Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2024

FB Nguyễn Chương-Mt:  NHỮNG GIÁ TRỊ KHÔNG BAO GIỜ CŨ

 NHỮNG GIÁ TRỊ KHÔNG BAO GIỜ CŨ

(đúng ngày này cách đây 5 năm, 31/10/2019, tiến sĩ Trần Công Tâm qua đời, thọ 72 tuổi - thành thử xin đăng lại bài của anh viết về quê nội Gò Công, thay cho nén tâm hương tưởng nhớ. 

Anh sinh trưởng ngoài Bắc, về sau này anh thường về Gò Công nhiều lần để tìm hiểu gia tộc Trần Công (thân phụ của anh là Luật sư Trần Công Tường)

&1&

Thị xã Gò Công thuộc Tiền Giang là một thành phố nhỏ điển hình (hơn 100.000 dân) của Miền Tây Nam Bộ. Một thành phố qui hoạch kiểu Pháp thuộc địa truyền thống, bao gồm các ô bàn cờ vuông vức gọn gàng, với những dãy phố nhỏ sáng sủa, xinh xắn, sạch sẽ và thanh bình. Ngoài khu trung tâm khá hiện đại và nhộn nhịp, Gò Công còn có một khu ngoại ô yên tĩnh chìm trong những vườn hoa trái xanh mướt.

Khác với vẻ ngoài hiền hòa, Gò Công có một vị trí khá đặc biệt, và là một vùng đất có tiếng là “địa linh nhân kiệt”! Gò Công được chính thức ghi danh trong địa bạ Xứ Đàng Trong ngay từ năm 1756 với cái tên "Lôi Lạp".

Còn cái tên "Gò Công" đi vào chính sử nhà Nguyễn từ năm 1788. Đó là năm mà Võ Tánh, một quái kiệt nhà Nguyễn dựng cờ “Khổng Tước nguyên Võ”. Có thể nói Võ Tánh, người mấy năm trước đó đã đưa nghĩa quân Kiến Hòa chống Tây Sơn về khai hoang lập ấp ở đất Lôi Lạp, chính là người đã mang lại cho vùng đất này cái tên Gò Công (gò Khổng Tước).

Cũng năm 1788, nhận lời mời khẩn thiết của Nguyễn Ánh, Võ Tánh đã đưa đạo quân Kiến Hòa hơn 10.000 người về hội quân với chúa Nguyễn ở Nước Xoáy (Sa Đéc). Cuộc hội quân lịch sử này, đã tăng cường đáng kể binh lực nhà Nguyễn và tạo bước ngoặt đầu tiên trong cuộc chiến Nhà Nguyễn – Tây Sơn. Từ đó quân Tây Sơn không còn khả năng tiến quân vào Nam Kỳ, mà phải lui dần về phòng thủ từ Khánh Hòa trở ra miền Trung.

Trong hầu như toàn bộ kỳ thời Pháp thuộc, thị xã Gò Công là tỉnh lỵ của tỉnh Gò Công. Thời đó Gò Công là tỉnh nhỏ nhất ở Việt Nam với diện tích chỉ khoảng 570 km2. Gò Công vẫn giữ qui chế tỉnh cho đến năm 1956 và trong giai đoạn 1964-1975 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. 

Hiện nay địa giới tỉnh Gò Công cũ thuộc về tỉnh Tiền Giang.

Về kiến trúc đô thị, ở thị xã Gò Công có khá nhiều điểm nhấn thú vị. Đầu tiên có thể kể đến Dinh Tỉnh trưởng (xây 1885) to nhất Nam Kỳ. Tiếp theo là hơn 200 ngôi nhà cổ 120-150 năm các loại, chiếm gần 70% số nhà cổ của cả tỉnh Tiền Giang, một trong những tỉnh nhiều nhà cổ nhất Nam Bộ. 

Trong số này có nhà Đốc phủ Hải, một công trình kiến trúc cổ độc đáo và đặc sắc được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Đó cũng là lý do tại sao từ 1885-1956, thị xã Gò Công đã từng có tên rất đặc biệt: "LÀNG THÀNH PHỐ" (Village de la Ville).

Về con người, tuy là một tỉnh nhỏ, nhưng Gò Công có khá nhiều nhân vật để lại dấu ấn trong lịch sử Việt Nam. 

Ngoài quái kiệt Võ Tánh nhà Nguyễn, Gò Công là căn cứ và nơi tuẫn tiết của Trương Định, người anh hùng chống Pháp lừng danh ở Nam Kỳ lục tỉnh. 

Là quê hương của nhà văn Hồ Biểu Chánh, một trong những tác gia mà tác phẩm được tái bản và dựng phim nhiều nhất Việt Nam hiện nay.

Gò Công cũng là quê hương của nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh (Nguyễn Thị Kiêm), một người phụ nữ kỳ lạ. Bà là nữ nhà báo phóng viên Việt Nam đầu tiên, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã đăng thơ theo phong cách và viết bài về thơ mới. Đặc biệt, bà là người Việt Nam đầu tiên lên diễn đàn cổ súy “Lối thơ mới” (ngày 26/07/1933 tại Hội Khuyến học Sài Gòn khi mới 19 tuổi).

Người phụ nữ can đảm này còn là người đầu tiên truyền bá nữ quyền ở Việt Nam. Cụ thể, trong những năm 1933-1935, bà đã nhiều lần đăng đàn diễn thuyết ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định hô hào, truyền bá thơ mới và nữ quyền.

Nhưng có lẽ nhân vật quê Gò Công được người Việt Nam biết đến nhiều nhất, là bà Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức), nổi tiếng về đức độ và những dấu ấn để lại.

&2&

Còn ngày nay khi về Gò Công, ấn tượng lớn nhất với tôi là nhịp sống chậm rãi yên ả của những người Gò Công bình dị cởi mở, hiền hòa và thân thiện. Là đoàn nữ sinh áo dài trắng tinh khôi vui tươi ríu rít trên đường phố, hệt như Hà Nội và Sài Gòn thời xưa cũ đã lâu lắm...

Một ấn tượng thú vị khác, là những di tích kiến trúc lịch sử nổi tiếng Nam Bộ. Ngoài Dinh Tỉnh trưởng và nhà cổ Đốc phủ Hải kể trên, đó là Lăng Trương Định, Lăng Hoàng Gia của Quốc Công Phạm Đăng Hưng, đền Võ Tánh, Đình Trung, nhà thờ Thánh Tâm, chùa Thanh Trước, Hội quán của 5 bang hội người Hoa …

Tuy nhiên, khi đến bất cứ thành phố nào tôi luôn cố gắng đi tìm nơi cất giữ “hồn cốt” của người dân địa phương. Và ở Gò Công tôi đã tìm được Văn Thánh Miếu (文 聖 廟). 

... Trong khi đi dạo Gò Công, tôi phát hiện ra một ngôi nhà hai tầng có kiến trúc nửa Pháp và nửa Việt Nam truyền thống kiều đền chùa đầu thế kỷ 20, tọa lạc trong một khuôn viên gần 1000 m2 ngay ở trung tâm thị xã.

Ở trên cửa ra vào có hàng chữ Văn Thánh Miếu và trên cột bên phải là biển hiệu “Hội Cựu Giáo chức Gò Công”. Một sự kết hợp kỳ thú, thể hiện sự tôn trọng và tiếp nối truyền thống giáo dục rất đặc biệt, mà tôi chưa thấy ở nơi nào khác ở Việt Nam (kể cả ở những nơi người ta chi rất nhiều tiền để trùng tu, hoặc xây dựng mới Văn Miếu). 

Và trong một chuyến về Gò Công, tôi may mắn được dự buổi sinh hoạt đầu tuần thường kỳ của Hội Cựu Giáo chức Gò Công. Được sự hướng dẫn của các bậc tôn trưởng trong hội, tôi đã lên viếng tầng hai Văn Thánh Miếu và thắp hương cho các bậc tiên hiền, các thầy cô giáo đã quá vãng của ngành giáo dục Gò Công.

...  Phía bên trái là một bàn thờ các danh sư Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Võ Trường Toản và một số người khác.

Ở phía đối diện, bên phải là bàn thờ của ba bậc tiên hiền của nền giáo dục Gò Công hiện đại. Phía bên phải bàn thờ này là một Bảng Vàng “Giáo Viên Quá Vãng”. Phía tường đối diện và phía bên trái bàn thờ danh sư Việt Nam là hai Bảng Vàng khác tiếp nối. Tổng danh sách hơn 500 thầy cô quá vãng ở Gò Công qua nhiều thời kỳ.

Tầng một của Văn Thánh Miếu là Trụ sở của Hội Cựu Giáo chức Gò Công bao gồm khuôn viên phía trước và sân sau khá rộng rãi. Nhà chính gồm tiền sảnh – hội trường khoảng 150 m2 và khu nhà sau. Hội cựu Giáo chức Gò Công hiện có hơn 600 hội viên gồm Ban chấp hành và 25 tổ hội viên.

Ngoài những hoạt động thông thường như đi dự đám tang, đám cưới, thăm người ốm, sinh nhật , thượng thọ, ngày lễ lớn của hội viên và gia đình. Hội có một chương trình hoạt động và trao đổi văn hóa phong phú giữa các hội viên, với cựu giáo chức Gò Công trong ngoài nước và cả với đồng nghiệp nước ngoài. (...)

&3&

Tôi đã đọc được niềm vui chân thành giản dị và ấm áp trong ánh mắt của những người tham dự cuộc giao lưu. Tôi nhìn thấy truyền thống HIẾU HỌC, "tôn sư trọng đạo" trong thái độ đối với bậc tôn trưởng, đối với các nhà giáo hưu trí của những thế hệ giáo chức lứa sau. 

Tôi cũng đọc được truyền thống "tiên học lễ, hậu học văn" trong cái vòng tay, trong cái cúi đầu của trẻ em, của các cháu học sinh Gò Công trước người lớn trong gia đình và ngoài đường phố. Và tất nhiên, trong tà áo dài trắng tinh khôi của nữ sinh Gò Công. Những đứa trẻ và người trẻ mà câu "tiên học lễ, hậu học văn" và truyền thống hiếu học hình như được bú mớm cùng với sữa mẹ.

... Cũng phải nói rằng Gò Công là một khu vực may mắn của Miền Tây Nam Bộ. Thứ nhất, tỉnh Gò Công (nói riêng là thị xã) là vùng hầu như không bị chiến sự chạm đến trong các cuộc chiến tranh Việt Nam, và không bị ảnh hưởng của những cuộc đấu tranh chính trị tàn khốc giữa thế kỷ 20 ở Việt Nam.

Thứ hai, Gò Công không bị các làn sóng di cư 1954 và 1975 làm đảo lộn nếp sống đáng kể. Một điều dễ nhận thấy, ngay cả trong văn hóa ẩm thực. Đến nay ở thị xã Gò Công, vẫn rất ít quán thịt vật nuôi trong nhà.

Thứ ba, phải nói rằng những người lãnh đạo tỉnh Gò Công thời chế độ cũ trước đây, của thị xã Gò Công sau 1975 hiểu rõ ý nghĩa của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, "tiên học lễ, hậu học văn". Nhờ đó, việc giữ gìn những truyền thống này thuận lợi và nhận được nhiều sự ủng hộ thiết thực. Việc Hội Cựu Giáo chức Gò Công được hoạt động ở một địa điểm không thể lý tưởng hơn, là một minh chứng.

Phải chăng đó là những cơ sở nền tảng, để trong suốt thế kỷ 20 và cho đến hôm nay, các giá trị cốt lõi của gia đình, của cộng đồng và xã hội ở Gò Công đã may mắn ít bị đứt đoạn, không bị coi nhẹ, đảo lộn và được bảo toàn. 

Và vì vậy, những giá trị cốt lõi của gia đình, của cộng đồng và xã hội rất khó bị đối nghịch nhau như ở một số nơi khác.

... Một truyền thống tốt đẹp thường phải mất rất nhiều thời gian, công sức để tạo dựng. Việc gìn giữ một truyền thống như vậy cũng không hề đơn giản dễ dàng. 

Vì vậy, tôi xin phép chúc các chủ nhân của Văn Miếu Gò Công sớm đạt được những kỳ vọng chấn hưng truyền thống hiếu học của mình ./. 

----------------------------------------------------------------------

P/S: Văn Thánh Miếu Gò Công được ông Lê Quang Liêm một nhân sĩ và Hội Khổng Thánh Tế Tự xây dựng từ năm 1942, trên nền tảng Miếu thờ Võ Tánh cũ ở đường Lưu Thị Dung, Phường 2 thị xã Gò Công. 

Năm 1970-1971 thời Việt Nam Cộng Hòa, được sự hỗ trợ của chính quyền, các giáo chức Lê Văn Cang và Cung Tất Mai thuộc Hội Tế tự Khổng Tử đã xây dựng Văn Thánh Miếu mới tại địa điểm hiện nay.

Sau 1975, ban đầu khu Văn Thánh Miếu được giao cho Phòng Giáo Dục Gò Công sử dụng làm Nhà Trẻ 8/3. Nhà trẻ sử dụng tầng một còn tầng hai để nguyên, nhưng Ban quản lý Nhà Trẻ không chú trọng hương khói nên xuống cấp rõ rệt.

Từ ngày 19/09/2004, Câu Lạc Bộ Nhà Giáo Hưu Trí được giao tầng hai làm trụ sở, nơi hội họp. Năm sau, Hội Cựu Giáo Chức Thị xã Gò Công, truyền nhân của Câu Lạc Bộ Nhà Giáo Hưu Trí, được tiếp nhận toàn bộ khu Văn Thánh Miếu Gò Công làm trụ sở như chúng ta hiện thấy.

----------------------------------------------------------

Một số hình ảnh Văn Thánh miếu được dùng làm trụ sở Hội Cựu Giáo chức Gò Công.



Bài trên trang Nguyễn Chương-Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét