Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

MINH DIỆN : KHI LỖ TAI QUA ĐƯỜNG BIÊN

Link : http://bvbong.blogspot.com/2013/01/khi-lo-tai-qua-uong-bien.html

Tuyến đường Lạng Sơn - Bằng Tường          
* Ghi chép MINH DIỆN
                    Dừng chân bên cột mốc biên giới, cô hướng dẫn viên du lịch khá xinh đẹp nói với mọi người:
                  - Thưa các bác ! Đây là Hữu nghị quan, nơi cách đây hơn nửa thế  kỷ  Hồ Chủ tịch và  Mao Chủ tịch đã gặp nhau và ký tên vào tấm bản đồ hữu nghị…          

                  Cô gái nói như đọc một bài văn đã học thuộc lòng, vừa sáo rỗng vừa sai sự thật lịch sử. Tôi nghe mà phát nóng ran khắp người. Một sự phản ứng theo bản năng, tôi giật chiếc Micro trong tay cô gái:
                 - Cháu  nói sai rồi!
                  Mặt cô gái đỏ bừng vì tự ái.  Cô hỏi tôi:
                 - Sai chỗ nào bác?
                 - Cháu nói sai về địa danh và lịch sử!
                 Cô hướng dẫn viên mở chiếc túi đeo bên mình lấy tờ bướm hướng dẫn du lịch in khá đẹp bằng chữ Trung Quốc và Việt Nam đưa cho tôi:
                 - Bác có biết đọc không ạ !
                 Tờ bướm do Công ty  du lịch Trấn Nam, thành phố Bằng Tường, Trung Quốc xuất bản. Ngay dòng đầu tiên in bằng chữ Trung Quốc đã sai: “Nam  trấn Trung Hoa lục địa, thiên niên thứ kỳ quan đệ nhất danh thắng!” (Đây lả Trấn Nam của Trung Quốc hàng ngàn năm, là kỳ quan số một danh  thắng). Tôi  nói với cô hướng dân viên du lịch và cũng là nói với những  người khách du lịch đi chung  tua:
                 - Chỗ ta đứng chưa phải là mảnh đất cuối cùng của Việt Nam.  Cái tên “ Mục Nam Quan” cũng như “ Trấn Nam Quan” không phải ông bà ta mà đều do Trung Quốc đặt ra cả...
                 Cô gái ngắt lời tôi:
                - Chú muốn vẽ lại bản dồ biên giới ạ?
                 Cô  là  sinh viên  năm thứ 2 một trường đại học ở  Hà Nội, đi làm thêm hướng viên  cho một công ty du lịch lữ hành. Cô mặc bộ đồng phục màu xanh, trên ngực thêu lô-gô thanh niên tình nguyện. Nhìn cô  rất trẻ, chắc chắn ít tuổi hơn con gái út tôi, nhưng nét kiêu ngạo, hiếu thắng và cơ hội hiện rõ trên mặt  như bất kỳ một cán bộ đoàn thanh niên nào mà tôi thường gặp.
                 Tôi cố nói thật nhẹ nhàng :
                - Đây là cột mốc biên giới cắm năm 2001, lấn sang bên ta. Thực ra cái mà  cháu gọi là Hữu nghị quan  còn cách cột mốc này hơn 400 mét. Muốn đến đó  phải qua Qủy Môn Quan…
                 Cô hướng dẫn viên du lịch cất tiếng cười khanh khách:
                - Bác này kể chuyện cổ tích đấy ạ?
                 Cô giằng lại chiếc Mcro, tiếp tục thuyết  minh,  đúng hơn là đọc những dòng tiếng Việt trong tờ giấy quảng cáo du lịch của Công ty du lịch Trấn Nam, Bằng Tường.
                 Mấy anh em chúng tôi nhìn nhau ngao ngán trước thái độ của cô gái trẻ.
                Trong đám khách du lịch hôm ấy, có bốn người chúng  tôi là giám đốc bốn công ty dệt tư nhân từ Sài Gòn ra Hà Nội dự Hội nghị “Doanh nhân văn hóa”, chủ nhật rủ nhau đi cuốc du lịch ngắn Bằng Tường tìm hiểu vải sợi.  Với tôi  Bằng Tường  không xa lạ, nhưng mấy anh quê Sài Gòn thì là lần đầu. Trong nhóm mỗi mình tôi là “dân Việt cộng ” còn ba người kia là “ngụy”. Anh Lâm bằng tuổi tôi, nguyên trung tá quân y chế độ cũ, giờ là Tổng gián đốc Công ty dệt may Thái Hà, anh Trường nguyên trung úy thủy quân lục chiến giờ là Giám đốc công ty  Hòa Phát và anh  Phúc, nguyên  phi công giờ là Giám đốc công ty dệt lụa Sắc Việt. Dù đã gần bốn mươi năm “hòa hợp dân tộc” nhưng họ vẫn còn mặc cảm, giữ ý tứ khi ra Bắc,  nhất là gặp  những trường hợp như cô gái này.
                   Để tránh cặp mắt khiêu khích, và phải nghe những lời ba hoa của cô gái, chúng tôi nháy nhau tách khỏi đoàn khách du lich,  đi lang thang  quanh khu vực cửa khẩu.
                   Đầu tháng Ba, trời quang. Nắng ấm. Núi non trùng điệp, thảo nguyên bao la, thung lũng  thăm thẳm. Dòng sông Kỳ Cùng như  chảy lưng chừng dãy núi Mẫu Sơn, hắt lên trời những tia sáng nhấp nhánh. Giữa màu xanh  bao la, bừng sáng  màu trắng tinh khôi những vườn  mận hậu vừa nở hoa và những chấm đỏ mái ngói trên thảo nguyên. Mảnh đất địa đầu Tổ Quốc hùng vĩ, tươi đẹp không bức tranh nào tả được.
                   Nhưng càng nhìn lòng càng buốt nhói, vì mảnh đất này, ông cha ta phải đổ bao nhiêu  mồ hôi, xương máu giữ gìn, bây giờ không còn nguyên vẹn. Cái cảm giác da thịt mình bị cắt xẻo rất rõ đối với một người yêu Tổ Quốc thân yêu của mình.
                   Cột mốc biên giới Việt-Trung ở đây mới  dựng năm 2001. Ngày khánh thành cột mốc này, nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc cùng thị trưởng Bằng Tường, đã mở  99 chai sâm banh ăn mừng trong khách sạn cổ Internationnall  Notle.  Đó là kết quả mà Trung Quốc đã đạt được sau khi Hiệp ước biên giới trên bộ Trung –Việt , Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc  Đường Gia Triều và Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đặt bút ký  tại Hà Nội ngày 30-12-1999.
                    Hiệp ước này lại là kết quả của Hội nghị Thành Đô, Trung Quốc, giữa Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh năm 1991.
                    Ông Phạm Văn Đồng làm Thủ tướng chính phủ lâu nhất Việt Nam, cũng là người được ghi vào sách kỷ lục  thâm niên thủ tướng lâu nhất thế giới. Nhiều người khen ông sáng suốt, đức cao vọng trọng. Nhưng  hai việc ông đã làm, là ký bức thư trao đổi với Thủ tướng Trung Quốc về năm 1958, và  với cương vị cố vấn trong Hội nghị Thành đô, để Trung Quốc chiếm biển đảo và đất liền của Việt Nam,  thì dù ở dưới suốí vàng ông cũng ân hận, đừng nói có công với nước!
                    Ông Nguyễn Văn Linh sẽ là một vị Thánh để nhân dân Việt Nam tôn thờ, vì có công làm cuộc phá rào do “chính mình  rào mình” như ông nói, mở cừa nền kinh tế Việt Nam bước ra hòa nhập kinh tế thị trường, nếu như  ông không gục ngã trước những lời hứa hão tẩm đậm đường mật của Trung Quốc vòa rót lỗ tai tại Hội nghị Thành Đô!
                    Nghe nói, Hội nghị Thành Đô năm ấy, diễn ra trong sự  mất thăng bằng vì cú sốc Liên bang Xô - viết nói riêng, Đông Âu nói chung sụp đổ.  Ông Nguyễn Văn Linh mới thăm Rumania trước đó chưa bao lâu, khi về nước ông ca ngợi Tổng bí thư đảng cộng sản kiêm Chủ tịch hội đồng nhà nước Nicolae Seausescu  được nhân dân đặc biệt yêu mến. Đùng một cái, con người tự cho mình là “Conducator Ceniul den Carpati” ấy bị lật đổ, bị bắn bỏ chỉ sau một phiên tòa ngắn ngủi chưa dầy 120 phút. Cái chính thể độc tài, tham những, sùng bái cá nhân ông ta đứng đầu 24 năm,  đổ sụp như tòa lâu đài xây trên cát không cần bất kỷ một tác động ngoại lực nào.
                   Hình như Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân  đã lợi dụng những  biến cố dữ dội ấy  của lịch sử đó để lái, để ép  Pham Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười theo quỹ đạo Trung Quốc, dành lợi thế cho họ. Có lần  người viết bài này, đã được nghe nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tâm sự  trước ngày ông mất không lâu, và ông tỏ ra vô cùng ân hận.
                   Anh Lâm và anh Trường đứng bên cột mốc biên giới cho anh Phúc chụp ảnh.  Anh Trường hỏi tôi:
                  - Nếu chính xác cái cột mốc này phải ở chồ nào?
                   Đó là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhưng theo nhiều nhà sử học và địa lý, thì  cột mốc biên giới Việt Trung bây giở không còn ở vị trí mấy ngàn năm trước, thậm chí không còn  ở nơi 125 năm  trước, Lý Hồng Chương đại diện nhà Thanh và Đô đốc Rieunier,  thay mặt toàn quyền Pháp ở Đông Dương ký Hòa ước Thiên Tân 1887.  Cột mốc biên giới hiện nay lấn sang Việt Nam gần nửa ki-lô-mét, chúng ta đã mất Ải Chi Lăng, một địa danh gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống lại các triều đại phong kiến phương Bắc xâm lược Việt Nam , như nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh, mành đất địa đầu  thẫm đẫm lịch sử oai hùng và bi tráng  đã đi vào thi ca, truyền thuyết của dân tộc ta.  Còn đối  với Trung Quốc , địa danh này  là nỗi ám ảnh khôn nguôi của nhục nhã và khiếp sợ.
Đầu tiên phải nói tới Núi Quỷ. Tạo hóa đã đúc lên một khuôn măt  trái núi có đầy đủ mặt , mũi, miệng với hàm răng lởm chởm nhìn vô cùng hung dữ như mặt quỷ.  Cỏ cây  ngàn đời nay không mọc chen vào mặt quỷ. Theo người dân địa phương, núi quỷ dữ với  thù nhưng nhân hậu che chở cho dân ta! Những ngày tháng trời quang mây tạnh, càng nhìn rõ mặt Quỷ, nhân dân xã Chi lăng càng bình an và làm ăn khấm khá.
                      Núi Quỷ sừng sững trước ải Chi Lăng, như một bức cổng thành của đất nước.  Ông cha ta đã tạc vảo vách núi những chữ tượng hình để răn đe giặc phương Bắc : “Qủy môn quan, Qủy môn quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn!”.
                     Thực tế  đã chứng minh lời cảnh báo đó.
                     Năm 43 công nguyên, Mã Viện mang quân qua đây tiến vào đất Mê Linh dẹp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng , y định tạc bia ghi công tích ở đây,  nhưng sau đó phải ôm thất bại quay về. Đời sau thi hào Nguyễn Du mỉa mai :
                    Thấp thoáng quỷ đầu nương bóng khói.
                    Rập rình cọp rắn núp rừng sâu
                    Bên rừng gió lạnh luồng xương trắng
                    Hán tướng công gì kể bấy lâu?
                    Năm 981,vua Đinh Tiên Hoàng bị ám sát, Tống Phúc Tông sai Hầu Nhân Bảo qua ải này  xâm chiếm Đại Cồ Việt, phải ôm đầu máu về nước. Năm 1077, Tống Thần Tông  lại sai Quách Qùy tấn công Đại Việt lần thứ 2, cũng cắm đầu chạy khỏi ải Chi Lăng . Năm 1284, Hốt Tất Liệt sai Thoát Hoan, xâm lược Đại Việt lần thứ 3, thua nhục nhã phải chạy vế phủ phục dưới chân Hốt Tất Liệt xin tha tội chết. Năm 1788 , Tôn Sĩ Nghị , Sầm Nghi Đống , Hứa Thế Hanh vâng mệnh vua Càn Long nhà Thanh mang mấy chục vạn sang xâm lược nước ta qua hai ngả Cao Bằng và Lạng Sơn,  rốt cuộc  Sầm Nghi Đống phải tự treo cổ mà chết ở núi Loa, Tôn Sỹ Nghị cắm đầu ôm mình ngựa chạy trối chết , tai  còn văng vằng nghe lời hào sảng của Quang Trung: “ Hồn các người không vơ vẩn ở trời Nam, hãy lên đường mà quay về hướng chí!”
                  Trước đó, Ải Chi Lăng từng chứng kiền nỗi đau khi nhà Hồ suy vi , rối ren,  để nhà Minh lợi dụng xâm lược nước Việt, tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt  Học sỹ hàn lâm Thị lang Nguyễn Phí Khanh manh về nước, trói tay dẫn qua ải này , vừa đi vừa bị đánh đòn. Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng chạy theo cha,  xin được tới Kim Lăng  phụng dưỡng đáp đền chữ hiếu. Nguyễn Phi Khanh  ngẩng mặt nhìn lên ải , nói với Nguyễn Trãi: “ Nam nhi chi chí! Hãy tìm đường mà rửa thẹn cho nước mới là chữ hiếu !”
                Nghe lời cha, Nguyễn Trãi quay về Thanh Hóa cùng Lê Lợi lập sách lược và chỉ huy quân diệt Minh cứu nước. Năm 1427, tướng giặc Minh là Liễu Thăng bị tướng quân Lê Sát chém ở núi Mã Yên, cố ôm đầu phi ngựa chạy về đây. Bỗng  nhìn thấy Núi Quỷ , Liễu Thăng thét lên một tiếng  kinh hoàng , ngã  khỏi mình ngựa, đầu văng  trên mặt đất. Hình hài ô nhục và khiếp đảm của tên tướng giặc  Liễu Thăng hóa thành một tảng đá giống y như người mất đầu quỳ lạy , nhân dân nơi đây gọi lả  “ Liễu Thăng thạch”, bên cạnh đó một tảng đá uy nghiêm giống y như thanh kiếm,  được lưu truyền trong dân gian lả “ Lê tổ kiếm”.
                     Từ ải thiêng này, Nguyễn Trãi đã sang sảng tuyên đọc  Bình Ngô Đại Cáo : “ …Quân cuồng Minh đã thừa cơ từ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ !”…
                    Trong cuộc xâm lược Việt Nam gần nhất, ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã điều 600.000 quân theo thung lũng  Sông Hồng và ải Chi Lăng đánh vào 6 tỉnh Cao Bắng, Lạng Sơn, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, giết hại hàng  chục ngàn đồng bào ta. Khi rút về qua cửa ải này, có những tên lính người Liêu,  còn xách những xâu tai người về linh thưởng.
                    Vậy mà,  theo Hiệp ước 1999, Ải Chi Lăng, Quỷ Môn Quan hay cái gọi là Nam Quan, Hữu Nghị Quan không còn của Việt Nam nữa. Những người cộng sản Trung Quốc đã chiếm được đất, xóa được vết nhục và nỗi ám ảnh mà cha ông họ không làm được, còn Việt Nam thì ngược lai!
                    Chúng tôi chui qua cái cổng  đồ sộ ba tầng trên có ba chữ phồn thể Hữu Nghĩ Quan, dẫm chân lên cái vạch mầu vàng, chờ Hải quan Trung Quốc khám lần cuối, rồi lên cái xe du lịch 12 chỗ treo  Made-in - China vào Bằng Tường.
                   Thành phố nhỏ, 180.000 dân, đường phố hẹp, có nhiều cây xanh và  những con đường hầm xuyên qua núi  dường như  dùng làm phựng tiện chiến tranh hơn dân sự.
                  Cô hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc tên  Tú Quyên mặt tròn, mắt một mí, trang phục người Dao đỏ, nói tiếng Việt rất sõi, tỏ ra thân thiện và rất săn đón  khi biết chúng tôi là doanh nhân. Lạ lùng thay, khi cái cô hướng dẫn viên người Trung Quốc tỏ ra trân  trọng chúng tôi,  thì thái  độ của cô hướng dẫn viên du lịch người Việt Nam thay đổi hẳn. Cô gái lột bỏ bộ mặt kiêu căng, hiếu thắng, nhoẻn cười, tự giới thiệu tên là Tuyết Trinh, nói năng ngọt xớt.  Không hiều vì  thói quen nịnh nọt người giàu hay thói quen nô lệ ? Tôi cảm thấy vừa  thương hại vừa lo. Cái  loại người như cố gái này sẵn sàng cúi rạp trước tiền tài, danh vọng ,  đạp vảo mặt dân không thương tiếc!
                  Họ dẫn chúng tôi thăm quan qua loa  thành Đại Liên, Vườn thực vật, rồi vào chợ Bằng Tường.
                 Chợ ở trung tâm thành phố, một trệt một lầu, dưới bán hàng tiêu dùng trên bán hàng may mặc vải vóc. Là những người làm nghề dệt, nên chúng tôi  quan  tâm mặt hàng tơ sợi,và thuốc nhuộm.
                  Cô Tú Quyên nói với chúng tôi:
                 - Các ông  có thể ký hợp đồng ngay tại đây với khối lượng lớn không hạn chế. Các ông sẽ  được giảm tới 10%  thuế và được hường 15% hoa hồng . Khoản tiền này hoàn toàn được giữ bí mật không bao giờ tiết lộ cho lãnh đạo cũng như các cổ đông của công ty các ông biết.
                 Không  màu mè rào đón, móc nối làm ăn thằng băng. Một nhân viên hướng dẫn du lịch,  mà sành sỏi và quyết đoán như  một bà chủ.
                 Anh Lâm hỏi:
                  - Nếu tôi mua 50 tấn sợi Polyeter, không mở LC,  thì sẽ được bao nhiên tiền hoa hồng.
                 Cô Tú Quỳnh lấy máy tình bấm nhoay nhoáy và chìa cái máy tính cho chúng thôi xem. Con số đó là 15.000 đô la .
                 Thảo nào các doanh nghiệp nhà nước họ ham mua bán với Trung Quốc.
                 Chúng tôi tỏ ra lo ngại vì mua bán như vậy  sẽ bị phát hiện. Cô Tú Quyên nói có một thứ  bùa phép rất linh thiêng, có thể giúp chúng tôi nói cho mọi người phải nghe theo mình.
                 Cô ta kêu xe Taxi chở chúng tôi đến đền Quan Công ở ngoại ô. Đó là  ngôi đền cổ kính, khói hương nghi ngút, rất nhiều tiền âm phủ dán kín gốc cây đa trước cổng đền. Một quả chuông đồng khá to, bên trong dán chi chít những mảnh giấy cấu nguyên xin phúc lộc. Tôi tò mò đọc và thấy  mảnh giấy chữ đã mờ dán trong lòng chuông, của một người lính Trung Quốc, viết trước khi sang xâm lược Việt Nam từ mấy chục năm trước, cầu được sống sót trở vế. Ông lão gác đền nói với tôi:
                  - Năm 1979 tướng Hứa Thế Hữu tới đây đánh chín hồi chuông trước khi đi đánh giặc phương Nam.
                   Ông ta nói như vậy vì không biết tôi người Việt Nam.
                   Khi chúng tôi thắp nhang xong, cô hướng dẫn viên Tú Quyên, dẫn chúng tôi vào  hành lang hẹp. Hình như cô ta đã liên hệ trước bắng điện thoại, một lão người Liêu xuất hiện. Khuôn mặt lão xám ngoét, nhăn nheo, hai con mắt như mắt rắn , tóc xõa xuống vai. Lão mặc cái áo dài đến đầu gối.
                   Lão nói bằng tiếng địa phương với Tú Quyên:
                   - Năm trăm tệ một cặp, linh thiêng lắm đó hà!
                  Tú Quyên nói với chúng tôi:
                  - Ông thầy này có những cái tai người phơi khô. Các ông có cái tai đó nói gì người khác cũng phải nghe à!
                  - Tai người thật?
                  - Thật chớ! Chỉ người Liêu ở đây mới có!
                   - Khốn nạn!
                    Một phản ứng tự nhiên, tôi thốt lên rồi kéo vội ba người bạn ra khỏi hành lang.
                    Chúng tôi lên Taxi rời  Bằng Tường, bỏ mặc cô sinh viên Tuyết Trinh ở lại với cô bạn đồng nghiệp Tú Quyên.
                    Từ ngày đó tôi bị ám ảnh và luôn mang một tâm trạng rất nặng nề. Tôi nghĩ không biết bọn lính người Liêu cắt tai những người dân Việt Nam năm 1979 mang về để lĩnh thưởng hay làm trò ma quái đó? Và đã có người Việt Nam nào nghe theo trò lừa đảo man rợ ấy chưa?
          Gần 20 năm tôi đoạn tuyệt với nghề báo, nên chuyện này  hôm nay tôi mới viết lại. Tôi chỉ muốn nói với các bạn trẻ một điều hãy cảnh giác với chính mình.
M.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét