Kêu dì không kính trọng, vai vế thứ bậc hơn kêu bác?
Thấy ông kia bàn về “bác và dì”trong văn hoá Nam Kỳ và Miền Bắc rồi phang một câu vầy nè:
“Qua mấy ví dụ và phân tích trên, chúng ta thấy rằng, miền Trung - Nam và miền Bắc đã sử dụng hai chiến lược khác nhau trong xưng hô để nhằm đạt được hai mục đích khác nhau.
Cách gọi của miền Bắc chú trọng vào vai vế, trên/dưới, cao/thấp, thứ bậc; còn cách gọi của miền Trung - Nam lại chú trọng vào việc phân biệt nội/ngoại (cả nam/ nữ nữa).
Do đó, xét dưới góc độ ngôn ngữ, cái lợi thế của miền này lại là hạn chế của miền kia, và ngược lại."
Nói kiểu này thì nói cách kêu dì của Nam Kỳ không phân biệt vào vai vế, trên/dưới, cao/thấp, thứ bậc hay sao?
Không chính xác rồi nghen!
Người Nam Kỳ khác người Bắc ở chỗ xung hô để phân biệt tôn ti trong gia đình quy định rõ ràng và rặc ròi hơn ngoài Bắc nữa.
Bắc chỉ có bà, ông, cô và bác làm tới, chẳng phân ra bên nội ngoại thế nào. Chị của cha cũng kêu bác, chị anh cũng bác, mà chị của mẹ cũng kêu bác, ai cũng kêu bác, ai cũng tự mình xưng bác là một sự lộn xộn cũng giống như chủ nghĩa "bố đời" vậy.
Người ta chỉ thích "bố mày" và "bác mày" là hai thứ bậc cao chứng tỏ tư thế rất ngất ngưỡng kiểu không cần nhường ai hết.
Nam Kỳ thì không hề lạm dụng chữ bác, người Miền Nam chia rõ thứ bậc từng trường hợp để con cháu phân biệt mà kính lễ, tôn trọng ngôi thứ, nghe xưng hô là biết người đó đang ở vị trí nào.
Người Miền Nam gốc lưu dân, họ đi vô Nam, họ bỏ tất cả những lề lối kiểu Bắc thủ cựu của hình thái xã hội luỹ tre làng như bố đời, luỹ tre làng, cổng làng, gia phả, anh cả, nhà thờ tộc uy quyền, ông lý trường và thằng mõ.
Miền Nam trên có ông bà cố, trên nữa có ông bà sơ, Miền Tây kêu ông bà cồ, ông bà cốc gì đó.
Ông bà nội sanh ra cha mình, anh em ông bà nội kêu là "ông bà" hết, thí dụ ông ba, bà tư.
Trên cha mình, có anh trai của cha mới kêu bác ruột, dưới có cô ruột. Chị của cha vẫn là cô, em gái của cha cũng là cô, phân biệt vai lớn bằng thứ, thí dụ cha thứ tám thì kêu cô sáu là biết lớn hơn rồi.
Anh của cha có anh ruột và anh họ đều kêu là bác. Chồng cô là dượng, vợ chú là thím, vợ bác là bác gái.
Mẹ mình là dâu, kêu chị chồng là chị và kêu thứ, thí dụ “Em thưa chị hai!”. Mẹ mình là dâu sẽ kêu em trai chồng là chú, kêu anh chồng là anh, kêu vợ anh chồng là chị, kêu em gái của chồng là cô, kêu vợ em trai chồng là thím, kêu chồng của em chồng là dượng, và kêu thứ hết.
Anh chồng kêu vợ của em trai mình là thím
Ông bà ngoại sanh ra mẹ mình
Anh em ông bà ngoại kêu là ông bà hết, cũng kêu bằng thứ. Anh trai mẹ là cậu, em trai mẹ kêu là câu. Vợ cậu là mợ hết, có mợ hai là lớn và nhỏ là mợ út. Còn em gái mẹ là dì, chồng dì là dượng.
Cái chữ "dượng" được áp chung cho ba ngôi ở Nam Kỳ, từ cha dượng (cha ghẻ) tới chồng của cô và chồng của dì.
Mẹ kêu em gái ruột bằng tên, xưng mày tao, xưng chị và em, khi giận kêu là dì kèm thứ, thí dụ : ”Tui mệt dì út rồi nghen!”.
Con của bác mình là vai anh chị lớn hơn mình thì kêu bằng thứ, anh chị Hai, anh chị Ba.
Còn ai dưới vai vế mình thì mình cứ kêu tên nó thoải mái, mày tao cũng không ai bắt bẻ.
Hàng ông bà, chú bác, thím hay cậu dì, mợ, dượng khi mình nói chuyện phải có chữ "dạ thưa" rõ ràng.
Tôn ti trật tự, thứ bậc và nôi ngoại rõ ràng, toàn hàng con cháu phải kính lễ người ngôi trên và hoà khí người ngôi dưới.
Người Miền Nam kêu bác ở vai anh trai và vợ của anh trai của ba. Kêu bác sui, tức là ông bà ngồi sui với cha mẹ mình. Hàng xóm kêu bác cho ông nào lớn tuổi hơn cha mình cùng bà vợ của ổng.
Trong gia đình ruột thịt người Miền Nam chỉ kêu bác ở bên nội, bên ngoại trong vai của mẹ tức vai dì không có vai bác. Ngoại trừ kêu bác sui kiểu sui chuyền của bên ngoại. Thí dụ dì ba ngồi sui với ông Tám. Khi gặp ông tám thì con cháu của dì cũng thưa bác tám luôn.
Người Miền Nam rõ ràng trên dưới, phân biệt nội ngoại dâu rể, mợ dượng rất rành rọt, nó thể hiện rõ vai vế, trên dưới, cao thấp, thứ bậc.
Cách phân biệt ngôi thứ của Miền Nam vừa đầy đủ, vừa thứ bậc, vừa rõ ràng nội ngoại. Không có gia phả nhưng nghe người Miền Nam xưng hô sẽ biết rõ vị trí vai trò từng người trong dòng họ này. Cách xưng hô Miền Nam vẫn giữ đúng lễ của sự kính trọng, hoàn toàn không có hạn chế hay có một sự thụt lùi nào hết nếu không nói là đã quá rành mạch và văn minh.
Thí dụ ngôi dượng là ngôi của rể, ngôi "người dưng"
Vì sao người Miền Nam kêu chồng của cô dì là dượng mà người Miền Bắc lại kêu là chú bác?
Miền Nam thì cha sau được kêu là "dượng" hoặc "cha dượng", chồng cô và dì cũng là dượng. Anh em rể là "anh em cột chèo". Nam Kỳ gọi là “rể điên điển, rể tre, rể bần”
“Vai mang chiếc nón rách, tay xách cổ quai chèo,
Thương con, nhớ vợ, vì phận nghèo phải ra đi”
Nhưng dượng là chồng của cô, là chồng của dì, là chồng của mẹ mình sau này nếu bả đi bước nữa thì đố con cháu nào dám hỗn với dượng? Vẫn phải khuôn phép và lễ phép với dượng dầu biết đó là rể mà thôi.
Thành ra nói người Miền Nam chỉ chủ đích kêu dì chỉ để phân biệt nội/ngoại là không hiểu biết gì về văn hoá Miền Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét