải do những fan cuồng sùng bái, mà do chính đôi chân của ông tạo nên.

❤️‍🔥

Messi là truyền nhân của Maradona?

Về kĩ thuật chơi bóng, Messi có thể nói là vô địch, không ai sánh kịp, ngay cả Maradona cũng thua Messi ở nhiều điểm. Tại kì WC lần này, mặc dù phạm vi hoạt động có giảm vì hạn chế bởi tuổi tác, nhưng Messi vẫn có cảm giác bóng vô song, kĩ năng rê bóng tuyệt hảo, tốc độ siêu phàm, khả năng điều chỉnh và động tác chân nhanh tới mức không cầu thủ nào bì kịp, tầm nhìn và đường chuyền quá tinh vi. Khi đi bóng tốc độ cao, Messi không bị quán tính gây ảnh hưởng nếu đột ngột dừng, đột ngột rẽ, đột ngột quay đầu. Điều này trái ngược với các quy luật sinh lí con người và vật lí tự nhiên. Hãy tưởng tượng, Messi đang chạy với tốc độ 34,5 km/h, phanh đột ngột, lại tăng tốc, rẽ phải, rẽ trái, làm động tác giả, tần suất lặp đi lặp lại và tốc độ đoạn ngắn tăng khủng khiếp giống như đang ở chỗ không người, khiến các cầu thủ phòng ngự của đối phương phải lắc lư vặn vẹo thân thể. Trong vật lí, chỉ khi tốc độ của một vật thể vượt qua tốc độ ánh sáng, thì chuyển động mới ở trạng thái không thể đoán nổi. Trong bóng đá, Messi không chịu ảnh hưởng của quán tính khi tốc độ tăng tối đa, thì những động tác của cầu thủ này cũng không thể đoán nổi. Trong 1 giây Messi có thể chạm bóng 3 lần. Cầu thủ phòng ngự đối phương trong 1 giây chỉ 1 lần chạm bóng. Như vậy, Messi luôn có nhiều hơn 2 lựa chọn, vì thế mà anh dễ dàng đánh lừa để vượt qua đối thủ. Có nghĩa là, với những đặc điểm siêu phi thường không tuân theo các nguyên tắc vật lí, nếu bị bủa vây thì Messi cũng vẫn chơi bóng một mình mà không liên quan đến ai.

Maradona cũng có những đặc điểm tương đồng Messi, như cảm giác bóng, khả năng tăng tốc đoạn ngắn, chuyền bóng… gần như giống nhau. Nhưng do nửa dưới cơ thể dày hơn, nên khả năng chạm bóng của Maradona ít hơn Messi, đồng thời cũng giống như loài ngựa với bộ guốc đơn không thể đột ngột quay đầu như Messi. Chính nhờ sự chắc khoẻ của phần dưới cơ thể, đặc biệt là đôi chân, tạo cho Maradona có khả năng giữ thăng bằng siêu phàm, đồng thời cũng giúp Maradona có những động tác chân phi thường khác tất cả những cầu thủ khác. Maradona đang cầm bóng thì không ai có thể cướp bóng. Cầu thủ phòng ngự đối phương sẵn sàng lao vào va chạm với lực tác động rất lớn, như tắc, xoạc, cắt kéo, nhưng Maradona vẫn giữ và kiểm soát được trái bóng, bằng cú vặn người, xoay người, những động tác chân, Maradona dễ dàng nhặt được quả bóng ra khỏi sự phong toả của đối phương.

So sánh giữa Maradona và Messi, với các dữ liệu chi tiết, thang điểm 10; không chỉ so sánh giữa hai cầu thủ mà thang điểm này coi như so sánh cả với cách huyền thoại bóng đá khác, ví dụ như Pele.

👉 Kĩ thuật: Maradona 10 – 10 Messi.

👉 Rê bóng: Maradona 10 – 10 Messi.

👉 Tốc độ: Maradona 8 – 10 Messi.

Tốc độ xuất phát tức thì của Messi thật kinh khủng, vượt qua vận động viên điền kinh Bolt đang nắm giữ kỉ lục thế giới, các hậu vệ giỏi đến đâu cũng trở nên vụng về trước Messi. Lãnh tụ Fidel Castro từng nhận xét: “Messi xuất hiện như một tia chớp, thấp bé nhưng quá nhanh, đi bóng từ điểm này đến điểm khác một cách tuyệt vời, sút bóng bằng chân và óc, tốc độ đáng kinh ngạc”.

👉 Sút bóng: Maradona 9 – 10 Messi.

Messi thiên về tiền đạo, Maradona thiên về tiền vệ, nên khả năng sút bóng của Messi nhỉnh hơn Maradona.

👉 Chuyền bóng: Maradona 10 – 9 Messi.

Khả năng chuyền bóng của Maradona là vô đối, đặc biệt là chuyền khi đang rê bóng, ngay cả những đội đỉnh cao kĩ thuật như Brazil cũng phải chịu những đường chuyền chí mạng của Maradona. Cũng do Maradona thiên về tiền vệ. Trong khi đó, ở câu lạc bộ Messi đá tiền đạo và luôn có những bậc thầy chuyền bóng phía sau anh.

👉 Linh hoạt: Maradona 10 – 10 Messi.

Do cơ thể thấp bé, nên cả Maradona và Messi đều linh hoạt như nhau, xếp hàng đầu trong bóng đát về sự nhanh nhẹn.

👉 Sáng tạo: Maradona 10 – 9 Messi.

Maradona có khả năng phá vỡ thế bế tắc, Messi cũng vậy nhưng anh vẫn phải dựa vào tài năng thuần tuý, phụ thuộc vào những giải pháp cụ thể hơn là tính sáng tạo đột biến.

👉 Sức mạnh: Maradona 9 – 7 Messi.

Vì thân dưới của Maradona to bẩm sinh, nên có sức mạnh rất tốt, chịu được tất cả những va đập tứ phía mà không hề hấn gì. Messi thiên về sức khoẻ, chủ yếu do luyện tập, từ đó tăng khối lượng cơ bắp.

👉 Quyết liệt: Maradona 10 – 6 Messi.

Maradona thiên về bản năng, khá hung hăng, ông từng dùng súng hơi bắn vào các phóng viên báo chí; trong khi Messi rất ngoan hiền.

👉 Bùng nổ: Maradona 9 – 10 Messi.

Nhờ có tốc độ nhanh, nên trong bóng đá hiện đại khả năng bùng nổ của Messi tốt hơn so với Maradona.

❤️‍🔥❤️‍🔥

Điều gì làm Messi chưa lên ngôi vua?

Trong hội hoạ không ai so sánh giữa Van Gogh và Picasso, âm nhạc không ai so sánh Beethoven, Bach, Mozart, Chopin và Haydn. Cũng như vậy, trong bóng đá không so sánh Maradona với Pele. Nhưng thế giới bóng đá, người ta lại không ngừng so sánh Messi với Maradona.

Messi là ông vua phá kỉ lục.

Trong sự nghiệp bóng đá, Messi điên cuồng quẹt thẻ để trích xuất thành tích ở mọi nẻo đường, anh liên tục phá đổ những kỉ lục. Liệt kê các thành tích và kỉ lục của Messi không biết đến khi nào mới hết. Messi chắc chắn đã trở thành cầu thủ thống trị tuyệt đối trên sân cỏ. Xét theo tiêu chuẩn dữ liệu, Messi thừa các điều kiện trở thành vua bóng đá.

Vậy nhưng Messi vẫn chưa lên ngôi vua.

Người ta cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất cản trở Messi lên ngôi vua, đó là tính cách. Messi thiếu đi sự kiêu ngạo của một vị vua. Maradona từng nhận xét Messi: “Cậu ấy thiếu cá tính một chút. Trên sân cỏ, khi cần thiết, cậu ấy phải mắng người này chửi người kia, phải kích thích tinh thần chiến đấu của đồng đội, phải quát tháo đồng đội, chẳng hạn như tại sao mày không chuyền bóng cho tao. Tôi vẫn chưa nhìn thấy tính cách ấy.”

Nói trắng ra Messi chưa có phong cách đế vương.

Nếu xét về tài năng chơi bóng và thành tích, công bằng mà nói, Messi đã vượt qua Maradona và Pele rất nhiều, Zidane và Ronaldo của Brazil không thể nào so sánh được. Nhưng cả bốn người này có một điều mà Messi không có, đó là phong cách đế vương. Hãy nhìn từ Pele cho đến Zidan và Ronaldo, họ không thiếu vương quyền, họ chỉ cần ho một câu là cả liên đoàn bóng đá phải sợ, chứ nói gì đến những cầu thủ trong đội tuyển.

Mặc dù chưa bao giờ định nghĩa vua bóng đá là phải vô địch WC, nhưng đây là kì thi mà ông vua phải vượt qua, thì mới mong nhận được vương miện. Đây không phải là quy định nhưng chắc chắn nhân loại đạt được sự đồng thuận. Dù đồng ý hay không, vô địch WC là bước tất yếu để trở thành vua. Theo nghĩa này, Messi đã trải qua 4 kì WC, tức là thi trượt tới 4 lần. WC là kì sát hạch quan trọng nhất. Bởi chứng tỏ được sức mạnh ở WC luôn là sự thách đố, qua đó phẩm chất tổng thể của đội bóng và cá nhân được phơi bày, từ kĩ năng bóng đá cho tới khí chất đế vương. Bóng đá là chiến trường, nơi chỉ có thắng hoặc bại, lòng khao khát chiến thắng, dù là khát vọng trở thành nhà vua hay huyền thoại, nó đòi hỏi phải có niềm tin vững chắc thì mới giành được thắng lợi cuối cùng.

❤️‍🔥❤️‍🔥❤️‍🔥

Messi ở Argentina không phải là Messi ở Barcelona.

Cho dù Messi có giành được trăm ngàn thành tích ở châu Âu và thế giới, cho dù Messi có chơi cho đội tuyển quốc gia Argentina gấp bội lần Maradona, thì vị thế của Messi ở đất mẹ vẫn chỉ là hạt bụi so với Maradona.

Tại sao vậy?

Câu trả lời là Messi thiếu những đặc điểm truyền thống của bóng đá Argentina, đó là sự điên rồ, nổi loạn, ngỗ ngược, lòng tự cao, ngẫu hứng. Bóng đá không thể tách rời văn hoá dân tộc. Người dân Argentina thậm chí còn coi Redondo, Batistuta, Riquelme, Tevez là thần tượng, mặc dù không ai trong số họ có trình độ World Cup, có lịch bóng đá xuất sắc, nhưng họ đều khắc sâu dấu ấn văn hóa của người Argentina trong bóng đá, họ sẵn sàng cống hiến tất cả cho những niềm tin và những điều mặc định về đất nước Argentina.

Nhưng với Messi vẫn như một người họ hàng xa sống ở châu Âu.

Năm 13 tuổi, Messi được một đại lí bóng đá môi giới đưa đến Tây Ban Nha, đây là bước ngoặt thay đổi số phận. Sống và học bóng đá 10 năm ở Barcelona, Messi đã xa rời bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt ở Argentina. Môi trường bóng đá châu Âu đã xoá bỏ hoàn toàn bản năng hoang dã đồng cỏ Pampas, thay vào đó, Messi trở nên dịu dàng và lịch sự. Mặc dù quê hương ở Argentina, nhưng Messi đã thấm nhuần phong cách quý ông nhu mì ở châu Âu, trở thành hoàng tử trog gia đình hoàng đế. Ví dụ về một điểm khác biệt, do đắm chìm trong thế giới bóng đá châu Âu từ khi còn nhỏ, với triết lí vứt bỏ lớp áp lộng lẫy hào hoa, thay vào đó là những kĩ thuật tối ưu về mặt hiệu quả dựa trên khoa học, bề mặt tiếp xúc với trái bóng chỉ giới hạn ở vòm bàn chân, vì thế mà Messi không sử dụng lòng bàn chân để chạm bóng. Ngược lại với Maradona. Trong môi trường khắc nghiệt đầy bản năng, Maradona chạm bóng rất đa dạng, rất hoang dã và đầy màu sắc Latin. Maradona có thể kéo bóng bằng lòng bàn chân, giẫm lên bóng, đá bóng bằng gót chân, chạm bước một bằng lưng, tâng bóng nhiều lần để vượt qua đối thủ rồi thực hiện đường chuyền nghịch, gẩy bóng bằng mông, thậm chí chơi bóng bằng ngón tay của Chúa. Maradona đạt tới đỉnh cao nghệ thuật của những động tác chơi bóng lạ mắt, ý thức về sự bất tuân, chơi bóng theo bản năng tự nhiên và ngẫu hứng, đó chính là điểm mạnh vô đối.

Maradona đắm chìm trong thế giới bóng đá Argentina, ở đó có những siêu thiên tài như Di Stefano, Kubilas, Cruyff, Zico. Cách chơi của họ là chiếm lấy quả bóng từ vòng tròn giữa sân, ban bật, tiến lên, chuyền, đập tường, lao vào vòng cấm địa, sút. Bằng những kĩ thuật hoa mĩ, nhưng bao giờ cũng lấy một ngôi sao làm trung tâm, tạo nên một trụ vừa phòng ngự vừa tấn công. Maradona lớn lên trong môi trường bóng đá như thế, ông liên tục rèn rũa kĩ năng đá bóng của mình, phấn đấu mạnh mẽ để dẫn dắt đội bóng đạt được mục đích cuối cùng.

Messi lớn lên trong môi trường bóng đá phương Tây, nơi có Sacchi và Guardiola theo đuổi triết lí duy trì đội hình chặt chẽ, không gian vận động bị nén chặt, tinh thần đồng đội và sức mạnh tập thể được đề cao. Triết lí này khác với Argentina, nơi sức nặng chiến thuật phụ thuộc vào hành vi liều lĩnh của ngôi sao. Với bóng đá phương Tây, siêu sao phía trên đồng đội dần được thay đổi thành trò chơi ghép hình của một hệ thống đã được lập trình hết sức chặt chẽ. Messi, người đã có quốc tịch Tây Ban Nha và đã từng phân vân việc khoác áo cho ĐTQG Tây Ban Nha, nay trở về quê hương, trong bối cảnh ấy anh không tránh khỏi lạc lõng. Đó là lí do Messi ở đội tuyển quốc gia Argentina khác hoàn toàn Messi ở Barcelona, sức mạnh của anh đã giảm đi một nửa khi được giao trọng trách dẫn dắt đội tuyển.

World Cup 2022 là cuộc chiến cuối cùng với Messi.

Đã có những dấu hiệu Messi thay đổi, trên sân bóng anh bắt đầu ngông cuồng, bởi anh hiểu hơn ai hết nếu chỉ ôm mộng đế vương thôi chưa đủ, mà cần phải có phong cách của một bậc quân vương thì mới hầu mong giành được vương miện.

Dự đoán Argentina sẽ vô địch World Cup 2022.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét