Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Igor Eidman: Nếu sự sụp đổ của Liên Xô là đúng thì Liên bang Nga lẽ ra không tồn tại

@Bài rất hay

22/08/2024, 

Igor Eidman: Nếu sự sụp đổ của Liên Xô là đúng thì Liên bang Nga lẽ ra không tồn tại

Nhà báo Nga nói về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nước Nga.

Có ba đế chế ở Nga, nhưng không có đế chế thứ tư. Đế chế thứ nhất - Đế chế Romanov. Thứ hai là Liên Xô. Thứ ba là Liên bang Nga. Giữa họ vào  1917-1919 và năm 91,xem như có một quá trình nửa tan rã đế chế( chưa hoàn toàn)kết thúc bằng việc tái lập nó.

Năm 1991, Đế quốc Nga, huyền thoại như Liên Xô, sụp đổ. Những mảnh lớn đã vỡ ra khỏi đế chế. Nhưng cốt lõi được gọi là Liên bang Nga vẫn còn. Chỉ những nước cộng hòa mà những người Bolshevik từng trao quy chế liên minh mới có thể giành được tự do khỏi Moscow. Những người khác thì không may mắn; họ vẫn là tỉnh của đế chế mới bị cắt cụt của Liên bang Nga.

Sở dĩ có cuộc chiến tranh tàn khốc như ngày nay là vì lúc đó quá trình  chưa kết thúc, đế chế chưa hoàn toàn tan rã. Đế chế chưa hoàn thiện đang cố gắng lấy lại những phần đã được giải phóng khỏi quyền lực của nó và nói chung là mở rộng ảnh hưởng đã bị suy yếu của nó.

Đây là trường hợp xảy ra sau thời kỳ bán rã 1917-1919, khi đế chế Liên Xô liên tiếp phá hủy nền độc lập của Ukraine, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Khiva, Bukhara, v.v., rồi sau đó là Latvia, Estonia, Litva, và thậm chí sau đó, sau Thế chiến thứ hai - các nước Đông Âu.

Putin đang cố gắng (không thành công) làm điều gì đó tương tự, cố gắng trả thù cho bán tan rã năm 1991.

Đế chế không thể chịu đựng lâu dài hậu quả của thời gian bán hủy của nó. Vấn đề nan giải bây giờ rất đơn giản: hoặc nó sẽ sụp đổ hoàn toàn hoặc nó sẽ tiếp tục mở rộng, trong nỗ lực khôi phục vị thế của mình, cho đến khi dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Putin tuyên bố sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Rõ ràng là đối với những người nghĩ như vậy, sự sụp đổ cuối cùng của đế chế sẽ là một thảm họa thậm chí còn lớn hơn. Lập trường của Putin và những người theo ông là hợp lý trong nội bộ.

Nhưng lập trường của đa số những người theo chủ nghĩa tự do ở Nga là thiếu logic. Họ coi sự sụp đổ của Liên Xô là sự giải phóng, nhưng họ sợ sự tiếp diễn tự nhiên của nó - sự giải phóng các dân tộc và các khu vực thuộc đế chế Liên bang Nga lấy Moscow làm trung tâm.

Xin lỗi, nếu Turkmenistan hoặc Georgia rời Liên Xô, thì tại sao Yakutia hoặc Tatarstan chẳng hạn, không có quyền ly khai khỏi Liên bang Nga? Bởi vì trong một năm tồi tệ nào đó, những người Bolshevik, theo ý thích của họ, đã không trao cho họ địa vị của các nước cộng hòa liên minh (nhân tiện, ở Yakutia, vào cuối những năm 20, thậm chí còn có một cuộc nổi dậy vũ trang yêu cầu họ được trao địa vị này)?

Đã nói “a” thì bạn cũng phải nói “b”. Nếu sự sụp đổ của Liên Xô là đúng, thì Liên bang Nga (cũng vậy, chỉ là một đế chế bị cắt cụt đáng kể) sẽ không tồn tại. Nhưng hầu hết “người Nga tốt” đều không đủ can đảm để thừa nhận điều này.

Thật khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau Liên bang Nga. Có lẽ một số nước cộng hòa và khu vực sẽ chọn nền độc lập hoàn toàn, trong khi những nước khác sẽ thành lập một liên bang hoặc liên minh mới, chân chính, không lấy Moscow làm trung tâm. Có thể có những lựa chọn khác.

Vấn đề chính là nhà nước đế quốc cổ xưa sẽ biến mất, khi một quốc gia hòa bình hay dân chủ, thì không còn là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế bằng một thảm họa hạt nhân.

Quá trình sụp đổ tất yếu về mặt lịch sử của Đế quốc Nga chắc chắn sẽ kết thúc. Tất cả các đế chế châu Âu đều sụp đổ trong thế kỷ 20, ngoại trừ đế quốc Nga. Nó  giống như một xác sống, đang thối rữa, bốc mùi hôi thối và đầu độc thế giới xung quanh bằng phân của mình.

Igor Eidman, Telegram

https://www.facebook.com/share/p/THgCN4vv63cQ7AGT/?mibextid=oFDknk

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2024

TAN MỘNG KHI GẶP NGƯỜI YÊU CŨ.

 TAN MỘNG KHI GẶP NGƯỜI YÊU CŨ.

<Sưu tầm từ Facebook Nguyễn Việt>

Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng. Bệnh viện đông, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gắt má sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm…

Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ “rồi rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông”. Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi: “Sao má con đi lâu vậy?”. Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời. 

Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ .Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…

Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền. Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả. 

Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi quỵt. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than: “Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt”. Má ấm ức: “Phải tía lia, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì”...

Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn. Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về...

Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: “Dì Hiền đẹp lắm hả ba?”. Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ.

Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa?”. Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng: “Chuyện người lớn, con không hiểu đâu”. Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh…

Ba nằm viện được năm ngày, tôi xin chuyển viện lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt. Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên: “Bệnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời”, “Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy”…

Ba khều tôi: “Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút”. Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi. Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có. Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn: “Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không?”.

Anh con trai bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua. Hai người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là… là… cô Hiền phải không?”. Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu.

Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, bộ ngực thả rông xập xệ… dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao ba hay nhắc bấy lâu. Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi gượng gạo. Lúc về, tôi trêu ba: “Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba?”. Ba thở dài: “Thà đừng gặp…”.

Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba. May, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều.

VÌ SAO VIỆT NAM THUA KIỆN CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM?

Chúng ta đã có nhiều bài học đau đớn, phải chấp nhận thua khi coi thường công pháp và dư luận quốc tế nên đã nhiều lần chuyển thắng thành bại. Kéo quân sang Campuchia đánh trả tự vệ và giải tán chính quyền Cộng sản Khmer khi không vận động hành lang pháp lý, chưa được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ, không tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế, để cuối cùng bị Liên hợp quốc cấm vận 10 năm.

Là người Việt, mấy ai không đau lòng khi sau chiến tranh Nam - Bắc, hàng vạn trẻ em sinh ra phải chịu dị tật, đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần bởi chất độc da cam. Nhưng luật pháp quốc tế thì phải dựa trên những cơ sở pháp lý khoa học. 

Xin chia sẻ bài viết sau đây từ fb Tuấn Nguyễn.

VÌ SAO VIỆT NAM THUA KIỆN CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM?

Chất độc da cam có màu... Cam??!! Hồ sơ 1 vụ tự ngộ độc vì tuyên truyền!

Tại sao VN thua kiện chất độc màu da cam? Bài đọc tìm thấy trên mạng khá dài chỉ xin tóm lược những ý chính:

Trước hết, điều đơn giản và dể hiểu là khi bạn bị đâm thì bạn thưa kiện thằng đâm bạn hay thưa thằng bán dao? Như vậy tại sao không thưa Chính phủ Mỹ hay bộ quốc phòng Mỹ mà lại thưa công ty hóa chất?

Có gì khuất tất mà không thưa ngay thằng cầm con dao mà cứ đè thằng bán dao ra mà thưa? Hay là vì 1 thỏa thuận nào đó khi thiết lập bang giao với chú Sam?

Đó là bàn thua 0-1 cho VN

Chất độc màu da cam màu gì? Khi hỏi câu này thì 90% người VN trả lời: thì màu cam chứ màu gì, cái tên đã nói lên tất cả rồi mà hỏi gì mà thừa vậy? Sai, xin thưa nó màu trắng chứ không phải màu cam.

Theo quy ước của chính quyền Mỹ thì các mức độ độc hại được sắp xếp theo màu thì màu da cam đứng hàng thứ 2 trong nhóm chất độc nên các hóa chất khai hoang làm trụi lá cây được chứa trong các thùng màu cam và ghi trên thùng “Orange agents” để cảnh báo.

Do tuyên truyền quá hay nên hầu hết đều tưởng lầm là nó màu cam và điều này dẫn đến 1 tai hại là nhân chứng là 1 cựu binh miền Bắc và 1 anh du kích ở Bến Tre được đưa từ VN sang nói họ nhìn thấy máy bay Mỹ xả chất độc làm vàng chóe cả bầu trời! Mà trong đoàn có 3 nhà trí thức là GSTS Phan Thị Phi Phi của ĐH Y Hà Nội với BS Dương Quỳnh Hoa và BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng-GĐ BV Từ Dũ. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa còn phát biểu trước tòa là chính mắt bà thấy (lúc còn ở trong chiến khu) có 1 thùng chất độc màu da cam còn nguyên bị rớt xuống, khi đi ngang qua ai cũng phải lấy túi nylon che miệng-mũi lại. Và sau đó đưa ra các hình ảnh dị tật của trẻ em VN được coi là do di chứng của chất độc màu da cam.

Đó là lời chứng từ bên nguyên.

Bây giờ xem bên bị nói gì? Họ lặng lẽ trình chiếu vài hình ảnh cho tòa xem. Hình ảnh chất da cam được lấy từ thùng màu cam là hóa chất có màu trắng! Sau đó là quy trình phun chất này trên máy bay: Hóa chất được trộn chung với nước sau khi đã được làm hòa tan với dầu hôi và không có thùng màu cam nào được đưa lên máy bay, đơn giản là người ta xịt hỗn hợp dịch nước chứ không phải rải bột!

Họ còn trình chiếu tấm bản đồ minh họa khu vực xịt chất khai hoang được lưu tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy vùng ngoại vi thị xã Bến Tre (nơi nhân chứng sống) không được xịt thuốc, lý do đơn giản là vùng đó có mật độ cư dân đông đúc.

Hai bàn thua “đúp” cho VN. Tỷ số lúc này là 0-3

Tiếp đến luật sư bên bị hỏi nhân chứng là 1 cựu binh miền Bắc, nơi sinh, nơi cư trú và lý do tại sao ông có mặt tai nơi đó. Họ viện dẫn Hiệp định Geneve và kết luận, ông xâm nhập biên giới bất hợp pháp vào 1 vùng chiến sự, và còn toàn mạng trở về là 1 sự may mắn vì đã không bị trúng bom mìn! Chúng ta được tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược miền Nam, nhưng giờ thì các luật sư bên nguyên trong vụ kiện này mới biết, hóa ra miền Bắc vi phạm Hiệp định Geneve khi xâm lược miền Nam. 

Thêm 1 bàn thua nữa cho VN.

Tổng kết: 0-4 cho Việt Nam, bằng đúng kết quả hiệp 1 trận bán kết World Cub Brazil- Đức. Đó là chưa kể các lời “làm chứng gian” của các nhân chứng. Nếu đây là 1 phiên tòa hình sự thì các nhân chứng có thể bị khởi tố vì tội làm cản trở luật pháp như tất cả phiên tòa trên thế giới.

Ngoài ra bên bị còn cho là VN đã gộp chung các trường hợp dị tật ống thần kinh do thiếu acid Folic vì không có sản phụ nào tại VN được cho uống acid Folic trước và 2 tuần đầu của thai kỳ (bs Phượng lúng túng khi họ chất vấn bà là trong suốt cuộc đời hành nghề của bà cho đến nay, có bao giờ bà kê toa cho sản phụ folic acid trước và ngay khi vừa mới thụ thai không?- thường thì các sản phụ tại VN chỉ đi khám thai khi thai nhi được 2-3 tháng trở lên, khi đó folic acid không còn tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh)) và hình ảnh trình chiếu của bên nguyên có cả những trẻ em mắc bịnh Down! Nhưng tòa cho rằng chi tiết này không quan trọng vì 0-4 là đã quá đủ!

Phiên tòa có 3 cố vấn là 3 nhà trí thức mà không chịu khó tìm hiểu chất độc màu da cam có màu gì để “mớm” cho nhân chứng thì quá tệ.

Sau phiên tòa này, có 1 công văn chính thức sửa tên chất độc màu da cam thành chất độc da cam (bỏ đi chữ “màu” tai hại) và từ nay trên mặt báo sẽ là chất độc da cam.

P/S: trong chất khai hoang (chất độc màu da cam) mà Mỹ rải xuống miền nam có chất Dioxin là 1 hóa chất rất độc hại và là 1 phụ phẩm ngoài ý muốn trong quá trình sản xuất nhưng với 1 tỷ lệ rất nhỏ, nếu so về mức độ độc hại thì chất khai hoang này còn thua DDT (dichloro diphenyl trichlorothane) đã bị cấm từ thập niên 1970s mà chất này được sử dụng rộng rãi cả 2 miền Nam-Bắc để diệt côn trùng.

Chất khai hoang này (2-4-D và 2-4-5-T) với 1 liều rất nhỏ (vài chục phần triệu) thì là 1 chất kích thích sinh trưởng thực vật, hiên nay có bán rất nhiều tại VN và có trong hầu hết trái cây có xuất xứ từ NƯỚC LẠ. Hiện được sử dụng rất hạn chế bởi độc tính của nó và vì có nhiều chất thay thế ít độc hơn, nhưng có ưu điểm là giá rất rẻ nên táo, lê…bán ở VN thường có dư lượng chất này.

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

Nguyễn Lê Anh: Khái niệm Linh Hồn

 Khái niệm Linh Hồn.

Linh hồn, hay ma, hay thần thức đều là các khái niệm có bắt đầu là ao ước về cuộc sống sau cái chết. Chúng được hiểu là các đối tượng tạo ra thế giới tâm linh. Một trong số các câu hỏi đặt ra, khái niệm về thế giới tâm linh xuất hiện thế nào, vì sao chúng ta có khái niệm về những thứ không có thực, chứng minh tâm linh không tồn tại thế nào?

Chúng ta bắt đầu từ những con vi khuẩn, vi trùng. Ngày nay chúng ta nhìn thấy chúng nhờ kính hiển vi điện tử phóng đại lên nhiều nghìn lần. Tuy nhiên trước đây khi con người còn sống thành bộ lạc họ chưa thể biết được vi khuẩn, vi trùng, nhưng họ biết được sự kiện khi ở gần các xác chết sẽ bị (lây nhiễm bệnh mà) chết theo. Như thế tất cả các bộ lạc đều có nhận thức về sự khác biệt giữa người còn sống và người đã chết. Tình mẫu tử níu kéo người thân, không muốn rời xa. Đấy là nguyên nhân dẫn loài người tới khái niệm cuộc sống sau cái chết, mà chúng ta vẫn gọi là linh hồn. 

Theo như định nghĩa thì không thể nhận thấy bất luận một liên hệ gì giữa linh hồn với người sống, bởi nếu có thì họ đã sống. Mọi liên tưởng đều được thực hiện dựa trên sự hình dung của những người   thân. Người ta cho rằng các linh hồn vẫn sống và sống theo quy tắc "trần sao âm vậy". Người ta xây dựng cho linh hồn các cấu trúc như vua chúa và coi cái thế giới tâm linh được điều hành bởi một vị hoặc một hệ thống các vị quan chức rất lớn là Ngọc Hoàng, hay các Bồ Tát. Dần dần sự kiện nhân sinh quan ấy chuyển hóa thành thế giới quan, theo đó người ta coi con người gồm hai phần, phần thể xác và linh hồn. Phần linh hồn tồn tại vĩnh viễn và nhập vào thể xác tạo ra sự sống. Sau khi chết thì linh hồn thoát ra khỏi thể xác mà bay về trời hay bị đầy xuống địa ngục. Chế độ chiếm hữu nô lệ sử dụng cấu trúc thể xác và linh hồn ấy để duy trì sự thống trị. Con người ngay từ khi còn nhỏ đã bị nhồi nhét khái niệm linh hồn, kiếp số, địa ngục, thiên đàng... Đấy là các phạm trù được dùng để kiến tạo ra sự thống trị dựa trên khái niệm tâm linh.

Sự giao tiếp giữa thế giới vật chất có thật với thế giới tâm linh được cho là thực hiện thông qua các nhà sư hướng dẫn. Cúng dường cho nhà sư được cho là để thỏa mãn yêu cầu của vong (tức linh hồn của ai đấy), nếu không thì vong sẽ bắt (tức bị chết). Cúng dường cho nhà sư được coi là phước lành, cúng càng nhiều thì phước càng lớn, tức cơ hội thăng tiến càng lớn. Những lập luận hoang tưởng này đã và đang thống trị nhận thức của con người trong xã hội Việt Nam nhiều nghìn năm qua. Mọi sự chống đối Phật giáo đều bị quy cho là tạo nghiệp ác, và phải xám hối và cúng. 

Như chúng ta đã hiểu, Phật giáo sử dụng các thủ pháp vô thức, tức nhồi nhét vào đầu trẻ em khi chúng chưa có nhận thức về các phạm trù như ma quỷ, số kiếp, linh hồn... Vào chùa các bạn có thể nhận ra đầy dãy các hình tượng dọa nạt về sự bị đày đọa sau khi chết. Các ban cũng nhìn thấy các tượng Thích ca màu Ni (vua của cõi tâm linh) ngồi đè đít lên đầu vua. Những tượng thế này làm xuất hiện trong lòng các tín đồ nhận thức về quyền lực của Phật giáo là mạnh mẽ hơn các vua chúa, tức mạnh hơn các lãnh đạo cấp cao như chủ tịch nước hay thủ tướng chính phủ. Phật giáo nhanh chóng chiếm đoạt nhân cách của những người nổi tiếng. Ví dụ như việc khẳng định Einstein là tín đồ phật giáo. Ashoka cũng chịu chung số phận bị Phật giáo chiếm đoạt nhân cách. Ngày nay Quang sư, một kẻ tâm thần hoang tưởng, tự cho mình là cùng có máu mủ họ hàng với Hồ Chủ Tịch. Quang sư đang nhét vào mồm Hồ Chủ Tịch những thứ như "Hồ Chủ Tịch phát biểu ra tiên đề tâm linh".

Hiện Quang sư được trường đại học Luật Việt Nam cho bảo vệ thành công luận án và công nhận là tiến sĩ Luật. Trường đại học Luật Việt Nam -- cơ quan có chức năng kiến tạo ra nền công hòa -- đang bị tâm thần nặng.  

Mấu chốt của tôn giáo là khái niệm về thế giới tâm linh, trong đó thể xác con người được linh hồn (khả năng tư duy, khả năng tạo ra ý thức) nhập vào. Như thế linh hồn là chủ của thể xác, nó vận hành (như chúng ta lái chiếc xe) thể xác theo ý muốn của nó dưới dạng nhận thức và hành động. Vào năm 1981 Roger Wolcott Sperry đã nhận được giải thưởng Nobel trong thí nghiệm về nhận thức. Thí nghiệm cho thấy nhận thức không phải là một thứ trọn vẹn theo linh hồn mà là do cấu trúc của thể xác tạo ra. 

Roger nối dây thần kinh vận động ở chân chuột nên dây thần kinh bên trái điều khiển chân phải và ngược lại. Sau đó, Roger đặt những con chuột vào một chiếc lồng bên dưới có lưới điện. Lưới được chia thành 4 phần phân tách nhau và có điện. Mỗi chân của con chuột được đặt vào ở một trong bốn phần của lưới điện. Các cú sốc điện được thực hiện đối với các chân của chuột. Mỗi lần bị điện giật vào chân trái chuột sẽ nhấc chân phải lên và ngược lại. 

Sau nhiều lần kiểm tra, Roger phát hiện ra những con chuột không bao giờ học được cách nhấc đúng bàn chân lên. Điều này dẫn đến kết luận rằng "Không thể có một thứ linh hồn nào điều khiển thân thể". Tất cả phụ thuộc vào cấu trúc vật chất của cơ thể. Như thế ý thức của chúng ta không phải là hồn thứ từ thế giới tâm linh nhập vào tạo ra mà là sản phẩn của cấu trúc vật chất của bản thân cơ thể. 

Giải thưởng Nobel được trao cho các thí nghiệm của Roger thực hiện trên người. 

Não được chia thành hai bán cầu, bán cầu não trái và phải, được kết nối ở giữa bởi một phần não gọi là thể chai. Não phải điều khiển tay trái, và ngược lại. Tín hiệu do mắt phải nhìn được do não trái xử lý, tín hiệu do mắt trái nhìn được do não phải xử lý. Chỉ não trái mới điều khiển cơ quan nói ra âm thanh.

Căn bệnh động kinh gây ra các cơn co giật dữ dội và dai dẳng. Các cơn co giật bắt đầu ở một bán cầu não và tiếp tục lan sang bán cầu não còn lại. Việc cắt thể chai giúp ngăn chặn cơn động kinh di chuyển từ bán cầu não này sang bán cầu não kia, từ đó ngăn ngừa cơn động kinh xảy ra, do đó cho phép bệnh nhân hoạt động bình thường thay vì phải chịu đựng những cơn động kinh liên tục.

Ở những bệnh nhân thể chai đã bị cắt đứt thì "não bị chia đôi". 

Roger yêu cầu bệnh nhân "não bị chia đôi" đặt tay trái của họ vào một khay đầy các đồ vật nằm dưới một vách ngăn để bệnh nhân không thể nhìn thấy các đồ vật đó. Giữa mắt phải và mắt trái có vách ngăn để chúng không đồng thời nhìn thấy cùng một vật.

Sau đó, một từ được hiển thị ra cho mắt bên trái đọc, thông tin được xử lý bởi bán cầu não phải. Từ này mô tả một trong những đồ vật trong khay. Tay trái của bệnh nhân cầm đồ vật tương ứng với từ đó. 

Tuy nhiên khi được hỏi về tên gọi đồ vật đang cầm trong tay bệnh nhân đã không thể trả lời được. Mắt trái nhìn thấy từ đó nhưng chỉ não phải mới biết từ đó ứng với vật gì, và não phải bảo tay trái cầm nó lên. Nhưng vì bán cầu não phải không thể nói và bán cầu não trái không hề biết vật mình đang cầm trong tay trái nên bệnh nhân không thể diễn đạt những gì họ đã nhìn thấy.

Như thế "Không thể có một thứ linh hồn nào điều khiển thân thể". Tất cả phụ thuộc vào cấu trúc vật chất của cơ thể. Như thế ý thức của chúng ta không phải là hồn, thứ từ thế giới tâm linh nhập vào tạo ra, mà là sản phẩn của cấu trúc vật chất của bản thân cơ thể. 

Hồn -- nền tảng cơ bản tạo ra tôn giáo đã không còn. 

Tài liệu dẫn

https://www.facebook.com/nguyenleanh2007/posts/10222334427366854


Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

Bài rất đáng đọc và nghĩ suy

 Bài rất đáng đọc và nghĩ suy. Thanks

“Trước khi rời khỏi ghế Chủ tịch FPT Software, ông Hoàng Nam Tiến gửi lời khuyên cho thế hệ Z: “Muốn sống sót, bắt buộc các bạn phải TỰ HỌC kiến thức mới”

“Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới” – đó là điều mà ông Hoàng Nam Tiến muốn chia sẻ với thế hệ Z – những bạn trẻ sinh sau năm 1995 và đang phải chuẩn bị đưa ra những lựa chọn quan trọng cho tương lai của mình.

Lim - con gái thứ 3 của tôi đang theo học chuyên ngành Quản lý Khách sạn ở Nhật Bản. Trước khi con bé học Đại học, 2-3 năm trời liên tục, ba con tôi ngồi với nhau, để cùng nhau trò chuyện xem đâu sẽ là ngành học phù hợp nhất với con. Cuối cùng chúng tôi cùng đồng ý rằng, với tính cách cẩn thận, chu đáo, nó chọn ngành dịch vụ sẽ là phù hợp nhất.

Tôi chu cấp cho con tôi số tiền đủ để con có thể sống trong thời gian du học ở Nhật Bản. Nhưng con bé vẫn đi làm thêm. Con nói, con đi làm thêm không phải để kiếm tiền tiêu vặt, mà là để rèn luyện khả năng đứng nhiều giờ đồng hồ liên tục mỗi ngày.

Tôi càng ngẫm nghĩ về điều đó, thì càng thấy lựa chọn của con mình là đúng, vì nếu như con tôi không chịu đựng được việc đứng trên đôi giày cao 3cm của nhân viên phục vụ mỗi ngày đủ 5 tiếng đồng hồ, thì làm sao con có thể theo đuổi được công việc của một người quản lý khách sạn – cái nghề mà có thể đòi hỏi nó đứng 10 tiếng mỗi ngày. Một kỹ năng nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng nếu không có thì dù con tôi có tốt nghiệp một trong những ngôi trường Top về chuyên ngành Quản lý khách sạn với tấm bằng loại ưu, nó cũng không bao giờ có cơ hội trở thành một nhân viên khách sạn giỏi.

Tôi thường xuyên phải đi săn đầu người cho công ty của mình. Và tôi phát hiện ra, có một tỷ lệ quá cao các bạn sinh viên sau khi ra trường apply vào FPT Software đang ngồi nhầm chỗ, học nhầm nghề, theo đuổi một thứ chẳng hề phù hợp với năng lực và tính cách của chính các bạn ấy. Tôi gặp không ít những bạn mới chỉ làm F-Soft được 6 tháng đã lên gặp tôi, vò đầu bứt tai: "Em sẽ bỏ việc, không phải vì em ghét anh Tiến, mà bởi vì em không thể chịu được việc ngồi làm việc trước máy tính triền miên như này được".

Nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng tìm được một kỹ sư phần mềm có năng lực làm việc khó một, thì tìm được người có năng lực ngồi trước màn hình toàn chữ số và code suốt 8 -12 tiếng mỗi ngày khó hơn rất nhiều lần. Vì xin thưa với các bạn, đó là một trong những công việc vô cùng nhàm chán với nhiều người.

Khi tôi than phiền với leader của các công ty phần mềm lớn trên thế giới, tôi mới biết rằng hóa ra các công ty phần mềm trên thế giới họ có cả bài test về tính cách để tuyển dụng những người làm nghề này, trong đó yếu tố tính cách, sở thích, hoàn cảnh gia đình và điều kiện sống sẽ là một trong những tiêu chí quyết định xem ứng viên có thể chịu đựng được công việc hay không. Và khi học theo cách làm này, tôi mới phát hiện hóa ra những người ngồi nhầm chỗ, chọn nhầm nghề là vô cùng nhiều.

Tôi thường hay hỏi các bạn sinh viên trẻ một câu, rằng "điều gì khiến các em lựa chọn nghề nghiệp này", và rất nhiều câu trả lời khiến tôi vừa buồn, vừa lo lắng: Phần lớn các em chọn nghề theo ý bố mẹ chứ không dựa trên các nguyện vọng cá nhân và không tìm hiểu về nghề mình chọn, cũng như không quan tâm việc mình có thực sự phù hợp với nó hay không. Ví dụ học giỏi toán thì sẽ mặc nhiên thi vào Bách khoa; học giỏi Sinh thì sẽ thi vào trường Y; vì dốt các môn tự nhiên nên học các ngành xã hội nhân văn. Hậu quả là hơn 50% sinh viên ra trường không làm đúng nghề. Với một người chuyên làm Head hunter như tôi, đó là điều rất lãng phí. 4-5 năm học để học thứ không phù hợp với bạn và có thể chẳng giúp ích gì (thậm chí là không dùng đến) cho bạn trong tương lai, bạn không thể hình dung bạn đã bỏ lỡ điều gì và đã tụt hậu đến đâu trong thời đại mà mọi thứ thay đổi từng ngày như này.

Tôi luôn nghĩ rằng thế hệ Z sẽ là thế hệ "Global citizen" – công dân toàn cầu. Các bạn đang là 33% tổng dân số toàn cầu và cần nghiêm túc nghĩ về kĩ năng cần có để sống sót trong thời đại này.

Khi nghĩ công việc, đương nhiên chúng ta phải nghĩ đến tương lai mình sẽ làm gì để sống. Nhưng nếu thế hệ cha mẹ các bạn chỉ tìm kiếm những công việc ở trong nước, học những trường để sao ra trường cốt xin được việc làm gần nhà, thì thế hệ Z phải là thế hệ nghĩ đến thị trường công việc Global. Vì quy mô công việc trên thế giới lớn hơn 3000 lần so với Việt Nam. Thế thì tại sao không chọn thị trường với 3000 lần hơn số cơ hội? Tại sao lại bó hẹp mình trong đất nước này? Tại sao không nghĩ người Việt Nam đi ra nước ngoài không phải sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai làm lao động chân tay, mà là dùng trí tuệ của mình có thể đàng hoàng để đến những quốc gia giàu có nhất, những môi trường làm việc đòi hỏi cao nhất như Silicon Valley, như New York...

Để có thể trở thành "Global citizen", ngoài kiến thức, các bạn cần học ngôn ngữ. Là ngôn ngữ, chứ không phải ngoại ngữ. Vì bây giờ, biết Tiếng Anh là bắt buộc. Muốn có tương lai thì phải học Tiếng Anh. Còn nếu ai đó lý luận rằng "tôi không cần biết Tiếng Anh vẫn có thể làm viêc ở Việt Nam" thì ok, tất nhiên thế nào chẳng sống được. Không biết tiếng Kinh còn sống tốt nữa là.

Tôi là một người của thế hệ "one-time learning" – thế hệ chỉ học một lần rồi ung dung sử dụng các kiến thức đó cho suốt phần đời còn lại của mình mà vẫn có thể thành công trong cuộc sống. Vì thời đại của chúng tôi sống chỉ cần đơn giản như thế là đã có thể thành công. Nên phần lớn những người trong thế hệ tôi, họ không nghĩ về việc đi học nữa. Không sao cả, vì họ may mắn sinh ra trong bối cảnh xã hội tương đối dễ dàng! Nhưng nếu thế hệ Z các bạn mà chọn cách sống đó, thì cho phép tôi được nói rằng: các bạn sẽ "chết" trong thời đại này!

Vì sao tôi lại dùng từ "sống sót"? Hãy nhìn vào những thay đổi của thị trường lao động.

2,7 triệu công nhân may Việt Nam, hơn 1 triệu công nhân da giày, gần 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử, không quá 10 năm nữa sẽ mất hết việc. Và việc đó đã diễn ra bắt đầu ngay từ bây giờ. Vì một con robot hiện nay để làm việc thay người trong các nhà máy có giá khoảng 250 nghìn USD, nhưng trong 5-10 năm tới chỉ có giá 30.000 USD. Khi đó việc sản xuất 24/7/365 ngày trong năm trong các nhà máy không có ánh điện sẽ hoàn toàn khả thi. Nếu bạn là nhà đầu tư, là chủ sản xuất, thì bạn nghĩ liệu bạn sẽ chọn công nhân hay robot? Kiếm đâu ra ở trên thế giới này giá nhân công đủ rẻ hơn và có thể đua được với người máy về năng suất lao động?

Hàng chục ngàn cô gái ngồi ở mỗi ngân hàng làm nhân viên giao dịch, phần lớn đều học đại học, cũng sẽ mất việc trong 10 năm tới. Bởi vì bây giờ các ngân hàng bắt đầu sử dụng hệ thống live banking. Khi thế hệ Z trưởng thành, họ sẽ không ra ngân hàng giao dịch nữa mà giao dịch trên internet banking. Hàng chục ngàn cán bộ tín dụng đánh giá tín dụng cũng sẽ mất việc, bởi hệ thống đánh giá của AI (trí tuệ nhân tạo) dựa trên big data sẽ chính xác và trung thực hơn rất nhiều.

Phần lớn các bác sĩ bây giờ làm việc chẩn đoán đa khoa. Nhưng việc chẩn đoán của AI bây giờ đã vượt các bác sĩ dưới 10 năm kinh nghiệm. Hệ thống của IBMWATSON Health đã tập hợp kiến thức của hơn 5000 bác sĩ về ung thư giỏi nhất thế giới + hàng triệu case study. Dựa trên những data đó, máy móc đã có khả năng chẩn đoán ung thư cực kì chính xác. Hiện giờ giá thành cho hệ thống đó vẫn còn quá đắt, nhưng nó sẽ rẻ xuống rất nhanh. Khi đó người ta chỉ cần bác sĩ thật giỏi để làm phẫu thuật, chứ không cần bác sĩ khám bệnh nữa. Rất nhiều bác sĩ sẽ mất việc.

Nếu bạn có ý định trở thành giáo viên thì bạn cũng nên lo đi là vừa. Vì ngày mai, thế hệ này sẽ muốn học trực tiếp với những người giỏi nhất thế giới. Và điều đó không khó. Vì hệ thống lớp học online đang ngày càng nở rộ và trở nên phổ biến. Hàng rào về ngôn ngữ không còn nữa.  Khác biệt về ngôn ngữ cũng có thể được hỗ trợ bởi AI. Nghề giáo không còn là nơi trú ẩn an toàn nữa.

Nghề luật sư cũng thế. Luật sư để tranh tụng trước tòa, để đàm phán, thương thuyết thì máy móc không thể thay thế. Nhưng nếu để tra cứu chéo các bộ luật, phân tích sự ảnh hưởng và đưa ra lời khuyên cho khách hàng thì trong 5 năm tới, AI sẽ làm việc đó tốt hơn con người với kho big data vô hạn mà nó thu thập được. Sẽ có rất nhiều luật sư mất việc.

Ở một thời đại mà công việc đang là mốt hôm nay có thể hoàn toàn biến mất trong tương lai, thì kỹ năng tự học và học liên tục là quan trọng nhất.

Ngày xưa một bác sĩ học 6 năm thì sau khi ra trường, những kiến thức ấy đủ cho họ dùng trong 10 năm. Bây giờ thì không có cách nào để một bác sĩ đó có kiến thức để làm việc 10-15 năm tiếp theo. Vì các kiến thức y khoa, các phác đồ điều trị mới, các loại thuốc mới thay đổi theo từng ngày. Thế hệ "one-time learning" đã qua rồi. Giờ là thời đại của "lifelong learning". Peter Schwartz – người từng là cố vấn cho hai đời Thủ tướng Singapore đã nói rằng, với ông ta, kỹ năng quan trọng nhất để tồn tại trong thời đại bây giờ là khả năng tự học. Dù đã hơn 60 tuổi, ông vẫn tham gia các khóa học online và tự mình cập nhật các kiến thức theo nhiều cách khác nhau để tránh bị tụt hậu. Ông ấy thường trích dẫn một câu nói mà ông vô cùng tâm đắc của Alvin Toffler: "Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới".

Nhưng đừng nghĩ rằng lâu lâu đọc một cuốn sách, lâu lâu dự một hội thảo nào đó, tiếp xúc với một guru (một chuyên gia hàng đầu) trong lĩnh vực nào đó thì đã gọi là học. Những thứ đó chỉ mang lại cho bạn những ý niệm ban đầu. Còn để học nó, hiểu nó, bạn phải bỏ thời gian đi học, để đảm bảo được 3 việc: Cung cấp cho bạn cơ sở lý luận: Why? What to do? How to do?

Một năm tôi có khoảng 1000 giờ bay, 2000 giờ đi làm việc với đối tác. Chưa kể việc ăn cơm, tiếp khách. Nhưng mỗi ngày, tôi dành 1-2 tiếng tự học. Tôi tham gia các khóa học online có yêu cầu kiểm tra khắt khe về đầu ra. Mỗi ngày, nếu tôi không vượt qua được phần bài tập của khóa học thì tôi không thể tiến lên được level tiếp theo, không thể kết thúc khóa học của mình và bị phạt tiền về việc đó.

Năm nay tôi 51 tuổi. Kể cả tôi đã gặt hái được chút thành công trong mắt một số người, thì tôi vẫn có thể tụt hậu nhanh chóng trong một hai năm tới, nếu như tôi không tự update những verions mới của chính tôi mỗi ngày. Thế hệ Z các bạn thì sao?

Trước giờ chúng ta quá ỷ lại vào vai trò dạy kiến thức của nhà trường. Nhưng vai trò của nhà trường trong thời đại bây giờ sẽ không phải là nơi để dạy kiến thức cho học sinh nữa, mà là dạy các bạn kỹ năng tự học. 6 năm trước, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận đã từng nói: "Dạy học đã thay đổi. Cần phải chú trọng phát triển cá nhân. Trước đây nói dạy 1 lớp 40 em. Giờ phải nói dạy 40 em một lớp"  - nhiều người không hiểu câu nói này nên đã chế giễu ông. Nhưng câu nói đó thật ra rất chính xác. Nền giáo dục hơn 1000 năm nay của người Việt - nền giáo dục một chiều, thầy giảng - trò nghe, thầy đọc – trò chép đã đến lúc phải chấm dứt và nhất định phải chấm dứt. Giáo dục bây giờ là phải lấy học sinh làm trung tâm. Chứ không được phép đánh đồng, cào bằng, vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, với những tính cách, khả năng riêng biệt, với những ưu – nhược điểm riêng biệt và khả năng tiếp nhận kiến thức riêng biệt. Một chương trình chung cho ngần đó đứa trẻ là cách hủy hoại cá nhân nhanh chóng nhất. Giáo dục bây giờ là định hướng cho học sinh kỹ năng để chúng tự học những gì tốt nhất cho chúng và tự tìm được con đường tốt nhất cho mình, để sống sót trong thời đại này.

Thế hệ Z các bạn – thế hệ phải cạnh tranh bằng sự khác biệt có sống sót được không? Câu trả lời tùy thuộc vào sự chuẩn bị và sẵn sàng của chính các bạn!

Theo Trí Thức Trẻ”

Nguồn FB Vu Thuy Phuong và Lưu Hoài Anh