LẠC CỰC SINH BI
“Lạc cực sinh bi” 樂極生悲câu này từ đời xưa truyền lại, ý nói vui vẻ sung sướng đến cực điểm thì sẽ sinh ra bi thảm. Nói một cách nôm na là hết vui lại buồn.
Nhiều hộp đêm, KTV đang đàn ca vui vầy, rượu ngon, gái đẹp, bỗng bốc cháy hỏa hoạn không đường chạy thoát. Năm ngoái trong đêm Halloween tại Hàn quốc mọi người vui chơi hả hê mất cảnh giác bỗng xẩy ra vụ chen chúc đạp dẫm lên nhau gây ra hơn trăm mạng tử vong. Mới đây thôi, vụ vui chơi âm nhạc tại Israel đang tưng bừng nhộn nhịp, có ai ngờ đâu tử thần đã đến trên đầu. Còn rất nhiều ví dụ như vậy, đang vui lại đứt dây đàn. Khiến chúng ta không thể ngờ đến. Có nhiều ca sĩ, diễn viên, cầu thủ nổi tiếng, sự nghiệp đang như diều gặp gió, tiền nhiều như nước, cuộc sống đế vương, nhưng bỗng phá sản, bỗng lăn đùng ra chết. Tại sao? Bởi họ sướng quá, sướng cực độ, nên lạc cực sinh bi. Họ không hiểu nguyên lý này nên cứ thả phanh hưởng thụ, không tĩnh lại để răn đe mình, không sám hối với sự sung sướng của mình, nên bị vậy.
Các bạn thấy lạ, sung sướng cũng có tội? Có, trong khi trên trần gian còn biết bao kẻ cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Còn anh, ở nhà như lâu đài, người hầu kẻ hạ, Sơn hào Hải vị, đêm đêm tiệc tùng, mở một chai rượu vài trăm đến vài tỉ, uống chai rượu bằng kẻ khác nai lưng làm cả đời. Bất công không? Đã bất công tức có sự phán xét, các vị có quyền phán xét ở ngay trên đầu chúng ta “Trên đầu ba thước có Thần Linh”. Các thần linh bay qua nhà một cụ già nghèo khổ, thấy bà cụ đang luộc vài củ khoai ăn cho no bụng, bay sang lâu đài, thấy các vị tai to mặt lớn, bụng phệ chềnh ềnh, đang nhấm nháp ăn to nói lớn, trên bàn thức ăn ê chề.
Khi thánh thi Đỗ Phủ nhận thấy cảnh tượng bọn nhà giàu quan lại sống cuộc sống thừa thãi, vung phí, hủ bại so sánh với cuộc sống cơ cực của người dân, ông đã thất vọng thốt lên:
朱门酒肉臭
路有冻死骨
Chu môn tửu nhục xú
Lộ hữu đống tử cốt
Dịch nghĩa:
Nơi nhà giàu sang phú quý, rượu thịt dư thừa đến nỗi bốc mùi xú uế, trong khi đó xương cốt của người nghèo chết vì đói rét chất đầy bên đường.
Nguồn gốc của câu Lạc cực sinh bi từ đâu mà có?
Trong thời Chiến Quốc, vua nước Tề thường uống rượu vui chơi suốt đêm và lờ là việc triều đình. Nước Sở nhân cơ hội đem quân tấn công nước Tề. Tề Uy Vương cử Thuần Vu Khôn đến nước Triệu để mời quân tiếp viện, sau đó cuộc vây hãm nước Tề được giải tỏa. Trong bữa tiệc mừng công, Tề Uy Vương đã hỏi Thuần Vu Khôn rằng tiên sinh có thể uống bao nhiêu rượu thì say. Khôn đáp: “Uống một đấu rượu sẽ say, uống một thạch rượu cũng sẽ say.” (10 lít là 1 đấu, 10 đấu là 1 thạch). Tề Uy vương không hiểu ý tứ, lại hỏi: “Đại nhân, uống một đấu rượu đã say, làm sao uống được một thạch rượu?”.
Thuần Vu Khôn muốn nhân cơ hội này để thuyết phục vua Tề không nên uống rượu thâu đêm, nên khéo léo nói: "Sự thật là thế này: nếu vua thưởng rượu cho hạ thần, khi uống rượu, vua ngồi trước mặt, đằng sau lưng là các quan lớn triều đình, nên hạ thần sợ hãi, uống một đấu cũng say. Nếu ban đêm, bệ hạ lưu hạ thần ở lại, vui vẻ thoải mái uống, thì lúc này, hạ thần có thể uống một thạch mà không say, bởi nếu say sẽ không giữ được lễ tiết vua tôi. Vì vậy, người xưa nói rằng khi rượu say đến tột cùng, lễ nghĩa sẽ không khống chế được, và khi con người vui sướng đến tột độ thì chuyện buồn sẽ xảy ra”. Tề Uy Vương nghe xong lời nói của Thuần Vu Khôn biết rằng khuyên mình, nên từ đó thôi không uống rượu thâu đêm nữa.
Lão PP và ca nương Thúy Hoàn vất vả đầu tư làm ăn từ Hồng Kông đến đại lục Trung Hoa hơn chục năm được ông giời thương cũng kiếm được chút ít. Vài năm trước, có một ông bạn, xây xong một lâu đài nguy nga tráng lệ nhưng bị ngân hàng đòi nợ muốn để lại cho vợ chồng lão với giá rất rẻ. Nhưng lão và nàng Tấm đều đồng thanh từ chối. Lâu đài chỉ đáng cho vua chúa hoặc vương hầu quý tộc ở. Mệnh không phải vương tước không nên ở, mệnh không vững, dễ bị các thần thánh khiển trách đâm ra rách việc. Hơn nữa, tính lão thích đơn giản, bình dị, sống không phô trương, không thể sống trong căn lâu đài trăm tỉ được. Nhiều khi lót ổ rơm lão cũng có thể làm một gậy, à quên, cũng ngủ một giấc được. Có một đệ rất quý lão, muốn mời đi nhậu và hứa sẽ khui một chai rượu nho vài trăm triệu. Nhưng lão từ chối ngay, uống thế đoản mệnh, không dám đâu!
Câu chuyện thành ngữ về “Lạc cực sinh bi” khiến chúng ta hiểu được một chân lý, tức là đừng quá cường điệu hay cực đoan trong bất cứ việc gì mình làm và phải sử dụng tư duy đúng đắn để hành sự. Khi vui sướng đừng đi đến cực điểm, trừ lúc mần chuyện ấy thì phải lên đỉnh…kkk
Lão PP mỗi tháng hành xác một lần bằng cách cạo gió. Cả một tấm lưng hằn đỏ như bị quất, bị tra tấn ác liệt. Nhiều tôn giáo đều có những tập tục hành xác, quất roi lên người, đi trên lửa, xuyên sắt nhọn lên da thịt…đấy chính là hứng lấy đau khổ để khỏi bị trừng trị. Tất nhiên làm từ thiện cũng là một phép hóa giải.
Người đời sau lại thêm một nội dung sau “Lạc cực sinh bi”, tiếp theo là “Phẫu cực thái lai” hoặc “Bĩ cực thái lai”tức khi nghịch cảnh đạt đến cực điểm, vận mệnh sẽ chuyển sang giai đoạn tốt đẹp. Có nghĩa là khi xui xẻo chấm dứt thì vận may sẽ đến. Hy vọng là vậy, nhưng phải kiên trì nhẫn nại, đừng nản đừng chùn bước trước khó khăn và tâm niệm rằng “Bĩ cực thái lai”
Mong rằng các nông hộ hãy nắm được nguyên tắc này, tự mình cho rằng “Tri túc thường lạc”, sống vừa đủ vui, đủ sướng, không quá độ, và không ganh tị với những hộ giàu có. Bạn nào đang gặp khó khăn, hãy tâm niệm “Bĩ cực thái lai” dứt khoát may mắn sẽ đến với bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét